NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.
Tagged: Liên Xô
- This topic has 0 replies, 1 voice, and was last updated 8 years, 11 months ago by NCQT.
-
AuthorPosts
-
-
05/01/2016 at 13:21 #13473NCQTKeymaster
Mikhail Gorbachev: Phản bội trên đỉnh Olympus
Thanh Dương – Ngọc Dũng – Nguyễn Trung Tín
Có lẽ trong số các chính trị gia ở LB Nga hiện nay ít ai được báo chí phương Tây dành cho nhiều lời động viên như Mikhail Gorbachev, cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, vị tổng thống đầu tiên và cũng là cuối cùng của Liên bang Xôviết. Và cũng ít có nhân vật nào bị ghẻ lạnh nhiều trong dư luận xã hội như ông. Kể từ sau khi Liên bang Xô viết bị tan rã tháng 12-1991, cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô (KPSS), vị Tổng thống đầu tiên và cũng là cuối cùng của siêu cường từng chiếm tới một phần sáu địa cầu Mikhail Gorbachev đã trở thành một trong những biểu tượng bị ghét bỏ nhất ở đây.
Nhiều người dân sống trong không gian Xô viết cũ cho tới hôm nay vẫn không thể tha thứ cho Gorbachev cái tội đã làm “tan đàn xẻ nghé” những nước cộng hòa đã từng chung vai làm nên không gian sinh tồn quen thuộc của họ. Bản thân Gorbachev cũng không thể hoàn toàn tai ngơ mắt lấp trước xu thế này. Trong một bài trả lời phỏng vấn cho đài Svoboda, ông đã phải cay đắng công nhận rằng, cùng với sự tan rã Liên bang Xô viết, nỗi đau của ông không chỉ là đánh mất quyền lực mà là mất cả nhân tâm. Mặc dù vẫn giữ cho mình ảo tưởng rằng, chính với công cuộc cải tổ mà ông đã mang lại tự do cho cho không gian SNG nhưng đối với nhiều người dân Xôviết cũ, cái gọi là tự do như thế chẳng có nghĩa gì khi tổ quốc của họ không còn như họ quen nữa… Những hệ lụy bi thương của sự kiện đó cho đến ngày hôm nay vẫn tiếp tục gieo họa cho không gian Xôviết cũ. Không ngẫu nhiên mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng gọi sự tan rã Liên bang Xôviết là “một thảm họa địa chính trị khổng lồ”…
Chính vì ghét bỏ tới độ căm thù thủ phạm đã làm tan rã Liên bang Xô viết nên trong dư luận xã hội Nga thường xuyên xuất hiện những tin đồn về việc ông đã “bất ngờ qua đời” (lần gần đây nhất là vào trung tuần tháng 11-2015)… Tuy nhiên, Gorbachev vẫn chưa chịu thôi can dự vào đời sống chính trị quốc gia và thường xuyên đưa ra những lời khuyên không ai cần tới cho vấn đề thời sự trong nước và quốc tế…
Tìm hiểu về con người và con đường đi lên đỉnh Olypus chính trị của Gorbachev có thể sẽ giúp lý giải những nguyên nhân dẫn tới các diễn biến tiêu cực ở một bộ phận những người từng đi theo tư tưởng cộng sản nhưng rồi tha hóa dần và trở thành những kẻ phản bội.
Theo dòng chủ lưu
Trong bản tự khai lý lịch dành cho một tạp chí, sau này, Mikhail Gorbachev đã viết:
“Sinh ngày 2-3-1931 tại xóm Privolnoie, khu Stavropol, miền nam nước Nga. Tốt nghiệp khoa luật Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên Mikhail Lomonosov (MGU). Có bằng kinh tế nông học tại chức, bảo vệ tại Trường Nông nghiệp Stavropol…
Chức vụ: Trưởng thành từ phụ lái xe công nông lên tới Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, Tổng thống Liên bang Xôviết…”
Tuổi thơ của cậu bé Misha trôi qua trong những điều kiện khó khăn chung của đất nước Xôviết. Năm lên ba tuổi, vị tổng thống tương lai đã phải rời khỏi nhà cha mẹ tới ở với ông bà ngoại. Ông ngoại Panteley là chủ tịch nông trang Tháng Mười đỏ ở thôn quê, nằm cách Privolnoie 20 km, rất yêu cháu ngoại và cố gắng vun vén bù đắp cho cháu khỏi những thiếu hụt vì không được sống cùng cha mẹ. Tuy nhiên, việc phải ở xa nhà cha mẹ đã tạo một vết thương lòng không nhỏ ở cậu bé Misha vì với cậu, điều đó như một hành động phản bội từ phía họ… Khi Misha lớn lên một chút, ông ngoại đã bị bắt vì bị buộc tội “hoạt động phản cách mạng”. Đây là một cú sốc đầu đời đối với Gorbachev…
Nhìn lại các chặng đường hoạt động chính trị của Gorbachev, có thể thấy rõ một điều: bao giờ ông cũng là người trẻ nhất trong số các cán bộ đồng cấp. Khi còn học ở MGU, Gorbachev đã là một trong những sinh viên trẻ nhất (bạn đồng môn của ông đa phần là các cựu chiến binh, trở về giảng đường đại học từ chiến trướng khói lửa nên đều đã đứng tuổi). Và ông cũng là chàng trai trẻ nhất được kết nạp vào Đảng Cộng sản Liên Xô (KPSS): ở độ tuổi 21, khi mới chỉ học năm thứ hai. Gorbachev cũng từng là một trong những cán bộ đảng trẻ nhất trong Khu uỷ Stavrapol. Năm 1970, khi Gorbachev trở thành Bí thư Khu uỷ Stavrapol ở tuổi 34, ông cũng đã là một trong những người trẻ nhất giữa 200 cán bộ tỉnh uỷ, khu uỷ và nước cộng hòa ở Liên Xô cũ. Tới 40 tuổi, sau một năm ngồi ở ghế dự bị giống như tất cả mọi người, Gorbachev được đưa vào Ban chấp hàng Trung ương (BCHTW) KPSS. Một năm sau, ông trở thành Uỷ viên Bộ Chính trị KPSS trẻ nhất thời đó; phần lớn các ủy viên BCT khác đều ở độ tuổi cha ông!
Tìm hiểu về con người và con đường đi lên đỉnh Olympus chính trị của Gorbachev có thể sẽ giúp lý giải những nguyên nhân dẫn tới các diễn biến tiêu cực ở một bộ phận những người từng đi theo tư tưởng cộng sản nhưng rồi tha hóa dần và trở thành những kẻ phản bội.
