NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.
Tagged: Học tiếng Anh qua clips
- This topic has 2 replies, 2 voices, and was last updated 10 years, 6 months ago by NCQT.
-
AuthorPosts
-
-
24/05/2014 at 10:49 #1781NCQTKeymaster
Cách đây khoảng 8-9 năm, mình có làm cộng tác viên cho Truyền hình cáp VN (VCTV). Hồi đó họ có nhờ mình dịch lời thoại các phim tài liệu (ví dụ National Geographic, Discovery..) để bắn phụ đề. Khó khăn là các phim tài liệu này không có subtitle hay script sẵn có, tất cả đều do người dịch tự nghe và dịch. Sau này họ có cung cấp cả clip gồm cả video và audio, nhưng thời gian đầu họ chỉ cung cấp clip audio. Vì vậy công việc dịch tương đối thách thức và mất nhiều thời gian. Tuy nhiên bù lại, qua một thời gian tham gia cộng tác, mình nhận thấy kỹ năng nghe hiểu và biên dịch của mình đã có nhiều tiến bộ. Vì vậy theo mình đây là một cách hay để giúp các bạn rèn luyện thêm tiếng Anh, và nếu có mối có thể kiếm thêm thu nhập, dù không nhiều (hồi đó mình dịch một phim 45 phút chỉ được trả khoảng 300-400 nghìn đồng).
Để minh họa, mình xin post lên đây một clip audio và phần dịch đi kèm để các bạn tham khảo. Nếu các bạn quan tâm thì comment vào bên dưới, mình sẽ chia sẻ các clip và bản dịch khác (hiện còn lưu được khoảng 10 cái).
Các bạn có thể tự luyện bằng cách nghe clip và thử dịch, sau đó đối chiếu với bản dịch đã đăng tải tại đây.
—–CHIẾC MẠNG CHE MẶT XỨ RAJASTAN
Clip: The veil of RajastanNgười dịch: Lê Hồng Hiệp
Những người phụ nữ Hindu ở Rajastan từng được sống tự do cho đến một ngày họ buộc phải mang những chiếc mạng che mặt và phải sống khép mình phía sau những bức tường bất khả xâm phạm.
Nằm ở vùng Tây Bắc Ấn Độ sát biên giới với nước láng giềng Pakistan, Rajastan là một trong nhiều bang của Ấn Độ từng là lãnh địa của một tiểu vương quốc trong quá khứ, như Udaipur, Jaipur, Dongapur, Jorpur, và Jaisama. Một nhà điện ảnh nổi tiếng người Ấn Độ đã nói về vùng đất bí ẩn này như sau: “Tôi đã nhìn thấy những cung điện, lâu đài xây bằng đá cẩm thạch và được trang trí với những tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp. Tôi cũng được thấy mặt tiền những toà nhà được trang trí bằng những bức bích hoạ sặc sỡ. Và tất nhiên tôi cũng đã gặp những người phụ nữ, niềm kiêu hãnh thực sự của xứ Rajastan. Như những hình ảnh trong các bức tranh, họ mang những bộ trang phục màu sáng, xanh và vàng. Nét quyến rũ của họ có lẽ khiến đến các bà hoàng cũng phải ghen tị và vẻ đẹp của họ giúp cho khung cảnh thiên nhiên vốn có phần đơn điệu nơi đây trở nên sống động hơn ít nhiều.”
Hôm nay, những người phụ nữ này vận những bộ sari đẹp nhất và mang đầy mình các đồ trang sức, họ tham gia vào ngày lễ Kangga. Họ đi thành từng hàng và mang thẹo tượng nữ thần Kali, nữ thần xinh đẹp vợ của thần Shiva và là vị thần bảo hộ cho phụ nữ. Thần Kali cũng là nữ thần của sự sinh sản và mùa màng. Trong suốt 18 ngày lễ này, những cô gái trẻ sẽ cầu xin thần Kali giúp họ tìm được người chồng họ mong muốn, còn những phụ nữ đã lập gia đình sẽ cầu mong thần Kali sẽ mang lại hạnh phúc cho gia đình mình.
Udapur là thành phố nằm ở phía Bắc Rajastan, và trước đây từng có tên gọi là Rajputana. Truyền thuyết kể rằng những người dân Rajputana là con cháu của thần Rama. Rajastan là vùng đất điển hình nơi những maharaja, hay những hoàng tử giàu có và quyền uy cai trị. Sự giàu có và lối sống lạ kì của những hoàng tử nơi sa mạc này đã khiến người ta phải tò mò tìm hiểu cho đến tận ngày nay. Rachmi Shama là một nhà nhà báo kiêm nghiên cứu lịch sử. Anh đặc biệt quan tâm tìm hiểu về những người phụ nữ Rajastan, những người sinh sống đằng sau bức tường lâu đài của các hoàng tử. Hôm nay, để tiếp tục cuộc nghiên cứu của mình, anh đã đến gặp thầy giáo của mình, ông Krisnawan.
