- This topic has 0 replies, 1 voice, and was last updated 9 years, 10 months ago by Hoang Nguyen.
-
AuthorPosts
-
-
24/02/2015 at 20:17 #6138Hoang NguyenModerator
Góc Bình luận là một chuyên mục của Dự án nghiencuuquocte.net nhằm trao đổi, thảo luận các vấn đề quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại Việt Nam. Đa số bài viết trong chuyên mục này được dịch từ các bài bình luận chất lượng từ các nguồn uy tín trên thế giới. Để biên dịch hiệu quả một bài bình luận, người dịch có thể tham khảo những hướng dẫn sau đây và lựa chọn cho mình phương pháp hợp lý nhất.
CẤU TRÚC MỘT BÀI BÌNH LUẬN
1. Độ dài bài viết
Độ dài lý tưởng của một bài bình luận trên nghiencuuquocte.net là từ 800 đến 1.500 chữ. Do đặc thù ngôn ngữ, độ dài của bản dịch tiếng Việt thường lớn hơn độ dài của bản gốc tiếng Anh. Theo kinh nghiệm của người viết bài này, tỉ lệ số chữ tiếng Việt so với số từ tiếng Anh thường rơi vào khoảng 1,2 đến 1,4. Do đó, một bản dịch trong mục Bình luận thường dài khoảng 1.000 đến 2.000 chữ, cá biệt có những bài lên đến gần 3.000 chữ, tùy độ dài bản gốc.
Ngắn gọn là một trong những yếu tố người dịch cần lưu ý để độc giả dễ tiếp cận, nhưng quan trọng hơn là phải đảm bảo tính chính xác của bản dịch.
2. Cấu trúc
Cấu trúc một bài bình luận bao gồm:
• Nhan đề: tối đa 20 chữ. Nhan đề của bản dịch có thể được dịch từ nhan đề của bản gốc, hoặc do người dịch hay người hiệu đính đặt lại cho phù hợp. Nhan đề bản dịch cần ngắn gọn, thể hiện được nội dung chính của bài viết.
Một số tác giả rất thích chơi chữ trong nhan đề, chẳng hạn như J. Bradford DeLong từng có bài “For Whom America’s Bell Tolls.” Nếu để ý, người dịch có thể nhận ra DeLong đã mượn nhan đề tiểu thuyết Chuông nguyện hồn ai (For whom the bell tolls) của Ernest Hemingway để bài viết của mình thêm thú vị.
• Nguồn bài viết: nơi xuất bản bản gốc. Nguồn bài viết giúp độc giả dễ dàng so sánh, đối chiếu bản dịch với bản gốc khi cần. Nguồn bài viết được trình bày, ví dụ, như sau:
Nguồn: Alexander Etkind, “Russia’s Preemptive Counter-Revolution”, Project Syndicate, 27/01/2015.
Nguồn: William Henderson & Wesley R. Fishel, “The Foreign Policy of Ngo Dinh Diem”, Vietnam Perspectives, Vol. 2, No. 1 (Aug., 1966), pp. 3-30.Theo thứ tự từ trái qua: Tên tác giả (nếu có), “nhan đề bài viết” (đặt trong dấu ngoặc kép, chèn link dẫn đến bản gốc nếu có thể), tên sách, báo, tạp chí… ấn hành (in nghiêng), thời gian ấn hành, số trang (nếu có).
• Tên người dịch, người hiệu đính:
Biên dịch: Nguyễn Văn A | Hiệu đính: Lê Văn B & Phạm Thị C
Biên dịch & Hiệu đính: Trần Văn D• Nội dung chính của bài viết
• Giới thiệu về tác giả: Thông tin tóm tắt của tác giả. Trình bày bằng chữ in nghiêng; tên sách, nếu có, trình bày bằng chữ đứng hoặc bỏ trong ngoặc kép. Ví dụ:
Tim Heath là nhà phân tích cao cấp về Quốc phòng và Quốc tế tại Công ty nghiên cứu RAND Corporation. Ông có hơn 15 năm kinh nghiệm với vai trò phân tích về Trung Quốc trong chính phủ Hoa Kỳ. Ông là tác giả cuốn China’s New Governing Party Paradigm: Political Renewal and the Pursuit of National Rejuvenation, xuất bản bới Ashgate (2014).
• Tài liệu tham khảo và chú thích (nếu có).
Một bản dịch khi được xuất bản sẽ được trình bày theo cấu trúc như trên, chẳng hạn xem bài này: Nước Nga của Putin: Bóng tối bên rìa châu Âu.
