NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.
- This topic has 0 replies, 1 voice, and was last updated 10 years, 1 month ago by NCQT.
-
AuthorPosts
-
-
12/10/2014 at 17:27 #4025NCQTKeymaster
Tham vọng của ISIS
Tiến sỹ Nguyễn Phương Mai
Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam
Thế giới hơn một tuần qua trở nên náo động, thậm chí những trận World Cup cũng không thể làm tạt đi những luồng tin dữ từ Iraq. Tổ chức khủng bố ISIS chiếm được Molsul trong một trận tấn công làm tê liệt quân đội chính quyền, mở rộng vùng chiếm đóng đến tận gót chân thủ đô Baghdad, cướp nhà băng và nhét túi 425 triệu đôla.
Nhiều bản tin vẫn tiếp tục gọi ISIS là một nhánh hoặc một tổ chức trung thành của khủng bố Al-Qaeda. Điều này không những sai mà còn nguy hiểm.
ISIS là ai?
ISIS khởi đầu được thành lập với tên ISI (Islamic State of Iraq – Quốc gia Hồi giáo Iraq) để chống lại chính phủ Iraq theo Hồi giáo Shia và thân Mỹ. Sau rất nhiều chật vật, cuộc khủng hoảng ở Syria nổ ra khiến ISI đổi hướng quyết định tham chiến ở đây, một mũi tên trúng hai đích: vừa tiếp tục được lý tưởng thống nhất cộng đồng Hồi giáo (Sunni) khắp thế giới dưới một thể chế chung, vừa “hợp pháp hóa” chiến tranh vì kẻ thù mới không phải là Mỹ nữa mà là chính quyền phe Hồi giáo Shia của Syria. Cùng với sự chuyển hướng này, tên của ISI đổi thành ISIS (Islamic State of Iraq and Syria – Quốc gia Hồi giáo Iraq và Syria).
Rất ít người biết rằng ISI đã tự động nhập với nhánh Al-Qaida ở Syria mà không hề được phép của người đứng đầu tổ chức Al-Qaida là Al-Zawahiri. Sau một tháng giữ im lặng, Al-Zawahiri đề nghị ISIS rời tổ chức. Lãnh đạo ISIS là Al-Baghdadi không thèm quan tâm, thậm chí ra tay giết luôn người đại diện đàm phán. Cực chẳng đã, vào đầu tháng 2 năm nay, Al-Qaida tuyên bố cắt lìa ISIS khỏi gốc, với lý do được cho là ISIS quá sức man rợ, đến mức một tổ chức khủng bố như Al-Qaida cũng không thể nuốt trôi.
Tuy nhiên, đây chỉ là một lý do. Al-Qaida đương nhiên không thích bị một nhánh đàn em vượt mặt. Thêm nữa, Al-Qaida không muốn ISIS dính mũi vào miếng bánh Syria, giữa tổ chức mẹ và nhánh con có khá nhiều mâu thuẫn về vùng chiếm đóng.
Một điều Al-Qaida không ngờ là khi ISIS tách ra, 65% jihadist (chiến binh của Thượng Đế) của Al-Qaida cũng bỏ đi theo ISIS. Trong mắt những kẻ cầm súng vì một lý tưởng tôn giáo thống trị và hợp nhất toàn cầu, ISIS từ một nhánh khủng bố nhỏ bé đã vượt lên trên cơ Al-Qaida và trở thành kẻ cầm cờ tiên phong trong cuộc thánh chiến.
ISIS nguy hiểm như thế nào?
Trước nhất, ISIS hành xử rất hung bạo. Những cuộc xả súng không khoan nhượng vào người đối lập tay không và người dân vô tội khiến ai cũng rùng mình. Là một tổ chức theo Hồi giáo Sunni, ISIS khiến cộng đồng Shia ở Iraq khiếp đảm và tháo chạy. Chủ trương của ISIS với những người chống đối là: “ISIS hay là chết!”
