Kinh nghiệm xin học bổng Úc

NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.

Viewing 5 reply threads
  • Author
    Posts
    • #3093
      NCQT
      Keymaster

      Kinh nghiệm xin học bổng Úc (P1)

      Sắp đến đợt phỏng vấn xin học bổng chính phủ Úc cho sang năm. Thành ra đợt này nhà mình lại hay được hỏi tư vấn, tiện thể viết luôn một series về tư vấn du học Úc đi. Xin hứa sẽ không skip cho đến bài cuối cùng. (Phải nói to cho nó có khí thế).

      Các bài viết (dự định) sẽ bao gồm:

      1- Kinh nghiệm đặt mục tiêu và chuẩn bị bước đầu

      2 – Kinh nghiệm đầu tư thời gian và tiền hiệu quả

      3 – Kinh nghiệm tìm kiếm thông tin và các nguồn lực hỗ trợ

      4 – Các loại học bổng Úc

      5 – Kinh nghiệm học và thi tiếng Anh

      Trước hết, cũng phải nói là, so với nhiều anh chị em đạt học bổng của Úc trong friend list của mình, thì mình đúng thực là một con tép riu giữa đàn rồng sáng giá, vì trước khi được học bổng mình cũng đã từng… trượt. Cơ mà có thể trải nghiệm từ những lần thất bại cũng có thể giúp mình hiểu hơn các nẻo đường gian truân để xin học bổng.

      Về profile, năm 2011, mình được học bổng Endeavour học Diploma học tại TAFE, NSW.
      Năm 2013, mình được học bổng nghiên cứu cho sinh viên quốc tế (InternationalPostgraduate Research Scheme – IPRS) học Thạc sĩ nghiên cứu (Master by research) của trường La Trobe trong 2 năm.

      Ngoài ra, quảng cáo thêm mình có bạn chồng được học bổng Ford Foundation học MA ở Úc  năm 2005-2007. Năm 2010 bạn chồng apply 3 học bổng Tiến sĩ: 322, ADS và IPRS của trường New South Wales thì được cả 3.

      1/ Chuẩn bị chu đáo và đặt mục tiêu cụ thể.

       

      Xin khẳng định ngay từ ban đầu, xin học bổng không phải “thích cái là làm được”. Từ hồi là sinh viên, mình cũng thích đi học nước ngoài, nhưng cái sự thích đấy chỉ lăn tăn như sóng trong ao bèo, thành ra, việc học tiếng Anh, việc chuẩn bị hồ sơ cũng không hề chu đáo. Đến khi apply hồ sơ mới thấy tiếc những giấy khen và chứng nhận Đoàn đội hội phường đều không thể nào tìm thấy, kinh nghiệm rút ra là, hãy lưu giữ những bằng chứng tốt của mình một cách cẩn thận, (bằng chứng xấu có thể giấu đi :D). Mình không biết chắc là chúng có giúp gì trong quá trình ban bánh khảo đánh giá hồ sơ không, nhưng chắc chắn nó làm hồ sơ dày dặn và đẹp hơn.

      Còn những giấy tờ cơ bản như bảng điểm, học bạ, bằng tốt nghiệp… thì không cần nhắc ai cũng biết là bằng không cấp lại, bảng điểm xin khó khăn, nên hãy luôn chắc chắn là bạn cất nó ở một nơi an toàn và có thể tìm thấy bất cứ lúc nào. Ở Úc, nếu bạn mất bằng hay bảng điểm, có thể dễ dàng xin cấp lại (nộp tiền), tuy nhiên, thời gian vài tuần chờ đợi cấp lại cũng có thể làm nhỡ mất thời điểm nộp hồ sơ học bổng. Thế nên, nếu chỉ có manh nha ý định xin học bổng thôi, chưa biết liệu có xin hay không, thì cũng hãy lưu giữ hồ sơ của mình một cách cẩn thận, chắc chắn cần dùng (cho đi xin việc chẳng hạn.)

      Hồi mình làm ở trong nước và có dịp tuyển người, đã rất ấn tượng với một em mang theo 1 file dày bao gồm hồ sơ và các sản phẩm của em ấy. Dù không tuyển em ấy (do vị trí không phù hợp chứ không phải năng lực có vấn đề), nhưng mình vẫn cực kỳ ấn tượng với bộ hồ sơ em ấy chuẩn bị.

      Về vấn đề đặt mục tiêu. Trước khi chuẩn bị hành trang du học, các bạn có thể “nghiêm túc” tự hỏi “Mình thực sự muốn gì? Mình muốn đi nước nào? Mình muốn được học bổng toàn phần? Học bổng bán phần? Hay muốn học để được ở lại?; Cái nào là ưu tiên số 1, nước sẽ đến hay loại học bổng? Cái nào là ưu tiên số 2..” Sau khi có thể trả lời lưu loát và rành mạch thì lúc đấy thực sự bạn đã biết bạn muốn gì, chuẩn bị tiến hành các bước tiếp theo.

