Những mơ hồ về chủ nghĩa đế quốc

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Ben Denison, “Empire of Confusion“, War on the Rocks, 24/08/2015.

Biên dịch và Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Bài liên quan: Nước Mỹ có phải là một đế quốc

Mối quan hệ quyền lực không ổn định thực chất không phải là hệ quả tạo ra bởi các đế quốc. Đã đến lúc cần rõ ràng hơn trong cuộc tranh luận về đế quốc, từ cả giới học giả và các nhà hoạch định chính sách.

Tyrone Goh và James Lockhart đã làm khá tốt khi nêu lên lịch sử và hiện trạng hiện nay của cuộc tranh luận về đế quốc Mỹ, chỉ trích sự không chính xác của ngôn ngữ và tính khái niệm hoá của cuộc tranh luận này trong nhiều ngành nghiên cứu khác nhau. Nguồn gốc của vấn đề, thật không may, dường như cũng đến từ sự lựa chọn của các nhà hoạch định chính sách chứ không chỉ đơn thuần là lựa chọn từ các học giả. Trong khi những thảo luận hiện tại là khá lộn xộn và không rõ ràng, một cái nhìn sâu hơn vào cấu trúc của mối quan hệ bên trong một trật tự do đế quốc dựng nên có tiềm năng đưa ra một kiến giải rõ ràng hơn. Sự chặt chẽ về mặt định nghĩa liên quan đến nội hàm của một cấu trúc (các mối quan hệ quốc tế) do đế quốc tạo ra sẽ chỉ có thể bổ sung và làm dày thêm những quan điểm của cả giới học giả và hoạch định chính sách xoay quanh mô hình đế quốc hiện đại và sự thống trị mang yếu tố nước ngoài (foreign rule).

Nguốn gốc của sự hỗn loạn về mặt định nghĩa

Như Groh và Lockhart đã đề cập, chủ nghĩa đế quốc Mỹ cũng như các nguyên nhân và hệ quả của nó đã được các sử gia, các nhà khoa học xã hội và chính trị gia nghiên cứu từ lâu. Thật không may, cuộc tranh luận về chủ nghĩa đế quốc cuối cùng lại dẫn đến một kết luận chung cho rằng bất cứ các mối quan hệ thứ bậc nào cũng dẫn tới tình trạng đế quốc hoá. Kết quả là xuất hiện một sự hỗn loạn về mặt khái niệm. Không một ai có thể đồng ý với nhau về thế nào là chủ nghĩa đế quốc, và cuộc tranh luận liên quan đến chủ nghĩa đế quốc đã đi vào bế tắc, khi mà bản thân định nghĩa “chủ nghĩa đế quốc” lại đưa ra thêm những định nghĩa nhỏ khác nữa.

Tại sao chuyện này lại xảy ra? Rất dễ để đổ hết mọi tội lỗi cho tháp ngà (các học giả-ND). Tuy nhiên các nhà hoạch định chính sách tại các quốc gia hùng mạnh cũng phải chia sẻ lỗi lầm này. Khi các quy tắc thống trị đế quốc thay đổi, các quốc gia hùng mạnh lại không chịu thay đổi cách hành xử của mình. Thay vào đó, theo xu hướng lâu đời khi các nước cố gắng thay đổi luật quốc tế cho phù hợp với lợi ích quốc gia, các khái niệm mới về luật pháp được tạo ra để hợp thức hoá các mối quan hệ đế quốc. Luật quốc tế được định hình để cho ra đời các định nghĩa về sự chiếm đóng (occupation), quá trình thuộc địa hoá (colonization), uỷ trị (trusteeship), bảo hộ (protectorate) và nhiều thứ khác nữa. Điều này tạo ra không gian pháp lý để các quốc gia có thể khẳng định rằng mình không liên quan gì tới cách hành xử mang tính đế quốc, bất kế hành động của họ bên trong lãnh thổ các quốc gia khác.

Nỗ lực của các nước nhằm tránh bị quy chụp là đế quốc khiến cho các học giả và nhà bình luận sử dụng những đánh giá tiêu chuẩn và pháp lý khác nhau liên quan tới các mối quan hệ mang tính thứ bậc giữa các nước. Một vài người cho rằng các mối quan hệ thứ bậc kiểu mới phù hợp với các định nghĩa trước đây về chủ nghĩa đế quốc, và một vài người khác cho rằng một số định nghĩa pháp lý hiện đại đã bác bỏ ý kiến đó. Không có một tiêu chuẩn rõ ràng nào. Và chúng ta phải đối mặt với một sự mù mờ về mặt định nghĩa đi cùng với các tranh luận về đế quốc Mỹ khiến cho một số người thậm chí đặt câu hỏi: “Liệu có phải tất cả đều là đế quốc? Liệu đế quốc có phải là tất cả?