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất khiến ISIS trở nên vô cùng nguy hiểm chính là việc tổ chức này không chỉ đơn giản là một nhóm khủng bố thánh chiến với tham vọng toàn cầu như Al-Qaida. ISIS không đánh rồi rút. ISIS đánh và lập nên nhà nước của riêng mình. Điều này khiến cả thế giới bất ngờ vì các tổ chức khủng bố hầu như không có tiền lệ lập quốc. Việc xuất hiện một “quốc gia khủng bố” jihadist state (quốc gia của các chiến binh thánh chiến) là cơn ác mộng không được dự đoán trước.
Nguy hiểm hơn, quốc gia khủng bố này không nằm trong sa mạc mà bao trùm những hố dầu béo bở. Khởi đầu, ISIS chỉ nhận viện trợ từ những quốc gia dầu lửa dòng Hồi Sunni muốn lật đổ chính quyền Syria dòng Hồi Shia. Khi quân đội chính phủ bỏ chạy, ISIS tiếp quản luôn hàng triệu đôla vũ khi tối tân của Mỹ viện trợ. Thử làm một phép so sánh, khi tấn công Tháp Đôi, Al-Qaida là một tổ chức với 30 triệu đô la tiền quỹ, và được coi là giàu có. Hiện nay, túi của ISIS nặng 2 tỷ đôla.
Chưa hết, nếu chỉ nhìn nhận ISIS như một tổ chức khủng bố đơn thuần cũng có nghĩa là sự thiếu kiến thức và đánh giá quá thấp về tầm nhìn của thủ lĩnh Al-Baghdadi. Là môt tiến sĩ Hồi giáo học, Al-Baghdadi tiếp thu tư tưởng cực đoan Wahhabism và Salafism từ Saudi. Những vùng ISIS chiếm đóng và thành lập quốc gia ngay lập tức được ban bố các đạo luật hà hà khắc của Hồi giáo cực đoan: ăn cắp sẽ bị chặt tay, hàng loạt tội bị đưa vào khung hình phạt xử chết trong đó có tội từ bỏ tôn giáo, phụ nữ phải che kín mặt khi ra đường, ai cũng phải cầu kinh 5 lần một ngày, các lăng tẩm và thánh đường dòng Hồi Shia bị phá bỏ, và âm nhạc bị cấm tuyệt đối ở nơi công cộng.
Thu phục người dân
Cùng với các đạo luật đó, các thành phố chiếm đóng nhanh chóng trở lại tình trạng ổn định và an toàn. ISIS không lặp lại các sai lầm của Al-Qaida mà lập tức trấn an dân chúng, tìm cách thu phục niềm tin của những người không chạy trốn. Tại Mosul, ngay khi quân chính phủ rút chạy, mỗi người dân được cấp một thùng gas miễn phí để nấu ăn. Khi những người dân ở đây băn khoăn làm sao họ có thể tin được ISIS, một jihadist trả lời: “Hãy cho chúng tôi thêm thời gian, chúng tôi sẽ nhanh chóng cung cấp số điện thoại. Khi mọi người cần chúng tôi sẽ lập tức giúp đỡ”.
Nhiều nhà phân tích bất ngờ khi nhận thấy ISIS sở hữu một bộ máy công quyền và dân sự khá hoàn chỉnh gồm tòa án, lực lượng cảnh sát, trường học, và các tổ chức từ thiện. Tại vùng Al-Raqqa, ISIS xây dựng chợ, đường sá, các đường dây điện, trạm xá, bưu điện, bến xe…quản lý khí đốt để đảm bảo phân chia công bằng, cùng hàng loạt các hoạt động cứu trợ từ thiện khác, trong đó có cả những hội chợ cho trẻ con với kem và cầu trượt, các bếp ăn miễn phí cho người nghèo, và đặc biệt là mạng lưới tìm gia đình mới cho trẻ mồ côi.
