Hoạt động giám sát của quốc hội các nước Anh, Mỹ

NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.

Viewing 0 reply threads
  • Author
    Posts
    • #7149
      NCQT
      Keymaster

      Hoạt động giám sát của quốc hội các nước Anh, Mỹ

      Nhằm mục tiêu đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, Quốc hội nước ta các nhiệm kỳ gần đây tập trung nỗ lực cho các hoạt động giám sát tối cao và giám sát theo chuyên đề. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu kinh nghiệm tổ chức, hoạt động giám sát của quốc hội các nước có bề dày xây dựng nhà nước pháp quyền có ý nghĩa tham khảo.

      Hoạt động giám sát của quốc hội Anh, Mỹ trong lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước bao gồm nhiều khía cạnh, cụ thể như sau:

      Quốc hội (Nghị viện) Anh

      Nghị viện Anh bao gồm Nữ hoàng, Thượng viện và Hạ viện. Nghị viện có chức năng lập pháp; quyết định những vấn đề quan trọng như thông qua ngân sách, quyết định chiến tranh và hoà bình, phê chuẩn các điều ước quốc tế và các thứ thuế…

      Ở Anh, Nữ hoàng với tư cách là người đứng đầu cơ quan lập pháp, hành pháp và tổng chỉ huy lực lượng vũ trang, có tính chất đại diện cho quốc gia. Nữ hoàng ban hành luật, đàm phán thương lượng các hiệp định, ra lệnh ân xá, triệu tập Nghị viện, giải tán Nghị viện. Trong hoạt động giám sát đối với tổ chức bộ máy nhà nước, Nữ hoàng lựa chọn Thủ tướng và Nội các, bổ nhiệm các chức vụ nhà nước và tôn giáo. Nữ hoàng có quyền bổ nhiệm Thủ tướng nhưng chỉ được bổ nhiệm chủ tịch đảng chiếm đa số trong Hạ viện vào vị trí này.

      Hạ viện do nhân dân trực tiếp bầu ra, hoạt động theo nhiệm kỳ 5 năm. Công dân Anh từ 18 tuổi trở lên, trừ thượng nghị sỹ, những người bị bệnh tâm thần, đang bị phạt tù, những người tham ô hoặc gian lận trong bầu cử năm năm gần nhất, thì đều có quyền bầu cử. Hạ viện gồm 659 thành viên, trong đó Anh có 529 thành viên, Xứ Uên: 40 thành viên và Bắc Ai-len: 18 thành viên.

      Hạ viện bầu Chủ tịch và các Phó Chủ tịch. Chủ tịch Hạ viện không được phát biểu, biểu quyết, trừ khi trong phiên họp, tỷ lệ phiếu thuận và phiếu chống ngang nhau trong biểu quyết một vấn đề. Chủ tịch Hạ viện phải từ bỏ đảng trong thời gian giữ chức vụ. Trong Hạ viện Anh, chức danh thủ lĩnh ban lãnh đạo đảng đoàn tại Hạ viện của đảng cầm quyền do Thủ tướng bổ nhiệm. Thủ lĩnh đại diện cho Chính phủ tại Hạ viện có quyền xác định chương trình hoạt động lập pháp của Hạ viện, quyết định chương trình nghị sự của kỳ họp. Đặc biệt đối với tổ chức nhân sự của nhà nước, thủ lĩnh đại diện cho Chính phủ tại Hạ viện có quyền đề nghị ứng cử viên vào một số chức vụ của Chính phủ.

      Hạ viện thành lập ủy ban thường trực và ủy ban lâm thời với quy định thành viên các ủy ban không đồng thời là thành viên Chính phủ. Ủy ban thường trực chia thành ủy ban toàn viện, ủy ban chuyên môn và ủy ban không chuyên môn. Trong đó, ủy ban toàn viện gồm toàn thể thành viên của Hạ viện, được triệu tập khi cần thảo luận các vấn đề lớn nhưng không biểu quyết thông qua quyết định; 16 ủy ban chuyên môn thực hiện nhiệm vụ soạn thảo, nghiên cứu, thẩm tra các dự án luật. Để phối hợp hoạt động giữa các ủy ban thường trực, Hạ viện thành lập ủy ban liên lạc. Ủy ban lâm thời được thành lập để phục vụ cho hoạt động của Hạ viện trong thời gian diễn ra các kỳ họp.

      Hạ viện là cơ quan quyền lực cao nhất, là cơ quan lập pháp, có chức năng phê chuẩn các đạo luật và Hiệp ước ký với nước ngoài, có quyền phủ quyết đối với các quyết nghị của Thượng viện.

