Ngoại giao nên dùng tiếng Anh hay tiếng Pháp?

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành

Trong dịp EU và Nga có cuộc đàm phán quan trọng tại Moskva, bộ trưởng Ngoại giao Pháp Bernard Kouchner thừa nhận: do việc phiên dịch tiếng Pháp có vấn đề nên cuộc xung đột Nga-Gruzia đã bị kéo dài.

Báo Telegraph (Anh Quốc) ngày Thứ Hai 8/9/2008 có bài viết giật tít “Tiếng Pháp tồi làm cho cuộc xung đột Nga-Gruzia bị kéo dài” (Bad French prolongs Russia-Georgia conflict) của phóng viên Anh gửi từ Paris. Nội dung đại để như sau:

Thoả thuận đạt được giữa EU với Nga hồi tháng Tám có một nội dung quan trọng là lập “vùng đệm” (buffer zones) giữa Nga với hai vùng ly khai của Gruzia là Nam Ossetia và Abkhazia. Người thay mặt EU trong cuộc đàm phán với Nga là Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, vì hiện nay (2008) Pháp là chủ tịch luân phiên của EU. Nhưng sách lược ngoại giao ban đầu của EU bị thất bại thảm hại vì Nga chưa rút quân ra khỏi phần đất quan trọng này.

Cuối tuần trước Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Kouchner nói tại hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao EU rằng hiệp định ngừng bắn được dự thảo bằng tiếng Pháp, sau đó lần lượt dịch ra tiếng Anh rồi tiếng Nga.

Khi được hỏi xung quanh chuyện vùng đệm có vấn đề gì không, ông Kouchner trả lời: “Như mọi khi, vẫn là chuyện phiên dịch ấy mà” (“The translation, as always.”).

Giờ đây người ta phát hiện một trong các nguyên nhân kéo dài cuộc xung đột nói trên là một đoạn trong bản dịch từ bản gốc tiếng Pháp sang tiếng Nga của hiệp định viết là: (lập lại) an ninh “cho” (tiếng Anh: “for”) Nam Ossetia và Abkhazia; trong khi bản tiếng Anh lại viết là (lập lại) an ninh “tại” (“in”) hai vùng đó.

Sự khác biệt này rất quan trọng, vì Nga vẫn tiếp tục đóng quân “tại” vùng đó, còn cộng đồng quốc tế thì hy vọng là an ninh “cho” Nam Ossetia và Abkhazia sẽ được khôi phục bằng việc quân đội Nga rút đi.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nhận xét cách dùng từ của hiệp định làm cho người ta nghĩ rằng Nga là kẻ xâm lược; theo ông, sự lĩnh hội của Gruzia “hoàn toàn xuyên tạc nguyên ý”, kể cả việc đổi giới từ “cho” thành “tại”.

Xưa nay người Pháp đều nghĩ rằng tiếng Pháp là một ngôn ngữ thông dụng được toàn thế giới sử dụng và hiểu. Màn hài kịch vừa rồi đã tác động mạnh đến họ.

Trên thực tế, tiếng Pháp ngày càng tỏ ra không thích hợp với cộng đồng quốc tế, từ lâu nó đã được thay bằng tiếng Anh như một ngôn ngữ ngoại giao. Tuần trước Bộ trưởng Bộ giáo dục Pháp Xavier Darcos thừa nhận “bí quyết thành công” của giới trẻ Pháp hiện nay là biết nói tiếng Anh.

Nhà ngôn ngữ số một Trung Quốc Châu Hữu Quang  cho biết : Trên thực tế, tỷ lệ sử dụng 6 ngôn ngữ làm việc của Liên Hợp Quốc trong soạn thảo các văn kiện ban đầu ở tổ chức này như sau : Tiếng Anh 80%, Pháp – 15%, Tây Ban Nha – 4%, còn lại 1% – Nga, A Rập, Trung Quốc.