Tác giả: Hà Văn Thùy
Cho đến nay đã có nhiều khảo cứu về vương quốc Phù Nam. Bài viết “Phù Nam: Huyền thoại và những vấn đề lịch sử” của Tiến sỹ Vũ Đức Liêm là một cống hiến mới đáng trân trọng. Tuy nhiên, ngay ở đây chúng tôi cũng thấy tác giả chưa tiếp cận chân lý bởi lẽ chưa giải quyết được vấn đề căn cốt: chủ nhân của Phù Nam là ai? Có thể là như tác giả nói: người Austranesian từ biển vào kết hợp với người bản địa tạo thành dân cư Phù Nam. Nhưng một khi câu hỏi: người Austranesian có nguồn gốc thế nào và người bản địa là ai chưa được trả lời thì mọi phát biểu về Phù Nam cũng chỉ là xây lâu đài trên cát! Bởi lẽ lịch sử là hoạt động xã hội của cộng đồng người diễn ra trong quá khứ, một khi chưa biết cộng đồng đó là ai, có nguồn gốc ra sao và quá trình hình thành thế nào để hiện diện ở thời điểm khảo cứu thì mọi điều nói về họ đều không có cơ sở. Do vậy, trước khi khảo cứu về Phù Nam phải giải quyết vấn đề tiên quyết: người Phù Nam là ai? Cho đến cuối thế kỷ trước, trả lời những câu hỏi trên là bất khả. Nhưng sang thế kỷ này những khám phá mới của di truyền học cho câu trả lời chính xác.
Bài viết này góp phần đưa ra một cách lý giải.
I. Ai là chủ nhân vương quốc Phù Nam?
Nói về nguồn gốc của người Austronesian, những người từ biển vào góp phần làm nên dân cư Phù Nam, TS Vũ Đức Liêm viết:
Lịch sử của Phù Nam có lẽ nên được kể từ 5000-7000 năm trước. Bắt đầu với cuộc di cư của các cư dân nói tiếng Nam Đảo (Austronesians) từ đảo Đài Loan xuống Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Họ mang theo lúa nước, lợn, dừa, khoai lang, và kỹ nghệ làm gốm, đóng tàu… qua các hòn đảo, duyên hải trên Biển Đông (Peter Bellwood 2006, 2007, 2014, 2017; Solheim 2007). Cuộc du hành này là một trong những hiện tượng kỳ vĩ của nhân loại, đưa Austronesians thành nhóm ngôn ngữ trải rộng nhất trong lịch sử thời tiền hiện đại, băng qua 1/3 địa cầu, kết nối hàng chục nghìn hòn đảo trải dài từ Nhật Bản đến đảo Madagascar và quần đảo Tây Thái Bình Dương.
Hơn chục năm trước, chúng tôi đã đọc những tác giả mà ông dẫn và có lúc đưa vào tài liệu tham khảo của mình. Nhưng sau đó nhận thấy những tác giả trên chưa có cái nhìn toàn diện, đạt tới tận cùng của sự hình thành con người và văn hóa phương Đông, chúng tôi đã bỏ qua.