QUY TẮC TRÌNH BÀY
1. Tên riêng
• Tên quốc gia, vùng lãnh thổ, địa danh: sử dụng các tên gọi đã quen thuộc trong tiếng Việt: Anh, Pháp, Đức, Mỹ/Hoa Kỳ,…Trong trường hợp cần viết đầy đủ quốc hiệu: Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ,… Đối với các nước khác, sử dụng tên gọi tiếng Anh: Malaysia, Ethiopia, Uruguay,…
Không sử dụng tên phiên âm, ví dụ: dùng Biển Baltic thay vì Biển Ban-tích, trừ những địa danh quen thuộc, ví dụ: Ả Rập Xê-út (Saudi Arabia).
Không sử dụng các tên gọi cũ vốn được Việt hóa từ tiếng Trung, ví dụ: dùng Scotland thay vì Tô Cách Lan, dùng Washington thay vì Hoa Thịnh Đốn, dùng Myanmar thay vì Miến Điện,…
Đối với tên một số quốc gia và địa danh ở Bắc Âu, Đông Âu… cần sử dụng tên ngoại lai quen thuộc với độc giả Việt Nam, ví dụ: Gruzia thay vì Georgia, Litva thay vì Lithuania, Kiev thay vì Kyiv,…
• Tên các vùng lãnh thổ tranh chấp: Gọi theo tên quen thuộc trong tiếng Việt, hoặc bằng tên gọi các bên tranh chấp sử dụng. Ví dụ: Biển Đông, Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Bãi cạn Scarborough/Đảo Hoàng Nham,…
• Tên các tổ chức, cơ quan: Chú thích bằng tên tiếng Việt một lần, sau đó dùng tên viết tắt, ví dụ: Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)…
• Tên riêng tiếng Trung: Cố gắng sử dụng phiên âm Hán Việt, nếu không thể tìm được phiên âm Hán Việt, dùng phiên âm Latin (hay bính âm/pinyin), ví dụ: Xi Jinping – Tập Cận Bình, Tiananmen – Thiên An Môn, Chiang Kai-shek – Tưởng Giới Thạch…
Đối với tên tiếng Trung đã được Anh hóa, có thể để nguyên hoặc dùng tên tiếng Trung đã được Việt hóa, ví dụ: Benny Tai hoặc Đới Diệu Đình.
Mẹo: Để chuyển từ phiên âm Latin sang tên phiên âm Hán Việt, với những ai không biết tiếng Trung, có thể dùng google để tìm tên tiếng Trung (chẳng hạn gõ Minxin Pei sẽ hiện kết quả 裴敏欣), sau đó dùng từ điển (chẳng hạn như trang http://hannom.huecit.vn/) để tra cứu âm Hán Việt, sẽ được kết quả “Bùi Mẫn Hân.”
• Cách gọi tên cá nhân: Đối với người châu Á, khi gọi, có thể viết tên đầy đủ, ví dụ: “Chính sách đối ngoại hung hăng của Tập Cận Bình…” hoặc viết ông/bà + Tên họ, ví dụ: “Phát biểu tại hội nghị, ông Tập đưa ra…” hay “bà Park cho rằng quyết định của Shinzo Abe…” Đối với người phương Tây, chỉ cần ghi tên đầy đủ hoặc tên họ, ví dụ: “Hôm 24/1, Obama đến thăm…”
Tên của người châu Á, nếu có thể, nên đảo ngược lại đúng thứ tự họ tên. Ví dụ Abe Shinzō thay vì Shinzō Abe (Abe là họ, Shinzō là tên). Do đó, nên gọi “ông Abe” thay vì “ông Shinzo.”
• Tên sách, ấn phẩm,báo, tạp chí…
Đối với các tác phẩm nổi tiếng, quen thuộc với độc giả Việt Nam, có thể dùng trực tiếp tên tiếng Việt. Đối với các tác phẩm khác, giữ nguyên tên gốc của tác phẩm, chú thích tên tiếng Việt trong ngoặc đơn. Trình bày tên tác phẩm bằng chữ in nghiêng. Ví dụ: An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations (Tìm hiểu về bản chất và nguồn gốc của cải của các quốc gia, hay Quốc phú luận).
Tên báo, tạp chí cần trình bày in nghiêng, ví dụ: “Trên tờ New York Times, Rukmini Callimachi đã giải thích sự khác biệt trong cách giải quyết vấn đề…”
2. Đơn vị đo lường, đơn vị tiền tệ
Nhiều bài viết tiếng Anh sử dụng hệ đo lường Anh (Imperial units) hoặc hệ đo lường Mỹ (U.S. customary units). Khi dịch, cần đổi những đơn vị này sang hệ đo lường quốc tế (hệ SI) mà Việt Nam sử dụng, ví dụ: dặm sang kilômét, độ F sang độ C.
