NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.
- This topic is empty.
-
AuthorPosts
-
-
06/03/2020 at 18:37 #34373NCQTKeymaster
Tại sao Tân Thiên Địa bị coi là tà giáo?
Biên dịch và tổng hợp: Dương Chính Chức
1. Tân Thiên Địa là gì?
Giáo phái Tân Thiên Địa, tên đầy đủ tiếng Hàn là 신천지예수교증거장막성전 (新天地예수敎 證據帳幕聖殿 – Tân Thiên Địa Giê-su giáo Chứng cư trướng mạc thánh điện), tiếng Anh gọi là Shincheonji Church of Jesus the Temple of the Tabernarcle of the Testimony.
Ông Lee Man Hee (이만희- 李萬熙) sáng lập giáo phái này ngày 14/3/1984 tại Hàn Quốc. Đây là giáo phái cách tân thuộc Cơ Đốc, được tách ra từ giáo phái Trương mạc thánh điện (장막성전 – 帳幕聖殿) do ông Yu Jae Yeon sáng lập năm 1966.
Giáo phái này coi Giáo chủ Lee Man Hee là hiện thân, sứ giả của Chúa Jesus, được Chúa Jesus thọ ký truyền thừa, có khả năng bất tử, được quyền cứu độ 144 nghìn người thoát khỏi tận thế để lên thiên đường, nhập thể của 144 nghìn vị Thánh. Tân Thiên Địa coi Kinh Thánh là bất khả tư nghị, những lời viết trong Kinh Thánh là mật ngữ, ý nghĩa sâu xa chỉ có Lee Man Hee mới hiểu. Tân Thiên Địa lấy năm thành lập 1984 là năm vũ trụ hoàn nguyên, cho rằng năm này, vũ trụ đã đi hết một vòng và quay trở về điểm xuất phát.
Truyền đạo và tuyển tín đồ là nhiệm vụ quan trọng nhất của tín đồ Tân Thiên Địa. Hầu hết, gia đình của tín đồ Tân Thiên Địa đều gia nhập giáo phái này. Các tín đồ Tân Thiên Địa cũng trà trộn vào các giáo phái, tôn giáo khác để lôi kéo tín đồ nhập giáo.
Tân Thiên Địa bị hầu hết các tôn giáo chính thống như Thiên Chúa, Tin Lành, Nhà thờ Chính thống giáo…coi là tà dị do xuyên tạc Kinh Thánh.
Ông Lee Man Hee thì cho rằng bản thân mình luôn theo đuổi hòa ái theo gương Thiên Chúa, coi việc bị các giáo phái khác chỉ trích là do bởi đố kị vì họ không kết nối được với Chúa, không hiểu được Kinh Thánh.
Tân Thiên Địa hoạt động tại 30 quốc gia, trong đó 16 quốc gia ở Châu Á với hàng trăm nghìn tín đồ, khoảng 1529 điểm sinh hoạt. Ở Hàn Quốc, Tân Thiên Địa có 12 chi nhánh, 74 điểm thờ tự, 1329 điểm sinh hoạt cộng đồng, 240 nghìn tín đồ, 70 nghìn học viên chưa nhập giáo (riêng Daegu có hơn 9000 tín đồ).
Tại Trung Quốc, Tân Thiên Địa có khoảng 2 vạn tín đồ, 19 địa điểm sinh hoạt, chủ yếu tại Bắc Kinh (1614 người), Thượng Hải (1332 người), Đại Liên (1665 người), Thẩm Dương (1035 người), Trường Xuân (2018 người), Vũ Hán (357 người).
Tại Anh, Ấn Độ đều có. Ở Anh có chi nhánh của Tân Thiên Địa với cái tên Parachristo chuyên núp bóng thực hiện các khóa học Kinh Thánh tại London Docklands.
2. Tại sao Tân Thiên Địa bị coi là Tà Dị và Tự nhi phi?
Nhà báo Lee Hee Yong của Yonhapnews có một bài lý giải việc này, tóm lược như sau.
Hiện nay, qua những vụ siêu lây nhiễm covid19, Tân Thiên Địa đang trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới. Mọi người đều quan tâm, rốt cục thì Thân Thiên Địa là tà hay chính…
Việc phân vân tà hay chính, chính thống giáo hay dị giáo vốn là câu chuyện nội bộ của tôn giáo, nhưng do Tân Thiên Địa có cách chiêu mộ tín độ rất khác người, như bằng cách xâm nhập vào giáo hội, giáo đoàn tôn giáo khác, thuyết phục, vận động gia nhập Tân Thiên Địa, nói cách khác là vào tận nhà cướp người như vậy, hay do Tân Thiên Địa bị chỉ trích là chuyên phá vỡ gia đình người khác như xúi giục thanh niên bỏ nhà, xúi các cặp vợ chồng ly hôn..nên xã hội không thể không lưu tâm về vấn đề chính -tà của tổ chức này.
