Hòa hoãn (Détente)

Print Friendly, PDF & Email

Description=Richard Nixon and Leonid Ilyich Brezhnev on board the . June 19, 1973

Tác giả: Trương Thanh Nhã

Hòa hoãn (détente) là một cụm từ được đầu tiên là báo giới và sau đó là các nhà khoa học chính trị, khoa học lịch sử dùng để chỉ thời kỳ trong chính trị quốc tế từ đầu thập kỷ 1970 đến đầu thập kỷ 1980, khi tình hình chính trị thế giới bớt căng thẳng hơn sau một thời gian dài đối đầu gay gắt giữa hai siêu cường lúc bấy giờ là Mỹ và Liên Xô. Đây là một thời kỳ lắng dịu ngắn trong mối quan hệ đối đầu không ngừng giữa hai khối Tư bản chủ nghĩa và Xã hội chủ nghĩa trong Chiến tranh Lạnh với nhiều thay đổi trong chính sách đối ngoại của cả Liên Xô và Mỹ.

Détente
Hòa hoãn (detenté) là một từ gốc tiếng Pháp có nghĩa là “sự giãn của vật chất từ trạng thái nén” như “détente d’un ressor” có nghĩa là “sự giãn của lò xo”. Về sau từ này được mở rộng ngữ nghĩa ra mang hàm ý làm giảm căng thẳng, giảm nén, giảm stress…

Trong tiếng Nga, người ta cũng sử dụng cụm từ “разрядка” (razryadka)  với ý nghĩa gốc tương đương với “détente” cho những ý nghĩa phát sinh như sự hòa hoãn, sự giải lao.

Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, trật tự hai cực Yalta được hình thành, thay thế cục diện chiến tranh giữa phe Đồng minh và phe Phát xít trước đây bằng cuộc đối đầu giữa hai khối đối địch đứng đầu bởi Mỹ và Liên Xô. Ngay từ năm 1947, cả hai siêu cường đã bắt đầu có những động thái tiến hành cuộc chạy đua vũ trang đầy tốn kém mở màn với việc Liên Xô thử nghiệm thành công bom nguyên tử vào năm 1949. Cuộc đối đầu này leo thang từ lĩnh vực quân sự sang tất cả các mặt khác trong đời sống chính trị, xã hội, khoa học kỹ thuật mà đỉnh điểm là vào thập niên 1960.

Đây là thời kỳ mà cả hai siêu cường chi phí vô cùng lớn cho các cuộc đối đầu của mình. Chỉ tính riêng chương trình không gian Apollo đưa người lên mặt trăng của Mỹ đã tiêu tốn của nước này lên đến khoảng 150 tỷ USD (theo thời giá năm 1992). Chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân trong vòng 10 năm từ 1960 đến 1969 cũng tiêu tốn đến hơn 35 tỷ USD (theo thời giá năm 1996), chưa kể các chí phí cho bảo dưỡng thiết bị và bảo mật thông tin lên đến xấp xỉ 2 tỷ USD mỗi năm. Kể cả Liên Xô và Mỹ đều phải chi ra những số tiền khổng lồ cho cuộc chạy đua hạt nhân và không gian, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, sản xuất của cả hai quốc gia.

Đến năm 1972, nền kinh tế Mỹ lâm vào suy thoái đến nỗi Nixon phải phá vỡ Hệ thống tiền tệ Bretton Woods để cứu nước Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Trong khi đó, Liên Xô cũng phải đối mặt với sự suy thoái về kinh tế đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Tốc độ tăng trưởng GNP đã suy giảm từ con số 6.4% trong thập niên 1950-1958 xuống 5.3% trong giai đoạn 1958-1967 và giảm mạnh xuống chỉ còn 3.7% trong giai đoạn 1967 -1973 và sự suy giảm khả năng ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Kết quả là đến đầu thập niên 1970, cả hai siêu cường đều cần phải có những biện pháp thiết thực nhằm cắt giảm chi tiêu cho các lĩnh vực quân sự và không gian, tập trung cho phát triển kinh tế. Chính quyền tổng thống Richard M. Nixon chính thức đánh dấu cho thời kỳ hòa hoãn bằng tuyên bố chấm dứt đối đầu, chuyển sang đối thoại với Liên Xô. Động thái đầu tiên thể hiện cho sự hòa hoãn giữa hai siêu cường bắt đầu từ cuộc gặp gỡ giữa Nixon và Leonid Brezhnev vào tháng 5 năm 1972 tại Matxcơva, trong đó, cả hai cam kết không tiếp tục can thiệp sâu vào cuộc Chiến tranh Việt Nam.

