NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.
Tagged: Học tiếng Anh qua clips
- This topic has 0 replies, 1 voice, and was last updated 10 years, 6 months ago by NCQT.
-
AuthorPosts
-
-
25/05/2014 at 11:31 #1810NCQTKeymaster
TRUYỀN THỐNG ĐÁNH TRỐNG CỦA NGƯỜI TRUNG QUỐC
Clip: Beating tradition (vui lòng log in để download phía dưới)
Người dịch: Lê Hồng Hiệp
Chiếc trống được làm ở Giang Châu, thuộc tỉnh Giang Tây ở trung tâm Trung Hoa lục địa này dường như không có gì đặc biệt. Thế nhưng nó đã chứng kiến nhiều thời khắc quan trọng của lịch sử Trung Hoa. Khoảng 2200 năm trước đây, nó đã giúp các tướng lĩnh huy động những đội quân khổng lồ của vị Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc thực hiện tham vọng thống nhất đất nước này. Trước đó, trống Giang Châu cũng đã được sử dụng chủ yếu trong những lễ tế và các nghi lễ khác, và nhờ vậy trở thành loại trống cổ nhất trong các loại trống truyền thống của người Trung Quốc. Những chiếc trống này theo truyền thống chỉ do đàn ông sử dụng, thế nhưng dần dần nó mất dần đi ý nghĩa biểu tượng của sức mạnh. Ngày nay, phụ nữ đã dần chinh phục những chiếc trống này. Vượt qua những rào cản truyền thống, càng ngày càng nhiều những cô gái nông thôn của vùng Giang Châu dần làm chủ số phận của mình. Bất chấp những áp lực nặng nề từ gia đình, họ đang khám phá những cơ hội mới với một công việc độc lập là nghệ sĩ đánh trống của một đoàn nghệ thuật đóng ở Thượng Hải. Tiếng trống Giang Châu lại vang lên, nhưng lần này lại trong một không gian khác.
Mới chỉ cách đây nửa thế kỷ, việc phụ nữ đánh trống còn là chuyện không tưởng ở Trung Quốc. Hôm nay, ông Vương Kiến An, người quản lý Nhóm trống Giang Châu, đang chờ một nhóm nghệ sĩ đánh trống mới chuẩn bị đến từ Giang Châu. Đó là một thế giới hoàn toàn khác.
“Ở làng nào của Giang Châu cũng có người chơi trống. Tuy nhiên không có ai là nữ. Các cô gái chỉ bắt đầu chơi trống sau khi Giải phóng. Trong quá khứ, phụ nữ không được phép chơi trống.”
Chính Vương Kiến An là người sáng lập nên Nhóm trống Giang Châu vào năm 1987. Từng là người phụ trách một trung tâm văn hoá địa phương, ông Vương muốn giới thiệu những cô gái đánh trống chuyên nghiệp như một thử nghiệm mới mẻ đối với loại hình nghệ thuật vốn do phái nam áp đảo này. Đó là một sự cách tân nghệ thuật nhằm duy trì sức sống cho môn nghệ thuật truyền thống lâu đời của Trung Quốc vốn gần đây được UNESCO xếp loại là một di sản văn hoá phi vật thể. Cũng chính ông Vương đã quyết định chuyển Nhóm trống từ Giang Châu tới Thượng Hải vào năm 2000.
Những mối quan hệ làm ăn mang lại bởi sự bùng nổ kinh tế ở Thượng Hải là những cơ hội không thể bỏ qua. Thượng Hải đã sẵn sàng cho một nhịp điệu mới. Nhóm trống Giang Châu với những tay trống nữ nhanh chóng trở thành một phần không thể thiếu tại các buổi khai trương, các lễ hội, các hoạt động văn hoá xã hội của Thượng Hải. Sự nổi tiếng đã mang các cô gái này đến với Hồngkong, Đông Nam Á và thậm chí là cả châu Âu. Đối với những cô gái Giang Châu, nhóm trống của Vương Kiến An là một cơ hội ngàn năm có một của đời họ.
“Trong lần đầu tiên đi lưu diễn cùng nhóm trống, chúng tôi đã đến 4 nơi, đó là Thâm Quyến, Quảng Châu, Hồng kông và Thượng Hải. Mọi thứ thật là tuyệt.”
