Tại sao một số nhà kinh tế phản đối mức lương tối thiểu?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn:Why some economists oppose minimum wages“, The Economists, 22/01/2014.

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Người lao động tại các quốc gia giàu có đã phải chịu đựng mức tiền lương trì trệ trong nhiều thập kỷ qua, cả trong thời điểm (nền kinh tế) tốt lẫn xấu. Các chính phủ đang nỗ lực phản ứng mạnh hơn bằng cách gia tăng mức lương tối thiểu. Chính quyền các bang và địa phương tại Hoa Kỳ đang thông qua chính sách tăng lương, còn Barack Obama thì ủng hộ tăng lương tối thiểu liên bang từ 7,25 USD/giờ lên 10,10 USD/giờ. Chính phủ mới của bà Angela Merkel đã đưa ra tín hiệu về việc ủng hộ một mức lương tối thiểu quốc gia mới; và vào ngày 16/01, George Osborne, Bộ trưởng Tài chính Anh, đã bày tỏ ủng hộ một mức tăng cao hơn lạm phát cho mức lương tối thiểu. Một mức lương tối thiểu cao hơn dường như là một cách đơn giản và hợp lý để cải thiện đời sống của người lao động. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế chống lại điều đó: chẳng hạn, các viện kinh tế hàng đầu của Đức đã thúc đẩy bà Merkel chống lại các yêu cầu về một mức lương tối thiểu. Vậy tại sao các nhà kinh tế thường phản đối mức lương tối thiểu?

Trong lịch sử, sự hoài nghi của các nhà kinh tế được bắt nguồn từ lo ngại rằng mức lương tối thiểu sẽ dẫn tới giảm việc làm. Các công ty sẽ thuê tất cả các nhân viên khi thấy cần thiết ở mức lương hiện hành, và với lập luận đó, bất cứ mức lương tối thiểu nào buộc các công ty phải trả nhiều tiền hơn cho các nhân viên hiện có sẽ khiến những công việc này trở nên không còn hiệu quả kinh tế, từ đó dẫn đến việc sa thải.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế đã buộc phải xem xét lại quan điểm của họ trong những năm đầu thập niên 1990, khi David Card và Alan Krueger của Văn phòng Quốc gia về Nghiên cứu Kinh tế Hoa Kỳ đưa ra bằng chứng rằng các mức tăng lương tối thiểu trong quá khứ đã không có tác động tới việc làm như được dự kiến. Họ phát hiện ra rằng sự gia tăng mức lương tối thiểu của New Jersey dường như không làm chậm tốc độ thuê mướn nhân công của các nhà hàng thức ăn nhanh ở New Jersey trong tương quan với bang láng giềng Pennsylvania.

Một số nhà kinh tế dự đoán rằng, một lời giải thích có thể là các công ty trước đây đã trả cho người lao động mức lương thấp hơn mức mà họ có thể trả bởi vì các nhân viên gặp phải trở ngại trong việc tìm kiếm công việc lương cao hơn do các chi phí liên quan đến thay đổi công việc. Điều đó có nghĩa là khi tiền lương bị buộc tăng lên, các công ty đã có thể hấp thu thêm các chi phí mà không phải sa thải bất cứ ai.

Các học giả tiếp tục trao đổi các nghiên cứu về việc liệu mức lương tối thiểu có phải đánh đổi bằng việc làm hay không. Một khảo sát gần đây của các nhà kinh tế tại Đại học Chicago đã chỉ ra rằng chỉ một số ít người được hỏi tin rằng việc gia tăng mức lương tối thiểu lên 9 USD/giờ của Hoa Kỳ sẽ khiến những người lao động nghèo “khó khăn hơn một cách đáng kể” trong việc tìm được việc làm. Tuy nhiên, cũng có một số ít nghĩ rằng việc tăng lương tối thiểu sẽ chẳng đáng nếu xét đến lợi ích của những người có thể tìm được việc làm.

Sự phản đối của các nhà kinh tế đối với các mức tăng cụ thể về lương tối thiểu đôi khi là do lo ngại rằng các chính trị gia sẽ áp đặt những mức lương tối thiểu cao một cách thiếu thận trọng, khiến các doanh nghiệp có thể sẽ thấy khó hấp thụ được nếu không sa thải nhân viên. Một số nhà kinh tế lập luận rằng có một phương án thay thế tốt hơn là trợ cấp tiền lương, điều sẽ gây ra chi phí cho chính phủ nhưng sẽ không làm ảnh hưởng xấu đến tình hình việc làm.

Những cuộc tranh luận về mức lương tối thiểu gần đây đã bị làm cho phức tạp thêm bởi bối cảnh kinh tế vĩ mô bất thường hiện nay. Khi nền kinh tế bị làm cho đình trệ bởi lượng cầu thấp, một tình cảnh mà các quốc gia giàu có phải trải qua kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008, các công ty có thể sẽ trở nên nhạy cảm hơn với mức lương tối thiểu. (Những người khác thì lập luận rằng lợi nhuận dương của doanh nghiệp cho thấy rằng các công ty có rất nhiều dư địa để chấp nhận việc tăng lương.) Các công nghệ mới cũng có thể khuếch đại hiệu ứng việc làm của việc tăng lương. Trong bối cảnh ngày càng có nhiều cơ hội cho tự động hóa, các doanh nghiệp có thể lấy mức lương tối thiểu như một cái cớ để tổ chức lại sản xuất và cắt giảm việc làm. Nhưng quan điểm của các nhà kinh tế vẫn đang bị chia rẽ (và các nghiên cứu vẫn mâu thuẫn), bởi vì hầu hết mức tăng lương tối thiểu gần đây là tương đối khiêm tốn.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]