NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.
- This topic has 0 replies, 1 voice, and was last updated 9 years, 6 months ago by NCQT.
-
AuthorPosts
-
-
12/05/2015 at 11:13 #7794NCQTKeymaster
Những lỗi dịch thuật đắt giá nhất
Fiona Macdonald
Sau phiên bản cập nhật mới nhất của dịch vụ dịch thuật trực tuyến Google Translate, BBC Culture tìm hiểu về những sai phạm dịch thuật có tác động mạnh mẽ nhất nhất từ trước tới nay, trong đó có cả chuyện một tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố “Tôi ham muốn quan hệ thể xác với người Ba Lan”, hay chuyện một nhà thiên văn học hồi thế kỷ 19 phát hiện ra sự sống trên sao Hỏa.
Sự sống trên sao Hỏa
Khi nhà thiên văn học người Ý Giovanni Virginio Schiaparelli bắt đầu theo dõi sao Hỏa hồi năm 1877, ông đã vô tình làm dấy lên một câu chuyện hoàn toàn là khoa học viễn tưởng.
Vị giám đốc của Trạm nghiên cứu Thiên văn Brera tại Milan gọi những vùng sáng và tối khác nhau trên bề mặt hành tinh này là ‘biển’ và ‘châu lục’, rồi gọi những thứ mà ông nghĩ là các dải lõm xuống bằng một từ tiếng Ý, ‘canali’, tức ‘channel’ – ‘kênh’.
Thật không may, các đồng nghiệp đã dịch chữ đó ra thành ‘canals’, tức các kênh đào, làm dấy lên một học thuyết nói chúng được tạo nên bởi loài có trí thông minh trên sao Hỏa.
Tin rằng các kênh đào thực sự tồn tại, nhà thiên văn học người Mỹ Percival Lowell đã vẽ bản đồ hàng trăm ‘kênh đào’ trong thời gian từ 1894 tới 1895.
Trong hai thập niên tiếp theo, ông xuất bản ba cuốn sách về sao Hỏa với những hình minh họa cho thấy điều mà theo ông là các cấu trúc phi tự nhiên, được một chủng tộc thông minh lập ra nhằm phục vụ thủy lợi.
Một tác giả chịu ảnh hưởng từ các học thuyết của Lowell đã xuất bản một cuốn sách về người sao Hỏa thông minh.
Trong cuốn ‘Chiến tranh giữa các thế giới’, lần đầu được công bố dưới dạng loạt bài viết hồi 1897, H G Wells đã mô tả cuộc xâm lăng Trái Đất bởi người sao Hỏa chuyên gây chết chóc và làm ra đời cả một ngành khoa học viễn tưởng.
‘Công chúa Hỏa tinh’, cuốn tiểu thuyết của Edgar Rice Burroughs được phát hành hồi 1911 cũng kể về một nền văn minh sao Hỏa đang tàn lụi, trong đó tác giả dùng tên của Schiaparelli để đặt cho các nhân vật của hành tinh.
Trong lúc các nhánh kênh rạch dẫn nước là sản phẩm của sai lầm khi chuyển ngữ và của trí tưởng tượng phong phú, thì nay các nhà thiên văn học đồng ý rằng chẳng hề có bất kỳ kênh rạch nào trên bề mặt sao Hỏa cả.
Theo Nasa, “mạng lưới chằng chịt các đường đan xen nhau trên bề mặt sao Hỏa chỉ là sản phẩm từ ảo giác con người. Khi nhìn vào một nhóm các điểm tối, mắt người có khuynh hướng kết nối các điểm đó với nhau để tạo thành những đoạn thẳng.”
‘Với người Ba Lan’
Jimmy Carter rất biết cách làm thế nào để thu hút sự chú ý của cử tọa.