Từ những khảo cứu di truyền học dân cư châu Á kết hợp với cổ nhân học, chúng tôi phát hiện, 70.000 năm trước, người hiện đại Homo sapiens từ châu Phi di cư tới Việt Nam. Tại đây hai đại chủng người tiền sử Australoid và Mongoloid hòa huyết cho ra hai chủng người Việt cổ là Indonesian và Melanesian cùng mang mã di truyền Australoid. 50.000 năm trước đây, người từ Việt Nam lan tỏa ra các đảo Đông Nam Á, châu Úc và Ấn Độ. 40.000 năm trước, người Việt Nam đi lên khai phá Hoa lục.[1] [2]
7000 năm trước, tại văn hóa Ngưỡng Thiều Nam Hoàng Hà, người Việt Indonesian gặp gỡ hòa huyết với người Mông Cổ phương Bắc (North Mongoloid) sống du mục ở Bắc Hoàng Hà, sinh ra chủng người Việt mang mã di truyền Mongoloid phương Nam, sau này được gọi là người Nam Á. Khoảng 2600 năm TCN, người Mongoloid phương Nam di cư về phía Nam, đem nguồn gen Mongoloid chuyển hóa di truyền đại đa số dân cư Đông Nam Á sang chủng Mongoloid phương Nam.[3] Trong cuộc chuyển hóa vĩ đại này, người Indonesian trở thành người Mongoloid phương Nam điển hình, còn người Melanesian thành dạng Indonesian hiện đại của chủng Mongoloid phương Nam. Cho đến 2000 năm TCN công việc này hoàn tất. Hầu hết dân cư Châu Á thuộc chủng Mongoloid phương Nam. Do lịch sử hình thành như vậy, nên toàn bộ dân cư châu Á là người gốc Việt với tiếng nói Lạc Việt là chủ thể.[4]
Ở Đông Nam Á lục địa, người Indonesian tập trung ở Bắc Bộ Viêt Nam sau này thành người Mongoloid phương Nam điển hình. Người Melanesian sống ở Tây Nguyên, các nước Campuchia, Lào, Miến Điện… sau thành dạng Indonesian hiện đại của chủng Mongoloid phương Nam. Người Melanesian trên các đảo Đông Nam Á chuyển thành người Indonesian hiện đại của chủng mongoloid phương Nam và được gọi là người Austranesian hay Polynesian.
Khoảng 5.300 năm trước, tại vùng cửa sông Chiết Giang, người Lạc Việt thành lập nhà nước Lương Chử (Xích Quỷ). Từ di cốt người Lương Chử, di truyền học phát hiện sự có mặt của người Indonesian (mã di truyền M122) và Melanesian (M119). Khoảng 4.300 năm trước, do nước biển dâng, kinh đô Lương Chử bị nhấn chìm. Người Indonesian đi lên những chỗ cao trong đất liền. Trong khi đó, người Melanesian di cư ra Đài Loan rồi tới các hải đảo, nhập vào dòng người Austronesian sinh sống từ lâu ở đây.[5] Khoảng 5000 năm trước, vào thời thịnh vượng của nhà nước Xích Quỷ xuất hiện mạng lưới buôn bán ngọc bằng thuyền trên Biển Đông, đưa ngọc từ mỏ khai thác ở Đài Loan đến nhiều nơi ven biển Việt Nam, Philippine, Madagasca.
Từ sự hình thành dân cư khu vực như trên, ta có thể truy ra nguồn gốc người Phù Nam như sau:
- Người bản địa Phù Nam. Danh xưng Phù Nam trong sách Trung Hoa gợi ý cho thấy, đây là những bộ tộc người miền núi. Bà Nam, Bồ Nam… là những từ Việt cổ chỉ núi. Sau này chuyển thành phnom, phnong. Từ đó người Hoa chuyển thành Đường âm Phù Nam. Mang tên “người miền núi” nói lên rằng, đó là những cộng đồng người Việt sống trên vùng núi Campuchia và Nam Trường Sơn. Vào đầu Công nguyên khi đồng bằng sông Cửu Long hình thành, những bộ lạc người Việt mang mã di truyền Indonesian của chủng Mongoloid phương Nam tràn xuống định cư rồi xây dựng nhà nước của “người miền núi”, nước của dân Bà Nam, Phnom. Theo truyền thuyết, đấy là nước của công chúa Liễu Diệp. Điều này cũng cho thấy họ đang trong thời kỳ mẫu hệ.