“….tiếng Ấn Độ…”“Trong một thời gian tôi đã được ông truyền lại các kiến thức về Ấn Độ, về Mevan, quê hương tôi. Tôi cũng đã tìm hiểu về cuộc sống trong quá khứ trước và sau khi Đế quốc Mongul xâm chiếm vùng đất này. Thế nhưng sau đó tôi đã quyết định tới Rajastan để tìm hiểu cuộc sống của những người được coi là những cung nữ sống trong những cấm cung xứ sở này”.
Cấm cung, trong tiếng Ấn Độ gọi là “purdah”, là nơi chỉ dành riêng cho phụ nữ. Họ sống suốt cuộc đời ở đây đằng sau tấm mạng che mặt tách biệt thế giới bên ngoài. Họ luôn phục tùng và tìm cách chiều lòng ông chủ của mình. Thời kỳ phong kiến, những người nông dân phải cày thuê cuốc mướn trên những khu đất của các hoàng tử. Một số phụ nữ trẻ đẹp được đưa vào làm người hầu trong các cung điện. Những người phụ nữ đẹp nhất trong số họ có thể trở thành các cung phi. Các hoàng tử thường không quan tâm đến xuất thân của những người phụ nữ sống trong cấm cung mà chỉ quan tâm đến nhan sắc của họ. Ngày nay các cấm cung hầu như đã biến mất ở Rajastan, thế nhưng một số vẫn còn tồn tại tại những vùng nông thôn. Những cấm cung này có quy mô nhỏ hơn và những hoàng tử xưa kia đã được thay thế bởi những chúa đất người địa phương. Theo nghiên cứu của Lachmi, cấm cung của lâu đài Karjala là một ví dụ điển hình về cuộc sống cấm cung ở vùng này. Đó cũng là lí do Lachmi chọn cấm cung này làm điểm khởi đầu cho chuyến nghiên cứu của mình.
Ở một góc lâu đài, người ta có thể nghe thấy tiếng thì thầm của ai đó. Những người phụ nữ thì thầm với nhau và nhìn ra ngoài từ trong bóng tối phía sau những khung cửa sổ bằng đá. Từ phía sau bức tường đó, những người phụ nữ trong cấm cung của vị chúa đất nhỏ to bàn luận với nhau về sự xuất hiện của người khách mới đến. Lẩn tránh ánh mắt của đàn ông và nhìn họ mà không được phép bị phát hiện là nguyên tắc quan trọng nhất của cuộc sống nơi cấm cung này. Lachmi tìm đến Karjala với lí do tham dự lễ hội Diwali, lễ hội thần ánh sáng. Khó khăn lắm Lachmi mới có thể thuyết phục ông chủ lâu đài cho phép anh trở thành một vị khách hiếm hoi được vào trong cấm cung của lâu đài. Trong buổi sáng của lễ hội, những người đàn ông ở vùng nông thôn tìm đến tiếp kiến ông chủ của vùng Karjala. Họ đi bộ hoặc cưỡi lạc đà đến đây để thực hiện nghi lễ truyền thống này.
Trong buổi lễ, người ta nhắc lại chiến công của những vị vua chúa trong quá khứ và trích ngâm cả sử thi thần thoại Ramayana. Lời kể câu chuyện vọng lên qua những bậc cầu thang vào bên trong cấm cung, và đây cũng là cách những người phụ nữ nơi đây tiếp nhận sự giáo dục. Trong suốt buổi lễ, những người phụ nữ trong lâu đài tụ tập lại một chỗ. Buổi tụ họp này đã thay đổi nhịp sống đơn điệu hàng ngày của họ vốn chỉ quanh quẩn chuyện làm đẹp bằng cách trang điểm, mát xa hay là lượt xiêm áo. Để giải trí và cũng nhằm quyến rũ ông chủ của mình, những người phụ nữ trong cấm cung còn học múa. Nhịp điệu và những chuyển động của đường nét cơ thể khiến họ quyến rũ hơn. Họ tập múa và biến múa thành một môn nghệ thuật vừa để giải trí, vừa để làm mê hoặc các ông chủ của mình. Tiếng chuông hiếm hoi báo cho những người phụ nữ trong cung biết rằng họ chuẩn bị có người lạ viếng thăm. Tiếng chuông nhằm nhắc nhở họ phải ẩn mình ở đâu đó hoặc ít nhất phải đeo mạng che mặt. Không một người đàn ông nào ngoại trừ ông chủ và một vài vị khách hiếm hoi được phép đặt chân vào đây. Những người phụ nữ này vẫn phải sống trong một thế giới tách biệt và được bảo vệ bởi vô số những bậc cầu thang và hành lang. Lachmi đã may mắn trở thành vị khách hiếm hoi được phép đến thăm những người phụ nữ này. Cấm cung chỉ có một cửa ra vào duy nhất thường được canh gác bởi một người bảo vệ. Lachmi phải đi theo em trai của ông chủ lâu đài, người sẽ đi cùng anh trong suốt thời gian anh ghé thăm lâu đài. Đối với Lachmi, những người phụ này tượng trưng cho một câu chuyện kì bí đã khiến những người đàn ông từ thế hệ này sang thế hệ khác phải say đắm.
