NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.
- This topic has 0 replies, 1 voice, and was last updated 10 years, 5 months ago by NCQT.
-
AuthorPosts
-
-
13/06/2014 at 21:46 #2333NCQTKeymaster
Ngoại giao công chúng trong thế kỷ 21
TS. Vũ Lê Thái Hoàng[1]
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu quốc tế số 76 (03-2009)
Tại sao “Ngoại giao Công chúng”?
Trong những năm gần đây, đặc biệt từ sau sự kiện 11/9, cuộc tranh luận về ngoại giao công chúng trở nên sôi nổi và gây sự chú ý lớn của công luận với việc chính quyền Mỹ đề cao hình thức ngoại giao này nhằm khôi phục lại hình ảnh, uy tín chính trị quốc tế (như một bộ phận trong sức mạnh tổng thể và còn được gọi là “sức mạnh mềm” (soft power)[2]) của một siêu cường toàn cầu trong con mắt của cộng đồng quốc tế nói chung và thế giới Hồi giáo nói riêng, qua đó giúp loại trừ tận gốc nguy cơ của chủ nghĩa khủng bố đang đe dọa đến hòa bình, an ninh, phát triển của nhiều quốc gia.[3] Trong tuyên bố lập trường đầu tiên của mình, tân Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton của Chính quyền Obama khẳng định sự cần thiết về vai trò lãnh đạo của Mỹ và tư tưởng xây dựng một nền ngoại giao dựa trên “sức mạnh thông thái”[4]. Để phục vụ cho thuyết “sự trỗi dậy hòa bình” của mình, Trung Quốc đang rất chú trọng phát huy “sức mạnh mềm” trên toàn thế giới nhằm thu hút chú ý và thuyết phục dư luận nước ngoài thông qua các yếu tố như hình ảnh, uy tín, năng lực giao tiếp, mức độ cởi mở của xã hội, tính gương mẫu của chính quyền và sức hấp dẫn của nền văn hóa.[5]
Toàn cầu hóa và bối cảnh quốc tế đã và đang tạo ra những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngoại giao công chúng. Thế giới trong những thập niên đầu thế kỷ 21 đang thay đổi rất nhanh chóng dưới tác động của tiến trình toàn cầu hóa và cuộc cách mạng khoa học công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin và internet. Thời gian và không gian địa lý ngày càng bị thu hẹp do sự phát triển của các phương tiện vận tải, các phương tiện truyền thông, và đặc biệt là sự nổi lên của một “thế giới ảo”, “cộng đồng ảo” với phạm vi kết nối rộng rãi các trang web, các mạng xã hội, các blog, diễn đàn,…Bên cạnh đó, trong bối cảnh Chiến tranh lạnh “hạ màn”, vai trò của chủ thể chính trong QHQT là các quốc gia-dân tộc cũng như ngoại giao chuẩn mực truyền thống đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Với xu thế hội nhập, liên kết, mở cửa ngày càng sâu rộng, các quốc gia ngày nay phải xử lý một mạng lưới các mối quan hệ chằng chịt, phức tạp, đa chiều: mối quan hệ giữa họ với nhau (chiều ngang), giữa các quốc gia và các cơ chế/tổ chức đa phương, liên chính phủ (chiều lên), và giữa các quốc gia và các chủ thể phi nhà nước (chiều xuống). Trong đó, hiện tượng mới đáng chú ý là sự nổi lên của các chủ thể phi nhà nước (ví dụ như các tổ chức phi chính phủ (NGO), các công ty xuyên quốc gia (MNC), cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức/viện nghiên cứu, giáo dục đào tạo,…) với tiếng nói ngày càng tăng trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu mà thế giới cũng đang phải đối mặt như khủng bố, biến đổi khí hậu, đói nghèo, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, môi trường. Thực tế cho thấy bản thân từng quốc gia, dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, đều không thể tự mình giải quyết hiệu quả các thách thức này mà cần có sự hợp tác với nhau cũng như sự ủng hộ và hợp tác của công chúng, giới truyền thông, các NGO, cộng đồng doanh nghiệp, giới trí thức, giới học giả…
Song song với xu hướng hội nhập, hợp tác, liên kết nói trên, thế giới “hậu Chiến tranh lạnh” còn chứng kiến xu hướng độc lập, tự chủ của các quốc gia-dân tộc trong việc xác lập, tạo dựng cho mình các giá trị, bản sắc nhằm chống lại những tác động, hệ lụy tiêu cực của tiến trình toàn cầu hóa. Nếu được hiểu một cách đầy đủ và được dành một vị trí xứng đáng trong chính sách đối ngoại của một quốc gia, ngoại giao công chúng được sẽ có đóng góp rất quan trọng trong việc xây dựng bản sắc, hình ảnh, nâng cao uy tín và ảnh hưởng của quốc gia đó trên trường quốc tế.