- Về người Autronesian: Ta có thể tin là người từ Mã Lai và Java, là hậu duệ những người từ Việt Nam chiếm lĩnh các đảo này từ 50.000 năm trước. Họ giỏi đi biển và nhiều lần cướp phá ven biển miền Trung của người Chămpa. Do vị trí địa lý, họ đã thấm nhuần văn hóa Ấn Độ. Có khả năng trong đoàn người thực dân này có những nhà buôn, nhà sư và chỉ huy người Ấn. Sau khi đánh thắng người bản địa của Liễu Diệp, họ giữ vai trò chủ nhân và xây dựng đất nước theo mô hình văn hóa Ấn Độ. Tuy nhiên, do là người Việt nên tiếng nói và nhiều phong tục tập quán của họ vẫn trên cơ sở văn hóa Việt mà ảnh hưởng Ấn Độ chỉ là cơ tầng thứ cấp.
Như vậy, hai dòng người Việt tạo nên dân cư Phù Nam.
Các vật phẩm ngọc bích: A-Gò Mả Vôi (văn hóa Sa Huỳnh) và các di chỉ ở Phillipines và Đài Loan. (Hsiao-Chun Hung, Peter Bellwood, Kim Dung Nguyen, Berenice Bellina, et al., 2007) b. Khuyên tai hai đầu thú và vật phẩm đá quý và thủy tinh từ văn hóa Sa Huỳnh(Charles Higham, Early cultures of mainland Southeast Asia, 2002) c. Khuyên tai hai đầu thú trên thái dương một di cốt tại di chỉ Giồng Cá Vồ (Cần Giờ) (Vũ Đức Liêm, Triển lãm khảo cổ học Việt Nam tại bảo tàng Khảo cổ học Herne, Đức). (Hình ảnh từ bài của TS Vũ Đức Liêm).
Có một vấn đề đáng phải suy ngẫm: các nhà khảo cổ tìm được khuyên tai hai đầu thú bằng ngọc tại di chỉ Giồng Cá Vồ huyện Cần Giờ kèm theo xương thái dương. Do tuổi của di cốt không được xác định nên chúng ta không biết chính xác niên đại của khuyên tai. Bởi vậy ở đây buộc phải suy doán: loại khuyên tai này xuất hiện duy nhất một lần khoảng 5.000 năm trước tại nhiều nơi ven biển Việt Nam, Phillipines… Giải thích sao đây về việc nó có mặt ở văn hóa Phù Nam? Liệu có chuyện người Phù Nam mang vật báu truyền từ hơn 4.000 năm trước? Khả năng này gần như không có. Cách giải thích hợp lý hơn là di chỉ Giồng Cá Vồ có tuổi 5.000 năm tương đương văn hóa Sa Huỳnh. Nhưng do sự nhầm lẫn, các nhà khảo cổ cho đó là di vật Phù Nam? Như vậy nó không thuộc văn hóa Phù Nam mà thuộc về một văn hóa xuất hiện trước đó hơn 4.000 năm. Nếu giả định này đúng thì Cần Giờ là di tích hình thành sau, ở dạng di tích chồng lên di tích. Điều này cho thấy người Việt đã sống ở đây từ 5.000 năm trước. Không có gì bất thường, nó chỉ chứng tỏ một sự thực: người Việt từ xa xưa đã làm chủ vùng đất này.
II. Nguyên nhân sụp đổ của Phù Nam
Dựa trên cổ thư Trung Hoa, nhiều tác giả cho rằng, vào thế kỷ VII, một phần do con đường thương mại không còn đi qua nên Phù Nam sút giảm về kinh tế. Và cuộc xâm lăng của người Chân Lạp khiến Phù Nam sụp đổ. Có thể đó là một nguyên nhân nhưng không phải nguyên nhân cơ bản. Từ cuộc khai quật của Malleret năm 1944 tới những cuộc khai quật ở Nền Chùa, Gò Tháp … sau này, các nhà khảo cổ chứng kiến các di chỉ đều nguyên vẹn chứng tỏ vùng đất này không trải qua thời gian bị chiếm đóng, cướp bóc. Như vậy là không có cuộc xâm lăng hay cuộc xâm lăng chỉ xảy ra một cách hạn chế.
