Những nhân chứng cuối cùng (trăm câu chuyện không con trẻ)

Viewing 0 reply threads
  • Author
    Posts
    • #14197
      TQNam
      Moderator

      Svetlana Aleksiyevitch (trích dịch)

      Thay lời bạt

      … một trích đoạn
      Trong thời gian Chiến tranh vệ quốc vĩ đại (1941-1945), hàng triệu trẻ em Xô Viết đã chết… Trẻ Nga, Belorus, Ucraina, Do thái, Tarta, Latvi, Didan, Kazak, Armenia, Tadjik…
      (Báo “Hữu nghị giữa các dân tộc”, số 5, 2085)

      … và một câu hỏi kinh điển Nga
      Có lần Dostoevsky vĩ đại đưa ra câu hỏi: có chăng một lời biện minh cho thế giới, cho hạnh phúc của chúng ta và cả vì sự hòa hợp vĩnh cửu, hay nhân danh chúng, vì sự vững bền nền tảng mà lại để rơi dù một giọt nước mắt của đứa trẻ vô tội?
      Rồi ông tự trả lời – giọt nước mắt này không biện minh cho một sự tiến bộ, một cuộc cách mạng nào cả. Không một cuộc chiến nào. Suốt đời mang theo.
      Chỉ một giọt thôi…

      ***

      Lời tác giả

      Sáng ngày Hai mươi hai tháng Sáu, năm 1941, trên một trong những con đường thành phố Brest, một bé gái với bím tóc nhỏ bị xổ tung và cùng con búp bê nằm đó chết.Nhiều người còn nhớ bé gái này…
      Họ nhớ bé mãi mãi. Các bé đó có là đáng trân quý đối với chúng ta?
      Cái gì là trân quý với một quốc gia?
      Với mọi người mẹ? Mọi người cha?

      Nhưng có ai đếm bao nhiêu đứa trẻ bị giết vì chiến tranh, mà giết chết chúng đến hai lần? Giết những ai được sinh ra. Và cũng giết những ai có thể, hẳn chắc, sẽ bước vào thế giới này. Trong “Khúc nguyện cầu” của nhà thơ Belorus Anatoli Vertinsky, một dàn hợp xướng trẻ em vang lên trên cánh đồng, nơi các tử sỹ nằm – những đứa trẻ chưa ra đời la hét và khóc trên từng nắm mộ chung.

      Liệu một đứa trẻ trải qua những nỗi kinh hoàng của chiến tranh có còn là một đứa trẻ? Ai sẽ trả lại tuổi thơ của bé? Xưa Dostoevsky đặt vấn đề hạnh phúc thông thường trong mối quan hệ với sự đau khổ của một đứa trẻ duy nhất.
      Song, trong những năm 1941-1945 có hàng ngàn trẻ thế đó …

      Chúng sẽ nhớ những gì? Chúng có thể kể lại những gì? Chúng phải kể lại! Bởi ngay cả ngày nay ở một số nơi bom vẫn nổ, đạn vẫn réo, tên lửa đánh sập tan hoang nhà cửa và giường các bé cháy bừng. Bởi ngay cả ngày nay vẫn có kẻ muốn chiến tranh lan rộng, một Hiroshima phổ quát, nơi lửa nguyên tử thiêu tan con trẻ như làm bóc hơi giọt nước, khô héo những bông hoa đáng sợ.

      Chúng ta có thể hỏi cái sự bi tráng nào ở độ tuổi năm-mười-mười hai đi qua chiến tranh?
      Lũ trẻ có thể hiểu, nhìn, nhớ gì?

      Rất nhiều!
      Chúng nhớ gì về mẹ mình? Về cha mình? Chỉ mỗi cái chết của họ:
      “Một cái nút áo khoác của mẹ còn lại trên đống than. Còn trong lò có hai ổ bánh mì nhỏ ấm”. (Anya Tochitskaya – 5 tuổi)
      Khi ông bố bị lũ chó berger Đức cấu xé tả tơi ông hét lên:”Hãy mang con trai tôi đi … Xin mang con tôi đi ngay để nó không thấy chuyện nầy.” (Sasha Khvaley – 7 tuổi.)

      Chúng còn có thể kể lại chúng chết vì đói và vì sợ hãi thế nào. Chúng thoát khỏi mặt trận ra sao, người ta đã nuôi chúng thế nào.
      “… Tôi sợ chiến tranh kết thúc mà không có tôi. Nó dài làm sao: chiến tranh bắt đầu – tôi vào đội thiếu niên tiền phong, khi kết thúc – tôi đã là đoàn viên thanh niên.”
      (Costa Ilkevich – 10 tuổi).

