VN có thể kiện TQ theo những cách nào?

NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.

Viewing 0 reply threads
  • Author
    Posts
    • #11036
      NCQT
      Keymaster

      VN có thể kiện TQ theo những cách nào?

      Hồ Huy Anh

      Việt Nam có thể đạt được thắng lợi trên mặt trận công luận quốc tế nhờ kiện Trung Quốc (TQ), ngay cả khi TQ bác bỏ không tham gia như đã thấy trong vụ kiện của Philippines.

      Có ít nhất hai hành động khả thi về pháp lý quốc tế [1] mà Việt Nam có thể chọn một trong hai, hoặc chọn cả hai: (1) kiện TQ ra trước Tòa án Công lý Quốc tế – International Court of Justice (ICJ); và (2) kiện TQ ra trước Tòa Trọng tài Quốc tế về Luật biển – International Tribunal for the Law of the Sea (ITLOS).

      Kiện TQ ra trước ICJ theo luật chủ quyền

      Nếu muốn dùng việc xét xử của một tòa án quốc tế để  thách thức việc TQ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam cần kiện TQ ra trước ICJ theo luật chủ quyền (nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ). Lý do là vì chủ quyền lãnh thổ (territorial sovereignty) nói chung không được coi là một vấn đề thuộc thẩm quyền tài phán của ITLOS.

      Cần thấy một điều quan trọng là TQ dựa trên tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của họ đối với quần đảo Hoàng Sa (TQ gọi là Tây Sa) để làm cơ sở cho quyền đặt giàn khoan dầu HD-981 hồi năm ngoái 2014 (từ đầu tháng Năm cho tới giữa tháng Bảy), chứ không  dựa trên “đường chín đoạn” (nine-dash line) mà thường được các báo chí nhắc đến là “đường lưỡi bò”.

      Để chuẩn bị phản biện, cần đọc kỹ cái văn kiện của Bộ Ngoại giao TQ gọi là “Hoạt động của giàn khoan HYSY 981: Khiêu khích của Việt Nam và lập trường của Trung Quốc” đề ngày 8/6/2014 mà TQ gửi lên Liên Hiệp Quốc ngày 9/6/2014 [2], qua đó TQ không chỉ dựa duy nhất vào (1) công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958, mà còn dựa vào những cái gọi là chứng cứ khác như: (2) tập bản đồ Thế giới do Cục Đo Đạc và Bản Đồ-Phủ Thủ Tướng Việt Nam phát hành năm 1972, trong đó đã dùng từ Tây Sa, Nam Sa (thay vì Hoàng Sa, Trường Sa); (3) sách giáo khoa địa lý lớp 9 do Nhà Xuất Bản Hà Nội ấn hành năm 1974 mô tả Tây Sa, Nam Sa là thuộc chủ quyền TQ; và (4)  tuyên bố của ông Ung Văn Khiêm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao của VNDCCH ngày 15 tháng 6 năm 1956.

      Do đó, trong vụ kiện – nếu có –  Việt Nam sẽ cần nộp cho ICJ các bằng chứng chủ quyền của mình trên quần đảo Hoàng Sa – và cả các bằng chứng chủ quyền các đảo trong quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc chiếm  của Việt Nam từ năm 1988.   TQ chắc chắn sẽ không đồng ý  ra  ICJ  vì TQ đã không cam kết điều ước quốc tế chấp nhận thẩm quyền tài phán của ICJ trong bất kỳ tranh chấp nào. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn dùng sự trợ giúp của ICJ để chứng minh cho quốc tế thấy rõ mong muốn chân thành của Việt Nam là giải quyết tranh chấp bằng đường lối hòa bình và công bằng. TQ dĩ nhiên sẽ phải tránh né việc Việt Nam thách thức họ chứng minh chủ quyền của họ với những bằng chứng mà như đã biết là không có giá trị  pháp lý. Và đây chính là mục tiêu cụ thể có thể đạt được:  Việt Nam sẽ chiếm phần thắng trên mặt trận công luận quốc tế.

      Kiện TQ ra trước ITLOS theo luật biển

      Ngoài cách vừa nói ở trên, Việt Nam còn có thể kiện TQ ra trước ITLOS theo luật biển – tức là cơ quan trọng tài của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (United Nations Convention on the Law of the Sea – UNCLOS).

      Như đã thấy, Philippines đã khởi kiện và TQ đã bác bỏ không tham gia. Tuy nhiên, việc Việt Nam kiện TQ ra trước ITLOS sẽ hỗ trợ cho Philippines trong việc bắt bí “đường chín đoạn” của Trung Quốc và các vấn đề khác có liên quan đến UNCLOS.

      Căn cứ theo Phụ lục VII của UNCLOS (Annex VII of UNCLOS) [3], Philippines đã đơn phương đặt ra thách thức pháp lý đối với việc TQ tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở biển Tây của Philippines [4].  Để gỡ thế bí, TQ lên tiếng rằng Tòa án Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration – PCA) không có thẩm quyền tài phán trong vấn đề này, và rằng TQ không chấp nhận và không tham gia vào trường hợp Tòa án Trọng tài Thường trực có liên quan đến Philippines [5]. Tuy nhiên, bất chấp lập trường của TQ, phiên tòa vẫn tiến hành [6].

      Dù có thể đoán trước được là TQ sẽ bác bỏ không tham gia vụ kiện như đã thấy ở trên, Việt Nam ​​vẫn có thể tiến hành kiện  giống như trường hợp Philippines đã đơn phương tiến hành mà bất chấp không có sự  tham gia của TQ. Bằng cách đưa ra thách thức riêng của mình đối với “đường chín đoạn”, Việt Nam có thể mở ra mặt trận pháp lý  rằng việc tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” của TQ sẽ hoàn toàn không có giá trị.  Và như vậy, Việt Nam sẽ chiếm phần thắng trên mặt trận công luận quốc tế.

