Nhìn lại cuộc chiến chống FULRO những năm 1970 – 1980

  • This topic is empty.
Viewing 0 reply threads
  • Author
    Posts
    • #35474
      NCQT
      Keymaster

      Nhìn lại cuộc chiến chống FULRO những năm 1970 – 1980

      Tác giả: Ngọc Hà (Báo Công an TPHCM)

      Lật lại hồ sơ đấu tranh với FULRO, chúng ta sẽ rút ra được nhiều bài học quý báu về xây dựng và bảo vệ vùng đất Tây Nguyên, về khối đại đoàn kết dân tộc và đấu tranh chống các luận điệu chia rẽ, kích động, gây rối…

      FULRO (viết tắt từ Front Uni de Lutte des Races Opprimées) là phong trào đấu tranh chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm của các dân tộc thiểu số ở miền Nam – Việt Nam từ 1958. Thế nhưng, nó đã lần lượt bị các thế lực chống phá Việt Nam lợi dụng, lèo lái.

      Sau 30/4/1975, được sự hà hơi, tiếp sức của ngoại bang, FULRO đã ngóc dậy, trở thành một tổ chức chính trị vũ trang, phản động, gây ra hàng loạt các cuộc khủng bố đẫm máu, đau thương cho các dân tộc ở Tây Nguyên. Trong cuộc đấu tranh giải quyết Phỉ, FULRO; Đảng, Nhà nước ta luôn chủ trương khoan dung với những người lầm lỗi trở về. Nhiều thủ lĩnh cao cấp của FULRO đã nhận ra chính nghĩa, lần lượt trở về với nhân dân, buôn làng của mình. Qua quá trình đấu tranh, triệt phá tổ chức FULRO, lực lượng CA đã thể hiện trí tuệ, bản lĩnh và nổi lên nhiều gương sáng anh hùng.

      Lật lại hồ sơ đấu tranh với FULRO hơn 30 năm trước, chúng ta sẽ hiểu được bản chất của tổ chức FULRO và con đường dẫn đến sự rệu rã, diệt vong tất yếu của chúng, từ đó rút ra được nhiều bài học quý báu về xây dựng và bảo vệ vùng đất Tây Nguyên, về khối đại đoàn kết dân tộc và đấu tranh chống các luận điệu chia rẽ, kích động, gây rối…

      Mục sư FULRO tiến hành nghi lễ ở Tây Nguyên, 1992. Ảnh: Nate Thayer.

      ———————————

      I – TỪ THỦ LĨNH FULRO ĐẾN… ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

      Ông Nahria Ya Đuk (SN 1940, dân tộc K,Ho, quê gốc Lâm Đồng) – nguyên Đệ nhất phó thủ tướng, kiêm Đổng lý văn phòng “TW FULRO”, Đệ nhị Phó chủ tịch “Phong trào đoàn kết các sắc tộc thiểu số Cao Nguyên Việt Nam”, Tư lệnh vùng 4, rồi Tư lệnh Sư đoàn Bi-đoop-FULRO. Hiện ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng trông ông vẫn rất phong độ, hoạt ngôn và sâu sắc. Ông thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và nhiều thứ tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh Tây Nguyên.

      Sở dĩ chúng tôi nói nhiều về ông Ya Đuk như vậy bởi ông có ảnh hưởng rất lớn trong tổ chức FULRO và là “nhân vật chính” trong chuyên án của CA Lâm Đồng với kế hoạch câu nhử cực kỳ táo bạo và trí tuệ (chúng tôi sẽ phản ánh trong loạt bài sau). Sau khi kết thúc chuyên án này, từ là người “bên kia chiến tuyến”, năm 1983, ông Ya Đuk trở thành Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Năm 2007, ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa XII.

      Ông Ya Đuk cho biết: Ông tham gia tổ chức FULRO từ năm 1965. Trước đó, ông tốt nghiệp đại học quốc gia tài chính tại Sài Gòn, với kết quả học tập xuất sắc, ông được điều về giữ luôn chức Trưởng ty tài chính kinh tế Vũng Tàu, rồi tham gia phiên dịch trong các cuộc thương thuyết do ông Y Bhăm Ênuol (1923 – 1975, dân tộc Ê Đê, sinh trưởng tại Buôn Ma Thuột – Đăk Lăk, người lập ra tổ chức FULRO), với đại diện chính phủ Sài Gòn. Năm 1965, Hội nghị các nước Đông Dương diễn ra tại Phnôm Pênh – Campuchia, ông Ya Đuk cũng được mời dự. Khi đó ông 25 tuổi.

      Ông Ya Đuk nhớ lại: “FULRO ra đời với tên gọi tiếng Pháp là Front Uni de Lutte des Races Opprimées, viết tắt là FULRO (Mặt trận thống nhất đấu tranh của các sắc tộc bị áp bức). Nghe hấp dẫn quá, khiến tôi nghĩ đó là lý tưởng và bước theo. Đâu ngờ đó là sự bịp bợm của các thế lực phản động. Tôi đã không nhận ra thực dân, đế quốc muốn dùng FULRO làm công cụ thực hiện mưu đồ xấu ở Tây Nguyên…”.

      FULRO tái xuẤt cùng tội ác

      Cuộc tổng tiến công giải phóng miền Nam (năm 1975) là một bất ngờ lớn, phá vỡ kế hoạch của FULRO và các thế lực chi phối, chỉ đạo, ủng hộ FULRO.

      Sau khi Tây Nguyên được giải phóng, FULRO cho thu nhặt vũ khí, quân trang, quân dụng của quân đội Sài Gòn bỏ lại và cơ cấu thành một tổ chức phản động có vũ trang do Kpă Kới làm Phó tổng tư lệnh kiêm Phó chủ tịch FULRO; bên dưới có Bộ Tổng tham mưu do Y Bach Êban làm Tổng tham mưu trưởng và bố trí lực lượng theo 4 vùng chiến thuật – do chúng đặt ra, tương ứng với các địa bàn chủ yếu như sau: vùng 1 là miền Tây Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên; Vùng 2 là Gia Lai, Kon Tum; Vùng 3 là Đăk Lăk, Quảng Đức; Vùng 4 là khu vực Lâm Đồng, Phan Rang, Ninh Thuận. Trong đó, vùng 4 hoạt động ráo riết hơn cả.

      Trong hai năm 1975-1976, lợi dụng tình hình sau ngày giải phóng, FULRO nổi lên hoạt động mạnh ở nhiều nơi. Chúng xuất hiện ở nhiều buôn làng Tây Nguyên, rải truyền đơn, xuyên tạc chính sách dân tộc của Đảng, Chính phủ; kích động, lôi kéo quần chúng, đồng thời đẩy mạnh hoạt động khủng bố, tấn công vào các đơn vị bộ đội, tổ công tác của ta ở một số thị trấn, thị xã; ám sát, phục kích, giết hại 213 người, làm bị thương 245 người khác, gồm cả cán bộ, bộ đội và dân thường; cướp một số súng đạn, hàng hóa, phục kích, tập kích đường giao thông, đốt phá trụ sở, nhà dân nhằm mục đích vừa phá hoại vừa gây thanh thế. Hoạt động của chúng diễn ra hết sức phức tạp, gây cho ta nhiều khó khăn trong xây dựng, củng cố chính quyền mới ở vùng đồng bào dân tộc. Hàng ngàn thanh niên dân tộc Chăm, Ê Đê, Ja Rai, K,Ho bị FULRO lôi kéo, cưỡng bức vào rừng theo FULRO.

      Đầu năm 1976, phần lớn số FULRO bị bắt, tập trung cải tạo tại Gia Lai được hưởng chế độ khoan hồng của Đảng, nhà nước, trở về sum họp với gia đình. Thế nhưng, với bản chất phản động, một số tên cầm đầu lén lút móc nối hoạt động. Chúng vừa bí mật củng cố lại lực lượng cơ sở ngầm ở các buôn làng, vừa ráo riết tổ chức lực lượng vũ trang ngoài rừng. Tại Gia Lai, ngày 14/6/1976, toán FULRO do Y Toan Êban và Ksor Hit đi liên lạc với “trung ương FULRO” từ Đăk Lăk trở về đã móc nối với các tên Nay Phun, Nay Rông, R Cơm Xik và 20 đối tượng khác đang lẩn trốn trên địa bàn huyện Chư Sê để thành lập khung chỉ huy gọi là “quân đoàn” 12 FULRO với 12 tên do Nay Phun làm “Tư lệnh”, R Côm Sik được giao làm “tỉnh trưởng” Pleiku. Ngay sau khi hình thành tổ chức ở Gia Lai, FULRO đã tiến hành nhiều hoạt động khủng bố để gây thanh thế, khống chế quần chúng với những hành động điên cuồng, tàn ác. Từ tháng 8/1976 đến tháng 2/1977, chúng gây ra 5 vụ tập kích trên Quốc lộ 19 và 25, mai phục, chặn đường và giết hại 106 người. Tập kích 4 vụ vào một số lâm, nông trường và các xã, bắt đi 29 người và lôi kéo, khống chế hàng trăm thanh niên ra rừng theo FULRO.

      Thượng tá Rah Lan Lâm (dân tộc Ra Jai) – Phó giám đốc phụ trách an ninh CA tỉnh Gia Lai kể lại: đầu năm 1976, khi đó, anh là một cậu bé 9 tuổi, nhưng đến bây giờ anh vẫn nhớ rõ tội ác của FULRO. Chúng đã kéo quân vào buôn làng Ki Phun (xã Nhơn Hòa, huyện Chư Prông) của anh, bắn giết hàng chục đồng bào gồm cả người dân tộc thiểu số và người Kinh. Một buổi sáng, chúng bắn hai quả M79 vào nhà anh, nhưng khi đó cả nhà đều đang ở trung tâm xã cùng hàng trăm gia đình khác để vui mừng cách mạng toàn thắng và góp sức thu nhặt từng viên gạch, mái ngói để xây dựng lại các trụ sở, nhà dân bị giặc tàn phá, nên may mắn không ai bị thiệt mạng. Song, căn nhà của anh thì bị thiêu rụi. 12 tuổi, anh đã chứng kiến hàng chục thanh thiếu niên của làng mình bị bắt đi FULRO, ai phản ứng hoặc chống cự lại đều bị giết rất thê thảm. Bản thân anh cũng bao phen đi lánh nạn để không bị ép vào một tổ chức “phức tạp”. Cũng chính từ lòng căm thù giặc và tình yêu buôn làng, năm 1979, anh đã tự nguyện viết đơn xin tham gia vào lực lượng CA để đi chống FULRO, bảo vệ bình yên cho buôn làng, quê hương của mình.

      Tại Lâm Đồng, Tuyên Đức (bao gồm TP. Bảo Lộc và các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Bảo Lâm, Di Linh của Lâm Đồng ngày nay), ngay từ đầu năm 1975, nổi lên đối tượng FULRO Nicolai, tên thật là Ha Nhang, con của mục sư Ha Prông – chủ nhiệm Nam Thượng hạt (bao gồm các tỉnh Sông Bé, Lâm Đồng và TX. Bảo Lộc; nổi tiếng có uy tín và ảnh hưởng trong lực lượng FULRO). Theo chiến thuật của FULRO, vùng 4 (Quân khu 4) bao gồm các tỉnh Nam Thượng hạt, sẽ là vùng chiến thuật, quan trọng nhất của FULRO. Nicolai (từng là lính chế độ cũ) tự xưng là Tư lệnh vùng 4 và bộc lộ hành động gây bạo loạn, khủng bố nhằm phô trương thanh thế. Dưới sự chỉ đạo của tên Nicolai, bọn FULRO tập kích vào các cơ quan Đảng, chính quyền, lôi kéo đồng bào dân tộc ra rừng theo chúng. Ngày 8/4/1975, sau đúng 5 ngày quân ta giải phóng Đà Lạt, bọn FULRO đã phục kích đội công tác của ta do đồng chí K,Brèo (thường gọi Bặp Chai, dân tộc K,Ho) – thường vụ huyện ủy Đức Trọng làm Đội trưởng; đồng chí Hà Ban, một thành viên của đội đã anh dũng hy sinh. Cùng đó, tại Lâm Đồng, bọn “TW FULRO” thay đổi một số tên tỉnh trưởng FULRO cũ, đưa bọn cốt cán, hung hăng thay thế, cải tổ bộ máy chỉ huy ở vùng 4 để chuẩn bị cho âm mưu chiến lược lâu dài và lập vùng 5 duyên hải.

      Năm 1976, xã Tân Hội (huyện Đức Trọng – Lâm Đồng) mới thành lập, tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân cấp xã. Nửa đêm, FULRO đột kích cướp thùng phiếu rồi bắn súng M16, M79 vào trường tiểu học vừa xây dựng xong, sau đó bắt cóc rồi sát hại một cán bộ xã. Cũng tại địa bàn này, những năm đầu sau giải phóng đã xảy ra nhiều trận đánh dữ dội. Lực lượng vũ trang địa phương đã tiêu diệt và bắt giữ nhiều tên FULRO cốt cán.

      Tại tỉnh Đăk Lăk, đêm 23/7/1976, khoảng 50 tên FULRO bất ngờ tập kích vào đơn vị bộ đội thông tin tại buôn Gram (huyện Krông Buk) làm 3 đồng chí hy sinh, 6 đồng chí bị thương. Ngày 16/1/1977, tại buôn Cuôr Đăng (Krông Buk), bọn FULRO tập kích giết đồng chí Ma Đôi – Bí thư chi bộ xã, bắn bị thương đồng chí chủ tịch xã, lấy đi 23 súng và lôi kéo 17 du kích người dân tộc vào rừng. Ngày 9/2/1977, một toán FULRO ngoài rừng kết hợp với số hoạt động bí mật trong các buôn Puôr, Cuôr Ta Ra (Buôn Ma Thuột) chặn bắt 26 người dân ở xã Hòa Đông, 5 người chống cự, bị chúng xả súng và dùng dao giết chết. Còn lại 21 người, chúng đưa ra rừng rồi dùng súng bắn chết cùng một lúc. Đây là vụ thảm sát lớn nhất, kinh hoàng nhất mà FULRO gây ra từ trước tới nay. Vụ án này đã gây hoang mang trong quần chúng nhân dân, gây mất ổn định tình hình an ninh chính trị ở vùng Tây Nguyên.

      Trước bối cảnh đó, ta đã mở hàng loạt chiến dịch hành quân quy mô, truy quét, đánh vào sào huyệt của FULRO tại Đăk Lăk, Gia Lai, Lâm Đồng, Tuyên Đức. Khu ủy Khu 6 thành lập Ban chỉ đạo truy quét FULRO do Thường vụ Khu ủy phụ trách, bên dưới là Ban chỉ đạo cấp tỉnh. Lực lượng vũ trang được sử dụng để tấn công truy quét FULRO lúc này là Sư đoàn 10 thuộc Bộ Quốc phòng, Trung đoàn 812 của Khu 6 và lực lượng quân đội, công an các địa phương. Kết quả, từ năm 1975 đến 1977 ta đã bắt, gọi về đầu hàng 152 trường hợp, 2.539 tường hợp khác về đầu thú, trình diện (trong đó 839 tên có chức vụ), thu giữ 251 khẩu súng các loại, 17 lựu đạn, 1 máy đánh chữ. Nhiều lãnh đạo FULRO cao cấp như: Y Chôn Mlô Duôn Du, Y Bliêng Hmok, Y Nguê, Y Djao Niê, Nay Guh… đã lần lượt bị bắt và bị đưa vào trại cải tạo tại Buôn Ma Thuột. Hơn 2.000 tàn quân FULRO Đêga chạy sang Campuchia và được Kmer Đỏ tiếp nhận, sau đó quay lại tiếp tục hoạt động chống phá, khủng bố.

      Tháng 5/1976, một số tên cầm đầu FULRO Đêga bị giam, gồm: Y Djao Niê, Nay Guh, Nay Ful, Nay Rông, Y Bliêng Hmok, Y Nguê… cùng nhiều người khác đã tổ chức vượt ngục và ám sát ban lãnh đạo FULRO Đêga cũ (gồm Kpa Kới, Y Bach Êban, Y Dhê Buôn Dap…) để giành quyền lãnh đạo. Y Djao Niê – nguyên là trung tá quân đội Sài Gòn cũ (tên thường gọi là Đampơ Kwei), đứng ra thành lập nội các mới, tự xưng là thiếu tướng, Thủ tướng FULRO và đưa Nahria Ya Đuk làm Phó thủ tướng thứ nhất kiêm Tư lệnh vùng 4. Dưới ban bệ này có các Bộ trưởng. Nội bộ FULRO bộc lộ những mâu thuẫn, thù hằn và sát hại lẫn nhau. Một số nản chí, bỏ về làng làm nương rẫy, một số buông súng ra đầu hàng.

      II – NHỮNG TRẬN ĐÁNH KHỞI ĐẦU

      Giữa năm 1976, vừa trở thành thủ tướng FULRO (tự phong), Y Djao Niê bắt liên lạc và cấu kết với Huỳnh Ngọc Sắng (thủ lĩnh FULRO Chăm) lập nhiều căn cứ trải dài từ Phan Rang – Thuận Hải đến các huyện Đơn Dương, đèo Sông Pha, thị trấn Tùng Nghĩa (Đức Trọng), tổ chức các cuộc đột kích, đốt phá nhiều trụ sở UBND xã, huyện; bắn phá các doanh trại bộ đội, phục kích và ám sát nhiều cán bộ của ta; chặn xét, cướp bóc tài sản của khách đi xe đò, bắn giết nhiều người dân vô tội…

      Khủng bố bằng bản án trên xác nạn nhân

      Trước việc sử dụng vũ trang âm mưu chống phá hòa bình, chống phá cách mạng của FULRO, tại các tỉnh Tây Nguyên, hàng chục chuyên án chống FULRO của ta được triển khai. Tuy nhiên, do FULRO chỉ tập trung trong rừng sâu, chủ trương tấn công ta bằng vũ trang, bạo động; trong khi ta lại áp dụng quyết sách quá mềm dẻo, chủ yếu vận động quần chúng kêu gọi FULRO về hàng, hạn chế việc “đáp trả” nên phía ta thương vong rất lớn. Đổi lại, cũng nhờ công tác vận động quần chúng, chú trọng thực hiện các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: định canh, định cư, phát triển kinh tế, ổn định đời sống… ta dần xây dựng được nhiều mạng lưới cơ sở tốt, chuẩn bị cho cuộc phản công với phương châm giải quyết FULRO: “người về, vũ khí về, tư tưởng về”.

      Đầu năm 1977, Fulo vẫn tiếp tục tuyên truyền, kích động, gây chia rẽ hận thù và hoạt động vũ trang, đe dọa cán bộ và quần chúng ở khắp buôn làng hẻo lánh của Tây Nguyên. Tháng 7/1977, Y Djao Niê trở lại vùng 4 tổ chức một cuộc họp, tuyên bố thành phần nội các mới: bổ nhiệm Paul Yưh làm Tư lệnh trưởng vùng 4 thay cho Ya Đuk điều chuyển làm Đổng lý văn phòng phủ thủ tướng. Lúc này, FULRO Đêga vẫn duy trì, củng cố hệ thống tổ chức bao gồm cả hệ thống hành chính và quân sự từ trung ương đến các tỉnh, quận, xã. Chúng bố trí lực lượng và hoạt động cả trong buôn và ngoài rừng. Các cơ quan chỉ huy từ tỉnh đến vùng chiến thuật và bộ phận của trung ương FULRO đóng ở vùng rừng núi sâu hơn. Chúng vẫn tiếp tục tìm kiếm sự hậu thuẫn, câu kết với các thế lực phản động trong và ngoài nước, chủ trương quan hệ với bất cứ quốc gia nào, không kể thể chế chính trị, miễn là ủng hộ, giúp đỡ FULRO. Y Djao Niê đã chuẩn bị một số “công hàm” kêu gọi các nước giúp đỡ, viện trợ cho FULRO. Trong hai năm 1977 – 1978, trên toàn địa bàn Tây Nguyên, FULRO đã gây ra hàng trăm vụ tập kích, phục kích, làm chết 376 người, làm bị thương 318 người, phá hủy, đốt phá nhiều xe cộ, kho hàng, trụ sở. Ngoài địa bàn Tây Nguyên, FULRO còn mở rộng hoạt động ra các địa bàn vùng núi phụ cận thuộc tỉnh Phú Khánh cũ (Diên Khánh, Ninh Hòa, Cam Ranh), Đồng Nai (Tân Phú, Xuân Lộc, Thống Nhất), Sông Bé (Phước Long, Bình Phước)…

      Tại Lâm Đồng, đầu năm 1977, bọn FULRO tăng cường hoạt động tại các thôn ấp. Chúng bắt cóc, ám sát cán bộ, du kích, nổi lên tại các huyện Đức Trọng, Di Linh và TP. Đà Lạt. Ngày 27/1/1977, chúng bắt cóc rồi thủ tiêu anh K’Trang, một người dân thường, trú xã Liên Đầm – Di Linh. Sau đó, vứt xác anh ngay bên vệ đường Quốc lộ 20 và đặt cạnh xác anh một… “bản án”, viết rằng, K’Trang không chịu vào rừng theo “tổ chức FULRO” nên đáng bị xử tử!

      Cắt máu ăn thỀ “đánh” FULRO

      Trước diễn biến phức tạp của bọn phản động FULRO, đầu năm 1977, Ban Bí thư Trung ương đã ra chỉ thị 04/CT-TW về đẩy mạnh việc giải quyết vấn đề FULRO. Với chỉ thị này, công tác đấu tranh, giải quyết FULRO đã chuyển sang một giai đoạn mới với nhận thức đúng và phương pháp, biện pháp có hiệu quả. Đây là giai đoạn thực sự “nóng” và căng thẳng. Qua các đợt phát động quần chúng nhân dân trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, thấy rõ phải đánh bại các âm mưu và hoạt động của bọn phản cách mạng mà FULRO chính là một thứ công cụ của chúng. Có như thế mới bảo vệ được cuộc sống, bảo vệ được thành quả cách mạng chính quyền và các vùng dân tộc. Nhiều nơi, đồng bào dân tộc thiểu số đã tự nguyện nhận kết nghĩa, phối hợp với bộ đội, công an và các ban ngành đoàn thể cùng quyết tâm chống lại tội ác của FULRO. Nhiều nơi quần chúng cắt máu ăn thề: không theo, không tiếp tế, không nghe lời FULRO, phát hiện FULRO là báo ngay cho cán bộ biết. Điển hình là một người dân ở xã Ea Drông (huyện Krông Buk), phát hiện chỗ trú ẩn của FULRO, báo cho ta bắt gọn 50 tên. Tại huyện Lăk (Đăk Lăk), quần chúng báo cho ta bắt 38 tên, trong đó có cả Ban chỉ huy tiểu đoàn, thu hồi 42 súng các loại, 6 máy thông tin.