      Trong hoạt động giám sát, Hạ viện thành lập Chính phủ và có thể giải tán Chính phủ thông qua bỏ phiếu bất tín nhiệm. Hạ viện thực hiện quyền giám sát của mình đối với tổ chức của Chính phủ bằng việc buộc Chính phủ phải từ chức thông qua một nghị quyết về việc “bất tín nhiệm”. Chính phủ buộc phải từ chức cả trong trường hợp khi Hạ viện phản đối một dự án quan trọng do Chính phủ đưa ra hoặc Hạ viện từ chối biểu quyết chi tiền cho hệ thống dịch vụ công cộng. Song không phải chỉ Nghị viện mới có quyền kiểm soát, ngăn cản Chính phủ mà Chính phủ cũng có quyền kiểm soát, ngăn cản Nghị viện thông qua việc Thủ tướng có thể đề nghị Nữ hoàng giải tán Hạ viện và tuyển cử một Hạ viện mới trong trường hợp Nghị viện bất tín nhiệm Chính phủ.

      Thượng viện gồm các nhà quý tộc, các tổng giám mục và giám mục các địa phận thuộc Giáo hội Anh. Thành viên của Thượng viện là nghiễm nhiên, không cần qua dân bầu. Thượng viện chỉ gồm 709 thượng nghị sĩ, trong đó có 91 quý tộc thừa kế, 522 quý tộc suốt đời, 2 tổng giám mục, 24 giám mục Giáo hội Anh… Trong số các thượng nghị sĩ chỉ có khoảng 100 vị thường xuyên tham gia các cuộc họp của Thượng viện, các nghị sĩ còn lại hầu như không hoạt động. Chủ tịch của Thượng viện là thành viên của Chính phủ do Nữ hoàng bổ nhiệm theo đề nghị của Thủ tướng, nhiệm kỳ hoạt động là 5 năm. Giúp việc cho Chủ tịch có 2 Phó Chủ tịch do Thượng viện bầu, nhiệm kỳ một năm. Thượng viện có 17 ủy ban thường trực, thành viên của ủy ban được bổ nhiệm theo tỷ lệ số ghế của các đảng phái trong Nghị viện. Vai trò của Thượng viện rất hạn chế, không có khả năng cản trở việc thông qua luật của Hạ viện (chỉ có thể trì hoãn trong vòng một năm, riêng luật tài chính chỉ được trì hoãn trong một tháng).

      Trong hoạt động giám sát của Thượng viện đối với tổ chức bộ máy nhà nước, Chủ tịch Thượng viện bổ nhiệm thẩm phán theo đề nghị của Chính phủ và trở thành cơ quan tối cao phán quyết, xét xử các vụ việc bị kháng án của tất cả các tòa án, là nơi đưa ra quyết định cuối cùng và không bị kháng án. Chủ tịch Thượng viện là chánh án tòa án tối cao, đồng thời là thành viên Chính phủ.

      Trên danh nghĩa, trong nội bộ Nghị viện, Thượng viện là thế lực đối trọng và kiềm chế của Hạ viện, để kiểm soát và ngăn ngừa các quyết định thiếu cẩn trọng của Hạ viện. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều khi Thượng viện chỉ đóng vai trò bổ sung, tư vấn cho Hạ viện chứ không có tính đối lập.

      Quốc hội Mỹ

      Quốc hội Mỹ gồm hai viện: Thượng viện và Hạ viện. Thượng viện gồm 100 thành viên, có nhiệm kỳ hoạt động là 6 năm. Thượng viện Mỹ được bầu trực tiếp từ 50 bang, mỗi bang có 2 đại diện. Theo quy định của pháp luật Mỹ, cứ hai năm 1/3 số thành viên của Thượng viện sẽ được bầu lại. Thượng viện có 16 ủy ban thường trực. Thượng viện quyết định các đạo luật về đối ngoại, phê chuẩn các điều ước quốc tế.

      Trong hoạt động giám sát đối với tổ chức của các cơ quan nhà nước, Thượng viện có thẩm quyền thông qua việc đề cử các thành viên Nộị các, thẩm phán, chánh án, các đại sứ và các quan chức ngoại giao. Tổng thống có quyền đề cử và bổ nhiệm các đại sứ, công sứ, lãnh sự, các thẩm phán tòa án tối cao và công chức khác của nhà nước nhưng phải có sự chấp thuận của Thượng viện.