Quan hệ Trung – Mỹ thời kỳ hòa hoãn
Không chỉ chấm dứt đối đầu với Liên Xô, Mỹ còn tiến hành chính sách này với Trung Quốc bằng biện pháp “ngoại giao bóng bàn” dẫn đến chuyến thăm chính thức Trung Quốc của tổng thống Mỹ Nixon vào tháng 2 năm 1972. Cũng từ chuyến thăm này mà Trung Quốc đạt được vị thế chính trị của mình trên chính trường quốc tế, thay thế Đài Loan trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Mối quan hệ của Trung Quốc và Mỹ từ đó cùng theo xu hướng hòa hoãn chung của thế giới.

Trên bình diện quốc tế, những nỗ lực đáng kể nhất mà cả hai siêu cường đạt được chính là Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) năm 1972, Hiệp ước giới hạn vũ khí tiến công chiến lược (SALT-I) vào năm 1972 và sau đó là SALT-II vào năm 1979. Chính hiệp ước này đã giúp cả Liên Xô và Mỹ chấm dứt được cuộc chạy đua vũ trang kéo dài dai dẳng trong suốt hơn hai thập kỷ. Năm 1975 cũng chứng kiến sự kiện hai tàu vũ trụ Apollo của Mỹ đã kết nối thành công với tàu Soyuz 19 của Liên Xô cho phép hai nhóm phi hành gia có thể làm việc với nhau. Từ đó, cuộc đua đưa người vào vũ trụ trong thập kỷ trước đây xem như chấm dứt, giảm bớt gánh nặng kinh tế cho cả hai quốc gia trong nhiều thập niên sau đó.

Tuy nhiên đỉnh cao của thời kỳ hòa hõa Xô – Mỹ có thể kể đến Định ước Helsinki được ký vào năm 1975 tại Hội nghị về An ninh và Hợp tác Châu Âu tổ chức tại Phần Lan. Định ước khẳng định các nguyên tắc điều chỉnh quan hệ hòa bình giữa các quốc gia Châu Âu, và đặc biệt khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ và tính bất khả xâm phạm của các đường biên giới tại Châu Âu sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Với sự tham gia của 33 quốc gia Châu Âu cùng Mỹ và Canada, Định ước đã góp phần cải thiện quan hệ giữa các nước phương Tây và khối xã hội chủ nghĩa.

Đến cuối thập niên 1970, với sự kiện Liên Xô đưa quân vào Afganishtan, Mỹ hỗ trợ các nhóm Mujahideen chống lại quân đội Liên Xô bằng cả khí tài và kinh tế. Khi tổng thống Ronald Reagan lên nắm quyền vào năm 1981, quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô trở nên căng thẳng trở lại, chuyển từ trạng thái đối thoại sang trạng thái đối đầu như trong các thập niên trước và thời kỳ hòa hoãn chính thức chấm dứt.

Mặc dù giai đoạn hòa hoãn diễn ra khá ngắn ngủi trong lịch sử đối đầu giữa hai siêu cường thời kỳ Chiến tranh Lạnh nhưng nó đã tạo ra những tiền đề mới cho việc kiểm soát và cắt giảm vũ khí hạt nhân, các chương trình hợp tác vũ trụ mà đặc biệt là sự hình thành của trạm không gian ISS sau này.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).