      Tại Lâm Đồng, dưới sự chỉ đạo và tăng cường quân số của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), lực lượng an ninh CA Lâm Đồng, CA các huyện Đức Trọng, Lạc Dương, Đơn Dương, Bảo Lộc đã lập nhiều chuyên án “đánh” FULRO. Dưới sự chỉ huy của Ban chuyên án bao gồm Thường vụ Tỉnh ủy, Ban giám đốc CA tỉnh và lực lượng quân đội, ta đã đánh 36 trận, thu 104 khẩu súng các loại, 51 lựu đạn, 587kg lương thực và nhiều tài liệu quan trọng, làm tan rã hai tiểu đoàn, tiêu diệt tên thiếu úy – trưởng hai tiểu đoàn; phá 6 tiểu đoàn trù bị, 14 tổ chức chính quyền FULRO cấp xã; phá 2 tổ chức FULRO cấu kết với bọn phản động là “Mặt trận tự quyết” ở Tùng Nghĩa (Đức Trọng); xóa sổ nhiều căn cứ của FULRO; bắt sống, gọi hàng 46 đối tượng, trong đó có những FULRO cộm cán, như Ha Prông – chủ nhiệm Nam Thượng hạt, Tranghi K,Năm – nguyên đại úy chế độ cũ, vừa được “TW FULRO” phong hàm chuẩn tướng, phụ trách vùng Đầm Ròn, Tu Rum Cháp (nguyên đại tá ngụy) – đại tá, tham mưu trưởng FULRO, Ha Yu Ni – trung tá, ủy viên công cán kiêm trưởng ban an ninh tình báo TW FULRO. Tuy nhiên, đồng chí Vũ Linh, khi đó là lãnh đạo phòng Bảo vệ chính trị an ninh CA Lâm Đồng đã quyết định giữ mạng sống và đối xử nhân ái với nhóm chóp bu này. Tại biệt thự Đời Tân (hiện là nhà khách CA tỉnh Lâm Đồng), Ha Yu Ni được phép đón vợ đến ở cùng trong khoảng thời gian 3 tháng và sinh thêm một cậu con trai. Lần lượt K’Năm, Tu Rum Cháp, Ha Prông đã nhận thức được con đường mình đi là lầm lỗi nên hợp tác với cách mạng. Ha Prông sau đó già yếu, chết tại Đa Me – Nthol hạ (Đức Trọng). K,Năm vốn có mâu thuẫn với Nicolai, sau bị nhóm FULRO chiến hữu của Nicolai dụ ra rừng sát hại… Hai tên cộm cán khác như Hà Sáu A – đại tá, cố vấn vùng 4 và thiếu tá Lương Hắc Long – ủy viên công cán của FULRO vùng 4 ngoan cố dùng súng chống trả quyết liệt đã bị ta tiêu diệt.

      Ngày 8/9/1978, bằng công tác trinh sát, ta xác định được căn cứ Galthi của FULRO bao gồm 50 tên do tên đại úy K’Măng (Ma Na Ly) chỉ huy với chừng 15 khẩu súng các loại, di chuyển từ khu vực chân núi Galthi (huyện Lâm Hà) về khu vực làng Bliêng (Đức Trọng) với âm mưu mở một đợt “giết cán bộ, bộ đội, công an, du kích trên đường đi công tác”, để ngày 13/9/1978 sẽ đón một phái đoàn từ “trung ương FULRO” về. Được tin, Ban giám đốc CA tỉnh Lâm Đồng phối hợp CA huyện Đức Trọng chia làm 3 mũi tấn công, đánh sập căn cứ của chúng, tiêu diệt tên đại úy K’Măng cùng 6 tên khác. Số còn lại bắt sống, thu 150kg lương thực, toàn bộ vũ khí và tài liệu.

      Trước tình hình hoạt động ngày càng táo bạo của FULRO, đặc biệt là hoạt động vũ trang gây tội ác và ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, Bộ Nội vụ chỉ đạo các ty (sở) công an Tây Nguyên giải quyết cơ bản vấn đề FULRO. Tại Đăk Lăk, tháng 2/1977, lực lượng CA xác lập 10 chuyên án đấu tranh với FULRO, phối hợp với Cục cảnh sát bảo vệ, quân đội, du kích đánh 125 trận, tác động, lôi kéo về hàng 776 đối tượng, giáo dục 11.945 người là cơ sở tiếp tế cho FULRO ngoài rừng, thu 639 súng các loại. Bị ta truy quét mạnh, cuối năm 1977, 1.400 thành viên FULRO đã rời bỏ hàng ngũ. FULRO lâm vào thế bị động, giảm hẳn hoạt động vũ trang và các cuộc tập kích lớn trên đất Đăk Lăk.

      Tấm gương anh dũng chiến đấu, hy sinh của đồng chí Y Thuyên Ksơr

      Trong quá trình giải quyết FULRO, nhiều cán bộ, chiến sĩ công an đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, mưu trí dũng cảm chiến đấu lập công xuất sắc. Có đồng chí đã anh dũng hy sinh. Tiêu biểu là gương chiến đấu hy sinh anh dũng của đồng chí Y Thuyên Ksơr – Trưởng phòng Bảo vệ Ty CA Đăk Lăk.

      Để tăng cường lực lượng đấu tranh với bọn phản động FULRO, bảo vệ chính quyền cơ sở, tháng 2/1977, đồng chí Y Thuyên Ksơr được cấp trên điều động xuống địa bàn huyện Krông Păk nắm tình hình, xây dựng cơ sở, phát động quần chúng đấu tranh chống FULRO. Chiều 22/2/1977, nhận được tin FULRO sẽ về hàng tại buôn Ea Mtá, đồng chí Y Thuyên Ksơr cùng đồng đội đến ngay địa bàn để nắm tình hình. Đêm hôm đó, 50 tên FULRO bất ngờ đột nhập vào buôn tập kích. Đồng chí Ma Nghi – cán bộ huyện hy sinh, đồng chí Y Nang và cụ Ma Yan bị chúng bắn trọng thương. Mặc dù lực lượng quá chênh lệch, nhưng đồng chí Y Thuyên Ksơr vẫn bám trụ chiến đấu bảo vệ cán bộ, bảo vệ nhân dân. Trong tình huống đối mặt với kẻ thù, đồng chí Y Thuyên đã bị chúng bắn trọng thương. Anh tiếp tục gượng dậy chiến đấu, tiêu diệt 4 tên FULRO thì ngã xuống. Trong 16 năm công tác và chiến đấu, đồng chí Y Thuyên Ksơr đã được Đảng và nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương và được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

      III – ẢO VỌNG ĐIÊN CUỒNG

      Từ năm 1978-1979, tổ chức, hoạt động của FULRO tiếp tục có những thay đổi. Do mâu thuẫn nội bộ, ngày 12/10/1978, Y Ghơk Niê Kđăm và Nay Guh tổ chức đảo chính, giết chết Y Djao Niê. Y Ghơk Niê lên làm “thủ tướng” FULRO và thành lập nội các mới, sắp xếp lại cơ cấu quân sự từ trung ương đến các quân khu. Ya Đuk làm phó thủ tướng thứ nhất đặc trách nội trị và ngoại giao, kiêm phó chủ tịch thứ nhất FULRO Đêga. Paul Yưh là phó thủ tướng thứ hai đặc trách an ninh quốc phòng. Cơ quan lãnh đạo FULRO đặt tại Đầm Ròn (Lâm Đồng). Đồng thời trung ương FULRO ban hành thiết chế quân luật, ấn định quyền hành và trách nhiệm các cấp chỉ huy trong tổ chức của chúng.

      Lúc này, bọn cầm đầu FULRO liên lạc được với Sư đoàn 920 của Pôn Pốt đóng tại tỉnh Monđunkiri – Campuchia. Được sự giúp đỡ trực tiếp của Pôn Pốt, FULRO đã đưa gần 200 tên (chủ yếu là số cầm đầu, chỉ huy) sang lập căn cứ tại biên giới Campuchia để huấn luyện, nhận vũ khí và thiết lập hành lang Tây Nguyên – Campuchia. Từ năm 1979, được sự hậu thuẫn của các thế lực phản động, khoảng 1.500 quân FULRO về lại Việt Nam hoạt động, lập thành các toán du kích, đột nhập các trung tâm thành phố, thị xã và các tỉnh Tây Nguyên: Pleiku, Kon Tum, Đà Lạt, Đăk Lăk, Lâm Đồng để khủng bố, ám sát cán bộ rồi rút sang bên kia biên giới. Mặt khác, chúng tiếp tục các hoạt động du kích, phá hoại, lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số nổi dậy và bắt theo nhiều thanh niên từ 15 tuổi trở lên vào rừng. FULRO tuyên bố sẽ trả thù dã man những ai “phản bội” hàng ngũ, quay trở về buôn làng hoặc tố giác chúng. Tuy nhiên, vẫn có những người con của buôn làng tỏ ra rất dũng cảm, không ngán ngại bọn chúng.

      Nữ già làng duy nhất ở Tây Nguyên và cũng là bộ đội nghỉ hưu – Ksơr H,Lâm (SN 1945, làng K,rông, xã Ia Ma, huyện Chư Prông, Gia Lai) kể lại: Khoảng tháng 3/1979, một lần, một mình bà đi từ xã Nhơn Hoà qua xã Ia Ly để vào rừng vận động số FULRO từng là người làng cũ với bà đang lẩn trốn, kêu gọi họ trở về với gia đình, buôn làng thì bị chúng đe dọa. Già vẫn không sợ và kiên trì giải thích, thuyết phục chúng quay trở về. Không những không nghe, bọn chúng còn lấy súng uy hiếp, dọa bắn, nhưng già không sợ mà vẫn bình thản nói: “Có giết một mình tôi thì vẫn còn cả buôn làng và rất nhiều người Tây Nguyên vẫn đi theo cách mạng, vẫn theo Đảng, Bác Hồ và đang được sống thoải mái, ấm no hơn những người theo FULRO phải sống chui lủi trong rừng, quay lưng với đồng bào. Về với buôn làng mình đi…”. Bọn FULRO lắc đầu rồi bỏ đi, Ksơr H,Lâm khi đó là một phụ nữ 36 tuổi, cảm thấy cay cay nơi khóe mắt của mình khi nghĩ về những đồng bào của mình bị dụ dỗ, ép buộc ở bên kia chiến tuyến.

      Đại tá Y Thoal H,Mok – Phó giám đốc CA tỉnh Đăk Lăk cho biết: Thời điểm này, song song với công tác truy quét FULRO ngoài rừng, lực lượng CA cùng các ban ngành các tỉnh Tây Nguyên đã huy động trên 1.000 cán bộ triển khai xuống các địa bàn trọng điểm, bám dân, phát động quần chúng vận động chính trị, tổ chức các lớp học tập tài liệu chống FULRO và lắng nghe phát biểu, đóng góp ý kiến từ quần chúng về vấn đề FULRO. Có trên 2.800 lượt người tham dự; hàng trăm người đã liên hệ cán bộ vạch mặt tội ác của FULRO trước quần chúng, kêu gọi chồng con, người thân đang theo FULRO trở về làm ăn lương thiện. Hàng ngàn người tự nhận đã tiếp tế cho FULRO nay muốn lập công chuộc tội. Trong hai năm 1978-1979, thêm gần 3.000 FULRO quay về hàng để sống yên ổn với gia đình. Số FULRO còn lại ở rừng, hầu hết là ngoan cố, hoặc bị ép buộc. Chúng điên cuồng chống phá ta dữ dội.

      Tội ác tàn bạo

      Đầu năm 1979, tại huyện biên giới Ea Sup (Đăk Lăk), liên tiếp xảy ra các vụ chặn đánh xe trên đường giao thông, làm 7 cán bộ của ta bị chết, 7 người khác bị thương. Mặc dù không bắt quả tang được những kẻ gây án, nhưng bằng nghiệp vụ, ta xác định và bắt giữ 3 đối tượng liên quan vào ngày 14/3/1979. Qua khai thác chúng và từ các tài liệu trinh sát, ta bóc gỡ được có một tổ chức cơ sở ngầm FULRO, bao gồm: 1 tiểu đoàn 85 tên, được phân thành 3 đại đội, đóng tại 3 buôn trong huyện do Y Trơn làm tiểu đoàn trưởng. Bọn chúng đã cưỡng ép được một cán bộ lãnh đạo của lực lượng vũ trang ta làm cơ sở cho chúng và dự định kéo nhau ra rừng hoạt động chống phá ta lâu dài. Nhưng âm mưu của chúng đã kịp thời bị ta phát hiện, phá rã.

      Ngày 31/3/1979, đồng chí Nguyễn Thanh Tùng – cán bộ phòng cảnh sát bảo vệ được giao bảo vệ đoàn cán bộ Tỉnh ủy và Trung ương về làm việc tại huyện Ea Sup. Trên đường đi, cách trung tâm huyện 6km thì bị 8 tên FULRO phục kích đánh hỏng trần và kính chắn gió của xe. Bất chấp sự nguy hiểm đang đe dọa tính mạng, đồng chí Tùng nhoài người ra cửa xe dùng súng bắn trả quyết liệt bọn phản động, khiến bọn FULRO cuống cuồng tháo chạy; bảo vệ an toàn đoàn cán bộ, nhưng đồng chí đã bị trúng đạn và anh dũng hy sinh.

      Giai đoạn này, bọn FULRO vẫn điên cuồng chống phá, giết hại nhiều người dân vô tội. Từ năm 1978 đến 1989, FULRO ở Gia Lai đã gây nên 215 vụ phục kích, tập kích với những hậu quả hết sức nghiêm trọng. Chúng đã bắn giết dã man 198 người, làm bị thương 169 người khác, đốt 38 nhà dân, 8 trụ sở xã, phá hỏng 6 ôtô, kéo ra rừng 842 người. Ngoài ra, chúng còn tổ chức hàng chục vụ đặt mìn, phá hủy cầu cống trên các tuyến giao thông. Điển hình là các vụ: Đêm 26/3/1979, một toán FULRO tập kích vào 3 xã Ama Rơn, Ia Pia, Chư A Thai (huyện Ayun Pa) giết chết 9 người, bắn bị thương 12 người, đốt phá 3 nhà kho chứa 15 tấn lúa. 8 giờ sáng 11/6/1980, FULRO phục kích trên đường vào Đăk Đoa, huyện Mang Yang bắn cháy 1 xe ôtô làm chết 16 người. Ngày 28/7/1989, chúng tập kích vào một số gia đình xã An Phú, Pleiku bắn chết 5 người dân vô tội. Đặc biệt nghiêm trọng là vụ án xảy ra ngày 25/5/1980, khi có 4 thiếu niên người Kinh ở xã H,Neng, huyện Mang Yang rủ nhau vào rừng hái xoài đã bị FULRO bắt và giết hại dã man. Sau đó, có 10 người là thân nhân của các em đi tìm đã gặp toán FULRO trên, 6 người chạy thoát, còn 4 người đã bị chúng bắt và giết hại cũng bằng hình thức phân thây như chúng đã làm với các em nhỏ…

      Lâm Đồng được FULRO nhập vào vùng 4 (quân khu 4) cùng các tỉnh Tuyên Đức, Phan Rang, Ninh Thuận, Run Ka (huyện Long Khánh – Đồng Nai ngày nay). Dưới quân khu 4, chúng chia thành 3 tỉnh, 9 quận và 46 yếu khu. Từ cấp vùng đến cấp xã đều có hệ thống quân sự và hành chính. Bọn chỉ huy về hành chính đồng thời kiêm luôn chỉ huy về quân sự (chẳng hạn tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng, quận trưởng kiêm chi khu trưởng…). Đây được xem là vùng mạnh nhất, quan trọng nhất của tổ chức FULRO. Từ quân khu 4 chúng sẽ phát triển FULRO quân khu 5 xuống vùng duyên hải. Để chỉ đạo 2 quân khu này, chúng có một bộ phận trung ương FULRO đứng chân tại Lâm Đồng. Theo tài liệu ta có được thì lực lượng vũ trang trong rừng của FULRO vùng 4 lúc này khoảng trên 3.000 tên, trong đó, số chỉ huy đầu sỏ khoảng 50 tên. Ngoài số ở rừng, chúng còn một hệ thống FULRO nằm vùng với lực lượng khá đông trong hầu hết các buôn, ấp, vùng dân tộc và các cơ sở chính trị xã hội khác.

      Cuối năm 1979, lúc này, FULRO ở vào thế “được ăn cả, ngã về không” nên chúng điên cuồng, vùng vẫy bằng các hoạt động chống phá ta quyết liệt. Chúng kêu gọi và buộc các thanh niên (có cả người Kinh) vào rừng để củng cố lực lượng, hòng gây tiếng vang với ngoại quốc để mong tìm kiếm sự hậu thuẫn.

      Đối với nhiều người dân sinh sống tại địa bàn các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Lạc Dương, Đơn Dương, xã Tà Nung, TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), hai tiếng “Ful-ro” lúc đó đồng nghĩa với tội ác khủng khiếp. Sợ bộ đội, du kích của ta, ban ngày bọn FULRO chui sâu vào trong rừng hoạt động, nhưng địa bàn nào vắng công an, bộ đội là FULRO xuất hiện, dùng súng tấn công, uy hiếp, cướp lương thực, tài sản của người dân. Ai chống cự, chúng giết hại dã man. Điển hình là vào một đêm tháng 4/1979, trong chuyến đi kiểm tra thực tế tại huyện Đức Trọng, vào 2 giờ 15, đồng chí Vũ Linh – Phó giám đốc CA Lâm Đồng vừa ngả mình, thiếp đi trong giây lát thì nhận được tin báo, một cửa hàng hợp tác xã mua bán thuộc xã Phi Tô bị FULRO tập kích. Hậu quả, hai vợ chồng người bán hàng là anh Y Suk cùng đứa con nhỏ 4 tuổi của họ bị giết rất dã man. Toàn bộ tài sản gồm gạo, muối, bắp, mì độ hơn 2 tạ, cùng số vải các loại khoảng hơn 1.000m, mấy con gà cũng bị cướp sạch. Bọn FULRO khi rút đi còn để lại mấy tờ truyền đơn bên xác các nạn nhân. Đại loại vừa tuyên truyền, vừa khiêu khích ta, vừa đe dọa người đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là với số FULRO đã về đầu thú.

      Vụ án khiến già làng xã Fi Tô, lực lượng công an, bí thư, chủ tịch xã cùng gần cả trăm người dân phẫn nộ, căm giận trước tội ác quá dã man của bọn FULRO khi chứng kiến cái chết thương tâm của gia đình Y Suk. Có mặt tại hiện trường, cán bộ công an, trong đó có thượng tá Vũ Linh nặng trĩu những suy nghĩ…

      Chính sự ngoan cố chống phá cách mạng, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của lực lượng FULRO đã đẩy hàng vạn gia đình (nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số) vào cảnh ly tán, chết chóc, đau thương kéo dài suốt nhiều năm tháng. Chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Bộ Nội vụ là phải giải quyết dứt điểm số cầm đầu FULRO, làm tan rã hoạt động của chúng. Các lực lượng CA, quân đội thuộc các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục tổ chức nhiều chuyên án lớn truy quét những tên đầu não của FULRO, trong đó, đáng kể nhất là chuyên án của lực lượng An ninh Lâm Đồng với kế hoạch câu nhử cực kỳ táo bạo…

      IV – CHUYÊN ÁN NỔI TIẾNG F101 ĐÃ ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?

      Tháng 6/1980, thủ tướng của FULRO lúc này là Y Ghơk Niê Kđăm đang bám theo Pôn Pốt ở biên giới Campuchia hòng tìm cách đi sang nước thứ 3. Mọi việc điều hành “TW FULRO” tại Tây Nguyên do Ya Đuk (lúc này đang là đệ nhất phó thủ tướng phụ trách chính trị, ngoại giao) và Paul Yưh – đệ nhị phó thủ tướng phụ trách an ninh quốc phòng, chia nhau kiểm soát. Vốn có uy tín hơn hẳn Paul Yưh, Ya Đuk được hầu hết FULRO, chủ yếu người K’Ho tôn vinh là thủ lĩnh, “hùm xám Tây Nguyên”; trong khi Paul Yưh chỉ thu phục được số FULRO người Ê Đê. Căn cứ địa của tổ chức FULRO lúc đó đóng chân trên đất Lâm Đồng – quê hương của Ya Đuk và của đồng bào K’Ho. Nahria Ya Đuk trở thành mối lo, đúng hơn là mối quan tâm hàng đầu của Ban chuyên án. Kế hoạch câu nhử, bắt Ya Đuk được tính đến. Kế hoạch này nảy sinh từ một thời cơ đến bất ngờ. Nhiều tình huống sau đó đã diễn ra “căng” đến nghẹt thở!

      Một hội nghị tại Nha Trang chuyên đề giải quyết vấn đề FULRO do đồng chí Phạm Hùng – Ủy viên Bộ chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, chủ trì. Hội nghị có các đại diện của Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Quân khu 7, Khu ủy Khu 6 và Thường vụ Tỉnh ủy, Ban giám đốc CA các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Lăk – Đăk Nông, Gia Lai – Kon Tum, Phú Khánh, Thuận Hải, Đồng Nai, Sông Bé. Sau 3 ngày làm việc, hội nghị bế mạc lúc 15 giờ ngày 17/6/1980. Đồng chí Đỗ Quang Thắng (Năm Thắng) – Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng và Phó giám đốc Công an tỉnh Vũ Linh (bí danh Tư Vũ) vội vã trở về Đà Lạt ngay. Tám giờ tối, cả hai về đến TP. Đà Lạt. Câu chuyện trao đổi trên xe còn dang dở, đồng chí Năm Thắng mời thượng tá Vũ Linh đến cơ quan của mình. Đà Lạt đang là mùa khô, ban ngày trời hanh nắng, nhưng đêm xuống thì cả thành phố chìm trong lớp sương mù bao phủ khiến Đà Lạt đẹp, lạnh và thơ mộng. Bên ly trà nóng bốc khói trong phòng làm việc của Bí thư Năm Thắng, thượng tá Vũ Linh trầm ngâm, ghi nhớ từng lời người đứng đầu địa phương dặn dò:

      – Anh biết đấy, bộ chỉ huy trung ương FULRO đang nằm ngay trong lãnh địa của chúng ta, đòi hỏi chúng ta trách nhiệm nặng nề, cao hơn rất nhiều so với những gì chúng ta đã làm. Những lời tổng kết, những chỉ thị của anh Bảy Cường (tức đồng chí Phạm Hùng) đã và đang vạch ra cho Lâm Đồng phải tính toán như thế nào để “hạ màn” cái trung ương ấy của chúng…

      Tiễn thượng tá Tư Vũ ra xe, dưới ánh điện trong sân của căn nhà công vụ, Bí thư Năm Thắng bỗng chạm phải đôi mắt sâu hút, cương nghị và đầy quyết đoán của người thủ trưởng cơ quan an ninh điều tra đang đứng trước mặt ông, vốn được ông yêu mến, tin tưởng hết mực. Lắc mạnh bàn tay trong cái bắt tay cứng cỏi, gửi gắm nhiều điều của đồng chí Bí thư, thượng tá Vũ Linh nhấn mạnh từng lời:

      – Tỉnh ủy hãy tin tôi. Đây là trách nhiệm của công an trước tình hình an ninh xã hội trên địa bàn. Bên cạnh tôi có Nguyễn Văn Độ và các đồng chí lãnh đạo Cục KĐ4 (Bộ Nội vụ) cùng nhiều trinh sát giỏi nên tôi tin mình sẽ làm được.