      Hạ viện có 435 đại biểu chính thức từ 50 bang theo quy định của một đạo luật quy định về số lượng thành viên cố định của Hạ viện được ban hành ở Mỹ từ năm 1922. Do Hạ viện được bầu trên cơ sở dân số của từng bang nên bang nào có dân số đông hơn sẽ có nhiều đại diện hơn. Công dân Mỹ từ 25 tuổi trở lên, có 7 năm mang quốc tịch Mỹ, là công dân của bang mà họ đại diện trước ngày bầu cử sẽ có đủ điều kiện để trở thành ứng cử viên của Hạ viện. Hạ viện có nhiệm kỳ hoạt động là hai năm. Các hạ nghị sĩ không bị giới hạn số nhiệm kỳ. Chủ tịch Hạ viện được bầu trong số các thành viên. Cơ cấu Hạ viện bao gồm Chủ tịch Hạ viện, Thư ký, các ủy ban thường trực, các ủy ban khác, các bộ máy giúp việc (22 ủy ban). Số lượng thành viên trong các ủy ban giống nhau và được thành lập theo thoả thuận giữa hai đảng lớn trên cơ sở tỷ lệ số thành viên trong Hạ viện.

      Phó Tổng thống, Tổng thống Mỹ được bầu theo nhiệm kỳ 4 năm và do tập thể đại cử tri Mỹ bầu ra. Tổng thống Mỹ chỉ có thể đảm nhiệm chức vụ không quá hai nhiệm kỳ. Nếu cá nhân nào đảm nhiệm chức vụ Tổng thống sau cái chết hay sự từ chức của Tổng thống đương nhiệm thì thời hạn chung mà người đó giữ cương vị Tổng thống không được quá 10 năm tròn. Hiện nay, tập thể đại cử tri Mỹ gồm có 538 người. Công dân của mỗi bang trong số 50 bang được bầu số đại cử tri bằng tổng số nghị sỹ có trong Quốc hội Mỹ. Riêng quận Cô-lum-bi-a trực thuộc liên bang được bầu 3 đại cử tri. Các đại cử tri được bầu theo danh sách thống nhất với chế độ bầu cử đa số tương đối. Đảng nào thu được nhiều phiếu cử tri nhất sẽ chiếm toàn bộ đại cử tri của bang. Ứng cử viên chức vụ Tổng thống Mỹ có thể là người được đại hội toàn quốc của các đảng (chủ yếu là Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ) đưa ra, cũng có thể là ứng cử viên độc lập do ủy ban chính trị đề cử.

      Hoạt động giám sát của Hạ viện đối với tổ chức của bộ máy nhà nước, cụ thể là chức danh Tổng thống Mỹ thể hiện ở chỗ trong trường hợp khuyết Tổng thống và Phó Tổng thống, Chủ tịch Hạ viện sẽ đảm nhiệm chức vụ Tổng thống. Tiếp đến là Chủ tịch lâm thời Thượng viện (một thượng nghị sĩ được Thượng viện bầu ra để chủ trì Thượng viện trong lúc không có Phó Tổng thống), sau đó là các quan chức Nội các theo thứ tự quy định có thể đảm nhiệm chức vụ Tổng thống.

      Hạ viện cũng phát huy vai trò giám sát mạnh mẽ đối với hoạt động bầu cử Tổng thống Mỹ. Theo pháp luật Mỹ, để trúng cử vào chức vụ Tổng thống và Phó Tổng thống, ứng cử viên phải thu được đa số phiếu tuyệt đối của đại cử tri. Nếu không có ứng cử viên nào thu được đa số phiếu tuyệt đối, Tổng thống Mỹ sẽ do Hạ viện bầu ra trong số 3 ứng cử viên thu được nhiều phiếu nhất.

      Hiến pháp Mỹ quy định Tổng thống Mỹ có quyền lực lớn. Tổng thống vừa là nguyên thủ quốc gia vừa là người đứng đầu bộ máy hành pháp, vừa là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang. Về lập pháp, Tổng thống giám sát chặt chẽ quá trình soạn thảo luật, có quyền triệu tập quốc hội, có quyền đề xuất và phủ quyết các dự luật, trong đó có quyền chuẩn bị dự án ngân sách, các dự luật tài chính, ban hành các quy tắc, quy chế, kế hoạch cải tổ. Về hành pháp, Tổng thống có quyền thành lập Nội các, bổ nhiệm các bộ trưởng, các đại sứ… với khoảng 75.000 chức vụ (có sự phê chuẩn của Thượng viện). Về tư pháp, Tổng thống bổ nhiệm các thẩm phán tòa án liên bang và có quyền ra lệnh ân xá. Về đối ngoại, Tổng thống có quyền thay mặt quốc gia ký kết các hiệp ước với các nước, hoạch định các chính sách đối ngoại. Là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, Tổng thống Mỹ là người tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc từng địa phương, có thể huy động sức mạnh quân sự để lập lại trật tự. Trên thực tế, Tổng thống Mỹ có quyền lực lớn hơn so với quy định của hiến pháp.

