Tagged: Kazakhstan, Lê Đỗ Huy
- This topic has 0 replies, 1 voice, and was last updated 8 years, 6 months ago by NCQT.
-
AuthorPosts
-
-
30/06/2016 at 07:15 #16872NCQTKeymaster
Kazakhstan: Cách mạng màu gì?
Tổng hợp: Lê Đỗ Huy
Ngoài mối lo của chính quyền Astana về mất ổn định trong nước, hẳn còn mối lo trong lòng dân về khả năng véc tơ quan hệ của Kazakhstan chuyển hướng sang một cường quốc mới nỏi liền kề. Các nhà quan sát nước ngoài bàn về Vạn lý Trường thành và Vạn lý Trường Chinh ở Trung Á.
Một Maidan bất thành
Những ngày đầu tháng 5 vừa qua ở Kazakhastan đã xảy một trong những hoạt động chống đối lớn nhất từng xảy ra ở nước này. Các nhà hoạt động xã hội của nhiều thành phố đã lên kế hoạch biểu tình chống lại dự định thay đổi Luật đất đai. Nếu chỉnh sửa này được thông qua, Luật đất đai của Kazakhstan sẽ cho phép người nước ngoài được thuê đất tới 25 năm, và người Kazakh lo rằng lãnh thổ của mình sẽ bị người Trung Quốc chiếm đoạt. Những người biểu tình đã va chạm với các lực lượng của chính quyền, hàng trăm người bị bắt.
Cách “xử lý” vụ này làm liên hệ tới những đề xuất của quan chức cao cấp từng làm nóng dư luận Nga (và không gian Liên Xô cũ), là tham khảo “Vạn lý trường thành” trên Internet của Trung Quốc, mà tập hợp kinh nghiệm gồm cả các cuộc tiến công Mạng (cyber attacks) bởi các tin tặc nhà nước[1].
Kết quả là, sau khi những nhà hoạt động xã hội dự kiến tiến hành cuộc chống đối vào 21/5/2016, các Facebook, Twitter, Вконтакте (Facebook của Nga), WhatsApp và Viber đã bị chặn hoàn toàn, còn Telegram và YouTube thì lúc truy cập được, lúc không. Một số cổng thông tin của các ấn phẩm trên mạng (báo hình) cũng bị chặn.
Ở các thành phố lớn, từ sáng sớm 21, cảnh sát đã vây bọc các quảng trường[2].
Theo phóng viên “Tuần báo Ural” Raul Uporov, “khi người dân bắt đầu tiếp cận (tình hình này là ở mọi nơi, dù ở Almaty, hay ở thành phố nhỏ Uralsk), cảnh sát lập tức bắt giữ mọi người, bất chấp tuổi tác hay giới tính”. Cảnh sát bắt giữ không chỉ người dân mà cả các ký giả, trong đó có cả phóng viên Báo Mới Novay Gazeta, V. Polovinko – bị bắt giữ ở Almaty (Alma – Ata – tên gọi thời Liên Xô). Cảnh sát cũng câu lưu một số nhà hoạt động đối lập có tiếng của Kazakhstan[3].
Các phóng viên được thả sau vài tiếng, sau khi viết tường trình về mục đích họ xuất hiện tại hiện trường xảy ra hoạt động chống đối.
Theo lenta.ru (25/5)[4], những người phát động mít tinh không giấu tình cảm với những sự kiện chính trị xảy ra ở Ukraine mùa đông 2013 – 2014.
Truyền hình Kazakhstan vào ngày hôm sau (22/5) đã cho rằng lãnh đạo nước này đã băn khoăn một cách vô ích và “chẳng có gì xảy ra cả” – trích lời trên chương trình bình luận thời sự trên kênh 1 Kazakhstan của bình luận viện Aimira Shaukentaev.
Hẳn là vì vài ngày trước khi xảy ra cuộc tuần hành phản đối (21/5) trên các kênh truyền hình TƯ đã phát đi những chủ đề về “cách mạng màu”, lặp lại “kịch bản Ukraine ở Kazakhstan”, cũng như về “các nhà hoạt động tích cực được phương Tây trả lương”[5].
