NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.
- This topic has 0 replies, 1 voice, and was last updated 9 years, 2 months ago by NCQT.
-
AuthorPosts
-
-
19/08/2015 at 08:29 #9949NCQTKeymaster
Một đánh giá mới về Nhân Văn – Giai Phẩm
Lê Quỳnh
Nhân Văn – Giai Phẩm thường được xem là phong trào đòi tự do dân chủ mạnh mẽ và có ảnh hưởng lớn nhất trong giới trí thức sống dưới sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bị dập tắt vào cuối thập niên 1950, phong trào này đến hôm nay vẫn tiếp tục được nghiên cứu và nhiều nhân vật có vai trò lớn trong giai đoạn đó vẫn để lại cảm hứng và ảnh hưởng cho văn nghệ sĩ người Việt trong ngoài nước.
Tuy vậy, một nghiên cứu công bố gần đây của chuyên gia nổi tiếng về lịch sử Việt Nam, Peter Zinoman, cho rằng danh tiếng của Nhân Văn – Giai Phẩm (NVGP) như một lực lượng đối kháng mạnh mẽ đã bị “thổi phồng”.
Tác giả, một người rất quen thuộc với giới nghiên cứu ở Việt Nam, nhận định thời gian qua đã có thêm nhiều nghiên cứu mới “thành công khi thể hiện một hình ảnh đáng tin về NVGP như một phong trào mạnh của sự bất đồng quan điểm chính trị chống lại đảng-nhà nước”.
Tòa án Nhân dân Hà Nội xét xử vụ “Nhân văn – Giai phẩm” ngày 19-1-1960 (ảnh từ Talawas)
Nhưng ông cho rằng các học giả đã không phân tích sâu sắc nội dung các bài viết đã đăng của NVGP, mà chỉ có xu hướng tập trung vào những tuyên bố chống đối kịch tính nhất.
Lấy ví dụ, sử gia Peter Zinoman, đang là Phó Giáo sư khoa Lịch sử của ĐH Berkeley, Hoa Kỳ, đề cập bài viết Bài học Ba lan và Hung-ga-ri của nhà thơ Lê Đạt, in ở Nhân văn số 5, ngay sau khi xảy ra các biến cố rung chuyển hai nước Đông Âu.
Theo đúng những gì người ta trông đợi từ một phong trào đối kháng, bài này bị chính quyền ở Hà Nội phê phán là “bào chữa cho bọn phản cách mạng”.
Nhưng tiến sĩ Zinoman lưu ý người đọc rằng trong phần kết luận, Lê Đạt cho rằng phong trào đối lập ở hai nước Đông Âu bị “bọn đế quốc” kích động và lại còn tán thành với việc dùng bạo lực dập tắt sự nổi dậy ở Hungary.
Ví dụ này phải chăng cho thấy sự hạn chế trong nghị trình của NVGP. Ngoài ra, phong trào khi ấy không thể liên kết với công nhân, sinh viên và cộng đồng tôn giáo, và dường như người dân cũng không bày tỏ ủng hộ giới văn nghệ sĩ.
Bài nghiên cứu của tiến sĩ người Mỹ này muốn bác lại việc xem NVGP là phong trào “bất đồng chính kiến”. Theo ông, khi so sánh với sự trỗi dậy của các phong trào cải cách trong thế giới cộng sản thập niên 1950, thì NVGP là “nỗ lực tương đối hạn chế nhằm ‘cứu’ chủ nghĩa Cộng sản Việt Nam bằng cách chuyển hóa nó từ bên trong”.
Thách thức mức nào?
Tiến sĩ Peter Zinoman nói “mặc dù NVGP nhắc đến nhiều sự lạm dụng độc đoán của giới chức bậc trung, nó hiếm khi thách thức ban lãnh đạo đảng hay sự chính danh của hệ thống Cộng sản”.
“Thông thường NVGP tìm cách giảm nhẹ cường độ công kích bằng việc đi kèm các tuyên bố trung thành với chính thể và ý thức hệ cai trị.”
Giọng điệu trung dung của NVGP “thật tương tự với dòng chảy chính trị Cộng sản cải cách hoặc xét lại tăng tốc trong thế giới Cộng sản sau cái chết của Stalin, lên đến đỉnh điểm đúng vào khi NVGP bắt đầu năm 1956”.
Lập trường của các phong trào này, như Andras B. Hegedus đã nói về tình hình ở Hungary, là họ tin rằng “có thể cải thiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Marx có thể được tái sinh”.
Tiến sĩ Peter Zinoman nhận thấy ở NVGP có sự trung thành chính trị với Đảng Cộng sản, khẳng định đi theo chủ nghĩa Marx, ngưỡng mộ Khrushchev, Lenin và tôn sùng nhà thơ Mayakovskii như biểu tượng chống sự sùng bái cá nhân.