Thực tế, Phù Nam sụp đổ do nguyên nhân khác. 15 năm trước, trong bài viết “Từ Óc Eo nhìn về đồng bằng sông Cửu Long” đăng trên tạp chí Xưa&Nay, chúng tôi cho rằng, đó là do Hải xâm Holoxen IV. Nhà địa chất học người Pháp H. Fontaine cho thấy bức tranh khái quát của việc biến đổi mực nước biển như sau:
“Cuối Đại Trung sinh (Pleixtoxen) đầu Đại Tân sinh (Holoxen) có một đợt hải thoái, mực nước biển hạ thấp khoảng 100 – 120 m so với ngày nay, khiến cho Biển Đông chỉ còn là một vũng nhỏ. Tiếp đó là thời kỳ băng hà Wun cách nay 60.000 đến 11.000 năm. Sau giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 750 năm (từ 11.000 đến 10.250 năm trước) là thời kỳ băng tan và nước biển bắt đầu dâng. Sau đó vào năm 4850 trước Công nguyên, nước biển dâng lên bằng mực nước ngày nay. Sau thời kỳ này là 4 đợt hải xâm và 3 đợt hải thoái xen kẽ nhau:
Hải xâm Holoxen I từ năm 4850 đến năm 1650 trước Công nguyên, kéo dài 3.200 năm với 3 giai đoạn đỉnh cao: 4 m (năm 3900), 3 m (năm 2950 ), và 2 m (năm 2350 ).
Hải thoái Holoxen 1 từ năm 1650 đến năm 1.150 trước Công nguyên, thời gian 500 năm với mức hạ thấp nhất -0,8 m xảy ra vào năm 1400 trước Công nguyên.
Hải xâm Holoxen II từ năm 1150 đến năm 850 trước Công nguyên, thời gian 300 năm, đỉnh cao nhất xảy ra vào năm 950 trước Công nguyên.
Hải thoái Holoxen 2 từ năm 850 đến năm 200 trước Công nguyên, thời gian 650 năm, với cực tiểu 1 m xảy ra vào năm 550.
Hải xâm Holoxen III từ năm 200 đến năm 50 trước Công nguyên, kéo dài 150 năm, mức cao nhất khoảng 0,4 m vào năm 50.
Hải thoái Holoxen 3 từ năm 50 trước Công nguyên đến năm 550 Công nguyên, kéo dài 500 năm với mực nước thấp nhất -0,5 m vào năm 200.
Hải xâm Holoxen IV từ năm 350 đến năm 1150, kéo dài 800 năm với mức cao trung bình 0,8 m vào năm 650.
Từ năm 1150 đến 1950 nước biển dao động 1 m, xem như ổn định hơn các thời kỳ trước.
Điều đáng chú ý là khi so sánh những vết tích hải xâm, hải thoái ở Việt Nam, các nhà khoa học đã tìm thấy sự tương đồng với những dấu tích hải xâm hải thoái ở bờ bên kia của Thái Bình Dương, trên đất Mỹ: Hải thoái Óc Eo cách nay 1750 năm tương đương Hải thoái Florida -3 m cách nay 2000 năm; Hải thoái Rạch Giá cách nay 3350 năm tương đương Hải thoái Crane Key -2 m cách nay 3300 năm.
Trong những đợt hải xâm, hải thoái trên, đáng chú ý là Hải xâm Holoxen IV. Sau khi hiệu chỉnh niên hạn theo phương pháp C14, các đặc tính của lần hải xâm này như sau:
Thời hạn 800 năm, từ năm 350 đến năm 1.150, đỉnh cao vào năm 650.
Mực nước cao nhất từ 0,5 đến 1 m trong 30 năm, từ năm 635 đến năm 665.”[6]
Thời điểm Hải xâm Holoxen IV hoàn toàn trùng với thời gian sụp đổ của nhà nước Phù Nam. Sau thời điểm này, vùng phía nam châu thổ sông Cửu Long trở nên hoang vu thời gian dài cho tới tận thế kỷ XIII mà ta thấy ghi chép trong Chân Lạp Phong Thổ Ký của sứ thần nhà Nguyên Chu Đạt Quan. Cho đến thế kỷ XVII vùng đất mênh mông này tuy danh nghĩa thuộc Chân Lạp nhưng vẫn trong tình trạng hoang vu vô quản.