Tổng thống nước Cộng hòa Kazahstan Nursultan Nazarbayev trong cuộc họp nội các hôm 5/5 đã cảnh báo rằng các toan tính làm mất ổn định ở Kazakhstan và tiến hành đảo chính sẽ bị chặn đứng. “Hiện nay tình hình không đơn giản. Người dân Kazakhstan không muốn các sự kiện như ở Ukraine, và tôi biết điều này, hãy để cho mọi người nghe thấy, còn nếu ai đó muốn đem sang đây (mô hình Maidan) – chúng tôi sẽ thực hiện những biện pháp khốc liệt (жестокий) nhất. Nói thể để các vị biết, không lại bảo tôi đã không báo trước”[6].
Berdibek Saparbayev, Tỉnh trưởng (Akim) của Tỉnh Aktobe (TS Kinh tế, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động Cộng hòa Kazakhstan, tỉnh vừa có những cuộc tuần hành lớn chống lại chỉnh sửa Luật đất đai, đã phát biểu: “Vì sao chúng ta lại cứ phải nghe theo những ai ở phương Tây? Tại sao chúng ta phải làm việc vì tiền phương Tây? Danh dự của dân tộc ở đâu?”.
Trên thực tế, tâm trạng chống đối đã trùm lên Kazakhstan sau khi biết về kế hoạch của chính quyền là sẽ chỉnh sửa Luật đất đai. Các chỉnh sửa như thế sẽ cho phép người nước ngoài mua đất và thuê đất ở Kazakhstan tới 25 năm[7].
Theo dự báo của Ngân hàng thế giới, tăng trường GDP của Kazakhstan năm nay sẽ khoảng 0,1 %[8]. Trên nền của tăng trưởng kinh tế trì trệ như thế, giả cả sinh hoạt luôn tăng, và người dân ngày càng khó khăn trong đảm bảo mức sinh hoạt, theo báo euroasian.net. Thu ngân sách vẫn là chủ đề khó khăn.
Tiền thu được nhờ bán đất (cho người ngoại quốc) có thể dùng dán những lỗ thủng trong ngân sách nhà nước sau khi giá dầu giảm. Sau khi khắp đất nước dậy lên làn sóng phản đổi luật đất đai mới, Nazarbayev đã ra lệnh hoãn chỉnh sửa cho tới năm 2017[9], tuy nhiên điều này hẳn không ngăn được sự bất bình vẫn dâng ngày một cao.
Nguồn cơn
“Đứng đây… tôi như nghe thấy vọng đến từ những miền cao nguyên tiếng chuông của bầy lạc đà, như thấy khói (từ bếp của dân du mục) bốc lên cao trong hoang mạc” – là khúc ngẫu hứng của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào[10] trong chuyến thăm Astana (thủ đô Kazakhstan) vài năm trước đây.
Từ đó tới nay, trên suốt giải biên cương dài với Kazakhstan, Trung Quốc đang vô cùng bận rộn đầu tư vào các mỏ dầu – khí và vào hạ tầng cơ sở giao thông của nước Cộng hòa theo Hồi giáo này.
Biên giới giữa Kazakhstan và Trung Quốc dài 1740 km, nhiều hơn so vơi hai nước thuộc Trung Á nữa cùng có đường biên giới với Trung Quốc, là Tajikistan (495km) và Kyrgyzistan (858 km).
Nhà quan sát chính trị người Nga Arkady Dubnov, chuyên về các nước khối SNG (một liên minh giữa một số nước thuộc Liên Xô cũ) chia sẻ với truyền thông: “… Đã thấm vào tâm thái người Kazakh một nỗi sợ rằng người Trung Quốc, mà hôm nay đang thống trị nền kinh tế toàn bộ khu vực Trung Á, trong đó có Kazakhstan, có thể sẽ thành người chủ cả đất đai của người bản xứ. Như chính người Kazakh đã nói – họ có ba nguồn chứng thực bản sắc dân tộc, đó là đất, lãnh thổ (quốc gia) và ngôn ngữ”.
“Nếu chúng ta để đất rơi vào tay người Trung Quốc, thì họ sẽ không bao giờ rời khỏi đây. Sau 25 năm họ sẽ có thể ở lại 65 năm nữa. Sau 65 năm cháu chắt của họ sẽ có quốc tịch Kazakhstan, và con cháu chúng ta sẽ làm nô lệ cho người Trung Quốc” – người Kazakh nói như vậy trong cuộc mít tinh tại thành phố Aktobe (Aktyubinsk – thành phố do quân đội Nga hoàng xây dựng cuối thế kỷ 19, từng ở trong thành phần Liên bang Nga thuộc Liên Xô, tới năm 1936). Những khoản cho vay hàng tỉ USD và những cuộc khai khoáng các mỏ dầu khí lớn nhất ở Kazakhstan đã gieo vào đầu óc người dân sở tại nỗi sợ một Trung Quốc bành trướng[11].