Có thể thấy rằng, những mục tiêu cơ bản trong hoạt động đối ngoại của các quốc gia-dân tộc từ hàng thế kỷ nay vẫn không thay đổi[6], nhưng đối tượng và công cụ của hoạt động đối ngoại đã có những thay đổi lớn, đặc biệt là dưới tác động của tiến trình toàn cầu hóa và môi trường “hậu Chiến tranh lạnh”. Trong bối cảnh như vậy, ngoại giao truyền thống nếu không chú trọng “ngoại giao công chúng” thì sẽ không vươn tới được và không chuyển được thông điệp chính sách đến một bộ phận lớn công chúng ở các nước trên thế giới, do đó sẽ hạn chế rất nhiều hiệu quả hợp tác, huy động nguồn lực để cùng nhau đương đầu với những thách thức mới trong thế kỷ 21.
Lịch sử và nội hàm của khái niệm “Ngoại giao công chúng”
Khác với hình thức chuẩn mực là ngoại giao nhà nước, ngoại giao công chúng là cách thức một quốc gia giao tiếp, tương tác với nhân dân, công chúng hay các chủ thể phi nhà nước ở các xã hội khác. Ngoại giao công chúng không chỉ là việc xác định và gửi đi các thông điệp của một quốc gia ra các nước khác mà còn đánh giá, phân tích thái độ tiếp nhận thông điệp đó ở các xã hội khác nhau cũng như xây dựng các phương tiện, công cụ để chuyển tải thông điệp, lắng nghe thông điệp một cách thuyết phục và hiệu quả nhất. Ngoại giao công chúng là cách tiếp cận đa văn hóa, học hỏi lẫn nhau dựa trên đối thoại (tính hai chiều).
Tuy “ngoại giao công chúng” là một khái niệm mới của QHQT hiện đại nhưng những hoạt động theo hình thức ngoại giao này đã được tiến hành từ xa xưa. Hoàng đế La Mã từng nhận dạy dỗ con trai của các vị hoàng đế láng giềng thân thiện; người Hy Lạp cổ đại đã xây dựng thư viện khổng lồ Alexandria như một hình thức truyền bá tri thức; Hoàng đế La Mã Frederick II đã phân phát các bản tin sang các khu vực lân bang. Trong CTTG II và Chiến tranh lạnh, Liên Xô và Mỹ rất chú trọng hình thức ngoại giao này nhằm tập hợp lực lượng (hay còn gọi là “thu phục con tim và khối óc”) trong cuộc đối đầu ý thức hệ của trật tự hai cực. Năm 1941, Liên Xô thành lập Cục Thông tin Xô-viết (Sovinformburo). Năm 1942, Mỹ thành lập Văn phòng Thông tin Chiến tranh và năm 1953 thành lập Cục Thông tin Hoa Kỳ (USIA)[7]. Một trong những thành công nổi bật nhất của kênh ngoại giao này là sự ra đời vào năm 1951 của Cộng đồng Than và Thép Châu Âu (tiền thân của Liên minh Châu Âu ngày nay) dựa trên thiện chí và những nỗ lực hòa giải giữa hai cựu thù Pháp và Đức.