“Ở Rajastan từ lâu đã tồn tại những cấm cung. Chị có thể kể cho tôi nghe cuộc sống thực sự ở cấm cung này diễn ra như thế nào được không?”“Cuộc sống ở đây đối với chúng tôi cũng khá bình thường vì chúng tôi đã quen với cuộc sống như thế này rồi. Tất cả đã trở nên quen thuộc đến nỗi chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi thích cuộc sống như thế này hơn dù phải luôn mang những chiếc mạng che mặt. Tuy nhiên nếu như chúng tôi trở về làng quê của mình thì chúng tôi lại sẽ sống theo cuộc sống ở đó, vì người dân ở đó có những phong tục riêng mà khi trở về chúng tôi cũng phải tuân theo. Tôi nghĩ cuộc sống của tôi ở đây cũng không khác mấy so với cuộc sống của những người phụ nữ trong làng tôi. Họ ít khi được nói chuyện với chồng mình vào ban ngày mà chỉ có thể nói chuyện vào ban đêm khi người chồng trở về nhà. Vì thế nếu muốn nói điều gì với chồng thì họ không được phép đi ra ngoài tìm chồng mình vào ban ngày mà phải chờ đến tối. Và ban ngày khi những người đàn ông đi vắng thì những người phụ nữ cũng chỉ quanh quẩn ra vào trong nhà mà thôi. Và cuộc sống đã tiếp diễn như vậy, cũng không khác mấy so với cuộc sống của chúng tôi ở đây và tôi thấy tất cả thật bình thường và không có gì khó khăn cả”.
Các cấm cung ngày nay có ít phụ nữ hơn trước đây. Tuỳ thuộc vào sự giàu có của ông chủ, cấm cung lớn nhất trước đây từng có tới hơn 1500 phụ nữ. Trong ngày lễ Diwali, người theo đạo Hindu thường xuyên đọc kinh cầu nguyện hơn ngày thường. Lễ Diwali được coi là ngày lễ mang tính huyền thoại và nhiều chất thơ nhất ở Ấn Độ. Ngày lễ này nhằm tưởng nhớ tới việc thần Rama quay trở về vương quốc của mình sau khi chiến thắng các quỷ thần vốn đã tàn phá đất nước Ấn Độ tươi đẹp. Sự kiện này tượng trưng cho chiến thắng của cái thiện đối với cái ác và của ánh sáng đối với bóng tối và cũng là ngày lễ mở đầu cho năm mới theo lịch của đạo Hindu. Vào ngày trăng tròn, hàng ngàn ngọn nến được thắp lên trong các ngôi đền, trên các lối đi dẫn vào toà nhà hay trên các bậu cửa sổ và ban công nhằm xua đuổi những tà ma tượng trưng cho các thế lực huỷ diệt, xấu xa. Hoạt động lễ hội không chỉ khép kín trong các bức tường của toà lâu đài. Ở Rajastan cũng như các nơi khác trên khắp Ấn Độ, các thành phố cũng như các làng mạc lễ hội đều diễn ra tưng bừng. Một cảm giác hứng khởi tràn ngập khắp mọi nơi và vô vàn ngọn nến toả sáng trong không gian tạo nên một cảm giác huyền diệu như trong truyện cổ tích. Cũng như lễ hội ở bất cứ nơi nào khác, buổi tối kết thúc bằng một màn trình diễn pháo hoa.
Đối với Lachmi, cuộc viếng thăm của anh tới cấm cung Karjala là một trướng hợp đặc biệt bởi anh không chỉ được phép đặt chân vào đây mà còn được tiếp xúc với những phụ nữ trong cấm cung và nhận thấy rằng các luật lệ đã bớt hà khắc hơn so với trước đây. Trên con đường dẫn tới Dongapur thuộc vùng nông thôn, Lachmi phát hiện ra ngôi đền Nagda dành riêng cho phụ nữ. Ngôi đền này là một trong số các địa điểm nằm rải rác khắp Rajastan được xây dựng nên nhằm dạy cho người đời nghệ thuật tình yêu. Những người dân sống ở những khu làng lân cận thường xuyên đến thăm ngôi đền này. Trong văn hoá Hindu, vai trò của người phụ nữ được coi trọng và bức điêu khắc này thể hiện sự ngưỡng mộ đối những phẩm chất đặc biệt của người phụ nữ, vẻ đẹp hoàn hảo của cơ thể, sự hài hoà trong từng chuyển động và nét quyến rũ của nhan sắc phụ nữ.