Được chế độ đào tạo chu đáo, lại có phong cách thủ lĩnh thanh niên, lúc nào cũng tỏ ra sôi nổi và nhiệt tình với công việc, Gorbachev ngay từ khi còn trẻ đã mau chóng được chuyển sang làm chuyên trách công tác Đoàn rồi công tác đảng ở khu Stavropol quê hương. Cần phải nói rằng, dấu ấn cán bộ Đoàn trong thời Xôviết vừa rèn luyện được cho Gorbachev cách hành xử linh hoạt vừa tạo cho ông ta thói quen về sau hay “khuyếch trương chiến quả”, nói nhiều và làm ít hơn hẳn, thậm chí nói một đàng làm một nẻo. Một trong những điểm yếu chí mạng của hệ thống Đoàn thanh niên lúc suy vi ở Liên Xô cũ là quá chạy theo hình thức và dung dưỡng trong đội ngũ mình những phần tử tuy ở những vị trí lãnh đạo nhưng lại “xanh vỏ, đỏ lòng”, dùng công tác thanh niên như phương thức tiến thân nhanh nhất, chứ không có sự giác ngộ cộng sản thực sự ở trong trái tim và trí tuệ.
Với tư cách đại diện cho “đội ngũ hậu bị tin cậy”, Gorbachev đã rất được các nhà lãnh đạo đàn anh, đặc biệt là nguyên Bí thư khu uỷ Stavropol ở đầu những năm 60 thế kỷ trước lúc đó là Phiodor Kulakov (1918-1978) nâng đỡ. Kulakov, Anh hùng Lao động XHCN, về sau lên giữ nhiều trọng trách trong bộ máy đảng ở trung ương và từ năm 1971, trở thành uỷ viên Bộ chính trị KPSS. Từ Moskva, Kulakov luôn hướng con mắt đầy thiện cảm của mình xuống khu công tác cũ và tận dụng mọi cơ hội có thể để tạo điều kiện thuận lợi cho vệc thăng tiến người cán bộ đàn em mà ông rất quý mến và tin cậy. Và thế là tới năm 1970, ở tuổi 39, Gorbachev đã được đưa vào cương vị bí thư khu uỷ Stavropol và trở thành UVTW KPSS. Đấy chính là thời điểm bước ngoặt trên con đường hoạn lộ của Gorbachev.
Stavropol là một trong những đơn vị hành chính trọng yếu của Liên Xô cũ, rộng bằng cả nước Bỉ, Thụy Sĩ và ba nước Luxemburg cộng lại và có mức đóng góp to lớn vào tiềm lực kinh tế chung của quốc gia. Đây là nơi có nhiều nguồn khí thiên nhiên, dầu lửa, nhiều thủy điện lớn. Stavropol còn nơi vùng có nhiều nhà nghỉ nước khoáng nổi tiếng mà các nhà lãnh đạo liên bang thường thường là cao niên và hay đau ốm xuống chữa bệnh liên tục như Kislovodsk, Piatigorsk, Zhelenovodsk… Chính tại những nhà nghỉ này đã dần đã giúp Gorbachev, với cương vị vừa là “đàn em” tận tụy vừa là “chủ nhà” hiếu khách thiết kế những mối quan hệ ngày một tin cậy hơn với thượng tầng chính khách liên bang. Chẳng bao lâu sau, Gorbachev đã trở nên thân thuộc với những “trụ cột quốc gia” như Mikhail Suslov, người phụ trách công tác tư tưởng và cán bộ, nhân vật có quyền lực thứ hai ở Liên Xô thời đó hay Yuri Andropov, Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB)… Khi đi chữa bệnh, các nhà lãnh đạo quốc gia, vốn bận trăm công nghìn việc trong cơ chế ưu đãi đặc biệt ở Moskva, dường như trở nên cởi mở và bình dân hơn. Và họ hay tâm sự với gia đình vị bí thư khu uỷ trẻ trung, trí thức và niềm nở về những chuyện mà trước đó họ chưa nói với ai. Nhờ thế nên gia đình Gorbachev đã biết được rằng Yuri Andropov trông khắc khổ như thế, nhưng lại hay làm thơ và thuộc rất nhiều bài hát của dân Côdắc. Lúc rãnh rỗi, ông trùm an ninh Xôviết hay cất giọng hát với tâm trạng thực sự trữ tình. Còn Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Aleksei Kosygin, trông bề ngoài có vẻ như chậm chạp và khô khan, thì lại rất mê nhảy những điệu tango và foxtrot sôi động và lẳng lơ. Có lần, Kosygin, nước mắt lưng tròng, tâm sự với Gorbachev về việc ông không thể không cùng ban lãnh đạo quốc gia đứng trên Lăng Lênin chào đón nhân dân lao động trong ngày lễ cách mạng tháng Mười nên phải rời khỏi người vợ đang ốm nặng ở nhà và bà đã ra đi vào cõi vĩnh hằng không có ông bên cạnh. Với Kosygin, đây là nỗi ân hận khó nguôi ngoai!
Vào những năm cuối thập niên thứ sáu và đầu thập niên thứ bảy của thế kỷ trước, Tổng bí thư KPSS Leonid Brezhnev vẫn đang trong giai đoạn phải tiếp tục vất vả tập hợp đội ngũ các cán bộ trung thành với mình. Cần phải nhớ rằng, Brezhnev lên được cương vị tối thượng trong điện Kremli tháng 10-1964 chính là nhờ sự nhất trí cao trong Đảng về việc hạ bệ người tiền nhiệm là Nikita Khrushchev, lúc đó đã đánh mất vai trò tích cực của mình, trong những điều kiện rất không dễ dàng. Tham gia “tổ cốt cán” trong công việc này, ngoài Brezhnev còn có hai nhà lãnh đạo nổi tiếng khác là Nikolai Podgornyi và Aleksei Kosygin. Thế nhưng, khi đã trở thành người lãnh đạo tối cao rồi, vì những lý do dễ hiểu, Brezhnev lại muốn xoá đi vết tích của vụ “chính biến” cũ. Ông tìm cách đưa Podgornyi về hưu. Thế nhưng, với Kosygin, mọi sự lại phức tạp hơn. Là một nhà quản lý kinh tế rất có uy tín, lại đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Kosygin đã tạo được thế đứng vững vàng cho mình. Vô hình trung đã nẩy sinh ra một sự cạnh tranh có tác động rất mạnh tới toàn bộ bộ máy đảng và nhà nước giữa hai nhà lãnh đạo cao cấp nhất là Brezhnev và Kosygin. Ở đâu thì cũng chỉ nên có một vị vua bao trùm thiên hạ!
“Đừng vội vã” – đó là câu nói quen thuộc của Andropov với Gorbachev khi người bạn đồng nghiệp trẻ muốn sôi sùng sục đưa ra một sáng kiến chưa hợp thời điểm nào đó. Xưa nay, chậm mà chắc vẫn hơn nhanh nhẩu đoảng! Gorbachev ở lứa tuổi sung sức của mình có vẻ như toát lên phong độ của tương lai vì biết khôn khéo giấu diếm điểm tận cùng triển khai tư duy của mình. Andropov đã tin vào sự biết điều phải đạo đó, không ngờ rằng ngay từ khi trẻ Gorachev đã âm mưu đảo lộn chế độ.