Trong bài diễn văn khi có chuyến viếng thăm Ba Lan hồi 1977, vị tổng thống Mỹ dường như đã ngỏ ý có ham muốn tình dục với nơi khi đó còn là một quốc gia cộng sản. Hay ít nhất đó cũng là những gì mà người phiên dịch của ông nói.
Ông Carter nói ông ‘đến để nghe ý kiến và hiểu được các khát vọng về tương lai của người Ba Lan’ (I have come to learn your opinions and understand your desires for the future) nhưng người phiên dịch, Steven Seymour lại nói ‘Tôi ham muốn thể xác người Ba Lan’ (I desire the Poles carnally).
Người phiên dịch này đã ‘làm nên lịch sử’ với câu của tổng thống “tôi rời Hoa Kỳ vào sáng nay” được chuyển ngữ ra “tôi rời nước Mỹ và không bao giờ quay lại”, theo tạp chí Time.
Ngay cả một câu nói trong sáng với nội dung nói rằng ông Carter rất vui được có mặt tại Ba Lan đã được dịch thành “ông rất vui được nắm chặt của quí của Ba Lan”.
Bộ Ngoại giao Mỹ khi chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Carter sang Ba Lan đã tìm đến ông Seymour, một người dịch tự do chuyên dịch văn bản tiếng Ba Lan chứ không quen phiên dịch lời nói.
Khi ông Carter ca ngợi Hiến pháp Ba Lan năm 1791 là một trong ba văn bản vĩ đại nhất vì nhân quyền, Steven Seymour nói với cử tọa người Ba Lan rằng bản hiến pháp ‘thật đáng buồn cười’.
Không ngạc nhiên gì khi Seymour không còn dịch dọt gì và người ta đã nhanh chóng tìm một người khác, ông Jerzy Kryski, từng làm việc cho Sứ quán Hoa Kỳ ở Ba Lan khi Tổng thống nâng ly tại quốc yến sau đó trong chuyến công du.
Thế nhưng sự thể vẫn chưa dứt. Sau khi có câu nói đầu tiên, Tổng thống Carter dừng lại một chút, nhưng bầu không khí vẫn hoàn toàn yên ắng. Ông nói tiếp một câu nữa, và đáp lại vẫn là một bầu không khí lặng ngắt. Hóa ra người phiên dịch mới của ông do không hiểu nổi phần tiếng Anh của vị tổng thống đã quyết định tốt nhất là im luôn.
Tới lúc chuyến công du của Tổng thống Carter kết thúc thì lời ông đã kịp trở thành chủ đề rôm rả trong rất nhiều câu chuyện tiếu lâm ở Ba Lan.
‘Chôn vùi các ông’
Những sai lầm trong dịch thuật khiến nhiệt độ thời Chiến tranh Lạnh có khi còn hạ xuống thêm nhiều độ nữa.
Hồi 1956, nhà lãnh đạo Liên-Xô Nikita Khrushchev được dịch lời nói thành “Chúng tôi sẽ chôn vùi các ông” trước các vị đại sứ Tây phương trong một buổi tiếp tân tại Tòa Đại sứ Ba Lan tại Moscow.
Câu nói này đã được đăng tràn ngập các trang bìa tạp chí, báo chí, càng làm băng giá thêm quan hệ giữa Liên Xô và phương Tây.
Thực ra thì trong bối cảnh gặp gỡ, những gì ông Khruschev nói gần sát với nội dung thế này: “Bất kể các ông có thích hay không thì lịch sử vẫn đứng về phía chúng tôi. Chúng tôi sẽ đào hố cho các ông.”
Ông khi đó nói rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ tồn tại lâu hơn chủ nghĩa tư bản, và chủ nghĩa tư bản sẽ tự bị phá hủy từ bên trong, dựa theo một ý trong cuốn Tư bản luận của Karl Marx: “Do đó, hơn hết, những gì mà giai cấp tư bản làm sẽ là tự đào mồ chôn mình.”
