NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.
- This topic has 0 replies, 1 voice, and was last updated 10 years, 6 months ago by NCQT.
-
AuthorPosts
-
-
17/05/2014 at 08:13 #1598NCQTKeymaster
Singapore, rất nhiều mỹ từ đã được dùng để nói về Singapore.
Quốc đảo xinh đẹp.
Quốc đảo giầu có.
Riêng với tôi, Singapore như một “lego land” trong trò chơi của trẻ con.
Đơn giản vì cứ 10m lại có một cái cây đều tăm tắp, những dãy nhà cao tầng rất giống nhau, kể cả mầu sắc, và đựợc quy hoạch cẩn thận.
Một lego land được chăm sóc bởi những đứa trẻ ngoan, không (hay không được phép) ăn kẹo cao su, và không vứt rác ra đường.
Singapore gần như không có tài nguyên thiên nhiên vì vậy họ rất chú trọng đến con người và phát triển dịch vụ.
Phương châm của Singapore là không làm được thì thuê, vì vậy họ rất chào đón người nước ngoài đến làm việc, nhất là lao động trình độ cao.
Họ tạo điều kiện bằng các thủ tục xin thị thực làm việc (working visa) nhanh gọn (khoảng 6-8 tuần), thuế thu nhập thấp, và một môi trường làm việc hấp dẫn.
Thông thường nếu muốn làm việc ở Singapore, người lao động phải được cấp một thẻ lao động (còn gọi là Employment Pass hay EP) do chính phủ cấp và được bảo lãnh bởi chủ lao động.
Thẻ thường có thời hạn một đến hai năm, nhưng nếu bạn vẫn đang làm việc thì gia hạn cực kỳ dễ dàng.
Chủ lao động có thể là công ty mà bạn làm việc, nhưng cũng có thể là các công ty môi giới – agent.
Nếu bạn làm việc trực tiếp cho chủ lao động, họ sẽ chịu trách nhiệm về hợp đồng lao động và bảo lãnh thẻ lao động cho bạn.
Tuy nhiên khi bạn chấm dứt hợp đồng, thẻ lao động cũng bị hủy bỏ và bạn phải rời Singapore trong vòng hai tuần nếu không tìm được việc mới.
Khi bạn chuyển việc, công ty mới sẽ làm EP cho bạn ngay lập tức và bạn có thể làm việc được ngay cho công ty mới.
Nếu bạn qua các công ty môi giới, họ sẽ chịu trách nhiệm về hợp đồng lao động cũng như EP, nhưng bạn sẽ làm việc cho khách hàng của họ.
Những công ty môi giới không tốt thì thường lấy phần trăm hoa hồng rất cao bằng cách ký hợp đồng rất cao với khách hàng và trả lương cho bạn thấp hơn nhiều.
Vì điều này mà bạn bận rộn hơn vì khách hàng kỳ vọng như vậy vì họ trả rất cao cho bạn qua nhà môi giới, và khi có rủi ro thì bạn cũng là những người đầu tiên bị nghỉ việc.
Tuy nhiên khi bị nghỉ việc thì bạn vẫn có thể ở lại Singapore và nhà môi giới sẽ tìm việc mới cho bạn.
Thuế thu nhập ở Sing tương đối thấp, chỉ vài phần trăm cho một năm.
Nếu bạn là đối tượng định cư dài hạn (Permanent Residence – PR) thì bạn phải đóng khoảng 15% vào một quỹ gọi là Central Provident Fund – CPF.
Quỹ này chỉ được dùng khi bạn mua nhà hoặc chữa bệnh hoặc về già.
Khi bạn quyết định rời Singapore và từ bỏ cái PR của bạn thì bạn có thể rút tiền từ quỹ này.
Tuy nhiên sau đó muốn quay lại Singapore thì có thể sẽ bị hỏi han.
Điều kiện để có PR cũng không rõ ràng lắm, về nguyên tắc sau khi có EP là có thể bắt đầu nộp đơn xin PR được, có những người mới sang vài tháng đã xin được ngay, có người ở mấy năm rồi xin mà vẫn bị từ chối.
Nếu bị từ chối thì phải chờ một thời gian (khoảng 6 tháng đến 2 năm, tùy từng trường hợp) mới được xin lại.
Môi trường làm việc ở Singapore rất phát triển và chuyên nghiệp.
