- This topic has 0 replies, 1 voice, and was last updated 10 years, 3 months ago by NCQT.
-
AuthorPosts
-
-
11/10/2014 at 10:03 #4017NCQTKeymasterCác giáo trình giảng dạy về An Ninh Xung Đột thuộc các trường Đại Học hàng đầu thế giới đều nhất trí cho rằng những xung đột mang màu sắc tôn giáo, lãnh thổ và sắc tộc luôn gay gắt và khó giải quyết nhất. Thật không may khi mối hận thù giữa người Israel và người Ả Rập – Palestine chứa đựng cả ba yếu tố trên.
Bằng chứng là mới đây, một lệnh ngừng bắn kéo dài 72 tiếng đã được hai bên thông qua. Mặc dù vậy, nó chỉ kéo dài được vài giờ do các cáo buộc xâm phạm lẫn nhau giữa Israel và Hamas. Gần 1200 người Palestine, hơn 50 người Israel đã thiệt mạng và với sự thiếu kiềm chế của các bên thì số lượng thương vong được dự báo sẽ còn tăng cao. (Theo CNN)
Huynh đệ tương tàn
Thành cổ Jerusalem – “Thánh địa” của 3 tôn giáo lớn (Nguồn AP)
Kinh Thánh của người Thiên Chúa Giáo, Cựu Ước của người Do Thái Giáo và kinh Koran của Hồi Giáo cho rằng nguồn gốc của người Ả Rập và người Do Thái đều xuất phát từ một người là tổ phụ Abraham. Ông được xem là người khai phá vùng đất Canaan (kéo dài từ Địa Trung Hải đến sông Jordan ngày nay) khoảng 2000 năm TCN.
Abraham có con trai lớn với người hầu gái Hagar là Ishmael. Người con trai thứ Isaac với người vợ Sarah được xem là cội nguồn của người Do Thái. Ishmael và mẹ Hagar sau này bị Sarah đuổi đi vì ghen tức đã trở thành cha để của người Ả Rập theo truyền thống Hồi Giáo.
Sau khi Isaac chết, người con của ông là Jacob quyết định đổi tên thành Israel và con cháu của ông sau này thành lập nên nước Israel tại vùng bờ Tây sông Jordan thuộc bán đảo Canaan – nơi Đức Chúa Trời đã hứa ban tặng cho họ theo Do Thái Giáo.
Trong cùng thời gian đó, người Phoenicia chuyển đến sinh sống tại khu vực ven biển Canaan và thành lập nhà nước Phoenicia. Từ Phoenicia theo tiếng Hy Lạp là Palestine và tên gọi này vẫn được sử dụng cho đến tận bây giờ. Người Do Thái và người Phoenicia luôn đánh nhau để tranh giành đất đai từ đó.
Đến Thế kỷ thứ VII sau Công Nguyên, đạo Hồi ra đời và phát triển mạnh mẽ ở bán đảo Ả Rập, phong trào Ả Rập nổi lên và chủ nghĩa Ả Rập ra đời. Năm 637 người theo đạo Hồi đưa quân chinh phục vùng đất Palestine biến nơi đây thành một bộ phận của thế giới Ả Rập. Người Palestine bị người Ả Rập đồng hóa, từ đó họ được xem như người Ả Rập với các bộ lạc du mục sống rải rác ở bán đảo Canaan và trở thành người Palestine hiện đại ngày nay.
Do đó, trong tâm tưởng của người Do Thái, người Ả Rập nói chung và người Ả Rập ở Palestine nói riêng chính là đứa con rơi cùa mình. Người Do Thái luôn tự xem nguồn gốc chính thống của mình cao hơn thân phận đứa con bị ruồng bỏ của người Ả Rập.
Cuộc tranh giành đất thánh Jerusalem của các tôn giáo lớn
Jerusalem trong tiếng Semite cổ có nghĩa là “Thành Phố của Hòa Bình” . Nhưng trong suốt quá trình lịch sử tồn tại, Jerusalem đã chứng kiến biết bao cuộc xung đột đẫm máu nhằm tranh giành nó. Thành phố này có một vị trí rất quan trọng trong đức tin của 3 tôn giáo lớn trong khu vực là Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo. Cả 3 tôn giáo này đều xem Jerusalem là “thánh địa” và cuộc tranh giành vẫn còn tiếp diễn cho đến tận ngày nay.
Đối với người Thiên Chúa Giáo, Jerusalem là nơi chúa Jesus qua đời và còn lưu lại rất nhiều thánh tích cổ tại đây. Người Hồi Giáo xem Jerusalem là nơi nhà tiên tri Mohammed bay về trời trong khi người theo Do Thái Giáo xem Jerusalem là nơi chứa đựng bản sắc của toàn bộ dân tộc Do Thái, là nơi có đền thờ thiêng liêng của vua Salomon.
Bản đồ Israel – Palestine theo thời gian
Người Israel và người Palestine ngày nay dưới sự hậu thuẫn của thế giới Hồi Giáo cùng các nước Ả Rập vẫn liên tục xung đột để tranh giành Jerusalem. Năm 1947 LHQ đề xuất trao 56,47% lãnh thổ Palestine thành lập nhà nước Do Thái và 43,53% để thành lập nhà nước Ả rập, còn Jerusalem nằm dưới sự quản lý của LHQ. Ngày 29/11/1947, 33 quốc gia thành viên Đại hội đồng LHQ đã bỏ phiếu thông qua kế hoạch trên. Trong khi đó, 13 nước bỏ phiếu chống và 10 nước bỏ phiếu trắng. Tuy nhiên, người Palestine đã không chấp nhận đề xuất trên và Jerusalem vẫn tiếp tục bị chia rẻ cho đến khi Israel chiếm hoàn toàn Jerusalem sau cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967.