“Lí do tôi muốn chơi trống là bởi điều đó mang lại cho tôi một lối sống mới. Tôi có thể có rất nhiều bạn bè. Mặc dù cuộc sống rất vất vả nhưng bù lại nó cũng rất sôi động và nhiều màu sắc.”Cuộc sống hiện tại khác xa so với cuộc sống mà họ đã bỏ lại sau lưng. Ở Giang Châu, tất cả những gì họ có thể trông chờ là một thu nhập nhỏ nhoi nhờ làm nông và một ao đời phẳng lặng. Tham gia vào nhóm trống không chỉ có nghĩa là có thể kiếm thêm được nhiều tiền mà còn là một cơ hội để thoát khỏi lối sống truyền thống. Vì điều này, họ sẵn sàng bất chấp sự ngăn cản của bố mẹ, những người luôn lo lắng cho cô con gái trẻ tuổi sống một mình trong khu nhà trọ ở Thượng Hải cách đó tới 2500 km.
Hầu hết các cô gái tham gia vào nhóm trống ở độ tuổi khoảng 14. Sau khi học xong trung học, họ sẽ tham gia một khoá đào tạo kéo dài 3 năm trước khi họ có thể biểu diễn chuyên nghiệp. Khi trở thành những nghệ sĩ chuyên nghiệp, cuộc sống cũng không phải dễ dàng hơn gì.
Họ phải làm việc cật lực để kiếm sống.Đối với những cô gái đang trong thời kỳ luyện tập, một ngày thường bắt đầu bằng 1 giờ đồng hồ tập gõ vào sáng sớm. Buổi chiều họ còn phải tập thêm 3 tiếng nữa. Chỉ đến khi đạt được mức 800 lần gõ trong một phút thì họ mới được phép chuyển sang giai đoạn kết thúc luyện tập. Thời kỳ tập luyện tưởng như đơn điệu này giúp cho các cô gái đạt được sự hoà hợp tuyệt đối giữa tâm hồn và nhịp tay mỗi khi chơi trống.
“Khi mới tập gõ, thanh gỗ chưa bị xơ xác như thế này. Cứ như thế, bọn em tập đánh không ngừng và nó dần trông như một tấm ván mỏng. Cuối cùng thì thế nào cũng có người làm thanh gỗ gãy làm đôi và bọn em lại thay vào một thanh gỗ mới.”
“Một số bạn tay bị xơ cứng. Bọn em cũng bị đứt tay và đôi khi còn bị tứa máu. Da chai lại và bị phồng giộp. Anh nhìn này, thế này thì không còn là tay con gái nữa.”Đối với những người chuyên nghiệp mọi thứ cũng không hề dễ dàng hơn. Bản thân họ cũng phải luyện tập 4 tiếng mỗi ngày. Ở trình độ cao họ còn phải soạn lại những nhịp trống đã chơi. Nhóm trống nhận được ít nhất bốn lời mời biểu diễn mỗi tuần và vào những mùa cao điểm có khi họ phải biểu diễn từ sáng tới tối. Mỗi sô diễn mang lại cho Nhóm khoảng gần 800 đô la và mỗi cô gái tiết kiệm được khoảng 75 đô la mỗi tháng. Thế nhưng sự vất vả mà họ trải qua không chỉ được bù lại bởi những đồng lương mà họ nhận được mà còn bởi sự tự do mà họ có.
“Quận Pudong thực sự rất hiện đại và giàu có. Ở đó có rất nhiều nhà lớn và nhà chọc trời, nhiều hơn so với chúng tôi nghĩ. Nó rất, rất hiện đại và khó mà có thể miêu tả cụ thể được.”
Một cơ hội để khám phá cuộc sống tự do cá nhân khi còn trẻ tuổi, một cuộc sống khác xa so với xã hội truyền thống của Giang Châu là những điều mà thậm chí chưa bao giờ họ dám mơ ước. Cuộc sống ở Thượng Hải vun đắp nên những tình bạn sâu sắc, ban đầu là do cùng chung hoàn cảnh xuất thân, và dần dần là do những kinh nghiệm sống họ cùng nhau trải qua.“Giá bao nhiêu?”
“Cái đó nhỏ quá.”
“Cái này nhỏ quá chị ạ”Những lần được phép ra ngoài trong khi nghỉ tập đã mang họ đến với một thế giới hoàn toàn khác biệt với thế giới mà họ đã bỏ lại sau lưng. Đa phần các cô gái dần quen với cuộc sống mới và không muốn quay trở lại Giang Châu. Thế nhưng Giang Châu lại không sẵn sàng để họ ra đi.
Đó là một cú điện thoại của gia đình.
“Chỉ cần chọn ngày cưới. Bố mẹ cứ quyết định.”