Vốn khôn ngoan, lại ở cương vị Tổng bí thư, Brezhnev đã tích cực thu phục nhân tâm của các bí thư tỉnh uỷ và khu uỷ ở khắp liên bang, đặc biệt nhằm vào những đối tượng được coi là trẻ như bí thư khu uỷ Stavropol. Với sự giới thiệu của “ông anh” Kulakov, Gorbachev mau chóng lọt vào “mắt xanh” của Tổng bí thư với tư cách một người chắc chắn sẽ tuyệt đối trung thành. Rồi Brezhnev đồng ý tiếp Gorbachev tại trụ sở Ban chấp hành trung ương Đảng ở Quảng trường Cũ và với giọng nói đầy tin cậy, gần như thủ thỉ, ông đã thảo luận với vị bí thư khu uỷ trẻ về mọi vấn đề, từ chuyện kinh tế, cán bộ tới cả chính sách đối ngoại. Vừa nói, ông vừa quan sát, thăm dò người đối thoại với mình. Và ông cảm thấy hài lòng vì Gorbachev: một cán bộ ăn nói luôn có lý và lễ độ, tuy trẻ và nghe nói là có tài nhưng lại không tỏ ra hợm hĩnh, kiêu căng. Gorbachev biết cách đưa đẩy một cách đầy trí thức những câu chêm vào rất làm đẹp lòng lãnh đạo cấp trên. Sau buổi nói chuyện đó, Brezhnev đưa Gorbachev vào nhóm những uỷ viên trung ương, bí thư thứ nhất tin cậy nhất tại các địa phương, luôn sẵn sàng tại các hội nghị trung ương “phản ứng nhanh” theo yêu cầu của Tổng bí thư để phê phán chính phủ do Kosygin đứng đầu và bằng cách đó củng cố thêm vị thế của Brezhnev (Về sau, Gorbachev cũng đã cùng Yegor Likhachev áp dụng “mô hình” tổ chức này, khi việc bầu ông làm Tổng bí thư phụ thuộc rất nhiều vào ý kiến của các uỷ viên trung ương trong đại hội). Và mặc dầu Gorbachev đã từ chối uống một hơi hết cả cốc rượu vodka to để “kỷ niệm” sự kiện này như những người khác nhưng bạn dồng liệu không ai nghi ngờ gì vị thế của bí thư khu uỷ Stavropol khi nghe Gorbachev thuật lời những lời mà Brezhnev đã đích thân nói với ông ta.
Được nhà lãnh đạo quốc gia cao nhất sủng ái rồi, Gorbachev vẫn không quên củng cố các mối quan hệ hữu hảo với các nhân vật tai mắt khác ở Moskva. Ông ta đặc biệt lấy lòng Yuri Andropov, nhà chính trị gia đàng hoàng và lão luyện cũng xuất thân từ những vị trí công tác ở Stavropol. Bản thân ông Chủ tịch đầy quyền lực của KGB cũng cảm thấy thích vị bí thư tỉnh uỷ năng nổ, biết cách làm cho công việc sôi sùng sục lên hơn vốn nó có. Theo đà vị thế của Andropov gia tăng khi Brezhnev trở nên ngày một già yếu đi, Gorbachev cũng được cất nhắc dần lên từ vị trí một uỷ viên trung ương thường thường bậc trung thành thành viên của “thê đội đầu”. Chính vì thế nên khi Ủy viên BCT Kulakov, người bảo trợ vĩ đại của Gorbachev, bất thình lình qua đời trong phòng làm việc năm 1978, theo thông báo chính thức “vì một cơn đau tim” sau một vụ cơm không lành canh không ngọt trong gia đình , bí thư khu uỷ Stavropol đột ngột trở thành ứng cử viên số một vào chỗ trống vừa được giải phóng. Ngoài Gorbachev ra, lúc đó còn có hai ứng cử viên khác là bí thư khu uỷ Krasnodar và bí thư khu uỷ Poltava.
Nước cờ quyết định để tạo dựng tương lai cho Gorbachev là sự ủng hộ của Andropov. Vào thời điểm đó, Brezhnev, lúc này đã rất ốm yếu, chuẩn bị đi kinh lý bằng tầu hỏa xuống nước cộng hòa Azerbaizhan, nơi có “người bạn vàng” mà ông rất yêu quý là Gaidar Aliev đang làm Bí thư trung ương (con trai Gaidar Aliev là Ilham Aliev hiện là Tổng thống nước cộng hòa Azerbaizhan độc lập, nối nghiệp cha). Cùng đi có Konstantin Chernenko, người về sau cũng trở thành Tổng bí thư KPSS (trong giai đoạn từ tháng 4-1984 tới tháng 3-1985). Hành trình tới Baku có đi qua khu Stavropol. Do có chủ định trước nên Andropov cũng đã sắp xếp kế hoạch nghỉ dưỡng ở Stavropol đúng thời điểm đó. Khi đoàn tầu đặc biệt chở Tổng bí thư qua Stavropol, Andropov đã rủ bí thư khu uỷ Gorbachev cùng ra sân ga chào đón nhà lãnh đạo cao nhất quốc gia. Ngồi trong xe, ông dặn Gorbachev: “Cậu là chủ ở đây nên hãy nắm quyền chủ động trò chuyện”. Đấy đã là một cuộc gặp hi hữu vì trên sân ga Stavropol tụ họp đủ bốn đời Tổng bí thư cuối cùng kế tiếp nhau của LB Xôviết cũ: Leonid Brzehnev, Yuri Andropov, Konstantin Chernenko và Mikhail Gorbachev. Bí thư tỉnh uỷ Stavropol báo cáo với Tổng bí thư về công việc của khu do mình phụ trách. Brezhnev nghe với vẻ mệt mỏi rồi bất ngờ quay sang hỏi Yuri Andropov: “Tôi nói thế được chứ?” “Tốt mà, thưa đồng chí!” – Andropov trả lời nhanh. Gorbachev thoạt tiên không hiểu gì cả. Hóa ra là, lúc đó Brezhnev đang bị ốm nặng nên nói hay bị líu lưỡi. Và ông sợ những người xung quanh không hiểu điều ông nói…
Cuộc gặp mặt không mấy sâu sắc và ấn tượng nhưng thái độ có vẻ như lắng nghe Gorbachev nói của Brezhnev đã đủ để cho Andropov thuyết phục các ủy viên BCT khác rằng Tổng bí thư không có gì phản đối việc bí thư tỉnh uỷ Stavropol thay Kulakov làm bí thư trung ương đảng. Và hội nghị trung ương đã thông qua việc này rất chóng vánh.
Sau khi Gorbachev lên nhận cương vị mới ở Moskva, ông ta xin vào gặp Tổng bí thư để bàn về những hướng công tác chính. Brezhnev tiếp vị bí thư mới với vẻ bình thản. Và dường như không mấy quan tâm tới việc sự vụ, ông thốt lên với vẻ đau buồn: “Thật thương cho Kulakov!”