Trong tình hình nội chiến căng thẳng, ISIS nhận được sự ủng hộ của một phần dân chúng dòng Hồi Sunni khi tạo được sự yên ổn nhất định. Sự cực đoan tôn giáo của ISIS ít nhất cũng có một điểm cộng là thể hiện sự công bằng, điều mà chính quyền độc tài tham nhũng không làm được.
Sự ổn định, công bằng, trong một quốc gia mới yên bình giữa bốn bề khủng hoảng, dù có hạn chế và tạm thời, chính là điều khiến ISIS hoàn toàn khác với các tổ chức khủng bố khác. Sự cực đoan man rợ và việc thành lập quốc gia riêng khiến ISIS trở nên bội phần nguy hiểm.
ISIS sẽ được xử lý thế nào?
Sự lớn mạnh không ngờ của ISIS khiến các kết nối đồng minh bất ngờ thay đổi.
Hiện nay, rất nhiều ánh mắt đổ dồn vào người Kurd. Là một dân tộc dũng mãnh nhưng chịu mất nước, người Kurd sau thế chiến thứ nhất không được thực dân Anh cho lập quốc như đã hứa, mà lãnh thổ bị chia sẻ nằm trải ra trên năm quốc gia khác nhau, trong đó có Iraq. Vùng tự trị của người Kurd luôn an toàn và phát triển, khác hẳn với phần còn lại của Iraq. Những chiến binh người Kurd nổi tiếng thiện chiến với danh hiệu “peshmerga” (kẻ đối đầu với cái chết).
Để thuyết phục người Kurd tham chiến, chính phủ Iraq chắc chắn sẽ phải nhân nhượng các hợp đồng bán dầu, nhất là việc xem xét nhượng lại cho người Kurd thành phố dầu lửa Kirkuk từ xưa vẫn đang tranh chấp.
Tuy nhiên, sự hợp tác đồng minh bất ngờ nhất có lẽ sẽ đến từ hai kẻ từ xưa tưởng không đội trời chung: Mỹ và Iran.
Iran là quốc gia đầu đàn của Hồi giáo Shia, đồng minh không lay chuyển của độc tài Assad dòng Hồi Shia tại Syria, đương nhiên cũng là đồng minh của chính quyền dòng Hồi Shia tại Iraq.
Mỹ với phương châm không tham chiến, nhưng trong cuộc khủng hoảng ở Syria đã luôn phản ứng tương đối chậm chạm với các diễn biến leo thang quá nhanh tại khu vực. Syria từ một mồi lửa dân chủ kiểu Mùa Xuân Ả Rập đã trở thành địa ngục với sự tham gia và thắng thế của các nhóm khủng bố toàn cầu, đe dọa cả sự an toàn của Mỹ một khi Syria sụp đổ.
Với ISIS, Mỹ và Iran giờ có một kẻ thù chung để bắt tay. Đây sẽ không phải là lần đầu tiên họ hợp tác. Một kẻ thù chung trong quá khứ, Taliban, cũng đã khiến Iran cộng tác với Mỹ vào năm 2002.
Lợi ích quốc gia là bàn đẩy để bản đồ đồng minh thay đổi, cùng chống lại ISIS với tư cách là một thế hệ khủng bố hoàn toàn mới và nguy hiểm gấp nhiều lần.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả, hiện đang giảng dạy môn Trung Đông Học tại Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan và là tác giả cuốn Con Đường Hồi Giáo viết về 12 quốc gia Trung Đông thời hậu Mùa Xuân Ả Rập.
Nguồn: BBC Việt ngữ
—————
‘Thuyết âm mưu’ về phiến quân IS
Tiến sỹ Nguyễn Phương Mai
Amsterdam University of Applied Sciences
Với sự man rợ không cần giấu diếm, hẳn nhiều người cho rằng IS (Islamic State) đang tự cô lập mình bằng muôn vàn kẻ thù.
