Không ai thắng trong “Cuộc Chiến Việt Nam”

Viewing 1 reply thread
  • Author
    Posts
    • #23189
      NCQT
      Keymaster

      Không Ai Thắng Trong “Cuộc Chiến Việt Nam”

      Tác giả: Nguyễn Nhật Huy

      Cuộc chiến Việt Nam” là một bộ phim của người Mỹ, làm cho người Mỹ, nhằm giải thích và giải quyết các vấn đề trong xã hội Mỹ. Nó giống như một phiên tâm lý trị liệu mà các bên cùng ngồi xuống và kể câu chuyện của mình. Qua đó mỗi người sẽ hiểu được phần nào suy nghĩ của những người khác, trở nên bao dung và gắn kết với nhau hơn. Mặc dù được xây dựng trên một nền tảng nghiên cứu lịch sử đồ sộ có tính học thuật cao, mục đích chính của Ken Burns và Lynn Novick vẫn là cung cấp một cơ hội giải toả (catharsis) cho người Mỹ sau sang chấn tinh thần Chiến tranh Việt Nam. Sẽ là vô lý nếu đòi hỏi những người Mỹ phải làm phim từ góc nhìn người Việt Nam. Đã có nhận xét cho rằng bộ phim là một trại cải tạo (re-education camp) cho xã hội Mỹ và điều này cũng có thể áp dụng với người Việt. Có rất nhiều bài học và câu hỏi dành cho người Việt từ bộ sử thi này.

      Bộ phim có ý nghĩa thế nào với người Việt Nam?

      Một bài học giá trị từ bộ phim là tất cả chính quyền, dù ở Mỹ hay ở Việt Nam, đều gian dối và đa số những nhà lãnh đạo đều sẵn sàng hy sinh tính mạng hàng ngàn, thậm chí cả triệu người để thực hiện mục tiêu cá nhân của mình. Sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam bắt đầu từ nỗi lo chủ nghĩa cộng sản sẽ bành trướng nhưng dần dần nó lại bị chi phối chủ yếu bởi nỗi sợ không thắng cử của các Tổng thống Mỹ. Từ Johnson mặc dù biết là không thể chiến thắng nhưng vẫn liên tục gửi quân sang Việt Nam vì sợ bị coi là kẻ thua trận. Nixon vì muốn kiếm thêm phiếu bầu đã xúi giục chính quyền Nguyễn Văn Thiệu tẩy chay đàm phán hoà bình.

      Về phía Việt Nam, cuộc chiến khởi đầu như một cuộc tranh đấu cho độc lập dân tộc, chống lại sự thống trị của ngoại bang nhưng sau khi lính Mỹ rút khỏi Việt Nam năm 1973 thì các lãnh đạo Hà Nội vẫn tiếp tục cuộc nội chiến khiến hàng trăm ngàn người bỏ mạng, hàng triệu người mất nhà cửa, gia đình ly tán. Các lãnh đạo cộng sản tuyên bố “Đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng” nhưng họ đa phần cho con em ở hậu phương hoặc đi học ở nước ngoài.

      Chiến tranh có đáng?

      Trong một đoạn phỏng vấn cho phim tài liệu Hearts and Minds, tướng William Westmoreland, chỉ huy quân đội Mỹ ở Việt Nam đã nói “Người phương Đông không coi trọng mạng sống như người phương Tây. Mạng sống là vô kể, mạng sống là rẻ mạt ở phương Đông. Và như triết lý phương Đông, mạng sống là không quan trọng.” Tất nhiên Westmoreland đã không thể sai hơn. Nhưng điều gì đã mang lại ấn tượng đó cho ông ta? Trong cuộc chiến Việt Nam, quân đội Mỹ tử trận ở con số hơn 58,000 trong khi ít nhất 250,000 binh sỹ VNCH, hơn một triệu lính VNDCCH và Giải phóng quân cộng thêm hơn hai triệu dân thường ở cả hai miền bỏ mạng. Gần 60,000 người Mỹ thiệt mạng đã gây áp lực khổng lồ lên nước Mỹ phải rút khỏi cuộc chiến nhưng hàng triệu người chết vẫn chưa đủ làm các nhà lãnh đạo Việt Nam chần chừ. Và cũng như người Mỹ sau chiến tranh, nhiều người Việt Nam bắt đầu đặt câu hỏi liệu hơn ba triệu người chết và đất nước bị tàn phát suốt 20 năm có là cái giá đáng để hy sinh?

      Tại sao người Việt Nam chưa hoà giải?

