Mối họa địa chính trị của châu Âu

NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.

Viewing 0 reply threads
  • Author
    Posts
    • #7702
      tanhvn
      Participant

      Mối họa địa chính trị của châu Âu
      Nguồn: Majid Sattar, Die Rückkehr der Geopolitik, Tạp chí IP của Bộ ngoại giao Đức, 01/05/2015.
      Lược dịch: Trần Tuấn Anh
      Lời tựa: Cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp và cuộc xung đột Ukraina-Nga đã buộc cả Liên minh châu Âu EU phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Một liên minh chiến lược giữa Athen với Mát-xcơ-va càng làm cho tình hình trở nên nguy hiểm hơn. Trong bối cảnh này, các lý thuyết về địa chính trị lại một lần nữa được đem ra mổ xẻ nhằm xác định trước một kịch bản tương lai dành cho lục địa già.

      Ban đầu, biểu hiện nhẹ nhàng của các lãnh đạo châu Âu quả thật là có gieo rắc một chút nghi ngờ về thái độ thực sự của họ đối với các vấn đề quan trọng của lục địa này. Bên thềm một cuộc họp liên chính phủ giữa Đức và Pháp vào cuối tháng 3 vừa qua, ngay khi được hỏi về cảm nhận trước chuyến thăm Nga sắp tới của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, Thủ tướng Đức Angela Merkel liền nhún vai thoái thác. Cả bà và Tổng thống Pháp François Hollande đã từng cùng đến thăm Mát-xcơ-va trước đó không lâu, tuy nhiên là với tư cách đại diện cho Liên minh Châu Âu. Tương tự, Tổng thống Hollande cũng rất thận trọng khi chỉ phát biểu rằng: Athen biết rõ rằng, Châu Âu chính là vận mệnh của Hy Lạp. Và ngay cả Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Kotzias trước đó trong chuyến thăm Berlin đầu tiên của mình cũng đã có một phát ngôn xoa dịu tương tự khi ông tuyên bố rằng, Châu Âu rõ ràng là nằm đầu tiên trong danh sách chủ nợ ưa thích của đất nước mình. Tất cả các bên đều có những cách hiểu riêng về mục đích của chuyến công du Nga của Tsipras, thứ tuy được tuyên bố như là một chuyến thăm ngoại giao bình thường nhưng sự thật lại là một canh bạc của Hy Lạp với quân bài Nga trong tay.

      Tuy nhiên, càng gần đến ngày diễn ra chuyến thăm, tức ngày 8 tháng 4, thì sự thận trọng của giới chức lãnh đạo châu Âu đã dần chuyển thành những cảnh cáo nghiêm khắc. Martin Schulz, Chủ tịch Nghị viện chung Châu Âu, đã cảnh báo Hy Lạp rằng, nước này không được tự ý phá vỡ sự thống nhất trong cách phản ứng chung của Liên minh châu Âu trước hành động của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraina. Ngay cả Ủy ban Châu Âu cũng đã tỏ thái độ không thoải mái trước chuyến thăm Nga của Tsipras khi mà vào một ngày trước khi sự kiện diễn ra, Ủy ban này đã tuyên bố rằng, tất cả các quốc gia thành viên bắt buộc phải nói cùng một giọng điệu chung với các đối tác của EU. Trở về phần của Hy Lạp, họ hy vọng kết quả của chuyến thăm này không chỉ là việc đạt được một thỏa thuận giảm giá gas cho nước này, mà còn là việc Nga sẽ chịu dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu đối với hoa quả đến từ Hy Lạp trong bối cảnh Mát-xcơ-va ban hành lệnh cấm nhập tất cả các hàng hóa có nguồn gốc từ EU vào nước này như là một động thái trả đũa cho các biện pháp trừng phạt của Liên minh này đối với Nga. Ờ phía bên kia, điện Kremlin thì muốn làm suy yếu sự đoàn kết của Liên minh EU bằng cách tạo nên một sự bất ổn trong nội bộ khối này nhẳm làm tan rã sự đoàn kết trong cách phản ứng của EU trước việc Nga xâm lược Crimea và hỗ trợ cho quân đội ly khai ở miền nam Ukraina.