Trong cuộc trò chuyện gần đây với những người bạn Hồi giáo, tôi nhận thấy các cuộc tranh luận của họ không bao giờ thiếu món ăn đặc trưng của những đất nước vùng Trung Đông: Thuyết âm mưu.
Tiền của IS ở đâu ra?
Thuyết âm mưu: “Israel và bè lũ Do Thái luôn tìm cách lũng đoạn Trung Đông”; “Mỹ bí mật tài trợ cho IS để tạo cớ cho sự có mặt quân sự tại khu vực”
Trong thực tế, IS được tiếp năng lượng chủ yếu từ hai nguồn tài chính sau.
Thứ nhất là dầu. IS được ví như Taliban với những giếng dầu trong tay. Mỗi ngày IS bán được tới 30.000 thùng dầu với giá rẻ hơn giá thị trường, dao động quanh 25-65 đô la/ thùng. Dầu được vận chuyển ra ngoài địa hạt của IS bằng các trung gian mối lái người Kurd, bán lại cho các khách hàng ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, và cho chính bản thân chính quyền Assad của Syria. Syria nhận dầu, và bán vũ khí cho IS.
Sự oái ăm này thực ra không hề lạ lẫm trong những màn trình diễn chính trị và xung đột ở Trung Đông. Nền kinh tế kiểu chiến tranh đã trở thành câu chuyện tính toán ăn chia thường ngày của các nhà độc tài chính trị nơi đây. Ngoài mặt, IS chính thức là một tổ chức thánh chiến dòng Hồi Sunni với mục tiêu đánh đổ chính quyền dòng Hồi Shia của Syria.
Tuy nhiên, cả hai bên đều hiểu rằng, họ có thể một tay dí súng vào đầu nhau, dưới gầm bàn, tay kia hoàn toàn có thể tạm thời ngoắc ngoặc với nhau trong những thương vụ làm ăn cả hai bên đều có lợi. Các nhà quan sát đã gọi mối quan hệ này là “frienemy”, một dạng quan hệ vừa đối đầu vừa đối thoại giữa hai kẻ vừa là bạn vừa là thù. Số tiền bán dầu chảy vào túi IS mỗi ngày lên đến 2-3 triệu đôla.
Lưu ý rằng Al-Qaeda chỉ cần 30 triệu đôla mỗi năm để vận hành bộ máy khủng bố, và chỉ cần 1 triệu đôla để chi cho cuộc tấn công Tháp Đôi.
Nguồn tài chính thứ hai xuất phát từ vùng Vịnh. IS đã luôn được sự ủng hộ từ khi còn trong nôi của những tổ chức tôn giáo và cá nhân tại Saudi, Qatar và Kuwait.
Lưu ý rằng sự ủng hộ này không hẳn đã trực tiếp đến từ chính quyền các quốc gia vùng Vịnh theo dòng Sunni mà chủ yếu từ những tổ chức cá nhân riêng lẻ. Nguồn tiền cho IS chảy ra từ túi những kẻ cách đây vài năm đã chót lạc quan cho rằng chính quyền Hồi Shia của Syria chắc chắn sẽ nhanh chóng sụp đổ. Khi Syria sụp đổ, một tổ chức Hồi Sunni như IS sẽ đóng vai trò trải đường cho các diễn biến chính trị có lợi cho sự ảnh hưởng quyền lực của Hồi giáo Sunni.
Tại sao các tổ chức tôn giáo và cá nhân này lại không ủng hộ các nhánh quân nổi dậy trung dung của Syria mà lại đổ tiền vào một tổ chức cực đoan như IS? Nguyên nhân thứ nhất là do họ không tin vào phương Tây, nhất là khi phương Tây dù lên tiếng ủng hộ các nhánh quân trung dung nhưng lại không chịu đổ tiền vào trang bị vũ khí.
Nguyên nhân thứ hai sâu xa hơn, sẽ được bàn đến trong phần sau.
IS là sản phẩm của ai?