      “Mẹ, con xin, hãy để con ra trận.”
      “Con đừng đi ‘.
      “Con là cứ đi!”
      … Người ta gửi tôi đến trường Tambov Suvorov. Trước chiến tranh, tôi đã kịp học xong lớp ba và tôi viết chính tả ở trường học được điểm một. Tôi sợ hãi và chạy ra mặt trận …
      (Valya Donchik, con trai của trung đoàn – 10 tuổi).

      Buồn làm sao khi ngày Một tháng Chín năm Bốn mươi mốt không được đến trường. Chúng đã trở thành những anh lính trẻ ra sao:
      “… Bác phải làm gì với cháu đây, anh bạn? Cháu chỉ cao bằng nửa cây súng trường” – vị chỉ huy nói.
      (Petya Filonenko, con trai của trung đoàn – 11 tuổi).

      “Tôi chỉ tiếc mỗi một điều: tôi không kịp đủ lớn và trở thành một nữ phi công”.
      (Clara Goncharova – 14 tuổi).

      Chúng nhờ lại mình phải đứng ra sao trên mấy cái thùng cho ngang bằng cái máy công cụ và làm việc đến mười hai giờ một ngày đêm ở tuổi mười-mười hai. Chúng nhận giấy báo tử của bố ra sao. Sau chiến tranh, khi thấy ổ bánh mì trắng đầu tiên, chúng không biết có ăn được không, bởi
      “… Trong bốn năm trời tôi quên mất bánh mì trắng là gì”.
      (Sasha Novikov – 10 tuổi).

      Khi cô bảo mẫu trại mồ côi ra mặt trận, vậy là chúng hè nhau van xin: “Hãy tìm bố chúng con…» thế nào. Những người xa lạ nhận chúng làm con nuôi ra sao. Thậm chí bây giờ khó mà hỏi được về mẹ chúng.

      Ký ức tuổi thơ hẳn là điều bí ẩn. Lev Tolstoy từng quả quyết rằng ông nhớ cái cảm giác của tấm tã sạch và mát lành mà người lớn đã bọc ông thời thơ ấu.

      Hồi ức đầu tiên của Volodya Shapovalova 3 tuổi là người ta dẫn gia đình bé ra chổ xử bắn và bé thấy mẹ mẹ mình hét to nhất; “… Có lẽ, tôi cảm thấy thế vì mẹ ẩm tôi trên tay mình, còn chúng lôi cổ bà. Và tôi nghe thấy tiếng một giọng bà vang lên từ cây cột ra sao. ”

      Feliks Klaz, hồi năm 41 lên sáu, đến nay vẫn không thể quên được ổ bánh mì mà anh thương binh đã ném cho chúng trong toa tàu có sưởi ấm: “Chúng tôi chịu đói cả tuần rồi. Mẹ đã đưa cho anh em tôi miếng biscuit cuối cùng, còn bà chỉ nhìn chúng tôi. Và anh nhìn thấy điều đó… ”
      Con trai trung đoàn Tolya Morozob có thể kể bé đói và lạnh cóng thế nào, những anh lính tăng nhặt được bé trong rừng; và cô y tá kỳ cọ cho bé bằng cái bàn chải cùn và nhớ mãi là cô “không có cục xà phòng to để tắm cho tôi. Tôi như cục đá đen xì”.

      Số phận của chúng giống nhau: số phận của bé trai ở Smolensk và Belarus, số phận các bé gái Ukraina và Litva. Cuộc chiến trở thành tiểu sử chung của cả một thế hệ các bé thời chiến. Ngay cả khi chúng ở hậu phương, chúng vẫn cứ là những đứa trẻ thời chiến. Câu chuyện của chúng cũng kéo dài suốt cuộc chiến.

      Năm Bốn mươi mốt, tháng Sáu, trên đường phố Minsk, Konstantin Simonov viết ra những dòng chữ:
      Viên thiếu ta đặt cậu bé ở càng pháo. Mẹ chết. Bé không rời bỏ bà…
      Năm Bốn mươi hai từ Leningrad bị vây hãm lời Anna Akhmatova vang vọng:
      Xuyên qua tiếng bom nghe ra
      tiếng Con Trẻ…

      Ngày nay chúng là những nhân chứng cuối cùng của những ngày bi thảm đó. Gia quyến chúng chẵng còn ai nữa.
      Nhưng họ đã già hơn ký ức ròng bốn mươi năm. Và nay, khi tôi hỏi về ký ức của họ, thật không dễ với họ. Đối với họ sự trở về tâm trạng đó, những cảm xúc cụ thể của thời thơ ấu xem ra bất khả. Nhưng đã có một điều đáng kinh ngạc xảy ra. Bé gái đột thoáng thấy một phụ nữ tóc hoa râm, bé van xin anh lính:
      “Đừng vùi mẹ con vào hố, mẹ sẽ dậy rồi chúng con sẽ đi với mẹ mà”.
      (Katya Shepelyevich – 4 tuổi).