      Trước sự quyết tâm của đồng chí Tư Vũ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy rất tin tưởng. Bên cạnh đó, thượng úy trẻ Nguyễn Văn Độ – Phó phòng Bảo vệ chính trị vẫn luôn được thượng tá Vũ Linh nhắc đến với một thái độ tin cẩn bởi hành động luôn dám nghĩ, dám làm của Độ. Thượng tá Vũ Linh đã lên xe trở về nhà công vụ, cũng là nơi ăn chốn ở của gia đình ông ngay gần Sở Công an. Đà Lạt về đêm bình yên quá, bất giác trong đầu ông loé lên ý nghĩ phải trao đổi ngay với Độ.

      Lúc này đã là 23 giờ 45, thượng úy Độ cũng đang ngồi ghi chép lại cẩn thận từng chữ trong những bức thư tay mà các cơ sở, quần chúng tốt, trải qua nhiều “cửa ải” cung cấp được tới anh, những thông tin về hoạt động của “TW FULRO”. Những mảnh giấy nhám đen, nhàu nát vừa có nét vẽ vừa có chữ viết cả bằng tiếng Kinh và tiếng K,Ho rồi cả bằng ký hiệu, nhìn rối bời, hoa cả mắt kia lại chứa đựng đầy những thông tin quý giá. Vì thế, anh phải thật kỹ lưỡng. Có thông tin này, anh đã muốn báo ngay với thủ trưởng của mình và vì sự tuyệt đối bí mật nên anh đang rất mong cho trời mau sáng để sớm ngày mai anh trực tiếp đến báo cáo. Không ngờ, thủ trưởng cũng đang có việc cần gặp anh. Nhận cú điện thoại mà anh tưởng rằng như có “thần giao cách cảm”. Chỉ ít phút sau, anh có mặt tại phòng làm việc của Phó giám đốc.

      Thượng úy Độ ngồi trước mặt cấp trên, nghe truyền đạt lại mọi ý kiến chỉ đạo từ cuộc họp tại Nha Trang của đồng chí Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và sự tin tưởng, giao nhiệm vụ của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Nguyễn Văn Độ hiểu ra rằng, đã đến thời điểm phải kết thúc cái gọi là “trung ương FULRO” đang đóng chân trên đất Lâm Đồng để trả lại sự bình yên cho Tây Nguyên, chấm dứt những nỗi lo sợ triền miên đang ám ảnh hàng triệu người dân trên các địa bàn có FULRO trú ẩn…

      – Báo cáo chú, F1 của ta cho tin khẩn, Ya Đuk vừa “bắt mối” liên lạc được một đường dây để đi xuất ngoại, thông qua mục sư Tri Lâm đang ở TP. Hồ Chí Minh. Cụ thể đường dây này như thế nào, cháu đã bố trí trinh sát tiếp tục theo dõi. F1 cũng cho biết, Ya Đuk đã thưởng lớn “công trạng” cho hai kẻ báo tin là Ha Póh và Ya Theng. Bọn này đang cố tìm mọi cách để làm vừa lòng “ông lớn” (bọn FULRO gọi Ya Đuk như thế). Có thể chúng ta sẽ sớm “tóm” được chúng.

      Thượng tá Vũ Linh lập tức đứng bật dậy khỏi ghế vì tin vui bất ngờ này. Ông đập mạnh cả hai bàn tay xuống bàn và thốt lên:

      – Tốt lắm! Việc này sẽ giúp ta có thêm phương án. Đây có thể là thời cơ đã đến. Sáng mai, tôi sẽ trao đổi ngay tin này với giám đốc và các anh KĐ4 để bàn phương án. Không ngờ, đúng lúc này ta lại có đường để “dụ hùm ra khỏi hang”. Đồng chí hãy tập trung hết trí lực cho vụ này để chiều mai chúng ta họp án…

      Chuyên án F101 đã được triển khai từ ngày 20/3/1979, nhưng chưa thu được kết quả như ý bởi “nhân vật số 1” vẫn còn ẩn mình rất kỹ trong hang sâu. Theo chỉ đạo mới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng làm Trưởng ban chuyên án. Thượng tá Vũ Linh trực tiếp chiến đấu, là Phó ban Thường trực. Các đồng chí Lương Quyền – Cục trưởng KĐ4 – Bộ Nội vụ cùng 3 đồng chí cấp phó: Đức Minh, Văn Bá Đạt, Nguyễn Phước Tân (Hai Tân) và đại tá Trần Đức Hoài (tự Ba Mỹ) – Giám đốc CA Lâm Đồng làm phó ban. Thành viên đắc lực không thể thiếu là thượng úy trẻ Nguyễn Văn Độ và thượng úy Phan Văn Thái (Phó phòng Bảo vệ chính trị, sau này là đại tá – Trưởng CA huyện Đức Trọng) cùng thiếu tá Trịnh Lương Hy – Trưởng CA huyện Đơn Dương (hiện là trung tướng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục an ninh Bộ CA). Nhiệm vụ của Ban chuyên án là phải đánh tan quân khu 4 – quân khu mạnh nhất của FULRO mà “nhân vật chính” là Nahria Ya Đuk, để ngăn chặn việc chúng tiến hành lập FULRO vùng 5, góp phần cùng CA các tỉnh Đăk Lăk – Đăk Nông, Gia Lai – Kon Tum, Sông Bé, Đồng Nai… phá toàn bộ hệ thống “TW FULRO”, giải quyết cơ bản tổ chức phản động này.

      Kim đồng hồ đã chỉ 2 giờ sáng, thượng tá Vũ Linh giật mình vội kết thúc buổi họp bàn. Sáng sớm mai, ông còn phải đến nhà khách đón các đồng chí lãnh đạo Cục KĐ4 đến nhà dùng bữa sáng, sau đó tranh thủ cùng làm việc với lãnh đạo các phòng nghiệp vụ, hệ thống lại các tư liệu đã nghe báo cáo về “TW FULRO” để buổi chiều họp án. Việc không thể chậm trễ được nữa rồi. Một tia hy vọng loé lên trong đầu ông khi ông nghĩ đến việc “đối đầu” với “tổng tư lệnh” FULRO đang án ngữ trên đất Tây Nguyên. Trọng trách của đồng chí Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Đảng ủy Bộ Nội vụ giao cho thật nặng nề, cao cả. Nếu san bằng mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, hẳn ông sẽ thấy lòng thoải mái hơn rất nhiều. Mải miên man suy nghĩ, trời đã sáng lúc nào không hay.

      Sáng hôm ấy, trong căn phòng riêng của mình, thượng úy Độ cũng không hề chợp mắt, dù nhiều đêm trước đã thiếu ngủ. Trước mắt anh, hình ảnh những trận hành quân của anh em đi truy quét, vận động FULRO ra hàng hiện lên quay cuồng. Họ đang bước giữa ranh giới của sự sống và cái chết. Đã bao nhiêu lần, anh phải nuốt ngược nước mắt vào lòng, khóc tiễn đưa những người đồng chí, đồng đội của mình sau mỗi cuộc đụng độ với FULRO. Hẳn là ngày mai, các chú, các anh sẽ có cách để buộc Ya Đuk phải “xuất đầu lộ diện”.

      V – CÔ Y TÁ THU PHƯƠNG VÀ ÔNG “MỤC SƯ” BÍ ẨN

      Chiều 11/7/1980, trong một căn phòng tại trụ sở Ty CA Lâm Đồng, một cuộc họp bí mật bàn kế hoạch triển khai chuyên án F101 diễn ra với các thành phần cốt cán của ban chuyên án. Thật lạ, chuẩn bị cho trận quyết chiến với bộ phận đầu não của “TW FULRO” có hàng trăm đối tượng rất manh động, hung hãn, lâu nay ai cũng thấy là rất… “xương” vậy nhưng hôm nay trông ai cũng lộ rõ vẻ háo hức quyết tâm, chắc thắng. Song, những nét ưu tư vẫn len lỏi vào từng khuôn mặt của mỗi người khi bàn tới kế hoạch cụ thể bởi sẽ có đổ máu, hy sinh, mất mát!

      Nguồn tin trinh sát của ta cho thấy có sự mâu thuẫn giữa bọn cầm đầu FULRO người K,Ho và Ê Đê. Cụ thể là mâu thuẫn giữa hai ông đệ nhất và đệ nhị phó thủ tướng FULRO. Những mâu thuẫn này ngày càng gay gắt sau khi “TW FULRO” cử phái đoàn do Nay Rong (tổng trưởng ngoại giao) và trung tá Cil Be liên lạc với tàn quân Pôn Pốt để tìm đường sang nước thứ 3, hoặc xin viện trợ để nuôi quân FULRO, nhưng không có kết quả gì. Thời điểm này, bọn Pôn Pốt cũng đang gặp khó khăn về nhiều mặt. Vì vậy, chúng cũng chẳng giúp được gì cho FULRO Tây Nguyên. Số FULRO người Ê Đê (tập trung ở hai tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai) chiếm hầu hết các chức danh trong TW FULRO và manh động hơn số FULRO người K,Ho. Bộ phận FULRO ở Lâm Đồng do Ya Đuk cầm đầu có ý đồ riêng và bí mật tìm đường trốn ra nước ngoài mà không cho TW FULRO biết. Mặc dù vậy, Paul Yưh cũng biết ý đồ này của Ya Đuk và ra chỉ thị ngăn cấm với các thuộc cấp. Nhưng lúc này, tiếng nói của Paul Yưh không có “trọng lượng” bởi một số FULRO “lý sự” rằng, nếu cứ tiếp tục sống chui lủi trong rừng thế này, thiếu ăn, thiếu mặc, không có viện trợ thì lấy sức đâu mà “chiến đấu”.

      Qua một cô gái người Kinh tên Nguyễn Thị Thu Phương, làm y tá tại xã N,Thol Hạ (huyện Đức Trọng), nhóm Ya Đuk đang tìm đường để ra nước ngoài. Phương “bắt mối” được với một mục sư tên Tri Lâm, là đại diện một tổ chức từ thiện quốc tế, sẵn sàng tài trợ mọi chi phí để đưa nhóm FULRO xuất ngoại, tiếp tục huấn luyện, đào tạo họ trở thành các “sĩ quan” FULRO để sau này trở về “giải phóng Tây Nguyên”. Thế nhưng, Ban chuyên án phối hợp với lực lượng an ninh CATP Hồ Chí Minh đã tiến hành xác minh và cho kết quả: mục sư Tri Lâm hiện định cư tại bang Texas – Hoa Kỳ, 6 năm rồi không về Việt Nam. Lá thư gần đây nhất, Phương chuyển đến Ya Đuk là từ đâu? Rất có thể, “ngài mục sư Tri Lâm đang ở TP. Hồ Chí Minh” chỉ là “đổ giả”. Vì thế, đường dây xuất ngoại này của Phương không hề chắc chắn. Thế nhưng, Phương vẫn sốt sắng, hứa hẹn đủ điều với thầy trò Ya Đuk qua tên To Na, “trung tá” – liên lạc đặc biệt của Ya Đuk, kèm lời thúc hối họ phải chuẩn bị tiền. Bản thân tên “trung tá” Lơ Mu Yem – Tổng trưởng ngoại giao và Ya Đuk cũng “bán tín bán nghi” về đường dây xuất ngoại của Phương. Nhưng do quá khao khát về chuyến đi nên sau một thời gian, họ quyết định gạt bỏ hết mọi ngờ vực và tỏ ra tin tưởng Phương tuyệt đối. Nhưng với bộ óc “có sạn” của mình, “ông lớn” Ya Đuk không đơn giản thế. Ông ta đã quyết định chỉ đạo hai sĩ quan cận vệ của mình là “đại úy” Ha Póh và “thiếu tá” Ya Theng tìm mọi cách bám theo Phương để liên lạc cụ thể với mục sư Lâm nhằm bảo đảm một đường dây xuất ngoại chắc chắn và tránh bị Phương lừa gạt. Bằng biện pháp nghiệp vụ, chỉ đạo này của “tổng tư lệnh” Ya Đuk đã được ta nắm chắc. Kế hoạch bắt giữ Phương và hai tên FULRO Ha Póh, Ya Theng để làm mồi nhử Ya Đuk được tính đến. Một yêu cầu nữa của Ban chuyên án là xác minh làm rõ, “mục sư Tri Lâm” thực ra là ai? Vì sao lại lấy tên trùng với ông mục sư từng sống tại TP. Hồ Chí Minh? Một phần quan trọng của nhiệm vụ này, Ban chuyên án quyết định giao cho đồng chí Nguyễn Văn Độ. Anh lập tức được cử lên đường đón lõng Phương và tìm câu trả lời về “mục sư Lâm”.

      Đã một tuần trôi qua vẫn không thấy Ha Póh và Ya Theng xuất hiện, trong khi Phương thì vẫn một mình đi lại giữa Đà Lạt – TP. Hồ Chí Minh, Đức Trọng – Đơn Dương… như con thoi, mặc dù cô ta đang mang bầu 6 tháng. Lệnh bắt giữ Phương được thực hiện khi Phương đang ngồi trên chuyến xe đò từ TP. Hồ Chí Minh về Đức Trọng. Sau một hồi phản ứng, vẫy vùng trong vòng vây của các trinh sát, Phương bị đưa về trụ sở CA tỉnh Lâm Đồng. Tại đây, sau một ngày được làm công tác tư tưởng, Phương đã thừa nhận việc mình giúp đỡ tổ chức phản động FULRO là sai lầm, là có tội lớn với dân tộc. Song, việc cô làm hoàn toàn chỉ vì tiền, không có liên quan đến hoạt động chính trị của FULRO. Phương đã có chồng và đang mang thai đứa con đầu lòng. Cô tham gia vào việc tổ chức cho đường dây xuất ngoại của FULRO xuất phát từ công việc làm y tá của cô ở N,Thol Hạ. Tại đây, cô gặp một mục sư người dân tộc thiểu số tên Y Sao và được ông này cho biết từng là người quen với Naria Ya Đuk. Ông Y Sao giới thiệu Phương xuống TP. Hồ Chí Minh gặp mục sư Lâm, cũng là người quen của Ya Đuk để mục sư Lâm giúp FULRO Ya Đuk tìm đường đi nước ngoài. Đổi lại, Phương sẽ có rất nhiều tiền và đồ ngoại từ phía Ya Đuk và mục sư Lâm. Nhờ lá thư của ông mục sư Y Sao, Phương gặp được “mục sư Lâm” và từ đó trở thành cái cầu liên lạc giữa Ya Đuk và ông “mục sư” này. Tuy nhiên, trong khi cô đang tìm cách “bắt mối” với số FULRO dưới quyền của Ya Đuk thì nghe tin mục sư Y Sao đã chết vì bệnh. Phương khai rằng, cô thực sự đã ngồi nói chuyện với “mục sư Tri Lâm”, còn việc ông này có phải là “hàng thật” không thì cô hoàn toàn không biết. Tuy nhiên, bản thân cô cũng đã có những nghi ngờ, khi thấy rất khó để gặp được “mục sư Lâm”. Mà nếu có liên lạc được thì toàn thấy ông ta hỏi tiền FULRO đóng góp, trong khi cô chưa nhận được gì từ hai phía. Có chăng chỉ là số tiền lẻ mà bọn Ha Póh, To Na đưa cho, thậm chí không đủ để thanh toán tiền xe đi lại.

      – Vậy sao cô không dừng lại?

      – Tôi không chỉ móc nối với bộ phận FULRO chỗ Ya Đuk đóng quân. Tôi còn báo cho nhiều căn cứ của FULRO biết và thấy họ háo hức lắm. Ai cũng nói đang chuẩn bị tiền. Nếu họ được đi thật, họ sẽ thưởng nhiều tiền cho tôi. Sau này, còn gửi đôla và đồ ngoại cho tôi xài nữa. Họ hứa thế rồi. Với lại, bây giờ mà tôi dừng ở đây, bọn FULRO sẽ nghĩ tôi lừa dối họ, sẽ giết cả nhà tôi…

      – Cô đã đến đúng địa chỉ nhà mục sư Tri Lâm… trước đây. Nhưng người nhận và đọc thư giới thiệu của mục sư Y Sao là một tên lừa đảo. Qua lá thư giới thiệu, hắn chắc cô sẽ là người mang nhiều tiền đến cho hắn. Bởi nếu theo yêu cầu của hắn, cứ một tên FULRO đăng ký đi phải nộp 2.000 đồng. Cả ngàn tên muốn đi thì số tiền này thật khổng lồ!

      Nhận thấy việc làm của mình là sai trái và hết sức nguy hiểm, Phương thực sự tỏ ra ân hận và mong muốn được “lấy công chuộc tội”. Sau đó, cô đã hợp tác với CA một cách nhiệt tình.

      Chỉ vài ngày sau đó, đúng như Ban chuyên án đã dự đoán, không thấy Phương liên lạc để nhận thư Ya Đuk gửi ngược lại cho “mục sư Lâm”, đám “tổng trưởng” của Ya Đuk sốt sắng tìm cách liên lạc với Phương và tha thiết kiến nghị “tổng tư lệnh” cử ngay hai tên Ha Póh và Ya Theng lên đường để liên lạc cụ thể với “mục sư Lâm”. Nhờ số FULRO về hàng giúp trinh sát ta nhận diện hai tên “tá, úy” cận vệ của Ya Đuk. Trong hai ngày 25, 26/7/1980, ta đã lần lượt bắt giữ được Ya Theng và Ha Póh khi bọn chúng cải dạng dân thường để đến bến xe Đà Lạt. Bọn chúng đi cách xa nhau và vờ như không quen biết. Sau khi lên xe, đến TP. Hồ Chí Minh, gặp Phương rồi sẽ có kế hoạch tiếp. Tên Ha Póh bị bắt khá bất ngờ khiến hắn không kịp trở tay. Còn tên Ya Theng thì giả bộ đưa tay xốc lại áo khoác rồi lần vào khẩu súng ngắn đã lên đạn sẵn để chống trả lại lực lượng của ta hòng chạy thoát, nhưng hắn tập tức bị khống chế.

      Khu vực chợ, bến xe và trung tâm Hòa Bình – Đà Lạt lúc này cũng có mấy tên FULRO được cử đi theo dõi, bảo vệ Ha Póh và Ya Theng đến bến xe thật an toàn rồi về báo lại với các “tổng trưởng”. Chỉ một phút lơ là, chúng đã để mất dấu hai cận vệ thân tín của “ông lớn”. Do số này vẫn đang lởn vởn quanh khu vực trung tâm TP. Đà Lạt, trinh sát ta buộc phải tách riêng và đưa tên Ha Póh về trụ sở CA tỉnh theo đường Trần Hưng Đạo. Tại đây, lợi dụng lực lượng cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ chốt chặn, kiểm tra giấy tờ những người vào trung tâm thành phố; ngồi trên xe ôtô của CA, Ha Póh giả bộ tò mò nhìn ra ngoài rồi bất ngờ đạp cửa, nhoài người định phi xuống thoát thân. Nhưng hành động của hắn vẫn chậm hơn hai trinh sát đang ngồi “kè” hắn. Cay cú vì bị “chộp” quá bất ngờ và bây giờ khó mà vùng vẫy, Ha Póh tức tối chửi một tràng dài bằng tiếng K,Ho rồi lại tự “phiên dịch” bằng tiếng Kinh. Kế hoạch ghi công với Ya Đuk để được thăng hàm “thiếu tá” của Ha Póh coi như sụp đổ…

      VI – LỆNH TRUY NÃ “THIẾU TÁ” YA THENG

      Ha Póh vốn nổi tiếng láu cá, còn Ya Theng bản tính thâm trầm hơn. Hắn nguyên là “thiếu tá, tham mưu trưởng quân khu Nam” FULRO và là người đồng tộc với Nahria Ya Đuk. Song, vì bị đệ nhị phó thủ tướng FULRO Paul Yưh kết “trọng tội” và truy giết đến cùng, Ya Theng tìm đường về với “ông lớn”, khẩn cầu sự chở che và nguyện trung thành với Ya Đuk hết mực. Trong chuyến đi này, Ya Theng được giao nhiệm vụ đại diện TW FULRO, mật đàm với “mục sư Tri Lâm” cụ thể về đường dây xuất ngoại. Ha Póh đi theo để bảo vệ và giám sát Ya Theng. Trong trường hợp bị bại lộ, cả hai có nhiệm vụ phải bảo mật đến cùng…

      Khám xét người Ya Theng, ta thu được bức thư của Ya Đuk gửi mục sư Tri Lâm viết bằng tiếng Anh. Lời lẽ trong thư đầy chất xã giao, lịch sự và rào trước đón sau, như thể vẫn còn muốn “dò la” thêm “liệu rằng” ngài mục sư có hết lòng với FULRO không? Có đảm bảo đưa được hết số cốt cán của FULRO ra khỏi vùng rừng này mà không bị “cộng sản” nghi ngờ. Có đến hơn một trang Ya Đuk dành để tỏ lời xin lỗi vì đã nhận tới ba bức thư của mục sư Lâm rồi mà mãi đến hôm nay mới “có dịp” hồi âm; đồng thời cũng hết lời cảm ơn sự tha thiết giúp đỡ của mục sư về nhã ý đưa FULRO xuất ngoại. Thư cũng nhắc lại kỷ niệm lần gặp mặt mới nhất giữa hai người là trong trận Mậu Thân (1968) tại Sài Gòn và cái chết bất ngờ của “ông bạn” Y Sao. Ya Đuk còn “cẩn thận” yêu cầu ngài mục sư “vui lòng” gửi cho một tấm ảnh để ông chiêm ngưỡng dung nhan một con người mà một số ít trí thức Furo biết đến và truyền tai nhau. Ya Đuk gọi đó là một vị mục sư rất uyên bác, chăm chỉ việc đạo; “quý hóa” thay, ông lại đang tạo cơ hội để giúp “Cao nguyên tự trị”; Ya Đuk cho rằng cần ảnh mục sư về để xem thời gian có thay đổi gì nhiều không? Nhưng kỳ thực là để Ya Đuk xác tín lại mọi thông tin mà đám cận vệ và Phương đưa về…

      Ya Theng được “mời” đến phòng làm việc của Phó giám đốc Vũ Linh sau bữa cơm chiều. Lúc này, các đồng chí Lương Quyền, Vũ Linh, Đức Minh, Hai Tân, Nguyễn Văn Độ đều có mặt. Ban chuyên án quyết định sắp xếp một buổi nói chuyện hết sức thân tình. Mục đích là để Ya Theng nhận ra sai lầm của mình, hợp tác với CA, từng bước đưa các anh em đang có tư tưởng sai lầm trở về với gia đình, buôn làng, làm ăn lương thiện. Ya Theng hơi chột dạ khi nhìn thấy cách mà các “sếp” CA “đón tiếp” mình. Có thuốc lá, bánh kẹo và trà nóng.