“Quân lạ”
Trong một bài viết 25/5 về chủ đề loạt hoạt động chống đối trên khắp Kazakhstan tháng 5/2016, của Hãng thông tin lenta.ru tiết lộ về một lực lượng đặc biệt (spenaz/спецназ) tham gia “giải tán đoàn biểu tình” cùng với cảnh sát Kazakhstan. Lenta.ru dẫn nguồn từ phe đối lập ở Kazakhstan, cho hay “Cả các cảnh sát viên (của Almaty và Astana) cũng không nhìn thấy mặt của các lính LLĐB đeo mặt nạ, và không nhận thấy ai quen biết. Có lẽ họ tới từ một vùng khác (của Kazakhstan) hoặc thậm chí từ quốc gia khác”[12].
5/6 tại thành phố Aktobe của Kazakhstan đã xảy ra xung đột vũ trang. Những kẻ cực đoan chưa xác định được danh tính đã cướp hai cửa hàng súng và cướp một xe cảnh sát, dùng làm phương tiện đánh chiếm (bất thành) doanh trại của một đơn vị quân đội.
Trong vụ này đã có hàng chục người bị thương vong, trong đó có dân thường và binh lính, và cả những kẻ khủng bố.
Vào ngày hôm sau Hội đồng An ninh Quốc gia Kazakhstan thông báo đã chặn được một cuộc đảo chính chống nhà nước Kazakhstan.
6/6 Bộ Nội vụ (chịu trách nhiệm về an ninh công cộng) thông báo tính hình trong thành phố đã bình ổn và kiểm soát được, tuy nhiên ở hai vùng nữa của Aktobe vẫn nghe thấy những tràng súng nổ.
Trong danh sách những ai bị bắt và bị tình nghi có những người từng đeo lon lớn. Trong số đó có phó Tổng Công tố nước cộng hòa, Ilas Bahtybaiev, nguyên Cảnh sát trưởng tỉnh Nam Kazakhstan thiếu tướng Hibratulla Doskaliev, nguyên phó cảnh sát trưởng một Vùng, đại tá cảnh sát Saken Aitbekov, và các chỉ huy trưởng của hai đơn vị quân đội là các đại tá Bekzat Jumin và Kairat Pernebaiev, theo người phát ngôn của Ủy ban an ninh quốc gia Kazakhstan (KNB) hôm 6/6 vừa qua[13].
Các vị trên đã bị KNB bắt vì được xem là có dính dáng đến “vua bia” Tokhtar Tuleshov. Dù “đại gia” Kazakhstan này đã bị bắt trước đó (30/1/2016), KNB vẫn cho rằng ông ta là chủ mưu của những vụ “gây mất trật tự trị an trong nước và tạo rác những lò lửa của căng thẳng, tổ chức các cuộc phản đối và các vụ động loạn nhiều người tham gia”. Nhưng lại không nói rõ là Tokhtar Tuleshov đã thủ mưu các cuộc biểu tình và xung đột vũ trang trong tháng 5 và 6 vừa rồi.
Saken Aitbekov (SN 1972) đã được tờ 365info của Kazakhstan ra 16/5/2016 nêu tên trong một vụ ký đơn tự nguyện về hưu sớm của một loạt các sĩ quan cảnh sát cao cấp của Kazakhstan, như đại tá Kenje Ondasynov (SN 1977), Cục trưởng Cảnh sát điều tra Hình sự, Malik Baizakov, phó Cục trưởng Cục chống tội phạm có tổ chức, cũng như chỉ huy của đơn vị quân đặc nhiệm (spesnaz) Arlan, là Marat Abdrakhmanov. Đơn vị Arlan, vẫn theo truyền thông Kazakhstan được xem là vào năm 2015 từng bị huy động không đúng điều lệnh quân đội để bảo vệ an ninh cá nhân cho “vua bia”[14]. Saken Aitbekov được xem là “thân” với Tokhtar Tuleshov, người ta ghi được tới 200 cuộc điện thoại của ông với “vua bia” chỉ trong một tháng.