      Chính phủ Việt Nam có thể đặt ra một bộ phận chủ quản riêng để chuyên lo vụ kiện – nếu có – với sự tiếp sức của các công ty chuyên về công pháp quốc tế ở Washington hoặc ở London.  Lý do của việc này là vì Việt Nam cần kinh nghiệm chuyên sâu không những về khả năng tố  tụng trước các tòa án quốc tế, mà còn cần cả  kiến thức chuyên sâu về công pháp quốc tế nói chung và về luật biển quốc tế nói riêng.  Ở cả góc độ khả năng tố tụng lẫn góc độ kiến thức chuyên sâu, thì chỉ Washington hoặc London mới có những công ty nổi tiếng hàng đầu về tranh tụng công pháp quốc tế.

      Để kiện TQ,  Philippines đã nhờ luật sư Paul S. Reichler (lead counsel – luật sư trưởng của vụ kiện) ở Washington của công ty Foley Hoag, với đội ngũ yểm trợ 4 người gồm: luật sư Lawrence H. Martin (là 1 partner khác trong bộ phận Maritime & Land Boundary Disputes gồm 3 partner, chuyên tố tụng về tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải) [7], và các chuyên gia công pháp quốc tế  như Giáo sư Bernard H. Oxman của University of Miami School of Law, cùng Giáo sư Philippe Sands QC (Queen Counsel) và Giáo sư Alan Boyle ở London [8]. Riêng công ty Volterra Fietta ở London đã từng tư vấn và đại diện cho nhiều quốc gia trong nhiều trường hợp tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải [9].

      —————

      Tham khảo

      [1] Điều 287 Khoản 1 của UNCLOS (Công ước Liên hợp quốc về Luật biển)  quy định rằng “Vào lúc ký, hoặc lúc phê chuẩn, hoặc lúc gia nhập UNCLOS, hoặc vào bất kỳ lúc nào sau lúc đó, một nước có thể tuyên bố chọn một hoặc nhiều các phương tiện sau đây để giải quyết tranh chấp theo Chương XV của UNCLOS:
      (a) Tòa Trọng tài Quốc tế về Luật biển (ITLOS) ở Hamburg, Đức;
      (b) Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) tại The Hague, Hà Lan;
      (c) một tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII;
      (d) một ‘tòa trọng tài đặc biệt’ thành lập cho một số loại tranh chấp theo quy định tại Phụ lục VIII”  http://www.un.org/depts/los/convention_agreements/texts/unclos/part15.htm

      [2] “The Operation of the HYSY 981 Drilling Rig: Vietnam’s Provocation and China’s Position”.  Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China. 8 Jun 2014. http://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/zxxx_662805/t1163264.shtml

      [3] http://www.un.org/depts/los/convention_agreements/texts/unclos/annex7.htm

      [4]  Vì Phillipines không nêu chọn Tòa Trọng tài Quốc tế về Luật biển (ITLOS) hoặc Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) để tố tụng, nên một tòa trọng tài đã được thành lập theo Phụ lục VII – đọc [1] ở trên.

      Trong vụ kiện, Phillipnes đã nêu ra 5 điểm chính chống lại tuyên bố chủ quyền của TQ ở biển đông: (1) TQ không được phép thực hiện “quyền dựa trên lịch sử ” “historical rights”; (2) bản đồ chín đoạn của TQ không có cơ sở pháp lý quốc tế; (3) theo luật quốc tế, khu vực đặc quyền kinh tế EEZ không áp dụng đối với tuyên bố về chủ quyền của TQ ở biển đông; (4) TQ đã vi phạm quyền chủ quyền sovereign right và thẩm quyền tài phán jurisdiction của Phi; và (5) TQ đã vi phạm công ước quốc tế về luật biển UNCLOS vì làm hư hại môi trường biển của khu vực.  http://dfa.gov.ph/newsroom/dfa-releases/6795-statement-before-the-permanent-court-of-arbitration

      [5] Ministry of Foreign Affairs of The People’s Republic of China, Position Paper on the Government of the People’s Republic of China on the Matter of Jurisdiction in The South China Sea Arbitration Initiated by the Republic of the Philippines. http://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/zxxx_662805/t1217147.shtml

      [6] Điều 9 Phụ lục VII của UNCLOS (Công ước Liên hợp quốc về Luật biển) quy định rằng “sự vắng mặt của một bên … để bảo vệ trường hợp của mình sẽ không là một cản trở đối với các thủ tục tố tụng” (“absence of a party … to defend its case shall not constitute a bar to the proceedings”); ngoài ra,”tòa trọng tài không những phải đoan chắc rằng chính mình phải có thẩm quyền tài phán đối với các tranh chấp, mà còn là phải đoan chắc rằng bên có mặt có cơ sở vững chắc về cả vấn đề sự kiện thực tại lẫn vấn đề pháp lý” (… the arbitral tribunal must satisfy itself not only that it has jurisdiction over the dispute but also that the claim is well founded in fact and law) United Nations Convention on the Law of the Sea, annex VII art. 9  http://www.un.org/depts/los/convention_agreements/texts/unclos/annex7.htm

      [7]  http://www.foleyhoag.com/practices/international-litigation-and-arbitration/maritime-and-land-boundary-disputes

      [8] The Republic of Philippines v. The People’s Republic of China http://www.pcacases.com/web/sendAttach/1401

      [9] http://www.volterrafietta.com/experience.state.asp

Viewing 0 reply threads
  • You must be logged in to reply to this topic.