Tagged: Học tiếng Anh qua clips
- This topic has 0 replies, 1 voice, and was last updated 10 years, 7 months ago by NCQT.
-
AuthorPosts
-
-
31/05/2014 at 10:48 #1886NCQTKeymaster
CÁC CÔNG VIÊN BIỂN QUỐC GIA CỦA HÀN QUỐC
Clip: Beautiful sea landscapes (vui lòng log in để download phía dưới)
Người dịch: Lê Hồng Hiệp
Thưở sơ khai thế giới chỉ có bầu trời và mặt biển. Biển là nơi sinh ra và tồn tại của các loài sinh vật ban đầu. Ba mặt của bán đảo Triều Tiên đều giáp biển. Biển mang lại sức sống cho vùng đất xinh đẹp này.
Đất liền vươn ra biển và lục địa được hình thành với biển nước bao quanh. Bán đảo Triều Tiên như một chiếc cầu nối giữa đại dương và lục địa. Và cũng chính từ biển, những thắng cảnh đẹp của xứ sở Triều Tiên bắt đầu được hình thành, tô điểm thêm cho bán đảo xinh đẹp này.
Bốn công viên Quốc gia nằm rải rác dọc theo bờ biển của bán đảo Triều Tiên gồm các công viên Taean với bãi triều nổi tiếng, Byeonsan với cảnh hoàng hôn thơ mộng, Dadohae với những hòn đảo nhỏ nằm rải rác như những viên ngọc đính trên một tấm thảm nhung màu xanh nước biển và Hallyeo-Haesang nơi được coi là một trong những bờ biển đẹp nhất của Hàn Quốc. Trong số 4 công viên Quốc gia trên biển của Hàn Quốc, công viên Hallyeo-Haesang nằm ở phía cực Nam, với vẻ đẹp thiên nhiên, lịch sử và văn hoá cùng hoà quyện với nhau. Geumsan là ngọn núi duy nhất nằm trong công viên quốc gia Hallyeo Haesang. Ngọn núi cao 681 m vươn lên từ mặt bỉên này được ca ngợi là ngọn núi linh hồn của vùng biển phía Nam. Một chiếc hang cao 2 m và sâu 5 m nằm ở phía Tây của núi Geumsan. Khi bạn đi vào trong chiếc hang có tên gọi Eumseonggul này và gõ vào một phiến đá, bạn sẽ nghe thấy tiếng vọng như âm thanh phát ra từ một quả trống. Viện Phật học Boriam nằm trên núi Geumsan và là một trong những ngôi chùa đẹp nhất trên bán đảo Triều Tiên, thiên nhiên và tôn giáo tồn tại hài hoà bên nhau. Trong quá khứ người ta cho binh lính đứng trên đỉnh Geumsan để báo hiệu về việc quân Nhật xâm lược Triều Tiên vào năm 1592. Những người lính báo hiệu cho triều đình về cuộc xâm lược bằng khói vào ban ngày và bằng lửa vào ban đêm.
Biển ẩn chứa trong mình hai thái cực: lúc đẹp và hiền hoà, lúc ồn ào, hung dữ. Đối với những ngư dân bám biển kiếm sống, những cơn sóng dữ và thời tiết khắc nghiệt lúc biển động có thể đe doạ cướp đi mạng sống của họ. Những ngư dân sống nhờ biển này đã tạo ra cho mình một nền văn hoá riêng. Vùng Hallyeo này nổi tiếng với sản phẩm sơn mài khảm xà cừ, một sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo. Ngành thủ công mỹ nghệ ở đây còn sản xuất những sản phẩm gia dụng khác như tủ và bàn ghế.
Vùng biển Hallyeo còn có nhiều bào ngư, một điều đã được biết đến từ lâu trong quá khứ. Bào ngư ở đây có hình dáng và màu sắc rất đẹp và được coi là tốt nhất Hàn Quốc. Bào ngư có thể được dùng như những vật trang trí hay đồ trang sức. Đồ sơn mài khảm xà cừ ở đây được xếp loại là di sản văn hoá phi vật thể số 10 của Hàn Quốc.
Rất nhiều lễ hội cầu an bình thịnh vượng cho các thôn làng đã được các ngư dân tiến hành từ thời xa xưa. Lễ hội có tên gọi Byeolsingut là lễ hội nổi tiếng nhất ở vùng biển phía Nam Hàn Quốc. Đây là lễ hội của cả thị trấn và được coi là một hoạt động nghệ thuật tổng hợp, trong đó thể hiện các yếu tố như tôn giáo, nghệ thuật cũng như sự kết nối của cộng đồng. Các ngư dân lo sợ sự nổi giận của biển và tin rằng biển có thể lắng nghe được những lời thỉnh cầu chân thành của họ, và khi đó họ sẽ có sóng yên biển lặng.