      Ya Theng ngồi xuống ghế, mặt lầm lì, sắc lạnh, cố dằn tiếng nuốt nước miếng khi nhìn thấy gói thuốc lá “Du lịch” trước mặt. Đồng chí Đức Minh nhắc khẽ: “Ya Theng uống nước, hút thuốc đi!”. Ya Theng không trả lời. Thượng úy Nguyễn Văn Độ nhắc lại:

      – Thuốc lá chuẩn bị cho Ya Theng đó. Cứ hút tự nhiên đi!

      – Tôi không phải là Ya Theng. Tôi đã nói tên tôi là M,Chôn. Các ông nhầm người rồi.

      Phản ứng của Ya Theng không làm các anh thấy ngạc nhiên, bởi suốt mấy ngày nay rồi, tên này vẫn khăng khăng “không nghe, không thấy, không biết gì hết” về tổ chức FULRO, về Ya Đuk. Hắn một mực khai rằng, hắn là kẻ bụi đời, thỉnh thoảng làm vài vụ cướp giật để kiếm sống. Lá thư Ya Đuk viết cho mục sư Lâm là do hắn nhặt được trên đường. Hắn còn nói rằng, thậm chí một chữ tiếng Anh bẻ đôi hắn còn không biết, nên không hiểu gì về nội dung trong thư. Hắn giữ nó chỉ vì tò mò, không lẽ như thế cũng là có tội. Như tưởng rằng CA đã tin, hắn cố “khua môi” thêm một câu, giọng hết sức khẩn khoản và tỏ vẻ “ngây thơ”:

      – Nếu lá thư các ông đang giữ quan trọng đến thế thì các ông cứ giữ nó và thả tôi ra. Việc các ông có được lá thư quan trọng thì cái tội tôi tàng trữ vũ khí trái phép cũng có thể đổi lại và tha cho tôi được chứ?

      Lời lẽ của hắn khiến đồng chí Vũ Linh phải bật cười. Ông nói:

      – Thôi đi Ya Theng! Chắc hẳn anh cũng muốn nói rằng, cái lệnh truy nã “thiếu tá Ya Theng” mà TW FULRO do Paul Yưh ký này cũng không phải dành cho anh chứ gì?

      Ya Theng tái mặt khi nhìn thấy tờ giấy có đóng dấu đỏ chót mà ông Phó giám đốc CA vừa đặt lên bàn. Đây đúng là “lệnh truy nã” Ya Theng vì tội âm mưu làm phản vì đã bỏ rừng. Thật ra khi đó, đám lính của Ya Theng “bắt mối” được với Nguyễn Thị Thu Phương và có đường xuất ngoại, Ya Theng mừng quá và vì sự bí mật, cộng với kiểu tính toán “miếng ngon chỉ nên có ít người”, Theng vội bỏ căn cứ đi tìm “ông lớn” để báo công. Nhưng vì đường đi cách trở, không thể ló mặt ra ngoài lộ để bị du kích “thịt”, nên Ya Theng phải luồn rừng cả tháng trời ròng rã để tìm đường vào “Bộ chỉ huy TW FULRO” nơi Ya Đuk đóng quân. Nhưng khi Ya Theng chưa kịp tới nơi thì cái tin “Tham mưu trưởng quân khu Nam” bỏ rừng, bỏ vị trí chiến đấu đến tai Paul Yưh. Vậy là Ya Theng bị ghép “trọng tội”, bị cách chức và bị truy nã gắt gao. Khi tìm đến nơi đóng quân của Ya Đuk, Ya Theng không những thoát khỏi cái chết mà còn được Ya Đuk và các “tham mưu trưởng” ở đây hứa sẽ ghi danh vào “quân sử FULRO” vì có công tạo được “chiếc cầu nối chiến lược” qua đường dây xuất ngoại. Ya Đuk xúc động còn vì Ya Theng dũng cảm, dám “qua mặt” cả Paul Yưh và Bộ quốc phòng” đóng quân ngay gần quân khu Nam; vất vả, lặn lội tìm đến đây để “dâng” đường dây xuất ngoại cho mình. Vốn đã không ưa và không phục tài Ya Đuk từ thời Kpă Kới, Paul Yưh phái thuộc cấp đem lệnh truy nã Ya Theng đến Bộ phận TW FULRO Lâm Đồng gây sức ép, buộc Ya Đuk phải “theo quân luật”, xử Ya Theng nghiêm minh. Biết “lão đại tá” chỉ dưới quyền mình một bậc, nhưng có lực lượng quân sự trong tay, lâu nay đang nhăm nhe cái chức “Tham mưu trưởng quân khu Nam” cho Y Bley – một thuộc cấp thân tín của “lão; phần vì để làm nguôi cơn nóng… giận cá chém thớt của Paul Yưh, Ya Đuk quyết định ký ngay công lệnh đặc biệt: đặc cách “thiếu tá” Bley lên thay “thiếu tá” Ya Theng. Kể từ đó, Ya Theng trở thành kẻ thân cận nhất của Ya Đuk. Trước khi lên đường gặp Phương tại một điểm hẹn ở bến xe miền Đông (TP. Hồ Chí Minh), Ya Theng đã mạnh miệng nói với Ya Đuk rằng, nếu lọt vào tay “cộng sản”, hắn ta sẽ “tự xử”, khiến Ya Đuk xúc động đến rơi nước mắt…

      Nghe các vị lãnh đạo trong ngành CA ngồi đó từ từ “tái hiện” lại các sự kiện gắn với mình, mồ hôi trên trán Ya Theng lấm tấm. Hắn bắt đầu nhũn lại, đổi thế ngồi và tự hỏi: “Bằng cách nào mà CA Lâm Đồng lại có cái lệnh truy nã quái quỷ này?”. Nhưng rồi hắn vẫn ngoan cố.

      – Câu chuyện của các ông về gã Ya Theng hay thật đấy, nhưng tôi nhắc lại, tôi là kẻ bụi đời M,Chôn…

      Đến nước này, thượng úy Độ đưa ánh mắt dò hỏi và cùng nhận được cái gật đầu của các đồng chí chỉ đạo chuyên án; anh bật máy ghi âm, mở cho Ya Theng nghe lời khai cung của tên Ha Póh…

      Ya Theng rũ người, gục đầu xuống rồi lại nhoài người xin thuốc hút. Một điếu, rồi một điếu khác nữa, rít lấy rít để những hơi dài rồi thốt lên:

      – Tôi đầu hàng các ông!

      21 giờ đêm đó, khi cả Ha Póh và Ya Theng đã ăn một bữa cơm tối thịnh soạn và đang nằm xem tivi, tại phòng làm việc của Phó giám đốc Vũ Linh, Ban chuyên án ngồi lại để bàn kế hoạch phá án.

      – Phải khống chế được số thân cận với Ya Đuk và cài người vào trung ương FULRO! Sau đó, dùng “chim mồi” “câu” Ya Đuk. Tôi tin, có Ya Đuk trong tay chúng ta, mọi kế hoạch tiếp theo để câu nhử toàn bộ thủ lĩnh FULRO sẽ thực hiện được. Trung ương FULRO tan rã, đến lúc đó, việc “gom” hàng ngàn tên FULRO “râu ria” kia không còn quá khó.

      – Có táo bạo quá không? Nếu Ya Đuk kẻ ngoan cố thì sao?

      – Con người Ya Đuk thế nào, chúng ta đều hiểu quá rõ mà. Ông ta đang “cố đấm ăn xôi” thôi, đường nào quang hơn, Đuk sẽ chọn. Chỉ lưu ý các tên Ha Pút, K,Ty, Lơmu Yem (đều mang quân hàm trung tá, tỉnh trưởng, tỉnh phó các tỉnh quân khu 4, Bộ trưởng tài chính FULRO) và số FULRO Ê Đê. Chúng không dễ nghe theo “Thủ lĩnh K,Ho” Ya Đuk. Nhưng, chỉ có cách đó…

      – Đúng là lúc này chúng ta phải mạo hiểm. Phải vào hang mới bắt được cọp…

      Tại “đại bản doanh” của Ya Đuk lúc này, tất cả nhóm FULRO thân cận với ông ta đều thấp thỏm, nôn nao, chờ đón sự “ra tay” của mục sư Tri Lâm để được đi ra nước ngoài. Sự phấn khích, nôn nao này len cả vào lòng “đệ nhất phó thủ tướng” khiến ông ta không ngớt hy vọng mà không hề biết rằng, phía trước là chiếc bẫy nhung mà công an đã khổ công giăng mắc…

      VII – “HỘI TỪ THIỆN CARITAS” ĐƯA FULRO TỪ BÓNG TỐI RA ÁNH SÁNG

      Kết quả điều tra của ban chuyên án, kẻ giả danh “mục sư Lâm” là Trần Hoài An, nguyên trung tá cảnh sát Sài Gòn. Sau giải phóng, Trần Hoài An đi cải tạo sáu năm, nhưng sau ba năm đã được trở về. Từ quê nhà ở vùng đất Quảng Bình, An vào TP. Hồ Chí Minh và đến ở một người bà con đã mua lại căn nhà cũ của mục sư Tri Lâm.

      Đi vào chuyên án

      Khi Nguyễn Thị Thu Phương tìm đến với lá thư của mục sư Y Sao, dù chẳng phải thư của mình, nhưng An vẫn nhận lấy và đọc. Thấy cô gái nhà quê, lời lẽ trong thư có vẻ dễ “kiếm ăn”, An đã tính kế để lừa cô gái và lừa cả FULRO vì thời Nguyễn Trọng Luật – bạn An, làm tỉnh trưởng Đăk Lăk (1973), An vốn chẳng lạ gì cái “tổ chức” này. Tuy nhiên, An chỉ định “lừa cho vui” trong lúc cũng đang chờ xuất ngoại.

      Do kiểu lừa đảo “nửa vời” này, “mục sư Lâm” – Trần Hoài An vẫn chưa nghĩ đến việc đặt tên cho “tổ chức từ thiện quốc tế” mà An đã viết trong thư để dễ bề dụ “thầy trò” Ya Đuk. Đúng vào thời điểm số đông FULRO tha thiết với “đường dây xuất ngoại” này và hỏi về giải pháp để xuất dương, trong khi lại chỉ chăm chăm vào hai chữ “từ thiện”, thì Trần Hoài An thấy nản lòng và cũng “bí bài” nên lẩn trốn Phương. Trong khi đó, đã mấy lần bọn To Na, Ya Theng, Ha Póh đòi Phương dẫn đi gặp “mục sư Lâm” theo yêu cầu của Ya Đuk. Phương đặt vấn đề này với “mục sư Lâm” Trần Hoài An thì bị từ chối với lý do: vì sự an toàn cho “ông bạn” – thủ lĩnh FULRO Ya Đuk, nên chỉ có thể gặp ở một địa điểm thật an toàn, khi nào sắp xếp được ông ta sẽ báo lại với Phương, nhưng tốt nhất đó là lần ra rừng, xuất ngoại luôn. Vì vậy, không ít lần Phương phải thoái thác với bọn To Na vì chúng vẫn dai dẳng đòi gặp “ông mục sư” cho bằng được. Mỗi lần như vậy, sợ chúng giận, Phương đã phải làm bộ liếc con mắt thật tình tứ để chúng quên đi cho.

      Chính từ những thông tin này, Ban chỉ đạo chuyên án quyết định đặt cho “tổ chức từ thiện quốc tế” của mục sư Lâm giả đang hấp dẫn “thầy trò” Ya Đuk một cái tên khá Tây: “Tổ chức từ thiện Caritas”. Các cán bộ CA Lâm Đồng gồm Lâm Văn Thạnh (thiếu úy, trinh sát ngoại tuyến thuộc Phòng bảo vệ chính trị, sau là liệt sĩ, AHLLVTND), Nguyễn Ngọc Diêu (thiếu úy, đồng đội với anh Thạnh – sau là liệt sĩ) Nguyễn Bảo Toàn, Nguyễn Duy Hưng (đều là thượng sĩ, cán bộ Phòng hậu cần), Trần Hữu Phi (thiếu úy, lái xe riêng của Phó giám đốc Tư Vũ) và đồng chí Tư Cho (trinh sát an ninh của Bộ Nội vụ tăng cường) được huấn luyện để tham gia chuyên án.

      Chọn “cảm tử quân” cho chuyên án

      Đại tá Phan Văn Thái – nguyên Phó trưởng phòng bảo vệ chính trị, sau này là Trưởng CA huyện Đức Trọng nhớ lại: Thời điểm đó, thấy các chú, các anh trong ban chuyên án có kế hoạch “làm ăn lớn” với chuyên án F101, nhiều anh em trinh sát cứ thấp thỏm, năm lần bảy lượt viết thư gửi lãnh đạo phòng và đồng chí Phó giám đốc – Phó ban thường trực Ban chỉ đạo chuyên án xin được tham gia, với khí thế hăng hái của tuổi trẻ. Tất cả xuất phát từ tình yêu quê hương, tình đoàn kết gắn bó dân tộc, thậm chí cả vì muốn gánh vác, hy sinh cho các đồng đội, đồng chí đã có gia đình, con nhỏ. Đồng chí Đức Minh (từng tham gia khu ủy, khu 6) đã có lần hỏi anh Thạnh, anh Diêu có sợ không? Cả hai đều cùng một câu trả lời: “Nếu sợ chết, cháu đã không đi công an”. Anh Thạnh khi đó 21 tuổi, mới cưới vợ là chị Trịnh Thị Nga, là đồng nghiệp, đồng chí với anh. Anh Diêu hơn anh Thạnh 3 tuổi, cũng có vợ mới cưới là chị Trịnh Thị Nhi – một cô gái khá xinh đẹp, làm y tá, sau cũng trở thành công an. Anh Phi “cứng” tuổi hơn, yêu muộn, 29 tuổi và đang có một tình yêu rất đẹp với chị Loan (hiện là trung tá công an). Các anh Nguyễn Duy Hưng, Nguyễn Bảo Toàn lúc đó đều “độc thân vui tính”. Riêng đồng chí Tư Cho khi đó đã trên 40 tuổi, nhưng vẫn hăng hái khoác ba lô từ Hà Nội vào Tây Nguyên theo các đồng chí Lương Quyền, Đức Minh và hứa sẽ trở về với gia đình. Vì một sự may mắn đặc biệt, anh và anh Trần Hữu Phi đã thoát chết thần kỳ trong một trận đấu không cân sức. Lúc đó các anh bị trói, trong khi đối phương có đến gần chục tên với súng ống lăm lăm trong tay và nỗi giận sôi sục! Trong số các anh, anh Lâm Văn Thạnh vốn xuất thân con nhà võ đất Bình Định và là một võ sư nổi tiếng ở Lâm Đồng nên chính anh Thạnh đã giúp trang bị võ thuật cho đồng đội thật tốt. Tất cả các anh đều được cấp trên làm cho mỗi người một cái “Thẻ hội viên Caritas”… như thật.

      Cả Ha Póh, Ya Theng và Phương cũng được giáo dục để trở thành những con mồi “câu” Ya Đuk. Thế nhưng, một buổi sáng, Ha Póh thức dậy, bỏ trốn vào rừng để thực hiện mưu đồ riêng của mình. Hắn đã không thực tâm phục thiện. Ta chỉ còn lại Phương và Ya Theng.

      Trước việc Ha Póh chạy thoát vào rừng là một tình huống xấu đối với kế hoạch giải quyết số FULRO theo phe Ya Đuk của ta. Tuy nhiên, điều đó không cản trở đến kế hoạch của ban chuyên án. Bằng sự tinh tường của nghề nghiệp, ban chỉ đạo chuyên án vẫn quyết định phá án. Mặt khác, ta bố trí lực lượng theo sát từng bước chân của Ha Póh.

      “Đạ bản doanh” của Ya Đuk

      Đó là cái hang Ploóc Krong nằm sâu trong dãy Bi-doop – núi Bà – Lang Bian, một vùng rừng đại ngàn, hoang vu trải dài từ xã Đầm Ròn (nay là huyện Đam Rông, giáp tỉnh Đăk Lăk) đến gần hết các xã của huyện Lạc Dương, với chiều dài khoảng 90km, cách trung tâm TP. Đà Lạt 30km. Chính ông Ya Đuk đã từng nói rằng, xét về giá trị… lẩn trốn, Ploóc Krong xứng đáng được xếp vào loại… lý tưởng, bởi nó vô cùng hiểm trở, hùng vĩ, địa thế thì không chê vào đâu được. Theo mô tả của “thiếu tá” Ya Theng: Hang Ploóc Krong nằm ở phía Tây Nam, được bao bọc phía trước là ngọn núi Voi sừng sững (nằm trên địa phận xã Hiệp An, huyện Đức Trọng), có khả năng che chắn, bảo vệ cho hang Ploóc Krong rất tốt. Tại núi Voi, “Bộ chỉ huy TW FULRO” cho đóng rất nhiều căn cứ với hàng trăm FULRO. Toàn huyện Lạc Dương lúc đó có đến trên 80% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, hầu hết đều “giúp đỡ” FULRO, hoặc đã bị FULRO khống chế. Nếu có động, FULRO trong hang Ploóc Krong sẽ kịp thời được báo để mà chuẩn bị phản công hoặc sơ tán. Cửa hang ở độ cao khoảng 200m, lòng hang có sức chứa cả trăm người. Đặc biệt trong hang có cấu tạo một phòng riêng, rất đẹp như chốn “thâm cung” dành riêng cho “đệ nhất phó thủ tướng” Ya Đuk. Cạnh đó là một vách ngăn tạo thành một cái hang nhỏ, dành làm nơi ở của vài cận vệ được cử gác và bảo vệ cho “tổng tư lệnh” mỗi khi cốt cán của “bộ chỉ huy TW FULRO” có việc bí mật họp bàn thì có thể ngồi tại đây. Ghế và bàn là những tảng đá nằm lăn lóc đầy quanh hang. Ban ngày, lòng hang tối, đêm đến thì lạnh nên hầu như trong hang luôn phải đốt lửa và đào hố thông ống khói xuống lòng đất. Tại lối vào cửa hang cả vài cây số có nhiều trạm gác, quân FULRO thay phiên nhau túc trực ngày cũng như đêm để kịp thời “xử lý” mỗi khi “hữu sự”. Diuma – Đội trưởng cận vệ của Ya Đuk đã có công khám phá ra cái hang này và được “tổng tư lệnh” đặc cách từ “trung úy” lên “trung tá”.

      Khi viết loạt bài này, tác giả đã có nhiều lần phỏng vấn, chuyện trò với ông Ya Đuk và được ông trả lời rất chân tình, cởi mở. Có rất nhiều lời đồn đại của người dân huyện Lạc Dương về thời gian ông Ya Đuk ở trong hang Ploóc Krong. Để có một câu trả lời chính xác của người trong cuộc, chúng tôi đã mạnh dạn hỏi ông Ya Đuk rằng:

      – Nghe nói, lúc “TW FULRO” của ông đóng quân trong dãy Bi-Doop – núi Bà – Lang Bian, ông và các thuộc cấp của ông sống rất hoang dã. Cấp dưới của ông bắt nhiều gái đẹp đủ sắc tộc về dâng cho ông, rồi nhiều cô gái bị hiếp, giết rất dã man?

      Ông Ya Đuk trả lời: Không! Phải nói ngay chuyện đàn bà lúc đó tôi hoàn toàn không có. Tôi lấy vợ (đúng hơn là được bắt chồng theo chế độ mẫu hệ của người K,Ho) năm tôi 27 tuổi. Từ năm 1975 tôi đi biền biệt. Khi đó tôi có 4 đứa con. Những ngày ở trong hang Bloóc Krông, tôi rất nhớ vợ con. Ở ngay gần gia đình mình, buôn làng mình mà không thể trở về được. Biết con đường mình đi lầm lạc, mình có tội, mình chịu. Nhưng vợ con mình có tội gì đâu mà bị liên luỵ, bị làng xóm xa lánh. Tôi khi đó là “đệ nhất phó thủ tướng” mà có lo được gì cho vợ con đâu. Đằng đẵng suốt 7 năm bà ấy phải chịu khổ cực, tôi ân hận lắm và một lòng chung thuỷ với vợ con. Vả lại, lúc đó tôi chỉ nghĩ đến chuyện đại sự. Sau này tôi cũng có nghe lúc ở rừng vài cấp dưới của tôi có làm bậy, nhưng mà thời điểm đó không kiểm soát được để mà trừng phạt. Đúng là FULRO đã gây bao nhiêu tội ác. Đến bây giờ, nỗi sợ và ám ảnh nhất với tôi là những ngày ở rừng không có muối ăn, người nào người nấy da bủng beo, xanh nhớt. Chúng tôi đào củ mài, củ chuối trong rừng ăn thay cơm và săn bắt thú rừng, uống máu chúng để thay vị mặn của muối…

      VIII – “HÙM XÁM” RỜI “ĐẠI BẢN DOANH”

      Có lẽ trong đời binh nghiệp của các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy chuyên án F101, kỷ niệm đáng nhớ và xúc động nhất là phút giây nghe tin hai trinh sát đắc lực của chuyên án là các anh Lâm Văn Thạnh, Nguyễn Ngọc Diêu anh dũng hy sinh. Nhớ ngày nào, hai anh cùng các trinh sát trẻ, hồ hởi đến gõ cửa phòng họp án để nhận nhiệm vụ. Họ đã ôm chầm lấy nhau, vỡ oà niềm hạnh phúc vì được tổ chức, cấp trên tin tưởng, giao nhiệm vụ lớn. Sự dấn thân quên mình của các chiến sĩ trẻ mãi là bản tráng ca bi hùng mà chúng ta không thể nào quên!

      Thời điểm này, các trinh sát an ninh được huấn luyện để vào vai các “thành viên Caritas” đã sẵn sàng nhập cuộc. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, những lá thư của Ya Đuk gửi “mục sư Lâm” và ngược lại vẫn tiếp tục được duy trì để củng cố mối quan hệ, niềm tin và sự quyết tâm giữa hai phía. Cho đến một ngày, cả “đại bản doanh” của Ya Đuk tưng bừng, hạnh phúc khi nhận được tin: Tổng thư ký của tổ chức từ thiện Caritas đã đến Việt Nam và nôn nóng “đón” ngài “đệ nhất phó thủ tướng” Ya Đuk cùng các “chiến binh FULRO dũng cảm”. “Mục sư Lâm” cũng đang mong chờ được đón “ông bạn” Ya Đuk để cùng ngồi lại, bàn nhiều kế hoạch cho chương trình “Xuduvicaon” (xuất dương vì cao nguyên). “Nếu ngài Ya Đuk không chấp thuận, có thể ngài đã có ý coi nhẹ chân tình của tổ chức Caritas, và như thế, cơ hội của ngài coi như rất khó để thực hiện”.