Hệ thống cơ sở hạ tầng rất tốt với văn phòng hiện đại, hệ thống truyền thông tốc độ cao rất thuận lợi cho thông tin liên lạc như tele-conference, hội họp.
Các tuyến giao thông trong thành phố và mạng lưới giao thông đến các quốc gia và các nước trong khu vực rất thuận tiện, Các dịch vụ công cộng hành chính đều được tiến hành nhanh gọn.
Chính vì điều này mà hầu hết các công ty khi đến châu Á và nhất là ĐNA đều đặt trụ sở ở Sing. Đó cũng chính là một nguyên nhân họ tạo ra rất nhiều việc làm, và Singapore cần thu hút lao động nước ngoài để làm những công việc đó.
Với tôi đây là một chính sách hết sức hợp lý khi Singapore tạo môi trường thuận lợi giúp đỡ cả các công ty và người lao động.
Singapore la quốc gia có nhiều sắc tộc. Về dân số của riêng Singapore, người gốc Chinese chiếm khoảng 75%, Malay và India chiếm khoảng 10%, còn lại là những người khác đến nhập cư vào Sing.
Đấy là nói riêng về dân Singapore, còn về số người thực sinh sống ở Sing thì có khoảng 25% người nước ngoài nên môi trường thực sự là dễ hòa nhập.
Theo ý kiên cá nhân tôi thì những người sống ở nước ngoài thường cởi mở hơn, và vì vậy rất dễ gần và dễ tiếp xúc.
Ở Sing nhiều khi thấy người Singapore lạc lõng giữa một rừng người nước ngoài trong một số trò chơi như đá bóng hay cricket.
Người nước ngoài ở Singapore đến từ nhiều nơi trên thế giới như: châu Âu, châu Mỹ, Úc, New Zealand, Malaysia, Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật, Hàn Quốc…
Đó cũng chính là những người mà người Việt khi sống và làm việc ở đây phải cạnh tranh.
Dù với văn hoá và phong cách làm việc khác nhau, họ đều rất chuyên nghiệp.
Với cá nhân tôi, ngươi châu Âu và Mỹ thì khỏi cần bàn về tính chuyên nghiệp của họ.
Người Hong Kong và Singaporean thì rất ngạc nhiên là dù cũng là dân châu Á nhưng họ cũng rất thẳng thắn, sòng phẳng và cũng rất chuyên nghiệp.
Tiếp theo thì là người Malaysia gốc Hoa, Ấn Độ, Trung hoa lục địa.
Tôi chưa có dịp làm việc nhiều với người Nhật bản và người Hàn Quốc nhưng nhìn thấy nền kinh tế của họ phát triển thì cũng có thể đoán họ không kém gì Singapore.
Phong cách chuyên nghiệp thể hiện không chỉ ở trình độ chuyên môn mà còn ở kỹ năng giao tiếp, khả năng chấp hành kỷ luật công việc, làm đúng thời hạn.
Các tập đoàn nước ngoài cũng mang đến phong cách và văn hóa làm việc của họ, và đây cũng là những ngôi trường đào tạo cho người làm việc ở Singapore trở nên chuyên nghiệp hơn.
Dù phải đối mặt với cạnh tranh rất lớn, nhưng đây thực sự là môi trường lý tưởng để học hỏi và nâng cao kỹ năng.
Giờ làm việc ở Sing thường là “dài”.
Công việc trung bình thường bắt đầu từ 9 giờ sáng và kết thúc khoảng 7 giờ 30 tối với ăn trưa/café khoảng một tiếng đồng hồ.
Nếu có vấn đề thì ở lại muộn hay qua đêm cũng là chuyện bình thường.
Do các công ty nước ngoài phần lớn từ Mỹ và châu Âu, nên sự khác nhau về múi giờ cũng làm cho công việc bận hơn.
Chẳng hạn có một cuộc họp giaop ban đầu giờ sáng (“start of day meeting”) giữa một nhóm ở châu Âu và một nhóm ở châu Á thì thường là 5 giờ chiều ở Sing (tức la buổi sáng ở châu Âu).
Và nếu cuộc thảo luận kéo dài hoặc có nhiều ý kiến khác nhau thì chắc chắn là phải ở lại muộn hơn.
Tệ hơn nữa, với cái gọi là toàn cầu hóa (Globalization), công việc có xu hướng được phân bố toàn cầu, và nếu cuộc họp có liên quan đến các nhóm từ Hoa Kỳ, EU thì giờ giấc đẹp nhất cho cả 3 là 7 giờ tối (7 giờ sáng ở Hoa Kỳ, và trưa ở EU)!!!