      Trường hợp cá nhân mình, khi apply hồ sơ,  mục tiêu của mình chỉ có 2 chữ ÚC và TIỀN. Nước Úc vì bạn chồng học ở Úc, còn tiền để chi trả học phí và ăn ở mà không phải đi làm thêm. :D Do đó, mình chọn apply học bổng Vocational Education training (VET) của Endeavour học Diploma (thay vì apply Master) do cơ hội được VET cao hơn hẳn so với cơ hội được Master. Tất nhiên, học Master bằng cấp sẽ oách hơn,nhưng ít nhất học VET cũng giúp cho mình có cơ hội tiếp xúc với hệ thống giáo dụccủa Úc mà khả năng được Tiền lại cao hơn, cho nên, mình chọn VET.

      Cũng giống như vậy khi apply IPRS, mục tiêu của mình lại là: học lên Master và có tiền. Mình chọn vài trường để apply và ưu tiên cho các trường ở Sydney (vì bạn chồng học trường ở Sydney), tuy nhiên, cũng apply những trường ở xa hơn và có rank thấp hơn 1 chút, miễn là người ta cho xiền là được! :D Kết quả là, mình bị trượt 3 trường ở Sydney, trường do không có giáo viên hướng dẫn, trường do không có chuyên ngành đào tạo, trường do không được học bổng. Còn lại mỗi trường La Trobe ở tận Melbourne. Dù cả nhà cũng trải qua một giai đoạn chuyển nhà đi lại 2 thành phố cách nhau 900km, và sau này cá nhân mình bế bụng bầu mỗi tháng 1 lượt sáng bay đi Melbourne, nửa đêm bay về Sydney tương đối vất vả, nhưng cũng khá hài lòng vì dù sao có cơ hội nhận bằng, và tiền đã có theo hằng tháng.

      Vấn đề quan trọng khi đặt mục tiêu là, hãy xác định, mình thực sự muốn cái gì và mình có thể chấp nhận hi sinh bớt cái gì. Ví dụ, ai cũng muốn có học bổng và học trong 1 trường xếp hạng tốt. Nhưng những trường xếp hạng tốt thì độ cạnh tranh cao hơn rất nhiều những trường thấp hơn một chút, thế nên cũng là tiêu  chuẩn để cân nhắc.

      Tóm lại, theo quan điểm cá nhân của mình, hãy biết mình muốn cái gì, đặt mục tiêu để giới hạn sự dàn trải, chú tâm đầu tư cho mục tiêu ấy thì sẽ hiệu quả hơn. Cụ thể là, nếu bạn muốn xin học bổng đi học nước ngoài, hãy xác định nước mình muốn đi, loại học bổng mình muốn học, vì apply học bổng đi Mỹ chắc chắn khác với Úc, nên thay vì cùng một quỹ thời gian đầu tư cho cả Úc và Mỹ, hãy chỉ đầu tư cho một nước, và tìm các loại học bổng khác nhau ở trong nước đấy.

      Câu hỏi đặt ra là:Tiêu chí nào để lựa chọn nước định du học và loại học bổng sẽ apply? Cái đấy,thực sự phụ thuộc vào cá nhân của mỗi người và hoàn cảnh cụ thể. Ví dụ như, học ở Mỹ (có vẻ) sẽ vất vả hơn học ở Úc, học ở Anh (có thể) đắt hơn ở Úc, học ở các nước không nói tiếng Anh (có thể) ít cơ hội kiếm việc/tiền như ở Úc. Quan trọnglà phải chắc chắn BẠN MUỐN GÌ, CÓ THỂ HI SINH cái gì và tìm hiểu kỹ những thôngtin về nơi mình dự định đến để xem có phù hợp hay không. Ngoài ra, còn vấn đề chọn ngành học nữa. :) Ở Úc có một số ngành nằm trong danh sách ưu tiên để sau khi học xong ra trường có thể xin ở lại làm việc. Tất cả những thứ đấy bạn đều có thể làm được, nhưng quan trọng là, phải CÓ MỤC TIÊU NGAY TỪ BAN ĐẦU.

      Tạm thời thế đã ạ, các bạn nếu có thắc mắc gì về môi trường sống, học tập ở Úc,xin cứ tự nhiên hỏi nhé. Biết đến đâu mình sẽ trả lời đến đấy.

      Bài tiếp theo: Kinh nghiệm đầu tư thời gian và tiền bạc hiệu quả để xin học bổngÚc. 

      Nguồn: Facebook Ốc Hương

    • #3095
      NCQT
      Keymaster

      Kinh nghiệm xin học bổng Úc, (P2)

      Hầy, vật vã mãi rồi mới xong. Phần 2, Các “khoản” đầu tư

      2/ Đầu tư thời gian và tiền bạc

      Thật ra, xin học bổng cũng như câu cá, đôi khi cần yếu tố may mắn, nhưng trước hết, phải dành thời gian và sự kiên nhẫn.