      Ông Ya Đuk nói rằng, lúc đó ông chẳng hề mừng rỡ, thậm chí còn thấy lòng rối bời. Bằng sự suy đoán của mình, ông mường tượng đây là bước ngoặt của cuộc đời mình, của những người theo FULRO. Bước ra khỏi cái hang này sẽ là một sự thay đổi. Nhưng, sự thay đổi đó theo chiều hướng tốt hơn hay xấu hơn thì ông hoàn toàn không đoán được. Song, đúng vào lúc này đây, ông không thể chỉ quyết định cho mình mà còn vì biết bao nhiêu con người đang rất hồ hởi kia. Họ muốn đi nhiều hơn là muốn ở lại. Quyết định nào của ông cũng đều ảnh hưởng đến cuộc đời của họ. Có thể số đông những người kia đều nghĩ rằng con đường phía trước đã rộng mở, bằng phẳng; lời hứa năm xưa của một số người nay đã được thực hiện. Nhưng bản thân ông Ya Đuk thì không “lạc quan” đến thế. Bởi ông cũng đã từng hồ hởi ra đi một chuyến tại biên giới Tây Nam năm 1978, cũng với mục đích như thế và rồi “giấc mộng” sụp đổ tan tành. Đã nhiều ngày nay ông khó ăn, khó ngủ mỗi khi nghĩ đến sự “nhiệt tình” của “mục sư Lâm”. Thời gian trước đó, ông đã nhận đến ba lá thư của “mục sư” mà không trả lời cũng vì những điều ông đang hoài nghi, trăn trở. Và rồi ông nhìn lại, ở trong hang núi Ploóc Krong lâu nay khổ cực quá rồi. Đã gần 5 năm, kể từ ngày ông “ra rừng” và rồi ông toàn phải sống chui lủi trong rừng sâu, núi cao; hết hang Lợn Rừng ở Đầm Ròn lại đến hang Ploóc Krong. Ông hoàn toàn thiếu hẳn thông tin về thế giới bên ngoài. Ông thèm biết bao cảm giác được hít thở khí trời, được thay đổi cuộc sống, được tự do đi lại… Đây rõ ràng là một bước ngoặt của đời ông. Ông phải đi ra khỏi cái hang Ploóc Krong thân thuộc và lạnh lẽo này, dẫu phía trước có khó khăn, cay đắng; thậm chí là cái chết. Nếu quả thật có như vậy thì một vị “thủ lĩnh” như ông càng phải chấp nhận đi đầu. Và rồi ông quyết định ra đi, với hy vọng làm người dẫn đường cầm “ngọn đuốc”!

      Các FULRO “tổng trưởng” của ông Ya Đuk trước đó đã cẩn thận bố trí hệ thống liên lạc nằm vùng ở một số buôn, ấp khi biết được “sự mất tích bí ẩn” của Ha Póh.

      Về phía ta, lúc này có được thông tin: “đại úy” Ha Póh không chạy về TW FULRO mà trở về làng ở Đơn Dương, sau đó tự mò về TP. Hồ Chí Minh tìm gặp “mục sư Lâm”. Hắn liên tục di chuyển để lùng tìm người hắn muốn gặp. Sau này, Ha Póh khai rằng, hắn liều mình đi tìm gặp “mục sư Lâm” mà không trở về căn cứ bởi vì hắn đã không bảo mật được thông tin về đường dây xuất ngoại của Ya Đuk với “mục sư Lâm” trước CA. Không thể đem thất bại này về TW FULRO để bị xử “trọng tội” nên Ha Póh muốn “lấy công chuộc tội” bằng cách đi “mật đàm” với “mục sư Lâm” để không làm tắt niềm hy vọng của “ông lớn”. Thế nhưng Ha Póh không thể nào biết, tất cả những căn nhà trọ, bến xe, khu chợ và cả những nơi mà hắn đi qua tại TP. Hồ Chí Minh đã “được” các trinh sát của KĐ4 và CATP Hồ Chí Minh theo sát. Vì thế nên chuyên án mới có thể tiếp tục.

      Những chuyến “hàng” đặc biệt

      Thiếu úy Lâm Văn Thạnh không hổ danh là một trinh sát an ninh đa tài. Anh vào vai Nguyễn Văn Bình (tự Ba Bình), đại diện của “Tổ chức từ thiện Caritas” và nhập vai khá “ngọt”. Thiếu úy Nguyễn Duy Hưng là người lái xe chở anh Ba Bình đến “điểm hẹn” để đón chuyến “hàng” đầu tiên. Không chỉ hai anh Hưng, Bình mà cả Ban chuyên án, lãnh đạo Bộ Nội vụ, các đồng chí lãnh đạo Cụm An ninh Tây Nguyên và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng đều hồi hộp, hạnh phúc và nôn nao đến khó tả khi cùng biết và cùng cầm trên tay danh sách mười người theo FULRO, “trở về” trong chuyến đầu tiên này có ông Nahria Ya Đuk, “trung tá” Lơ Mu Yem – “tổng trưởng ngoại giao”, cùng hai “trung tá” khác, hai “thiếu tá” và bốn FULRO cấp “úy”. Đúng 4 giờ 30 ngày 13/8/1980, bên kia sông Tùng Nghĩa (thuộc xã Phú Hội, huyện Đức Trọng), một đoàn người gồm 60 FULRO đang hộ tống ông Ya Đuk cùng 9 người khác lội qua sông, giữ đúng giao ước với anh Bình và lên chiếc Micro-buýt Desoto biển số 52… thẳng tiến về hướng TP. Hồ Chí Minh. Bên hông xe giăng băng rôn: “Đoàn khách Campuchia tham quan”. Ngày đó, núi rừng Tây Nguyên âm u, đường đi cách trở, để đến được đây, ông Ya Đuk và đoàn quân của mình đã phải đi từ ngày hôm trước, sau đó ngủ tại một căn cứ FULRO trên núi Voi, sáng sớm thì đến đây. Trước khi bước lên xe, vì những lý do an toàn cho hai phía, ông Ya Đuk chấp thuận và chỉ đạo cho 9 người còn lại lấy vũ khí trong người ra, giao cho số “chiến binh FULRO” ở lại. Ông Ya Đuk lúc đó xài khẩu súng ngắn Rulo cực oách! Trước khi xe chuyển bánh, anh Bình không quên lấy thuốc lá thơm và bánh kẹo mời những người trên xe dùng cho ấm lòng buổi sáng và gửi lại mấy thùng quà tặng số FULRO ở lại.

      Anh Hưng kể, khi đó, bản thân anh thấy hãnh diện và có phần hơi run. Nhưng anh Lâm Văn Thạnh thì bình thản, tự tin quá đỗi. Chuyến xe chỉ có hai anh em với 10 người đã ở quá lâu trong rừng. Nhìn vào những đôi mắt sâu, đen thăm thẳm với những hàng mi dày và cong như con gái (người dân tộc thiểu số Tây Nguyên đều có những đôi mắt rất đẹp), cả anh “Bình” và anh Hưng thấy trong đó có ánh mắt của những sinh vật dữ dằn, nhưng cũng có những ánh mắt hiền từ như con hươu, con nai. Anh Ba Bình bắt chuyện với ông Ya Đuk bằng tiếng Kinh và hơi bất ngờ bởi ông nói giọng miền Nam của người Kinh cực chuẩn. Câu chuyện trên xe bắt đầu rôm rả. Vốn tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số các anh mới trang bị tạm đủ cho các anh hiểu những người trên xe đang nói gì.

      Rất nhiỀu giọt nước mắt đã rơi!

      Để chuyến xe đón ông Ya Đuk trở về được tốt đẹp, cả Phương, anh Hưng, anh Lâm Văn Thạnh và Ban chuyên án đã phải… vài ba phen “thót tim”! Đó là trước chuyến khởi hành năm ngày, “trung tá” To Na – cận vệ của ông Ya Đuk, qua liên lạc của mình đã gửi đến… phía ta (đóng vai hội Caritas) một bức thư với nội dung: “Phía FULRO sẵn sàng đi, nhưng sợ anh Bình và hội Caritas làm việc hai mặt. Chờ”. Sau đó, FULRO cử người theo dõi lại ta. Bằng nghiệp vụ, ta đã tìm được những giải pháp để “cắt đuôi”.

      Một chuyện “sởn gáy” nữa là buổi sáng ngày 13/8/1980, theo chỉ đạo của Ban chuyên án, anh “Bình” làm việc với số thân cận của ông Ya Đuk và “được” họ cho cái hẹn đúng 4 giờ sáng tới địa điểm đón người. Ban chuyên án đã bố trí lực lượng và các anh Ba Bình, Nguyễn Duy Hưng có mặt đúng hẹn. Bất ngờ, từ trong những bụi cây rậm rạp cạnh con đường mòn chỗ xe anh Hưng đậu, xuất hiện sáu tên FULRO dữ dằn. Bọn chúng lao vào dùng báng súng, khúc cây và đá đánh hai anh Hưng, Bình một trận phủ đầu, hỏi các anh có phải là người của công an không? Tất nhiên, anh Bình vẫn không được để lộ mình giỏi võ mà phải giải thích với chúng, các anh là thành viên của “Hội Caritas” và đang giúp mở ra cho họ một con đường tươi sáng. Bọn chúng cười xuề xòa rồi rối rít xin lỗi, sau đó ngồi chờ cùng hai anh cho tới khi đoàn của ông Ya Đuk đến. Chuyện bị tấn công này anh Ba Bình đã nói lại với ông Ya Đuk trước lúc lên đường. Ông Ya Đuk tỏ ra bối rối và nghiêm sắc mặt cảnh cáo sáu tên FULRO manh động!

      Chuyên án này có tám chuyến đi đón FULRO như thế, tại các địa điểm khác nhau trên toàn địa bàn tỉnh Lâm Đồng, nơi có FULRO trú ẩn. Phía sau mỗi chuyến “hàng”, một chiếc ôtô khác do anh Trần Hữu Phi chở Phó giám đốc Vũ Linh chạy sau đề phòng mọi bất trắc. Phía sau nữa, lại có một chiếc ôtô lớn chở “khách đi đường”, luôn giữ khoảng cách nhất định với hai xe phía trước để làm nhiệm vụ bảo vệ và hỗ trợ khi cần thiết. Động tác này Ban chuyên án gọi là “khóa đuôi”. Buồn lòng thay, có những chuyến các anh phải đón xác anh hùng Lâm Văn Thạnh và liệt sĩ Nguyễn Ngọc Diêu vì bị FULRO sát hại…

      Khoảng 8 giờ sáng 13/8/1980, chiếc xe chở đoàn của ông Ya Đuk đến vị trí đón của ta. Một chiếc ôtô khác “hộ tống” phía sau, bất ngờ vượt lên, chia lực lượng đều trên hai xe và thay biển số xe 52… thành 49… rồi đưa “khách” về địa điểm đã quy định sẵn trên đường Hùng Vương – TP. Đà Lạt…

      IX – NHỮNG BỨC THƯ GIẢM THIỂU XƯƠNG MÁU

      Khỏi phải nói quý độc giả cũng có thể hình dung được cảm giác khi chuyến xe chở đoàn của ông Ya Đuk buộc phải quay trở lại… Đà Lạt, chấm dứt giấc mộng xuyên đại dương của cả đoàn. Phản ứng đầu tiên của họ là quay lại nhìn vị “tổng tư lệnh” và chờ ngài có giải pháp gì để “lật ngược thế cờ”. Thế nhưng, ông Ya Đuk chỉ ngồi yên, bất động!

      Thành công bước đầu của ban chuyên án là một kết quả đúng như mong đợi. Ta đã bắt gọn bí mật 10 người theo FULRO, đặc biệt là nhân vật Nahria Ya Đuk. Bây giờ là bước khai thác và cảm hoăa họ. Đây có lẽ là việc quan trọng nhất và được mong đợi nhiều nhất của Ban Bí thư Trung ương Đảng và của ngành CA. Thời gian lúc này rất gấp rút, việc khai thác ông Ya Đuk, ông La Mu Yem và toán FULRO này được tiến hành với tinh thần khẩn trương nhất, tập trung nhất; vừa khai thác vừa cảm hoăa để họ trở về với buôn làng.

      Từ kết quả đấu tranh với nhóm của ông Ya Đuk, ta có thêm tài liệu để thấy rõ mấy vấn đề sau: việc chuẩn bị và có ý đồ trốn ra nước ngoài thực tế chỉ có vài chục FULRO đang ở trong hang Ploóc Krong với Ya Đuk. Tất cả số người này bi quan về tình hình FULRO hiện nay nên tìm cách ra nước ngoài để xin viện trợ. Việc này không được toàn bộ số chỉ huy “TW FULRO” (chủ yếu là người Ê Đê, Ba Na) chấp thuận, nên ông Ya Đuk cùng số thân cận đã thực hiện việc liên lạc để “xuất dương” một cách bí mật. Mâu thuẫn giữa FULRO Ê Đê với FULRO K,Ho và số FULRO thuộc dân tộc khác ngày càng gay gắt. Thậm chí, một số FULRO Ê Đê muốn tìm cách tiễu trừ cả Paul Yưh – “phó tổng tư lệnh”, đệ nhị phó thủ tướng – người Ba Na của chúng. Tuy nhiên, số này đang mượn danh ông Paul Yưh để có nhiều quyết định chi phối quân khu 4. Nhưng do ảnh hưởng uy tín của ông Ya Đuk còn ăn sâu và có hiệu lực hầu hết trong lực lượng FULRO, nên chưa đến mức xảy ra các cuộc thanh trừng lẫn nhau.

      Về phần ông Ya Đuk, theo lời ông kể lại khi chiếc xe chở ông dừng lại giữa đường và đưa ông cùng các anh em đến nhà khách CA Lâm Đồng, sau đó xuất hiện cả những người tóc đã bạc được giới thiệu là lãnh đạo chính quyền, CA Lâm Đồng, ông đã hiểu ra rằng “hội Caritas” chính là… những người cộng sản. Cảm giác của ông lúc này là ngại ngùng và bái phục sự tài ba của những người làm CA cách mạng. Một ngày, hai ngày trôi qua, ông Ya Đuk không sao tự giải đáp được những thắc mắc về chính sách tù binh của cộng sản (ông tự xếp mình là tù binh). Ngay phút đầu tiên ở Eo Gió, khi biết mình đã vỡ mộng xuất dương, ông Ya Đuk đã cầm chắc một cuộc xử bắn mà trước hết là bị tống giam trong căn phòng chật chội, hôi hám và bị tra tấn, hòng buộc những người theo FULRO như ông phải trả giá đắt về tội lỗi mình đã gây ra với cộng đồng, với dân tộc. Thế nhưng, cũng chính từ giây phút đầu tiên ấy, ông Ya Đuk đã phải ngạc nhiên đến ngỡ ngàng khi cả ông và 9 người của ông trên xe đều được đối xử rất tử tế. Cả 10 người đều được vào ở nhà khách, được tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo mới rồi ăn một bữa cơm ngon, hút thuốc lá Đà Lạt, uống nước trà B,lao, được xem tivi và được hướng dẫn sử dụng các vật dụng sinh hoạt trong phòng nghỉ, phòng khách… cứ như thể họ là “thượng khách” của CA Lâm Đồng. Nhiều buổi tối sau đó, tất cả đều được ngủ với nệm ấm, chăn êm. Đêm đầu tiên, ông Ya Đuk trằn trọc không làm sao chợp mắt. Và rồi, khi chiếc kim đồng hồ đã chỉ 3 giờ sáng, ông Ya Đuk gạt hết mọi hoài nghi, lo sợ, vùi mình ngủ đẫy giấc mãi đến 9 giờ sáng hôm sau mới thức dậy. Tưởng mình vẫn nằm mơ, ông vội bấm mạnh tay vào người và tìm gọi các anh em của mình. Nhận ra sự thật, ông Ya Đuk thấy mừng vui quá đỗi. Sự đối xử của những người cộng sản, những chiến sĩ CA cách mạng, những người mà ông đã từng được “giáo dục, áp đặt” và nảy nở suy nghĩ đó là “kẻ thù không đội trời chung” với FULRO là như thế này sao? Dù có nghĩ nát óc, ông Ya Đuk cũng không thể hiểu nổi!
      Bên chiếc bàn lớn trong phòng khách, ông Ya Đuk từ chối bữa ăn sáng đã được dọn sẵn và châm một điếu thuốc hút. Ông bình tĩnh nhớ lại từng lời mà ông Tư – một trong những người chỉ huy CA hôm qua đã nói với ông cùng nhóm người bị bắt: “Nhân dân và chính quyền cách mạng ủy thác cho tôi nói với các anh rằng: các anh đã được cứu sống, được đối xử tử tế theo đúng chính sách đoàn kết các dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mai mốt, người nào lập công chuộc tội với nhân dân sẽ được trọng thưởng xứng đáng…”.

      Ký ức về những cán bộ cách mạng bỗng hiện lên trong đầu ông Ya Đuk từ những mảnh lắp ghép mà ông đã thấy, đã nghe kể lại. Ông nhớ, vào cuối năm 1977, có lần ông đã bí mật vượt hàng chục cây số đường rừng để trở về thăm nhà, thăm vợ con và người mẹ già của ông đang bệnh nặng, trong căn nhà dài ở thôn Ka Đô mới, xã Ka Đô, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng). Lần đó, chẳng hiểu sao ông vừa về đến nhà lúc nửa đêm, thì sáng hôm sau, độ 7 giờ, ông đang dùng bữa sáng trong căn buồng kín của gia đình thì nghe có khách mang đường, sữa đến thăm mẹ của ông bị ốm. Khách – theo vợ, con và em gái ông nói là cán bộ thôn, xã và cả CA. Tất nhiên, ông vẫn ngồi im và nghe không sót lời thăm hỏi, dặn dò nào giữa mấy cán bộ với gia đình. Nào là mong bà mau chóng bình phục, để con cháu yên tâm lo làm ăn, lao động. Rồi hình như có cả sách, vở, bút mực tặng cho thằng Ya Đim và con bé H,Rê đang học lớp 1 và lớp 2 thì phải. Chẳng ai đả động lời nào đến ông hết cả. Như thế cũng là may. Song, để phòng xa, ông đã bí mật kêu con gái ra dặn mấy người theo bảo vệ ông và gia đình phải cảnh giác với mấy ông cán bộ. Rồi lần gặp gỡ cách đây cũng gần 3 năm, khi người vợ thân yêu của ông gùi đầy một gùi gạo vào thăm ông trong hang Ploóc Krong, bà cứ luôn miệng khoe rằng có cán bộ cách mạng vào từng gia đình, hướng dẫn mọi người trồng trọt, chăn nuôi để tăng năng suất; có ngôi trường tiểu học mới xây ngay trung tâm xã, học sinh người dân tộc thiểu số được miễn giảm hết các khoản học phí; bà con buôn làng mừng lắm vì không lo trẻ con bị mù chữ nữa; nhà bây giờ lúa gạo đủ ăn… Thế nhưng, lúc đó ông chẳng buồn nghe mà bảo bà hãy chịu khó chờ ngày ông có quyền hành thực sự. Lúc đó bà chẳng phải làm gì vất vả mà còn có kẻ hầu người hạ…

      Cuối cùng thì mọi suy nghĩ của ông Ya Đuk lại quay về với ông Tư – người mà “tổng tư lệnh FULRO” đã phải thừa nhận: “Tôi đã bị đo ván trước ổng”.

      Quyết đỊnh sáng suốt của “đệ nhất phó thủ tướng FULRO”

      Đại tá Nguyễn Văn Độ – nguyên Giám đốc CA Lâm Đồng cho biết: Từ kết quả khai thác ông Nahria Ya Đuk, ban chỉ đạo chủ trương thuyết phục Ya Đuk và “nhờ” ông tham gia vào việc “câu nhử” số FULRO đang ở trong rừng, thông qua “sự giúp đỡ của hội Caritas”, như đã làm với ông. Nay để thuyết phục hơn, rất cần ông viết thư gửi đến số bạn bè, anh em trong FULRO của ông để đưa họ trở về. Lúc đầu, ta đặt vấn đề này với ông Ya Đuk, nhưng ông không chấp nhận. Ông Ya Đuk khẳng định rằng, tội lỗi của mình gây ra cho cách mạng, cho dân thường, cho xã hội là rất lớn, đáng tội chết. Nếu cách mạng không khoan hồng mà trừng trị thì ông không có điều gì thắc mắc. Ông Ya Đuk cũng đồng ý là FULRO không đem lại lợi ích gì cho dân tộc, vẫn phải sớm kêu gọi những người con theo FULRO trở về làm ăn, xây dựng buôn làng, quê hương. Ông sẵn sàng đứng ra kêu gọi số bạn bè và anh em còn ở FULRO trở về. Nếu viếât thư cho số bạn bè của ông, hiện đang cầm đầu FULRO để họ tin vào con đường “xuất dương” của “hội Caritas”, thông qua đó để họ trở về thì ông thấy đó là một việc làm lừa dối, phản lại bạn bè. Ta tiếp tục phân tích tình và lý để thuyết phục ông Ya Đuk. Cuối cùng, sau hai ngày, ông Ya Đuk đã nhất trí về biện pháp đó và trong hoàn cảnh ấy, chỉ có biện pháp đó mới có kết quả cao. Nhưng đó là mục đích tốt đưa số cầm đầu FULRO, số bạn bè của ông trở về với gia đình, với buôn làng, với cách mạng bằng con đường gần nhất, không đổ xương máu thì đó là một việc làm có ý nghĩa và nên làm. Như vậy, số đối tượng mà ta có kế hoạch đưa về lần tới gồm các “trung tá” Ha Pút – “tổng tham mưu trưởng TW FULRO”, K,Ty – “tỉnh trưởng Đà Lạt”, K,Cháp, E nuôl MBột – “tư lệnh vùng 4”, Lơ Mu Ha Chông, Cil Be, Liêng Hót K,Thót – “tổng trưởng tài chính FULRO”. Ông Ya Đuk đã viết thư cho họ và ký tên với bí danh “đặc biệt” mà ông thường dùng trong FULRO.

      Thông qua số FULRO bị bắt, ta đã tìm được một số FULRO liên lạc để chuyển những lá thư của ông Ya Đuk đến những căn cứ có đối tượng cốt cán. Những người này rất tích cực đi các hướng để chuyển thư của ông Ya Đuk và chờ nhận hồi âm cũng như nghe ngóng mọi diễn biến, tình hình. Họ hoàn toàn coi đây là trách nhiệm của mình, góp phần đưa những người lầm đường, lạc lối theo FULRO trở về với gia đình, buôn làng để sống một cuộc sống bình thường.

