‘Biển Đông như vạc dầu sôi nhưng khó phun trào’

Print Friendly, PDF & Email

05018217

Trao đổi với Zing.vn, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) cho rằng, căng thẳng trên Biển Đông gia tăng nhưng có thể coi đó là “sự căng thẳng lành mạnh”.

– Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter xác nhận việc Hải quân Mỹ điều chiến hạm áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp phi pháp trên Biển Đông. Xin ông bình luận về ý đồ của Mỹ khi thực hiện kế hoạch này?

– Lập trường của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông là Mỹ không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền, nhưng yêu cầu tất cả các bên phải tôn trọng một nguyên tắc cốt lõi là tự do hàng hải. Nguyên tắc này không chỉ thiết yếu đối với sự thịnh vượng của khu vực nói chung mà còn có vai trò quan trọng đối với việc duy trì sức mạnh và ảnh hưởng quân sự của Mỹ nói riêng khi hiện nay Mỹ vẫn là cường quốc hải quân số một thế giới. Và Mỹ có nhu cầu duy trì quyền tự do tiếp cận các vùng biển theo các quy định luật pháp quốc tế hiện hành.

Chính vì vậy, mục đích chính của kế hoạch này của Mỹ nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải, đặc biệt là trong bối cảnh gần đây Trung Quốc mạnh miệng tuyên bố sẽ không cho bất cứ ai xâm phạm vào các vùng biển xung quanh các thực thể mà Trung Quốc đang chiếm giữ ở Trường Sa.

Ngoài ra, các đảo nhân tạo của Trung Quốc tạo nên một thay đổi quan trọng trong cân bằng lực lượng ở Biển Đông. Nó có lợi cho Trung Quốc, giúp Trung Quốc áp đặt sức mạnh và quyền kiểm soát của mình lên khu vực này. Qua đó tiến thêm một bước trong quá trình thách thức sự thống trị của Mỹ đối với an ninh khu vực.

Vì vậy, sâu xa hơn, tôi cho rằng hành động của Mỹ cũng có thể được coi là một bước để Washington “nắn gân” Trung Quốc và kiềm chế tham vọng của nước này. Đồng thời duy trì sự khả tín của mình đối với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là các đồng minh, để họ tiếp tục tin tưởng vào vai trò trụ cột của Mỹ đối với an ninh khu vực.

Một thắng lợi 

– Mỹ có lợi ích gì khi áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp trên Biển Đông. Tình hình sẽ biến chuyển ra sao sau khi Washington đạt được những lợi ích đó?

– Khi áp sát các đảo nhân tạo của Trung Quốc, Mỹ đã bác bỏ ý định của Trung Quốc coi các đảo này có vùng lãnh hải 12 hải lý riêng. Cần lưu ý rằng các đảo nhân tạo ở bãi  Xu Bi và bãi Vành Khăn được xây dựng trên các bãi đá lúc chìm lúc nổi, và theo các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 thì các cấu tạo này không có vùng lãnh hải 12 hải lý riêng. Bản thân các đảo nhân tạo được xây dựng nên không thay đổi được thực tế đó.

Qua sự phản ứng yếu ớt của Trung Quốc có thể thấy Mỹ đã đạt được mục đích và Trung Quốc hầu như không có cơ sở pháp lý nào để có hành động cứng rắn nhằm phản đối Mỹ. Tôi cho rằng đây rõ ràng một thắng lợi của Mỹ nói riêng cũng như những người ủng hộ luật pháp quốc tế nói chung. Sau đợt tuần tra này, Mỹ sẽ còn tiếp tục các đợt tuần tra khác.

Tuy nhiên, Mỹ sẽ cố gắng tỏ ra công bằng, khách quan, và hành động nhân danh công lý chứ không phải vì lợi ích của một bên nào trong tranh chấp Biển Đông.

– Ông đánh giá như thế nào về khả năng Mỹ và Trung Quốc bắt tay nhau, cùng chia sẻ lợi ích trên Biển Đông, tuyến đường hàng hải huyết mạch của thế giới?

– Chúng ta phải thừa nhận rằng luôn tồn tại nguy cơ các nước lớn bắt tay, thỏa hiệp cùng nhau trên lưng các nước nhỏ, đặc biệt là khi giữa hai bên có các lợi ích có thể đem ra đổi chác.