      Có kha khá các bạn hỏi mình về kinh nghiệm xin học bổng, và phần lớn trong số đó từ bỏ ngay ban đầu khi mình nói phải dành ít nhất 1-2 năm cho đến khi có thể đi được. Các bạn hỏi là “sao lại lâu thế, sao lại mất thời gian thế”, lúc ấy, thật sự mình chả biết phải nói gì.

      Để cụ thể thì thử làm một phép tính đơn giản thế này: Học phí cho một năm học (chuyên ngành xã hội hoặc kinh tế bình thường, không tính đến những ngành đặc thù hay kỹ thuật có giá học phí đắt hơn) rơi vào khoảng 18-28 ngàn đô tùy trường.Tiền chi trả cho cuộc sống mỗi năm khoảng 25-30 ngàn đô tùy loại học bổng. Tính ra, mỗi năm học bổng sẽ cho các bạn cỡ khoảng 43-58 ngàn đô, tức là, trên dưới 1 tỷ đồng Việt Nam.

      Nếu chỉ cần 1, vài tháng đã kiếm được cả tỉ thế thì mọi người đã rủ nhau kiếm tiền bằng săn học bổng hết rồi, cần gì làm việc khác! :D Cũng lưu ý thêm, các bạn đừng bao giờ chê học bổng ít hay kỳ vọng vào việc có học bổng để kiếm được 1 khoản tiết kiệm kếch xù khi đi học về. Tiền học bổng đủ cho bạn chi tiêu cuộc sống cơ bản, thỉnh thoảng đi du lịch và trải nghiệm ở đây, chứ đi học bằng học bổng chắc chắn không phải là cách để làm giàu. (Tất nhiên, nếu mọi người chăm chỉ đi làm thêm thì cũng kiếm được khá đấy ạ, mỗi tội mình chả đi làm thêm gì).

      Về việc đầu tư tiền bạc, thì khi xin học bổng, chắc chắn bạn phải đầu tư tiền để thi tiếng Anh (học tiếng Anh nếu chưa đủ điểm), nộp hồ sơ xin admission. Khi đã xác định mục tiêu, thì đừng tiếc, coi đây là 1 khoản đầu tư, có thể sinh lời, có thể không, nhưng mình nghĩ đầu tư việc này chắc chắn không to ngang thì cũng béo dọc.

      Như mình, bỏ việc 6 tháng, xin tiền bốmẹ học tiếng Anh. Tiền thi IELTS ban đầu để biết xuất phát điểm của mình ở đâu để còn tìm đường chiến đấu. Mình từng đi học thêm, tự học, tự mở lớp tiếng Anh mời thầy dạy học. Loay hoay mất cả 1-2 năm mới từ IELTS 5 lên đến 7.0 (đủtiêu chuẩn nộp hồ sơ) nên có cả 1 rổ kinh nghiệm chiến đấu với bạn IELTS. Sẽ viết trong entry sau nhé!

      Cũng có bạn hỏi mình về học bổng Vocational Education Training của Endeavour, bạn kêu là sợ chưa đủ tiếng Anh, sợ không được, sợ mất thời gian…Mình nói không thử thì sao biết là có được hay không, cứ chuẩn bị hồ sơ, thi tiếng Anh đã. Bạn bảo thi tiếng Anh lại phải tốn ABC tiền, ngộ nhỡ không được thì sao, từ đó, mình không dám nói chuyện với bạn thêm 1 câu nào về việc apply học bổng cả. :D Mọi sự lựa chọn đều phải có TRẢ GIÁ, không có sự lựa chọn nào là hoàn hảo cả. Cái giá ở đây có thể là thời gian, tiền bạc, tâm sức, cái được có thể là cơ hội đi học, sự trải nghiệm của một lần chuẩn bị hồ sơ, ít nhiều, bạn cũng đang làm mới và nâng tầm mình hơn đấy.

      Về mặt đầu tư thời gian, từ khi nộp hồ sơ đến lúc thông báo kết quả, nhanh nhất cũng phải khoảng 6 tháng, để chuẩn bị học mất thêm 2-3 tháng nữa. Trước đó, bạn phải mất ít nhất 2, 3 tháng để thi tiếng Anh, chuẩn bị hồ sơ nữa. Ngắn nhất và suôn sẻ nhất phải mất khoảng 1 năm bạn mới có thể có kết quả. Không học bổng nào nộp vèo cái được ngay cả. Hãy kiên nhẫn!

      2/ Đầu tư TỰ nghiên cứu,tìm tòi

      Nhiều bạn tự nhiên xông vào hỏi mình bảo: Chị ơi, em muốn đi học ở Úc như chị, phải làm thế nào?Hay chị ơi, làm thế nào để xin được học bổng Úc. Đến khi mình hỏi lại kiểu muốn học cái gì và xin học bổng nào, thì đều trả lời là không biết, chị chỉ em với.