Một câu hỏi được đặt ra: người Phù Nam đi đâu? Có hai khả năng: Bộ phận những người mà tổ tiên xưa từ biển vào, nay họ lại trở ra biển, về lại Mã Lai hay đảo Java.
Một bộ phận đi lên phía Nam Trường Sơn, sống chung với đồng bào của mình, trở thành những tộc người Nam Trường sơn hôm nay như đồng bào Mạ.
III. Kết luận
Cho đến nay, những tư liệu và tư tưởng làm nên lịch sử Đông Nam Á phần lớn dựa trên thư tịch cổ Trung Hoa và Đông phương học của Viễn Đông bác cổ Pháp. Tuy nhiên, cả hai nguồn tri thức này đều có những hạn chế. Thư tịch Trung Hoa chỉ xuất hiện từ đầu Công nguyên nên không có những ghi chép xa hơn, tuy rất quý nhưng chỉ phản ánh những sự kiện vào thời gần, trong khi thời tiền sử quá dài bị khuất lấp. Trong khi đó, Đông phương học của người Pháp mang quan niệm sai lầm khi xác định chiều hướng lịch sử phương Đông theo con đường Nam tiến: người từ phương Tây vào Nam Hoàng Hà tạo ra văn minh Hoa Hạ rồi người Hán mang văn minh Hoa Hạ khai hóa các sắc dân man di phía Nam. Quan điểm như vậy đã chi phối nền sử học phương Đông suốt thế kỷ XX. Nhưng sang thế kỷ XXI, sự thật trái ngược được phát lộ: người tiền sử đặt chân trước hết tới Việt Nam rồi trên đất Việt, con người hòa hợp về huyết thống, tiếng nói và văn hóa sau đó tỏa ra chiếm lĩnh châu Á. Do vậy, chiều hướng lịch sử của phương Đông được đảo ngược: chính con người cùng văn hóa Việt tạo nên dân cư và văn hóa phương Đông. Ngôn ngữ Việt là mẹ của tiếng nói các tộc người châu Á.
Nhìn vào bối cảnh toàn khu vực, Đông Nam Á mà theo ý kiến của Solheim, bao gồm cả Nam Dương Tử, ta thấy, đây là giang sơn của người Việt. Suốt thời đồ đá là hai chủng Indonesian và Melanesian. Sang thời kim khí chuyển hóa thành chủng duy nhất Mongoloid phương Nam.
Cho tới một vài thế kỷ TCN, dân cư Đông Nam Á quy tụ quanh trung tâm Văn Lang của các vua Hùng do mối quan hệ nguồn gốc, huyết thống, ngôn ngữ và văn hóa. Chứng cứ cho việc này là những trống đồng Heger I tìm thấy khắp vùng.
Có ý kiến cho rằng đó là sản phẩm mang tới từ thương mại. Nhưng cũng khó phản bác một khả năng, đó là quyền trượng mà các Vua Hùng ban cho thủ lĩnh khu vực. Tới vài thế kỷ TCN, sau khi Văn Lang diệt vong và nhất là sau khi Việt Nam bị phương Bắc chiếm đóng, mối liên kết truyền thống của Việt Nam với phía Nam bị đứt đoạn, lực hướng tâm không còn, các thủ lĩnh khu vực theo chiều hướng chung đứng lên lập nhà nước riêng. Những quốc gia cổ ra đời. Do hấp lực của văn hóa Ấn Độ, các nhà nước này theo chính trị Ấn Độ và đem văn hóa Ấn phủ lên nền tảng văn hóa Việt. Dù sự phát triển như vậy sau hàng nghìn năm, thì trên địa bàn Đông Nam Á vẫn tồn tại một nền văn hóa chung mang đậm bản sắc Đông Nam Á. Riêng Việt Nam, hình như cái bản sắc này có vẻ nhạt nhòa hơn nên được cho rằng Việt Nam thuộc cuối nguồn khiến cho chất Đông Nam Á từ các hải đảo tác động tới thiếu phần sâu đậm. Tuy nhiên, hôm nay nhìn lại từ nguồn gốc, ta thấy chính Việt Nam là gốc của văn hóa Đông Nam Á.