Theo chuyên trang bình luận slon.ru, Tokhtar Tuleshov có tham gia vào hoạt động của Trung tâm phân tích các mối đe dọa khủng bố của Nga, và là cố vấn của Liên đoàn Cô dắc Kazakhstan về “củng cố quan hệ với Nga. Một số người thân cận với Tokhtar Tuleshov gắn vụ bắt bớ “vua bia” này với quan điểm thân Nga của Tokhtar Tuleshov[15].
Tay ải tay ai?
Cổng thông tin OTR (Truyền hình xã hội Nga) hôm 8/6 trở thành diễn đàn: “Bàn tay ai đã dàn dựng những biến loạn ở Kazakhstan?”, thảo luận thế lực trong hay ngoài nước nào có thể đã giành lợi lộc nhất trong những lộn xộn vừa qua ở Kazakhstan. Các thông tin đáng chủ ý là: Aktobe, vốn có nguồn dầu mỏ, như một tâm điểm của công phẫn xã hội do phân chia giàu nghèo; sự trị vì dài hiếm có của Nazarbayev, và việc ông dường như chưa xác định được người kế vị; sự nồng ấm hơn quan hệ Astana – Bắc Kinh thể hiện qua những hợp đồng về cung ứng nguyên liệu, năng lượng cho Trung Quốc…
Còn nhớ, tháng 9/2013 các báo Kazakhstan đưa tin nước này và Trung Quốc đã ký tới 22 hiệp định hợp tác, nhất là trên lĩnh vực dầu khí, trị giá khoảng 30 tỷ USD[16]. Tín hiệu nữa là Công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc tậu 8,3 % cổ phần của mỏ dầu lớn nhất trên thế giới ngoài vùng Trung Đông, mỏ Kashagan (của Kazakhstan), chắc cũng đã làm các nhà xuất khẩu dầu chú ý[17]. Báo The Asiantimes thậm chí đánh giá đột phá quan hệ như thế đã giúp Bắc Kinh giảm thiểu thách thức “thế tiến thoái lưỡng nan Malacca” (the Malacca Dilema) – tức là sự phụ thuộc vào vận tải đường biển của kinh tế Trung Quốc.
Báo Matrisa của Kazakhstan ra 20/6/2015[18] cho hay chỉ trong ba năm, số công ty Trung Quốc ở đây đã tăng lên tới 35%, đạt tới 2500 doanh nghiệp, với tổng lượng đầu tư từ Trung Quốc vào Kazakhstan lên tới hơn 10 tỷ USD.
Tờ Life.ru hôm 5/6 có bài bình luận về Kazakhstan được truyền thông Nga trích dẫn. Báo Life.ru nhắc nhở rằng những rối loạn ở Alma – Ata năm 1986 trên thực tế từng là “chim báo bão” của sự sụp đổ Liên Xô, vì thế đánh giá không hết tầm quan trọng của các sự việc đang diễn ra ở Kazakhstan sẽ là vô cùng khinh suất[19].
Life.ru cho rằng chắc khó mà gán nhãn mác Hồi giáo cho cho các phần tử cực đoan vừa gây động loạn tại Aktobe (thành phố đa số dân là người Nga). Đặc trưng cho náo loạn gây bởi các phần tử cực đoan Hồi giáo, sẽ là vùng phía Nam của Kaxakhstan giáp biên giới với Uzbekistan, theo Life.ru. Nếu các phần tử Islam xuất hiện “ở dưới bụng nước Nga” (ý nói miền Bắc Kazakhstan, nơi có những vùng có nhiều người gốc Nga như Aktobe), sẽ có một chiến dịch nhằm vào phía Nga (chứ không nhằm vào chính quyền Kazakhstan như vừa xảy ra), Life.ru khẳng định.