      Mình nghĩ thế này, các bạn có 24h một ngày và mình cũng vậy, các bạn có công cụ là internet, google và mình cũng chỉ có thế thôi. Mình có nhiều hơn, thì cũng chỉ là chút kinh nghiệm bản thân qua những lần thất bại và thành công. Thế nên mình nghĩ, sẽ tốt hơn nếu các bạn tự tìm hiểu trước, ít nhất là những cái căn bản, rồi hãy thắc mắc những thứ cụ thể mà chưa thể tìm ra hoặc không thể tìm ra. Đừng vừa mới bập vào là cuống quýt hỏi người khác, hãy tự hỏi mình, và hỏi bác google trước, có thể xác nhận lại từ kinh nghiệm của những người đi trước, chứ đừng bắt người khác phải làm việc thay bạn.

      Ví dụ, mình có bạn chồng là người kề vai sát cánh, có thâm niên học ở Úc và có kinh nghiệm xin học bổng, nhưng mình cũng không dám hỏi bạn chồng là “anh có thấyhọc bổng nào cho em apply không?” Mình phải tự tìm hiểu thật cụ thể thông tin về các loại học bổng, yêu cầu, tiêu chuẩn của từng loại, sau đó, về trao đổi lại với chồng, nhờ chồng “định hướng” xem khả năng mình phù hợp với học bổng nào, thật may là, đến giờ, lời khuyên của bạn chồng “đều” có vẻ đúng.

      Mình rất thích có một em trong khi viết hồ sơ hỏi mình là, em đang viết về những lợi ích em có thể mang lại sau khi đi học về, em viết được A, B, C rồi, chị có ý nào nữa không. Mình ngay lập tức có thể bổ sung, vì câu hỏi của em rõ ràng, mình có thể tiếp tục tư duy từ những thông tin em cung cấp.

      3/ Đầu tư tìm kiếm người/hoặc mộtnhóm người giúp đỡ

      Phải thừa nhận là,mình là người cực kỳ may mắn, vì có bạn chồng luôn bên cạnh và sẵn lòng giúp đỡ (định hướng đi, góp ý cách làm hồ sơ, sửa bài viết chi tiết) bất cứ lúc nào mình cần.

      Không phải ai cũng có nguồn lực sẵn và tiện như mình. :D, tuy nhiên, mình biết trên diễn đàn có nhiều anh chị rất nhiệt tình chia sẻ và dẫn dắt cho các em sau. Mọi người có thể vào các forums để trao đổi hoặc liên hệ trực tiếp nhờ giúp đỡ, nói chung có nguồn lực nào thì cố gắng tận dụng nguồn lực đấy. Đôi khi không phải nhờ 1 lần được ngay (vì nhiều khi người bạn nhờ check mail đọc và quên mất, hãy tranh thủ nhắc lại sau một khoảng thời gian hợp lý.)

      Về việc viết các essay cho học bổng, quan điểm cá nhận mình là Keep it short and simple, trình bày mọi thứ rõ ràng, ngắn gọn và giản dị. Mình nghĩ mình không phải là người bản xứ, viết để người ta dễ hiểu, dễ đọc thôi và nắm bắt được ý thôi, không nhất thiết phải hoàn mỹ và bay bổng. (Vì mình còn thiếu sót mới cần học mà, hehe.) Tất nhiên, với các anh chị em có trình độ tiếng Anh hoặc người chữa bài giúp là người bản xứ, thì làm cho essay của mình trở nên hấp dẫn hơn cũng là một lợi thế.

      Cũng đừng trả lời essay những vấn đề mỹ miều và to tát, đại khái kiểu như “đấy là mơ ước cả cuộc đời, là đam mê, về sẽ đóng góp cho đất nước…” Tư duy của các bạn Tây, theo mình biết, thẳng thắn, trực tiếp và thực dụng hơn nhiều so với ta. (Ta thực dụng cũng cố giấu đi :D)

      Hãy trả lời theo kiểu được học bổng là mong muốn của mình, mình được đi học sẽ có lợi cho cơ quan vì mảng đấy còn đang thiếu, yếu. Ví dụ như lần mình apply Endeavour, mình nói hiện mình đang làm về quản lý chuyển đổi (Change management ở cơ quan), ở Việt Nam chưa có đào tạo chính quy về ngành này, khóa học mình apply có dạy môn này. Vì vậy, khi đi học mình sẽ được tiếp xúc với kiến thức bài bản và có hệ thống, khi quay về sẽ trực tiếp có ích cho dự án và công ty củamình dựa vào những kiến thức mình đã học.

      Hầy, dài quá rồi, có nhẽ sẽ phải làm bài về kinh nghiệm viết essay riêng nhỉ.Cái này để mình nhờ bạn chồng vậy.
      Phần 3 dự kiến sẽ là: Các loại học bổng Úc

    • #3192
      NCQT
      Keymaster

      Kinh nghiệm xin học bổng Úc (P3)

      Híc híc, bận quá rồi mà trót hứa không nghỉ giữa chừng nên tiếp tục lết đây. Comments, like(s); và message cũng cổ vũ rất nhiều. Cảm ơn mọi người đã quan tâm và động viên mình viết tiếp. :)

      Về hệ thống giáo dục Úc

      Trước khi giới thiệu về các loại học bổng Úc dành cho sinh viên quốc tế (Bậc đại học và sau đại học), mình giới thiệu qua một chút về hệ thống giáo dụcÚc sau lớp 12 để mọi người dễ hình dung.
      Các loại Chứng chỉ (Chứng chỉ từ I – IV):
      Các loại chứng chỉ thường đào tạo từ 3-18 tháng, đào tạo nghề (cắt tóc gội đầu,trông trẻ, trông người già…) Các loại chứng chỉ này thường dành cho các bạn học xong cấp 3 muốn học và đi làm luôn.