Những bước đi hướng tới các định nghĩa cấu trúc

Khi định nghĩa truyền thông về đế quốc trở nên lỗi thời vào đầu thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhiều học giả và các nhà hoạt động đã bắt đầu định nghĩa về đế quốc như là bất cứ mối quan hệ thứ bậc nào giữa các quốc gia. Nếu một nước lớn hơn tham gia vào thương mại tự do với một nước nhỏ hơn, mối quan hệ đó là mối quan hệ đế quốc. Nếu một nước mạnh có quan hệ thân thiện với láng giềng, đó chính là đế quốc. Bất cứ khi nào mà một học giả hay một nhà hoạt động nào đó muốn chỉ trích mối quan hệ giữa các quốc gia mà họ không thích, thuật ngữ “đế quốc” hay “các luật lệ của đế quốc” được sử dụng như một thứ vũ khí ngôn từ. Vì thế, chủ nghĩa đế quốc là cụm từ đồng nghĩa với một hệ thống thứ bậc khó ưa hơn là một cấu trúc chính trị cụ thể nào đó.

May mắn rằng xu thế này đã dần dần trở nên yếu thế, khi các học giả bắt đầu định nghĩa về đế quốc dựa trên cấu trúc của nó hơn là dựa trên những lời nhận xét thông thường. Quá trình nhận thức sâu sắc hơn về cấu trúc của đế quốc được khởi đầu bởi Johan Galtung vào những năm 1970. Ông đã định nghĩa đế quốc dựa trên mối quan hệ giữa các thành phần nằm bên trong cấu trúc, hơn là những nhận xét thông thường về các chủ thể đầy quyền lực.

Nhiều năm sau, Michael Doyle kế thừa công trình của Galtung, cho rằng đế quốc bao gồm “một hệ thống tương tác giữa hai thực thể chính trị, một trong số đó là một cực thống trị, thiết lập quyền kiểm soát về chính trị đối với các chính sách đối nội và đối ngoại – tức là chủ quyền hữu hiệu – của thực thể còn lại, được coi là cực ngoại biên”. Trong trường hợp này, các tính chất và hành động của trung tâm và ngoại biên không quan trọng trong định nghĩa về đế quốc, mà chính là mối quan hệ giữa trung tâm và ngoại biên. Mọi chiều kích thông thường đều được loại bỏ trong định nghĩa, chỉ tập trung chủ yếu vào phân tích mối quan hệ.

Một khi khái niệm về đế quốc đã được định hình, khái niệm cấu trúc của các yếu tố phụ khác cũng sẽ được phát triển. Doyle đã mở rộng định nghĩa đế quốc để bao hàm hai mối quan hệ khác nhau giữa các quốc gia – đế quốc chính thống và đế quốc không chính thống – dựa trên cách thức mà trung tâm và ngoại vi xây dựng mối quan hệ giữa họ với nhau. Alexander Motyl, theo sau sự sụp đổ của Liên Xô, tiếp tục kế thừa truyền thống này và đưa ra ba mô hình đế quốc khác nhau: chính thống, không chính thống và bá quyền. Tương tự, ba mô hình này khác nhau dựa trên sự kiểm soát hiệu quả của quyền lực đế quốc và mối quan hệ giữa ngoại biên và trung tâm.

Quá trình tập trung vào phân tích cấu trúc cho phép các học giả phân biệt giữa đế quốc, mối quan hệ thứ bậc, và bá quyền dựa trên tính hiệu quả về mặt chính trị của các mối quan hệ. Kéo giảm các mối quan hệ đế quốc xuống mức độ cơ sở cấu trúc cho phép các học giả bắt đầu suy nghĩ về sự khác nhau trong các mối quan hệ có thể dẫn tới các kết quả khác nhau. Điều này đến lượt nó dẫn tới những suy hình dung phức tạp hơn về cấu trúc và về các định nghĩa liên quan tới “chủ nghĩa đế quốc”.

Ví dụ như Daniel Nexon cho thấy cấu trúc các quốc gia phong kiến và đế quốc trong giai đoạn Chiến tranh 30 năm đã dẫn tới xung đột tôn giáo như thế nào. Paul MacDonald đã nghiên cứu cách thức làm thế nào mà các mạng lưới cấu trúc tại vùng ngoại biên có thể dẫn tới các cuộc chinh phục thuộc địa thành công hơn hay gặp thất bại nhiều hơn. Michael Hechter cho thấy những chiến lược và cấu trúc khác nhau của đế quốc có thể khiến cho các cuộc nội dậy xảy ra nhiều hơn hay ít hơn. Karen Barkey sử dụng các quan điểm về mối quan hệ đế quốc để chứng minh Đế chế Ottoman đã cai trị thành công hay không thành công trong từng thời điểm lịch sử.