“Ngôi đền này được xây dựng vào khoảng thế kỉ 9 hoặc 10. Bạn hãy nhìn hình ảnh cô gái này, cô ta đáng ra phải mặc xari nhưng ở đây nó lại được thể hiện một cách trong suốt. Phần còn lại của cô gái trong bức điêu khắc khá lạ, do đó có thể thấy nó được thực hiện trước thế kỉ 13 hay 14. Trước thời gian đó, các công nương được phép ngồi cạnh các vị vua nhưng sau khi vùng đất này bị xâm lược, họ phải ẩn mình hoặc phải dùng mạng che mặt để lẩn tránh không cho những kẻ xâm lược nhìn thấy”.
Trước khi bị xâm lăng bởi người Hồi giáo, Rajastan là một vùng đất gồm vô số những tiểu vương quốc có diện tích lớn nhỏ khác nhau. Các vị hoàng tử xây dựng những tổ hợp lâu đài đồ sộ và kiên cố vì họ thường xuyên va chạm và xâm lược lẫn nhau nhằm giành giật phụ nữ hơn là tiền bạc hay quyền lực. Sự dũng cảm và thiện chiến của họ dường như đã trở thành truyền thuyết. Những cuộc chiến đấu của họ chiếm phần lớn những trang sách lịch sử và là nguồn cảm hứng cho vô số những bức tranh. Phát triển mạnh mẽ vào thế kỉ 13, đế quốc Mongul theo đạo Hồi có nguồn gốc từ Trung Á đã xâm lược miền Bắc Ấn Độ và đỉnh cao của cuộc xâm lược là vào thế kỉ 16 khi Ấn Độ bị Đế chế Mongul chinh phục. Những kẻ xâm lược này có thể coi là những người yêu cái đẹp và đã khơi nguồn cho một nền văn minh mới rất đa dạng và tinh tế. Rajastan là một thành luỹ của cuộc kháng chiến chống xâm lược nhưng vẫn không thể cưỡng lại được sự ảnh hưởng của văn hoá Hồi giáo. Từ “purdah” được ra đời và sử dụng với hai nghĩa: Nghĩa thứ nhất để chỉ cấm cung, nơi giữ những phụ nữ của gia đình chiến bại mà những kẻ chiến thắng cướp về làm vợ; nghĩa thứ hai để chỉ chiếc mạng che mặt mà những người phụ nữ mang để tránh mặt quân xâm lược.
Tiếp tục cuộc hành trình của mình, Lachmi đã đặt chân đến lâu đài Dongapur. Ngày nay, toà lâu đài khổng lồ này đã bị bỏ hoang nhưng trong quá khứ nơi đây từng có tới hàng trăm phụ nữ trong cấm cung của mình. Toà lâu đài này là một ví dụ điển hình của thời kì do các hoàng đế Hồi giáo trị vì. Ông Hasbadan Singh, một hậu duệ của vị hoàng đế xa xưa đón chào Lachmi đến với toà lâu đài. Toà lâu đài này mang những nét nghệ thuật độc đáo của người Hồi giáo thể hiện qua những đường nét kiến trúc.
“….Giới thiệu về kiến trúc toà lâu đài”…
Người Mongul mang đến vùng đất này một phong cách kiến trúc mới với những toà nhà có tháp vòm tráng lệ được xây dựng khắp nơi trên đất Rajastan.
“Chúng ta đang đi từ lối vào của toà lâu đài vào bên trong. Toà lâu đài này được xây vào khoảng thế kỉ 13 và nhiều thế hệ đã sinh sống ở toà lâu đài này theo sự phát triển của dòng tộc cho tới năm 1910. Vào năm 1910 ông cố của tôi đã quyết định chuyển sang sinh sống ở một toà lâu đài khác”.Trong các cấm cung, những người phụ nữ luôn cố gắng giành được ân sủng của các hoàng tử. Thái giám là người kiểm soát các mối nghi ngờ và các tin đồn lưu truyền giữa cấm cung và thế giới bên ngoài. Các cung nữ rất nể sợ chủ nhân của lâu đài vì quyền sinh quyền sát đối với các cung nữ đều nằm trong tay ông chủ. Đằng sau những bức tường cấm cung là một rừng tai mắt, thế nên rất khó có thể giữ kín một bí mật nào. Thậm chí các cung nữ có thể bị đầu độc nếu vô tình nhìn thấy những điều mà đáng ra họ không bao giờ được phép thấy. Người gác cửa cấm cung và thái giám là những người có ảnh hưởng rất lớn đối với các cung nữ vì đó là cầu nối duy nhất của các cung nữ với thế giới bên ngoài. Họ có thể cung cấp thuốc phiện cho các cung nữ và thậm chí bí mật cho phép đàn ông từ bên ngoài thâm nhập vào cấm cung, một việc mà nếu bị phát hiện ra họ có thể bị khép vào tội chết.