Thuyết âm mưu: “Israel và bè lũ Do Thái luôn tìm cách lũng đoạn Trung Đông”; “IS là đứa con hoang của Mỹ, vô thừa nhận, và bị làm biến dạng một cách cố ý để tránh tội lỗi, hệt như Taliban với xuất xứ từ những chiến binh thánh chiến mà Mỹ chống lưng để chống lại cuộc xâm lược của Liên Xô tại Afghanistan”
Trong thực tế, chúng ta chỉ có thể hiểu về IS nếu đi ngược lại lịch sử chừng 100 năm, khi nhà Saud – khởi đầu chỉ là chủ một bộ lạc nhỏ ở vùng sa mạc Nadj – đến đầu thế kỷ thứ 19 đã bắt tay với một nhánh Hồi giáo khá cực đoan là Wahhabi dần dần đánh chiếm và làm chủ gần như toàn bộ vùng bán đảo Ả Rập, bao gồm cả thánh địa Mecca và Medina.
Cam kết của nhà Saud và Wahhabi có thể được coi là một trong những cuộc hôn nhân thực dụng nhất giữa quyền lực chính trị và tôn giáo mà trong đó nhà Saud sẽ mang danh lãnh đạo còn giáo lý Hồi dòng Wahhabism sẽ là kim chỉ nam của vương quốc. Không ai có thể ngờ rằng mối liên minh này đã tạo ra một đất nước bị bóp nghẹt trong bàn tay quyền lực của chính mình.
Hơn 20 năm qua, 95% trong tổng số hơn 1000 khu kiến trúc cổ của Saudi đã bị tàn phá, hầu hết là các thánh đường Hồi giáo và di tích nơi sinh sống của thiên sứ Muhammad.
Wahhabi cho rằng bất kỳ một kiến trúc lịch sử nào cũng có thể trở thành những nơi thờ cúng linh tượng, và vì chỉ có Thượng Đế mới đáng để tôn thờ, nếu ngôi mộ của chính Muhhamad trở thành nơi tín đồ cúng bái thì cũng sẽ bị san phẳng. Ngôi nhà của vợ ông ở Mecca bị xây trùm lên bằng một hàng nhà xí công cộng.
Những tàn tích cuối cùng của một nền văn minh đa sắc màu cũng như những bằng chứng cuối cùng của một nền văn hóa Hồi giáo cổ gần như cố tình bị triệt tiêu và xóa sổ, đặt vào tay những thầy tu Wahhabi quyền năng tối thượng trong việc viết lại lịch sử tôn giáo và diễn giải triết lý Hồi giáo theo lý lẽ của riêng mình.
Bước vào thế kỷ 21, Saudi Arabia là một vương quốc dầu lửa giàu có nhưng mang trong mình một khối nội tạng khổng lồ vay mượn của giáo lý cực đoan Wahhabi, biết là di hại mà không thể vứt bỏ vì liên minh quyền lực với các thầy tu tôn giáo đã trở thành xương tủy của cơ thể chứ không còn là những bộ phận cấy tạo.
Nhà vua Saudi dù nổi tiếng là người có tư tưởng cải cách nhưng không thể ngăn cản được một bộ phận dân chúng đã ngấm chất máu cực đoan của dòng giáo lý nổi tiếng tàn khốc và bạo lực này.
Chính quyền Saudi dù là đồng minh thân cận của Mỹ, nhưng không thể ngăn cản được tinh thần Wahhabi được nuôi nấng từ khi còn trong nôi. Với đồng tiền dầu lửa, IS là một trong những sản phẩm vượt biên giới, trực tiếp hoặc gián tiếp, của cả một hệ thống giáo lý cực đoan dùng làm công cụ cho chính trị và quyền lực, di căn đến từng tế bào mà không thể cắt bỏ vì “công cụ” dính chặt đã trở thành một phần không thể tách rời của cơ thể.
IS chỉ bó hẹp ở Trung Đông?