      Xin tạ ơn sự bất lực của chúng ta trước ký ức của mình. Chúng ta là ai một khi không có nó? Một con người không có ký ức thì chỉ có khả năng làm điều ác, chẳng gì khác ngoài cái ác.
      Nếu một ký ức người trưởng thành vẽ nên họa tiết, tạo ra bức tranh đa chiều kích của quá khứ, của nghiệm sinh, thì ký ức tuổi thơ găm giữ những khoảnh khắc rõ nét và bi thảm nhất. Nó thường hiện ra cụ thể:
      “Tôi nhớ cái nón sắt sùm sụp trên đầu lính Đức, còn mặt người đội nó thì không nhớ. Tôi luôn luôn cảm nhận nỗi sợ hãi màu đen”.
      (El Gruznina – 7 tuổi).

      Tuy nhiên, khi bỏ qua sự mô tả chi tiết, nó chuyển tải cảm giác một cách tuyệt đối xác thực:
      “Mọi cảm giác chiến tranh vẫn còn trong ký ức của tôi như bảng số tù, như số trại trên tay. Chỉ còn có nước lột da đi”.
      (Ivan Kavrus – 10 tuổi).

      Hay:
      “Tôi cũng nghĩ rằng: tại sao người lớn không nhớ như tôi nhớ? Vậy là, bây giờ chúng tôi tề tựu trong cuộc họp mặt đội du kích của chúng tôi, và tôi kể chuyện gì đó với họ. “Vâng, họ lắng nghe, nghe cái điều mà chúng ta đã quên.” Còn tôi thì nhớ, bởi vì tôi là một đứa trẻ và, trải qua chiến tranh, từng là du kích, tôi đã trải nghiệm những chấn động tâm hồn. Lần đầu tiên bị đánh bom, khi tôi nhìn nó rơi xuống thế nào, tôi không phải là tôi nữa mà là một con người khác. Vô luận thế nào, đứa bé trong tôi không còn nữa. Hoặc, có thể là trong tôi vẫn còn một đứa trẻ, nhưng bên cạnh đã có một ai đó khác … ”
      (Bob Astashenok – 10 tuổi).

      Nhận xét mới chính xác làm sao: “Trong tôi vẫn còn một đứa trẻ, nhưng bên cạnh đã có một ai đó khác”. Kề bên cái chết và sự giết chốc, và họ lớn lên và thông đạt không phải từ một đứa trẻ, và thậm chí không theo kiểu con người thông lệ. Tâm hồn con trẻ bị tổn thương đôi khi đáng sợ hơn cả cái chết. Có những gì nhận thế nầy:
      “Tôi đã sống ở nhà lão Bauer người Đức. Lão nhìn tôi, tôi thì mặc chiếc váy rách mỏng, và nói, tốt, chừng nào thì vú mầy nẩy lên. Tao cần nhanh lên cho đám nam nhân công của tao làm việc tốt hơn. Tôi thì lại chẳng hiểu gì cho đến khi mụ chủ nhà giải thích với tôi lão chồng mụ muốn gì, và đêm đó tôi đã cố tự treo cổ mình… ”
      (Luba Ilina – 11 tuổi).

      Còn câu chuyện khác nữa:
      “Bản thân tôi nhớ tất cả, còn mẹ tôi sau chiến tranh đã không tin: “Sao con nhớ được, ai đó đã kể cho con”. Không, chính tôi nhớ quả bom nổ ra sao, và tôi níu lấy anh mình. “Em muốn sống! Em muốn sống!”. Tôi sợ chết cả khi lúc đó tôi có biết gì về cái chết đâu?”
      (Bob Harevsky – 4 tuổi).

      Có lẽ, khi đó, hồi bốn mươi năm trước, họ đã không kể như vậy. Họ cũng kể đúng những điều đó, nhưng không phải cách đó. Bởi khi đó các bé kể chuyện, còn bây giờ những người từng là một đứa trẻ hoặc thiếu niên nhớ lại. Giữa điều câu chuyện kể của tôi hôm nay với các bé trai hay gái thì những gì chúng nói ra là trải dài suốt đời người. Những người đó chỉ nhớ lại theo hình ảnh diệu kỳ còn lưu giữ. Và những ai không có ảnh thì hối tiếc:
      “Trong đội du kích của chúng tôi không có thợ chụp ảnh, và bạn không thể tưởng tượng khi đó tôi ra sao. Cả tôi cũng muốn biết: tôi là ai? ”
      (Laevsky Volodya – 13 tuổi).