Mẹo: gõ đơn vị cần đổi trong ô tìm kiếm của google, ví dụ gõ “10 miles to km” sẽ được kết quả “10 miles = 16.09344 kilometers,” gõ “100.4 f to c” sẽ được kết quả “100.4 degrees Fahrenheit =38 degrees Celsius.”
Đối với đơn vị tiền tệ, sử dụng tên gọi thông thường trong tiếng Việt: đô la (Mỹ), bảng (Anh), yên (Nhật), NDT (Trung Quốc), đồng (Việt Nam), Euro, bạt (baht Thái), ru-pi (rupee Ấn Độ), rúp (ruble Nga), hoặc sử dụng mã tiền tệ đối với những đơn vị tiền tệ phổ biến: USD. Trong trường hợp cần thiết, có thể chú thích giá trị tương đương của ngoại tệ so với đồng Việt Nam, chẳng hạn: “…được nhận 322.500 USD (khoảng 6,86 tỉ đồng) tiền tài trợ “cải tiến” tàu.”
3. Cách bỏ dấu
• Trong tiếng Anh, người ta quy ước dùng dấu phẩy (,) để phân tách hàng ngàn và dấu chấm (.) để phân tách thập phân. Ví dụ: “mười tám ngàn chín trăm linh ba phẩy (lẻ) mười sáu” được viết thành 18,903.16. Khi dịch, cần viết lại con số này thành 18.903,16. Một ví dụ khác: 16.5 per cent cần viết lại thành 16,5%.
• Trong tiếng Anh, dấu phẩy (,) hay chấm (.) thường được bỏ trong dấu ngoặc kép (” “), ví dụ: “I don’t know,” he said. Trong tiếng Việt, chúng thường được bỏ ra ngoài, ví dụ: “Tôi không biết”, hắn nói. Cần sử dụng thống nhất một trong hai cách trong một bài viết.
• Trích dẫn trong trích dẫn: trong tiếng Anh, dùng dấu quotes (‘ ‘) trong dấu ngoặc kép double quotes (” “), ví dụ: “‘I don’t know,’ he said.” Trong tiếng Việt, có thể sử dụng dấu này, hoặc dùng hai dấu ngoặc kép: “‘Tôi không biết,’ hắn nói.” hoặc “”Tôi không biết,” hắn nói.”
CÁC BƯỚC BIÊN DỊCH MỘT BÀI BÌNH LUẬN
1. Đọc toàn bộ bài viết gốc
Trước khi bắt tay vào dịch, người dịch cần đọc qua toàn bộ bài viết và các thông tin bổ sung, liên quan, nếu có, để nắm được nội dung chính, tránh trường hợp đang dịch thì “tắc” do không hiểu nội dung bản gốc, hoặc các đoạn dịch rời rạc, thiếu liên kết.
2. Tra cứu từ mới trong bản gốc
Trong khi đọc, đánh dấu lại những từ, cụm từ, thành ngữ, điển tích, khái niệm,… người dịch chưa biết hoặc chưa hiểu rõ để tra cứu. Các từ điển online như Oxford, Cambridge, Longman, Merriam-Webster, hoặc thậm chí Urban rất hữu ích. Wikipedia cũng thường cho các kết quả đáng để tham khảo.
Chẳng hạn, gõ “Annus horribilis” trong thanh tìm kiếm của Google, kết quả hiện ra đầu tiên, trên Wikipedia, là “is a Latin phrase, meaning ‘horrible year.'” Như vậy, có thể hiểu “Annus horribilis” nghĩa là “năm tồi tệ” trong tiếng Latin, sau đó cần ghép vào văn cảnh để xem nghĩa này có phù hợp với nội dung bài viết hay không.
Một ví dụ khác: Khi xử lý câu “when the Greek statesman and general Pericles issued the so-called ‘Megarian decree’ in response to the abduction of three Aspasian women,” nếu không tra cứu kỹ, người dịch rất dễ nhầm “Aspasian women” là “phụ nữ người (dân tộc) Aspasian.” Thực ra, Aspasia là tên người tình của Pericles nên có thể hiểu cụm từ này chỉ “người hầu của Aspasia.”
3. Tiến hành dịch
Lưu ý duy nhất trong khi dịch là nên đặt Word ở chế độ tự động lưu (Autosave), tránh trường hợp đột nhiên thoát nhầm hoặc mất điện.