Giới học thuật cơ bản nhất trí rằng khái niệm “ngoại giao công chúng” (public diplomacy) được nhà ngoại giao chuyên nghiệp của Mỹ Edmund Gullion sử dụng lần đầu tiên vào năm 1965 khi ông thành lập Trung tâm Ngoại giao Công chúng Eward R.Murrow thuộc Trường Luật và Ngoại giao Fletcher, ĐHTH Tufts, Hoa Kỳ. Theo định nghĩa của Edmund Gullion, “ngoại giao công chúng xử lý những vấn đề liên quan tới tác động của công luận đối với quá trình hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại. Ngoại giao công chúng đề cập về những phương diện QHQT bên ngoài khuôn khổ của ngoại giao truyền thống; về định hướng dư luận của chính phủ ở các nước khác; về mối quan hệ giữa các nhóm lợi ích phi chính phủ của nước này với những nước kia; về thông tin tuyên truyền đối ngoại và tác động chính sách; về thông tin, tiếp xúc giữa các nhà ngoại giao và giới truyền thông nước ngoài; và về các quá trình thông tin, giao lưu giữa các nền văn hóa. Trọng tâm của ngoại giao công chúng là luồng thông tin và ý tưởng xuyên quốc gia.”[8]
Khái niệm này sau đó được USIA sử dụng rộng rãi nhưng chịu nhiều chỉ trích do bị cơ quan này dùng làm “bức bình phong” che đậy cho những hoạt động thông tin “tuyên truyền” trong cuộc chiến ý thức hệ với phe XHCN. Vì vậy, việc chỉ ra được những khác biệt căn bản giữa khái niệm “tuyên truyền” (propaganda), “ngoại giao công chúng“, và “quan hệ công chúng” (public affairs hay public relations) đóng vai trò rất quan trọng trong định hướng chính sách đối ngoại. Trước hết, ngoại giao công chúng không phải là một “phiên bản” ngoài nước của quan hệ công chúng vì quan hệ công chúng chủ yếu xử lý mối quan hệ với giới truyền thông trong nước (cung cấp và giải thích thông tin cho công chúng), mang tính phản ứng thụ động trong những vụ việc hay tình huống cụ thể nên thiếu tầm chiến lược dài hạn. Trái lại, với tư cách là một bộ phận cấu thành của chính sách đối ngoại, ngoại giao công chúng mang tính chủ động, tích cực cao. Hình thức ngoại giao này không chỉ cung cấp thông tin đối ngoại mà còn chú trọng xây dựng và vun đắp các mối quan hệ không chỉ với giới truyền thông mà còn với nhiều chủ thể nhà nước và phi nhà nước rất đa dạng của nước sở tại. Do đó, ngoại giao công chúng mang tầm chiến lược dài hạn. Ngoại giao công chúng tùy từng thời điểm, địa điểm và vấn đề cụ thể còn được sử dụng như một hình thức tuyên truyền hiệu quả bởi điểm chung giữa hai loại hình này là nhằm phát huy ảnh hưởng của quốc gia ra bên ngoài. Tuy nhiên, nội hàm “tuyên truyền” trong ngoại giao công chúng hiện nay không nhất thiết phải theo kiểu Chiến tranh lạnh hay chiến tranh thông tin khi thông tin chỉ mang tính một chiều (không có đối thoại) và yếu tố sự thật không được phản ánh một cách đầy đủ. Ngoại giao công chúng nếu muốn thành công phải mang tính thông tin hai chiều (coi công chúng nước sở tại là chủ thể tham gia tích cực) và tôn trọng đến mức có thể yếu tố sự thật, tính khách quan nhằm phục vụ những mục tiêu chiến lược lâu dài trong chính sách đối ngoại.
Do đó, có thể tạm rút ra một số đặc điểm của ngoại giao công chúng như sau.
+ Tính bổ trợ: Ngoại giao công chúng đóng vai trò bổ trợ cho ngoại giao chuẩn mực nhà nước và các hình thức ngoại giao khác dựa trên cơ sở dung hòa các nguyên tắc và hành vi ứng xử đặc thù của từng “kênh”. Như vậy, ngoại giao công chúng cũng góp phần phục vụ mục tiêu chung của chính sách đối ngoại, đó là an ninh, phát triển và ảnh hưởng[9] (nâng cao vị thế). Nhìn chung, Bộ Ngoại giao các nước trên thế giới thực hiện những nhiệm vụ chính sau: cung cấp cán bộ và hỗ trợ hoạt động của các cơ quan đại diện ở nước ngoài; tham mưu và thực thi chính sách, phối hợp chính sách; giao thiệp với các nhà ngoại giao nước ngoài; và ngoại giao công chúng. Như vậy, theo quan điểm truyền thống và Công ước Viên về Quan hệ Ngoại giao năm 1961, mục tiêu của ngoại giao, bao gồm cả ngoại giao công chúng, là nhằm tác động đến chính sách, quan điểm và hành động của các quốc gia khác.