Về phương diện ngôn ngữ. Khoảng 150 năm, từ giữa thế kỷ XIX đến nay, những nhà ngữ học hàng đầu của phương Tây đã võ đoán phân chia ngôn ngữ phương Đông ra các họ ngôn ngữ Hán-Tạng, Tày-Thái, Môn-Khmer, Nam Á… Riêng tiếng Việt từng được xếp vào họ Hán-Tạng, sau thấy không ổn thì xếp vào Tày-Thái. Khi vẫn thấy không ổn thì chuyển sang họ Môn-Khmer rồi Nam Á… Cho đến nay lại xuất hiện ý kiến đưa trở về họ Hán-Tạng! Sở dĩ như vậy bởi lẽ có sự thật: tiếng Việt là mẹ các ngữ phương Đông. Tuy rất gần gũi với mọi ngữ hệ phương Đông nhưng khi xếp vào bất cứ khuôn nào thì rồi cũng tới lúc nó cựa mình phá tung cái khuôn nhỏ hẹp áp đặt. Chỉ tới hôm nay, khi nhận thức ra người Việt là chủ thể của mọi dân cư châu Á thì người ta mới bừng tình thừa nhận ý kiến của nhà ngữ học H. Ferey từ năm 1892: “Tiếng Việt là mẹ các ngữ”.[7]
Từ thực tế trên có thể kết luận như sau:
Đông Nam Á là giang sơn của cộng đồng người Việt với dòng máu, tiếng nói cùng văn hóa Việt. Cho tới vài thế kỷ TCN, toàn bộ khu vực hướng vào trung tâm Văn Lang của các vua Hùng theo lực hướng tâm liên kết bởi nguồn gốc, huyết thống, tiếng nói và văn hóa. Vào những thế kỷ đầu CN, do Văn Lang bị diệt vong rồi bị xâm lược, lực hướng tâm đứt đoạn, các thủ lĩnh khu vực đứng lên lập quốc gia riêng. Trong quá trình lịch sử, giữa các quốc gia của người Việt liên tục có sự tranh chấp lãnh thổ. Biên giới như hiện nay là kết của của những sự tương nhượng và được xác lập bởi công pháp quốc tế. Mọi ý tưởng về “quyền sở hữu lịch sử” là phi lịch sử và không có cơ sở thực tế.
Do vậy, đất đai Phù Nam xưa là một phần của đất nước Việt Nam hôm nay. Lịch sử Phù nam là một bộ phận của lịch sử Việt Nam, là lịch sử của người Việt từng xây dựng đất Việt.
—————
[1] J.Y. Chu et al. Genetic Relationship of Populations in China, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC21714/
[2] Stephen Openheimer. Out of Eden: The Peopling of the World. http://www.bradshawfoundation.com/journey/introduction.html
[3] Hà Văn Thùy. Góp phần nhân thức lại lich sử văn hóa Việt. (NXB Hội Nhà văn. H, 2015)
[4] Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á (NXB DH&THCN, H. 1983)
[5] Hà Văn Thùy. Nhà nước Xích Quỷ từ huyền thoại đến hiện thực (NXB Hội Nhà văn. H, 2017)
[6] Liêu Kim Sanh. Hải xâm hải thoái xưa ảnh hưởng đến vùng đồng bằng Nam Bộ. Trong Văn hóa Óc eo và các văn hóa cổ ở đồng bằng Cửu Long. Sở Văn hóa thông tin An Giang- 1984.
[7] Frey, H. L’annamite, mére des langues; communaute d’origine des races celtiques, semitiques, soudanaises et de l’lndo-Chine) Paris, Hachette et cie, 1892.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]