      Mùa xuân mới trong quan hệ Nga-Hy Lạp

      Địa chính trị là một thuật ngữ bị chôn vùi trong nền chính trị Đức và bị bỏ rơi trong cộng đồng học thuật của đất nước này kể từ sau thời kỳ chiến tranh lạnh. Ý tưởng về những khu vực ảnh hưởng chính trị riêng rẽ và những đặc khu kinh tế độc lập không còn phù hợp với viễn cảnh ưa thích của người Đức về một trật tự đa cực và phụ thuộc lẫn nhau, mà trong đó Liên hợp Quốc thực hiện đúng vai trò của mình chứ không còn bị hạn chế hành động như thời kỳ trước 1989. Bất cứ ai có những suy nghĩ về một trật tự như thế, nơi mà châu Âu sẽ đóng một vai trò ngang hàng với 2 cường quốc khác là Mỹ và Trung Quốc, thì sẽ liên tưởng ngay đến việc thành lập một Liên minh Á-Âu. Vì vậy, người ta có thể dễ dàng hiểu được ý định của chính phủ Đức trong một tuyên bố của họ vào lúc bắt đầu cuộc khủng hoảng ở Ukraina rằng, EU cùng những hiệp ức liên minh của nó với các quốc gia khác không phải là để mưu cầu các lợi ích địa chính trị, hay bắt đầu một „trò chơi (chính trị) lớn“ mới, mà là để tìm kiếm những lợi ích chung cho tất cả các bên tham gia – là Liên minh châu Âu, Nga và cả Ukraina. Nhưng việc tự ý hành động của Hy Lạp đã khiến cho EU không còn đường để né tránh một thử thách địa chính trị thực sự.

      Khi Tsipras xuất hiện trước báo giới cùng với Tổng thống Vladimir Putin, ông tuyên bố: mọi người hãy dừng ngay việc „chỉ trích từng bước đi của chúng tôi như thể Hy Lạp là một thuộc địa của nợ nần vậy“. Athen sẽ vẫn tiếp tục „cố gắng“, để giải quyết các vấn đề của nó trong phạm vi châu Âu mà thôi, nhưng với tư cách là „một quốc gia chủ quyền“ và do đó được quyền có những chính sách đối ngoại riêng và ký kết các thỏa thuận với những quốc gia khác ngoài EU. Tiếp theo đó là những phát ngôn không có mục đích rõ ràng của Tsipras khi ông đề cập đến nền tảng Chính thống giáo Đông Phương ở hai quốc gia này, và rằng một mùa xuân mới trong quan hệ giữa hai nước đang đến gần, đồng thời phê phán các biện pháp trừng phạt Nga của EU mà Hy Lạp là một thành viên trong đó. Về chủ đề nợ công thì Tsipras xác nhận trước báo giới về một lập trường mềm dẻo từ phía thủ tướng Merkel, tuy nhiên ông cũng nêu ra một số nghi ngờ còn tồn đọng và cũng nhấn mạnh rằng người Hy Lạp biết rõ đây là một vấn đề của châu Âu, thứ mà cần một giải pháp của người Châu Âu. Về phía mình thì Tổng thống Putin không hề có ý định sẽ cung cấp một gói cứu trợ dành cho Hy Lạp, tuy nhiên ông cũng có đề cập tới những khoản cho vay dành cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn ở nước này, trong đó quan trọng nhất là về lĩnh vực năng lượng: Khi mà Athen nối mình vào hệ thống đường ống dẫn dầu qua Thổ Nhĩ Kỳ, kế hoạch được cho là sẽ thay thế cho dự án Dòng chảy phương Nam qua Bulgaria, thì quốc gia này sẽ nổi lên với vai trò là „một nhân tố chính trên bàn cờ địa chính trị“.

