- This topic has 0 replies, 1 voice, and was last updated 8 years, 11 months ago by NCQT.
-
AuthorPosts
-
-
30/01/2016 at 07:07 #13951NCQTKeymaster
Sự thật về Chú Hỏa và 30.000 ngôi nhà ở Sài Gòn
TTO – Người Sài Gòn xưa thường nói “Đi tàu Chú Hỷ, ở nhà Chú Hỏa” để chỉ hai nhân vật nổi tiếng: Chú Hỷ – “vua tàu thuyền” – có tàu chạy Lục tỉnh và Chú Hỏa – “vua nhà đất” – với gần 30.000 căn nhà phố khắp Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn.
Tấm ảnh hiếm hoi còn để lại của Chú Hỏa – Ảnh tư liệu “Chú Hỏa” (1845-1901) – theo cách gọi phổ biến – thành lập Công ty Hui Bon Hoa và các con, cực thịnh vào khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, có những đóng góp rất quan trọng trong việc xây dựng thành phố Sài Gòn.
Bởi vì không chỉ xây các dinh thự hoành tráng cho gia đình mình, Chú Hỏa còn xây những dãy phố, cùng hàng loạt công trình dân dụng dành cho cộng đồng như bệnh viện, chùa chiền, trường học…
Một dãy nhà thuộc dòng họ Hui Bon Hoa xây dựng ở góc đường Lê Công Kiều – Nguyễn Thái Bình (Q.1, TP.HCM) hiện vẫn còn nhiều nhà khá nguyên vẹn – Ảnh: HỒ TƯỜNG Một dãy nhà thuộc dòng họ Hui Bon Hoa xây dựng ở góc đường Võ Văn Kiệt – Phó Đức Chính (Q.1, TP.HCM) hiện vẫn còn nhiều nhà khá nguyên vẹn – Ảnh: HỒ TƯỜNG Dãy nhà phố một trệt một lầu đối diện Công viên Quách Thị Trang (trái ảnh) thời thuộc Pháp, phía sau ga xe buýt hiện nay do dòng họ Hui Bon hoa xây dựng (hiện đã bị giải tỏa, phá dỡ) – Ảnh tư liệu Kinh doanh thành công như vậy, giàu có như vậy, Chú Hỏa đã làm thế nào để từ “nước lã mà khuất nên hồ” như vậy?
Vô số giai thoại về cách làm giàu của Chú Hỏa
Câu chuyện quen thuộc nhất khi nói chuyện về những bước khởi nghiệp của Chú Hỏa khi mới từ Trung Quốc đến Sài Gòn lập nghiệp chính là chỉ từ hai bàn tay trắng với một gánh ve chai trên vai, Chú Hỏa đã tạo dựng nên sự nghiệp lừng lẫy khiến cho người đời sau luôn nhắc nhở.
Rất nhiều người kể rằng có xuất thân nghèo khổ, Chú Hỏa từng kiếm sống bằng nghề buôn bán phế liệu, trong một lần thu mua ve chai, Chú Hỏa nhặt được cả túi vàng nằm trong một chiếc ghế nệm cũ. Người khác nói rằng Chú Hỏa đã mua được bức tượng đúc đồng nhưng bên trong đầy vàng.
Người ta còn truyền miệng cho nhau rằng cuộc đời Chú Hỏa thay đổi khi chính quyền Pháp mở cuộc đấu giá thanh lý 20.000 máy truyền tin cũ, không còn giá trị sử dụng. Chú Hỏa đã mua lại số hàng này, và nhờ vào kinh nghiệm nhiều năm buôn phế liệu, ông đã phân loại thành công được vàng từ những máy truyền tin tưởng chừng vô giá trị.
Còn theo một số người khác, khi lê la hầu như khắp Sài Gòn – Chợ Lớn để thu mua những thứ bỏ đi của thiên hạ, Chú Hỏa đã mua trúng đồ cổ, nhờ thạo chữ Hán nên biết trong đám đồ người ta vứt ra có đồ cổ từ thời Nguyên, đời Thanh, thậm chí từ đời Hán. Do đó, từ nghề mua ve chai này, ông tạo lập được gia sản đầu tiên khi mua rẻ, bán đắt những món đồ cổ từ thời xa xưa.
Nhiều người đã tỏ ra rành rẽ hơn, kể rằng lúc đầu Chú Hỏa sống với nghề mua bán “lạc xoong”, mua đồ cũ để chế biến và bán lại. Sau khi tạo được một số vốn, Chú Hỏa đã hùn hạp với một người Pháp thầu khuếch trương các tiệm cầm đồ trong Nam kỳ và mua đất cất nhà bán hoặc cho thuê…
Sau khi rã hùn, Chú Hỏa đã được chia một số tiền lớn, làm chủ các sản nghiệp đất cát khắp miền Lục tỉnh, nhiều nhất là ở Sài Gòn, Chợ Lớn…
Ảnh hưởng niềm tin tâm linh khá phổ biến trong giới người Hoa xưa nay, một giai thoại nữa cho rằng Chú Hỏa rất rành về phong thủy nên đã an táng mộ cha của ông đúng long mạch, cho nên nhờ vậy mà làm ăn trở nên phát đạt nhanh chóng.