Slon.ru dựa trên các nguồn của Kazakhstan cho rằng các vụ động loạn ở nước này là do những thế lực ngầm trong và ngoài nước không bằng lòng với sự thống trị “vĩnh cửu” («вечным» правлением) của Nursultan Nazarbayev (cầm quyền từ 1989 trên cương vị Bí thứ thứ nhất Đảng cộng sản Kazakhstan kiêm Chủ tịch xô viết tối cao Kazakhstan, rồi trở thành tổng thống Kazakhstan từ 1991, khi Liên Xô đổ). Ở Nga xem loạt vụ động loạn vừa qua như “một chiến dịch nhất quán chống lại nước Nga” (các vụ việc xảy ra chỉ cách thành phố Orenburg, Nga, chưa đầy ba trăm cây số), và người Nga nghĩ là Mỹ có dúng tay vào những vụ này để làm hại Nga. Ở Ukraine, truyền thông nước này “nhìn thấy” bàn tay của Moskva trong chuyện này, rằng đây là một âm mưu thực hiện ở Kazahstan một “kịch bản Syria”, để rồi (Nga) xông vào đó trong vai trò lực lượng “tạo ra hòa bình và đảm bảo ổn định”, slon.ru cho hay.
Những liên tưởng
Nhiều bài bình luận đề cập “ám ảnh Maidan” ở Kazakhstan, đồng thời cho hay chính quyền Astana trừng phạt những công dân nước này tham dự vào hoạt động chống Kiev của phe ly khai ở Đông Ukraine.
Trong một bài viết cách đây một năm, báo The Guardian[20] của Anh cho rằng Kazakhstan có thể trở thành một Ukraine nữa, khi Nursultan Nazarbayev rời khỏi ngai tổng thống. Báo này nghĩ rằng số lượng lớn những người gốc Nga sống ở miền Bắc và sự không hài lòng của họ đối với chính thể hiện thời ở Astana có thể tạo nên những tiền đề để cho một cuộc “sáp nhập” (annexation) đối với vùng này (Bắc Kazakhstan), vẫn bởi Nga, trong một triển vọng trung hạn.
“Chiến dịch Crimea được chuẩn bị từ nhiều năm trước. Nga đã làm tất cả để Ukraine không thể đạt được độc lập về thực chất, xét trên các phương diện cảnh sát, quân đội, ngành an ninh. Thực trạng của quân đội và ngành an ninh sẽ là tương tự ở Kazakhstan, nhất là ở miền Bắc (nơi có biên giới với Nga)”, Rasul Zhumaly, một nhà quan sát chính trị, nguyên viên chức ngành ngoại giao Kazakhstan, nói với The Guardian (năm 2015). Độc giả có thể liên tưởng đến vụ ký đơn xin ra khỏi ngành của những “sói non” của ngành cảnh sát Kazakhstan năm 2016, nêu ở trên.
Vào năm 1989, ở Kazakhstan có 39% người gốc Kazakh, nhưng hôm nay gần 70% là người gốc Kazakh vì nhiều người Nga đã rời khỏi đây, và người Kazakh đạt được một tỷ lệ sinh đẻ cao hơn. Hiện tại, tuổi trung bình của người Kazakh là 27, còn người Nga là 46, tuổi – có nghĩa là tỷ lệ người Kazakh sẽ còn tăng lên. Trong giới trí thức Kazakhstan, đang có mốt mặc trang phục dân tộc Kazakh và nghe nhạc dân tộc, vẫn theo The Guardian.
Hiện thời, đã rõ ràng một mối lo trong cộng động người Nga là một lãnh tụ lên cầm quyền sau Nazarbayev sẽ theo đuổi một đường lối dân tộc chủ nghĩa hơn, theo Guardian (2015).
The Guardian dẫn một nhà quan sát chính trị Khazakh, Dosym Satpayev, “Kazakhstan về quân sự khá yếu, chỉ (trông chờ) vào sự bảo hộ của luật pháp quốc tế. Và chúng tôi cũng đang theo dõi tình hình diễn biến ra sao ở Ukraine”.
Vậy là Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), một liên minh cả về quân sự (gồm Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzistan, Tajikistan, Uzbekistan) đã không được nhắc đến. Còn nhớ một bài viết trên Polska Zbrojna nhận định[21] sau khi Liên Xô đổ, Trung Á lập tức trở thành cái bia cho chiến lược bành trướng của Trung Quốc, cũng là nhằm ngăn chặn “bóng ma” dân chủ Phương Tây xích gần biên giới Trung Quốc.