      Để nhớ lại thì dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ cũng tương tự như dòng chảy phương Nam trước đó, là một nỗ lực của Mát-xcơ-va, nhằm tránh việc phải vận chuyển dầu đến châu Âu qua Ukraina. Bước đi này là đúng hướng, để ngăn cản những nỗ lực của EU, nhằm thay thế nguồn khí đốt của Nga bằng khí đốt của vùng Caspi được vận chuyển qua đường ống xuyên biển Adriatic. Cách giải thích rất hồn nhiên của Putin khi được hỏi về ý định của ông khi tiếp cận Tsipras là Mát-xcơ-va đã không hề dụ dỗ „một ai để đạt được một cái gì cả“. Về phần mình, Brüssel đã phản ứng lại với lời đề nghị từ phía Nga dành cho Hy Lạp bằng với một cảnh báo cứng rắn dành cho các bên liên quan rằng, một dự án chung lớn như thế cần phải phù hợp với luật lệ chung của cả Liên minh – chính dự án dòng chày phương Nam cũng vì sự độc quyền của Tập đoàn Gasproms đã vi phạm luật EU nên bị cho dừng thực hiện.

      Mặc dù thủ tướng Hy Lạp đã cố gắng chú ý để từng bước đi của mình không vượt quá làn ranh đỏ, nhưng ông lại tiếp tục chơi một trò chơi rất nguy hiểm. Một khi mà sự ảo tưởng về việc người ta có thể bỏ qua những quy định ngặt nghèo của „thể chế tam viện“ (hay được biết với tên Troika gồm Ủy ban châu Âu, Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Trung Ương Châu Âu), bằng cách cầu cạnh tới sự trợ giúp tài chính đến từ ngân sách của người Nga, bị đánh thức, thì đó chính là một đòn chí mạng khiến cho sự gắn kết của các quốc gia thành viên trong liên minh châu Âu bị thách thức – và thậm chí khiến cho cả lục địa này rơi vào một cuộc khủng hoảng an ninh chính trị nghiêm trọng nhất kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh.

      Trước đây từng xuất hiện một nỗ lực tương tự, nhằm chơi một ván bài kiểu này: Bộ trưởng tài chính đảo Síp, Michael Sarris cũng từng công du đến Mát-xcơ-va vào mùa xuân năm 2013 và đã đợi trong nhiều ngày để có thể có một cuộc hội đàm với người đồng cấp phía Nga. Vì Nikosia đã từ chối thực hiện những điều kiện ngặt nghèo đi kèm với gói cứu trợ nhằm giải cứu hệ thống ngân hàng đang trên bờ vực sụp đổ, quốc đảo này đã phải tìm đến một mạnh thường quân khác. Sự kỳ vọng vào những khoản hỗ trợ tài chính từ phía Nga khi mà Putin đã hứa sẽ cấp cho chính phủ đảo Síp một khoản vay lên tới 20 tỷ euro vào năm 2011 đã ngay lập tức được chính phủ nước này sử dụng để đe dọa Brüssel. Ngoài ra, đảo Síp cũng đã từng xem xét khả năng sẽ cho lại Nga một món quà địa chính trị, ví dụ như cho phép xây dựng một căn cứ hải quân dành cho quân đội Nga trên lãnh thổ nước này. Khi xét đến vị trí của nó so với căn cứ Tartus ở Syria thì đây quả thật là một lời đề nghị hấp dẫn. Nhưng cuối cùng, Sarris đã không có được một kết quả như ý khi mà người Nga đã không thể đồng ý với ông. Với đề nghị của Sarris, có thể Putin sẽ bước được một chân đến trước cửa nhà của Liên minh EU, nhưng đồng thời ông sẽ gián tiếp khôi phục lại quyền lực cho những đầu sỏ chính trị Nga, những thế lực mà ông luôn muốn bào mòn sức mạnh của chúng nhằm đạt được và duy trì một quyền lực chính trị tuyệt đối ở trong nước.

      Trong trường hợp Hy Lạp, Kremlin đã phải có sự điều chỉnh những toan tính của mình khi đứng trước các câu hỏi: liệu việc hỗ trợ tài chính trực tiếp cho Athen cũng đồng nghĩa với việc Nga sẽ được quyền quyết định các chính sách đối ngoại của Athen trong tương lai hay không? Liệu một biện pháp trừng phạt của liên minh EU lên một nước thứ ba có cần phải có sự đồng ý của tất cả 28 nước thành viên hay không? Và điều này liệu có áp dụng tương tự trong các quyết định của NATO hay không? Những câu hỏi dạng „nếu như“ của trường phái lịch sử đối chứng này cần phải được làm rõ vì thực tế là Putin không hề dư giả để có thể tùy ý đầu tư vào một nền kinh tế quốc dân đang kiệt quệ. Việc chưa có câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi về việc liệu rằng cuối cùng, những khoản đầu tư dự kiến vào các dự án cơ sở hạ tầng có nâng cao được vị thế của Athen (và gián tiếp là của Nga) trong EU cũng như trong NATO hay không đã làm cho Mát-xcơ-va chùn chân trước ý định thực hiện một trò chơi địa chính trị tại lục địa già với quân bài Hy Lạp.

