NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.
Tagged: Hà Văn Thùy
- This topic is empty.
-
AuthorPosts
-
-
05/09/2021 at 16:29 #41709NCQTKeymaster
Quan hệ giữa Việt Nam, Đông Á và Đông Nam Á
Tác giả: Hà Văn Thùy
Một câu hỏi từ lâu trăn trở trong suy nghĩ của nhiều người chúng ta: Việt Nam thuộc Đông Nam Á nhưng tại sao lại gần gũi về nhân chủng và văn hóa với Đông Á so với các nước Đông Nam Á? Nhiều giả thuyết được đưa ra nhưng có lẽ câu trả lời được nhiều người đồng thuận hơn cả là: do thời gian dài Việt Nam bị Trung Quốc đô hộ. Vào năm 2005, trả lời đài BBC tiếng Việt, Giáo sư Trần Quốc Vượng tuyên bố: “Tôi đã nói rồi, nói với ông Phạm Văn Đồng là, Việt Nam có một nghìn năm Bắc thuộc. Tính cách nào thì cũng một nghìn năm. Quan sang này rồi lính tới. Chúng ta bị đồng hóa đứt đuôi.” Tuy nhiên, từ những khám phá của thế kỷ mới, khoa học đưa ra cách nhìn khác.
Muốn hiểu mối quan hệ giữa Việt Nam với Đông Á và Đông Nam Á thì ngoài yếu tố địa lý, phải xác định được quá trình hình thành dân cư và văn hóa khu vực. Đó là công việc mà ở thế kỷ trước, khoa học đành bất lực. Nhưng sang thế kỷ XXI, những phát hiện di truyền học và khảo cổ học tìm giúp ta câu trả lời.
I. Quan hệ giữa Việt Nam và Đông Nam Á.
1. Về nhân chủng
Những khảo cứu mới cho thấy, 70.000 năm trước, người di cư châu Phi theo ven Ấn Độ Dương tới Đông Nam Á. Lúc này đương trong Kỷ Băng hà, mực nước biển thấp hơn hôm nay 130 mét. Đông Nam Á là đồng bằng Sundaland rộng lớn. Khi tới đất Indonesia, dòng di cư chia đôi. Một nhóm nhỏ theo hướng Đông đi tiếp tới châu Úc. Một nhóm theo bờ Tây đảo Borneo lên phía Bắc.(1) Không hiểu do cái duyên nào của Tạo hóa, đoàn người tới miền Trung Việt Nam và dừng lại. Tại đây, hai đại chủng người tiền sử Australoid và Mongoloid gặp gỡ, hòa huyết, sinh ra bốn chủng người Việt cổ: Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid. Trong đó người Indonesian là đa số, giữ vai trò lãnh đạo về ngôn ngữ và xã hội. Tiếp sau là người Melanesian. (2) Cũng không hiểu, do bí ẩn kỳ diệu nào mà trong khi số đông quần tụ ở khu vực Trung Việt thì có những nhóm nhỏ người Mongoloid không chịu chơi với ai, “dại dột” đi tới vùng giá lạnh Tây Bắc rồi khi không thể vượt qua băng hà, đã dừng lại để săn bắn hái lượm tại đây. Không ngờ rằng chính những nhóm người nhỏ nhoi này về sau làm nên điều kỳ diệu: sinh ra toàn bộ dân cư châu Á hiện đại!
50.000 năm trước, người Việt cổ lan tỏa ra chiếm lĩnh các đảo Đông Nam Á, Nam Thái Bình Dương và châu Úc. Một dòng đi về phía Tây chiếm lĩnh đất Ấn Độ, lúc này vô chủ do những người tới trước đó bị phun trào của núi lửa Toba 74.000 năm trước hủy diệt. Sau nhiều hoài nghi và tranh cãi, khoa học thừa nhận, đây là lớp dân cư đầu tiên trên các đảo Đông Nam Á.
Những khảo cứu khoa học cũng phát hiện, vào khoảng 30.000 năm trước, có đợt di cư thứ hai của người Việt cổ bổ sung dân cư cho vùng hải đảo.
Đợt di cư thứ ba diễn ra khoảng 4000 năm trước: người Mongoloid phương Nam từ Nam Trung Quốc và Việt Nam vượt biển ra các đảo, chuyển hóa di truyền dân cư các đảo Đông Nam Á sang chủng Mongoloid phương Nam. Đợt di cư này mang theo cây lúa, làm nên nông nghiệp lúa nước trên các đảo Đông Nam Á.