Satpayev đưa ra giả định về việc một lãnh tụ sau Nazarbayev có thể đưa Kazakhstan rời khỏi khối Liên minh kinh tế Á – Âu do Nga cầm trịch. Satpayev chắc rằng trong trường hợp như thế, “sẽ có những thế lực ở Kazakhstan kêu gọi Nga giúp (Kazakhstan) có được sự lựa chọn đúng”.
Có thể cho rằng Kazakhstan không có yếu địa nào đóng vai trò như Crimea với Hạm đội Biển Đen của Nga. Ukraine, phải là bức tường chắn những con sóng NATO, theo học thuyết Putin, nên quan trọng hơn Kazakhstan, The Guardian nghĩ. Nhưng sân bay vũ trụ Baikonur vừa có tầm quan trọng về công nghệ đối với ngành hàng không vũ trụ dân sự (và Quân chủng Phòng không –vũ trụ) của Nga. Baikonur còn đóng một “tầm quan trọng về tâm lý” (psychological importance – chữ của The Guardian) trong lòng người Nga – những biểu tượng (symbol – chữ truyền thông Nga hay dùng) xô viết hùng cường hẳn là một chân đứng của “chủ nghĩa Putin”.
Nhưng vào năm 2016 này, Stratfor đang cho rằng còn có một con đập nữa cần dựng để chắn cuộc Vạn lý Trường chinh) ập vào sân sau của Nga[22]. Điều này chắc cũng khớp với một mảng quan trọng nữa, trong học thuyết Putin (giữ gìn “Thế giới Nga” gồm cả không gian một số nước từng thuộc Liên Xô). Phương Tây thì luôn lưu ý, rằng (bất chấp những ràng buộc hôm nay) Nga và Trung Quốc luôn là đối thủ địa chính trị của nhau.
Dĩ nhiên Nga không có những lý do chính đáng để gây lộn xộn ở miền Bắc Kazakhstan, nhưng chúng ta cũng phải xem xét cả những lý do phi lý (irrational – không có lý trí) nữa, nhả phân tích chính trị Aidos Sarim trú tại Almaty nói (năm 2015), “nếu tình hình ở Nga quá tồi tệ, thì chính quyền Nga sẽ phải tìm kiếm các phương thức để làm phân tán tư tưởng của dân chúng. (Lúc đó) rõ ràng chiến tranh sẽ trở thành phương thức (để chuyển lửa ra ngoài), và miền Bắc Kazakhstan là nơi hiển nhiên (được lựa chọn cho hành động chiến tranh).
Hôm nay, với di sản khốc hại hậu Crimea với nền kinh tế Nga và vị thế nước này trên trường quốc tế, khó mà nghĩ Kremli lại có thể lắp lại phương án kiểu Đông Ukraine cho vùng Bắc Kazakhstan. Nhưng những ý kiến của những người Kazakhstan “liền đất, liền trời” với Gấu, không khỏi khiến người ta phải suy tư.
Còn nhớ năm 2014 Putin khẳng định “Người Khazakh đã chưa từng có chủ quyền quốc gia”, gây phản ứng mãnh liệt ở Kazakhstan. Putin cũng cam kết bảo vệ người dân Nga ở Kazakhstan.
Đáp lại những tuyên bố đả động đến chủ quyền Kazakhstan của chính giới Nga, tổng thống Nazarbayev trong phát biểu với nhân dân nước ông đã cho hay Astana có thể rời khỏi Liên minh kinh tế Á – Âu (Nga, Kazakhstan, Armenia, Belorussia, Kyrgyzistan), nếu tổ chức này thể hiện sự đe dọa đối với nền độc lập của Kazakhstan. “Nền độc lập của chúng ta là những gì quý báo nhất mà ông cha chúng ta từng đấu tranh để giành lại. Thứ nhất, chúng ta không bao giờ để mất chủ quyền, thứ hai, chúng ta sẽ làm tất cả để bảo vệ chủ quyền” [23].