Với những việc như hỗ trợ khách hàng toàn cầu, thì với những mô hình kiểu như “24h service around the world”, “follow the sun”,…đang được áp dụng tại nhiều công ty, bạn có thể phải làm theo ca kíp (shift work) để có thể hỗ trợ khách hàng “từ bất kỳ đâu tại bất kỳ thời điểm nào”.
Đây cũng lý giải vì sao Singapore luôn bận rộn cả về đêm và gần sáng, các điểm chờ taxi ở gần các khu văn phòng vẫn có nhiều người vào các giờ được coi là vắng vẻ này.
Làm việc nhiều nhưng mà ở Sing cũng có nhiều nơi để giải trí.
Bạn có thể đi shopping hoặc đến các bar, nhà hàng trên đường Orchard (tôi hay gọi đây là Hàng Ngang Hàng Đào vì là trung tâm mua sắm, buôn bán), Takasimaya (tôi hay gọi đây là Tràng Tiền Plaza của Sing), Singapore River (tôi hay gọi đây là Hồ Tây vì nhìn nó rất giống mấy cái nhà hàng ở phía Hồ Tây đoạn gần trường Chu Văn An), hoặc Vivo City (một khu shopping mới, khá đẹp nhìn sang đảo Sentosa), Great World City (chỗ này có lẽ giống bách hóa số 5 Nam Bộ – không xa trung tâm quá mà cũng có đủ thứ), City Hall, Suntec City, hoặc lên tầng 72 khách sạn Stanford để uống café, nghe nhạc và ngắm nhìn toàn cảnh Singapore.
Tôi có lẽ so sánh cái Standford này với khách sạn 11 tầng cao nhất Hà Nội hồi xưa mà mỗi lần có dịp lại đi lên để ngắm toàn cảnh khu Thành Công, Giảng Võ, và mờ mờ đường Láng.
Ai yêu thích công nghệ có thể đến Simlim (như chợ Giời ở Hà Nội) hay Funan (Hàng Bài của Sing) để mua sắm đồ điện tử.
Cao cấp hơn một chút nữa về high-end audio system thì có thể đến Adelphi ở đối diện với Funan.
Các shop ở Adelphi chỉ làm việc từ 11h sáng đến 2,3 giờ chiều, và giá cả thì từ 3 số không đến 5 số không và cao hơn nữa.
Máu và mạo hiểm hơn nữa về giải trí thì có thể ra đoạn Geylang, Zoo Chiat (mà được ví cũng ngang với đường Bưởi ở Hà Nội thời hoàng kim của nó :) ).
Một trong những thú vui là đi ăn cua rang tiêu hoặc ớt (chili/pepper crabs), ẩm thực hồn quốc túy của Sing.
Có hai hàng rất nổi tiếng, ngon, bổ, rẻ, một ở Eunos và một ở Angmo Kio. Muốn tránh phải xếp hàng lâu thì phải đến sớm từ 4 giờ chiều, còn thông thường đến sau 5 giờ thì phải xếp hàng mất một tiếng đồng hồ.
Cua được nhập từ SriLanka, to khủng long, rất tươi và rất ngon. Nước sốt thì tuyệt vời, ăn xong cua có thể gọi bánh bao chay (bun) để vét hết nước sốt.
Vì sao cua to thì có giai thoại chưa được chứng minh là ở SriLanka có tập tục hải táng (j/k).
Đi ăn sầu riêng, “quốc quả” (national fruit của Sing) cũng rất thú vị.
Bạn có thế đến khu Geylang, trước hết ăn sầu riêng (durian) cho nóng người, rồi ăn măng cụt (mangosteen) để kìm nhiệt, và cuối cùng là đi uống trà Tầu (herbal Chinese tea) để hạ hỏa hoàn toàn nếu bạn không muốn “đáp” vào một karaoke ôm gần đấy.
Geylang và China-town còn rất nổi tiếng với món cháo ếch với gừng, hành và ớt.
Ếch đùi to như đùi gà nhi đồng khai man tuổi, nấu với nước sốt ăn rất ngon kèm với cháo.
Có thể gọi thêm cải làn (kailan), đậu phụ (toufu), và nhất là chân gà (chicken feet) hầm với thuốc bắc.