“Bố mẹ cứ quyết định… ngày nào cũng được cả.”Khi đến 18 tuổi, trò vui của các cô gái cũng kết thúc. Các bậc cha mẹ muốn các cô con gái trở về để lo chuyện cưới hỏi theo truyền thống địa phương. Nếu không làm như vậy, các cô gái sẽ trở thành chủ đề của những lời đàm tiếu thị phi. Áp lực từ gia đình quá lớn và phần đông các cô gái đều phải tuân theo ý muốn của gia đình.
“Các bậc phụ huynh đều mong muốn con gái mình kiếm được một người bạn đời tốt và có một gia đình tử tế. Tất cả những gì họ muốn là các con mình được hạnh phúc và có thể sống sung sướng, hạnh phúc mỗi ngày.”
“Nếu một ai đó chưa đính hôn hoặc làm đám cưới lúc đã 24 hay 25 tuổi thì thế nào người ta cũng cho rằng có vấn đề gì đó. Đó là cách thức mọi việc xảy ra ở đây.”Những cuộc từ biệt xảy ra khá thường xuyên ở Nhóm trống, để lại phía sau nỗi buồn của những người bạn.
“Quãng thời gian sống cùng nhau dài hơn cả quãng thời gian chúng em sống cùng bố mẹ. Vì vậy khi bạn ấy rời khỏi ký túc xá và nói lời chia tay với chúng em, chúng em tiễn bạn ấy ra sân ga. Bạn ấy đã khóc nức nở và em cũng không dám nhìn vào mắt bạn ấy nữa.”Đối với Vương Kiến An, các cô gái phải luyện tập trong vòng 3 năm nhưng chỉ có thể biểu diễn trong vòng 2 năm và sau đó ra đi mãi mãi, chính vì vậy đó hoàn toàn không phải là một công việc kinh doanh béo bở.
“Sau khi cưới chồng, gia đình thường không cho các cô gái tham gia lưu diễn nữa. Lý do rất đơn giản. Ở làng quê người ta vẫn theo kiểu suy nghĩ truyền thống. Không chỉ đơn giản là việc cưới chồng mà quan trọng là các bậc cha mẹ phải có cháu. Một lý do khác là người ta sợ các cô gái đi đây đi đó một mình theo đoàn diễn và sẽ va vấp, thay đổi.”Truyền thống gả chồng sớm cho các cô gái ở Giang Châu đã trở thành một vấn đề ngăn cách giữa các cô gái và bố mẹ mình, giữa các cô gái cùng nhóm trống của ông Vương và những ước mơ của họ. Trống Giang Châu vốn ra đời để phục vụ cho các lễ nghi truyền thống giờ đây lại được gióng lên để thách thức chính những truyền thống đó. Những cô gái Giang châu đã không chịu khuất phục, họ đã phản kháng để tìm ra phương thức sống của riêng mình.
Trong nỗ lực đó, họ đã nhận được sự ủng hộ về mặt tinh thần của những người chồng.
“Tôi khá hài lòng với những gì chúng tôi có và tôi cũng không thích nói nhiều về những thứ như tiền nong hoặc là ngày mai sẽ như thế nào. Chừng nào chúng tôi có thể vượt qua mọi thứ và sống hạnh phúc là được rồi, phải không? Chỉ cần cả 2 vợ chồng cảm thấy hạnh phúc là được.”Sử dụng những kinh nghiệm đã tích luỹ được ở Thượng Hải, các cô gái muốn sự trở về của mình thực sự đáng giá.
“Tương lai của tôi ư? Tôi muốn làm một cái gì đó của riêng mình, muốn tự mình làm được cái gì đó. Tôi không muốn giống như những cô gái làng khác phải phụ thuộc vào chồng mình. Tôi muốn tự kiếm tiền và không bị phụ thuộc ai cả.”
Những cô gái khi trở về mang theo mình nhận thức rõ ràng hơn về mục đích của những việc mình làm. Giờ đây họ cùng chung vai hợp lực với chồng mình làm ăn. Tiếng trống Giang Châu văng vẳng nhắc họ một điều rằng họ có quyền tự định đoạt tương lai cuộc sống của mình.“Ấn tượng sâu sắc nhất của tôi là trong lần lưu diễn ở Đan Mạch. Sau khi kết thúc, khán giả đã không ngừng vỗ tay và hoan hô chúng tôi nhiệt liệt trong 10 phút. Họ vỗ tay và thậm chí còn dẫm chân nữa. Ngài thị trưởng thành phố còn nói rằng kể từ khi nhà hát được xây dựng chưa bao giờ có một cảnh tượng đặc biệt như vậy.”