      Chương trình đào tạo bậc Cao đẳng (Diplomavà Advanced Diploma): Chương trình này cũng được coi là dự bị đại học. Vì nếu học xong Diploma hoặc advanced Diploma có thể trực tiếp học thẳng lên đại học và được miễn một số môn đã học trong bậc cao đẳng. Một số học sinh không đủ điều kiện xét tuyển trực tiếp vào đại học cũng có thể theo học chương trình này để tiếp tục học đại học, hoặc một số muốn học để lấy chứng chỉ ra đi làm. Thời gian học cho Dipmoma là 1-2 năm, Advanced Diploma là 2-2,5 năm tùy ngành, tùy trường. Tiêu chuẩn xét tuyển của Diploma thấp hơn so với xét tuyển vào đại học. Các bạn muốn học đại học tự túc có thể tham khảo hình thức này vì tiết kiệm khá nhiều chi phí cho học phí.

      Chương trình đào tạo nghề sau Đại học: Cái này mình không rành lắm. Chắc kiểu như học CPA sau khi có bằng đại học kế toán chẳng hạn. Chương trình này gọi là: Vocational Graduate Certificate:6 tháng; Vocational Graduate Diploma:1 – 1,5 năm

      Chương trình đại học:
      Bằng cử nhân (Bachelor Degree ): thời gian hoàn tất chương trình cử nhân ít nhất 3 năm
      Bằng cử nhân danh dự (Bachelor (Honours) degree): thời gian học là 4 năm

      Đối với bằng cử nhân danh dự, sinh viên phải học thêm một năm sau khi đã được cấp bằng cử nhân. Thường sẽ là làm research. Bằng cử nhân danh dự cũng sẽ được cấp nếu sinh viên đạt kết quả vượt trội trong khóa học cử nhân 4 năm trở lên. Người có bằng cử nhân danh dự có kết quả xuất sắc cũng có thể được chuyển tiếp lênhọc thạc sỹ nghiên cứu hoặc tiến sỹ.

      Bằng Thạc Sĩ (Master Degree)
      Ở Úc có 2 loại thạc sĩ: Thạc sĩ (Master by coursework) và Thạc sĩ nghiên cứu(Master by research). Muốn học Master by research bạn phải học master by coursework hoặc có bằng Bachelor with Honnours.

      BằngTiến Sĩ (PhD)
      Từ Master by course work, phải ít nhất học khoảng 3 năm mới có bằng tiến sĩ, với master by research nếu học thẳng lên thì sẽ mất thêm 2 năm nữa thôi. Theo mình biết thì Bachelor with honors mà học xuất sắc cũng có thể học thẳng lên Tiến sĩ.

      Úccó 41 trường đại học tất cả. Trong đấy có 8 trường đại học hàng đầu nằm trongnhóm G8. Tất nhiên mỗi trường sẽ mạnh hơn về 1 ngành cụ thể, nhưng được học trong G8 là hơi bị hoành tráng rồi.

      Một số loại học bổng Úc

      Thông tin này hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm tìm kiếm học bổng trong 4 năm của mình,có thể chưa đầy đủ, nếu anh chị em bạn bè nào còn biết thêm nguồn nào thì vui lòng bổ sung với ạ.

      Mình liệt kê ra đây một số loại học bổng mình đã từng biết (hoặc từng thửapply), các bạn có thể google để biết thông tin chi tiết và yêu cầu của từng loạihọc bổng:
      – Học bổng của chính phủ Việt Nam (Trước gọi là 322, bâygiờ gọi là 911 hay 165 thì phải.) Đối tượng của học bổng này là cán bộ nhân viên nhà nước. Mình không thuộc trong phạm vi này, nên đành ngậm ngùi không tìm hiểu thông tin tiếp.

      – Học bổng của Chính phủ Úc: Bao gồm AUSAID (Năm nay đổi thành AAS) và Endeavour. Học bổng AAS là học bổng phát triển, nên có ít nhiều ưu tiên cho những người làm việc cho chính phủ hoặc các hoạt động ích nước lợi nhà. AAS có điều kiện ràng buộc là sau khi học bắt buộc phải quay lại Việt Nam ít nhất là 2 năm. Stipend của AAS hiện tại là 30K/năm. Học bổng dành cho sinh viên sau đại học.

