Chính sách Đổi mới (Renovation policy)

Print Friendly, PDF & Email

img-3879copy2-1410759508

Tác giả: Trần Nam Tiến

Đổi mới là sự lựa chọn cách mạng nhằm mục tiêu phát triển của Việt Nam bắt đầu diễn ra từ năm 1986, là một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển của Việt Nam. Đường lối đổi mới do Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (12-1986) đưa ra, được Đại hội VII (6-1991), Đại hội VIII (6-1996), Đại hội IX (4-2001) tiếp tục hoàn thiện và phát triển, mở ra bước ngoặt trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Mục đích của Đổi mới là nhằm tìm kiếm con đường đi lên xã hội chủ nghĩa phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của Việt Nam; thay đổi những mặt, những yếu tố chưa phù hợp, chứ không phải thay đổi mục tiêu, lý tưởng chủ nghĩa xã hội. Bản chất của Đổi mới chính là không ngừng mở rộng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Trước Đổi mới, nhất là trong hơn 10 năm tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước (1975-1986), nền kinh tế mang đậm bản sắc nông dân – nông nghiệp, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, mô hình phát triển gắn với cơ chế kế hoạch hoá tập trung có những khiếm khuyết lớn trong việc giải quyết các nhiệm vụ phát triển, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Sau nhiều năm vận động trong cơ chế kế hoạch hoá tập trung, tuy đất nước có đạt được những thành tựu to lớn, song nhiều vấn đề mấu chốt và thiết yếu nhất của cuộc sống nhân dân vẫn chưa được giải quyết đầy đủ; đất nước chưa có những thay đổi sâu sắc và triệt để trong phương thức phát triển; tình trạng mất cân đối trong nền kinh tế ngày càng trầm trọng; nhiệt tình lao động và năng lực sáng tạo của nhân dân, tài nguyên và các nguồn lực chưa được khai thác, phát huy đầy đủ, thậm chí bị xói mòn. Lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Nhà nước giảm sút.

Trên thực tế, đến cuối những năm 70, đất nước đã thực sự lâm vào khủng hoảng kinh tế – xã hội. Tình hình đó đã khiến cho đổi mới trở thành một nhu cầu hết sức bức bách, là đỏi hỏi bức thiết của cuộc sống. Giữa lúc Việt Nam chính thức quyết định tiến hành công cuộc đổi mới, trên thế giới cũng diễn ra nhiều biến đổi quan trọng, đặc biệt là công cuộc cải cách của Trung Quốc từ năm 1978 và công cuộc cải tổ của Liên Xô từ năm 1985. Những biến đổi ấy vừa có ảnh hưởng tới Việt Nam, vừa gợi ra những bài học kinh nghiệm mà Việt Nam có thể tham khảo với các mức độ khác nhau.

Đại hội lần VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (12-1986) đã chính thức khởi xướng sự nghiệp đổi mới, qua đó đưa ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đường lối đổi mới tiếp tục được Đại hội Đảng lần thứ VII (6-1991), Đại hội Đảng lần thứ VIII (6-1996) và Đại hội Đảng lần thứ IX (4-2001) tiếp tục hoàn thiện và phát triển. Đường lối đổi mới được thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2010 của Đảng Cộng sản Việt Nam, hình thành một hệ thống các quan điểm chỉ đạo công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Nội dung cụ thể của chính sách Đổi mới bao gồm những điểm chính như sau:

  1. Đổi mới tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội, nhằm làm cho cán bộ và nhân dân nhận thức đúng chủ nghĩa xã hội, nhận ra được nguyên nhân của những lạc hậu, trì trệ, sai lầm về lý luận và thực tiễn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đổi mới tư duy là sự đổi mới toàn diện nhận thức trước hết là về kinh tế; coi đổi mới về kinh tế là trọng tâm, coi việc đưa ra những giải pháp đúng đắn để phát triển kinh tế là quan trọng nhất.
  2. Về kinh tế, chủ trương thực hiện nhất quán chính sách kinh tế hàng hoá nhiều thành phần bao gồm kinh tế nhà nước, tập thể, cá thể tiểu chủ, tư bản tư nhân, tư bản nhà nước, và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang cơ chế thị trường có sự quản lí của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế chuyển từ khép kín, đóng cửa, sang mở cửa, hội nhập với thế giới.
  3. Về xã hội, phát huy nhân tố con người, bảo đảm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mọi thành viên trong xã hội, thực hiện công bằng xã hội. Nhà nước tạo điều kiện cho mọi người làm việc, ăn, ở, đi lại, học tập, nghỉ ngơi, chữa bệnh, nâng cao thể chất. Phát triển các sự nghiệp phúc lợi công cộng.
  4. Về văn hoá, xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, kế thừa và phát huy văn hoá truyền thống, tiếp thu những tinh hoa văn hoá nhân loại.
  5. Về chính trị, trước hết phải làm cho Đảng nâng cao được năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu bằng cách đổi mới tổ chức, đổi mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phương thức lãnh đạo và công tác. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân; dân chủ được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Đổi mới chính trị được thực hiện từng bước vững chắc, bảo đảm phù hợp với đổi mới kinh tế.
  6. Về đối ngoại, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế. “Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”.
  7. Về quốc phòng và an ninh, đặt an ninh của đất nước trong bối cảnh an ninh chung của khu vực và thế giới. Nhiệm vụ đặt ra là nâng cao sức mạnh phòng thủ đất nước, bảo vệ độc lập, thống nhất chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tạo môi trường hoà bình để lao động xây dựng đất nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, công cuộc Đổi mới đất nước ở Việt Nam đã thu được nhiều kết quả quan trọng: đất nước dần dần thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội; nền dân chủ xã hội chủ nghĩa không ngừng được mở rộng; uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng tăng; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; v.v… Những thành tựu đó là tiền đề quan trọng để đưa Việt Nam bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn còn có những nguy cơ, thách thức, là trở lực của tiến trình đổi mới: nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ tham những; nguy cơ “diễn biến hòa bình” và nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Sự thành công của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào việc tranh thủ thời cơ, vận hội và khắc phục các nguy cơ.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).