Khoảng 1600 hòn đảo lớn nhỏ với nhiều hình dạng khác nhau nằm rải rác như những viên ngọc đính trên một tấm thảm màu xanh. Đây chính là công viên Quốc gia Dadohae Haesang. Đây là công viên Quốc gia lớn nhất của Hàn Quốc với tổng diện tích biển lên tới 23449 km2. Biển như người mẹ bao dung ôm ấp những đưa con của mình vào lòng. Ngày nay, sức sống của biển giúp cho đời sống của những cư dân trên đảo ngày càng khá giả hơn. Đối với những người ngư dân, biển là một khu vườn mang lại nguồn sống cho họ. Trong tổng số 1600 đảo trong công viên Dadohae có đảo Hongdo, hay là hòn Hồng đảo huyền bí. Bản thân đảo Hongdo có thể coi là một bảo tàng thiên nhiên và được chính phủ Hàn Quốc xếp loại là khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia. Ngư dân đánh bắt từ vùng biển này những mẻ cá tươi rói và rất sạch, chính vì thế đảo Hongdo được coi là mô hình mẫu về bảo tồn biển sạch của Hàn Quốc. Hòn đảo này được gọi là Hongdo, hay Hồng đảo bởi lớp đá kiến tạo nên đảo có màu nâu đỏ. Nhiều người gọi đảo Hongdo là viên hồng ngọc của vùng biển Dadohae.
Là một khu bảo tồn thiên nhiên, đảo Hongdo cũng là một thiên đường dành cho các loài chim. Những đàn hải âu bay lượn như choán ngợp cả không gian trên đảo. Những đàn hải âu kéo nhau về đây làm tổ đã biến hòn đảo thành một thiên đường sinh thái. Những con chim cốc (cormorant) quý hiếm làm tổ trên những vách đá màu đỏ sẫm càng làm tôn thêm giá trị của đảo Hongdo. Và như vậy, hòn đảo đầy những điều bí ẩn này đã trở thành thiên đường cư trú của những loài chim quý hiếm sinh sống trên những mỏm đá màu nâu đỏ.
Vùng biển Dadohae được gọi là xứ sở nghệ thuật bởi nơi đây có sự kết hợp hài hoà giữa vẻ đẹp của thiên nhiên và vẻ đẹp của văn hoá truyền thống. Một bài dân ca có tên gọi Jindo Arirang thể hiện sâu sắc những suy nghĩ từ đáy lòng cũng như những nỗi vất vả của người dân trên đảo Jindo. Bài hát giúp người dân trên đảo xua tan đi những nỗi vất vả, cực nhọc trong cuộc sống thường nhật của mình. Họ đã biến lởi tâm sự về những nỗi vất vả mưu sinh của mình thành một thứ nghệ thuật độc đáo. Chính vẻ đẹp của hòn đảo đã khơi dậy cảm xúc trong họ và giúp họ mở rộng tâm hồn mình. Chính hòn đảo đã giúp họ xua tan những ưu phiền và khơi dậy trong họ những mạch nguồn sức sống mới.