Chọn đúng “ông anh”Thượng tầng chính trị Liên Xô cũ lúc đó có những đặc điểm khắc nghiệt của nó. Bên cạnh những ưu đãi vật chất hào phóng tới mức dư thừa, các cán bộ cao cấp lại phải rất thận trọng trong các mối quan hệ với nhau. Lắm khi các nhà lãnh đạo lại bị trở thành “con tin” của đội ngũ bảo vệ. Không ngẫu nhiên mà ngay cả các bí thư trung ương đảng cũng chỉ dám nói chuyện một cách cởi mở với nhau lúc đi dạo ở ngoài trời hay viết lên giấy chứ không nói ra lời khi ngồi trong phòng làm việc vì sợ bị nghe lén. Mâu thuẫn rõ rệt giữa Brezhnev với Kosygin đã làm phân hóa bộ máy lãnh đạo cấp cao. Các cán bộ Đảng cao cấp cũng phải rất giữ ý khi gặp nhau cá nhân. Lên Moskva không được bao lâu, Gorbachev rủ vợ tới thăm gia đình Andropov, coi đó như sự trả nghĩa tự nhiên. Thế nhưng, Anfdropov chẳng những từ chối tiếp vợ chồng ông ta mà còn dặn qua điện thoại: “Misha, từ nay trở đi, chúng ta nên hạn chế gặp gỡ trực tiếp để khỏi gây nên những hiểu lầm! Chỉ cần tôi đi sang nhà anh (hai người ở cạnh nhau trong khu nghỉ) là lập tức việc này được báo cáo lên trên ngay!” Là Chủ tịch KGB, Andropov biết quá rõ luật chơi. Chính vì thế nên ông không chỉ là người đồng hương tốt bụng mà thực sự đã trở thành “ông thầy” hữu dụng dạy dỗ cho Gorbachev nhiều điều tinh tế trong cuộc sống trung ương. Chính ông đã đưa cho Gorbachev lời khuyên quý giá: hãy thể hiện quan điểm của mình một cách rõ ràng hơn đối với sự cạnh tranh giữa Brezhnev với Kosygin, không thể tỏ ra “quan ba cũng ừ, quan tư cũng gật”. Hiểu ra điều này, Gorbachev đã có sự chọn lựa khôn ngoan. Mặc dù rất kính trọng Kosygin về những phẩm chất cá nhân của ông cũng như mối quan hệ tốt giữa hai người, được thiết lập tại Stavropol, Gorbachev hiểu: muốn thành công trên chính trường thì không thể hành động theo cảm tính; để đoàn tầu lao theo hướng đã định nhanh tới đích thì đôi khi cũng phải cán ai đó đã ngáng đường. Chính vì thế nên ông ta đã không ngại công khai giữa hội nghị Ban bí thư và Bộ chính trị phê phán Kosygin khi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng không chịu chi thêm kinh phí cho lĩnh vực nông nghiệp. Vốn cả đời chuyên trách về công nghiệp, Kosygin cho rằng ý tưởng nâng cao hiệu quả của các nông trang bằng cách đưa vào thêm tiền nhà nước chỉ là trò “dã tràng xe cát”, tốn phí tài sản quốc gia. Còn Gorbachev lại đòi hỏi chi thêm kinh phí cho bộ máy Đảng phụ trách lĩnh vực này. Một lần, trước các uỷ viên BCT khác, khi nghe lời châm chọc thường lệ của Kosygin về các khoản kinh phí, Gorbachev đã gần như nổi nóng và táo tợn, không theo chức vụ, thốt lên đề nghị Kosygin thử tiến hành vụ thu hoạch lúa mì bằng các cơ quan của Hội đồng Bộ trưởng thay vì các cơ quan Đảng. Thái độ có vẻ hỗn hào này khiến mọi người có mặt sửng sốt. Tuy nhiên, Gorbachev đã thực hiện một chiến thuật đúng vì Tổng bí thư ủng hộ ông ta trong việc bảo vệ các cơ quan của bộ máy Đảng. Brezhnev thốt lên: “Đồng chí Kosygin ạ, đồng chí không hiểu về vụ mùa bằng đồng chí Gorbachev đâu!”. Điểm số đã được ghi thêm cho cựu bí thư khu uỷ Stavropol.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử quốc gia Xôviết, Chủ tịch KGB Andropov “sủng ái” Gorbachev không hẳn chỉ vì hai người là “đồng hương Stavropol” của nhau, cũng không phải vì Gorbachev từng đón tiếp nồng hậu ông tại khu nghỉ mát. Andropov từng giữ nhiều trọng trách ở Moskva và luôn luôn dược trọng thị tại các địa phương nên những cử chỉ tận tình không còn làm ông quá lưu tâm nữa. Còn thiếu gì những “trưởng giả” quê mùa luôn sẵn sàng làm theo ý ông mỗi lần ông xuống “lãnh địa” của họ! Andropov cần một điều gì đó khác thế và chân chính hơn thế. Thông qua những cuộc gặp gỡ cá nhân khi Gorbachev còn ở Stavropol và hai gia đình mặc nhiên kết thân với nhau trong những mối quan hệ bằng hữu, có thể hát cùng nhau và tâm sự thành thật cùng nhau, Andropov đã đánh giá cao vị bí thư khu uỷ này vì những phẩm chất cá nhân dường như mới mẻ của Gorbachev. Đã có lúc Andropov nhìn thấy trong Gorbachev đường nét của một trí thức xã hội chủ nghĩa mới mà ông muốn gây dựng nên. Khi còn trẻ, Gorbachev có những sức hấp dẫn nhất định với Andropov, một người luôn phải hành động trong không khí khá căng cứng của nghề nghiệp, bởi cách tư duy tương đối khoáng đạt và có vẻ như chân thành. Như một nhà lãnh đạo quốc gia chân chính, Andropov muốn tìm thấy một đội ngũ kế tục có sức bật mạnh mẽ hơn, biết thay đổi cơ chế theo đúng những đòi hỏi của thời đại, chứ không chỉ đơn thuần nhất nhất làm theo cách của người đi trước. Hiểu rõ những hạn chế của thế hệ mình, Andropov muốn gây dựng một không khí xã hội chủ nghĩa mới, vừa nghiêm ngắn về mặt kỷ luật vừa có những khoảng rộng đủ để cho những bay bổng trí tuệ. Không ngẫu nhiên mà Andropov đã truyền cho Gorbachev không chỉ một bí quyết hành xử hợp lý, biết kính trên và nhường dưới khi không thể làm gì khác thế, trên chính trường Xôviết. “Đừng vội vã” – đó là câu nói quen thuộc của Andropov với Gorbachev khi người bạn đồng nghiệp trẻ muốn sôi sùng sục đưa ra một sáng kiến chưa hợp thời điểm nào đó. Xưa nay, chậm mà chắc vẫn hơn nhanh nhẩu đoảng! Gorbachev ở lứa tuổi sung sức của mình có vẻ như toát lên phong độ của tương lai vì biết khôn khéo giấu diếm điểm tận cùng triển khai tư duy của mình. Andropov đã tin vào sự biết điều phải đạo đó, không ngờ rằng ngay từ khi trẻ Gorachev đã âm mưu đảo lộn chế độ.Muốn nói gì thì nói, về sau, Vladimir Criuskov một trong những người kế nhiệm Andropov trên cương vị lãnh đạo KGB, đã coi việc để lọt Gorbachev lên thượng tầng chính trị Xôviết như “một sơ suất” của cơ quan an ninh quốc gia…