      Theo kế hoạch, ngày 12/9/1980, ta bố trí anh Ba Bình với tư cách là đặc phái viên của Caritas “làm việc” với một FULRO dưới quyền ông Ya Đuk và nhận được danh sách 14 FULRO sẽ đi vào 4 giờ ngày 13/9. Đúng thời điểm trên, tại một điểm hẹn trong buôn R,Chai, khu vực giáp xã Kil Planhol (huyện Lạc Dương), chiếc xe đón “khách”, ngoài đồng chí Hưng điều khiển, có đồng chí Ba Bình và hai liên lạc (trong chuyên án được gọi là “chim mồi”) của ta. Tiễn đưa toán FULRO kia ra xe còn có 10 tên FULRO khác lởn vởn quanh khu vực ôtô anh Hưng đậu, đến khi chiếc xe lao đi mất dạng, chúng mới quay về rừng sâu…

      X – “TỔNG THƯ KÝ CARITAS” XUẤT HIỆN

      Khi chuyên án đang phát triển nhịp nhàng, thuận lợi thì xảy ra một sự cố nghiêm trọng. Do chủ quan của một số chiến sĩ trẻ, bảy đối tượng FULRO vừa bị bắt đã đào thoát. Rắc rối này có thể gây nguy hiểm đến những chiến sĩ CA dũng cảm đóng vai đại diện “hội Caritas” để câu nhử số FULRO theo chỉ huy các căn cứ trong rừng sâu. Ban chuyên án phải đối phó bằng cách nào?

      Đại tá CA Nguyễn Văn Độ cho biết: Do đã được ông Ya Đuk và một số người theo FULRO hồi tâm, sẵn sàng hợp tác để lần lượt “đón” từng toán FULRO trở về, tránh đổ máu, ban chuyên án phải cần nhiều đến sự “chỉ huy” của ông Ya Đuk với số FULRO còn ở trong rừng. Vì thế đã sắp xếp để tạo thông tin rằng, số FULRO theo “hội Caritas” đã xuất ngoại, riêng ông Ya Đuk và một số người khác đang ở tại Vũng Tàu để họp bàn nhiều kế hoạch với Caritas.

      Chuyến thứ hai này ta “đón” được Liêng Hót K,Thót – “tổng trưởng tài chính” của FULRO. Tiến hành khai thác toán của Liêng Hót K,Thót, ta thu được “lời chia sẻ” là với phương thức mời đi “xuất ngoại” như trên, rất khó có kết quả với toàn bộ chỉ huy FULRO vì số sĩ quan FULRO rất sợ số FULRO người Ê Đê, họ không dám đi theo con đường của Ya Đuk. Mặt khác, họ cũng chưa có cơ sở thực tế nào để tin tưởng con đường xuất ngoại của Ya Đuk là chắc chắn. Từ “gợi ý” này của ông Liêng Hót, Ban chuyên án nói chuyện với ông Ya Đuk và số FULRO bị bắt và được mọi người giúp đỡ bằng việc viết thư kể về việc đã tiếp xúc và gặp gỡ “hội Caritas” và “mục sư Lâm” như thế nào; cùng với các hình ảnh “ăn chơi”, giải trí mà ta đã dành cho một số người theo FULRO vừa trở về trong hai chuyến. Có cả “ông Tổng thư ký của tổ chức từ thiện Caritas” do một đồng chí lãnh đạo Bộ CA thủ vai, cũng có mặt, họp bàn về kế hoạch “Xuduvicaon” (xuất dương vì cao nguyên). Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, ta bố trí để chỉ có một số người từng là FULRO biết đây chỉ là “kịch bản” của CA. Một số FULRO ngoan cố thì vẫn khẳng định, những gì đã thấy, đã nghe đúng là FULRO đang hợp tác với “hội Caritas”.

      Làm xong công tác chuẩn bị, ngày 26/9/1980, sau nhiều ngày liên lạc, “chim mồi” tiếp tục chuyển đến anh Ba Bình danh sách 7 FULRO sẽ đi vào chuyển tới. Cùng đó, có thông tin, “trung tá” Ha Pút – “tổng tham mưu trưởng TW FULRO” có thể cùng đi trong chuyến này, nhưng ông ta còn do dự. Toán của Ha Pút rất đông, khoảng 70 người đã kéo ra bìa rừng ở rải rác để chờ hộ tống Ha Pút lên xe. Họ xin “hội” cấp cho lương thực ăn qua đêm vì số FULRO này đang rất khổ sở, đói khát.

      Đúng như liên lạc, vào 4 giờ ngày 27/9/1980, xe chở anh Ba Bình đến điểm hẹn, đón 7 sĩ quan cấp “úy” lên xe. Ha Pút có mặt ở đó, chần chừ một lúc rồi quyết định ở lại cùng lời hứa với anh Bình sẽ đi vào chuyến khác.

      Bắt được 7 người trong chuyến 3, chúng ta có được thư của “trung tá” Ha Pút và “trung tá” Enuôl MBột gửi ông Ya Đuk với nội dung: Bản thân họ rất tin tưởng vào sự chỉ huy của Ya Đuk, tin tưởng và hy vọng vào phong trào FULRO, nhưng tạm thời họ chưa thể “xuất ngoại” được. Không phải vì lo ngại một điều gì mà vì “tự thấy trách nhiệm rất nặng nề” bởi tình hình FULRO hiện nay, nếu thiếu họ sẽ tan rã hết. Họ gửi đi một số sĩ quan cấp “úy” thân tín cũng là chứng minh lòng tin của họ với “thủ lĩnh” Ya Đuk.

      Tổng hợp nhiều nguồn tin, ta thấy, nếu tiếp tục “mời” FULRO trở về theo con đường “xuất ngoại” thì không có kết quả. Nếu có cũng chỉ có số cấp dưới, còn số chỉ huy thì một phần vì sợ số FULRO Ê Đê trừng trị, phần cũng muốn nhân thời cơ Ya Đuk và một số “trung tá” vắng mặt ở Tây Nguyên sẽ là cơ hội để họ “xưng hùng xưng bá”, giành lấy chức vụ điều hành. Từ tình hình trên, Ban chuyên án quyết định chuyển phương án, thay bằng việc Ya Đuk viết thư “mời” số FULRO chỉ huy đến Vũng Tàu để cùng tham gia họp bàn, trao đổi với ngài “Tổng thư ký hội Caritas” về yêu cầu viện trợ cho FULRO. Phía ngài “Tổng thư ký hội” cũng rất muốn biết về tình hình FULRO lâu nay thế nào (do ông Ya Đuk đã vắng mặt một thời gian dài nên không nắm được). Xong việc, số chỉ huy FULRO này có thể trở về rừng, tiếp tục điều khiển binh lính FULRO theo mình.

      Lại nói về “đại úy” Ha Póh, nhân vật mà Ban chuyên án đã bắt được đầu tiên khi tiến hành chuyên án, cùng với “thiếu tá” Ya Theng, khi cả hai nhận lệnh của ông Ya Đuk đi gặp “mục sư Lâm”. Trong khi ông Ya Theng đã dần hiểu con đường đi sai trái của mình, trở về hợp tác với CA và đang được CA che chở, bảo vệ thì Ha Póh bất ngờ bỏ trốn. Sau khi loanh quanh ở TP. Hồ Chí Minh suốt nhiều ngày mà không tìm được “mục sư Lâm”, không liên lạc được với Phương; lại bị FULRO nghi ngờ là “người của CA” (vì đã bị CA bắt mà còn chạy thoát!). Không còn bám được vào toán FULRO nào, Ha Póh lủi thủi tìm chỗ ẩn nấp trong các nương rẫy, tránh sự trả thù của FULRO. Suốt từ đó, Póh thường xuyên viết thư cho ông Ya Đuk, thanh minh về bản thân mình, xin Ya Đuk tiếp tục cho Póh đi theo. Nhưng chưa được ông Ya Đuk đồng ý. Sở dĩ ta có thể “mặc kệ” Ha Póh suốt một thời gian dài như thế mà không sợ lộ “bài” dùng Ha Póh để “câu nhử” ông Ya Đuk, là bởi vì ta đã có cách “xóa lộ”. Một cô gái gọi Ha Póh bằng cậu ruột đã được ta “cấy” vào tổ chức FULRO, trở thành liên lạc tin cậy của “thầy trò” ông Ya Đuk tại hang Ploóc Krong và cả khi Ya Đuk đã theo “Caritas”. Chính cô gái này cũng không hề biết mình làm việc cho CA mà chỉ nghĩ các việc cô làm đều vì phong trào FULRO và vì “ông lớn” Ya Đuk. Nhất cử, nhất động của cô đều được trinh sát ta nắm rất kỹ, kể cả việc cô liên lạc và nuôi giấu Ha Póh. Nhiều lần Póh viết thư gửi cháu gái, chuyển đến “chim mồi” của ta nói rằng có một nhóm FULRO rất muốn xuất ngoại, tập trung sẵn ngoài rừng, chờ “hội Caritas” đón gấp. Hiểu được ý đồ của Póh, ta không quan tâm.

      Thủng lưới

      Ngày 12/10/1980, “chim mồi” chuyển đến ta thông tin đã liên lạc được với “trung tá” Ha Pút. Ha Pút đồng ý đi chuyến này cùng với hai người thân cận và bảy FULRO khác. Như vậy là “cá đã cắn câu”. Ha Pút chấp thuận đi theo thư “mời” của ông Ya Đuk là đến Đà Nẵng gặp ngài “Tổng thư ký hội” để bàn bạc nhiều kế hoạch. Ngoài ra, một toán khác do “trung tá” K,Cháp chỉ huy gồm 22 FULRO cũng xin “xuất ngoại”. Yêu cầu cho hai xe đón hai toán này, cùng đi trong một ngày. Ban chuyên án quyết định như sau: Phải chọn một điểm ở Đà Nẵng cho “trung tá” Ha Pút gặp đại diện của “hội” và ông Ya Đuk. Lúc này, chuyên án có hướng mở rộng. Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Nội vụ, Cục an ninh, Ty CA Đà Nẵng, CA Lâm Đồng cần phối hợp nhịp nhàng, chính xác để chuyên án F101 đạt hiệu quả cao nhất. Ban chuyên án phối hợp Ty CA Đà Nẵng chuẩn bị “trụ sở hội Caritas” để các ông Ya Đuk, K,Ty, Lơ Mu Yem “hội ngộ” với ông Ha Pút. Lúc này, có sự giúp đỡ đặc biệt của Cục kỹ thuật Bộ CA và Cục KĐ4 để phiên dịch tiếng của những người từng theo FULRO, đề phòng mọi bất trắc.

      Đối với toán của ông K,Cháp gồm 22 người, ta chủ trương đón bắt gần Cam Ranh, tỉnh Phú Khánh (nay là tỉnh Khánh Hòa) và đưa về Lâm Đồng một cách bí mật mà không cần phải gặp toán của ông Ha Pút tại Đà Nẵng.

      Đúng ngày 14/10/1980, ta cho 2 xe đi đón hai toán trên tại hai địa điểm khác nhau. Theo kế hoạch, hai chiếc Peugeot 404 cùng xuất phát trên QL 20, sau đó, xe chở ông Ha Pút sẽ vượt lên, chạy ra Đà Nẵng và ở lại đó ba ngày. Anh Ba Bình và anh Phi được bố trí cùng ăn, cùng ngủ với toán của ông Ha Pút trong những ngày một số người của toán này lưu lại Đà Nẵng.

      Thế nhưng, một tình huống bất ngờ, rất xấu đã xảy ra trong việc đón bắt toán 22 FULRO do ông K,Cháp cầm đầu. Trong chuyến này, nhờ sự giúp đỡ của người cháu gái, Ha Póh cũng được lên xe đi “xuất ngoại” và đã bị ta đón bắt đúng như kế hoạch tại Cam Ranh. Tuy nhiên, khi xe quay trở về theo Quốc lộ 11B, dọc đường, một số chiến sĩ trẻ chuyện trò, trao đổi, hỏi rằng đưa “các vị” này về đâu? Một chiến sĩ trả lời “nhà số 4”, tức căn biệt thự số 4 trên đường Trần Bình Trọng (vì nhà khách CA đã chật). Do không hiểu “nhà số 4” nghĩa là gì, tưởng rằng bị CA đưa thủ tiêu, số FULRO trên xe liền tính kế tấn công lại các cán bộ cảnh vệ của ta để chạy thoát. Khi xe chạy đến địa phận thuộc xã Xuân Trường – Cầu Đất là địa bàn thưa vắng người, FULRO rất quen thuộc; một số tên FULRO lại gần xin CA thuốc hút rồi bất ngờ lao vào cướp súng, đánh trả lại CA. Một cuộc ẩu đả quyết liệt đã diễn ra khiến chiếc xe rung chuyển, tài xế buộc phải cho xe dừng lại để hỗ trợ. Chỉ chờ có thế, bọn FULRO nhảy xuống xe bỏ chạy. Lực lượng của ta lập tức khống chế chúng, nhưng do phía ta ít người hơn nên chỉ bắt lại được 15 tên, trong đó có “trung tá” K,Cháp, còn 7 tên chạy thoát vào rừng. Trong số chạy thoát này có Ha Póh.

      Đại tá Vũ Linh nhớ lại: Lúc nhận được tin số FULRO làm phản, bỏ trốn vào rừng 7 tên, Ban chuyên án chột dạ, cầm chắc một tình huống rất xấu sẽ diễn ra. 7 con người sẽ lan truyền rất nhanh, rất rộng thông tin bị bắt giữ như thế nào và còn suýt bị “thủ tiêu” ra sao. Chắc chắn ta khó mà tiếp tục chuyên án. Trong khi trong rừng còn rất nhiều người theo FULRO mà ta vẫn muốn dùng phương cách “thanh bình” này để đón họ trở về. Sai lầm chính từ việc các chiến sĩ CA trên chiếc xe chở K,Cháp đã không nghe theo chỉ đạo của Ban chuyên án. Chúng tôi đã chỉ đạo họ quay xe về Đà Lạt theo đường D,răng (Đơn Dương), qua ngã ba FiNôm (Đức Trọng). Tuyến đường này đông dân cư, FULRO trên xe không dám manh động. Tôi cũng quán triệt rõ ràng, nhân đạo gì thì cũng phải về đến Đà Lạt mới được cho họ hút thuốc; tuyệt đối không trao đổi gì trên xe, tránh sự hiểu lầm. Vậy nhưng, có lẽ vì muốn về Đà Lạt cho nhanh, các chiến sĩ có nhiệm vụ canh chừng toán của ông K,Cháp đã cãi lệnh và họ đã phải nhận án kỷ luật nghiêm khắc…

      XI – TRỐN THOÁT VẪN CÙNG ĐƯỜNG

      Chuyến xe chở đoàn của ông K’Cháp là chuyến đông nhất trong 8 chuyến đón FULRO mà “hội Caritas” thực hiện, nhưng đã xảy ra sự cố. Thế nhưng, đó cũng chỉ là một tổn thất nhỏ và ban chuyên án đã kịp thời “vá lưới”. Chuyến thứ 7, ta không thể ngờ âm mưu đen tối của những kẻ điên cuồng. Chúng đã chuẩn bị “chờ đón” các chiến sĩ dũng cảm bằng một kế hoạch rất tàn độc, khiến các anh Lâm Văn Thạnh và Nguyễn Ngọc Diêu đã hy sinh…

      Vẫn như thông lệ của những chuyến xe trước, chiếc Peugeot 404 chở đoàn của ông K,Cháp chạy phía trước, hai chiếc xe chở Phó giám đốc Vũ Linh và đội trinh sát đặc nhiệm chạy phía sau. Thế nhưng, bất ngờ chiếc xe của đội đặc nhiệm bị trục trặc giữa đường, buộc phải dừng lại sửa chữa. Khi xảy ra sự cố, các anh đã đến chậm ít phút nên không xử lý kịp thời tình huống bất ngờ. Về phía đại tá Vũ Linh, do khi thấy việc “giải quyết” số FULRO trên chiếc xe Peugeot đã an toàn, ông thúc hối lái xe của mình chạy thật nhanh về Đà Lạt để vừa kiểm tra nơi “đón tiếp” đoàn của ông K,Cháp, vừa điện thoại phối hợp và chỉ đạo với đồng chí Nguyễn Văn Độ, các trinh sát an ninh nghiệp vụ, Cục an ninh Bộ CA và Ty CA Đà Nẵng chuẩn bị “đón” toán của ông Ha Pút, để họ thấy thật yên tâm về mọi khâu, nhằm đạt được những kết quả như mong đợi. Về đến Đà Lạt cả gần một tiếng đồng hồ, đồng chí Vũ Linh vẫn chưa nghe báo gì về đoàn xe chở ông K,Cháp. Nghi có chuyện chẳng lành, ông vội kêu tài xế chạy ngược đường xem sự thể ra sao. Đến Cầu Đất – Xuân Trường, nhìn cảnh tượng người và xe cộ, ông hiểu ra cớ sự. Rất tinh nhạy, ông vội điện báo cáo đồng chí giám đốc rồi chỉ đạo lãnh đạo các phòng nghiệp vụ trinh sát “ở nhà” xử lý. Ông cũng vội cấp báo tin xấu với các thành viên ban chuyên án đang ở Đà Nẵng và yêu cầu “cầm chân” Ha Pút cùng số FULRO theo ông ta để bàn phương án “vá lưới”. Ngay sau đó, ông vội lên xe riêng, “chỉ đạo” tài xế chạy xe với vận tốc trên 100 km/giờ để kịp đến Đà Nẵng càng sớm càng tốt, ngay trong đêm.

      Việc bắt Ha Pút lúc này là “hạ sách” và không hề có trong kế hoạch, bởi chuyến đi của Pút nhiều chỉ huy “TW FULRO” biết. Nhưng để Pút hoặc một thành viên nào trong đoàn cùng đi với Pút trở về rừng lúc này cũng là không ổn. 7 tên FULRO tháo chạy sẽ có cách buộc số người này khai ra những gì họ đã tận mắt thấy ở Đà Nẵng. Và như vậy, “hội Caritas” sẽ lập tức bị FULRO nghi ngờ. Để kế hoạch câu nhử vẫn có thể tiếp tục, chỉ có cách tạo một cuộc gặp gỡ, “làm việc” y như thật giữa đại diện của “tổ chức Caritas” và những người có thể tạm gọi là “phái đoàn cấp cao của FULRO” mà Ha Pút luôn tự cầm chắc có tên mình trong số đó. Phải mất nhiều giờ bàn bạc, trao đổi, cuối cùng thì các ông Ya Đuk, Lơ Mu Yem cũng chấp nhận “diễn kịch” với yêu cầu cao hơn. Đồng chí Hàn Thái – người vào vai “Tổng thư ký của hội Caritas” “nhập vai” khá đạt. Ông giả bộ đùng đùng nổi giận, bất bình về việc 7 tên FULRO chạy trốn sẽ gây nhiều khó khăn cho sự “hợp tác” của hai phía. Nghe vậy, nhóm Ha Pút tỏ ra rất giận Ha Póh đã âm mưu – một lần nữa làm phản, gây khó khăn cho FULRO, nên đề nghị phía “chỉ huy FULRO” cùng tìm phương án giải quyết. Quyết định truy bắt 6 tên FULRO chạy trốn cùng Ha Póh được ông Ya Đuk ban ra. Theo đó, bọn Ha Póh chính là những kẻ âm mưu làm phản, mọi lời nói của họ không thể nghe theo. Các liên lạc viên của Ha Pút nhanh chóng nhận lệnh lên đường theo anh Ba Bình chuyển các quyết định này khắp các căn cứ FULRO. Bảy tên FULRO kia cũng chẳng hiểu mình đã chạy thoát khỏi “hội Caritas” nghĩa là hội gì. Nhưng khi họ vừa bén mảng trở về thì bị bắt và đe dọa chờ Ha Pút về xử lý. Quá tức tối vì chẳng ai nghe, ai tin, lại bị xua đuổi, hết đường trú ẩn, một số FULRO này đã bỏ rừng, bỏ hàng ngũ FULRO trở về với gia đình. Số còn lại liên lạc với các “chim mồi” của ta để đi gặp ông Ya Đuk tạ tội. Sau nhiều ngày tổ chức cho các ông Ya Đuk, Ha Pút… đi chơi xứ biển Đà Nẵng để giúp họ lãng quên đi những ngày cực khổ ở rừng, cuối cùng, ban chuyên án cũng cho ông Ha Pút biết, “hội Caritas” chính là CA.

      Thời điểm này, thông tin về số FULRO tìm đường “xuất ngoại” theo ông Ya Đuk đã lan rộng. Do không cùng “cánh” với ông Ya Đuk, sợ bị mất “quân”, Paul Yưh và số chỉ huy TW FULRO người Ê Đê lập tức liên lạc với số chỉ huy FULRO đang đóng quân ở bên kia biên giới “nại” ra một cái lệnh của thủ tướng FULRO để có cớ trừng trị số FULRO người K,Ho. Từ “TW FULRO”, liên tục có các chỉ thị, chỉ đạo, yêu cầu số FULRO có cấp bậc “tá, úy” phải có mặt để họp và phải chịu trách nhiệm về việc để mất quân số. Mặt khác FULRO tiến hành “tổng động viên” (lôi kéo thanh niên vào rừng theo FULRO). Nếu ai không nghe sẽ bị trừng trị. Do rất sợ những FULRO người Ê Đê nên những người theo FULRO thuộc các dân tộc khác như Mạ, M,Nông, K,Ho, Ba Na… tỏ ra hoang mang cực độ. Một số FULRO cốt cán như “trung tá” K,Ty, “thiếu tá” Tonéh Tông vội vã tìm cách liên lạc với anh Bình, anh Phi và các thành viên của “hội Caritas” nhằm được đi theo ông Ya Đuk.

      Vào các ngày 14/11 và 11/12/1980, ta tiếp tục “đón” thêm hai chuyến nữa, nâng tổng cộng 98 FULRO trở về. Tất cả họ đều được giáo dục, làm công tác tư tưởng và đều tỏ ra phục thiện. CA các tỉnh Trà Vinh, Đà Nẵng, Vũng Tàu giúp ta quản lý những người này chờ kết thúc chuyên án.

      “Kế hoạch Phượng Hoàng” – một âm mưu thâm độc

      Trước đó, ngày 10/12/1980, theo quy định, anh Ba Bình đến liên lạc với “trung úy” Sa Mol ở khu vực chân núi Voi. Sa Mol dẫn anh Bình đến gặp một tên FULRO xưng là “thiếu tá”. Vừa nhìn thấy hắn, anh Thạnh cũng phải rùng mình khi chạm phải cặp mắt sắc lẻm, dữ dằn và gian tà. Cạnh hắn có bốn tên lính cầm súng chĩa bốn phía. Vừa thấy anh “Bình”, tên “thiếu tá” này vội đứng dậy khỏi tảng đá hắn ngồi rồi ra lệnh cho bốn tên lính vây quanh anh Thạnh. Hắn giữ một khoảng cách với anh, cười xã giao rồi đưa cho một tên lính khác bản danh sách 19 tên FULRO xin đi trong chuyến tới, ra hiệu đưa cho anh Thạnh. Danh sach này gồm bốn FULRO cao cấp là các “trung tá” Lơ Mu Chông, Cil Be, Ênuôl MBột và “thiếu tá” Tou Néh Đen – “tỉnh trưởng tỉnh Phan Rang” cùng một số FULRO cấp “úy”. Hắn nói rằng những người này đã có mặt trên núi Voi, rất mong được đi sớm. Ngày 20/12/1980, số liên lạc của FULRO ở địa bàn xã Tân Hội (Đức Trọng) báo với anh Bình có một toán FULRO khác ở hướng này do Chaghiđin cầm đầu cũng muốn đi. Có hai “thiếu tá” xin đi gặp Ya Đuk.