+ Tính gián tiếp, không chính thức: Ngoại giao công chúng (hay ngoại giao lấy nhân dân/công chúng làm trọng tâm) khác với các hình thức ngoại giao còn lại ở tính chất “gián tiếp” và “không chính thức” trong quá trình tác động này. Tuy nhiên, khái niệm này đang dần được mở rộng và hiểu một cách linh hoạt hơn nhằm phản ánh thực tiễn ngày càng đa dạng và phức tạp. Đối với một số quốc gia, trọng tâm của ngoại giao công chúng ngày nay không chỉ giúp tác động đến chính sách, hành vi của một quốc gia khác mà còn là thay đổi cách nhìn, tình cảm và xây dựng những mối quan hệ phi nhà nước với các xã hội khác.[10] Ví dụ, năm 2005, chính phủ Anh định nghĩa Ngoại giao công chúng nhằm “cung cấp thông tin và hợp tác với các cá nhân và tổ chức ở nước ngoài với mục đích nâng cao hiểu biết về nước Anh và phát huy ảnh hưởng của nước Anh, phù hợp với những mục tiêu trung và dài hạn của chính phủ Anh”.[11] Theo báo cáo năm 2005 của Hội đồng Ngoại giao Công chúng Hoa Kỳ, “ngoại giao công chúng nhằm phục vụ lợi ích quốc gia và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ thông qua việc hiểu biết, cung cấp thông tin và tác động đến công chúng ngoài nước cũng như mở rộng đối thoại giữa công chúng và các tổ chức ở Hoa Kỳ với công chúng, tổ chức ở các nước khác”.[12] Rõ ràng, đối tượng giao tiếp ở nước ngoài của ngoại giao đã được mở rộng và về lâu dài, những sợi dây liên hệ “không chính thức” này sẽ có tác động không nhỏ đến quan hệ “chính thức” giữa các chính phủ. Đáng chú ý là một số nước lớn từ cuối thập kỷ 80 của thế kỷ 20 đã đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, trong đó đề cao việc sử dụng kênh ngoại giao gián tiếp, không chính thức này dưới các chiêu bài “dân chủ hóa về chính trị” (nhân quyền, tôn giáo, đa nguyên, đa đảng,…) và “tự do hóa về kinh tế” trong quan hệ với các nước có khuynh hướng phát triển phi tư bản chủ nghĩa, về lâu dài nhằm thâm nhập, thẩm thấu và kích động sự chống đối từ bên trong, từng bước chuyển hóa chế độ chính trị các nước này theo con đường phát triển tư bản chủ nghĩa.[13]
+ Tính chiến lược, dài hạn: Như trên đã phân tích, ngoại giao công chúng không chỉ là việc chuyển tải thông điệp, xây dựng mạng lưới,… mà còn mang tầm chiến lược dài hạn dựa trên 3 mục tiêu của chính sách đối ngoại là an ninh, phát triển và ảnh hưởng. Để thực hiện chiến lược dài hạn này, ngoại giao công chúng có 3 nhiệm vụ chính là: (i) xây dựng nhận thức chung, hiểu biết chung giữa nhà nước và các chủ thể phi nhà nước (thông tin, quan niệm, cơ hội gặp gỡ, đối thoại, tranh luận); (ii) xây dựng một chương trình/kế hoạch hành động chung/đa phương (mạng lưới, tầm nhìn, nhóm giải pháp); và (iii) thiết lập một cơ chế chung để xử lý, giải quyết một vấn đề nào đó (thể chế hóa).
+ Tính phối hợp: Để thực hiện thành công 3 nhiệm vụ trên, cần có sự phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt giữa ngoại giao nhà nước và các hình thức ngoại giao căn cứ theo chủ thể tiến hành như ngoại giao nghị viện, ngoại giao nhân dân,… cũng như sự phối hợp giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại… (căn cứ vào nội dung, mục đích hoạt động).