4. Sau khi dịch, soát lỗi chính tả và tự biên tập bản dịch.
Sau khi dịch xong, người dịch cần đọc lại bản dịch một lượt để tránh các lỗi chính tả, nếu có, tự biên tập bản dịch, và bổ sung các chú thích cần thiết, trước khi gửi cho người hiệu đính.
NHỮNG LƯU Ý VÀ MỘT SỐ KINH NGHIỆM BIÊN DỊCH
• Để biên dịch tốt, người dịch cần có kiến thức nền tảng về lĩnh vực của bài viết và có khả năng diễn đạt trôi chảy bằng tiếng Việt.
Để nắm được nội dung một bài viết tiếng Anh, đôi khi độc giả chỉ cần hiểu 80-90% số từ trong đó, thậm chí ít hơn. Tuy nhiên, muốn dịch được tốt, người dịch cần hiểu toàn bộ bài viết và có khả năng diễn đạt lại bằng tiếng Việt một cách chuẩn xác, trôi chảy, trong sáng, dễ hiểu. Có kiến thức nền tảng về vấn đề cần dịch cũng rất quan trọng. Điều đó giúp người dịch dùng từ chính xác trong những lĩnh vực chuyên môn và tránh mắc phải những lỗi dịch đáng tiếc (và hài hước). Chẳng hạn, do thiếu kiến thức kinh tế mà nhiều người đã dịch “current account” thành “tài khoản hiện tại” trong khi phải là “tài khoản vãng lai.” Năm ngoái, một phát thanh viên Ấn Độ đã bị sa thải sau khi đọc tên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là Eleven Jinping (Do hiểu nhầm Xi là số XI La Mã).
• Cẩn thận, kiên trì, và tập trung là các đức tính cần thiết
Đôi lúc, do bài viết dài và khó, nhiều người sau khi bắt tay vào dịch một đoạn đã bắt đầu nản. Thậm chí còn “phỏng dịch” nhiều đoạn trúc trắc cho nhanh xong. Có lần Zing News đã “tạm dịch” “German Brigade of Millatu Ibrahim” thành “Cây cầu Đức của Millatu Ibrahim” do nhìn nhầm Brigade với…Bridge. Hoặc một ví dụ rất vui khác, có báo đã dịch tên loạt phim hài kịch nổi tiếng “How I Met Your Mother” thành “Anh đã gặp mẹ em thế nào” trong khi đúng phải là “Bố đã gặp mẹ con thế nào.”
• Sử dụng từ ngữ thống nhất
Chẳng hạn, cùng một khái niệm World War II, người dịch nên tránh việc một đoạn dịch thành “Chiến tranh thế giới lần thứ hai,” một đoạn dùng “Đệ nhị thế chiến,” đoạn khác lại viết “Thế chiến thứ hai.” Phương án người viết bài này ưu tiên là dùng cách gọi “Thế chiến II” để đảm bảo bản dịch thống nhất, ngắn gọn.
Tương tự, trong cùng một bài viết không nên gọi Nhà nước Hồi giáo (tự xưng) bằng nhiều cái tên khác nhau: IS, ISIS, hay ISIL.
• Cố gắng dùng ngôn ngữ trung lập, tránh cảm tính, cực đoan
• Tránh dùng phương ngữ, biệt ngữ
Để đảm bảo bản dịch trong sáng, dễ hiểu với đại chúng, người dịch cần tránh dùng phương ngữ, biệt ngữ, tiếng lóng.
• Cẩn thận với các thành ngữ tiếng Anh
Project Syndicate mới đăng bài có nhan đề “Putin’s European Fifth Column.” Theo Bách khoa toàn thư Britannica, cụm Fifth Column (Đội quân thứ năm) có nguồn gốc từ Nội chiến Tây Ban Nha (1936–1939), khi bốn cánh quân của Emilio Mola Vidal tiến về Madrid. Lực lượng thứ năm chính là quân du kích ở thủ đô, có nhiệm vụ phá hoại chính quyền từ bên trong. Từ đó, Fifth Column được dùng để chỉ “lực lượng phá hoại ngầm từ bên trong.”
Hoặc có người đã dịch câu “we know that nothing could be further from the truth” thành “chúng ta biết rằng không có gì có thể đúng hơn lời tuyên bố trên” (tức là rất đúng). Nhưng thực ra, câu đó có thể hiểu đơn giản là “chúng ta biết điều đó là hoàn toàn sai lầm.”
• Một số kinh nghiệm khác từng được nghiencuuquocte.net chia sẻ, có thể tham khảo tại đây.
-
-
AuthorPosts
- You must be logged in to reply to this topic.