Điều khiến xã hội bất bình nhất là việc bất chấp sự lây nhiễm nhanh, nhiều trong nội bộ Tân Thiên Địa nhưng họ không chịu giao nộp danh sách giáo hội, giáo đoàn và tín đồ của họ, che dấu mọi động tĩnh, tung tích của tín đồ gây khó khăn nhiều mặt cho cơ quan điều tra và phòng chống dịch của Chính phủ. Những việc như vậy khiên xã hội ngày càng nhìn nhận tổ chức này tiêu cực hơn.
Nhân sự vụ lần này, các giáo phái tôn giáo chính thống như Thiên Chúa, Tin Lành…đang đẩy mạnh truyền thông, tập trung làm rõ sự Tà và Dị đoan của tổ chức này, thúc giục Chính phủ xử lý tư pháp đối với Tân Thiên Địa. Rất hiếm khi các giáo phái, tôn giáo lại cùng gác lại mâu thuẫn, đồng lòng với nhau như vậy.
2.1. Thế nào là dị đoan, tà giáo?
Trước đây, các nhà Nho của thời đại nhà Triều Tiên đã phê phán mạnh mẽ Đạo giáo, Đạo Phật là Giả – Tà, chuyên dùng lời giả dối, phi thực để huyễn thế mị nhân, coi đó là Dị đoan (이단-異端: Dị là khác thường, Đoan là tin theo). Sau này, họ dịch Dị đoan sang tiếng Anh là “heresy”, chỉ giáo phái, tổ chức thần học nằm ngoài sự chính thống.
“Tà giáo” (사교 – 邪敎) vốn là chỉ tổ chức tôn giáo, giáo phái có những lời răn dạy gây hại cho xã hội. Khổng Tử cũng có câu Tự Nhi Phi (사이비 – 似而非), tức “chỉ giống nhưng không phải”. Tức, tà phái thì không phải chính thống, chỉ là bắt chước cho giống mà thôi.
Nhân loại từ khi ra đời đã có nhiều tôn giáo. Nhưng có lẽ, Cơ đốc giáo là nơi có nhiều tranh luận nhất về “Dị đoan”.
Bản thân Cơ Đốc giáo cũng từng bị coi là Dị đoan khi tách ra từ Do thái giáo và chỉ trở thành chính thống sau khi được Đế quốc La Mã công nhận. Đến thế kỷ thứ XI thì chia thành Đông phương chính thống giáo hội ( 동방정교회) và Tây phương Cơ đốc (서방가톨릭) và cả hai coi nhau là dị đoan. Đến thế kỷ XVI, xuất hiện đạo Tin lành (개신교 – Khách cách giáo – Protestantism), lúc đầu ngả về Cơ đốc, sau tách ra đứng riêng thành một tôn giáo độc lập.
Đặc điểm của các tôn giáo là bị coi là dị đoan khi hình thành, bị đàn áp và đấu tranh chống đàn áp và trở thành một tôn giáo chính thống.
Do quyền hạn của Giáo hoàng, Giáo chủ tuy khác nhau nhưng đều mạnh, cách lý giải về cách hành lễ, điển tích khác nhau nhiều nên thường xuyên xảy ra tranh luận về dị đoan giữa bên bảo thủ là Thiên chúa giáo, giáo hội chính thống và bên Tin lành.
2.2. Lý do Tân Thiên Địa bị đạo Tin lành (개신교) coi là Dị đoan Tự nhi phi
Vào cuối thế kỷ XIX, các tôn giáo gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng, đẩy mạnh truyền giáo. Nhiều giáo phái mới (신흥교) hình thành trên cơ sở kết hợp giáo lý với Cơ đốc giáo. Chính tà hỗn độn, khó phân biệt.
Vào năm 1970, các tôn giáo ở Hàn Quốc đi vào ổn định, tuy nhiên cuộc tranh luận chính tà, dị đoan vẫn chưa dứt. Các chuyên gia cho rằng sự chia rẽ (분열), cạnh tranh ảnh hưởng trong nội bộ Tin lành là nguyên nhân chính gây ra tranh luận này.
Cạnh tranh về mức độ ảnh hưởng giữa các giáo phái luôn mạnh, việc tuyên truyền coi nhau là dị đoan dị giáo là phổ biến. Đã từng có giáo phái, để sinh tồn, họ gia nhập giáo đoàn khác, hoặc tự biến đổi thành giáo phái mới. Trong nội bộ hệ thống đạo Tin lành, cho đến nay chưa có cơ chế chính thức nào phán xử, phân định sự chính tà, dị đoan bởi họ chưa thống nhất được chuẩn mực làm căn cứ.
Với Hàn Quốc, tổ chức liên hợp giáo phái hiện phân tán khá nhiều, như có Tổng liên hiệp Cơ đốc giáo Hàn Quốc, còn gọi là Hàn Cơ Tổng (한국기독교총연합회 – 한기총), Liên hiệp giáo hội Hàn Quốc, còn gọi là Hàn Giáo Liên (한국교회연합- 한교연), Hàn Quốc giáo hội Tổng liên hợp hội, còn gọi là Hàn Giáo Tổng (한국교회총연합회- 한교총), hay Hàn Quốc Cơ đốc giáo giáo hội hiệp nghị hội (한국기독교교회협의회 – KNCC), trong đó Hàn Giáo Liên và Hàn Giáo Tổng vốn phân tách ra từ Hàn Cơ Tổng và bị Hàn Cơ Tổng coi là dị đoan dị giáo.