Đấy là bức tranh tổng quát. Nhưng cần có cái nhìn sâu sắc hơn để hiểu được vấn đề. Người Việt cổ từ Việt Nam đi ra gồm ba chủng: Indonesian đông nhất. Tiếp theo là Melanesian. Hai chủng da đen Negrotoid và Vedoid hòa trộn thành chủng thiểu số Negrito, sống quần tụ với nhau tại Andaman trên đất Ấn và rải rác trên các đảo Đông Nam Á. Khoảng giữa thiên niên kỷ III TCN, khi người Mongoloid phương Nam từ lưu vực Hoàng Hà đi xuống, dân cư Việt Nam và Đông Nam Á có sự chuyển hóa như sau: chủng người Indonesian chuyển thành chủng Mongoloid phương Nam điển hình. Trong khi đó, chủng Melanesian chuyển thành dạng Indonesian hiện đại của chủng Mongoloid phương Nam. (2)
Di truyền học và khảo cổ học phát hiện: khoảng 2000 năm TCN, toàn bộ dân cư Việt Nam chuyển sang mã di truyền Mongoloid phương Nam. Điều này xảy ra chậm hơn ở phía Nam: tới đầu Công nguyên, toàn bộ dân cư các đảo Đông Nam Á cũng thành người Mongoloid phương Nam. Hiện tượng được nhân học gọi là Mongoloid hóa dân cư Đông Nam Á đang được khoa học giải thích theo hai cách khác nhau. Đa số học giả quốc tế cho rằng: Có hai con đường di cư của người châu Phi sang phương Đông. Con đường phương Nam làm nên lớp dân cư Đông Nam Á bản địa, mã di truyền Australoid. Con dường di cư phương Bắc làm nên nông dân Trung Quốc mang gen Mongoloid. Một lượng lớn nông dân Trung Quốc tràn xuống, thay thế người bản địa, làm nên dân cư Đông Nam Á mang mã di truyền Mongoloid hôm nay.
Tôi đề xuất kịch bản khác: chỉ có con đường di cư duy nhất phương Nam. Người Mongoloid tới Việt Nam sau đó đi lên Mông Cổ, làm nên người Mongoloid phía Bắc châu Á. Khoảng 7000 năm trước, tại lưu vực Hoàng Hà, người Mông Cổ phương Bắc lai với người Việt Australoid sinh ra người Mongoloid phương Nam. Khoảng giữa thiên niên kỷ III TCN, diễn ra cuộc di cư từ từ của người Mongoloid phương Nam xuống Việt Nam. Trong khoảng nửa thiên niên kỷ, họ gặp gỡ và chuyển hóa dân cư Việt Nam từ Australoid sang Mongoloid phương Nam. Không có chuyện khối lượng lớn người nông dân Trung Quốc xuống “thay thế” dân cư bản địa bởi hai lẽ:
Thứ nhất, nếu vậy, người Việt Nam phải là hậu duệ của người Trung Quốc. Cố nhiên, người Việt Nam phải có đa dạng sinh học thấp hơn người Trung Quốc, theo nguyên lý: con cháu kém đa dạng hơn cha mẹ. Trong khi đó, thực tế cho thấy điều trái ngược: người Việt Nam có đa dạng sinh học cao nhất châu Á, chứng tỏ người Việt cổ là tổ tiên người châu Á. (3)
Việc thay thế dân cư chỉ có thể xảy ra khi người nông dân Trung Quốc có số lượng rất lớn. Trên thực tế không có điều này, vì số dân Đông Nam Á và Nam Á quá đông. 38.000 năm trước đã chiếm 60% nhân số thế giới. Trong khi đó, người Mongoloid phương Nam chỉ ra đời 7000 năm trước nên số lượng rất nhỏ.
2. Về văn hóa.
Phân tích trên cho thấy, dân cư các đảo Đông Nam Á do người từ Việt Nam tới. Khi di cư, người Việt mang theo văn hóa của mình. Trước hết là tiếng nói cùng những phong tục tập quán hình thành sau nhiều vạn năm sống trong cộng đồng tộc Việt. Từ những dấu vết văn hóa được lưu giữ trong dân cư các đảo Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia… ta có thể hình dung ra tình hình sau. Người hải đảo Đông Nam Á là người Việt nên văn hóa của họ là văn hóa Việt. Dựa vào những trống đồng Heger I tìm thấy ở đây, có thể cho rằng, đến đầu Công nguyên, Việt Nam và phần quan trọng của Đông Nam Á hải đảo là khối thống nhất về chủng tộc và văn hóa, tâm linh mà trung tâm là nhà nước Văn Lang của các Vua Hùng. Trống Đông Sơn có thể là một thứ quyền trượng mà các Vua Hùng trao cho các thủ lĩnh địa phương.
Từ đầu Công nguyên, do Văn Lang bị tiêu diệt rồi Việt Nam bị xâm lăng, mối quan hệ truyền thống giữa Việt Nam với các hải đảo bị cắt đứt, các thủ lĩnh vùng đứng lên lập các nhà nước riêng như Lão Qua, Xiêm La, Chân Lạp và các đảo quốc. Do thiếu vắng một đầu tầu văn hóa, các quốc gia này du nhập văn hóa Ấn Độ qua thương nhân và các tu sỹ, trở thành những quốc gia Ấn Độ hóa.