Số người khác cho rằng Chú Hỏa vốn dòng dõi nhà Minh, do ly loạn nên tạm chôn giấu của cải để lánh thân, về sau Chú Hỏa trở lại quê nhà ở Trung Quốc, đào số của cải gia bảo ấy lên, mang sang Việt Nam làm vốn hùn hạp làm ăn với người Pháp rồi dần dà phát đạt.
Các giai thoại trên đều mang tính chất mơ hồ nhưng hầu như giai thoại nào cũng đề cập đến sự cần mẫn làm ăn, chịu khó, biết sử dụng lợi thế của bản thân mình trong quá trình kinh doanh, biết tích lũy vốn và khuếch trương công việc làm ăn ngày càng to lớn.
Trong suốt quá trình kinh doanh, Chú Hỏa còn luôn biết chia sẻ với cộng đồng cũng như giới cầm quyền đương thời qua việc hiến tặng hàng loạt công trình phúc lợi xã hội mà chức năng vẫn tồn tại đến tận ngày nay, như: Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, Trường THCS Minh Đức (quận 1), Bệnh viện Nguyễn Trãi (quận 5)…
Maternité Indochinoise (Bảo sanh viện Đông Dương, nay là Bệnh viện Từ Dũ) xây dựng trên miếng đất do dòng họ Hui Bon Hoa tặng và xây dựng; diện tích 19.123m2 trên đường Arras (nay là đường Cống Quỳnh, Q.1, TP. HCM). Kiến trúc tòa nhà hiện vẫn khá nguyên vẹn sau 79 năm (1937-2016). Con đường phía trước hiện nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai, hàng cây nhỏ trên đường giờ đã thành cổ thụ – Ảnh tư liệu Chùa Phụng Sơn trên đường Nguyễn Công Trứ (Q.1, TP.HCM) do dòng họ Hui Bon Hoa phụng cúng – Ảnh: HỒ TƯỜNG Khách sạn Majestic do dòng họ Hui bon Hoa xây dựng và tặng TP Sài Gòn thời thuộc Pháp – Ảnh tư liệu Con cháu Chú Hỏa kể chuyện làm giàu của cha ông
Bài viết “Sự thật về Hui Bon Hoa và Chú Hỏa” của tác giả Chen Bickun với những tư liệu được cung cấp từ dòng dõi của Hui Bon Hoa đang sinh sống ở Paris (Pháp) cho biết về sự thật con đường làm giàu của Chú Hỏa như một chuyện cổ tích.
“Tuy làm giàu cho họ đã đành, nhưng cũng giúp ích rất nhiều cho sự mở mang thạnh vượng kinh tế miền Nam” – Vương Hồng Sển – Sài Gòn Năm Xưa, Nxb Khai Trí, Sài Gòn, 1969) Nguyên lúc mới sang Việt Nam, Chú Hỏa đã làm việc với một chủ người Pháp. Tính siêng năng và tốt bụng của Chú Hỏa đã khiến cho ông chủ Pháp thương và giúp vốn để Chú Hỏa mở tiệm cầm đồ để khởi nghiệp kinh doanh.
Tiệm cầm đồ đầu tiên của Chú Hỏa là căn nhà nằm ở góc đường Phó Đức Chính và Nguyễn Thái Bình ngày nay, còn văn phòng làm việc cho ông chủ người Pháp của ông ở trước cửa tiệm bên kia đường, trên một khu đất vẫn còn trống.
Chính khu đất trống này Chú Hỏa đã mua và xây ba căn sát nhau trên đường Phó Đức Chính, mỗi căn dành cho một người con trai.
Căn giữa đặt bàn thờ tổ tiên, Chú Hỏa giao cho người con trai lớn, còn hai căn nhà hai bên giao cho hai đứa con trai còn lại.
Ba căn nhà này về sau đã được các người con của Chú Hỏa xây dựng lại trở thành ba tòa nhà nguy nga, được dân gian xưa nay vẫn gọi là nhà Chú Hỏa, nay cả ba tòa nhà này đều được sử dụng làm Bảo tàng Mỹ thuật (97 Phó Đức Chính, P.Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM).
Mở tiệm cầm đồ một thời gian, tích lũy được một số tiền, Chú Hỏa đổ vào ngành bất động sản bằng cách mua trước những khu đất sắp quy hoạch, chẳng hạn như ông đã mua toàn bộ vùng đất gần tiệm cầm đồ của mình vốn là vũng lầy bao quanh địa điểm mà người Pháp dự định xây chợ Bến Thành mới (tức chợ Bến Thành ngày nay).