      – Kể về bản thân nào? – Một hôm họ hỏi tôi. – Về chuyện năm 41 khi lên bảy, hay bản thân hiện nay, hay về mình hôm nay, ờ cái tuổi lên bảy vào năm bốn mươi mốt?

      Về chuyện năm bốn mươi mốt khi lên bảy. Bà – một nhân chứng …

      Thời gian làm biến đổi chính họ, nó hoàn toàn khác, đúng hơn, mối quan hệ của họ với quá khứ thật phức tạp. Cách thức truyền đạt ký ức của họ gây biến đổi, không phải nó là thế nào với họ. Trong đó có cả điều thuật lại hay tài liệu gốc, thì đều là do người lớn nói. Có một mối nguy khác. Khi nói về thời thơ ấu của mình, chúng thường ta tô vẻ, lý tưởng hóa nó. Họ miễn nhiễm trước điều này. Ho không thể tô vẽ sự khiếp đảm và sợ hãi …

      Trả lời câu hỏi: Vậy nhân vật chính của cuốn sách này là ai? – Tác giả xin trả lời: tuổi thơ bị thiêu đốt, bị bắn, bị giết, rồi bom và đạn, còn cả đói khát, sự sợ hãi, và mồ côi cha. Để dẫn chứng, chỉ riêng năm 1945 ở trại trẻ mồ côi ở Belarus đã nuôi dưỡng 26.900 trẻ mồ côi. Và còn một con số khác nữa. Trong Đệ nhị Thế chiến có 13.000.000 trẻ em bị giết.

      Nay ai nói được có bao nhiêu trong số đó là trẻ em Nga, bao nhiêu là Belorus, là Ba Lan hay Pháp? Các trẻ bị giết – những công dân của thế giới.
      Trẻ em Belorus nước tôi được cả nước cứu lấy và cả nước nuôi nấng. Trong dàn đại hợp xướng của các bé tôi nghe ra tiếng của chúng …

      Bé gái Belorus Tamara Tomasevic cho đến ngày nay vẫn còn nhớ, ở trại trẻ mồ côi Khvalynsk bên sông Volga không một người lớn nào quát tháo các bé, trong khi tóc tai chúng bùm xùm sau cuộc lữ hành. Còn Jenya Korpachev sơ tán từ Minsk đến Tashkent không quên người phụ nữ Uzbek có tuổi đã đưa cho mẹ con mình cái chăn cuối cùng của mình ở nhà ga. Người lính Xô Viết đầu tiên giải phóng Minsk bế bé Galya Zabavchik bốn tuổi trên tay và bé gọi anh “Bố”. Còn Nella Vershok kể các anh lính chúng ta đi qua ngôi làng của chúng ra sao, lũ đứa trẻ nhìn họ và hét lên: “Bố về! Bố ơi…”. Không phải các anh lính mà là bố.

      “Tôi gốc người miền thơ ấu” – Saint-Exupery nói về mình vậy đó.
      Có đâu bản gốc tại chiến tranh …

      Trẻ em là những con người đẹp nhất trên trái đất. Chúng ta làm thế nào để có thể bảo vệ các bé trong thế kỷ XX bất an này? Chúng ta có thể bảo vệ tâm hồn và cuộc sống các bé ra sao? Cả trong quá khứ lẫn tương lai của chúng ta cùng với chúng?

      Làm sao chúng ta có thể bảo vệ hành tinh của chúng ta cho các bé gái được ngủ trên giường của mình chứ không nằm chết trên đường với bím tóc xổ tung? Và do đó, tuổi thơ ấu sẽ không bao giờ mang tên tuổi thơ thời chiến.
      Nhân danh niềm tin đầy nữ tính đó, cuốn sách này được viết nên!

      …………..
      Dịch từ nguyên văn tiếng Nga: http://www.alexievich.info/knigi/posledniyeSwideteli.pdf, http://www.e-reading.club/chapter.php/1603/1/Aleksievich_-_Poslednie_svideteli._Solo_dlya_detskogo_golosa.html
      Có tham khảo bản trích tiếng Anh: http://www.alexievich.info/knigi/LastWit_En.pdf

Viewing 0 reply threads
  • You must be logged in to reply to this topic.