Tại sao luật chống khủng bố mới của Nga gây tranh cãi?

52-Why Russia’s anti-terrorism laws are controversial

Nguồn:Why Russia’s anti-terrorism laws are controversial“, The Economist, ngày 20/7/2016

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Đó dường như là một bước đi hợp lý: sau một hành động khủng bố bi thảm, một chính phủ thông qua các đạo luật chống khủng bố mới. Tuy nhiên, trong trường hợp này, chính phủ được nhắc đến là Nga, nơi mà bất kỳ việc mở rộng nào đối với phạm vi quản lý của các cơ quan an ninh đều là nguyên nhân gây ra sự quan ngại, và các biện pháp, được biết đến với tên gọi “Đạo luật Yarovaya”, là hà khắc đến mức mà thậm chí các lực lượng thân thiện với Kremlin trong quốc hội cũng phải ngần ngại khi bỏ phiếu cho chúng. Các nhà hoạt động nhân quyền đã đưa ra báo động. Người tố cáo Cục An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA), Edward Snowden, vẫn đang lưu vong ở Moskva, gọi nó là “Đạo luật Đại Ca” (Big Brother Law). Và ngành công nghiệp viễn thông thuộc sở hữu nhà nước của Nga đã phàn nàn rằng đạo luật này có thể khiến các nhà cung cấp dịch vụ phá sản. Tuy nhiên, Vladimir Putin đã ký ban hành đạo luật vào tháng này, và các quy định sẽ có hiệu lực trong tuần này. Vậy điều gì đã làm cho Đạo luật Yarovaya gây nhiều tranh cãi đến vậy?

Dự luật này bề ngoài được bắt đầu như một phản ứng đối với việc Nhà nước Hồi giáo (IS) bắn rơi một máy bay chở khách của Nga bay ngang Ai Cập vào mùa thu năm ngoái. Irina Yarovaya (trong hình), một Thành viên Quốc hội hiếu chiến trong Đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền của Vladimir Putin, đã đưa ra các biện pháp quy mô lớn nhằm mở rộng phạm vi quyền lực của các cơ quan an ninh. Sáng kiến của bà được đưa ra cùng với một loạt các biện pháp trấn áp dưới chiêu bài chống khủng bố. Một trong những quy định gây tranh cãi nhất của dự luật biến việc “không báo cáo một tội ác” trở thành một hành vi phạm tội.

Nó cũng gia tăng các hình phạt trong các đạo luật chống cực đoan hiện có, và mở rộng danh sách các hành vi phạm tội mà trẻ vị thành niên (14 tuổi trở lên) có thể phải chịu trách nhiệm. Một điều khoản thứ hai nhắm vào không gian mạng, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ thông tin liên lạc phải lưu trữ dữ liệu người dùng (bao gồm cả các cuộc gọi và tin nhắn) trong ít nhất sáu tháng, đồng thời cho phép các cơ quan an ninh tiếp cận các thông tin đó. Đạo luật cũng cho chính phủ quyền thu thập khóa mã đối với các dữ liệu được mã hóa. Một dự thảo ban đầu của luật này còn cho phép chính phủ tước quyền công dân của những người Nga phục vụ trong quân đội nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế nhất định. Điều khoản này cuối cùng bị loại bỏ vào phút chót dưới áp lực nặng nề từ công chúng.

Phạm vi điều chỉnh rộng bất thường của đạo luật này đã đánh động mọi tầng lớp của xã hội Nga, kể cả những tầng lớp bình thường trung thành với chính phủ. Các nhà hoạt động nhân quyền đặc biệt quan ngại với đạo luật này. Các biện pháp chứa đựng trong đạo luật sẽ “làm suy yếu nghiêm trọng tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, và quyền riêng tư”, Tanya Lokshina của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, một cơ quan giám sát, viết. Các nhà chức trách Nga đã bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt nặng nề đối với người sử dụng Internet dưới vỏ bọc của các luật chống chủ nghĩa cực đoan hiện có, với hàng chục người bị cho vào tù năm ngoái vì các bài viết trên các phương tiện truyền thông xã hội. Đối với ngành công nghiệp viễn thông, yêu cầu về lưu trữ dữ liệu có thể là một hồi chuông báo tử về tài chính, và các công ty lớn đã vận động hành lang để điện Kremlin phải xem xét lại. Đơn giản là việc xây dựng cơ sở hạ tầng để lưu trữ những lượng lớn thông tin như vậy sẽ tiêu tốn hàng tỷ đô la mỗi năm.

Một số người đang tìm kiếm sự an ủi trong thực tế là việc đạo luật này được thông qua không có nghĩa là nó sẽ được thực hiện đầy đủ. Một đạo luật khác được thông qua năm ngoái yêu cầu các công ty Internet lưu trữ dữ liệu người dùng của Nga trên đất Nga, nhưng việc triển khai gặp khó khăn khi những gã khổng lồ truyền thông xã hội phương Tây đã phản kháng, không tuân thủ.

Tuy nhiên, khi đàn áp, điện Kremlin không cần phải thực hiện đàn áp hàng loạt: bắt giữ có chọn lọc là đã đủ để lan truyền nỗi sợ hãi. Chỉ tin tức về các biện pháp đã đủ làm tăng thêm bầu không khí lo âu trước cuộc bầu cử quốc hội vào tháng Chín năm nay, cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi hàng loạt các cuộc biểu tình nổ ra vào năm 2011. “Nó sẽ không được áp dụng toàn diện”, Maria Lipman, biên tập viên của tạp chí Counterpoint, nói, “mà sẽ như một lời cảnh báo khác, một chiếc dùi cui lớn được quất lên trong không khí.” Thật vậy, nhiều người tin rằng các mục tiêu thực sự của đạo luật này không phải là những kẻ khủng bố Hồi giáo, mà là những người có thể xem xét chuyện biểu tình.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]