Chiến tranh, châu báu và đi săn là những niềm đam mê thường thấy đối với các hoàng tử, thế nhưng có lẽ niềm đam mê lớn nhất của các ông hoàng lại dành cho vẻ đẹp của các thiếu nữ.
“Đây là một phòng dành riêng cho các vị khách đặc biệt và có thể nói đây là chốn thiên đường giữa trần gian. Thời kì trước đây các vị vua thường tìm kiếm những vũ nữ đẹp nhất và khi tìm được những vũ nữ như ý thì đây sẽ là nơi họ biểu diễn. Thi thoảng nhà vua mời những người bạn đặc biệt của mình, có thể là những vị vua khác, tới cùng chiêm ngưỡng. Trong trường hợp đó, các ông hoàng sẽ an toạ ở đây, các vũ nữ sẽ biểu diễn phía dưới còn các thiếu nữ sẽ chơi nhạc và hầu rượu cho các ông chủ của mình”.
“Căn phòng này tồn tại như một giấc mơ và không phải ai cũng được phép đặt chân vào. Con cái trong nhà không được phép vào phòng mà chỉ có công nương và những người hầu nữ mới được phép vào đây. Các hầu nữ đi vào đây trên sàn nhà lát gương và họ mặc những chiếc váy khác nhau nhưng một điều đặc biệt là bên trong lớp váy lại không có thứ gì khác. Họ dường như loã thể và điều này khiến họ trở nên quyến rũ hơn”.
“Trong phòng còn có những bức tranh tái hiện lại cuộc sống quá khứ của các vị vua và của Dongapur, qua đó cho phép người xem biết được ít nhiều về lịch sử vùng đất này.”Các hoàng tử thường khuyến khích phát triển nghệ thuật. Họ còn sáng tạo ra một trường phái nghệ thuật mới, đó là ngành tiểu hoạ. Karma Sutra là một tác phẩm dạy về nghệ thuật ân ái. Đó là một triết lý sống, mà một phần trong đó chính là tình dục. Những người phụ nữ sống trong cấm cung phải học thứ nghệ thuật này nhằm quyến rũ và biết cách chiều chuộng chủ nhân của mình. Hát, chơi nhạc, vẽ và nấu ăn là những điều mà các cung nữ cũng phải học.
Múa cũng là một môn nghệ thuật quan trọng mà các thiếu nữ thường phải học từ khi còn rất bé. Đối với người theo đạo Hindu, họ tin rằng có một sức mạnh siêu nhiên tồn tại trong mỗi con người khiến con người có thể hít thở, chuyển động và nhảy múa. Sức mạnh này bắt nguồn từ thiên nhiên và là cội rễ của sự sống, và đó cũng là lí do múa được coi là một thứ nghệ thuật thiêng liêng ở Ấn Độ.
Jorpur là một thành phố nằm trên sa mạc, được gọi là “thành phố xanh”, cùng với thành phố Jaisama và Bikama tạo thành một tam giác đô thị trên sa mạc. Hôm nay người dân ở đây tổ chức lễ Holy nhằm chào đón mùa xuân. Đó là một lễ hội tràn ngập màu sắc và tình yêu cuộc sống. Chúng ta đang có mặt tại lâu đài Chanwaluni, một trong những địa điểm nổi tiếng nhất ở Jorpur. Theo truyền thống, những người phụ nữ trong lâu đài phải sống tách biệt khỏi nam giới. Trong một vài ngày, họ cùng với những người dân từ các thị trấn và các khu làng xung quanh chào đón lễ hội của sự sinh sôi nảy nở và mùa xuân.