“Gót chân Asin” của chế độ Xôviết
Triết gia A. Zinoviov và cũng là một nhân vật bất đồng chính kiến khét tiếng người Nga kể rằng, năm 1979, trong một buổi diễn thuyết ở nước ngoài, khi nhận được câu hỏi rằng “đâu là gót chân Asin” của chế độ Xôviết, ông đã nửa đùa nửa thật trả lời là, đó là vị trí cao nhất trong bộ máy quyền lực và nếu phương Tây đặt được “người đằng mình” vào vị trí đó thì coi như nhiệm vụ đã được hoàn tất vì phản ứng dây chuyền từ trên xuống dưới đã được châm ngòi… Trong khán phòng đã rộ lên tiếng cười hài hước khi nghe câu trả lời này… T
hế nhưng, rồi chuyện nói đùa mà về sau lại có vẻ như thật. Cũng theo chứng nhận của Zinoviov, sau đó, ông này từng có một cuộc trò chuyện với một nhân viên của Cơ quan Tình báo Anh SIS và người ấy đã tuyên bố: “Chẳng bao lâu nữa chúng tôi (tức là phương Tây) sẽ đặt được người của mình lên vị trí số 1 ở Liên Xô”. Không nhắc cụ thể tới tên họ Gorbachev, nhưng ông Zinoviov đã kết luận rằng, lời báo trước đó về sau đã trở thành sự thật…
Tất nhiên, không có bằng cớ gì chắc chắn về quan hệ giữa ông Gorbachev với Cơ quan Tình báo Anh. Cũng không có bằng cớ chắc chắn về quan hệ của Gorbachev với Cơ quan tình báo Mỹ CIA hay với hội Tam Điểm. Tuy nhiên, theo lời của V. Legosstayev, cựu trợ lý của Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô Egor Ligachev, trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, khi quê hương bị quân phát xít Đức chiếm đóng, cậu bé Misha Gorbachev dường như đã viết một tờ giấy cam kết hợp tác với kẻ thù và tờ giấy đó về sau đã rơi vào tay các cơ quan tình báo phương Tây và họ dùng đó để làm công cụ hù dọa ông Gorbachev… Của đáng tội, cũng không có “vật chứng” chắc chắn để khẳng định giả thuyết này…
Nhiều nhà nghiên cứu đã dày công tìm hiểu các mối quan hệ của ông Gorbachev với những người nước ngoài để lý giải các thay đổi về mặt tư tưởng và lý tưởng của chính trị gia này khi đã ở trên đỉnh cao quyền lực. Và họ đã tìm được khá nhiều dấu vết lạ theo chủ đề “Gorbachev và phương Tây”.
Thí dụ như, trong những năm Mikhail Gorbachev học ở Khoa Triết Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên Lomonosov (MGU), ở đây đã không chỉ có các sinh viên Xôviết mà còn có cả các sinh viên tới từ những nước khác. Năm 1953, chỉ riêng tại Khoa Triết MGU đã có tới vài chục sinh viên người nước ngoài. Một trong số họ là Zdenek Mlynar (22/6/1930 – 15/4/1997), người Czech. Anh sinh viên Nga Misha đã không chỉ biết mà còn kết thân với Mlynar. A.S. Grachev, một tác giả chuyên viết tiểu sử của Gorbachev, khẳng định rằng, từ năm 1955 tới năm 1985, Gorbachev và Mlynar không hề duy trì quan hệ với nhau và trong suốt ba thập niên đó, họ chỉ gặp nhau có một lần năm 1967 và cũng rất tình cờ.
Thế nhưng, cũng chính tác giả Grachev đã dẫn lời của Gorbachev nói với mình có lẽ là vào năm 1994 khi trả lời phỏng vấn báo Komsomolskaya Pravda rằng: “Zdenek đã là người bạn gần gũi nhất đối với tôi, gần gụi hơn bất cứ ai trong số bạn bè đằng mình”. Chẳng lẽ đã từng thân thiết như thế mà hai người sau đại học lại không thư từ trao đổi với nhau? Và đây là lời thổ lộ của chính Gorbachev năm 2002: “Tôi từng có anh bạn Zdenek Mlynar. Chúng tôi đã thân thiết với nhau cho tới khi anh ấy mất”.
Điều này cho phép phỏng đoán rằng, sau năm 1955, Gorbachev và Mlynar vẫn tiếp tục duy trì quan hệ với nhau nhưng không để lộ ra ngoài điều này.
Để hiểu được vì sao họ lại làm như thế, cần phải biết rằng, sau khi tốt nghiệp MGU, từ năm 1955 tới năm 1963, Zdevek Mlynar đã làm việc tại Viện Nhà nước và Pháp luật của Tiệp Khắc, rồi từ năm 1963 tới năm 1967, đã làm Thư ký Ủy ban Pháp luật của BCH TW Đảng Cộng sản Tiệp Khắc. Từ năm 1968, Zdenek Mlynar là Bí thư và thành viên Đoàn Chủ tịch BCH TW Đảng Cộng sản Tiệp Khắc và là một trong những thủ lĩnh của sự kiện chính trị phức tạp mang tên “Mùa xuân Praha” năm 1968. Cũng vì thế mà Z. Mlynar đã bị cho về hưu và năm 1970, bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Tiệp Khắc. Năm 1977, Mlynar đã ký tên vào Tuyên bố – 77 nên buộc phải sang thủ đô Vienna sống lưu vong.
Khi Mikhail Gorbachev trở thành Tổng Bí thư, ông ta ngay lập tức đã mời Mlynar sang Moskva nhưng chỉ gặp ông này một cách kín đáo…
Năm 1966, Gorbachev lần đầu tiên được đi công tác ở nước ngoài, sang CHDC Đức. Tháng 9-1969, ông ta được mời dự lễ ở Bulgaria, và tháng 11 năm đó, đi công tác sang Tiệp Khắc. Năm 1971, tại Italia đã diễn ra cuộc gặp gỡ làm quen đầu tiên của Gorbachev với “thế giới tư bản chủ nghĩa”, rồi sau đó ông ta đã sang Pháp, Bỉ, CHLB Đức (tức Tây Đức).
