Trung Quốc mộng thực sự của ông Tập: Một Trung Quốc đế quốc?

Print Friendly, PDF & Email

10383950794_eca2b662f0_b_1

Nguồn: Feng Zhang, “Xi Jinping’s Real Chinese Dream: An ‘Imperial’ China?”, The National Interest, 18/09/2015.

Biên dịch: Trần Quốc Nam | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan: Mổ xẻ siêu quyền lực của Tập Cận Bình

Từ khi nắm quyền lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hồi tháng 11 năm 2012, các tham vọng to lớn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trở nên nổi tiếng. Trong nước, ông đã thúc đẩy mục tiêu lớn mà ông gọi là “Trung Quốc mộng”: ‘Đại phục hưng dân tộc Trung Hoa’. Ông gây ngạc nhiên cho hầu hết giới quan sát bởi tốc độ và hiệu quả trong việc củng cố quyền lực trong đảng và quân đội. Giờ ông Tập được coi là nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc sau Đặng Tiểu Bình, nếu không nói là sau Mao Trạch Đông.

Hai trụ cột chính của chính sách đối ngoại quyết đoán của ông Tập, gồm sự chủ động về mặt an ninh, chủ yếu trong lĩnh vực hàng hải, và ngoại giao kinh tế qua cái gọi là chính sách ‘một vành đai, một con đường’ (一带一路 – Nhất đới nhất lộ). Điều này cho thấy ông Tập không hài lòng với việc biến Trung Quốc thành một cường quốc khu vực mà xa hơn, ông còn muốn biến Trung Quốc thành một thế lực hàng đầu và thậm chí chi phối các vùng trọng yếu của châu Á-Thái Bình Dương. Quả thật, là một người thích tìm hiểu lịch sử, ông Tập có thể đang cố khôi phục vai trò Trung Quốc trong hệ thống Đông Á đương đại ở tầm cao lịch sử như trong thời đại đế chế Trung Quốc (221 TCN-1911).

Liệu Trung Quốc của ông Tập có sẵn sàng giành lại vinh quang của tiên đế? Chúng ta có thể so sánh Trung Quốc hôm nay với Trung Quốc sơ kỳ Minh triều (1368-1424) vốn thủ đắc bá quyền một phần khu vực Đông Á. Về GDP, vị thế kinh tế của Trung Quốc triều Minh thời đỉnh cao quyền lực mạnh hơn so với Mỹ hiện nay. Nhưng quyền bá chủ không chỉ liên quan đến vật lực mà đó là sự kết hợp giữa tính vượt trội về vật lực và tính chính đáng xã hội, khả năng kiểm soát các kết quả quốc tế quan trọng và một mức độ ưng thuận và chấp nhận nhất định từ các quốc gia khác trong hệ thống (đối với vai trò bá chủ đó).

Các lân bang của Trung Quốc sơ kỳ Minh triều có bốn chiến lược chính trong phản ứng và ứng xử với triều Minh. Phân hạng theo mức độ hợp tác từ cao xuống thấp, bốn chiến lược đó là gắn chặt (identification), thần phục (deference), tiếp cận (access) và thoát ly (exit). Hầu hết các lân bang của Trung Quốc triều Minh thuận theo chiến lược thần phục, theo đó họ thần phục nhưng không nhất thiết phải chấp nhận tính chính đáng của hệ thống quan hệ quốc tế theo thứ bậc của đế quốc Trung Hoa được biểu hiện qua hệ thống triều cống.

Trung Quốc triều Minh do đó chỉ thủ đắc bá quyền một phần đối với Đông Á. Nhưng điều đó cũng chẳng có gì lạ: mọi bá quyền đều không trọn vẹn, thậm chí ngay trường hợp bá quyền của nước Mỹ đương đại. Trung Quốc triều Minh chưa bao giờ phải đối đầu với một phản ứng chống bá quyền có hệ thống dưới hình thức ví dụ như liên minh đối trọng đặc trưng của nền chính trị châu Âu hiện đại. Nhìn chung, sự vượt trội về sức mạnh vật chất của Trung Quốc sơ kỳ Minh triều ở Đông Á cũng chỉ là một sự bá quyền được các lân bang chấp nhận ở các mức độ khác nhau.