Công viên Quốc gia Byeonsan-Bando là nơi có cảnh hoàng hôn đẹp nhất ở Hàn Quốc. Byeonsan từ xa xưa đã được coi là một trong 8 thắng cảnh đẹp nhất của Hàn Quốc. Công viên được chia làm hai khu vực, nội Byeonsan và ngoại Byeonsan, chia Byeonsan thành hai phần núi và biển. Nét đẹp hài hoà của núi và biển là một niềm kiêu hãnh của Byeonsan. Thác nước uốn lượn từ núi Ongnyebong đến núi Seongnyebong mang theo nước từ các thung lũng đổ xuống những vách đá. Hôm nay cũng như mọi ngày, mặt trời dần lặn xuống để lại một vầng sáng trên mặt biển xa. Byeonsang không chỉ nổi tiếng về vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn nổi tiếng về lịch sử của mình. Chùa Naesosa là một hiện thân cho truyền thống lịch sử lâu đời của khu vực này. Ngôi chùa được xây cách đây 1369 năm này rất rộng lớn, và khi bước chân vào đây du khách sẽ có một cảm giác thật thanh thản và yên bình. Con đường dài 600 m dẫn vào chùa Naesosa có những hàng thông phủ bóng hai bên được coi là một trong những con đường đẹp nhất của đất nước Hàn Quốc. Di tích nổi tiếng nhất trong chùa là sảnh Daeungjeon, được xếp loại là di sản văn hoá số 291. Những mái hiên ở đây không có màu sắc và những hoạ tiết trang trí và những đường vân gỗ vẫn còn hiện rõ dù đã được xây dựng từ lâu. Cửa của toà sảnh cũng rất nổi tiếng với nghệ thuật điêu khắc độc đáo. Những tấm gỗ được chạm trổ tinh xảo bởi những nghệ nhân lành nghề và dày dạn kinh nghiệm. Mở cánh cửa có chạm hình cánh hoa sen tuyệt đẹp, du khách sẽ bắt gặp những hoa văn trang trí được chạm trổ trên trần nhà. Hình một con rồng ngậm một con cá được tạc trên xà giữa trần nhà. Điều này cho thấy ngôi chùa nằm gần biển. Đã đến giờ làm lễ cúng phật, tiếng trống vang lên dồn dập như đánh thức không gian tĩnh lặng trong chùa. Đến với Byeonsan Bando chúng ta sẽ có những giây phút tĩnh lặng để nhìn lại chính mình cũng như được ngắm những thắng cạnh tươi đẹp.
Vùng biển của Byeonsan còn nổi tiếng với nghề làm muối. Khi thuỷ triều rút xuống, những người làm muối lại làm việc không biết mệt mỏi để thu gom từng hạt muối trắng. Nước biển rút xuống để lại món quà là những hạt muối lấp lánh. Muối sản xuất ở Byeonsan từ lâu đã nổi tiếng là loại muối có chất lượng tốt nhất ở Hàn Quốc với độ cứng và vị mặn đặc trưng. Những đồng muối đã khiến nước biển trổ ra những bông hoa muối trắng muốt mang theo hương vị mặn mòi của biển. Biển mang lại sự sống cho con người, và chừng nào sóng còn xô bờ thì những đồng muối còn mang lại việc làm mưu sinh cho những người dân nơi đây. Hằng ngày mặt trời mọc lên từ vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên và lặn ở phía Tây trên vùng biển Byeonsan. Vùng biển tuyệt đẹp của Byeonsan là nơi mặt trời nghỉ ngơi để chờ một ngày mới.
Tiếp theo chúng ta sẽ đến với công viên Quốc gia Taean Haean với bãi triều (tidal flat) nằm dọc bờ biển. Bờ biển ở đây lồi lõm theo hình răng cưa. Ở đây tổng cộng có 7 bãi cát trắng mịn nằm dọc theo bờ biển và là một địa điểm rất lãng mạn dành cho những đôi tình nhân trẻ. Những bãi cát trắng nằm dọc bờ biển đã mang lại cho du khách nhiều kỷ niệm khó quên. Bãi biển Goumbeakcheongbek nằm trên bờ biển phía Tây của Hàn Quốc cũng là một thắng cảnh đẹp và là nơi nghỉ ngơi thoải mái và yên tĩnh cho những người muốn tranh xa sự ồn ào của cuộc sống đô thị.
Tuy nhiên Taean Haean không chỉ nổi tiếng với những bãi cát trắng mịn mà còn nổi tiếng với bãi triều rất điển hình nơi đây. Sự lên xuống của thuỷ triều đã hình thành nên những bãi triều nằm dọc bờ biển. Hàn Quốc là một trong 5 quốc gia trên thế giới có những bãi triều như vậy. Những bãi triều của Hàn Quốc là một môi trường sống đặc trưng cho nhiều loài sinh vật. Những bãi triều có chức năng như những bể lắng giúp làm sạch môi trường bờ biển. Những chất gây ô nhiễm lắng lại trên bãi triều trở thành nguồn thức ăn nuôi sống các loài cá và các loài thân mềm.
Cáy là một trong những loài sinh vật sinh sống trên bãi triều và chúng được mệnh danh là những “kẻ lang thang” của bãi triều bởi chúng thường xuyên di chuyển trên những bãi cát. Những con cáy đực có ý thức bảo vệ lãnh thổ sinh sống của mình rất cao, bất kể con cáy nào khác đến gần đều có thể bị nó cho là kẻ xâm lược và cuộc chiến giữa chúng sẽ chỉ kết thục khi một bên đã chấp nhận thất bại.
Những ngư dân sinh sống dựa vào bãi triều có thể được coi là những thợ săn hết sức lành nghề.