Danh sách trên rõ ràng là chưa đầy đủ, nhưng nó cho thấy một xu hướng đáng kỳ vọng trong nghiên cứu về đế quốc và cấu trúc của mối quan hệ đế quốc. Nó cho phép chúng ta suy nghĩ về quá trình định hình các mối quan hệ đương thời giữa một chủ thể đế quốc giả định với các khu vực ngoại biên của nó, cũng như các mối tương quan giữa lịch sử và hiện tại của các mối quan hệ đó. Điều này khuyến khích việc tìm hiểu xem các chủ thể ở cấp độ khu vực xem xét hành động của các nước lớn như thế nào, thay vì chỉ dựa vào lời biện minh của chính các nước lớn. Tóm lại, hiểu được cách thức làm thế nào để định nghĩa chủ nghĩa đế quốc, và phát triển các biến số liên quan như là các mối quan hệ đặc trưng trong chính trị quốc tế, sẽ giúp làm rõ hơn sự rối rắm ở hiện tại của “chủ nghĩa đế quốc” về mặt khái niệm.

Triển vọng nghiên cứu chủ nghĩa đế quốc

Quan trọng là việc phân tích một đế quốc dựa trên cấu trúc và các mối quan hệ riêng biệt của nó cho phép chúng ta phát triển một định nghĩa phổ quát, thay vì chỉ gói gọn vào nhận thức và cách hành xử của Mỹ, Nga hay bất cứ chủ thể riêng biệt nào khác. Trước khi giả định rằng một hành vi có mang tính đế quốc hay không, hay một nước chưa bao giờ thực hiện những hành vi như thế là đúng hay sai, suy nghĩ về cấu trúc của các mối quan hệ giữa các chủ thể với nhau giúp đưa ra một nền tảng khách quan để đánh giá những giả định như trên. Trong khi nhiều người có những lý do thông thường của riêng họ để đánh giá nước Mỹ là đế quốc hay không phải là đế quốc, việc sử dụng nước Mỹ như là trường hợp duy nhất để kích thích các tranh luận có liên quan là không phong phú về mặt lập luận. Thay vào đó, chúng ta nên tiếp tục đào sâu vào các mối quan hệ khác nhau mà nước Mỹ có trên phạm vi toàn cầu, nghiên cứu xem các các mối quan hệ đó về mặt cấu trúc có tương tự như những mối quan hệ mang tính đế quốc khác trong lịch sử hay không, và phân tích xem có những khác biệt nào ở hiện tại.

Trong khi sự rõ ràng sẽ có lợi cho giới học giả trong cuộc tranh luận này, thì có lẽ người được lợi lớn nhất sẽ là các nhà hoạch định chính sách. Cải thiện sự hiểu biết về chủ nghĩa đế quốc sẽ giúp các nhà hoạch định thấu hiểu được làm thế nào mà các lựa chọn chính sách khác nhau có thể dẫn tới các mối quan hệ thứ bậc khác nhau, cũng như nắm được lợi ích cũng như các tác động bất lợi của các mối quan hệ đó. Các nhà hoạch định sau đó có thể suy nghĩ về cách thức vận hành các lựa chọn chính sách đã có, và so sánh chúng với các bài học lịch sử tương tự. Tìm hiểu xem các mối quan hệ của nước Mỹ giống và khác như thế nào với các mô hình đế quốc chính thống, đế quốc không chính thống, thứ bậc, bá quyền hay các mô hình cấu trúc khác là bước đi quan trọng tiếp theo. Ví dụ, thay vì bày tỏ sự ngạc nhiên trước hệ quả của các kế hoạch kiến thiết quốc gia do phái dân tuý đề xuất, việc đưa ra các mối tương đồng với cấu trúc đế quốc không chính thống sẽ giúp nước Mỹ hiểu được những hạn chế và xem xét lại các kế hoạch dân tuý vốn không phù hợp.

Trong khi sẽ vẫn có một số nhà bình luận kiên quyết cho rằng bất cứ hành động nào ở hải ngoại mà nước Mỹ tiến hành đều là hành vi của đế quốc, thì việc phản đối các lập luận đó một cách điên cuồng cũng không đem lại bất cứ giá trị học thuật và chính sách nào. Thay vào đó, cần xem xét sự tương đồng giữa các mối quan hệ đương thời và các mối quan hệ cấu trúc mang tính đế quốc, và điều này sẽ cho phép các học giả có các phân tích toàn diện hơn về chủ nghĩa đế quốc trong kỷ nguyên hiện đại và cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách công cụ cần thiết để tạo ra các chính sách hiệu quả hơn. May mắn rằng, nhiều học giả đã bắt đầu đi theo xu hướng này bằng cách đưa ra những thảo luận sâu sắc hơn về đế quốc. Hiện tại việc chúng ta cần làm là khuyến khích hơn nữa một sự rõ ràng trong nghiên cứu.

Ben Denison là nghiên cứu sinh tiến sỹ về Chính trị học tại Đại học Notre Dame, tập trung vào Quan hệ Quốc tế. Nghiên cứu của ông tập trung vào nguyên nhân và hệ quả của quá trình chiếm đóng quân sự cũng như các hình thức khác nhau của hình thức cai trị mang yếu tố nước ngoài.