Vợ chồng tôi đặc biệt thích món chân gà này!!!.
Ngoài ra một đặc điểm nữa của làm việc ở Sing là lương khá cao so với các nước trong khu vực, cộng với có khá nhiều hãng hàng không giá rẻ, nên có thể đi du lịch sang các nước xung quanh và tiêu thoải mái như Malay, Indo, Thailand, và kể cả VN.
Đồ ăn ở Sing cũng phong phú và rẻ, thậm chí còn rẻ hơn là mình tự nấu.
Phong phú vì bạn có thể ăn đủ các món Tây Tầu với giá cả bình dân.
Nếu bạn thích tự nấu thì có thể đi chợ ở các siêu thị, hoặc “wet market” (giống như chợ ngoài đường ở VN).
Nói đến ăn uống, tôi lại nhớ hai vơ chồng tôi thường tối thứ 6 đi ăn kebab (một món ăn của Thổ Nhỹ Kỳ) ở Singapore river, và mỗi sáng thứ bảy hay chủ nhật lại đi ăn roti-prata và uống “tế xi xíu tài” (chè với sữa tươi và cho ít đường thôi).
Ngoài ra, các món ăn bình dân ưa thích khác của tôi mà bạn có thể tìm thấy ở hầu hết trong các foodcourt va hawker center là:
– Đầu cá nấu với cà ri (curry fish head);
– Mutton murtabak (một món ăn Ấn Độ);
– Cà ri xanh (green curry) của Thái;
– Laksa (một loại mỳ của Malaysia);
– Thịt satế (satay) ăn với lonton (giống như cơm nắm ở nhà);
– Gà tần thuốc bắc bọc trong giấy bạc (herbal chicken);
– Canh sườn (bah ku teh);
– Salad hoa quả của Ấn (rojak);
– Cơm rang Dương Châu (ZhangChou fried rice);
– Vịt quay;
– Cánh gà;
– Cá đuối (stingray) nấu ớt ở phố Cấm Chỉ Lau Pa Sat;
– Món mực/gà nướng (grilled sotong/chicken) Indonesian ở foodcourt trên Plaza Singapura;
– Korean food ở tầng hầm của Le Meridien hotel;
– Bún cá (fried fish beehoon) ở China Square; bít-tết ở IKEA;
– Tào phớ (beancurd) ở Geylang;
– Lục tầu xá và chí mà phù (peanut/sesame/red bean/black bean ball) ở đường Smith;
– Dimsum, chân gà và mỳ Phúc Kiến ở Food Republic (trong Wisma shopping center);
– Seafood pasta ở Pasta Mania, đồ uống Âm-Dương (Yin-Yang, một tách café trộn lẫn với tea);
– Bia Tiger classic với vỏ hộp mầu vàng, và hít shisha, nghe nhạc Ả-rập ở phố Ả-rập (Arab street) và nhiều nữa,… thèm quá!!!
Cao cấp hơn một chút thì là đồ ăn Trung Hoa ở nhà hàng Đỉnh Thái Phong (Din Tai Fun), Crystal Jade, Imperial Treasury, Bắc Kinh Cổ Xưa (Lao Beijing), Tunglok; hải sản ở Sign Board, Singa Inn, LongBeach; ăn buffet đủ loại ở Genghis Khan; bít-tết ở The Ship; món ăn Nhật ở Ichiban.
Hay cao hơn nữa là món ăn Pháp ở Jan, hay các món thịt nướng ở Esmeralda (những chỗ này chỉ khi có thưởng hay hay nhân dịp đặc biệt .
Nếu muốn tránh khung cảnh náo nhiệt, bạn có thể đến các công viên, sở thú và vườn chim.
Sở thú hay vườn chim ở đây rất thú vị với các tiết mục biểu diễn của chim/động vật như: chim đua xe đạp, chim hát và đếm, hải cẩu dancing,… Sở thú đêm cũng rất độc đáo với “night-life” của động vật.
Ngoài ra, vườn thực vật (Botanic garden) cũng rất đẹp với rất nhiều cây, và một vườn lan khá to với rất nhiều loại.
Những người thích nghe nhạc có thể đến nhà hát Esplanade.
Nhà hát này rất đẹp, đáng để tham quan và nó cũng có nhiều tên gọi vui.
Ý tưởng là hai cái micro đặt gần nhau, nhưng khi xây dựng lên thì mỗi người nhìn một kiểu.