      Hệ quả chính trị của việc Hy Lạp rời khỏi liên minh euro

      Tại sao EU lại không (muốn) lật ngược tình thế? Tại sao họ lại không thể chúc Tsipras một chuyến đi thượng lộ bình an? Trước khi cuộc bầu cử quốc hội Hy Lạp diễn ra vào đầu năm nay, cuộc bầu cử đã đánh dấu sự thất bại cay đắng của Đảng xã hội chủ nghĩa Pasok hùng mạnh một thời, nguyên Bộ trưởng Bộ ngoại giao Evangelos Venizelos, đồng thời là chủ tịch của Đẩng này, đã tường thuật lại trước báo giới về cuộc gặp của ông với Wolfgang Schäuble. Trong một cuộc hội đàm dài tại quầy Bar của một khách sạn vùng Breslau, vị Bộ trưởng tài chính Đức đã đề nghị với ông và người đồng cấp phía Đức về một kịch bản rút lui „êm đềm“ khỏi khu vực đồng euro dành cho Hy Lạp. Theo như lời Venizelos kể thì chính ông đã thuyết phục những người Đức rằng, việc Hy Lạp „nhẹ nhàng“ quay trở lại dùng đồng tiền Drachma sẽ gây nên một thảm họa đối với cả liên minh. Phản ứng lại trước tuyên bố trên, phát ngôn viên của Bộ tài chính Đức đã trả lời ngắn gọn là họ không được phép thảo luận về nội dung của những cuộc hội đàm bí mật.

      Vào thời của ông, các tác động kinh tế từ sự rút lui của Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro sẽ là một thảm họa đối với cả EU, khu vực đồng tiền chung cũng như vị thế lãnh đạo của Đức. Tuy nhiên mọi thứ đã thay đổi vào đầu năm nay, khi mà Brüssel và Berlin đã quan sát mọi diễn biến của cuộc bầu cử quốc hội Hy Lạp với một tâm trạng bất an. Kịch bản về sự rút lui của Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng tiền chung đã lại một lần nữa trở thành chủ để chính trong các cuộc tranh luận của người Đức. Trước tuyên bố của Đảng cực tả dân túy Syriza cầm quyền về việc sẽ chấm dứt chương trình thắt lưng buộc bụng ở nước này thì nhiều người ở Berlin đã bắt đầu lên tiếng khẳng định một sự thật. Đó là: giờ đây, khu vực đồng tiền chung đã được chuẩn bị để có thể đối phó với thảm họa gây ra bởi sự rút lui của Athen tốt hơn nhiều so với thời kỳ 2011 và 2012. Khu vực đồng Euro sẽ không thể bị hăm dọa thêm một lần nào nữa. Áp lực đang ngày càng gia tăng, thứ mà giờ đây không chỉ đơn thuần là những tranh luận nóng trên truyền thông hoặc thái độ giận dữ của Thủ tướng Merkel, đã khiến Berlin phải chuẩn bị để đối phó với kịch bản này. Nhưng cũng vì thế mà Chính phủ liên bang đã tự đặt mình vào một tình thế khó xử. Một mặt họ không thể phủ nhận sự thật rằng, họ đang có trong tay bản kế hoạch ứng phó cho mọi tình huống có thể xảy ra, nhưng mặt khác họ cũng không còn muốn tranh cãi rằng, liệu khu vực đồng Euro có sở hữu một cơ chế có thể làm giảm bớt nguy cơ lây lan hay không.