Ngay sau khi xảy ra cuộc chạm súng ở Aktobe, một bài viết trên RIA. Novosti, kênh truyền thông chính của Nhà nước Nga (6/6/2016) có tựa đề: Khủng bố ở Aktobe: một mưu đồ dứt Á – Âu ra khỏi Kazakhstan[24]. Bài viết chỉ ra vụ này xảy ra ở gần biên giới Kazakhstan – Nga, cũng là biên giới giữa hai nước của Liên minh kinh tế Á – Âu, và chắc cần đến cả một quân đội để bảo vệ hàng ngàn cây số của đường biên giới trên thảo nguyên này…
Trước đó, bài viết của năm nhà quan sát chính trị nổi tiếng tại Moskva (29/1/2016) về chính sách tổng thể của nước này trong 2016 nhấn mạnh: “Xáo động của dân chúng trong các nước đồng minh thuộc SNG có thể đặt ra vấn đề Moskva phải can thiệp” [25]. Đồng thời, dù ý chí của Nga lớn, các nguồn tài lực của nước này đang cạn, mức đầu tư sút giảm mạnh của Nga cho Kyrgyzistan đang là một tín hiệu rõ rệt (cho triển vọng của Liên minh kinh tế Á – Âu), năm nhà quan sát chính trị Nga này nhận định.
Chuyển giao quyền lực
Bài viết này của năm nhà quan sát chính trị nổi tiếng tại Moskva nêu một trong ba “việc cần làm” của Nga là: “Nga không được để xảy ra xích mích và bất đồng (của mình) với những láng giềng và đồng minh thân cận nhất: cụ thể là Trung Quốc, Belarus, Kazakhstan, và Armenia. Đây không chỉ là vấn đề quan hệ giữa các nước với nhau, mà còn là sự cần thiết làm sâu sắc thêm sự hiểu biết lẫn nhau giữa giới tinh hoa (của các nước này) với nhau – dù là giới kinh doanh, quân đội, hay thanh niên”.
Vấn đề là trong 4 nước được nêu danh, Trung Quốc và Kaxakhstan cũng là những láng giềng cận kề. Và Stratfor cho rằng quan hệ hợp tác ngày càng đa dạng, và nhất là về quân sự của Bắc Kinh với các nước ‘sân sau” của Nga rồi sẽ làm trật bánh (deraill) quan hệ hợp tác chiến lược Nga – Trung. Cụ thể, hợp tác nhiều mặt của Trung Quốc với Trung Á, tuôn trào ra ngoài khuôn khổ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, đang làm suy yếu ảnh hưởng quân sự chưa từng bị thách thức của Nga tại khu vực này[26].
Theo Life.ru, không còn nghi ngờ gì nữa về chuyện Kazakhstan rơi vào quỹ đạo của náo loạn là do cuộc đấu giành quyền thừa kế Nazarbayev đang quyết liệt hơn. Và chắc chắn tham dự vào cuộc đấu này còn có mật vụ của Trung Quốc, và tình báo Mỹ – đang thực thi nhiệm vụ làm suy yếu Nga, Life.ru kiến giải. Trong tương lai Nga có thể sẽ lãnh đủ một nguồn bất ổn ngay cạnh biên giới của mình, còn dự án Liên minh Hải quan (EACU – gồm các thành viên như của Liên minh kinh tế Á – Âu) thì tới lúc đó sẽ phải dẹp tiệm đi, Life.ru viết tiếp.
Bài viết trên Polska Zbrojna (dẫn trên) cho rằng các chế độ không dân chủ ở Trung Á (trong SCO) luôn tìm kiếm sự ủng hộ hoặc của Trung Quốc, hoặc của Nga. Nhưng sao đổi ngôi, vệ tinh đối quỹ đạo…thường kéo theo những biển động không dễ lường.
Trên mạng tìm kiếm Nga google.ru, từ khóa “Trung quốc hóa Kazakhstan” hiện được tìm kiếm nhiều hơn từ “Trung quốc hóa Trung Á”. Trên mạng xã hội thấy có bài Trung quốc hóa Liên Xô cũ ư? Hiện mới có Kazakhstan (đang bị Trung Quốc hóa)”[27], ra năm 2011.
Có nguồn Nga cũng nhắc rằng ở Trung Quốc hiện sinh sống khoảng 1,5 triệu người dân tộc Kazakh. Dân số Kazakhstan hiện tại khoảng 17,6 triệu người.
Năm 2012, tờ Regnum của Nga dẫn lời một nhà quan sát nhận định tại không gian chính trị- xã hội Trung Á hiện đang diễn ra ba xu hướng: Phương Tây hóa, Trung Quốc hóa, và Hồi giáo hóa”, rằng mỗi nước ở đây đang tìm kiếm đường hướng phát triển dựa trên ba mô hình này[28]. Trên nền một không gian từng được xem là Nga hóa, những sức căng về xã hội và cả về chính trị, trên bề mặt và cả ở chiều sâu, hẳn là đã gia tăng.