Tuy đó không phải là những lời lẽ nhã nhặn nhất, nhưng rõ ràng đó cũng không đến nỗi là mối đe dọa cực nguy hiểm đối với những người chống Cộng và gây ra nỗi ám ảnh bị tấn công hạt nhân trong tâm trí người Mỹ.
Bản thân ông Khruschev từng làm rõ về tuyên bố của mình, nhưng cũng là phải vài năm sau đó. “Tôi từng nói ‘Chúng tôi sẽ chôn vùi các ông’, và tôi đã gặp rắc rối to,” ông nói trong một bài diễn văn hồi 1963 tại Tiệp Khắc.
“Tất nhiên là chúng tôi sẽ không dùng xẻng chôn xác các ông. Chính tầng lớp lao động của các ông [̉ở các nước tư bản] sẽ chôn vùi các ông.”
Miễn trừ ngoại giao
Dịch sai trong các cuộc đàm phán cũng thường gây ra nhiều tranh cãi.
Việc dịch nhầm từ tiếng Pháp ‘demander’, có nghĩa là ‘đề nghị’ đã gây tác động tai hại cho các cuộc đàm phán giữa Paris và Washington hồi 1830.
Sau khi viên thư ký dịch thông điệp gửi cho Tòa Bạch ốc với nội dung bắt đầu bằng “le gouvernement français demande“ thành “chính phủ Pháp đòi hỏi”, Tổng thống Mỹ đã coi rằng ông vừa nhận được một loạt các yêu sách. Sau khi sai sót này được điều chỉnh thì việc đàm phán mới được tiếp tục.
Một số giới chức đã bị cáo buộc là khai thác sự khác biệt trong ngôn ngữ để trục lợi.
Hiệp ước Waitangi, một văn bản thỏa thuận giữa vương triều Anh quốc với người Maori tại New Zealand được ký bởi 500 tù trưởng hồi 1840.
Thế nhưng những khác biệt trong bản tiếng Anh và tiếng Maori đã dẫn tới các tranh chấp, và thậm chí người ta đã trương biểu ngữ ‘Hiệp ước gian dối’ trong phong trào biểu tình phản đối của người Maori.
‘Tầm nhìn xa’
Việc dịch sai thậm chí còn dẫn tới việc hiểu lầm khá xa với ý ban đầu.
Trong chuyến viếng thăm của Tổng thống Mỹ Richard Nixon tới Trung Quốc hồi 1972, Thủ tướng chủ nhà Chu Ân Lai có câu nói nổi tiếng ‘còn quá sớm để nói’ khi đánh giá về các tác động của cuộc Cách mạng Pháp, vốn diễn ra từ hồi 1789 cho tới 1799.
Ông đã được ca tụng về cách dùng từ, được coi như bậc thầy, phản ánh được triết học Trung Quốc. Thế nhưng, thực ra là ông định nói về sự kiện xảy ra tại Pháp vào tháng Năm 1968.
Theo nhà ngoại giao đã nghỉ hưu của Mỹ, Charles W Freeman Jr, người phiên dịch của Tổng thống Nixon trong chuyến viếng thăm lịch sử này, thì lời nhận xét bị diễn giải sai này là “một trong những sự hiểu lầm dễ chịu nhất, không bao giờ được sửa lại cho đúng ý ban đầu”.
Freeman nói: “Tôi không thể giải thích về sự nhầm lẫn trong nhận xét của ông Chu, trừ việc nhìn nhận là cách dịch sai đó đã khiến cho vị nguyên thủ Trung Quốc trở thành người có tầm nhìn xa hơn nhiều so với các vị tương nhiệm phương Tây.”
“Mà đó lại là thứ mà người ta muốn nghe, muốn tin, cho nên thôi kệ vậy.”
Bản gốc tiếng Anh bài viết này đã được đăng trên BBC Culture
Nguồn: BBC Việt Ngữ
-
-
AuthorPosts
- You must be logged in to reply to this topic.