      Hơn 40 năm sau ngày thống nhất, người Việt Nam đã hoà giải với các cựu thù là người Pháp và người Mỹ. Nhưng sự hoà giải giữa người Việt với người Việt dường như vẫn còn xa vời. Điều này có phải do người Việt thân thiện hơn với người nước ngoài? Hay do những hành động của “bên thắng cuộc” mà đất nước thì thống nhất về quân sự và lãnh thổ nhưng không thống nhất trong lòng người? Lần đầu tiên, 173 năm sau khi Nguyễn Ánh chiếm được Thăng Long từ quân Tây Sơn, người Việt Nam lại có một lãnh thổ thống nhất hình chữ S từ Bắc vào Nam. Và cũng giống như Nguyễn Ánh, những người cộng sản đã tiến hành trả thù một cách có hệ thống với bên thua cuộc, tuy mức độ tàn bạo không giống nhưng quy mô thì gấp nhiều lần. Hàng trăm ngàn người bị giam giữ không qua xét xử, có những người bị giam tới 17 năm, có những người được thả ra vài ngày thì qua đời. Nhiều nghĩa trang quân sự của binh sĩ Việt Nam Cộng Hoà bị san ủi. Sau 30 năm chiến tranh, đất nước bị tàn phá nặng nề và khánh kiệt,  cần tới sức lực, trí tuệ và tâm huyết của tất cả những ai có thể cống hiến thì những người thắng cuộc lại chọn cách trả thù ấu trĩ và nhỏ nhen. Khi kết thúc một cuộc giao tranh, hoà giải có đạt được hay không có lẽ phụ thuộc chính vào tầm vóc và trí tuệ của người chiến thắng.

      Ai là người chiến thắng?

      Ngày 30/4/1975 Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện lực lượng Quân giải phóng và yêu cầu tất cả binh sĩ Việt Nam Cộng Hoà hạ khí giới. Chính thể tồn tại 20 năm ở miền Nam Việt Nam bị xoá bỏ. Trước đó 2 năm, người Mỹ đã thừa nhận thất bại và rút quân sau 10 năm can thiệp mà không đạt được mục tiêu của mình. Những người cộng sản mừng chiến thắng mà họ phải chiến đấu ròng rã suốt 30 năm. Nhưng liệu có được gọi là chiến thắng khi ngay trong thời bình mà 2 triệu người phải rời bỏ đất nước bất chấp nguy hiểm tới tính mạng?

      Những người cộng sản chiến đấu để tạo lập một nước Việt Nam thống nhất dưới chủ nghĩa xã hội nhưng chỉ 10 năm sau chiến tranh, họ lại lựa chọn hình thái kinh tế mà họ từng muốn xoá bỏ bằng mọi giá. Bên thắng cuộc tự hào đã thắng cường quốc số một thế giới nhưng 20 năm sau đó chính người Mỹ lại là bên ra điều kiện khi Việt Nam muốn bình thường hoá quan hệ và hội nhập thế giới. Người Mỹ vì quá tự tin, nghĩ họ phi thường nên đã thua trong chiến tranh Việt Nam. Nhưng Việt Nam sau khi thắng Mỹ và nghĩ mình phi thường nên đã thua ngay trong thời bình.

      Nhật Huy

      1/10/2017

    • #23525
      NCQT
      Keymaster

      XEM, SUY NGHĨ VỀ “CHIẾN TRANH VIỆT NAM”
      Tác giả: Vũ Ngọc Phương *

      Trong lịch sử thế giới hiện đại, sự kiện Đại chiến Thế giới lần thứ 2 và Chiến tranh Việt Nam sẽ mãi là sự kiện lớn làm thay đổi thế giới hiện đại. Hậu quả của hai sự kiện mãi còn là nguồn nghiên cứu tranh luận không ngừng trong nhiều thế kỷ sau này. Phim “ Chiến tranh Việt Nam” là một bộ phim tài liệu lịch sử công phu, nhiều tư liệu quý không chỉ cho người Mỹ mà cho nhân loại – những ai quan tâm đến lịch sử phát triển xã hội.

      Ở một tầm vóc lớn hơn “Chiến tranh Việt Nam” không thể chỉ bình luận thắng, thua hay không ai thắng trong cuộc chiến này vì đây là một cuộc chiến chưa từng có tiền lệ ở Mỹ và ở các cuộc chiến trên thế giới trước đó nhưng lại là cuộc chiến truyền thống của Người Việt chống lại sự can thiệp của Ngoại bang. Đối với Việt Nam – Dân tộc Việt được người Cộng sản gọi là Chiến tranh Nhân Dân. Đó là một trận chiến trường kỳ, dai dẳng, không có chiến tuyến, không thể rõ đâu là Việt cộng, đâu là Dân thường. Sự thật đó được chính các nhà chiến lược, các nhà chính trị, các học giả toàn thế giới trong đó có Mỹ công nhận.