“Trong điều kiện hiện tại, nước ta (Nga) cần phải coi Kazakhstan và Trung Á là hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại, và phải thực hiện tất cả những nỗ lực để giữ gìn ổn định trong vùng này. Nếu cứ mải mốt với (những nỗ lực tại) Ukraine, chúng ta sẽ có thể ngủ quên trước những biến chuyển tình hình tại biên giới phía Nam của Nga”, là kết luận của Life.ru (ra 5/6/2016).
Dù liệt cả hai loạt vụ việc, vào tháng 4/2016, và vào tháng 5/2016 vào những biến động nghiêm trọng, các báo đã hầu như không phân tích có hay không, một liên hệ nào giữa chúng với nhau. Quay lại với cuộc “điểm danh” của Cổng thông tin OTR (8/6) xem ai đứng đằng sau những động loạn gần đây ở Kazakhstan, báo này cho rằng lãnh đạo Kazakhstan đã nguội lạnh hơn với Moskva gần đây (đồng thời Astana đã mặn mà hơn với Bắc Kinh). Từ đây, việc triều đại sau kỷ nguyên Nazarbayev rồi sẽ hướng về cường quốc nào trong nhị vị Nga – Trung, có thể đã là một nhân tố ảnh hưởng lên cả hai đợt rối loạn tại Kazakhstan vừa qua, cũng như lên những động thái tương lai.
Lê Đỗ Huy
——————
[1] https://slon.ru/posts/66840
[2] http://vesti-ukr.com/mir/149607-protesty-v-kazahstane-pochemu-v-strane-nazrel-majdan
[3] http://azh.kz/ru/news/view/36559
[4] https://lenta.ru/articles/2016/05/25/astana_myheart/
[5] http://russian.eurasianet.org/node/63081
[6] https://topwar.ru/94906-nazarbaev-ukrainskiy-scenariy-v-kazahstane-ne-proydet.html
[7] http://russian.eurasianet.org/node/63081
[8] https://kapital.kz/economic/49367/vsemirnyj-bank-rezko-snizil-prognoz-rosta-vvp-kazahstana.html
[9] http://alau.kz/moratorij-na-skandalnye-popravki-v-zemelnyj-kodeks-nalozhil-prezident-kazaxstana/
[10] https://www.vedomosti.ru/economics/articles/2015/10/26/614254-kitai-aziyu-rossii
[11] http://azh.kz/ru/news/view/36116
[12] https://lenta.ru/articles/2016/05/25/astana_myheart/
[13] http://newskaz.ru/incidents/20160606/12116405.html
[14] http://365info.kz/2016/05/1-j-zamestitel-nachalnika-departamenta-vnutrennih-del-yuzhno-kazahstanskoj-oblasti/
[15] https://slon.ru/posts/69066
[16] http://mgorod.kz/nitem/kazaxstan-i-kitaj-podpisali-22-dogovora-o-sotrudnichestve-na-summu-okolo-30-milliardov-dollarov/
[17] http://astanatimes.com/2014/01/energy-cooperation-kazakhstan-china/
[18] http://www.matritca.kz/topnews/33362-kolichestvo-kitayskih-kompaniy-v-kazahstane-vozroslo-na-35-erlan-karin.html
[19]https://life.ru/t/%D0%BC%D0%BD%D0%B5%D0%BD%D0%B8%D1%8F/416478/kazakhstan_v_zonie_turbulientnosti
[20] https://www.theguardian.com/world/2015/may/03/annexation-of-crimea-magnified-divisions-inside-kazkhstan
[21] http://inosmi.ru/middle_asia/20110325/167736169.html
[22] https://www.stratfor.com/sample/analysis/chinas-long-march-central-asia
[23] http://russian.rt.com/inotv/2014-09-01/EH-Neumestnie-zamechaniya-Putina-tolkayut
[24] http://ria.ru/analytics/20160606/1443543523.html
[25] http://inosmi.ru/politic/20160129/235212921.html
[26] https://www.stratfor.com/sample/analysis/chinas-long-march-central-asia
-
-
AuthorPosts
- You must be logged in to reply to this topic.