Người thì ví nó như hai trái sầu riêng đặt gần nhau (twin-durian), người thì ví nó như hai cái mắt con chuồn chuồn vì nhà hát thì to nằm trên mảnh đất Singapore nhỏ bé.
Tại đây thường diễn ra các buổi hòa nhạc, giá cả thì cũng không đến nỗi quá đắt và rất hay.
Nếu bạn chọn Sydney bởi vì Mardi Parade (một lễ hội nổi tiếng cho đồng tính ái nam hay nữ) thì bạn sẽ không hối tiếc khi chọn Singapore.
Ở đây có Kumar có thể so sánh với Cindy Thái Tài.
Anh (hay chị ???) này từng nói đùa là chúng tôi mới là đại diện cho Singapore, vì biểu tượng của Singapore là sư tử biển (merlion).
Phần trên là của một lion dũng mãnh (ốh yèah! họ vô địch bóng đá nam ở ĐNA), phần dưới là của một nàng tiên cá xinh đẹp (ồh yéah, I’ve never seen it :) )
Ở đây cũng có những aqua show (show cười, ca nhạc của những người tám vía) made in Singapore.
Trước kia họ hay diễn hàng tuần ở Far East Plaza, tôi không rõ họ có còn diễn nữa hay không.
Có lẽ bạn phải tự tìm hiểu vậy , nếu bạn thích.
Cuối cùng, nói đến Singapore thì không thể không nói về Singlish.
Có người nói English sinh ra ở Birmingham và chết đi ở New Delhi, nhưng tôi nghĩ trước khi chết nó cũng ốm thập tử nhất sinh ở Sing :) (mà trước đó cũng có thể nó bị nhiễm thêm cúm gà ở Viet Nam – Vinglish).
Singlish (SINGapore-engLISH) là sự kết hợp hoàn hảo giữa English với Chinese/Malay để cho ngôn từ ngắn gọn hơn và more effective trong giao tiếp – hay còn gọi là short and sharp).
Một số Singlish phrases rất gần với tư duy Vinglish kiểu “you think you delicious” như:
– Where got (đâu có),
– No nothing (không gì hết),
– Blue blue sky (từ láy để chỉ trời rất xanh),
– You ask me I ask who (mày hỏi tao thì tao biết hỏi ai),
– Like real like that (thật thế à),
– Like that also can (thế cũng được),
– Thank you you (cám ơn bạn)…
Singlish còn bắt nguồn từ Malay words như:
– Kiasu (tức là sợ mất – afraid to loose, người Sing rất nổi tiếng với tính cách kiasu)
– Go makan (tức là go eat – nghĩa là đi ăn)
– Go jalan jalan (tức là go walk walk, nghĩa là đi dạo),
– Tế (tea)
– Alamak! (lạy chúa!)…
Hay bắt nguồn từ tiếng Phúc Kiến như:
– Táhản (stand – chịu đựng),
– Abơđen (if not then what)…
…và nhớ thêm LAH ở cuối câu.
Singlish còn bắt nguồn từ nói ngọng nữa.
Người Sing nếu nói ngọng thường ít nhầm lẫn n với l như ở VN (mặc dù đã có thí sinh dự Singapore Idol hát “Nong nong time ago”), mà họ phát âm r thành l.
Vì vậy nếu ai lỡ chạm vào bạn, họ sẽ nói soli! (sorry!), hoặc ai đó muốn mượn bạn một cái luler để kẻ đường thẳng.
Singlish khá phổ biến ở những người học vị thấp hay trong các giao tiếp hết sức thông thường, nhưng trong các công sở và công việc thì hầu như không có (so dun be scali lah!).
Biết một chút Singlish cũng giúp tôi đôi lúc có những đoạn hội thoại thú vị với người bản xứ, hoặc mặc cả khi mua bán, nhưng mà lạm dụng quá thì tiếng Anh của bạn sẽ có thể hỏng lúc nào không biết.
Tôi hy vọng bài viết ngắn này có thể mang đến phần nào bức tranh cuộc sống ở Singapore cho bạn hình dung.
Bạn có thể thấy tôi chỉ viết về những mặt tốt về cuộc sống ở Sing.
Thật ra thì không phải toàn mầu hồng như vậy, nhưng khi rời Singapore, trong tôi chỉ còn những kỷ niệm đẹp.
Nguồn: Internet
-
-
AuthorPosts
- You must be logged in to reply to this topic.