Mikhail Gorbachev cũng có những cuộc tiếp xúc với những người nước ngoài sang làm việc ở khu Stavropol. Chủ yếu đó là những nhà lãnh đạo Đảng và chính quyền của các nước hữu nghị vùng Trung Âu. Cũng ở Stavropol, Gorbachev đã bắt đầu tiếp xúc với đại diện “các nước tư bản chủ nghĩa” tới thăm địa phương này trong các chuyến làm ăn. Cụ thể, với đại diện Công ty John Brown của Anh. Công ty Đức Linde và Công ty Mỹ Union Carbide, tham gia thiết kế và xây dựng nhà máy hóa chất ở đây, cũng như ngân hàng Anh Morgan Grenfell, cung cấp kinh phí cho dự án này. Các mối quan hệ quốc tế của Gorbachev được mở rộng sau khi ông ta trở thành Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Vì ông ta được phân công phụ trách nông nghiệp nên ông ta đã phải liên quan tới việc nhập khẩu lúa mì, việc trong thời điểm đó đã có ý nghĩa rất quan trọng đối với Liên Xô…
“CIA đã biết nhiều về ông ta”
Dường như các cơ quan tình báo phương Tây đã để ý tới Gorbachev từ trước khi ông ta chuyển về Moskva. Cựu Giám đốc CIA Robert Michael Gates trong tập hồi ký “Thoát khỏi bóng tối” đã viết: “CIA đã rất thích thú đón nhận sự xuất hiện của Gorbachev đầu năm 1983 như một nhân vật được Andropov (lãnh đạo KGB, về sau trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô) bảo trợ”. Tại sao lại thích thú? Gates thú nhận: “Chúng tôi đã biết rất nhiều điều về ông này rồi”…
Không có gì lạ trong việc CIA sưu tập tài liệu về các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô. Quả là lạ nếu như CIA lại không làm việc này. Một cựu nhân viên Nhà Trắng, John Poindexter trong cuộc trò chuyện với nhà báo Peter Schveizer (tác giả cuốn sách “Chiến thắng” viết về chiến lược do Tổng thống Mỹ Ronald Reagan cùng William Casey, Giám đốc CIA trong giai đoạn từ 1981 tới 1987) đã khẳng định: “Chúng tôi có rất nhiều thông tin chuẩn xác về Liên Xô, đặc biệt là về Bộ Chính trị và các nhà lãnh đạo”.
Quả thực là, công bố cuốn sách “Nghệ thuật tình báo” vào giữa những năm 60 của thế kỷ trước, trùm tình báo Mỹ Allen Dulles (Giám đốc CIA trong giai đoạn từ năm 1953 tới năm 1961) đã công nhận: “Các cơ quan tình báo phương Tây (và điều này được những người cộng sản biết rõ) rất chăm chú theo dõi mọi biểu hiện như thế, hơn nữa, còn lưu giữ hồ sơ rất cẩn thận về các thành viên cộng sản mọi cấp và mọi chức, từ trên xuống dưới, và tỉ mỉ ghi chép lại những hành vi và phát biểu, về những sự việc xảy ra trong đời tư và trong đời sống xã hội của họ”.
Có lẽ CIA cũng đã không đủ sức thu thập thông tin về tất cả các bí thư Đảng bộ ở Liên Xô cũ, ngoại trừ ở những cơ quan có vai trò đặc biệt trong xã hội Xôviết. Thí dụ như Đảng bộ trong Văn phòng BCH TW Đảng Cộng sản Liên Xô hay trong Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB). Cũng ít khả năng CIA quan tâm tới cấp thành ủy hay huyện ủy, nếu hoạt động của các cơ quan này không diễn ra tại các trung tâm lớn như Moskva, Leningrad hay một số đô thị loại một khác… Tuy nhiên, có thể khẳng định một cách chắc chắn này trong tầm mắt quan sát của tình báo Mỹ là những Đảng bộ ở cấp tỉnh, khu vực và nước cộng hòa.
Trong tình huống này thì tên họ của Gorbachev đã phải xuất hiện trong kho hồ sơ của CIA không muộn hơn năm 1968, khi ông ta trở thành Bí thư thứ hai Khu ủy Stavropol. Và cũng không muộn hơn thời điểm này CIA đã tập trung dần dà các thông tin về hoạt động Đảng, các bài phát biểu, đời công cũng như đời tư của Gorbachev.
Dần dà lợi dụng
Thiếu tướng A.G. Sidorenko, một cựu lãnh đạo trong bộ máy KGB, nhớ lại: “Tới giữa những năm 60, các cơ quan trong KGB từ các nguồn tin của mình đã được biết rằng, CIA và các cơ quan an ninh tình báo khác của Mỹ đã chuyển hướng sang tìm kiếm cái gọi là những điệp viên gây ảnh hưởng ở Liên Xô… Và nhiệm vụ đã được đặt ra là làm sao để có được những điệp viên như thế trong tương lai, tới thời điểm X nào đó, có thể được đưa vào làm trong các cơ quan Đảng và nhà nước, vào trong các tổ chức xã hội có uy lực, cũng như trong các lực lượng vũ trang Liên Xô”. Còn Đại tướng Vladimir Criuskov, hoạt động trong KGB từ năm 1967 và trong giai đoạn từ năm 1988 tới tháng 8-1991 đã là Chủ tịch KGB, cũng từng viết rằng, những “điệp viên gây ảnh hưởng” đã xuất hiện trong hàng ngũ cán bộ Xôviết từ thời ông Nikita Khrusov làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô (từ năm 1953 tới năm 1964)… Thực ra, có lẽ từ rất lâu rồi tất cả các quốc gia đã đều muốn tuyển mộ các “điệp viên gây ảnh hưởng” trong nội bộ các đối tác và đối thủ…
Khó có thể biết cụ thể được là, tới năm 1983, CIA đã có trong tay những thông tin gì về Mikhail Gorbachev. Tuy nhiên, xét theo giọng điệu của cựu Giám đốc CIA Gates, những thông tin đó đủ để giúp các cơ quan an ninh tình báo Mỹ tự tin rằng, họ có thể sử dụng Gorbachev vào các mục đích hữu lợi đối với họ.
Vậy những thông tin như thế về Gorbachev đã lọt vào tay CIA từ thời điểm nào?
GS Archie Brown ở Trường Đại học Oxford, một chuyên gia nghiên cứu về Liên Xô và Đông Âu, đã khẳng định rằng, ngay từ ngày 22-10-1980, khi ông hay tin về việc bầu ông Gorbachev làm Ủy viên BCT BCH TW Đảng Cộng sản Liên Xô, đánh giá đây là một sự kiện “có tầm quan trọng tiềm tàng”.
Đánh giá này có thể được giải thích là, từ năm 1978 tới năm 1980, một Bí thư Khu ủy rất ít người biết tới bỗng nhiên trở thành Bí thư BCH TW Đảng Cộng sản Liên Xô rồi lại trở thành Ủy viên Dự khuyết BCT và cuối cùng là Ủy viên BCT. Thế nhưng, GS Brown đã viết rằng, Mikhail Gorbachev đã từng khiến ông chú ý tới từ năm 1978, khi ông này trở thành Bí thư BCH TW Đảng Cộng sản Liên Xô. GS Brown lại càng chú ý tới ông Gorbachev hơn khi ông này gặp gỡ với cựu Bí thư BCH TW Đảng Cộng sản Tiệp Khắc Z. Mlynar.