      – Học bổng của Bộ giáo dục Úc Endeavour, học bổng này được coi là một trong những học bổng danh giá nhất của Úc, vì tiêu chuẩn xét tuyển là merit – base, và xiền stipend cũng thuộc diện cao nhất 3000AUD/tháng. Tuynhiên, mức độ cạnh tranh ngành càng khốc liệt vì tình hình kinh tế khó khăn,ngân sách cắt giảm liên tục, số lượng người được học bổng này cũng giảm đáng kể qua mỗi năm. Học bổng dành cho nhiều đối tượng, bao gồm đào tạo nghề Vocational Education Training (Diploma và Advanced Diploma), dành cho thạc sĩ, tiến sỹ, những nhân viên lâu lăm (Executive ) đi đào tạo 3-6 tháng. Nói chung, cứ nhắc đến học bổng này là thèm. :P

      – Các loại học bổng của từng trường Đại học. Về cơ bản, trường nào cũng có ngân sách của chính phủ để dành học bổng cho sinh viên quốc tế. Từ bậc đại học đến cao học và thạc sĩ. Học bổng có giá trị từ vài nghìn học phí, 10; 20% học phí đến 100% học phí và tiền stipend hằng tháng. Số này cũng tương đối ít ỏi nên độ cạnh tranh cũng đầu rơi máu chảy. Để tìm học bổng loại này các bạn có thể vào website của IDP Vietnam, có rất nhiều thông tin học bổng.

      Riêng học bổng dành cho sinh viên nghiên cứu quốc tế (IPRS) học Master byresearch và PhD thì trường nào cũng có. Úc có 41 trường đại học tất cả, theo một bài báo mình đọc được ở đâu đó nhớ mang máng thì mỗi năm có khoảng 300 suất học bổng loại này được cấp. Học bổng dành cho những người có background, khả năng hoặc mong muốn làm việc trong lĩnh vực học thuật. Theo mình biết thì hiện tại đang là mùa apply học bổng này cho kỳ học đầu năm 2015. Website của các trường Đại học đều có thông tin về học bổng này. Đây là học bổng mình đang theo học nên bạn nào muốn apply học bổng này thì google tìm hiểu, xong nếu thắc mắc gì có thểcomment hoặc inbox mình ạ.

      – Ngoài ra, có nhiều anh chị còn xin được nguồn của các dự án từ thầy hướng dẫn trực tiếp (những loại học bổng này chủ yếu dành cho ngành kỹ thuật hoặc làm các dự án cùng thầy.) Dễ nhất mà cũng khó nhất có lẽ làhọc bổng Utachi, hị hị!

      Cách tìm kiếm thông tin học bổng

      1- Google, google, google và…. Google. Tiếng Việt cũng được, tiếng Anh cũngđược, tiếng Việt đôi khi dẫn đến những link thú vị về kinh nghiệm xin học bổng,chia sẻ học tiếng Anh lấy học bổng… Thường những search này sẽ cho nhiều thôngtin tản mác, một số loại học bổng…

      2- Vào website của trường. Mỗi trường đại học của Úc có một website,luôn luôn bắt đầu bằng tên trường, đuôi là edu.au. Trong website của trường,luôn luôn có mục dành cho “Future students”, ở trong đấy lại có tiếp“international”; “research”; đại khái cứ loanh quanh ở mấy mục đấy, kiểu gìcũng sẽ tìm thấy phần “scholarships” thông báo chương trình học bổng hằng năm,đảm bảo không bỏ sót.

      3- Website của idp cũng rất hữu ích trong việc cung cấp các thông tin về học bổng. Tuy nhiên idp luôn luôn khuyến khích mọi người apply… tự túc vì như vậyidp mới có thể kiếm được xèng.

      Phần 3 tạm thời dừng ở đây, phần 4 mình sẽ viết về kinh nghiệm bản thân trong trường hợp cụ thể, vì sao mình trượt 2 loại học bổng và tại sao lại lấyđược 2 học bổng còn lại. Hi vọng có ích cho các bạn.

    • #3532
      NCQT
      Keymaster

      Kinh nghiệm xin học bổng Úc P5: Công cuộc chinh phục tiếng Anh

      Thêm thông tin về học bổng cho mọi người nhé, 35 suất học bổng dành cho sinh viên nghiên cứu sinh thạc sĩ/tiến sĩ tại Uni of Melbourne, thời hạn nộp hồsơ là 31/10.
      https://studenteforms.app.unimelb.edu.au/apex/f?p=153:2:0:::2:P2_ID:245
      Quay lại mục tiêu của bài viết, chuẩn bị học tiếng Anh như thế nào? Theo tớ, các bạn nên bắt đầu bằng việc:

      Xác định trình độ và mục tiêu tiếng Anh

      Mỗi loại học bổng có yêu cầu riêng về điểm thi IELTS, mỗi ngành học, cấp học cũng có yêu cầu riêng về đầu vào. Tiêu chuẩn chung là IELTS 6.5 không band score nào dưới 6.