Để thuận lợi cho việc kinh doanh, Chú Hỏa đổi tên thành Jean Baptiste Hui Bon Hoa khi trở nên giàu có.
Thành lập Công ty bất động sản Hui Bon Hoa sở hữu gần 30.000 căn nhà ở Sài Gòn (có tư liệu cho là 22.000 căn nhà). Các công trình nhà ở này đóng góp một vai trò quan trọng trong việc hình thành bộ mặt thành phố Sài Gòn những năm cuối thế kỷ 19.
Với Công ty Hui Bon Hoa, Chú Hỏa nổi tiếng về sự giàu có ở Đông Dương khiến nhà cầm quyền Pháp phải kính nể.
Chú Hỏa tên Huỳnh Văn Hoa chứ không phải Hứa Bổn Hòa Năm 1960, Vương Hồng Sển viết trong “Sài Gòn năm xưa” về Chú Hỏa: “Hui Bon Hoa, tục danh “Chú Hỏa”, mặc dầu về sau danh vọng lớn, địa vị cao, cũng không ai gọi “Ông Hỏa” bao giờ. Sớm nhập tịch Pháp nên ký âm theo Pháp ngữ làm vậy rồi gọi như vậy cho đến đời đời, không rõ theo Hán tự hà danh hà tánh?”. Nói khác đi, vào năm 1960, Vương Hồng Sển vẫn chưa rõ họ tên thật của Chú Hỏa.
Nhiều tài liệu cho rằng tên của Chú Hỏa – Hui Bon Hoa là Hứa Bổn Hòa. Có tài liệu còn khẳng định rằng: “Hiện nay, tại tòa nhà tiêu biểu của “Chú Hỏa” – nơi đang là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (số 97 Phó Đức Chính), ở tấm biển inox ghi lược sử tòa nhà đặt trang trọng ngay lối đi bên trái cửa chính viết: “Hui Bon Hoa tên thật là Hứa Bổn Hòa”.
Tháng 7-2006, những thành viên trong dòng họ Hui Bon Hoa từ Pháp về Việt Nam, ghé thăm nhà Chú Hỏa, ngôi nhà lừng lẫy của dòng họ này là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Một thành viên trong đoàn tên Eddie Hui-Bon-Hoa (đã theo gia đình sang Pháp khi còn trong bụng mẹ) đã hé lộ tên họ thật và phần nào cuộc đời Chú Hỏa.
Gần đây hơn, năm 2014, trên trang blog “Tây Cống cố sự quán” (Căn nhà ghi chuyện cũ ở Sài Gòn), tác giả Chen Bickun công bố bài viết bằng tiếng Anh: “The True Story of Hui Bon Hoa and “Uncle Hoa’s Mansion” (Sự thật về Hui Bon Hoa và Chú Hỏa) dựa vào tư liệu do chính dòng họ Hui Bon Hoa đang sinh sống ở Paris (Pháp) cung cấp.
Theo đó, Chú Hỏa (1845-1901) tên thật là Huỳnh Văn Hoa (Huáng Wéng Húa,黄文華), vốn người làng Văn Tang, thuộc Gia Hòa Sơn, huyện Tư Minh, tỉnh Phước Kiến, nay thuộc khu vực Hạ Môn, tỉnh Phước Kiến, Trung Quốc.
Ông sang VN khoảng năm 1863. Sở dĩ Chú Hỏa được gọi với tên là Hui Bon Hoa vì khi nhập quốc tịch Pháp, ông vốn là tín đồ đạo Công giáo nên đã lấy tên Pháp là Jean Baptiste Hui Bon Hoa. Trong đó, Hui Bon Hoa chính là tên Huỳnh Văn Hoa của ông được ký âm theo phương ngữ Phước Kiến.
(Về sau, các con cháu của ông đều mang họ Hui Bon Hoa nhưng chỉ khác tên Pháp đứng đầu).
Năm 1901, Chú Hỏa về thăm Trung Quốc, nhưng ông đã đột ngột qua đời và được chôn cất ngay tại quê hương, hưởng dương 56 tuổi.
Như vậy, Hui Bon Hoa là cách phiên âm từ tên gốc Hán theo âm Hạ Môn (Trung Quốc) có ảnh hưởng bởi cách phiên âm của người Anh vào cuối thế kỷ 19.
Còn Hứa Bổn Hòa có lẽ là cách đoán… mò của một số người khi thấy chữ Hui Bon Hoa mà không thấy mặt chữ Hán.
Nguồn: Tuổi Trẻ
-
-
AuthorPosts
- You must be logged in to reply to this topic.