Cũng phải nói rằng, nếu GS Brown quan tâm tới Mikhail Gorbachev chỉ từ năm 1978, thì nhà ngoại giao Jack Matlock đã biết tới cái họ Gorbachev từ năm 1975. Matlock sinh năm 1929. Năm 1950, ông tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp ở Bắc Carolina và năm 1952, đã có bằng thạc sĩ tại Viện Nghiên cứu Nga thuộc Đại học Columbia. Từ năm 1953 tới năm 1956, Matlock dạy tiếng Nga tại Trường Cao đẳng Dartmouth. Sau khi rời khỏi Dartmouth, Matlock đã chuyển sang làm công tác ngoại giao. Năm 1961, lần đầu tiên Matlock đã được cử sang Moskva hai năm trên cương vị Phó Tổng lãnh sự và Bí thư Thứ ba. Trong những năm 60 của thế kỷ trước, Matlock đã làm việc ở châu Phi. Tiếp theo, ông được về Bộ Ngoại giao Mỹ và được giao phụ trách Vụ Liên Xô từ năm 1971 tới năm 1974 rồi lại được đưa sang Moskva công tác trên cương vị Phó Đại sứ.
Sau này, Matlock đã tâm sự trong các hồi ký của mình rằng, ngay từ năm 1961, ông ta đã cố gắng tiếp cận với BCH TW Đảng Cộng sản Liên Xô. Và tới giữa những năm 70, ông ta đã biết tới tên họ Mikhail Gorbachev như một nhân vật có máu “thử nghiệm” và được hậu thuẫn bởi các bậc đàn anh…
Năm 1975, Matlock đã tới khu Stavropol. Cũng có thể xem đây chỉ là một chuyến đi nghỉ hè. Thế nhưng, đây thực ra lại là một đợt công tác vì chính trong giai đoạn đó, Matlock đã được giao nhiệm vụ “tạm thời phụ trách đại sứ quán Mỹ ở Moskva”. Và từ thời điểm đó, Gorbachev đã trở thành đối tượng để phương Tây nói chung và Wasington nói riêng tiếp cận và lợi dụng. Nhiều chi tiết trong những hoạt động đó cho tới nay vẫn còn nằm trong vòng bí mật….
Bán đứng Đảng Cộng sản
Thời gian gần đây, nhiều nhà nghiên cứu về lịch sử Liên Xô đã đi tới kết luận rằng, trong quá trình tiến hành công cuộc cải tổ (perestroika), Gorbachev, trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, đã tự “đốt lửa dưới ghế mình ngồi” dẫn tới thủ tiêu vai trò của chính đảng này trong những biến đổi kinh thiên động địa ở siêu cường từng đứng hàng đầu thế giới này. Đó cũng là ý kiến của GS Gerhard Simon ở Trường Đại học Tổng hợp Keln, người đang được đánh giá như một trong những chuyên gia Đức hàng đầu về nước Nga. Trong bài trả lời phỏng vấn Deutsche Welle mới đây, GS Simon đã khẳng định, chính Mikhail Gorbachev ngay từ trước khi xảy ra chính biến tháng 8-1991 đã loại bỏ vai trò của Đảng Cộng sản Liên Xô trong chính quyền Xôviết. Mới đây, ông đã viết một chuyên luận về nhà lãnh đạo Xôviết Mikhail Gorbachev và nó sẽ được công bố ở Nga vào cuối năm nay.
Deutsche Welle: Thưa ông Simon, có gì mới trong chuyên luận của ông về Gorbachev?
GS Gerhard Simon: Đọc kỹ lại những tư liệu đã có, tôi đã đi tới kết luận rằng, Gorbachev ngay từ mùa hè năm 1988 đã hành động một cách có hệ thống để loại bỏ bộ máy Đảng khỏi chính quyền. Mục tiêu là các cơ quan ban ngành thuộc Đảng Cộng sản Liên Xô, vốn có một ảnh hưởng quyết định trong quốc gia đại sự như Ban Chấp hành Trung ương, các kỳ Đại hội và trước hết là Bộ Chính trị.
Trước năm 1985, Bộ Chính trị đã là cơ quan chính thông qua các quyết định ở Liên Xô. Trong Bộ Chính trị, Tổng Bí thư giữ vai trò phối hợp hoạt động của mình với lãnh đạo các ban ngành trong Đảng. Gorbachev đã bắt đầu quá trình đẩy xa các cơ quan này của Đảng ra khỏi chính quyền.
– Bằng cách nào?
– Ý tưởng chính là lập ra một hình thức cầm quyền của Tổng thống. Sau này Gorbachev quả thực đã được bầu làm Tổng thống Liên bang Xôviết. Kế hoạch của ông ta là làm sao để quyền lực tập trung trong tay Tổng thống và các Xôviết, tức là các cơ quan lập pháp của Liên bang Xôviết. Theo ý đồ của ông ta, Đảng sẽ mất vai trò quyền lực. Đảng có thể tham gia các cuộc bầu cử trên cơ sở có nhiều sự lựa chọn, nhưng vai trò chủ đạo của Đảng sẽ bị loại bỏ vào quá khứ.
Quá trình trên đã diễn ra khá nhanh, bắt đầu từ mùa hè năm 1988 và kết thúc vào mùa hè năm 1990, khi diễn ra Đại hội cuối cùng của Đảng Cộng sản Liên Xô ở đó. Khi ấy, đã bầu ra thành phần mới của Bộ Chính trị. Bộ Chính trị mới này chỉ có cái tên chung giống với cơ quan cũ mà nó đã là trong quá khứ. Trong thành phần mới chỉ có những gương mặt hạng hai. Gorbachev vẫn giữ cho mình vai trò chủ tọa nhưng hầu như không làm gì để thực hiện chức phận đó. Việc loại bỏ Bộ Chính trị khỏi chính quyền đã hoàn tất quá trình tước bỏ quyền lực của Đảng Cộng sản. Trong Bộ Chính trị không có những nhân vật chủ chốt như Bộ trưởng Ngoại giao, Thủ tướng, các nhân vật quyền lực, lãnh đạo KGB… Ở đó chủ yếu là các thủ lĩnh đảng ở các nước cộng hòa Xôviết, mà họ thì chỉ là những nhân vật hạng hai.
– Liệu có thể giải thích vì động cơ gì mà Gorbachev muốn tước bỏ quyền lực của Đảng Cộng sản Liên Xô?
– Thoạt tiên có lẽ Gorbachev cũng cho rằng, bộ máy của Đảng có thể và phải là đội ngũ tiền phong của công cuộc cải tổ. Nhưng chẳng bao lâu sau thì lại lộ ra một sự ngược lại: phần lớn bộ máy Đảng đã hành xử một cách thụ động, và tiếp đó, rất tích cực chống lại công cuộc cải tổ. Tức là bộ máy của Đảng cản trở những cải cách của Gorbachev.
– Ông nói rằng, quá trình tước bỏ quyền lực của Bộ Chính trị đã hoàn tất khá nhanh chóng. Thế còn việc gì mà Gorbachev không làm được?
– Việc ông ấy không làm được là chuyển giao quyền lực cho các cơ cấu mới. Tổng thống Liên bang Xôviết và bộ máy của ông ta đã không đủ tầm và lực để thực thi quyền lực mà họ nhận được. Về sau, Gorbachev đã viết trong hồi ký của mình như sau: “Khi tôi trở thành Tổng thống, tôi có cảm giác như mình là một ông tướng không quân”.