II. Quan hệ giữa Việt Nam và Đông Á
Nhiều khám phá di truyền và khảo cổ cho thấy, 40.000 năm trước, người Việt cổ mà chủ yếu là người Lạc Việt chủng Indonesian từ Việt Nam đi lên chiếm lĩnh Hoa lục, làm nên dân cư ban đầu trên đất Trung Quốc. Khoảng 7000 năm trước, người Việt xây dựng văn hóa nông nghiệp trồng lúa, kê và chăn nuôi gia súc từ nam Dương Tử tới Nam Hoàng Hà. Cũng khoảng 40.000 năm trước, người Mongoloid từ Tây Bắc Việt Nam theo hành lang Ba Thục đi lên đất Mông Cổ. Họ săn bắn hái lượm tại vùng băng giá. Do giữ được bộ gen gốc nên được gọi là người Mông Cổ phương Bắc. 10.000 năm trước, khi Kỷ Băng hà kết thúc, họ bắt đầu thuần hóa gia súc rồi chuyển sang kinh tế du mục. Khoảng 7000 năm trước, khi người Việt chủng Indonesian mang kê lên trồng tại cao nguyên Hoàng thổ, họ học cách trồng kê của người Việt, kết hợp với du mục. Do việc tiếp xúc giữa hai chủng người nên tại Nam Hoàng Hà, chủng người Việt mới ra đời, được gọi là chủng Mongoloid phương Nam. Người Mongoloid phương Nam tăng số lượng, trở thành chủ thể của lưu vực Hoàng Hà.
Khoảng năm 2698 TCN, người du mục Mông Cổ do bộ lạc Hiên Viên dẫn đầu vượt Hoàng Hà chiếm đất của người Việt, lập nhà nước Hoàng Đế. Một bộ phận người Việt từ lưu vực Hoàng Hà chạy xuống Nam Dương Tử rồi di cư dần về Việt Nam, mang nguồn gen Mongoloid chuyển hóa di truyền dân cư Việt Nam từ Australoid sang Mongoloid phương Nam. Khoảng 2000 năm TCN, toàn bộ dân cư Việt Nam mang mã di truyền Mongloid phương Nam.
Tiếp đó, trong quá trình lịch sử lâu dài người từ Trung Quốc liên tục di cư về Việt Nam. Người di cư bổ sung gen Mongoloid cho dân cư Việt Nam tuy nhiên không làm thay đổi mã di truyền dân cư Việt Nam bởi lẽ, từ 2000 năm TCN, người Trung Quốc và người Việt Nam cùng một chủng Mongoloid phương Nam. Người di cư cũng mang văn hóa Nam Hoàng Hà về Việt Nam.
III. Kết luận
Việt Nam là nơi phát tích của con người và văn hóa châu Á. Người từ Việt Nam làm nên con người và văn hóa Đông Á và Đông Nam Á. Nhưng do dân cư châu Á được hình thành từ hai lớp nên sau khi người Việt cổ đi lên làm nên dân cư Trung Quốc thì có việc người Việt hiện đại từ Nam Hoàng Hà trở về chuyển hóa dân cư Việt Nam và Đông Nam Á sang chủng Mongoloid phương Nam. Do một nghìn năm người Hán chiếm đóng Việt Nam nên về văn hóa có sự hòa trộn gần như đồng nhất giữa Nam và Bắc. Do thực tế này, từ xa xưa người Việt nhân định chính xác: “Hoa Việt đồng văn đồng chủng”
Do trên đất Trung Quốc và Việt Nam, chủng người Indonesian (Lạc Việt) chiếm đa số nên sau khi hòa huyết với người Mongoloid phương Nam cho ra lớp dân cư thuộc chủng Mongoloid phương Nam điển hình, có nước da sáng hơn, là các sắc dân Kinh, Mường, Thái Tày, Nùng… Trong khi đó khu vực hải đảo, do người Melanesian đa số nên khi hòa huyết với người Mongoloid phương Nam cho ra dạng Indonesian hiện đại của chủng Mongoloid phương Nam, nước da sẫm màu hơn.
Về văn hóa, văn hóa gốc của dân cư hải đảo Đông Nam Á là văn hóa Việt cổ. Các dân tộc Đông Nam Á vẫn hướng về Việt Nam theo quan hệ chủng tộc, tâm linh và văn hóa. Nhưng từ đầu Công nguyên, do mối liên hệ truyền thống với Việt Nam bị cắt đứt, các thủ lĩnh khu vực đứng ra lập quốc gia riêng và theo văn hóa Ấn Độ. Vì vậy, nhìn bề ngoài thấy có sự khác biệt về nhân chủng và văn hóa giữa Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn, vào các sắc dân thiểu số như người Chăm và đồng bào Tây Nguyên, sẽ thấy rằng cộng đồng này rất gần với dân cư Đông Nam Á hải đảo cả về nhân chủng và văn hóa. Điều này chứng tỏ cái gốc về nhân chủng và văn hóa Việt Nam của khu vực Đông Nam Á.
Sài Gòn, 9.2021
Tài liệu tham khảo
1. Stephen Oppenheimer. Out of Africa’s Eden: The Peopling of the World https://books.google.com › books ›
2. Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á. NXB DH&THCN, HN. 1983
3. W. Ballinger et al. Southeast Asian Mitochondrial DNA Analysis Reveals Genetic Continuity of Ancient Mongoloid Migrations. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1204787/pdf/ge1301139.pdf
-
-
AuthorPosts
- You must be logged in to reply to this topic.