Trong ngày lễ Holy, những cư dân vùng này cùng đến dự lễ với gia đình hoàng gia. Những cư dân của thành phố cùng những vùng lân cận đến để bày tỏ lòng kính trọng của mình đối với gia đình hoàng gia. Công nương Madudaevi tiếp đón các phụ nữ, trong đó có những người đến từ những nơi rất xa tìm tới đây chỉ để thể hiện lòng thành kính của mình. Những người dân làng giới thiệu những đứa con của mình và tận dụng cơ hội hiếm hoi này để trao đổi với công nương về những khó khăn trong cuộc sống thường nhật của mình hay để hỏi thăm về những tin tức liên quan đến gia đình hoàng gia. Trong khi đó những người đàn ông cũng tự tổ chức các hoạt động của mình. Lachmi quyết định đến thăm cung điện Jorpur để hiểu rõ hơn tại sao chế độ cấm cung lại hoàn toàn biến mất ở thành phố này. Anh hi vọng rằng mối quan hệ tốt đẹp của mình với hoàng tử có thể giúp anh tiếp xúc với công nương để có thể tìm hiểu về cuộc sống nơi cấm cung. Những người đàn ông tụ tập trong ngày lễ hôm nay cũng thực hiện những nghi thức như trong quá khứ. Những người đàn ông ngồi rất hành diện với chiếc khăn xếp quấn quanh đầu mà trong đó có cái dài tới 8m. Theo truyền thống họ đều đi giày như một biểu hiện của nam tính và hút thuốc bằng những ống điếu. Từ khi Ấn Độ giành được độc lập vào năm 1947 và ra đời một hệ thống chính quyền dân chủ, các hoàng tử xứ Rajastan không còn nắm giữ những quyền lực mà họ từng có trước đây. Một số đặc quyền mà họ được hưởng dưới thời kỳ thống trị của thực dân Anh cũng đã bị bãi bỏ. Nhiều người trong số họ vẫn sinh sống trong những lâu đài của mình và tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của khu vực bằng cách giúp kích thích tăng trưởng kinh tế địa phương hay bảo vệ cuộc sống ấm no của các thần dân của mình. Nói chung các hoàng tử không còn nắm những quyền lực thực sự nhưng họ vẫn có một vai trò tượng trưng trong mắt của người dân nơi đây. Họ là người đảm bảo cho sự cân bằng xã hội, lắng nghe các vấn đề của người dân và đưa các vấn đề đó đến tai các chính trị gia. Họ cũng đóng vai trò như những vị đại sứ trong quan hệ với các cộng đồng khác sinh sống trong khu vực. Trong lễ Holy, những người đàn ông chỉ bận trang phục màu trắng tượng trưng cho buổi sáng. Sau đó họ sẽ phủ lên người nhau một lớp bột màu tựa như một dải ruy-băng của sức sống và tình yêu. Trong cung điện Jorpur, chế độ cấm cung không còn tồn tại như trong quá khứ, tuy nhiên con gái của các hoàng tử và các phụ nữ trong cung điện vẫn tách ra sống riêng trong những ngày diễn ra lễ hội nhằm tỏ lòng tôn trọng đối với các truyền thống cổ xưa. Công nương Madudavi nhớ lại khoảng thời gian cách đây không lâu khi chế độ cấm cung vẫn còn tồn tại:
“Tôi sinh ra và lớn lên ở Kashmir, và sau khi vùng đất này bị chia cắt nhiều thì thứ đã thay đổi. Lúc còn nhỏ tôi đã theo học ở một trường nội trú, do đó khi chuyển từ Kashmir đến đây tôi thấy cuộc sống ở đây rất khác lạ. Tuy nhiên tôi vẫn tuân theo các phong tục tập quán ở đây, điều mà tôi cho là rất quan trọng. Mọi thứ có vẻ rất chính thống và sự thay đổi đó đã có những tác động đối với cuộc sống của tôi. Việc đeo mạng che mặt đã không hoàn toàn biến mất mà vẫn còn tồn tại. Đáng lẽ ra tôi vẫn phải tuân theo, tuy nhiên mẹ chồng tôi, một người khá thực tế, đã không quá hà khắc đối với tôi về những chuyện đó mặc dù chính bà vẫn mang mạng che mặt cho đến cuối đời. Và sau đây chồng tôi sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện về người bà của mình đã bị chặt mất ngón tay như thế nào”.
“Thời kỳ trước đây khi chưa có ô tô, các bà hoàng đều phải dùng kiệu để di chuyển, đi lại khi ra ngoài cung điện. Chuyện xảy ra với một bà hoàng vào mùa hè khi thời tiết rất nóng, trong khi chiếc kiệu lại bị bịt kín như bưng, và bà thấy trong kiệu hết sức nóng nực và khó chịu. Và người ta kể rằng bà đã khẽ vén chiếc rèm che kiệu và đã để lộ một ngón tay của mình ra ngoài nhằm giữ cho rèm kiệu được hé mở. Thấy vậy viên tuỳ tùng dẫn đoàn đã cho người nói với bà rằng bà đang để lộ ngón tay của mình ra ngoài và nhắc bà rút tay vào trong. Tuy nhiên bà ta nghĩ rằng mình là công nương và những người hầu không thể ra lệnh cho bà và vẫn không chịu rút tay vào. Thế là sau khi nhắc nhở đến lần thứ tư, viên tuỳ tùng đã rút gươm ra và chém đứt ngón tay của bà. Bà hoàng rất tức giận và đau đớn vì bị chặt mất ngón tay nên khi quay về cung điện bà đã báo với hoàng tử về hành động của viên tuỳ tùng. Sau đó hoàng tử đã cho triệu viên tuỳ tùng lên nói chuyện. Sau khi hỏi han sự tình hoàng tử đã phán rằng: “Ngươi đã phạm sai lầm khi chém đứt ngón tay công nương, đáng lẽ ra ngươi phải chém đầu bà ta”.