Rõ ràng, về mặt khái niệm, ngoại giao công chúng không hẳn là ngoại giao nhân dân như nhiều người nhầm lẫn và không thuần túy là công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại. Ngoại giao công chúng như là một bộ phận bổ trợ của ngoại giao nhà nước có mối quan hệ chặt chẽ, biện chứng, bổ sung lẫn nhau với các hình thức ngoại giao khác. Việc nhận thức đúng bản chất, vai trò của ngoại giao công chúng và phối hợp thành công giữa các hình thức ngoại giao này sẽ giúp cho các quốc gia xây dựng được một chiến lược ngoại giao toàn diện, bền vững, hiệu quả, thích ứng tốt với môi trường quốc tế những thập niên đầu thế kỷ 21. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, vai trò của ngoại giao công chúng và các chủ thể phi nhà nước ngày càng trở nên quan trọng, đóng góp hiệu quả vào quá trình xây dựng quan hệ hợp tác, hòa bình, hữu nghị giữa các quốc gia, cũng như những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm đối phó, giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Thực tiễn Ngoại giao công chúng ở Việt Nam
Ngoại giao công chúng đã từng là thực tiễn và câu chuyện thành công của Ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Ngoại giao Việt Nam đã góp phần hình thành nên phong trào nhân dân thế giới rộng rãi ủng hộ công cuộc giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đầu tiên đặt nền móng cho nền ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ hiện đại, đã từng vận dụng rất thành công “Ngoại giao tâm công” nhằm đánh vào lòng người, thu phục lòng người bằng chính nghĩa, bằng nhân tình, giành sự ủng hộ quý báu của nhân dân trên toàn thế giới đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. “Ngoại giao tâm công” vẫn còn nguyên giá trị trong thời đại thông tin và toàn cầu hóa. Lãnh đạo và chính phủ các nước vẫn rất coi trọng các hình thức ngoại giao cổ điển thông qua thiết lập các mối quan hệ không chính thức như quan hệ cá nhân lãnh đạo, quan hệ với các tầng lớp, thành phần trong các xã hội khác.
Ngày nay, Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ về những thay đổi cũng như xu thế lớn trên thế giới và công nhận vai trò ngày càng quan trọng của các yếu tố cấu thành nên ngoại giao công chúng trong việc triển khai chính sách đối ngoại của quốc gia, phục vụ các mục tiêu an ninh, phát triển và nâng cao vị thế của đất nước. Những đặc thù của hình thức ngoại giao này được thể hiện khá rõ nét trong chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa của Việt Nam thời kỳ Đổi mới. Thông qua việc kết hợp một cách hiệu quả, nhịp nhàng giữa các kênh ngoại giao và các trụ cột đối ngoại, Việt Nam đang tập trung tích cực triển khai một nền Ngoại giao toàn diện[14] nhằm đáp ứng những đòi hỏi cao hơn của quá trình hội nhập sâu rộng trong tình hình mới. Có thể đơn cử một số hoạt động chính mà Việt Nam đã và đang triển khai có liên quan đến ngoại giao công chúng như sau.
Thứ nhất, chính phủ Việt Nam coi trọng công tác đối ngoại nhân dân và giao lưu, tiếp xúc nhân dân như một kênh đối ngoại nhằm vận động viện trợ của các tổ chức NGO, vận động và tập hợp người Việt Nam ở nước ngoài, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, truyền thống với nhân dân các nước, tham gia vận động và đấu tranh ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và tích cực, chủ động đóng góp vào các hoạt động ngoại giao nhân dân đa phương.
Thứ hai, là ưu tiên mới trong chính sách đối ngoại Việt Nam, công tác Ngoại giao kinh tế nhằm phục vụ mục tiêu hàng đầu là phát triển. Ngoài vai trò đột phá, mở đường, tham mưu, kiểm tra, đôn đốc thực hiện, ngành Ngoại giao còn chú trọng vai trò hỗ trợ, đồng hành, cầu nối không chỉ cho các doanh nghiệp trong nước mà còn cả cộng đồng doanh nghiệp quốc tế (doanh nghiệp, doanh nhân là một bộ phận của công chúng và là đối tượng của ngoại giao công chúng).[15] Chính phủ Việt Nam thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại, hội thảo, diễn đàn với giới doanh nghiệp trong và ngoài nước để chuyển tải thông điệp chính sách, lắng nghe phản hồi, đóng góp ý kiến và cùng nhau tìm ra giải pháp, cách tháo gỡ.