      Vẫn như mọi lần, anh Ba Bình chẳng hề tỏ ra nghi ngờ điều gì hay có nghi ngờ anh cũng giấu kín trong lòng vì không muốn làm nhụt ý chí đồng đội. Mặt khác, anh cũng lo ngại rằng, nếu không “đón” tiếp hai chuyến này sẽ làm mất cơ hội, nên khi lãnh đạo ban chuyên án hỏi đến, anh vẫn quyết định “lên đường”. Thế nhưng, anh đâu thể ngờ, tấm lòng anh hoàn toàn trong sáng và trái tim nhân hậu của anh chỉ nghĩ rằng, những chuyến xe anh đi “đón” những người theo FULRO là giúp kéo họ trở về với cuộc sống bình thường, với gia đình, buôn làng của họ; nhưng một số tên FULRO đã trở thành những kẻ ích kỷ, độc ác mất rồi. Bọn chúng “đón” anh bằng “lưỡi hái tử thần” mà anh chẳng hề cảnh giác, chẳng hề hay biết!

      Một buổi chiều đầu tháng 7/2010, Đà Lạt bất ngờ đổ cơn mưa thật buồn, thật lâu. Anh Trần Hữu Phi, một trong hai anh may mắn sống sót trong trận bị bọn FULRO tập kích đã nhận lời mời của chúng tôi đến quán cà phê trên phố Nguyễn Chí Thanh – Đà Lạt và kể cho chúng tôi nghe câu chuyện các anh bị FULRO sát hại 30 năm trước. Hai anh Lâm Văn Thạnh, Nguyễn Ngọc Diêu đã anh dũng hy sinh…

      Đúng 4 giờ ngày 23/12/1980, các anh Lâm Văn Thạnh, Nguyễn Ngọc Diêu, Trần Hữu Phi và Nguyễn Tư Cho lên đường trên hai chiếc ôtô quen thuộc để đi đón hai toán FULRO như đã hẹn. Do cả hai địa điểm cùng nằm trên đường Quốc lộ 20 nên các anh cùng xuất phát và dự định đón toán FULRO tại điểm hẹn thuộc xã Định An, huyện Đức Trọng (đoạn đặt trạm thu phí trên đường cao tốc hiện nay), sau đó sẽ cùng đến xã Tân Hội. Khi vừa tới, các anh đã nhìn thấy một vật cản bên đường của FULRO. Nhận ra “ám hiệu”, các anh nhá đèn pha ba lần theo quy ước. Từ bụi cây ven đường, hai tên FULRO bước ra và nói các anh chạy xe vào khoảng 50m. Các “chỉ huy FULRO” của chúng sợ việc đi bị lộ nên năn nỉ các anh dời điểm hẹn. Tuy nhiên, khi các anh chỉ đồng ý chạy một xe vào sâu hơn, còn một xe đứng ngoài đường đợi thì bọn FULRO không chịu. Chúng năn nỉ các anh cho hai xe cùng vào tận nơi số FULRO đang ẩn nấp, bởi việc ra đi của chúng sợ có kẻ khác theo dõi, trả thù. Xe chạy được 50m, chúng lại “xin thêm” hơn 50m nữa. Trước tình huống này, cả 4 trinh sát đưa mắt hội ý và cùng chấp thuận. Xe vừa vào sâu trong cửa rừng, bất ngờ, gần 20 tên FULRO lao vào khống chế, bẻ quặt tay các anh ra phía sau rồi dùng hai sợi dây dù trói các anh lại, đánh đập thỏa sức như để trút cơn tức tối. Gần chục tên lăm lăm súng ống gí vào người các anh, vừa chửi vừa cười man rợ. Một tên ngăn lại nói: “Thôi, đưa chúng về cho thiếu tá xử lý”. Sợ dây trói không đủ chặt, chúng bứt cây mắc cỡ (cây xấu hổ) quấn thêm mấy vòng trói các anh. Cây mắc cỡ có gai mọc dày. Bàn tay thô ráp, chai sần của chúng bẻ cây dễ dàng, nhưng khi chúng trói các anh, hàng ngàn cái gai nhọn đâm vào tay và gãy trong đó khiến rướm máu, buốt đau. Nhưng cảm giác đó cũng nhanh chóng biến mất mà thay vào là những suy nghĩ, băn khoăn: liệu đây có phải là cái trò đánh phủ đầu của bọn FULRO như thỉnh thoảng chúng vẫn làm với các anh trong mấy chuyến trước để buộc các anh thấy sợ hãi mà khai ra, các anh chính là CA đi bắt chúng! Thế nhưng, các anh đâu biết đã bị lọt vào một cái bẫy mà chúng gọi là “kế hoạch phượng hoàng”…

      XII – ANH HÙNG LÂM VĂN THẠNH

      Một tên FULRO đen trùi trũi, quần áo rách tả tơi, mình mẩy ốm nhom, mặt choắt, hai con mắt sâu hoắm, tóc dài chấm vai, trông như con vượn, hết gí khẩu súng M79 vào ngực anh “Bình”, lại quay báng đập vào đầu, vào vai anh và gằn từng tiếng: “Mày có đúng là Công an Lâm Đồng không?… Bữa nay thì tụi mày chết với tao nghe con…”. Nói rồi hắn ra lệnh, mấy tên FULRO lao vào lột hết quần áo dài, giày, vớ và đồng hồ của các anh nhét vào một bao tải, sau đó chúng xé áo của chúng và hai miếng vải chúng mang theo bịt mắt các anh lôi đi lên dãy núi Voi trước mặt. Khoảng gần chục tên leo lên xe của các anh lấy hết số thức ăn các anh mang theo (làm quà cho bọn chúng), nhồm nhoàm nhai nuốt rồi đập phá hai chiếc xe. Trên đầu tên mặt choắt, một con khỉ mặt đỏ liên tục kêu “choét! choét” rồi nhảy nhót lấy thức ăn đưa vào miệng cho hắn…

      Thời đó, khu vực này rất thưa thớt dân cư, chỉ có vài ngôi nhà nằm lẩn khuất, lẫn trong những cánh rừng và vườn chuối. Hầu hết đều là nhà của đồng bào dân tộc thiểu số. Chiếc xe đi yểm trợ các anh giờ này có lẽ đang quần trên Quốc lộ 20 ngóng tìm các anh và không hiểu nổi vì sao các anh lại để “mất dấu”. Rút kinh nghiệm từ mấy lần trước, chiếc xe theo yểm trợ các anh sẽ không xuất hiện sớm vì sợ toán FULRO lởn vởn quanh đó nghi ngờ, cảnh giác. Cứ ước chừng khi xe đón đoàn FULRO đã lăn bánh trên đường quốc lộ, thì đội đặc nhiệm bám theo cũng đủ an toàn. Thế nhưng, hôm nay gặp một tình huống mà các anh phải tự quyết định… Trời lạnh 10 độ, ai nấy da thịt tím bầm, mình sởn gai ốc. Cảm giác vừa căm giận vừa rét khiến hàm răng các anh run lên cầm cập. Có anh bậm môi đến bật cả máu…

      Đây không phải là lần đầu tiên anh Thạnh bị tra tấn kiểu này. Trước đó, trong chuyến đầu tiên đón ông Ya Đuk, anh và anh Nguyễn Duy Hưng đã bị 6 tên FULRO đánh phủ đầu bằng những trận đòn bất ngờ, hiểm độc để “dọn đường” cho “ông lớn” của chúng. Rồi một lần khác, trong chuyến đón toán có ông Ha Pút, 4 tên FULRO người M,Nông đã ám sát bộ đội, lấy đồ của các anh mặc, giả lả chào đón anh “Bình” khi anh vừa vào đến điểm hẹn và hỏi anh có phải là CA đang làm nhiệm vụ không? Cần gì chúng sẽ hỗ trợ. Bằng con mắt nhà nghề, nhận ra sự giả mạo này, anh “Bình” đã bằng mọi cách buộc chúng tin anh là người của một tổ chức phi chính phủ, đang giúp đỡ FULRO. Chưa tin anh, bọn chúng đánh anh túi bụi cũng bằng báng súng, gậy và đá. Nhưng anh vẫn tỏ rõ kiên cường. Bù lại, nhiều chuyến đi, anh Thạnh thấy vui và hạnh phúc đến khó tả. Một số FULRO tỏ ra rất thân thiết và yêu mến anh. Có người khi nhận được cả bao bánh mì, thuốc lá và ở lại rừng vì chưa được số “cấp trên” cho đi đã ôm anh khóc rưng rức, luôn miệng khen “Anh Bình tốt quá. Nhớ xin cho em một suất đi với!”. Rồi những lần tay bắt mặt mừng cùng những lời chúc tụng bình an, may mắn sau mỗi chuyến xe anh đi đón FULRO và lại đưa “chim mồi” trở lại rừng, hay những lần anh đi “bắt liên lạc”… Mọi kỷ niệm vui, buồn suốt hơn 4 tháng nay hiện lên trong anh. Anh nhớ tới người vợ hiền tuổi đời còn rất trẻ, vì cùng ngành nên chị hiểu công việc anh đang làm, chẳng hề dám ngăn cản. Anh mường tượng và hình dung căn phòng tập thể của chị với anh, những bữa cơm đạm bạc chỉ có một mình chị. Có lần, vào một buổi tối, anh trở về nhà, bắt gặp chị đang ngồi chống đũa, uể oải một mình bên mâm cơm, trên má chị giọt nước mắt lăn dài. Vừa thấy anh, chị ôm chầm lấy, miệng cười tươi như trẻ nhỏ. Chị Nga lúc này đã có mang ba tháng. Anh từng nói với chị rằng, là con gái hay con trai anh cũng đều khuyến khích con theo ngành CA. Chị cãi lại, giọng hờn dỗi, nếu là con trai mới cho đi CA, con gái thì cho học làm bác sĩ để biết cách chăm sóc cả vết thương lòng, những khi chồng vì nhiệm vụ cứ bỏ đi hoài. Lúc đó, anh thấy thương chị quá. Anh Diêu cũng ở hoàn cảnh y như anh Thạnh. Nghĩa là, cũng chỉ 7 tháng nữa thôi, cả hai anh sẽ cùng lên chức “bố”. Nhưng chị Nhi có vẻ may mắn hơn vì gia đình chồng chị ở cách Đà Lạt 30 cây số, trong khi anh Thạnh và chị Nga đều cảnh xa quê. Anh Thạnh, anh Phi, anh Diêu đã cùng hẹn, tối mai là Noel, chuyến này, ban chuyên án chỉ đạo các anh đưa số FULRO về Đà Lạt. Giải quyết công việc trong hôm nay, ngày mai anh sẽ trở về làm cho vợ anh giàn đậu đũa, xới lại mảnh vườn để chị trồng mấy luống rau, sau đó mời anh Tư Cho tới nhà dùng bữa cơm tối, rồi sẽ cùng vợ chồng chị Nhi – anh Diêu, anh chị Phi – Loan và cả anh Tư Cho đi chơi lễ Noel. Có lẽ nào lần này anh phải khất vợ và mãi mãi không bao giờ thực hiện được nữa…

      Một cú thúc vào bên hông của tên FULRO kè ngay bên làm anh Thạnh suýt ngã dúi xuống. Bọn chúng bịt mắt các anh, quần áo dài thì bị lột hết chỉ còn độc chiếc quần đùi cộc nên các anh bị gai và cây rừng cứa vào da thịt, tứa máu. Do bọn chúng đoán anh Thạnh giỏi võ nên trói anh chặt hơn và cắt cử đến bốn tên luôn kè sát, thỉnh thoảng lại đánh anh để anh mất sức. Đi khoảng gần 1 cây số, do bị đói lâu ngày, bọn chúng dừng lại, chia nhau đồ ăn thức uống rồi nhai ngấu nghiến. Mấy tên canh gác anh Diêu thì hả hê nằm ngửa mặt nhìn trời, hú lên như vượn, coi bộ thỏa mãn lắm. Không ai bảo ai, trong đầu các anh Thạnh, Cho, Phi, Diêu lúc này đều nghĩ rằng, có cơ hội nào bỏ chạy được là chạy thôi. Chỉ cần thoát được, kêu lên sẽ có anh em trinh sát đang ém quân trong rừng ứng cứu.

      Nhận ra mình đang “được” lơi lỏng nhất, anh Diêu đưa tay lên giật văng tấm vải che mặt rồi bất ngờ vụt bỏ chạy. Ba bốn tên FULRO lập tức đuổi theo. Một tên vác súng xả đạn về phía anh. Từ phía sau lưng anh, một viên đạn xé gió xuyên lồng ngực làm anh Diêu đổ gục xuống. Anh nằm đó, trái tim đã ngừng đập mà ánh mắt vẫn ánh lên niềm hy vọng. Có lẽ anh mong cho các đồng đội, đồng chí thân thiết của anh sẽ thoát khỏi vòng vây của những tên FULRO độc ác. Vài tên FULRO chạy lại phía anh Diêu. Thấy anh đã chết, sợ hết đạn, chúng không làm gì thêm nữa mà bỏ đi đến chỗ các anh Phi, Cho, Thạnh. Tên mặt choắt lại gằn từng tiếng một:

      – Tụi mày nhìn đó. Thằng nào còn dám bỏ chạy, tao sẽ bắn nát óc chứ không phải chỉ như thằng kia đâu.

      Nói rồi hắn lầm rầm chửi thằng đen gầy vừa bắn anh Diêu vì tội súng gì toàn đạn lép. Sau đó hắn hối thúc cả bọn lên đường, kiểm tra lại dây trói các anh cho thật chặt rồi phần công mấy tên dùng nòng súng gí vào lưng các anh như dẫn giải tù binh.

      Anh Phi nhớ lại: Lúc đó, tôi muốn đổ quỵ xuống vì uất ức, vì đau. Vẫn biết rằng ở vào giây phút mong manh giữa sự sống và cái chết như thế đó, mỗi người đều nghĩ cách để tìm con đường sống cho mình, cho đồng đội của mình. Diêu đã hy vọng chạy thoát để đi báo anh em tới giải cứu chúng tôi nhưng không ngờ bị bọn chúng ra tay quá độc ác. Nhưng nghĩ Diêu nằm lại đó, cũng gần đường, gần xe, sớm muộn gì cũng được anh em tới đưa về, còn chúng tôi đinh ninh mình sẽ bỏ xác trên núi Voi…

      Nếu có dịp đến TP. Đà Lạt, quý độc giả có thể dừng lại ở trạm thu phí trên đường cao tốc và nhìn lên núi Voi, quý vị sẽ thấy nó hùng vỹ đến nhường nào. Cùng với dãy Bi-doóp – núi Bà – Lang Bian, nơi ông Ya Đuk từng trú ẩn, núi Voi nổi tiếng là một trong những ngọn núi cao, hiểm trở, trùng trùng, lớp lớp những cánh rừng già nổi tiếng ở Tây Nguyên.

      Mặc dù việc đi và luồn rừng với các chiến sĩ CA tham gia “đánh án” FULRO không xa lạ gì, thế nhưng hôm nay các anh cũng thực sự cảm thấy kinh hãi vì kỷ lục vượt rừng của mình, đúng hơn là bị FULRO lôi đi. Bàn chân các anh nát bươm và bỏng rát. Bọn FULRO đang áp giải các anh cũng sợ bị lạc đường nên lúc nào bị mất phương hướng, chúng lại thả con khỉ mặt đỏ đi trước và đi theo nó. Bọn chúng tính đưa các anh về một căn cứ do tên “thiếu tá” Knêk cầm đầu. Chính tên này đã gặp anh Thạnh qua tên “trung úy” Sa Mol và lừa anh bằng bản danh sách có bốn tên “trung tá” muốn xuất ngoại.

      Khoảng 16 giờ 30 cùng ngày, bọn chúng đưa các anh qua đỉnh núi Voi và tiếp đến đỉnh Hòn Bù ở phía bên kia quả núi.

      Dường như đã thấm mệt, bọn chúng dừng lại ở đây để tra khảo các anh. Một vài tên lại gần, giật những tấm vải che mặt của ba anh, xốc nách dồn các anh vào một góc rồi dùng chân đá các anh đau điếng. Anh Thạnh bị chúng lấy dây dù trói cả hai chân lại. Nhất cử nhất động bọn chúng làm gì cũng đều có vài tên đồng bọn gí súng vào đầu các anh và quát: “…Nhúc nhích là tao bắn”. Lúc này các anh mới nhìn kỹ tên mặt choắt. Hắn chính là tên cầm đầu toán FULRO này. Đôi mắt hắn vằn từng tia máu đỏ trông rất dữ tợn.

      – “Đoàng”!

      Tên mặt choắt lia khẩu súng, một con thú rừng, gần giống sơn dương vừa chạy qua, bị trúng đạn giãy chết. Nhưng bọn chúng không làm thịt ăn ngay mà dùng lưỡi lê mổ bụng, moi hết nội tạng và đào một cái hố chôn bộ lòng xuống. Tên mặt choắt này cũng được gọi là “thiếu tá”. Hắn nói đại ý rằng, không muốn chia công trạng “bắt được tình báo cộng sản” cho “thiếu tá” Knêk nên dừng ở đây để tự xử lý. Hắn kêu đám lính đưa bao tải đựng quần áo của các anh lại gần và chọn lấy cho mình một bộ quần áo cùng một đôi giày, vớ ấm và đẹp nhất. Số còn lại, hắn ngồi liệt kê công, tội của đám lính đi theo rồi “thưởng” cho đứa được cái quần, đứa cái áo, đứa đôi vớ… Do buổi sáng, trời lạnh, có anh mặc chồng lên 2 – 3 cái áo nên việc chia chác của tên mặt choắt coi như tạm ổn. Có vài tên chỉ nhận được đôi vớ đã cãi nhau chí choé. Thấy thế, tên mặt choắt giơ súng dọa bắn bỏ, khiến chúng im bặt…

      XIII – NHỮNG NGƯỜI HÙNG TRƯỚC HỌNG SÚNG KẺ THÙ

      Sau khi tên “thiếu tá” mặt choắt B’ré Niê chia chác hết số quần áo của các anh Thạnh, Phi, Tư Cho hắn bắt đầu tra hỏi. Người gây ấn tượng nhất và đáng dè chừng nhất với hắn là anh “Ba Bình” – Lâm Văn Thạnh. Mấy tháng gần đây anh Thạnh đi lại, gặp gỡ nhiều với số liên lạc FULRO nên qua các tên đồng bọn của hắn, hắn đã nắm được thông tin về anh Thạnh phần nào. Hắn nói thẳng rằng, hắn biết anh Thạnh có võ, bình thường có thể đánh gục vài tên dễ như trở bàn tay. Nhưng hôm nay, hắn đề phòng và trói cả tay, chân anh rất chặt nên anh chỉ còn cách ngoan ngoãn mà khai báo, may ra hắn để cho sống. Anh Phi to con hơn các bạn nên cũng bị chúng trói rất chặt.

      Tên mặt choắt B,ré Niê với tay lấy chiếc bình đựng rượu mà đám lính bày sẵn trước mặt, ngửa cổ nuốt ừng ực rồi tiến lại gần các anh:

      – …Nói mau! Tụi mày có phải là Công an Lâm Đồng không? Có phải là tình báo cộng sản không?

      Do có sự chuẩn bị từ trước, bởi các anh đã tiên liệu rằng, làm nhiệm vụ này sớm muộn gì cũng bị rơi vào tay đối phương, nên các anh đều lựa câu trả lời để chúng tin các anh không phải là công an. Anh Thạnh nói rằng anh là Nguyễn Văn Bình, tự Ba Bình, thành viên của hội Caritas. Anh Trần Hữu Phi có “thẻ hội viên” mang tên Trần Văn Hai, nên cũng nhất quyết khai mình là Trần Văn Hai. Còn anh Nguyễn Văn Cho thì nhận mình là lái xe thuê, vì ham kiếm tiền, được anh Trần Văn Hai giới thiệu lái xe cho “hội Caritas” để giúp đỡ FULRO…

      – Cái miệng tụi bay không lừa được tao đâu. Tụi bay đích thị là tình báo cộng sản nên mới không sợ chết. Hôm nay tao sẽ cho tụi bay được chết.

      Nói rồi, tên mặt choắt dùng báng súng đánh các anh. Sau đó, hắn kêu bọn lính xốc nách các anh dậy, lấy những mảnh vải che mặt các anh lại và xếp các anh đứng thành hàng. Âm mưu thủ tiêu của chúng đã rõ ràng. Rất nhanh mắt, các anh đã nhìn thấy phía trước là một cái vực sâu thăm thẳm. Có lẽ bọn chúng định vứt xác các anh nơi đây…

      – Chạy đi các anh!

      Bất ngờ tiếng hô của anh Thạnh và bóng anh lộn nhào để tính lăn xuống lòng vực. Chỉ một giây chần chừ, cả anh Phi và anh Cho hiểu rằng phải chạy thoát khỏi nơi đây. Một loạt đạn bắn đuổi theo và cả vài tiếng đạn vang lên khô khốc phía các anh vừa chạy thoát. Anh Phi gục khóc bên bờ suối. Phía sau kia, anh Thạnh đã vĩnh viễn nằm lại.

      – Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không hiểu nổi vì sao mình chạy thoát, không hề bị mảnh đạn nào găm vào người. Bọn chúng đeo 4 – 5 khẩu súng, nhưng chắc súng không đủ đạn. Lúc đó anh em chỉ nghĩ rằng, theo phản xạ cứ chạy khỏi cái chết hiển hiện trước mắt, còn chết thế nào là một chuyện khác. Nghe súng nổ, tôi cứ ngỡ súng bắn trúng mình. Lúc ấy, toàn thân tê dại, chẳng thể nhận biếât nổi điều gì nữa. Tôi khóc, gọi cả tên anh Tư Cho vì nghĩ anh cũng trúng đạn. Anh Tư Cho thì nghĩ chỉ mình anh may mắn sống sót. Sau này, anh Tư Cho đã nói với tôi như vậy.

      Anh Phi bùi ngùi hồi tưởng lại những giây phút kinh hoàng.