      Chiến thắng của Tsipras đã khiến cho rủi ro của canh bạc Grexit trở nên lớn hơn. Thủ tướng Đức quyết định phải dập cho được mồi lửa mới manh nha này trong cuộc họp thượng đỉnh EU diễn ra vào tháng ba. Bà đã hạ quyết tâm phải giữ lại Athen trong khu vực đồng tiền chung bằng mọi giá. Trong phiên giải trình trước quốc hội Đức, chỉ vài ngày trước cuộc họp, bà đã tuyên bố rằng: „Tôi đã luôn nhắc đi nhắc lại rằng: sự thất bại của đồng Euro sẽ khiến cho cả châu Âu thất bại“. Đó là một phương thức thông minh để bào chữa cho chương trình cứu trợ đầy tranh cãi của bà trong bối cảnh mà cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp đang ở đỉnh điểm của nó. Tuy nhiên, sự rõ ràng trong ý định của bà còn ẩn chứa trong đó những toan tính khác. Rất khôn khéo khi bà đã đặt thủ tướng Tsipras ở một vị trí thuận lợi trong các cuộc đàm phán, nhưng thực chất quyền quyết định vẫn thuộc về bà.

      Chuyến thăm Berlin của thủ tướng Tsipras vào cuối tháng ba vừa qua càng làm rõ thêm: thật ra thì Merkel muốn gì. Bà đã khôn khéo khi xua tan đi cảm tưởng của công chúng rằng, các quyết định liên quan đến công cuộc cải cách ở Hy Lạp và việc gia hạn các khoản cứu trợ dành cho đất nước này được đưa ra ở Berlin. Theo đó, không phải Đức mà chính Hội nghị các Bộ trưởng tài chính của khu vực đồng euro mới là chủ thể quyết định về những khoản cho vay tiếp theo dành cho Hy Lạp. Cơ chế hội đàm này, dù nghe có vẻ mâu thuẫn, lại rất quan trọng đối với bà, vì những nguyên nhân nội bộ và đảng phái, vì một số lượng lớn các nghị sĩ thuộc liên minh cầm quyền của bà đã bày tỏ ý định về việc không muốn Đức tiếp tục gánh việc cứu trợ Hy Lạp thêm nữa. Và thậm chí một cuộc khảo sát đã được tiến hành và thu được một kết quả tương tự từ phía đa số người dân Đức. Giờ đây, những quyết định chính trị quan trọng mà Merkel đưa ra không còn nhằm để giải quyết các sự vụ hằng ngày nữa mà là nhằm mục đích để lại một di sản chính trị cho đời sau. Và khi Merkel còn là „người lãnh đạo“ của cả EU và nhiệm kỳ của bà chỉ còn được tính bằng ngày, thì liệu bà có đủ sức để đoàn kết các thành viên EU lại với nhau để vượt qua một cuộc khủng hoảng kép hay không?

      Liệu năm 2015 có còn giống như năm 2012? Liệu việc Athen thất bại có dẫn đến việc đồng Euro thất bại và rộng ra là cả châu Âu thất bại hay không? Và liệu rằng khu vực đồng euro còn có thể tiếp tục tồn tại hay không? Người ta vẫn chưa tìm được câu trả lời cho những vấn đề này trong các phát biểu của bà.

      Học thuyết gia cố và học thuyết hình mẫu

      Từ những lý thuyết có sẵn cùng những mô hình giả định, các chuyên gia của Bộ tài chính Đức và Ngân hàng Trung ương châu Âu đã tổng hợp thành một nguyên lý với tên gọi là nguyên lý Domino (trong kinh tế), thứ đã gieo rắc sự sợ hãi và những tiếng gào thét trên khắp châu Âu 3-4 năm về trước. Theo nguyên lý này thì việc Hy Lạp thoát khỏi khu vực đồng tiền chung euro sẽ trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của các thị trường tài chính ở các quốc gia nợ công lớn khác như Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha – giống như là các quân cờ Domino đổ đè lên nhau vậy. Nếu như tác động dây chuyền này lan tới Pháp thì ngay lập tức đồng Euro sẽ là một khái niệm thuộc về dĩ vãng. Sau này, chính phủ Đức đã hoàn toàn bác bỏ lý thuyết trên. Hiện giờ, mọi quốc gia thành viên gặp khủng hoảng đều có thể được các quỹ cứu trợ ESM hỗ trợ tài chính. Nửa tỷ Euro đã được chuẩn bị sẵn để ứng phó cho mọi tình huống. Ngoài ra, tình trạng của các quốc gia Nam Âu không còn quá tồi tệ như trước đây nữa. Điều đó thể hiện qua việc các ngân hàng lớn của những nước này đều vượt qua bài kiểm tra sức khỏe (stress test) của ECB.