“Những chiếc lỗ này là những chiếc hang cua”Những chú cua có lẩn trốn ở đâu chăng nữa cũng bị những ngư dân này phát hiện và tóm gọn. Có những con cáy thích sống ở những bãi cát trắng hơn so với bãi triều. Những đụn cát nhỏ do những chú cáy tạo ra mang lại cho bãi biển một cảnh tượng thú vị. Bãi cát trắng là một nơi lý tưởng để tạo dựng cuộc sống gia đình. Sau khi làm xong tổ con cáy đực sẽ quyến rũ cáy cái đến với tổ ấm của mình.
Trong khi các loài sinh vật vẫn chiến đấu để tồn tại thì các ngư dân cũng sáng tạo ra những biện pháp đánh bắt cá mới. Một phương thức đánh bắt truyền thống của vùng Daean có tên gọi là Doksal. Các ngư dân chồng những tảng đá lên trên bãi biển và chờ cho đến lúc thuỷ triều lên.
“Theo nguyên tắc tự nhiên, khi nước triều lên cá có thể đi vào khu vực này nhưng khi thuỷ triều xuống thì chúng không thể thoát ra được do mắc kẹt vào đá”.
Sau khi cá bị mắc kẹt giữa những tảng đá, những ngư dân dễ dàng dùng lưới để đánh bắt. Khi nước triều lên cá có thể đi vào khu vực này nhưng khi thuỷ triều xuống thì chúng không thể thoát ra được do mắc kẹt vào đá. Những người ngư dân sống yên bình và thoải mái như vậy nhờ những món quà mà biển cả mang lại và họ đều là những người dân chân thật và giản dị.
Sau khi mặt trời lặn và màn đêm buông xuống ở Taean, người ta có thể nhận ra những tia sáng lấp loáng dọc theo bờ biển, và một phương pháp đánh bắt cá khác có tên gọi Haerujil bắt đầu được thực hiện. Những sinh vật sống trong bãi triều có thể bị lóa và tê liệt khi tiếp xúc với ánh sáng quá mạnh, và ngay lập tức các ngư dân bắt chúng cho vào giỏ. Phương pháp đánh bắt thủ công khi các sinh vật bị mất phương hướng này giúp mang lại cho các em nhỏ những bài học kinh nghiệm sinh động về hệ sinh thái. Những sinh vật biển sống về đêm thường bị thu hút bởi ánh sáng phát ra từ đèn pin hay đèn pha và dễ dàng bị bắt khi thuỷ triều xuống. Tối nay, như thường lệ, bãi triều Taean lại tràn ngập ánh sáng.
Những ngư dân bám biển sinh sống thường mong muốn đánh bắt được nhiều cá. Một lễ hội cầu ngư có tên gọi Bunggipungeoje vẫn tiếp tục được tổ chức cho đến ngày nay trên đảo Hwangdo và lễ hội này được xếp loại là di sản văn hoá phi vật thể số 12 của vùng Chungchungnamdo.
“Lễ cầu ngư Bunggipungeoje là một hoạt động tinh thần chủ yếu của làng. Những ngư dân rất tin tưởng vào nghi lễ này. Họ là những người dân giản dị và chân thật. Đây là một lễ hội khá độc đáo. Khi đánh bắt cá trên biển, họ cầu trời cầu phật bảo vệ cho họ. Có thể nói đây chính là một dạng tín ngưỡng tôn giáo”.
Lễ cầu ngư Bunggipungeoje tiếp diễn như một truyền thống dân gian và là một lễ hội lao động mang tính chất tôn giáo. Tin tưởng vào sự tồn tại của thần biển, những người ngư dân không để tâm nhiều thiên nhiên, nhưng dường như lời cầu nguyện của họ đã được thần linh lắng nghe và hôm này quả thật sóng yên biển lặng.
Biển đóng một vai trò thiết yếu đối với Hàn Quốc. Những chú chim tung cánh bay lượn quanh những hòn đảo. Những người ngư dân đã tồn tại và tạo dựng cuộc sống của mình bằng cách chinh phục những con sóng dữ và chính họ đã tạo nên những hương sắc văn hoá tô điểm thêm cho vẻ đẹp thiên nhiên của biển. Biển, đảo và con người tồn tại, chung sống bên nhau một cách hài hoà và vẻ đẹp của đất nước – con người Hàn Quốc bắt nguồn từ chính những vùng biển nơi đây.
-
-
AuthorPosts
- You must be logged in to reply to this topic.