Holy là ngày lễ của màu sắc. Ở Ấn Độ, mỗi màu sắc đều có một giá trị tượng trưng riêng: màu đỏ thường được dùng trong các đám cưới tượng trưng cho lòng đam mê, màu trắng tượng trưng cho buổi sáng sớm, còn màu vàng nghệ tượng trưng cho sự chối bỏ. Còn trong lễ Holy, những màu sắc tươi tắn tượng trưng cho sức sống là gam màu chủ đạo trong khắp các hoạt động của lễ hội. Trong cung điện, hoàng tử đang nô đùa với các cung nữ, và đây là cơ hội cho các cung nữ thu hút sự chú ý của hoàng tử bằng cách bôi lên mặt hoàng tử những sắc màu tượng trưng cho tình yêu và sự đam mê. Trong ngày lễ Holy, hoàng tử cũng rời cung điện để tham gia các trò chơi cùng các thần dân của mình. Hôm nay, bên ngoài bờ tường cung điện, những người đàn ông của mọi giai tầng trong xã hội đều tham gia trò chơi tung bột màu lên người nhau.
Hôm nay những người phụ nữ tỏ ra rất vui vẻ. Tuy nhiên trong quá khứ không phải lúc nào họ cũng như vậy. Những cô gái sinh ra trong các gia đình hoàng gia thường được gả chồng từ rất sớm, có khi từ lúc họ mới 5 tuổi. Và như vậy cả cuộc đời còn lại của họ dường như chỉ quanh quẩn đằng sau những bức tường của cấm cung. Cách nhìn nhận thế giới bên ngoài của họ vì vậy cũng rất hạn chế. Họ chỉ được phép dỡ mạng che mặt trước những người đàn ông là chồng mình hoặc anh em ruột thịt. Nếu như một người phụ nữ dỡ mạng che mặt của mình trước một người lạ, cô ta sẽ bị coi là không đứng đắn. Chiếc mạng che mặt giúp bảo vệ phẩm giá của người phụ nữ và giúp cô ta tránh được những điều đáng hổ thẹn khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
“Trong quá khứ, đó là một hệ thống hà khắc và làm cho cuộc sống của người phụ nữ bị kìm hãm. Ngày nay hệ thống đó không còn ý nghĩa và tôi lại cho con gái của tôi theo học tại trường nội trú và có cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài càng nhiều càng tốt vì bây giờ mọi thứ đã thay đổi theo hướng tiến bộ hơn và không có lý gì lại phải quay lại những tập quán không tiến bộ cả. Tuy nhiên tôi vẫn tin rằng có những truyền thống vẫn cần được tuân theo, nhất là những truyền thống đã tồn tại lâu đời trong gia đình, ví dụ như trong lễ cưới, cô dâu và chú rể phải sống tách rời nhau trong một thời gian. Tôi cũng muốn giữ lại tập quán người phụ nữ phải che đầu khi đi ra ngoài. Việc duy trì một số truyền thống và tập quán rất quan trọng vì điều đó giúp chúng tôi duy trì bản sắc của gia đình, dòng tộc. Ngoài những điều đó ra thì mọi thứ chúng tôi đều muốn giống như tất cả những người khác, trừ chế độ cấm cung ra, tôi không nghĩ là chế độ cấm cung nên tiếp tục tồn tại nữa. Những cô gái trẻ không nên phải sống trong một thế giới như vậy nữa, một thế giới mà họ chỉ nên biết đến qua điện ảnh hay truyền hình mà thôi”.
Những bộ phim của nền điện ảnh đại chúng Ấn Độ ngày nay vẫn lấy cảm hứng từ cuộc sống hoàng gia trong quá khứ. Những chiến công, cuộc sống xa hoa, và những khía cạnh đạo đức trong đời sống của các ông hoàng vẫn là những thành tố có thể đóng góp cho thành công của một bộ phim. Với những khung cảnh làm gợi nhớ tới cuộc sống trong các cung điện tráng lệ, những bộ phim như vậy làm toát lên vẻ đẹp của những câu chuyện xa xưa trong quá khứ.