      Giờ đây, chỉ còn lại hai học thuyết mô tả tương lai của châu Âu: học thuyết gia cố và học thuyết hình mẫu. Học thuyết gia cố được chống lưng bởi một số nhà kinh tế học khi họ tiên đoán rằng, khu vực đồng euro phải chấp nhận cách ly với ngoại lệ Hy Lạp để có thể tự tăng cường sức mạnh của mình. Nếu không có những thành viên yếu như thế tồn tại bên trong thì toàn bộ hệ thống sẽ mạnh trở lại – và các thể chế châu Âu sẽ dành lại được niềm tin của công chúng. Và vì thế, độ nóng chính trị của cuộc khủng hoảng kinh tế – tức việc các đảng phái chủ trương chống sự hợp nhất EU nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân, sẽ được hạ nhiệt. Tuy nhiên, những nước viện trợ sẽ phải chấp nhận những tổn thất tài chính to lớn: chỉ riêng Đức thì việc giúp đỡ trực tiếp hay gián tiếp Hy Lạp đã tiêu tốn một số tiền lên tới 65 tỷ euro và một phần lớn khoản tiền đó sẽ bị mất đi theo kịch bản này. Cách giải quyết vấn đề theo lý thuyết này bị chính phủ Đức lên án là quá rủi ro về mặt kinh tế và rất phi chính trị. Việc một quốc gia thành viên của EU phá sản là chưa có tiền lệ nên không ai có thể biết được những hậu quả trong thực tế sẽ nghiêm trọng đến mức nào. Do đó, xu hướng chấp nhận lý thuyết dựa trên một cuộc khảo nghiệm đau đớn này là không lớn.

      Các tác động đối với châu Âu của việc Hy Lạp thoát khỏi khu vực đồng Euro có thể được mô tả qua học thuyết hình mẫu. Lý thuyết này được xây dựng dựa trên các góc nhìn khác nhau khi xảy ra một sự rút lui như trên: từ góc nhìn tiền tệ, chính trị nội khối và địa chính trị. Khoan bận tâm đến những hậu quả gây ra cho vực Euro thì việc Hy Lạp thoát khỏi khu vực đồng euro trước hết có tác động lớn đến chính bản thân nước này: phải sử dụng một loại tiền tệ mới, mà rõ ràng là sẽ mất giá nghiêm trọng so với đồng euro, nhiều ngân hàng sẽ sụp đổ, các công ty sẽ phá sản và một tỷ lệ thất nghiệp cao ngất ngưởng. Nói ngắn gọn lại là việc đó sẽ gây ra sự bất ổn xã hội và khủng hoảng chính trị. Brüssel sau đó sẽ buộc phải nhảy vào để đảm bảo khả năng thanh toán cho quốc gia thành viên của EU này. Và vì thế, vấn đề không chỉ đơn giản kết thúc với một khu vực đồng Euro (mạnh khỏe) khi không có một Hy Lạp rắc rối. Thứ mà khu vực đồng Euro quan tâm hiện nay không chỉ là những hậu quả về trung và dài hạn, mà còn là những tác động ngắn hạn khi mà chính phủ Đức đã không còn quá bận tâm đến hiệu ứng lây lan từ việc rút khỏi khu vực đồng Euro của Hy Lạp. Đúng là Hy lạp sẽ không còn có thể là một ngòi nổ cho một cuộc khủng hoảng kinh tế dây chuyền nữa, nhưng việc rút lui của quốc gia này lại là một hình mẫu thất bại của mô hình đồng tiền chung. Khu vực đồng Euro rốt cuộc đã mang tới điều gì tốt đẹp, khi mà ngay cả Tây Ban Nha đã buộc phải giải cứu một ngân hàng lớn của nước này khỏi bị phá sản. Hàng loạt các câu hỏi liên quan được đặt ra. Liệu các cơ chế cứu trợ hiện tại là đã đủ hiệu quả để giải quyết mọi vấn đề? Thị trường tài chính sẽ phản ứng lại với việc Hy Lạp rút khỏi khu vực đồng tiền chung như thế nào? Liệu Tây Ban Nha có trở thành một „Hy Lạp thứ hai“ hay không? Liệu khu vực đồng euro có tìm cách cứu nước này bằng mọi giá hay không? Và trường hợp của Hy Lạp sẽ để lại bài học gì cho việc vận hành một hệ thống đồng tiền chung? Đó quả thật là những câu hỏi không dễ trả lời. Rõ ràng, việc Hy Lạp rút khỏi khu vực đồng tiền chung đã chứng tỏ rằng mô hình „Một khu vực đồng tiền chung Euro“ sẽ bị mất dần đi ý nghĩa ban đầu của nó. Và do đó, sự ổn định kinh tế được hệ thống quỹ cứu trợ ESM mang đến, sẽ lại sớm bị phá vỡ vì lý do thiếu đi niềm tin chính trị vào hệ thống.