Thuyết âm mưu: “Israel và bè lũ Do Thái luôn tìm cách lũng đoạn Trung Đông và cả thế giới nếu cần”; “IS là vũ khí kiểu mới của Mỹ, được Mỹ dùng làm con mồi để có thể can thiệp quân sự vào bất kỳ nơi nào trên thế giới, chỉ cần lấy cớ là mạng lưới của IS lớn mạnh và gây xung đột”
Trong thực tế, IS hoàn toàn có khả năng bị dập tắt, dù khả năng này là rất nhỏ vì nhiều lý do, trong đó có lý do IS mang dáng dấp của một nhà nước chứ không phải chỉ là một tổ chức khủng bố (xem thêm bài Tham vọng của ISIS).
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là trong bất kỳ viễn cảnh nào, IS lớn mạnh, bị triệt tiêu hay chỉ còn ngoi ngóp thở, thì “tư tưởng IS” đã thành công rực rỡ trong việc gửi đi khắp toàn cầu một thông điệp rằng sự thống nhất của thế giới Hồi giáo là điều hoàn toàn có thể, rằng lý tưởng xây dựng một nhà nước Hồi giáo “hoàn toàn thanh tẩy” là điều có thể.
Và thông điệp này không rơi tõm vào khoảng không. Chúng được đón nhận bởi một hệ thống rada đã được cài cắm, chăm bón, phát triển ở khắp năm châu bốn biển từ nhiều năm trước. Chúng ta lại quay trở về đối mặt với một người quen: Wahhabism từ Saudi.
Tiền từ túi những cá nhân và tổ chức cực đoan của Saudi từ hàng chục năm qua đã lan tỏa ra toàn thế giới, mua chuộc các lãnh đạo tôn giáo, trả lương cho các thầy tu, cung cấp sách vở, đổi thay giáo lý, xây dựng thánh đường, trợ cấp tiền cho thanh niên của hàng trăm đất nước sang vùng Vịnh học tập, sau đó trở về quê hương, đem theo lý tưởng Wahhabi, thay máu niềm tin và cực đoan hóa cách sống của những người dân địa phương.
Các quan chức của Saudi cho biết trên toàn thế giới có 1500 nhà thờ Hồi giáo, 202 trường ĐH, 210 trung tâm tôn giáo được tài trợ bởi các nguồn tiền từ Saudi. Trong số này có cả Việt Nam, một số thánh đường lớn mới xây với tiền tài trợ từ Saudi, chưa kể nguồn tài trợ từ Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập. Nhiều thanh niên Hồi Việt Nam sau khi đi học đã và đang trở về làm công tác truyền giảng giáo lý.
Trong một buổi thảo luận về Hồi giáo hồi tháng 3 năm nay tại Việt Nam, tôi đã sững sờ khi khách mời của chương trình, một thanh niên gốc Chàm được gửi đi học tại Saudi trở về làm thầy giảng đạo, đã rất mạnh mẽ tuyên bố và bảo vệ một quan điểm khá cực đoan “phụ nữ kém đàn ông một bậc”. Đây là một câu trích trong Quran (2:228) và chỉ những kẻ cực đoan mới hiểu một cách máy móc là đàn ông ưu việt hơn phụ nữ. Tuy nhiên, tôi vui mừng khi thấy anh ta bị khán giả dồn lên chỉ trích, trong đó có cả một cô gái Hồi giáo.
Vài nguồn tin khảo cứu cá nhân cho biết một bộ phận dân Hồi Việt Nam bắt đầu có tín hiệu Ả Rập hóa kiểu Wahhabi. Những bộ quần áo bình thường bắt đầu được thay bằng quần áo chùm màu đen. Nhiều phụ nữ Hồi trẻ tuổi người Việt Nam bỏ cách tín ngưỡng Hồi giáo truyền thống, thay tên đổi họ bằng tiếng Ả Rập, che mạng kín mặt, và cho rằng Hồi giáo không cho phép nam nữ bắt tay nhau.