Trong một khảo sát về bảy vấn đề lớn chi phối phong trào cải cách ở Hungary, Ba Lan, Đông Đức và Tiệp Khắc giữa thập niên 1950, Vladimir Kusin ghi nhận có sự gần gũi về quan điểm giữa các phong trào.
Bốn trong số bảy vấn đề này cũng xuất hiện nhiều trong các bài viết của NVGP: (1) dân chủ hóa đảng; (2) cải tổ hệ thống chính trị và pháp luật; (3) bảo vệ tự do trí thức; (4) nhân văn hóa chủ nghĩa Marx.
Có hai vấn đề không được nhóm quan tâm là giảm bớt kiểm soát của Liên Xô với các nước vệ tinh, và thực thi cải cách kinh tế.
Về vấn đề thứ bảy – thúc đẩy chung sống hòa bình với phương Tây – NVGP không tỏ ra có một lập trường mạnh mẽ hay thống nhất.
Sự quan tâm của NVGP đối với dân chủ trong đảng, cải cách hệ thống chính trị – pháp luật, và tự do trí thức đặt phong trào vào dòng chính của xu hướng cải tổ chủ nghĩa cộng sản trên thế giới cùng thời điểm.
Nhưng hai điểm khác của NVGP giúp giải thích vì sao phong trào không nhận được sự ủng hộ hay biết tới của dân chúng.
Thứ nhất là cải tổ kinh tế (kế hoạch hóa tập trung, tập thể hóa, giá lương tiền). Ngay cả các bài viết của NVGP về cải cách ruộng đất chỉ xem đây là vấn đề chính trị chứ không phải là một chính sách kinh tế thất bại.
Như chuyên gia Tường Vũ từng phân tích, chính các đơn thưa của người lao động liên quan lạm phát, điều kiện lao động…là chủ đề của phong trào lao động rộng lớn trong những năm đầu cai trị của Đảng Cộng sản ở miền Bắc.
Vấn đề thứ hai là NVGP hầu như không đề cập vấn đề tự chủ và bình đẳng trước Liên Xô, khác với giới đòi cải cách ở Đông Âu.
Dĩ nhiên, điều này có thể được giải thích vì khi ấy Liên Xô không có mặt nhiều ở miền Bắc, và Đảng Cộng sản, vừa chiến thắng quân Pháp, không bị công kích về tinh thần dân tộc.
Nhưng, theo tiến sĩ Peter Zinoman, việc thiếu vắng hai chủ đề này cũng đã làm giảm sức mạnh chính trị của phong trào khi so với ở Đông Âu.
Kết lại, tác giả xem NVGP là “sự biểu lộ tương đối nhẹ của một hiện tượng toàn cầu”.
Theo ông, danh tiếng “bị thổi phồng” của NVGP một phần là nhờ sự kịch tính trong sự trỗi dậy và sụp đổ của phong trào. Những diễn giải sau này, nhấn mạnh sự táo bạo của NVGP, là phản ứng chống lại sự chỉ trích độc địa của báo chí nhà nước thời bấy giờ.
Truyền thống đối kháng nội bộ bên trong Việt Nam tương đối yếu ớt cũng giúp làm tăng sự quan trọng và sức mạnh của NVGP, phong trào chỉ trích đảng duy nhất trước 1986.
Tiến sĩ Peter Zinoman còn cho rằng một thế hệ văn nghệ sĩ, trí thức mới đối lập trong ngoài nước cũng đã phóng đại nội dung phê phán của NVGP nhằm thiết lập “mối dây phả hệ giữa nỗ lực của chính họ và một truyền thống phê phán Cộng sản trước đó”.
Tiểu luận dài 40 trang của tác giả, đăng trên Journal of Cold War Studies số Mùa đông 2011, là nghiên cứu mới nhất bằng tiếng Anh về NVGP.
Sự diễn giải mà tác giả gọi là “xét lại” với NVGP hẳn sẽ nhận phản hồi khác nhau của giới trí thức người Việt trong ngoài nước, trong bối cảnh vấn đề trí thức và dân chủ đang được bàn đến nhiều thời gian gần đây.
Tiến sĩ Peter Zinoman nói nghiên cứu của ông không nhằm “phủ nhận sự dũng cảm của các lãnh đạo phong trào hay bi kịch của họ dưới bàn tay tàn nhẫn của đảng – nhà nước”. Ông muốn bài viết tìm hiểu lại mục tiêu của NVGP và đánh giá điềm tĩnh hơn về tiềm năng cũng như hạn chế của phong trào trong vai trò lực lượng chính trị.
Xem thêm: Sự kiện Nhân Văn – Giai Phẩm, cuộc thanh trừng năm 1967, và di sản của sự bất đồng chính kiến
Nguồn: BBC Vietnamese
-
-
AuthorPosts
- You must be logged in to reply to this topic.