2.3. Chuẩn mực phân định Chính thống và Dị giáo
Theo quy chuẩn mà Hàn Cơ Tổng định ra thì chuẩn để phân loại dị giáo của Cơ đốc là (1) thêm hoặc bớt 66 quyển kinh thánh, (2) phủ nhận sự liên quan về sự cứu chuộc của Đức Jesus (구속사역 – 救贖使役), (3) cho rằng mình được ân nhận mạc khải (계시) và linh cảm (영감) từ Chúa, (4) tổ chức phi nhân luân, phản xã hội, phản quốc, (5) rao giảng về địa điểm, thời điểm tái lâm của Jesus.
Theo học giả về tôn giáo và các nhà thần học thì dị giáo có các đặc tính là: (1) nói về sự cáo chung định sẵn (시한부 종말론), (2) sùng bái cá nhân (개인숭배), (3) dùng nghi lễ tôn giáo cuồng nhiệt, chú thuật ma mị (열광적이고 주술적인 종교 의례), (4) nhấn mạnh vào sự trải nghiệm thần bí (신비주의적 체험 강조), (5) sử dụng siêu năng lực (초능력 동원), (6) tự giải thích kinh điển theo ý mình (자의적인 경전 해석), (7) không thuộc, hoặc có đặc điểm trộn lẫn với nhiều tôn giáo (무속 등 여러 종교와 배합), (8) đề cao tư tưởng ký thọ (선민사상 주입), (9) nhấn vào trị bệnh và quyên góp (치병와 헌금), (10) hình thành cộng đồng riêng không trộn lẫn (배타적 공동체 형성).
Gần đây người ta hay nhắc đến sự cáo chung được định sẵn và sự cáo chung theo điều kiện. Cáo chung có điều kiện là ám chỉ vào sự gia hộ đặc biệt của một giáo đoàn hay bảo chứng đặc biệt để thoát khỏi diệt vong khi thế giới bị diệt vong.
Tín đồ Tân Thiên Địa đang sùng bái giáo chủ Lee Man Hee như sự hiện thân của Chúa, vĩnh sinh thường hằng (영생영존) và chỉ 144 nghìn người được Lee Man Hee ấn chứng mới có thể được cứu rỗi vào ngày tận thế. Đấy chính là lý do mà Tân Thiên Địa bị quy là dị đoan. Đài CBS (Phát thanh truyền hình Cơ Đốc Hàn Quốc – 기독교방송) đã nhiều lần phát các nội dung tố cáo Tân Thiên Địa bạo hành, giam cầm, ép buộc cúng tiến, ăn chặn tiền bạc…và coi Tân Thiên Địa là một tổ chức phi tôn giáo.
Tân Thiên Địa vẫn phủ nhận. Năm 2018, Tân Thiên Địa đề xuất với Hàn Cơ Tổng vè việc tổ chức thi với 100 câu hỏi về dự ngôn trong Kinh Tân ước để phân cao thấp, xem ai là chính thống, ai là dị giáo. Tân Thiên Địa từng xuất bản sách, cho rằng mình mới là chính thống, còn Hàn Cơ Tổng mới chính là dị tà.
2.4. Lý do các giáo phái Cơ Đốc không phân biệt Tân- Cựu, Bảo thủ – Tiến bộ đều cảnh giác với Tân Thiên Địa
Ngày 02/3, CBS đã từng cùng với Bát đại giáo đoàn Tin lành lập Ủy ban đối sách chống dị đoan và thông qua tuyên bố chung kêu gọi điều tra, bắt giam giáo chủ Lee Man Hee của Tân Thiên Địa.
Hàn Giáo Liên, Hàn giáo Tổng, KNCC và các giáo phái của Tin lành khác đều quy Tân Thiên Địa là dị đoan, Tự nhi phi, kêu gọi Chính phủ giải tán Tân Thiên Địa.
Lý do mọi giáo phái của Cơ Đốc muốn giải tán Tân Thiên Địa là do Tân Thiên Địa chuyên cài tín đồ vào giáo đoàn tôn giáo, giáo phái khác để cướp tín đồ. Trong khoảng hơn 250 nghìn tín đồ hiện nay của Tân Thiên Địa thì quá nửa vốn là tín đồ Cơ Đốc, Thiên Chúa. Tân Thiên Địa thực sự là mối đe dọa lớn đối với các tôn giáo lớn của Hàn Quốc. Những ai còn nghi hoặc, hay có tâm bất mãn trong những giáo phái khác chính là mục tiêu tiếp cận của Tân Thiên Địa. Ngọt nhạt, dụ dỗ, vỗ về, cảm thông thấu hiểu của Tân Thiên Địa đã khiến họ siêu lòng./.
Tác giả: nhà báo Lee Hee Yong của Yonhapnews.
Nguồn: Facebook tác giả
-
-
AuthorPosts
- You must be logged in to reply to this topic.