      Trên những góc nhìn khác thì việc Athen thoát khỏi khu vực đồng Euro lại một lần nữa là một hình mẫu (của sự thất bại). Lần đầu tiên kể từ lúc các hiệp ước Roma được ký kết thì khái niệm „một liên minh chưa bao giờ gần gũi hơn“, thứ giúp duy trì việc hội nhập khu vực của các quốc gia châu Âu, lại bị nghi ngờ. Trong năm nay, Liên hiệp Anh sẽ tổ chức bầu cử hạ viện và quốc gia này đang muốn thực hiện một cuộc trưng cầu ý dân về việc có nên tiếp tục ở lại EU hay không. David Cameron hy vọng rằng, những điều khoản của hiệp ước Roma sẽ được điều chỉnh lại và cái khái niệm „một liên minh chưa bao giờ gần gũi hơn“ sẽ bị gạch bỏ. Hệ thống „một châu Âu“ lại một lần nữa bị thách thức, và chính phủ Đức hoàn toàn không có ảo tưởng rằng, sẽ có người khác đứng ra giải quyết vấn đề này. Khi đối mặt với một liên minh EU rời rạc và một nước Mỹ hoàn toàn không bận tâm đến cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu thì Đức cần phải sử dụng tất cả vốn liếng có trong tay để có thể giải quyết dứt điểm tất cả các vấn đề trên cùng một lúc.

      Sự nguy hiểm của việc Hy Lạp rút khỏi khu vực đồng tiền chung euro ngày nay về bản chất khác xa so với thời kỳ những năm 2011-2012. Nó không còn là một nỗi lo kinh tế nữa mà là một hiểm họa chính trị nhiều hơn. Vào một ngày tháng ba, trước Quốc hội Đức, Volker Kauder, chủ tịch phe đa số bảo thủ đã phát biểu rằng, không một ai ở châu Âu lại muốn nhìn thấy cảnh Putin xoa tay khoái chí khi chứng kiến cả châu Âu tan rã cả. Ông muốn gửi gắm phát biểu này đến tất cả các thành viên của khối liên minh bảo thủ CSU/CDU, những người đang mất dần kiên nhẫn với Athen. Quả thực, lời cảnh báo này của ông là không sai và phù hợp với chính sách đối ngoại của chính phủ Đức. „Cả thế giới đang quan sát chúng ta“, là câu mở đầu trong bài phát biểu: „Đồng Euro thất bại là một châu Âu thất bại“. Mối nguy này đã và đang tiếp tục tồn tại đe dọa sự đoàn kết và thống nhất của cả châu Âu. Bên cạnh các thể chế khác như Nghị viện châu Âu hay Ủy ban châu Âu thì đồng Euro chính là hiện thân mạnh mẽ nhất của khát vọng thống nhất các dân tộc châu Âu trong hòa bình và thịnh vượng. Tuy nhiên chuyến thăm Nga của thủ tướng Tsipras lại đang đe dọa đến chí nguyện thiêng liêng này.

      Tiến sỹ Majif Sattar là phóng viên mảng chính trị của thời báo Frankfurter Allgemeinen Zeitung

Viewing 0 reply threads
  • You must be logged in to reply to this topic.