– Người ta cho rằng, Đảng Cộng sản Liên Xô đã từng có một quyền lực rất lớn ở Liên Xô. Tại sao Đảng lại để cho mình bị mất quyền lực?
– Vì Gorbachev đã hành động cực kỳ tinh quái. Nhìn bề ngoài thì không thấy có gì thay đổi cả, các cơ cấu vẫn còn nguyên như cũ, nhưng nội dung bên trong đã thay đổi. Trong rất nhiều bài phát biểu công khai của mình, Gorbachev đã không ngừng khích lệ các viên chức Đảng. Ông ta đã nói rằng, Đảng Cộng sản sẽ và mãi là quan trọng, rồi ông ta kêu gọi các đảng viên tham gia vào các cuộc cải cách. Ông ta nói với họ: cần phải tham gia tranh cử, chỉ cần thuyết phục cử tri bầu cho mình. Gorbachev cũng vẫn tiếp tục nói về cái gọi là vai trò tiền phong của Đảng.
– Và nhiều người yên lòng vì thế?
– Đúng vậy, nhưng không phải tất cả. Những viên chức chủ đạo của Đảng tất nhiên là nhận ra rằng họ đang bị tước bỏ dần quyền lực. Kết quả là Gorbachev đã bị mất uy tín rất mau lẹ trong bộ máy Đảng. Khi ở cùng những người thân cận, ông ta đã buộc phải công nhận rằng, 70% Ủy viên BCH TW Đảng có tâm lý chống lại ông ta. Chính điều đó đã dẫn tới cuộc chính biến tháng 8-1991. Cuộc chính biến này là một cố gắng của những người bị tước bỏ quyền lực quay ngược lại bánh xe lịch sử….
* * *
Theo lời Nguyên soái Dmitri Yazov, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô, nói trong biên bản thẩm vấn đăng trên tạp chí Đức Spighel số ra ngày 7-10-1991, ở nhiều người Xôviết trong thời điểm đó đã xuất hiện những tình cảm tiêu cực. Nguyên soái lý giải: “ Tôi cho rằng sở dĩ như thế là bởi vì mức sống của nhân dân tụt xuống, nền kinh tế đổ vỡ, các cuộc đụng độ sắc tộc ngày càng nghiêm trọng hơn, xung đột giữa các nước cộng hòa xuất hiện…. Dần dà trở nên rõ ràng hơn ý nghĩ cho rằng, Gorbachev trong vai trò nhà hoạt động quốc gia tích cực đã dần dà kiệt lực. Ở đâu đấy có cảm giác rằng, ông ta hoặc rất mệt mỏi, hoặc đã đánh mất tiêu chí… Chính sách kinh tế của ông ta thể hiện ở việc ông ta cầu xin tín dụng, vay nợ và làm rất ít cho nền kinh tế…. Bộ máy kinh tế của chúng ta bị hư hỏng hoàn toàn. Mà đất nước lại đang đứng sát bờ vực tan vỡ…”.
Trong cơn rối lẫn trí tuệ của mình, Mikhail Gorbachev có lúc đã dự định “duy trì Liên Xô trong đường biên giới đã tồn tại khi đó nhưng dưới một cái tên mới phản ánh đúng bản chất những cuộc cải cách dân chủ đang diễn ra” (trích theo bài phát biểu tại trường đại học tổng hợp Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ). Ông ta muốn giữ nguyên tên viết tắt CCCP bằng tiếng Nga (tức là Liên bang các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết) của quốc gia dưới quyền mình lãnh đạo nhưng với nội dung khác là “Liên bang các nước cộng hòa tự do có chủ quyền”.
Thế nhưng, trong thực tế, mọi sự không theo ý muốn của nhà chính trị đang xuống thế này. Cuộc họp mùa hè năm 1991 tại Novo-Ogarevo giữa Tổng thống Gorbachev với các thủ lĩnh các nước cộng hòa đã không mang lại điều gì tích cực theo hướng củng cố cơ chế Liên bang. Boris Yeltsin, sau khi lên nắm được chính quyền ở Cộng hòa liên bang Nga, chủ thể có giá nhất trong thành phần Liên bang Xôviết, đã khôn khéo từng bước một phối hợp với một số vị Tổng thống ở các nước cộng hòa thành viên Liên Xô khác, dồn ép M. Gorbachev lùi dần từng bước nhằm làm suy yếu và xóa sổ Liên bang.
Theo thỏa thuận giữa Gorbachev với Yeltsin, Hiệp ước Liên bang phải được ký vào ngày 20/8/1991. Tình thế này khiến cho Nguyên soái Yazov cũng như nhiều đảng viên cộng sản Liên Xô đang ở những vị trí cao trong bộ máy liên bang “bỗng hiểu ra rằng, bằng cách đó, sự tan vỡ của Liên bang đã tiến tới sát chỗ chúng ta. Tất cả đều nói ủng hộ Liên bang Cộng hòa XHCN Xôviết, vậy mà lại đưa ra dự thảo Hiệp ước liên bang trong đó có nói tới các quốc gia có chủ quyền. Chúng tôi đã tin chắc rằng, đây không đơn giản là các sai lầm, mà ở đây đang diễn ra quá trình có định hướng rõ ràng nhằm đạt mục đích không có một Liên bang nào cả, mà chỉ có một liên minh các nước cộng hòa có các vị Tổng thống riêng”. (Vẫn theo bài theo tạp chí Spighel).
Đúng như trí tuệ dân gian Nga từng nhấn mạnh “Đã đâm lao thì chớ bảo là không thuộc hết cả câu tục ngữ”, cách tiến hành công cuộc cải tổ của Gorbachev đã dần dà làm “quá mù ra mưa”, xa rời định hướng ban đầu và Liên bang Xôviết đã tan vỡ. Cũng trong bài phát biểu tại trường đại học tổng hợp Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ đã dẫn, Mikhail Gorbachev đổ lỗi cho “tính thèm khát quyền lực của Boris Yeltsin” đã gây nên thảm họa này. Tuy nhiên, trách nhiệm cá nhân của Mikhail Gorbachev cũng vẫn là điều không thể chối bỏ. Theo kiểu “tò vò mà nuôi con nhện…”, Mikhail Gorbachev đã tạo ra một nền chính trị và một hình thức xã hội mới mà những người với tư chất, tiểu sử và quan điểm sống như ông ta không bao giờ có thể làm thủ lĩnh…
Vài ngày sau khi chính biến thất bại, Gorbachev từ bỏ chức vụ Tổng Bí thư và kêu gọi BCH TW Đảng Cộng sản Liên Xô tự giải thể. Ngày 29/8/1991, Xôviết Tối cao Liên Xô đã ra lệnh cấm Đảng Cộng sản Liên Xô hoạt động trên toàn bộ lãnh thổ Xôviết…
Bắt đầu một giai đoạn phát triển hoàn toàn khác trong không gian Xôviết cũ. Và những hệ lụy từ đó cho tới hôm nay vẫn chưa lành sẹo.
Nguồn: Đại Đoàn Kết
-
-
AuthorPosts
- You must be logged in to reply to this topic.