Từ ngữ thú vị

Trang này tập hợp những từ ngữ thú vị mà các biên tập viên của Dự án bắt gặp trong quá trình hiệu đính, biên tập các bản dịch. Chúng tôi tập hợp các từ ngữ lên đây để độc giả không chỉ biết thêm về các vấn đề quan hệ quốc tế mà còn tích lũy thêm vốn từ tiếng Anh. Trang sẽ được cập nhật thường xuyên và hi vọng sẽ trở thành một nguồn tham khảo bổ ích, thư giãn với quý vị độc giả!

Các từ ngữ này đồng thời được cập nhật (thường xuyên hơn) trên Fanpage của dự án tại địa chỉ: https://www.facebook.com/DAnghiencuuquocte

—-

66. Thanh gươm Damocles (Sword of Damocles)

Thanh gươm Damocles là một hình ảnh ẩn dụ để chỉ những mối nguy hiểm rình rập mà những người đứng ở đỉnh cao quyền lực luôn đối mặt, điều những người ngoài có thể không nhận ra.

Hình ảnh ẩn dụ này bắt nguồn từ câu chuyện của nhà sử học Hy Lạp cổ đại Timaeus khi kể về giai đoạn trị vì của vua Dionysius xứ Syracuse, nơi Damocles là một quần thần. Trong câu chuyện, Damocles nịnh vua Dionysius, nói rằng ông là một nhà vua giàu có, vĩ đại và đầy quyền lực, được bao quanh bởi những điều vinh quang. Dionysius liền đề nghị đổi vị trí của mình với Damocles để Damocles có thể tự mình cảm nhận được sự giàu có đó. Damocles nhanh nhảu chấp nhận đề nghị của vua. Damocles ngồi lên ngai vang, được bao quanh bởi bao điều xa hoa, nhưng Dionysius đã bí mật cho treo một thanh gươm bằng chỉ một sợi lông đuôi ngựa phía trên ngai vàng. Damocles cuối cùng xin nhà vua cho phép rời ngai vàng và không muốn nhận sự giàu có đó nữa, sau khi nhận ra rằng đi kèm với sự giàu có và quyền lực luôn là sự nguy hiểm lớn và trách nhiệm nặng nề

65. “Potemkin Village” (Làng Potemkin)

Tương truyền, Grigory Potemkin dựng lên những khu làng di động giả dọc các bờ sông Dnieper nhằm đánh lừa Hoàng hậu Catherine II về sự trù phú của khu vực Ukraine và bán đảo Crimea, vốn nằm dưới quyền quản lý của Potemkin, trong chuyến đi thị sát của bà tới khu vực này năm 1787. Cụm từ ngày nay được sử dụng, đặc biệt trong chính trị và kinh tế, nhằm diễn tả những công trình (nghĩa đen hoặc nghĩa bóng) dựng lên nhằm duy nhất mục đích đánh lừa những người khác nghĩ rằng một số hoàn cảnh tốt hơn so với thực tế.

64. Financial repression (Áp chế tài chính)

Áp chế tài chính là những biện pháp được các chính phủ sử dụng để nâng cao ngân quỹ hoặc giảm nợ. Các biện pháp này tập trung vào việc giữ tỉ lệ lãi suất thấp hơn tỉ lệ lạm phát (tức lãi suất thực âm), một hình thức “đánh thuế” lên người tiết kiệm và chuyển lợi ích từ người cho vay sang người đi vay. Việc giữ lãi suất thực âm giúp các chính phủ dễ dàng phát hành trái phiếu, qua đó tạo được nguồn vốn cho ngân sách với chi phí rẻ hơn (do lãi suất thực âm) so với khi không có biện pháp áp chế tài chính.

63. Sterilization (Vô hiệu hóa)

Vô hiệu hóa (sterilization) trong tài chính là việc mua hoặc bán ngoại tệ bởi một ngân hàng trung ương nhằm tác động lên tỉ giá hối đoái của đồng nội tệ mà không làm ảnh hưởng đến lượng cung tiền cơ sở.

Ví dụ, khi Fed lo ngại về sự xuống giá của đồng đô la so với đồng Euro thì nó sẽ bán một lượng trái phiếu định giá bằng đồng Euro trị giá 10 tỉ Euro và thu về 14 tỉ đô la từ giao dịch này. Việc 14 tỉ đô la được rút ra khỏi hệ thống ngân hàng vào kho của Fed sẽ ảnh hưởng tới lượng cung đồng đô la trên thị trường và lãi suất qua đêm liên ngân hàng tại Fed. Vì vậy Fed sẽ thực hiện tiếp giao dịch thứ hai qua thị trường mở bằng cách mua vào lượng trái phiếu kho bạc Mỹ giá trị 14 tỉ đô la, qua đó bơm lại 14 tỉ đô la vào hệ thống ngân hàng thương mại. Giao dịch này giúp “vô hiệu hóa” tác động của việc bán số trái phiếu định giá bằng đồng Euro lên lượng cung tiền cơ sở.

62. Phân biệt “bail out” và “bail in”

Mặc dù “bail out” và “bail in” đều được dùng để chỉ việc cung cấp các khoản vay “cấp cứu” nhằm cung cấp thanh khoản và giúp các con nợ thoát khỏi cảnh vỡ nợ, nhưng trong khi “bail out” được thực hiện thông qua các khoản vay mới từ các chủ nợ bên ngoài (thường là chính phủ hoặc các thể chế tài chính quốc tế) và được tài trợ chủ yếu bởi tiền thuế của người dân, thì “bail in” là biện pháp giải cứu mà qua đó các chủ nợ (thường là tư nhân) giúp xóa bỏ một phần các khoản nợ cũ của con nợ.

Ngày nay xu hướng là các giải pháp “bail out” và “bail in” sẽ đi kèm với nhau.

61. Democratic peace và Demographic peace

Trong khi “democratic peace” (hòa bình nhờ dân chủ) là một khái niệm khá quen thuộc vốn cho rằng các quốc gia dân chủ không bao giờ gây chiến với nhau, thì khái niệm “demographic peace” (tạm dịch: hòa bình nhờ thay đổi nhân khẩu học) là một khái niệm ít được để ý hơn.

Theo những người đề xuất khái niệm này, dân số các quốc gia đều có xu hướng già đi. Khi tỉ lệ thanh niên trong tổng dân số giảm xuống thì các quốc gia sẽ giảm mong muốn tham gia chiến tranh vì thiếu nhân lực, đồng thời cần dành nhiều nguồn lực cho việc chăm sóc cho số dân lớn tuổi ngày càng nhiều lên thay vì chi phí cho chiến tranh. Do đó quá trình lão hóa dân số có xu hướng khiến các quốc gia trở nên hòa bình hơn.

—-

CÁC MỤC TỪ CŨ

Xem các mục từ cũ tại đây: https://nghiencuuquocte.org/tag/tu-ngu-thu-vi