      Một số ngành cao hơn một chút như Báo chí, nhiều chút như Luật thì lại tùy trường nữa. Để xác định mục tiêu, thì các bạn nên hiểu là, đạt điểm tiếng Anh cao là lợi thế, nhưng không phải là lợi thế mạnh trong hồ sơ xin học bổng của bạn. Tiếng Anh chỉ cần đủ là được, cao hơn thì tốt nhưng cũng không quá quan trọng, còn các giấy tờ khác càng thể hiện độ xuất sắc càng tốt.

      Muốn xác định được trình độ thì bạn nên… đi thi thử. Theo tớ biết ở Hn có một số địa điểm cho thi thử tiếng Anh với lệ phí khoảng vài trăm nghìn như RES, Đại học Hà Nội (giờ không biết còn không). Nhưng kinh nghiệm của tớ cho thấy là các chỗ thi thử này kết quả không… thật lắm, và tin vui là thường thấp hơn điểm thi thật kha khá! Nếu có điều kiện thì bạn thi thật một mẻ, xác định được trình độ chuẩn của mình, thì lộ trình học cũng tốt hơn. Còn nếu không bạn có thể tự thử bằng cách thi nghiêm túc và chấm nghiêm túc bộ đề của Cambrigde (theo mình nên bắt đầu từ quyển 5 vì những quyển trước đó khá khó và hơi out of date).

      Theo thông tin từ các trường học bên này, từ trình độ 4.5 IELTS, phải mất ít nhất 20 tuần học full time bạn mới có thể tăng điểm lên mức 5.5 – 6.0. Từ 5.5 thì mất khoảng 20 tuần học full time cật lực sẽ có khả năng lên được 6.5. Đây là học trong môi trường tiếng Anh bản ngữ đấy nhé. Tức là thầy cô giáo, bạn bè, cuộc sống đều là tiếng Anh. Còn nếu quy chuẩn ra môi trường Việt Nam mình nghĩ chắc phải…gấp đôi số ấy.

      Sau khi xác định được trình độ và mục tiêu, thì bước tiếp theo, theo tớ là đi tìm thầy. Nhiều người khẳng định là nên tự học, nhưng chắc tớ thuộc tuýp lười và ít động lực nên mình nghĩ có một người hướng dẫn tốt sẽ giúp mình rút ngắn thời gian hơn. Hơn nữa, tự học, với mình ở một số trình độ nhất định thì mới có hiệu quả, kiểu từ 6.0 – 6.5 hoặc từ 6.5 – 7 thì có khả năng tự học, nhưng nếu muốn từ 5.0 lên 6.5 thì mình nghĩ thực sự nên tìm thầy tốt.

      Tìm thầy tốt ở đâu?

      Nếu bạn có đủ tiền, và xác định đầu tư mạnh. Tớ nghĩ ACET và BC là sự lựa chọn hoàn hảo. Học ở đấy cả năm kiểu gì cũng tốt. Nếu bạn học chăm chỉ và nghiêm túc, nhưng vốn đầu tư chắc cũng kha khá.

      Nhiều người khuyên nên đi học thầy cô bản ngữ, tớ chỉ đồng ý là, học thầy cô bản ngữ môn ngữ âm được là tốt nhất, còn với những môn khác như viết, đọc, nghe, thì tớ nghĩ học thầy cô của mình tốt hơn. Vì 2 lý do: Thứ nhất là do ngôn ngữ,nếu giảng bằng tiếng anh mà lúc cần có thể bổ sung thêm tiếng Việt để các bạn hiểu hơn là một lợi thế. Thứ 2 là do cách tư duy xử lý một đề thi. Giáo viên người Việt sẽ hiểu cách học mà các bạn đã hấp thụ bao nhiêu năm trong hệ thống giáo dục VN để tìm ra phương thức tốt nhất cho bạn trong việc xử lý đề tiếng Anh theo tư duy của người nước ngoài. Tớ không nói hệ thống giáo dục hay cách tư duy nào tốt hơn nhé, tớ nói là nó có sự khác biệt, và người giúp bạn có thể hiểu và điều chỉnh sự khác biệt ấy tốt hơn chính là giáo viên người Việt, đặc biệt, là giáo viên người Việt đã từng “tây học”. Có sự hiểu biết về hệ thống giáo dục ta, và am hiểu cách viết của tây. Chưa kể là người Việt còn có một số tips,tricks trong việc xử lý bài thi nữa.

      Một số tiêu chí để tìm thầy, theo tớ là:

      – Giảng viên có kinh nghiệm giảng dạy và hiểu về IELTS, tốt nhất là phải có bằng chứng đã thi IELTS có kết quả tốt. Như vậy giáo viên mới hiểu về hình thức thi và cách thức chấm bài thi của IELTS.

      – Phương pháp giảng dạy của giáo viên:Có nhiều người học tốt nhưng chưa chắc đã có cách truyền đạt lại kiến thức tốt,thế nên nếu bạn quyết định đi học ở đâu cũng thử đề nghị được học thử (có trả tiền từng buổi) 1, 2 buổi trước khi đóng tiền cả khóa học xem phương pháp của thầy cô có hợp với mình không. Hoặc là, tìm trung tâm với giáo viên là giảng viên của các trường đại học được đào tạo bài bản về cách thức truyền đạt, tớ nghĩ cũng là một lợi thế.