      Tuy nhiên, pháp luật Mỹ đã trao cho quốc hội có thẩm quyền giám sát mạnh mẽ đối với chức danh Tổng thống. Quốc hội có thể truất quyền Tổng thống theo một thủ tục tố tụng đặc biệt là thủ tục “đàn hạch”. Theo đó, ủy ban pháp luật của Hạ viện soạn thảo bản buộc tội rồi đưa ra Hạ viện xem xét. Nếu Hạ viện thông qua bằng đa số phiếu thuận, bản cáo buộc sẽ được chuyển cho Thượng viện quyết định. Chủ tọa phiên tòa cáo buộc của Thượng viện đối với Tổng thống là Chánh án tòa án tối cao. Thượng viện thông qua quyết định bằng cách bỏ phiếu kín, theo từng điều khoản của bản cáo buộc. Để có quyết định buộc tội, cần có sự tán thành của hai phần ba số nghị sỹ có mặt. Cơ sở để cáo buộc Tổng thống theo thủ tục “đàn hạch” là các hành vi phản bội Tổ quốc, nhận hối lộ hay phạm những tội nghiêm trọng khác. Thủ tục “đàn hạch” thể hiện quyền giám sát của Quốc hội đối với Tổng thống, nhằm ngăn chặn sự lạm quyền của người đứng đầu cơ quan hành pháp ở Mỹ. Trong lịch sử nước Mỹ đã có các Tổng thống Giôn-xơn, Ních-xơn, Clin-tơn bị khởi tố theo thủ tục này, trong đó Ních-xơn phải từ chức.

      Ở Mỹ tồn tại hai hệ thống tư pháp: tư pháp liên bang và tư pháp bang, gồm 3 cấp là tối cao, thượng thẩm và sơ thẩm.

      Tòa án liên bang Mỹ có thẩm quyền giải quyết những vụ việc có liên quan đến quyền lợi liên bang, các vụ việc có giá trị trên 50.000 USD. Trong đó, Tòa án tối cao liên bang Mỹ gồm 9 thẩm phán, có quyền phủ quyết mọi đạo luật, hành vi nếu trái với hiến pháp. Các vụ án tòa án tối cao liên bang xem xét là các vụ án đã được tòa án thượng thẩm hoặc tòa án tối cao tiểu bang xét xử bị kháng cáo, kháng nghị. Tòa án tối cao liên bang cũng có thể lấy vụ án từ tòa cấp dưới lên để xét xử nếu 4 trong số 9 thẩm phán cho rằng điều đó là cần thiết. Bên cạnh đó, 11 tòa phúc thẩm ( mỗi tòa có từ 3 đến 15 thẩm phán ) có thẩm quyền xem xét các quyết định của tòa án sơ thẩm trong khuôn khổ khu vực của mình, các lệnh của các cơ quan quản lý độc lập. Mỹ có 89 tòa án sơ thẩm liên bang với 1 đến 27 thẩm phán trong mỗi tòa.

      Quốc hội Mỹ có chức năng giám sát đối với tổ chức của các cơ quan tư pháp: tất cả các thẩm phán liên bang đều có nhiệm kỳ suốt đời, do Tổng thống bổ nhiệm và phải có sự phê chuẩn của Thượng viện quốc hội.

      Bên cạnh tòa án liên bang, mỗi bang của Mỹ lại có một hệ thống tòa án riêng. Hệ thống tòa án mỗi bang được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của hiến pháp và luật của bang đó. Tương tự hệ thống tòa án liên bang, hệ thống tòa án của mỗi bang cũng bao gồm 3 cấp xét xử: tòa án tối cao tiểu bang, tòa án phúc thẩm, tòa án sơ thẩm. Khác với các thẩm phán liên bang, thẩm phán ở các tòa án của mỗi bang có thể được bầu, được bổ nhiệm theo những cách thức khác nhau và với nhiệm kỳ cũng khác nhau.

      Nghiên cứu hoạt động giám sát của quốc hội Anh, Mỹ đối với tổ chức của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, có thể rút ra một số kinh nghiệm có giá trị tham khảo để nghiên cứu, xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc bầu, bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh trong các cơ quan nhà nước ở nước ta./.

      TS. Lê Thanh Bình

      Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

      Nguồn: Tạp chí Cộng sản

       

Viewing 0 reply threads
  • You must be logged in to reply to this topic.