Tuy nhiên trong trường hợp giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay, ít nhất cho tới giờ phút này, khả năng này là thấp do tổng cục lợi ích của Mỹ và Trung Quốc, nhất là trong vấn đề Biển Đông, đang có sự mâu thuẫn lớn và đối đầu. Cạnh tranh chiến lược giữa hai nước đang ngày càng gia tăng, không chỉ ở khu vực mà còn trên toàn thế giới. Không chỉ ở trong vấn đề quân sự, chiến lược, mà còn ở trong những lĩnh vực khác.

Quan trọng hơn, chưa thấy có bằng chứng về những lợi ích mà hai bên có thể đem ra đổi chác trong hồ sơ Biển Đông. Vì vậy, như đã nói, khả năng Mỹ và Trung Quốc bắt tay nhau trong vấn đề này hiện nay là rất thấp.

Sự can dự của Mỹ vẫn là điều tốt 

– Ông dự đoán như thế nào về tình hình sắp tới cũng như tác động của nó tới khu vực?

– Trong thời gian tới, Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tuần tra, khiến cho căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc nói riêng và toàn khu vực nói chung có thể gia tăng. Trung Quốc cũng có thể viện lý do này để tăng cường tiến hành quân sự hóa các đảo nhân tạo.

Tuy nhiên đây là điều sớm muộn cũng xảy ra vì mục tiêu xây các đảo nhân tạo của Trung Quốc là để phục vụ quân sự. Mỹ không tuần tra thì họ vẫn sẽ tiến hành. Điều quan trọng giờ đây là cần theo dõi xem Mỹ sẽ duy trì các hoạt động tuần tra của mình đến mức độ nào và các phản ứng của Trung Quốc trong các lần tới sẽ ra sao.

Tuy nhiên có một điều khá rõ ràng đối với các nhà quan sát là dù căng thẳng gia tăng nhưng xung đột quân sự vẫn sẽ khó xảy ra. Nói cách khác, căng thẳng gia tăng nhưng có thể coi đó là một sự “căng thẳng lành mạnh”, tốt hơn là khi tình hình lắng dịu nhưng bị kiểm soát bởi một bên duy nhất.

Thời gian tới tình hình Biển Đông sẽ tiếp tục như một vạc dầu sôi nhưng sẽ khó phun trào. Các nước trong khu vực bao gồm cả Việt Nam cần bình tĩnh theo dõi và nương theo xu hướng này để đưa ra các phản ứng cho phù hợp với tình hình và đảm bảo các lợi ích của mình.

TS Lê Hồng Hiệp

– Mỹ đáp ứng như thế nào trong việc kiềm chế yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc mà các nước Đông Nam Á kỳ vọng?

– Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và tỏ ra hung hăng trong các tranh chấp biên giới, lãnh thổ với các nước láng giềng, nhận thức về “mối đe dọa Trung Quốc” đang ngày càng trở nên sâu sắc trong khu vực của chúng ta. Chính vì thế, các quốc gia trong khu vực có nhu cầu tự nhiên về một lực lượng đối trọng lại sức mạnh đang lên và mang tính đe dọa của Trung Quốc.

Sự tăng cường can dự của Mỹ vào khu vực, đặc biệt là các động thái nhằm kiềm chế các yêu sách lãnh thổ thái quá và phi lý của Bắc Kinh, nhìn chung đã được các nước vừa và nhỏ trong khu vực hoan nghênh. Tuy nhiên, tình thế này cũng tạo ra một số quan ngại trong khu vực, rằng sự đối đầu Mỹ – Trung một khi gia tăng sẽ càng gây bất ổn cho khu vực và khiến các nước trong khu vực phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cho đến lúc này tôi nghĩ các mối quan ngại như vậy là có cơ sở nhưng không cần thiết. Vì dù có tạo ra một số căng thẳng nhất định nhưng sự can dự của Mỹ nhìn chung vẫn là một điều tốt hơn cho các nước trong khu vực so với việc để cho Trung Quốc một mình tự tung tự tác, chèn ép các nước khác ở đây.

Hồng Duy thực hiện

Nguồn: Zing.vn

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]