Những thanh niên Hồi giáo này hoàn toàn không biết rằng họ đang bị Ả Rập hóa và Wahhabi hóa chứ không phải Hồi giáo hóa. Trong giới những người trẻ tuổi ở Trung Đông, chỉ những tín đồ khá thủ cựu đi theo phong trào cực đoan Salafi của Wahhabism mới kiên quyết rũ bỏ các giá trị và phong cách sống trung dung để quay lại thực hiện lối sống hà khắc như vậy.
Trong suốt thời gian 9 tháng tại Trung Đông năm 2012, chỉ có duy nhất một lần tôi bị từ chối bắt tay (một cách khá lịch sự) bởi một nông dân ở Yemen vì anh ta mới tắm rửa sạch sẽ để chuẩn bị đi lễ. Sau khi làm lễ, người nông dân này đã hối hả tìm lại tôi để bắt tay và xin lỗi. Yemen là quốc gia nghèo nhất và cũng cực đoan nhất trong thế giới Hồi giáo.
Người Hồi ở Việt Nam từ xưa vốn không có nhiều mối liên quan mật thiết với thế giới Hồi giáo bên ngoài. Khi mở cửa ra hòa nhập với thế giới, họ hào hứng hòa mình vào cộng đồng lớn, đón nhận một phiên bản Hồi giáo khác với những gì truyền thống từng được học.
Thiếu đi sự so sánh và cái nhìn tổng quan, rất nhiều người trong số họ không hề biết rằng phiên bản Hồi giáo mà họ đang nhận được có thể là một phiên bản khá cực đoan. Và vì ngộ nhận đây mới chính là “Hồi giáo chính thống”, họ có thể vô tình tiếp nhận một nhánh tôn giáo mà cả thế giới Hồi giáo đang coi là hiểm họa.
Nhiều quốc gia châu Âu đang thực sự lo lắng về hàng ngàn chiến binh thánh chiến gốc Trung Đông, dù sinh ra và lớn lên ở châu Âu nhưng trái tim thuộc về IS. Không đơn giản chỉ là việc những chiến binh này được đẻ ra từ tư tưởng Wahhabi bắt rễ tại chính châu Âu bằng tiền dầu lửa, những chiến binh này sẽ quay trở lại châu Âu, cực đoan hơn, và mang theo mầm sống IS. Mảnh đất lý tưởng cho mầm sống này chính là những thánh đường, tu sĩ, và giáo lý đã được từ từ ngấm chất Wahhabi từ hàng chục năm nay.
Việt Nam chưa có chiến binh thánh chiến, nhưng liệu lịch sử tôn giáo dung hòa của Việt Nam có thể ngăn cản sự hình thành những chiến binh thánh chiến hay không là một câu hỏi mở. Sự ảnh hưởng của Wahhabism lên cộng đồng Hồi giáo Việt Nam có thể chưa rõ ràng, nhưng bất kỳ khoản tiền viện trợ hoặc học bổng du học đào tạo giáo sĩ Hồi giáo nào đến từ vùng Vịnh cũng cần phải được cân nhắc kỹ càng.
Như vậy, không chỉ có hàng ngàn chiến binh thánh chiến gốc Trung Đông sinh ra và lớn lên ở châu Âu sẽ trở về mang theo mầm sống IS. Tư tưởng IS hoàn toàn có thể bén gốc ở bất kỳ nơi đâu, miễn là ở đó mảnh đất đã được tưới tắm bằng những đồng tiền dầu lửa từ những tổ chức tôn giáo cực đoan của vùng Vịnh.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả, hiện đang giảng dạy môn Trung Đông Học tại Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan và là tác giả cuốn Con Đường Hồi Giáo viết về 12 quốc gia Trung Đông thời hậu Mùa Xuân Ả Rập.
Nguồn: BBC Việt ngữ
-
-
AuthorPosts
- You must be logged in to reply to this topic.