Jaisama là vùng đất nằm trên sa mạc nối liền với Pakistan. Trong thành phố còn tồn tại dấu tích của một quá khứ vàng son với những toà nhà rộng lớn của những thương nhân giàu có. Nhờ có nhiều tiền của, những thương nhân này có quyền lực như những bậc vua chúa. Những toà nhà này được xây bằng đá sa mạc trong khoảng thời gian từ năm 1800 đến năm 1860. Những mái vòm và những bức điêu khắc được lấy cảm hứng từ các truyền thống Hồi giáo lẫn truyền thống bản địa của vùng Rajastan. Những toà nhà được thiết kế đặc biệt khiến cho những phụ nữ trong nhà không thể quan sát được thế giới bên ngoài, trừ chủ nhân của toà nhà. Vào đầu thế kỉ 20, sự bùng nổ kinh tế của Calcutta và Bombay đã biến Jaisama thành một thành phố sa mạc bị cô lập. Bên ngoài thành phố, thi thoảng người ta lại bắt gặp những ngôi nhà nhỏ với mái vòm bằng đá cẩm thạch. Đó là những nhà thờ của những bậc vương giả được xây bên rìa lãnh địa của họ. Ở Rajastan có phong tục buộc vợ của hoàng tử bị thiêu sống trên giàn thiêu cùng hoàng tử khi hoàng tử được hoả táng lúc qua đời. Vùng phía Bắc Ấn Độ trước đây là nơi cư ngụ của những nhóm dân du mục mà trước đây là thành phần dân số đặc trưng của Rajastan. Khi Đế quốc Mongul xâm chiếm vùng đất này, họ đã cố gắng thay đổi lối sống du mục của cư dân nơi đây nhưng không thành và lối sống đó vẫn tiếp tục tồn tại qua nhiều thế kỉ. Sự xâm nhập của văn hoá Hồi giáo đã có những tác động tới cuộc sống nơi trung tâm của sa mạc này, những cư dân du mục đã tiếp nhận phong tục đeo mạng che mặt của phụ nữ.
Những nhóm dân tộc thiểu số như người Bishnoi hay Ribaris chuyên rong ruổi trên lưng lạc đà xuyên qua những đường mòn trên sa mạc đã tiếp nhận tập quán văn hoá có nguồn gốc Hồi giáo này thành một tập quán của mình. Chính vì vậy giờ đây, những cư dân du mục này, như một nghịch lý, dường như trở thành hậu duệ của những hoàng tử Hồi giáo.
Thầy giáo của Lachmi đã kể cho anh nghe về những hoàng tử du mục này cùng câu chuyện về chiếc mạng che mặt các cung nữ của họ. Trong chặng cuối cùng của cuộc hành trình, Lachmi đã quyết định tận dụng cơ hội hiếm hoi được đi cùng những người dân này để tận mắt tìm hiều gốc rễ của văn hoá xứ Rajastan.
Chuyến nghiên cứu của Lachmi cuối cùng cũng đến lúc kết thúc. Anh nhận ra rằng chế độ cấm cung cùng chiếc mạng che mặt là một phần rất quan trọng trong văn hoá của xứ Rajastan. Trong các cung điện, đó được coi là một đặc quyền của các hoàng tử, thế nhưng trong sa mạc, nơi nó vẫn còn tồn tại, cấm cung cùng chiếc mạng che mặt đã mang một hình thức khác.
“Những cô gái ở đây sống với một truyền thống hoàn toàn khác so với những cô gái sống trong các cung điện bởi những cô gái này ít nhất có thể nhìn ngắm được thiên nhiên và được hưởng nhiều tự do hơn. Chúng ta có thể thấy chế độ cấm cung và tập quán đeo mạng che mặt đã tồn tại từ rất lâu đời ở Rajastan và có lẽ truyền thống này sẽ không bao giờ có thể biến mất”.
Trong các cung điện, chế độ cấm cung đang ngày càng lụi tàn, những cấm cung cuối cùng còn sót lại của Rajastan chỉ là những di chỉ minh chứng cho một quá khứ vàng son đã qua. Nhưng trên những cồn cát trong sa mạc, trí tưởng tượng phong phú có thể cho phép chúng ta thả hồn tái hiện những nét văn hoá độc đáo theo những tiếng động của chiếc mạng che mặt đung đưa hay tiếng leng keng phát ra từ những chiếc vòng đeo tay của những thiếu nữ xinh đẹp và dịu dàng đang nhảy múa.
-
24/05/2014 at 12:39 #1785beyeuhpParticipant
Chào bạn,rất cảm ơn bạn đã chia sẻ một bài với rất nhiều kiến thức bổ ích. BẠn có thể cho mình xin các clip khác được không. Gmail của mình là: [email protected]. Cám ơn bạn rất nhiều. :bye: :rose:
-
-
AuthorPosts
- You must be logged in to reply to this topic.