      – Cơ sở vật chất tốt: Ví dụ như bàn ghế ngồi, loa đài không rè rè, hoặckhông phải điều chỉnh mãi mới bắt đầu học được. Giá tiền của môt buổi học 1,5h– 2h đâu có rẻ, mỗi phút của các bạn là xiền đới! :D Rồi có handout rõ ràng, sạch đẹp, không be bét nhòe nhoẹt.

      – Lớp học không quá đông: Theo tớ, một lớp học chất lượng không bao giờ nên quá 15 người, vừa đủ để có thể giao tiếp với nhau, cũng đủ để thầy/cô có thể quan tâm được hết các bạn học viên.

      – Không gian học và những hoạt động bên lề: Ví dụ, tớ thấy kiểu BC có thư viện cho bạn thỏa thích khám phá tiếng Anh. Nếu bạn được cung cấp một môi trường tốt, tạo niềm hứng khởi và say mê của các bạn với ngôn ngữ, cũng sẽ hiệu quả hơn đấy.

      Cuối cùng, học tiếng Anh, dù có thầy, thì thầy cũng chỉ là người hướng dẫn, giới thiệu (instructor), còn thẩm thấu được bao nhiêu, học tốt lên được bao nhiêu thực sự phụ thuộc vào việc bạn dành bao nhiêu phần công lực để luyện môn này. Tớ mất khoảng 1 năm rưỡi để cày cuốc từ 5.0 – 7.0 (à tất nhiên, còn bao gồm cả các công đoạn mải mê chinh chiến và yêu đương nữa), thế nên, đây, thực sự sẽ là một con đường rất dài, và rất nhiều chán nản. Nên hãy cố gắng tìm cho mình những người bạn đồng hành tốt nhé.

      Note này tạm thời dừng ở đây, note sau sẽ bàn kỹ hơn về cách học nghe nhé!

      Rồi, giờ đến phần nhận sửa hồ sơ xin học bổng của các bạn. Trong thời gian qua mình nhận được nhiều tin nhắn, trao đổi với nhiều bạn, các bạn bây giờ rất trẻ, rất giỏi và có định hướng rõ ràng cho con đường sẽ đi, mình cảm thấy khá là khâm phục và thật may mắn vì được biết các bạn.
      Các bạn giỏi hẳn rồi thì mình chẳng dám giúp sửa hồ sơ, như em Linnie chẳng hạn. Mình quyết định giúp cho các bạn có ít nhiều bỡ ngỡ, nhưng mình nhìn thấy các bạn nghiêm túc và có quyết tâm. (Lại còn rất chịu khó like và comment notes của mình nữa, hê hê) .

      Tạm thời sẽ nhận lời giúp em Hao Luong (chả biết tên bạn ấy là gì) đọc và sửa hồ sơ xin học bổng của em nhé (công đoạn này sẽ có sự tham gia của bạn chồng, nếu cần sẽ nhờ thêm các bạn bè của bọn mình nữa), nếu có thời gian sẽ giúp em tư vấn thêm về các loại học bổng. Nếu Hao Luong không muốn/hay không cần thì báo lại đề chị sẽ chuyển cho 1 bạn khác nhé.

      Từ nay đến cuối năm nhà mình khá bận nên sẽ cân nhắc chọn thêm 1, 2 bạn nữa. Tiêu chí là nhìn thấy các bạn có mục tiêu, nghiêm túc và có… tương tác tốt với page. :P

      Đầu sang năm về Việt Nam hi vọng sẽ rảnh rang hơn để giúp cho các bạn nhiều hơn.
      Hôm trước mình nhớ có nói với 1 bạn là sẽ hỏi bạn của mình giúp về ngành của bạn ấy nhưng giờ quên mất là phải hỏi cái gì rồi. Inbox thì dài quá lục lại không xuể, bạn vào nhắc lại mình với nhé! Mình có quên chưa trả lời ai hay nợ nần gì mọi người thì cũng inbox hay nhắc mình với nhé! Cảm ơn mọi người.

      Nguồn: Easy Aussie

    • #6251
      bca27490
      Participant

      Cảm ơn bài viết rất hay của chị ạ. Chị có thể cho em xin địa chỉ mail của chị không ạ? Em muốn xin ý kiến chị về một số câu hỏi trong hồ sơ xin học bổng chính phủ Úc của em ạ. Xin chân thành cảm ơn chị

    • #9336
      quangtrieu
      Participant

      Chi cho em hoi ti
      Diem DH cua em k duoc dep,xep loai tot nghiep la trung binh kha.
      Nhung em co 2 nam kinh nghiep, av thi dang phan dau,hoat dong xa hoi thi oke
      Nhu vay em co co hoi de xet hoc bong k? :scratch:

Viewing 5 reply threads
  • You must be logged in to reply to this topic.