Năm 1996, sau cuộc bầu cử Quốc Hội đầu tiên, cố chủ tịch PLO (tổ chức giải phóng Palestine) Yasser Arafat đã tuyên bố lấy Jerusalem làm thủ đô của nước Palestine đang hình thành. Trước đó năm 1980, Quốc hội Israel cũng đã đơn phương tuyên bố: ‘Lấy Jerusalem làm thủ đô vĩnh viễn của Israel’.
Có thể nói, cuộc tranh giành Jerusalem chính là nơi đụng độ giữa các tôn giáo lớn với Israeal đại diện cho Do Thái Giáo và Thiên Chúa Giáo trong khi Palestine có sự hẫu thuẫn của thế giới Hồi Giáo. Cuộc giao tranh đẫm máu này sẽ còn tiếp diễn khi Palestine luôn đưa “yêu sách Jerusalem” vào vấn đề thành lập quốc gia Palestine. Trong khi Israel sẽ không bao giờ chấp nhận từ bỏ “thánh địa” của mình.
Tranh chấp lãnh thổ
Người Do Thái và người Phoenicia (tổ tiên của người Ả Rập Palestine ngày nay) đã có mặt trên bán đảo Canaan từ hơn 2000 TCN. Trong khi người Do Thái trải qua một quá trình lịch sử thăng trầm từ lúc lập quốc cho đến khi bị lưu đày sau các cuộc xâm lược của các đế quốc Assyria, Babyon và La Mã thì người Phoenicia lại bị đế quốc Ả Rập thôn tính và đồng hóa trở thành người Ả Rập – Palestine vào cuối Thế Kỷ thứ 7 sau CN.
Sau khi bị người La Mã tàn sát và trục xuất ra khỏi vùng đất Palestine, người Do Thái chính thức trở thành một dân tộc mất nước. Họ phân tán khắp nơi trên thế giới từ Tây Âu đến Nam Âu, Đông Âu và thậm chí là cả Bắc Mỹ. Nhưng dù đi đến đâu người Do Thái vẫn duy trì nền văn hóa và bản sắc riêng của họ, đặc biệt là khát vọng phục quốc cháy bỏng vì một tương lai trở về Jerusalem.
Trong khi đó, đến trước thế kỷ 20, vùng đất Palestine vẫn là một lãnh thổ không có quốc gia khi các bộ tộc Ả Rập du mục ở đây quá yếu để có thể thành lập một nhà nước độc lập và đành chịu sự cai trị của Đế Quốc Anh. Lúc này chỉ có khoảng 3% dân số của Palestine là người Do Thái.
Sau chiến tranh thế giới thứ 2, một làn sóng ồ ạt những người Do Thái sống sót sau cuộc diệt chủng của Phát xít Đức quay trở về Palestine dưới sự hậu thuẫn của Mỹ. Họ dùng tiền mua lại đất của người Palestine bản địa nhằm thành lập nhà nước Israel. Điều này bắt đầu làm các nước Ả Rập lo sợ.
Ngày 14/5/1948 tại Tel Aviv, nhà nước Israel sau 2000 lại được thành lập. Ngay ngày hôm sau, các quốc gia Ả Rập bao gồm Ai Cập, Syria, Jordan, Iraq và Lebanon đồng loạt tấn công Israel nhằm bảo vệ người anh em Hồi Giáo Palestine.
Tuy nhiên với tiềm lực kinh tế, quân sự áp đảo của mình, Israel đã đánh lui liên quân Ả Rập không chỉ một mà thêm 2 lần nữa vào các năm 1967 (Cuộc chiến 6 ngày) và năm 1973 (Cuộc chiến tranh Yom Kippur) đồng thời chiếm luôn phần lớn lãnh thổ của người Palestine và cả bán đảo Sinai thuộc Ai Cập cũng như cao nguyên Golan của Syria ( Bán đảo Sinai được trả lại năm 1979).
Riêng về người Ả Rập sống trên mảnh đất Palestine thì họ phải chiến đấu để có riêng cho mình một nhà nước và quốc gia ấy phải trải rộng hơn để tương xứng với số dân đông hơn của họ. Nguyện vọng này của họ vẫn chưa thực hiện được.
Ngày nay, khi được hỏi về nơi sinh sống của người Ả Rập – Palestine, người ta chỉ có thể chỉ lên 2 dải đất nhỏ bé Gaza và Bờ Tây cách nhau 40km bị chia cắt bởi lãnh thổ Israel. Nhưng ngay cả khi có được không gian sống cho mình, người Palestine vẫn đang chịu đựng sự cai quản của Israel khi họ kiểm soát vùng trời, vùng biển của khu vực này.
Có thể nói, xung đột hiện nay chính là cao trào của những mâu thuẫn âm ỷ trải dài suốt quá trình lịch sử của hai dân tộc. Trong khi đó, nguyên nhân trực tiếp đến từ sự áp đặt của Israel, nó đã tạo điều kiện cho Hamas có được sự ủng hộ của người Palestine nhằm chống lại chính Israel và tiếp tục một vòng xoáy bạo lực đẫm máu chưa có lối thoát.
Nguồn: NGỌC ÂN
-
-
AuthorPosts
- You must be logged in to reply to this topic.