Thứ ba, văn hóa là công cụ truyền thống trong tay mỗi nhà ngoại giao nhằm theo đuổi lợi ích quốc gia một cách thông minh, đầy thuyết phục và rất hiệu quả. Văn hóa được sử dụng một cách tích cực trong ngoại giao song phương lẫn đa phương nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và sự đồng cảm giữa các dân tộc. Vì vậy, Ngoại giao văn hóa là một bộ phận quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam. Ngoại giao văn hóa cùng với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế tạo thành 3 trụ cột vững chắc của chính sách đối ngoại Việt Nam.[16] Ngoại giao văn hóa có tác dụng mở đường khi những quan hệ khác chưa phát triển, có khả năng củng cố các quan hệ chính trị, kinh tế đã có. Với sự đổi mới tư duy (xác định 4 chức năng cụ thể là xúc tác, quảng bá, vận động và tiếp thu)[17] và qua các sản phẩm văn hóa đối ngoại cụ thể, Ngoại giao văn hóa sẽ góp phần xây dựng hình ảnh một Việt Nam đã và đang đổi mới thành công, một Việt Nam có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, và một Việt Nam giàu bản sắc văn hóa, lịch sử hào hùng, thông qua đó tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Năm 2009 được chọn là “Năm ngoại giao văn hóa” nhằm quảng bá, xây dựng thương hiệu và nâng cao vị thế của Việt Nam thông qua các sản phẩm (vật thể và phi vật thể) và các hoạt động giao lưu văn hóa.
Thứ tư, công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại có nhiều cải tiến về phương thức, chú trọng hiệu quả, góp phần tích cực tuyên truyền và phổ biến các chủ trương, chính sách, thành tựu phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước, về quan điểm và đường lối của ta trong lĩnh vực tôn giáo, nhân quyền, đại đoàn kết dân tộc, tranh thủ được sự ủng hộ của dư luận, góp phần đẩy lùi các luận điệu xuyên tạc. Các trang web của Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ở nước ngoài được cải tiến về hình thức cũng như nội dung nhằm cung cấp thông tin và kết nối với bạn bè quốc tế, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Trước thực tiễn đang thay đổi nhanh chóng và những yêu cầu công tác ngày càng cao vì một nền ngoại giao toàn diện, Bộ Ngoại giao cần có một chiến lược dài hạn về Ngoại giao công chúng và một bộ phận chuyên trách về vấn đề này. Đặc biệt, cán bộ ngoại giao Việt Nam không chỉ cần phải hoàn thành tốt những chức năng truyền thống (nhà đàm phán, phát ngôn và bảo vệ chính sách đối ngoại và lợi ích quốc gia) mà còn phải có bản lĩnh, trình độ vượt ra ngoài khuôn khổ truyền thống đó. Nhà ngoại giao hiện đại phải nhận thức rằng đối tượng, lĩnh vực và phương thức hoạt động ngày càng đa dạng và phức tạp, đòi hỏi họ phải hội đủ trình độ (ngoại ngữ, chuyên môn, nghiệp vụ) và các kỹ năng cần thiết. Đặc biệt, việc hiểu biết văn hóa, lịch sử, tình hình nước sở tại và khả năng đối thoại, giao tiếp, diễn thuyết, thiết lập mạng lưới quan hệ, cầu nối với các đối tượng khác nhau trong xã hội sở tại sẽ là chìa khóa quyết định thành công của một nhà ngoại giao hiện đại.[18] Đặt trong tất cả yêu cầu đó, nhà ngoại giao sẽ vừa phải là một nhà hoạt động chính trị, vừa phải là một nhà văn hóa lại vừa phải là một nhà kinh tế, đồng thời cũng phải là nhà báo, một chuyên gia quan hệ công chúng (PR), một chuyên gia tin học, một blogger… Đó có thể là hình ảnh của nhà ngoại giao Việt Nam trong tương lai không xa cũng như là hình ảnh của nhà ngoại giao nhiều nước trên thế giới trong thế kỷ 21./.
———————–
[1] Tác giả chân thành cảm ơn các đồng nghiệp về những ý kiến đóng góp hữu ích cho bài viết này. Những quan điểm trong bài viết này là của riêng tác giả.
[2] Xem thêm Joseph Nye, Soft power: The means to success in world politics, Public Affairs (2004).