Một tiêu chuẩn quan trọng để đo lường ảnh hưởng của Trung Quốc ngày nay là dạng thức và bản chất các phản ứng trong khu vực trước sự nổi lên của Trung Quốc. Không một lân bang nào của Trung Quốc triển khai một chiến lược “gắn chặt”, cũng không mấy lân bang chấp nhận sự thần phục cả. Chiến lược chính được hầu hết các quốc gia hiện nay chấp nhận trên thực tế là “tiếp cận”, một nỗ lực mang tính phương tiện để duy trì quan hệ với Trung Quốc nhằm thu được lợi ích kinh tế từ sự trỗi dậy của nước này. Một số nước cũng đang áp dụng chiến lược “thoát ly” bằng cách giảm các mối quan hệ với Trung Quốc hoặc chuyển sang quan hệ gần gũi hơn với các nước khác, gồm cả đối thủ số một của Trung Quốc là Mỹ

Vì vậy, sự tương phản với Trung Quốc sơ kỳ Minh triều là rõ ràng và nổi bật. Trong khi Trung Quốc triều Minh thành công trong việc biến sự thần phục thành một phản ứng chiến lược chủ yếu trong khu vực trước quyền lực của nó (bên cạnh sự “gắn chặt” đáng lưu ý của Triều Tiên), thì Trung Quốc ngày nay chỉ đạt được mức độ chiến lược “tiếp cận”, và trên thực tế cả ở mức này thì họ cũng đang chật vật với một số nước. Hơn nữa, trong khi Trung Quốc triều Minh chưa bao giờ phải đối mặt với một liên minh đối trọng từ các lân bang, thì một sự đối trọng như vậy đang là nỗi ám ảnh triền miên của Trung Quốc hôm nay. Chính sách đối ngoại hiện nay của Trung Quốc vẫn còn nhiều điều đáng mong muốn, và nước này vẫn còn một chặng đường dài phải đi trước khi đạt được vinh quang của tiên đế, nếu quả thật có khi nào đó nó có thể đạt đến tầm cao như vậy.

Vấn đề không liên quan tới hành trình phát triển của Trung Quốc vốn vẫn nhiều hợp lý và tích cực, mà đúng hơn, nó liên quan tới cách thức mà một số nhà hoạch định chính sách và chuyên gia phân tích Trung Quốc nhận thức về quyền lực đang lên của nước này trong trật tự quốc tế và việc quyền lực đó giờ nên được sử dụng ra sao. Một cảm giác đắc thắng (triumphalism) thể hiện nổi bật ở một bộ phận giới hoạch định chính sách cũng như cộng đồng trí thức Trung Quốc sau khi nước này vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu thành công. Tuy nhiên, như một học giả kỳ cựu ở Bắc Kinh đã chỉ ra cho tôi, việc đánh giá quá cao sức mạnh của Trung Quốc có hại cho lợi ích của Trung Quốc hơn là sự đánh giá thấp. Trung Quốc giờ đối mặt với những khó khăn kinh tế nghiêm trọng và do đó những ràng buộc lên chính sách đối ngoại của Bắc Kinh trong mấy tháng qua đã được thắt chặt. Chính sách đối ngoại của Chủ tịch Tập vẫn đang loay hoay tìm kiếm một nền tảng, một mục đích và một cách tiếp cận chiến lược hiệu quả.

Chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã bước vào một giai đoạn quan trọng với nhiều thay đổi và điều chỉnh, và vẫn còn chịu tác động bởi một loạt các yếu tố quốc nội và quốc tế. Sẽ là khôn ngoan nếu giới lãnh đạo Trung Quốc có một quan điểm lịch sử dài hạn khi xem xét tiềm năng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và những hạn chế của cách tiếp cận hiện nay. Nếu họ thực sự có ý thức lịch sử, mục tiêu chiến lược của chính sách châu Á-Thái Bình Dương của Trung Quốc phải bao gồm cả hai mục tiêu tích cực và tiêu cực. Mục tiêu tích cực là khuyến khích một dạng “thần phục” mới từ các quốc gia trong khu vực phù hợp với các chuẩn mực và điều kiện của chính trị thế giới thế kỷ 21. Và mục tiêu tiêu cực là ngăn ngừa việc hình thành một liên minh đối trọng tiềm tàng hay hiển hiện chống lại Trung Quốc. Liệu họ có thể đạt được những mục tiêu đó hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự khôn ngoan và tầm nhìn chiến lược của họ.

Trương Phong (Feng Zhang – 张锋) là nghiên cứu viên tại Khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Nghiên cứu châu Á và Thái Bình Dương, Đại học Quốc gia Úc, và là thỉnh giảng viên tại Viện Chiến lược Quốc tế Quảng Đông, Quảng Châu, Trung Quốc.