      Khoảng 11 giờ đêm đó, anh Phi lần theo hướng hồ Tuyền Lâm, men theo triền dốc núi Voi rồi đến đồi pháo binh và tìm được đến trạm gác của Phòng cảnh vệ CA Lâm Đồng. Anh được đưa về trạm xá CA tỉnh để điều trị những vết thương trên thân thể. Kinh khủng nhất là bàn chân anh bị giẫm vào cỏ tranh muốn rách nát. Trùng hợp thay, dù không rành đường trên Tây Nguyên, nhưng anh Tư Cho cũng tìm được đường xuống núi, lần mò sao anh cũng về được đúng trạm gác của Phòng cảnh vệ CA Lâm Đồng rồi được đưa vào trạm xá của ngành như anh Phi.

      Lặng tìm đồng đội

      Dù những vết thương trên người đau nhức, nhưng cả hai anh vẫn nhất quyết đến nhà tang lễ để nhìn anh Diêu lần cuối. Một trung đoàn cảnh vệ do thiếu tá Trung Sơn – Phó trưởng phòng dẫn đầu theo hướng các anh Phi và Tư Cho vẽ lại đã lên đường đến đỉnh Hòn Bù tìm xác anh Lâm Văn Thạnh. Thế nhưng, suốt cả đêm trường và mãi đến hết một ngày hôm sau, các anh cũng không tìm ra chỗ bọn chúng đã tra khảo và giết hại anh Lâm Văn Thạnh, bởi dãy núi quá rộng lớn. Cuối cùng, các anh quyết định chờ thêm hai ngày để bộ lòng con thú rừng mà bọn chúng chôn nơi tra khảo các anh đến thời kỳ phân hủy, bốc mùi lên mới có thể tìm được đến. Đúng như nhận định của các anh, ngày 25/12/1980, một trung đoàn cảnh vệ CA Lâm Đồng, sau gần một ngày vượt qua nhiều dãy núi, lần theo những vỏ hộp, bịch xốp, rác thức ăn mà bọn FULRO lấy trên xe của nhóm anh Thạnh, đã tìm đến đỉnh Hòn Bù, khu vực chúng sát hại anh Thạnh. Mùi đặc trưng của bộ lòng động vật đang thời kỳ phân hủy đã giúp các anh khoanh vùng và dễ dàng tìm được xác anh Thạnh. Sau khi bắn anh Thạnh chết, có lẽ vì kiêng kỵ, bọn chúng giấu xác anh vào một hốc cây và úp mặt anh lại. Anh Thạnh được đưa về nghĩa trang liệt sỹ Đà Lạt trong nỗi tiếc thương vô hạn của bao người! Mãi mãi anh không bao giờ còn được thấy vợ và con gái của mình nữa. Thế nhưng, trong trái tim mọi người, anh Lâm Văn Thạnh và anh Nguyễn Ngọc Diêu mãi là tấm gương sáng ngời về lòng dũng cảm, sự hy sinh cao cả.

      Ngày 23/12/1982, liệt sĩ Lâm Văn Thạnh được nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

      Trở lại với anh Nguyễn Ngọc Diêu. Buổi sáng định mệnh đó, ông Tư Vũ cùng với Ban chuyên án có cuộc họp đột xuất với Cụm an ninh Tây Nguyên về tình hình FULRO đang tìm cách kéo thanh niên ra rừng. Mặt khác chúng đang tìm mọi cách chống phá ta dữ dội. Đồng chí Vũ Linh vì thế đã không theo xe đi như thường lệ. Theo tính toán của ông, việc đi đón hai toán FULRO này xuất phát từ 4 giờ sáng. Ta sẽ khống chế và bắt giữ họ tại một điểm sau hai tiếng đồng hồ, rồi theo đường QL11B trở về Đà Lạt. Như vậy, chậm nhất là 9 giờ đoàn đã về rồi. Thế nhưng, ông Tư Vũ chờ mãi vẫn không thấy các anh đâu. Bằng linh cảm nghề nghiệp, đại tá Vũ Linh điếng hồn khi nghĩ rằng, có thể các anh đã bị lộ và bị lọt vào bẫy của những tên FULRO ngoan cố.

      Dưới sự chỉ đạo của Phó giám đốc Tư Vũ, lực lượng CA phong toả toàn bộ khu vực điểm hẹn đầu tiên đón FULRO. Sau khi đi qua khỏi rừng cây rậm rạp bên đường, các anh đã nhìn thấy hai chiếc ôtô vẫn còn nháy đèn pha mà không thấy bóng người. Các anh vội tỏa đi tìm và phát hiện xác anh Diêu. Mọi người lại chia nhau đi các ngả với hy vọng sẽ cứu được các anh còn lại, nhưng những cánh rừng trong núi Voi dày rậm rịt, cuộc kiếm tìm coi như vô vọng.

      Anh Diêu được đưa về Đà Lạt khi trời đã ngả về chiều. Bởi một số người già trong làng người đồng bào dân tộc thiểu số gần đó nghe tin đã tìm đến xin làm lễ cúng anh theo đúng phong tục của làng dành cho những người con của núi rừng.

      Đây có lẽ là những lần hiếm hoi trong cuộc đời, ông Tư Vũ khóc.

      Nước mắt những người vợ trẻ

      Cả hai chị Trịnh Thị Nhi và Trịnh Thị Nga, vợ của hai liệt sỹ Nguyễn Ngọc Diêu và Lâm Văn Thạnh đều cùng vừa nhận quyết định nghỉ hưu với quân hàm trung tá An ninh thuộc CA Lâm Đồng. Cả hai chị thời gian qua đều công tác tại Phòng hậu cần CA tỉnh. Ngoài việc có sự trùng lặp về họ, tuổi tác, nghề nghiệp, hoàn cảnh; hai chị còn có một điểm chung khá thú vị khác: họ cùng có hai cô con gái đang là các nữ trung úy CA. Con gái của anh Nguyễn Ngọc Diêu là Nguyễn Trịnh Hồng Nhung, còn con gái của anh Lâm Văn Thạnh là Lâm Quỳnh Hương. Hai trung uý trẻ cũng vừa cùng lập gia đình và cùng lên chức mẹ. Chính những điểm chung này đã kéo hai chị Nhi và Nga trở nên đôi bạn thân thiết suốt 30 năm qua.

      Chị Nga sau đó đã đi thêm một bước với người đồng đội, đồng chí của mình và cũng là bạn của anh hùng Lâm Văn Thạnh. Có lẽ cuộc hôn nhân mới hạnh phúc này đã phần nào làm vơi đi nỗi đau của chị, làm ấm lòng các chú, các anh đã tin tưởng giao cho anh Lâm Văn Thạnh “vai chính” trong một chiến dịch “đặc biệt”.

      Chúng tôi đến thăm chị Nhi vào một buổi chiều nắng đẹp. Chị trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 53 của mình. Vì mối tình sâu nặng với anh Diêu, chị Nhi đã chấp nhận ở lại nuôi con khôn lớn. Chị mở tủ đưa cho tôi xem một chiếc máy xay sinh tố, xay bột cho trẻ con và kể rằng, đó là món quà mà anh Diêu đã gom góp tiền mua tặng mẹ con chị. Món quà đó, chị đã cất giữ suốt bao năm, là kỷ vật thân thiết và đầy ý nghĩa của anh. Chị kể rằng, lúc anh tham gia chuyên án, chị đang công tác tại Trung tâm dịch tễ Đà Lạt và đang có thai ba tháng. Anh thường đi suốt cả ngày. Có khi nửa đêm cũng rón rén thức dậy ra đi. Chị gặng hỏi mãi, cuối cùng anh mới nói: Anh đang làm một nhiệm vụ bí mật, không thể nói em biết được. Rồi anh dặn chị một câu nghe… phát sợ:

      – Nhiệm vụ cấp trên giao cho anh yêu cầu phải tuyệt đối bí mật. Cũng có thể anh sẽ phải hy sinh. Em đừng buồn nhé. Nếu hôm nào 5 giờ chiều mà anh vẫn chưa về thì kể như “xong rồi đó nha”!

      Dù anh cố nhắc đến cái chết một cách nhẹ nhàng để an ủi chị, nhưng chị vẫn sợ hãi đến phát khóc. Nhưng vì anh là một chiến sĩ CA đi con đường anh đã chọn, chị khó mà ngăn cản, chỉ nhắc anh hãy nghĩ đến vợ con. Anh mãi mãi không bao giờ trở về được nữa. Nhưng trong căn nhà của mẹ con chị vẫn luôn có bóng dáng anh. Chị đã nuôi con gái lớn khôn bằng tất cả tình yêu của anh với chị.

      Có một lần, chiếc kim đồng hồ đã chỉ vào 5 giờ chiều mà vẫn chưa thấy anh về. Chị bỏ dở bữa cơm đang nấu rồi vội khoác áo đi lên cơ quan anh. Vừa ra tới cổng thì anh về. Anh vừa chạy vừa đưa tay vẫy và gọi chị từ xa: “Nhi ơi! Anh còn sống nè!”.

      Nghe tin anh mất, chị đã chết lặng vì đớn đau…

      XIV – THẤY GÌ QUA SỰ HÌNH THÀNH VÀ TỒN TẠI FULRO?

      Mẻ lưới cuối cùng

      Sau trận hy sinh của hai anh Lâm Văn Thạnh, Nguyễn Ngọc Diêu, ban chuyên án xem xét lại mọi diễn biến của FULRO và phát hiện, chính 3 đối tượng FULRO bị ta bắt về trong các chuyến trước đó đã viết thư vào một chiếc thắt lưng với nội dung “Đây là tổ chức tình báo cộng sản…” rồi gửi về rừng qua liên lạc của FULRO. Toán FULRO thứ 2 mà ta không kịp đón ngày 23/12/1980 tại xã Tân Hội (Đức Trọng) vẫn tìm cách liên lạc với anh Phi và anh Ba Bình, tha thiết chờ được đi “xuất ngoại” (?!). Nhận định của Ban chuyên án là toán FULRO này không đồng lõa với toán FULRO 1 (toán đã bắt anh em của ta) và quyết định tìm cách kéo toán này. Anh Trần Hữu Phi gặp đại tá Vũ Linh xin được thay anh Lâm Văn Thạnh làm tròn nhiệm vụ…

      Trước đó, sáng 23/12/1980, như quy định, toán FULRO thứ 2 do Traghiđin cầm đầu đến điểm hẹn chờ các anh đến đón. Họ chờ đến 8 giờ, không thấy, đành rút sâu vào rừng và nghe ngóng tình hình. Ngay tối hôm đó, 4 tên FULRO từ núi Voi xuống gặp toán 2 này ra lệnh cấm không được xuất ngoại theo con đường của ông Ya Đuk, nếu tiếp tục đi sẽ mắc mưu cộng sản, ai không nghe sẽ bị bắn bỏ. Mặt khác, chúng khẳng định đã giết chết anh Bình và lái xe Hoàng (tức anh Nguyễn Ngọc Diêu), hai anh Trần Văn Hai và Tư Cho chạy thoát. Trong khi chúng đến thì có mặt hai liên lạc (“chim mồi”) của ta và định bắn hai người này vì tội lôi kéo FULRO. Nhưng toán FULRO ở đây đã xin cho họ. Trước lời đe dọa của toán FULRO Ê Đê tại căn cứ núi Voi, toán FULRO 2 vốn tin tưởng anh Bình giờ tỏ ra hoang mang, không biết đâu là sự thật. Do từng liên lạc qua thư với anh Bình và biết rõ nét chữ của anh, Traghiđin viết thư gửi anh Bình. Ban chuyên án đã cử người giả nét chữ anh Thạnh, hồi âm thư, nói rằng anh Bình hiện đang ở Vũng Tàu làm phiên dịch viên cho Tổng thư ký Caritas, có thể anh Phi sẽ đón. Anh Bình rất mong gặp lại Traghiđin cùng lời hứa sẽ đem lại cho Traghiđin và những người anh em một cuộc sống tốt đẹp. Để củng cố thêm niềm tin với nhóm của Traghiđin, ông Ya Đuk cũng viết thư kêu gọi Traghiđin hãy tin tưởng đưa anh em theo ông. Ông sẽ đảm bảo tính mạng và số phận của họ. Anh Phi quyết định một lần nữa làm “cảm tử quân” để thực hiện cơ hội hiếm có mà Ban chuyên án và đồng đội, đồng chí của anh đã vất vả tạo lập, và cũng vì lời hứa với anh Thạnh: nếu một trong hai người, ai hy sinh trước, người kia sẽ làm nốt nhiệm vụ của người ngã xuống!

      Nhóm của Traghiđin rời địa điểm giáp huyện Di Linh và hẹn ngày 13/1/1981 cho xe đón họ. Đúng hẹn, anh Phi ngồi ghế thay anh Lâm Văn Thạnh, anh Nguyễn Bảo Toàn lái xe. Một tổ công tác bảo vệ được bố trí trên một chiếc xe khác. Toán của ông Traghiđin cử một đối tượng đến điểm hẹn đón hai anh Phi, Toàn rồi xin các anh cho ôtô vào sâu thêm khoảng 1 cây số. Anh Phi thoáng rùng mình khi nghĩ đến lần bị phục kích ngày 23/12 trước đó. Nhưng, không muốn để lỡ mất cơ hội, anh thương lượng và hai bên cùng đến một điểm vừa đủ để giữ an toàn. May mắn đã không xảy ra sự cố nào đáng tiếc. Kết quả ta đón thêm được 8 người, trong đó có 3 “đại úy” FULRO.

      Đến đây, Ban chuyên án quyết định chấm dứt phương thức câu nhử, vì không còn điều kiện cho phép. Ta chuyển sang kế hoạch tấn công bằng biện pháp khác vào hàng ngũ FULRO. Mặt khác, đưa số người từng theo FULRO, nay trở về, sẵn sàng hợp tác với ta viết thư kêu gọi FULRO về hàng. Lần lượt sau đó, các ông Rơ ông Đông; Tam Bou Sun – “thiếu tá”, Phó tư lệnh vùng 4 FULRO; Kara Jăn Ha Xuyên – “trung tá”, Tư lệnh quân khu 4; K,Diêp (tự Hà Búp bê), tư lệnh phó biệt khu thủ đô TW FULRO; K,Vênh – “trung tá”, chỉ huy vùng Đầm Ròn; Tou Néh Đen – “thiếu tá”, tỉnh trưởng tỉnh Phan Rang đã đưa gần 200 bạn bè, chiến hữu cùng gia đình đầu hàng ta, trở về với buôn làng. Hàng trăm FULRO tại nhiều căn cứ khác đóng chân trên đất Lâm Đồng sau những ngày luồn rừng sang bên kia biên giới, bị bỏ rơi, đói khát cũng quay về đầu hàng cách mạng ta. Họ đều được đối xử tử tế, được đưa về với gia đình, buôn làng, được cấp đất, làm nhà ở và phụ cấp lương thực. Cuộc sống của họ sau đó rất khấm khá. Như ông Hà Búp bê, hiện ở thôn Đa Me, xã Nthol Hạ (Đức Trọng) mỗi năm thu vài trăm triệu đồng từ cà phê; ông Tam Bou Sun làm CA xã Ninh Gia – Đức Trọng; ông Rơ ông Đông ở thôn 4, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) nổi tiếng là già làng uy tín, gương mẫu, làm kinh tế giỏi. Ông cũng là chủ căn nhà xây đầu tiên, hoành tráng nhất của thôn vào năm 1993. Năm 2003, ông vinh dự được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ghé thăm nhà. Năm 2004 gia đình ông nhận được một hộp quà cùng tấm ảnh Bác Hồ của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương gửi tặng. Xin trích lại một đoạn trong thư kêu gọi của các ông Tam Bou Sun và Kara Jăn Ha Xuyên viết ngày 14/7/1987: “…vì nghe theo âm mưu thâm độc của đế quốc và bọn cầm đầu FULRO, anh em ta đã sống trong rừng sâu, nước độc, rày đây mai đó, chẳng có ích gì cho chúng ta và dân tộc, ngoài hậu quả đói rách, chết chóc, đau thương! Bao nhiêu anh em ta đã chết cùng với đại tá MBột (tổng tham mưu phó) những cái chết vô nghĩa!…”.

      Từ năm 1977 – 1987, thực hiện nghị quyết của các kỳ Hội nghị CA toàn quốc, các kế hoạch của Bộ Nội vụ, Cục nghiệp vụ, CA các địa phương đã thực hiện nhiều chuyên án giải quyết vấn đề FULRO (khoảng 55 chuyên án), thu được thắng lợi lớn. Một số chuyên án lớn qua đấu tranh đã giúp cơ quan an ninh đánh giá, hiểu rõ hơn nội tình của FULRO; tạo những bước ngoặt trong quá trình đấu tranh, giải quyết vấn đề FULRO ở địa phương và trên toàn Tây Nguyên. Chuyên án F384 (từ tháng 3/1984 đến tháng 7/1985) của CA tỉnh Đăk Lăk, đấu tranh lôi kéo số FULRO ly khai người M,nông ở địa bàn Đăk Mil, Đăk Nông – Đăk Lăk. Vơi kết quả gọi hàng 47 người, tiêu diệt hai đối tượng, bóc gỡ một khung chính quyền ngầm cấp xã, ta đã giải quyết cơ bản bộ phận FULRO người M,Nông; kịp thời ngăn chặn âm mưu thành lập tổ chức FULRO mới do người M,Nông lãnh đạo, góp phần đẩy nhanh quá trình tan rã của FULRO ở Tây Nguyên. Chuyên án T107 đấu tranh với số cầm đầu quân khu 1 FULRO; T108 đấu tranh với số chỉ huy quân khu 2, Y384 đấu tranh với toán đặc biệt của bộ quốc phòng FULRO; F485 đấu tranh với số chỉ huy quân khu 4 và một bộ phận của bộ tổng tham mưu do tên đại tá Ênuôl M,Bột cầm đầu của CA hai tỉnh Gia Lai – Kon Tum, Đăk Nông – Đăk Lăk – sau chuyên án F101 đã thu được những thắng lợi rất quan trọng: giải quyết dứt điểm vấn đề FULRO Chăm (1984); diệt, bắt, gọi hàng hơn 500 FULRO ở rừng và bóc gỡ gần 2.000 cơ sở của FULRO trong buôn, ấp. Ở Tây Nguyên, các tỉnh đã cơ bản phá rã hệ thống tổ chức ở rừng của FULRO.

      Năm 1983, trung úy Nguyễn Đức Hiệp (hiện là đại tá – Giám đốc CA Lâm Đồng) đã đánh tan căn cứ FULRO tại núi Voi, tiêu diệt tên “thiếu tá” B,ré Niê (còn gọi là Y Giôn) – kẻ cầm đầu toán FULRO Ê Đê đã bắt các anh Thạnh, Diêu, Phi, Cho và là kẻ trực tiếp bắn chết anh hùng Lâm Văn Thạnh. Ông Paul Yưh sau đó chết tại Đăk Lăk. Có thông tin rằng, một số FULRO hung dữ đã đầu độc “đệ nhị phó thủ tướng” của mình. Song, sự vụ đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Trước đó, tháng 8/1978, ông Y Gơk Niê Kđăm – “thủ tướng” tự phong của FULRO đã “cao chạy xa bay” sang nước Mỹ.

      Đầu năm 1992, những biến động về chính trị – xã hội trên toàn thế giới đã tác động đến nước ta nói chung và vùng dân tộc thiểu số nói riêng. Ở Campuchia, sau khi quân tình nguyện Việt Nam rút về nước (1989), bọn phản động Pôn Pốt Iêng Xari lại ngoan cố, điên cuồng chống phá. Để thực hiện giải pháp chính trị, lực lượng gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc (UNTAC) đã can thiệp đất nước Campuchia. Tháng 12-1992, toàn bộ số FULRO còn lại (gồm 407 người cả phụ nữ và trẻ em) do “đại tá” Y Pênh A Yun cầm đầu đã ra hàng UNTAC, tuyên bố chấm dứt hoạt động chính trị và vũ trang, nộp vũ khí và được đưa đi định cư ở Mỹ. Đến đây chấm dứt hoàn toàn tổ chức FULRO.

      Mười bảy năm (1975-1992), dưới sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, với sự quyết tâm và kiên trì chiến đấu, vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, hy sinh, lực lượng CAND, quân đội Việt Nam cùng nhân dân các tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai – Kon Tum, Lâm Đồng, Đăk Lăk – Đăk Nông) và các tỉnh phụ cận (Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Định, Bình Phước, An Giang…) đã đấu tranh làm tan rã hoàn toàn tổ chức, lực lượng FULRO. Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu (chủ yếu là gọi hàng) 15.000 lượt FULRO ở ngoài rừng; bóc gỡ hàng trăm khung chính quyền ngầm cùng 62.500 cơ sở của FULRO trong buôn ấp; thu 2.712 vũ khí các loại. Lần đầu tiên, vấn đề FULRO được giải quyết triệt để bằng con đường cách mạng. FULRO không còn tồn tại với tư cách là một tổ chức, lực lượng chính trị phản động, đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia ở địa bàn chiến lược Tây Nguyên và vùng dân tộc Chăm.

      Xuyên suốt sự hoạt động, tồn tại của FULRO cho thấy, đó là một tổ chức cực đoan, chuyển thành khủng bố; âm mưu chia rẽ, ly khai theo sự xúi giục từ bên ngoài. Tất cả các thủ lĩnh FULRO trong các thời kỳ đều lợi dụng sự ngây thơ, tin tưởng của đồng bào để kích động, chia rẽ, lừa phỉnh họ. Chiêu bài đi biểu tình được tiền thưởng; nếu không nghe, không theo FULRO sẽ bị dân làng ruồng bỏ, bị trừng trị, sau này không được chia phần đất; rồi bạo lực, đổ máu không mang tính chính nghĩa. Từ sau năm 2001, FULRO chuyển sang hoạt động kích động, gây rối… dẫn đến việc nhiều người nghe và theo kẻ xấu phải đến trại tạm cư bên kia biên giới sống trong cảnh thiếu thốn, đói khát. Bản chất xuyên suốt của FULRO là độc ác. Trong xu hướng hiện nay càng không phù hợp nên sẽ dẫn đến sự diệt vong tất yếu.

      Qua thực tiễn đấu tranh và qua lịch sử, có thể khẳng định rằng, đấu tranh chống FULRO là một phần trong cuộc đấu tranh chống các thế lực phản động khác, được Đảng, Nhà nước và các lực lượng vũ trang xác định đó là vấn đề lâu dài; là vấn đề chính trị gắn với dân tộc, văn hoá, kinh tế. Vì thế, nhiều chủ trương, chính sách dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được chú trọng, quan tâm đặc biệt; nhằm từng bước nâng cao dân trí, ổn định đời sống kinh tế, văn hoá của bà con dân tộc thiểu số. Nhiều bậc trí thức là người dân tộc thiểu số trở thành những hình mẫu, những tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, về ý thức chính trị để dạy dỗ, dìu dắt thế hệ trẻ. Lực lượng kế thừa ngày càng uy tín nhờ được trang bị học vấn, kiến thức. Chúng ta càng thấy thấm thía với tư tưởng của Bác: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một; sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”!

      Theo CÔNG AN TP HCM

Viewing 0 reply threads
  • You must be logged in to reply to this topic.