[3] Theo giới phân tích, có 3 nguyên nhân chính khiến Mỹ mất dần uy tín chính trị quốc tế cũng như vai trò của mình. Đó là sự bất lực (incompetence), sự thiếu hiểu biết về thế giới bên ngoài (ignorance), và lối hành xử đạo đức giả (hypocrisy). Theo William Kiehl, thất bại của chính sách ngoại giao công chúng của Mỹ là do 4 nguyên nhân: không nhận thức được rằng ngoại giao công chúng không chỉ là một hình thức quan hệ công chúng ở nước ngoài; không kết hợp được ngoại giao công chúng với ngoại giao truyền thống; thiếu sự quản lý tập trung đối với các hoạt động ngoại giao công chúng; không đủ ngân sách cho cho các chương trình ngoại giao công chúng. (William P.Kiehl, American Public Diplomacy and Foreign Policy at a Crossroads, Young Europeans For Security (3/2005)).
[4] Hillary Clinton chủ trương sử dụng “sức mạnh thông thái”, tức là kết hợp các sức mạnh ngoại giao, kinh tế, quân sự, chính trị, pháp lý và văn hóa, kết hợp nhuần nhuyễn giữa các nguyên tắc và chủ nghĩa thực dụng.
[5] Trung Quốc mở rộng mạng lưới truyền thông toàn cầu, Tin tức (6/2/2009), trang 16. Xem thêm Nguyễn Đức Tuyến, Về sức mạnh mềm của Trung Quốc ở châu Á, Nghiên cứu Quốc tế, số 1(72) (3/2008), trang 68-76.
[6] Xem Vũ Khoan, An ninh, phát triển và ảnh hưởng trong hoạt động đối ngoại, trong Hội nhập quốc tế và giữ vững bản sắc, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội (1995), trang 205.
[7] Năm 1999, Cục này được sát nhập vào Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
[8] Theo trang web của Hội cựu thành viên USIA http://www.publicdiplomacy.org.
[9] Vũ Khoan, An ninh, phát triển và ảnh hưởng trong hoạt động đối ngoại, trong Hội nhập quốc tế và giữ vững bản sắc, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội (1995), trang 205.
[10] Alan K.Henrikson, What Can Public Diplomacy Achieve?, Discussion Papers in Diplomacy, Netherlands Institute of International Relations (2006), trang 8.
[11] Lord Carter of Coles, Public Diplomacy Review (12/2005), trang 8.
[12] A Call for Action on Public Diplomacy, A Report of The Public Diplomacy Council, The Public Diplomacy Council, Washington DC (1/2005), trang 4.
[13] Xem thêm trong Từ điển Bách khoa Việt Nam tại http://dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn/.
[14] Trong bài phát biểu tại buổi gặp mặt Đoàn Ngoại giao nhân dịp Tết Kỷ Sửu 2009, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh Việt Nam sẽ triển khai mạnh mẽ nền Ngoại giao toàn diện với 3 trụ cột là Ngoại giao chính trị, Ngoại giao kinh tế và Ngoại giao văn hóa, tiếp tục đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác quốc tế. Xem thêm Lưu Tú Anh, 2009: Năm ngoại giao văn hóa, Tuổi trẻ (15/1/2009) (truy cập tại http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=297643&ChannelID=10).
[15] Xem thêm Phạm Gia Khiêm, Ngoại giao kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, Tạp chí Cộng sản, số 22 (166) (2008).
[16] Xem thêm bài phỏng vấn Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam với nhan đề “Năm 2009, gắn kết chặt chẽ 3 trụ cột ngoại giao: Chính trị – Kinh tế – Văn hóa” trên trang http://www.tapchicongsan.org.vn hoặc http://www.mofa.gov.vn.
[17] Xem thêm bài phỏng vấn Vụ trưởng Vụ văn hóa đối ngoại và UNESCO Phạm Sanh Châu của phóng viên Vietnamnet với nhan đề “UNESCO: Quảng bá Thăng Long-Hà Nội trong Năm ngoại giao văn hóa” (truy cập tại http://vietnamnet.vn/vanhoa/2009/01/822921/).
[18] Karl Th.Paschke, Public Diplomacy, Tham luận tại Hội thảo “Challenges for Foreign Ministries: Managing Diplomatic Networks and Optimising Value”, 31/5-1/6/2006, Geneva; Alex Evans và David Steven, Towards a theory of influence for twenty-first-century foreign policy: public diplomacy in a globalised world, trích trong “Engagement: public diplomacy in a globalised world”, Bộ Ngoại giao và Khối Thịnh vượng chung Vương quốc Anh (7/2008).
-
-
AuthorPosts
- You must be logged in to reply to this topic.