Khi không còn được đánh những chiếc trống yêu thích, họ lại tới những ngôi trường ở địa phương để dạy môn nghệ thuật này cho các học sinh và khuyến khích các em khám phá năng khiếu tự nhiên của mình. Nếu như nỗ lực đó thất bại thì họ lại quay sang truyền cảm hứng nghệ thuật cho con cái của mình, ngay cả khi đó là con trai.
Công việc không giúp cho cuộc sống của ông Vương Kiến An được dễ dàng hơn. Ông lại phải quay lại trường trung học ở Giang Châu để tìm kiếm những cô gái mới thay thế cho những cô đã đi lấy chồng.“Tôi đến đây để chọn một vài em học sinh xuất sắc nhằm nuôi dưỡng những em có năng khiếu phát triển tiềm năng. Dạy dỗ các em gái hoàn toàn không đơn giản. Những em này đều có những nền tảng căn bản và các em có thể dần dần thích nghi với phong cách của chúng tôi. Các em có thể còn có nền tảng tốt hơn cả những em hiện đang tham gia ở Nhóm trống.”
Ông có thể thất bại nếu có lối suy nghĩ như các bậc phụ huynh. Việc của ông là phải tuyển chọn các cô gái, huấn luyện họ, sử dụng họ trong các buổi biểu diễn và cuối cùng là để họ ra đi. Thế nhưng ngay cả khi như vậy thì đối với ông cuối đường hầm không phải không còn ánh sáng.
Không phải tất cả các cô gái trong Nhóm trống ở Thượng Hải đều quay trở về Giang Châu. Một số dũng cảm quyết định tiếp tục cuộc sống ở thành phố, bất chấp những áp lực từ quê nhà.Dần dần họ cũng tìm ra lối thoát duy nhất cho bản thân mình. Ở lại Nhóm trống lâu hơn sau thời hạn ban đầu là 2 năm, họ làm được nhiều việc khác nữa ngoài việc chơi trống.
Họ lo chuẩn bị cho tương lai chứ không chỉ lo cho chuyện lập gia đình.
“Tôi muốn học luật và tâm lý học. Tôi nghĩ rằng nếu muốn làm kinh doanh, mình cần phải biết cách tự bảo vệ bản thân mình bằng luật pháp. Và tôi cũng cho rằng tâm lý học cũng rất quan trọng. Mọi người có cách suy nghĩ khác nhau. Nếu bạn có thể hiểu được suy nghĩ của người khác và biết họ muốn gì thì bạn chắc chắn sẽ là một doanh nhân hoặc một nhà quản lý thành đạt.”Họ đầu tư vào việc học lên cao hơn và tự hoàn thiện mình để chuẩn bị sẵn sàng cho những bước phát triển trong tương lai.
“Tôi cũng đã từng học rồi. Trước khi tham gia nhóm trống tôi đã học đánh máy 3 tháng tại một trung tâm đào tạo đánh máy.”
Cô gái này đã quyết định tiến tới hôn nhân. Ban đầu cô yêu một nam diễn viên đánh trống trong nhóm trống Giang Châu.“Chúng tôi sắp sửa làm đám cưới. Ban đầu tôi chưa muốn làm đám cưới nhưng cuối cùng cũng phải làm để chiều lòng bố mẹ. Cũng hơi phong kiến một chút. Sau khi làm đám cưới, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc trong nhóm trống. Gia đình chúng tôi có thể nghỉ ngơi một thời gian.”
“Trước đây khi còn ở Giang Châu, bầu Vương đã muốn chuyển đi và mang cả nhóm tới Thượng Hải. Sau khi tới Thượng Hải, cơ hội của chúng tôi tốt hơn rất nhiều so với hồi ở Giang Châu và mọi việc cứ thế tiến triển.”
Đó là một sự sắp xếp không thể không làm hài lòng Vương Kiến An khi nó giúp ông giải quyết một vấn đề tồn tại bấy lâu nay. Thế nhưng quan trọng hơn là những nỗ lực của nhóm trống Giang Châu đã được đền đáp.Giờ đây tiếng trống Giang Châu lại vang lên dưới bàn tay của những nam nữ nghệ sĩ Trung Quốc.
Khởi đầu là một công cụ giúp vị Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc kích động tinh thần chiến đấu của binh sĩ, hơn 2000 năm sau, những chiếc trống đã trở thành công cụ giúp mang lại cuộc cách mạng thầm lặng trong cuộc sống của những thôn nữ trẻ tuổi của vùng đất Giang Châu.
-
-
AuthorPosts
- You must be logged in to reply to this topic.