      Vấn đề ở đây cần thấy rõ trong phim “ Chiến tranh Việt Nam” cung như nhiều phim tài liệu cùng chủ đề – Một sự thật lịch sử là gần hết cả người Mỹ và người của chính Việt Nam Cộng hòa đều phản đối, đều chống lại việc thời kỳ đó Chính Phủ Mỹ tham gia, tiến hành chiến tranh Việt Nam. Ở đây cần quay lại khái niệm Chiến tranh phi nghĩa và Chiến tranh chính nghĩa. Ở phương Tây thường có cách suy diễn cực đoan xuất phát từ quan điểm đối kháng từ sự thù ghét Chủ nghĩa Cộng sản rằng “ Thời kỳ chiến tranh Việt Nam với dẫn chứng rằng ở miền Bắc Việt Nam cũng có phong trào phản chiến như sự kiện đồng ý hay không đồng ý trong giới lãnh đạo Bắc Việt Nam về Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, hay sự đào ngũ của một số người Bắc Việt Nam khi phải vào miền Nam”. Xét rõ ở bất kỳ thời đại nào, dân tộc nào, con người nào cũng như vậy tham sống, sợ chết. Ở miền Bắc Việt Nam tuyệt nhiên không hình thành “Phong trào phản chiến” như cách diễn giải của một số học giả Phương Tây và một số người Việt như vậy là không khách quan khoa học. Tại sao người Việt trong sự đói nghèo lại chịu hy sinh cùng cực một cách tư giác như vậy nếu không phải là truyền thống đặc sắc của Dân tộc Việt “ Sẵn sàng hy sinh vì Độc lập, Tự do, toàn vẹn lãnh thổ, quyết không chịu mất nước, quyết không chịu làm nô lệ,…” trong triết lý này Cộng sản Việt Nam đã đúng khi hiểu rõ sức mạnh truyền kỳ của Dân Việt.

      Chiến tranh Việt Nam là một cuộc đối đầu lịch sử giữa chủ nghĩa Tự do Mỹ và chủ nghĩa Dân tộc Việt, tuyệt đối không phải sự phát triển của Chủ nghĩa Cộng sản ở Đông Nam Á như nhận định của Mỹ và đồng minh phương Tây và một số người Việt Nam Cộng hòa. Vì không hiểu nên thất bại. Sau chiến tranh Việt Nam, người Mỹ và những tư tưởng Thế giới Tự do có rút ra được bài học gì, đây là còn nhiều quan điểm cần nghiên cứu, tranh luận rất lâu dài. Một sự kiện lớn như “ Chiến tranh Việt Nam” phải có một khoảng lùi xa hơn nữa mới thấy hết được tầm vóc của nó, không khác gì đứng dưới chân tòa nhà chọc trời, càng lùi xa càng thấy cao lớn, hùng vĩ. Đã là chiến tranh, biện pháp tột cùng của chính trị, không thể tránh khỏi hy sinh, tổn thất, nhất là đối với một Dân tộc nghèo khổ tột cùng sau hàng nghìn năm bị áp bức, bị nô lệ, bị bóc lột cùng kiệt của xâm lược Ngoại bang. Vì vậy cách duy nhất để có độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ là phải hy sinh tính mạng, của cải để giành lại cho được độc lập, tự do. Bằng lịch sử nhiều nghìn năm của Dân tộc Việt đã cho thấy đây là một Dân tộc rất đặc biệt trong toàn thể Nhân loại thường tiến hành một cuộc chiến Toàn Dân chống lại sự xâm lược của Ngoại bang một cách anh hùng, quả cảm – Đó là cuộc kháng chiến chính nghĩa của Người Việt, tự họ biết rõ nên sẵn sàng hy sinh.

      Trong lịch sử Nhân loại đã chỉ rõ những người thành công trong chiến tranh không có nghĩa là sẽ thành công trong hòa bình, ở nước nào cũng vậy. Thường khi đất nước đã trở lại hòa bình, khôi phục kinh tế, xã hội thì những Nhà Lãnh đạo chiến tranh thường mắc nhiều sai lầm vì đã áp dụng cách lãnh đạo chiến tranh cho việc lãnh đạo hòa bình. Tất cả các thành công và hậu quả chiến tranh, hòa bình đều tuân theo một quy luật phát triển tất yếu. Vì thế mọi sự nhận định cần khách quan khoa học đúng với giai đoạn phát triển, đúng với hoàn cảnh lịch sử thì nhận định đó thật sự thuyết phục được Nhân Tâm.

      Sau “ Chiến tranh Việt Nam” tình trạng suy thoái, hỗn loạn là tất yếu. Không có mấy người vượt trên lịch sử để thấy được cần hòa giải giữa hai chiến tuyến tư duy là thế nào, ở cuộc chiến Bắc – Nam Hoa Kỳ, ở chiến tranh Thế giới 2,… đều thấy không thể hòa hợp được thì sự ra đi sẽ là tất yếu, đó cũng là bi kịch chiến tranh và hòa bình. Cuộc di tản sau 1975 của một số lớn người Việt là một bi kịch lịch sử cả cho người ở lại và người ra đi. Hiện chưa thật rõ số người di tản là bao nhiêu? Có thể vĩnh viễn không thể xác định được vì một nước trải qua cuộc chiễn dữ dội, tàn khốc 30 năm, thực ra còn lâu hơn thế nếu nói từ khi Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam năm 1858.

      Vì vậy sau khi đọc “ Không ai thắng trong Cuộc chiến Việt Nam” của tác giả Nguyễn Nhật Huy thấy chỉ là cảm tính, không khoa học, kém thuyết phục vì sự thiếu lozic.

      Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 2017
      _____________________________

      * Đã chứng kiến cả hai cuộc chiến tranh Pháp – Việt và Mỹ – Việt.

Viewing 1 reply thread
  • You must be logged in to reply to this topic.