Pháp Luân Công là gì?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: “What is Falun Gong?”, The Economist, 05/09/2018.

Biên dịch: Nguyễn Minh Khuê

Đi vào khu phố Tàu ở bất kỳ thành phố lớn nào của phương Tây, và trên con phố chính, bạn có thể nhìn thấy một dãy những người đang ngồi thiền, chân xếp bằng và lưng giữ thẳng. Họ dường như vô hại và có thể dễ dàng bị nhầm tưởng là những người đang tham gia một lớp học yoga. Trên thực tế, họ đang thực hành một bài tập định trước của Pháp Luân Công, một giáo phái mà Trung Quốc đã cấm từ năm 1999 và gọi là “tà đạo”. Cùng với người Tây Tạng, người Hồi giáo Uighur, các nhà hoạt động dân chủ và các nhà hoạt động đòi độc lập cho Đài Loan, các học viên Pháp Luân Công là một trong “năm độc tố” – những người mà chính phủ Trung Quốc thừa nhận là gây ra mối đe dọa lớn nhất đối với sự cai trị của mình. Vậy Pháp Luân Công là gì?

Pháp Luân Công, có nghĩa là “Bánh xe Pháp” (hay Dharmacakra theo tiếng Phạn), là một tập hợp các bài tập thiền định và các bài giảng về triết lý đạo đức xoay quanh Chân, Thiện, Nhẫn. Nó được thành lập ở Đông Bắc Trung Quốc vào năm 1992 bởi Li Hongzhi (Lý Hồng Chí), từng là một người chơi kèn trumpet. Pháp Luân Công dựa trên truyền thống khí công lâu đời của Trung Quốc, một chế độ tập luyện hít thở có kiểm soát và những cử động cơ thể nhẹ nhàng. Nhưng không giống như các môn học lấy cảm hứng từ khí công khác vốn mọc lên như nấm vào những năm 1990, thường tuyên bố chỉ mang lại lợi ích sức khỏe cho các học viên mà thôi, Pháp Luân Công tuyên bố còn là một con đường dẫn đến sự cứu rỗi cho các tín hữu. Các tín đồ sẽ cố gắng đạt được giác ngộ bằng cách đọc các tác phẩm của “Sư phụ Lý”, người được cho là có khả năng đi xuyên tường và phi thân. Vào cuối những năm 1990, hàng triệu người Trung Quốc từ mọi tầng lớp xã hội đã bắt đầu tập Pháp Luân Công. Các học viên có thể được nhìn thấy ngồi thiền trong các công viên và quảng trường công cộng ở mọi thành phố.

Sự hấp dẫn ngày càng tăng của Pháp Luân Công đã làm Đảng Cộng sản cầm quyền hoảng sợ. Đảng muốn sự trung thành của người dân Trung Quốc không được chia sẻ cho ai, và ông Lý, một nhà lãnh đạo đang sống, đã cạnh tranh giành lòng trung thành đó. Các quan chức cảm thấy bị đe dọa bởi những gì họ coi là một “hệ tư tưởng cạnh tranh” đầy sức mạnh, như cách nói của một học viên Pháp Luân Công, và bởi sự gia tăng đáng kinh ngạc về số lượng học viên từ năm 1992 đến năm 1999. Năm 1996 chính phủ cấm bán các cuốn “Chuyển Pháp Luân” (Zhuan Faluan), cuốn “kinh sách” căn bản của phong trào tâm linh này. Ngay sau đó, các bài xã luận báo chí đã bắt đầu tấn công Pháp Luân Công, tuyên bố nó khiến các tín đồ tự sát. Vào tháng Tư năm 1999, hơn 10.000 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đã biểu tình bên ngoài Trung Nam Hải, trụ sở của đảng ở Bắc Kinh. Đáp lại sự khiêu khích, Giang Trạch Dân, chủ tịch Trung Quốc lúc đó, thề sẽ tiêu diệt giáo phái này. Vào tháng 6 năm 1999, ông thành lập Văn phòng 610 (đặt tên theo ngày thành lập), một tổ chức đảng bí mật có nhiệm vụ đàn áp Pháp Luân Công, và một tháng sau chính phủ tuyên bố giáo phái này là bất hợp pháp. Trong vòng vài tháng, hàng ngàn học viên đã bị bắt, cho vào tù hoặc các trung tâm “cải tạo”.

Tuy nhiên, bất chấp sự đàn áp kéo dài 20 năm, Pháp Luân Công vẫn sống sót. Theo nhà nghiên cứu Massimo Introvigne của Trung tâm Nghiên cứu về Tôn giáo mới tại Italia, lực lượng này đã suy yếu rất nhiều, với số tín đồ tại Trung Quốc hiện chỉ bằng 5% so với thời đỉnh cao. Các buổi thiền công cộng ở Trung Quốc đều đã biến mất. Nhưng cứ vài tuần một lần các phương tiện truyền thông bằng tiếng Trung vẫn đưa tin về việc các học viên Pháp Luân Công mới bị bắt, điều có lẽ là chỉ dấu cho khả năng tồn tại bền bỉ đáng kinh ngạc của tổ chức này. Và ông Lý, hiện sống lưu vong ở Mỹ, vẫn đang hoạt động tích cực. Hồi tháng Sáu, ông đã phát biểu trước hàng ngàn tín đồ tại một sân vận động ở Washington, DC, ca ngợi các học viên ở Trung Quốc vì đã giữ vững đức tin của họ mặc dù bị đàn áp bởi một “tà đảng”. Vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi Pháp Luân Công đứng đầu trong danh sách mới nhất về 24 tà đạo do chính phủ Trung Quốc ban  hành.