Báo cáo đặc biệt về Chiến tranh lạnh Mỹ – Trung (P3)

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: In Beijing, views of America have become deeply cynical”, The Economist, 16/05/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

3. Trung Quốc ngày càng khinh miệt Mỹ

Nếu nói chuyện đủ lâu với các học giả và quan chức Trung Quốc nghiên cứu về Mỹ, ở một thời điểm nào đó bạn sẽ nghe họ so sánh mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ với một cuộc hôn nhân tồi. Đó là một sự so sánh cho thấy nhiều ý nghĩa. Trung Quốc có lợi ích ở các châu lục khác, nhưng Mỹ là một nỗi ám ảnh thường trực. So sánh quan hệ Mỹ – Trung với một cuộc hôn nhân hàm ý sự ngưỡng mộ kéo dài xen lẫn với sự ghen tị và phẫn nộ mà giới tinh hoa Trung Quốc dành cho đối thủ toàn cầu của họ. Tuy nhiên, trong thời đại Trump, một cảm xúc mới nguy hiểm khác cũng đang ngày càng nổi lên, đó là sự khinh miệt dành cho Hoa Kỳ.

Các quan chức cấp cao của Trung Quốc có ít động lực để nói chuyện với người nước ngoài. Nhưng một số cán bộ và học giả từng báo cáo với lãnh đạo chính phủ và đảng cũng đôi khi nói chuyện với người ngoài một cách không chính thức. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thẳng thắn với các đối tác nước ngoài một cách có chọn lọc, đồng thời duy trì quan hệ với các quan chức cấp cao phương Tây đã nghỉ hưu. Có thể nói rằng các tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc thất vọng sâu sắc với một nước Mỹ đã bầu Donald Trump làm tổng thống. Mỹ được gọi là một kẻ thất bại cay cú và kẻ phá hoại nguy hiểm, không chỉ không muốn đóng một vai trò dẫn dắt trên thế giới mà còn nổi điên nếu Trung Quốc trở nên tích cực hơn.

Chẳng hạn, theo dòng suy nghĩ này, họ giận giữ khi nghe Mỹ phàn nàn về tham vọng của Trung Quốc thông qua Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu của Chủ tịch Tập Cận Bình, trong khi Mỹ không còn sẵn sàng đóng một vai trò dẫn dắt trong việc thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu, và quá chăm chăm lợi ích tự thân nên không muốn đầu tư vào việc gia tăng kết nối thế giới.

Nếu đây là một cuộc cãi vã giữa  hai vợ chồng, câu nói tóm tắt tâm trạng ở Bắc Kinh sẽ là một lời mắng mỏ đầy giận dữ trút vào nước Mỹ: “Tại sao anh luôn nghĩ mọi chuyện đều liên quan tới anh?” Trung Quốc lập luận rằng họ không tìm cách để vượt qua Mỹ. Nếu Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới thì đó là bởi Trung Quốc rất đông dân và muốn mang lại cho họ một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đúng, Trung Quốc đã được hưởng 40 năm thành công, nhưng đó là nhờ vào nỗ lực lao động cần cù không ngừng của họ. Tuy nhiên, nhiều vùng ở Trung Quốc vẫn bị bỏ lại phía sau và đang cần được đầu tư phát triển.

Đó là lý do cần duy trì tăng trưởng kinh tế và tại sao Trung Quốc lại sợ chiến tranh thương mại với ông Trump. Nhưng đó cũng là một lý do giải thích cho sự phẫn nộ về cái được coi là chính sách ngăn chặn của Mỹ. Các nguồn tin Trung Quốc mô tả một cảm giác ngột ngạt rằng, khi viễn cảnh Trung Quốc trở nên khá giả  hơn nằm trong tầm tay, một nước Mỹ đang suy yếu lại đang chất vấn quyền của Trung Quốc trong việc đạt được sự khá giả đó, cho dù bằng cách xây dựng các lực lượng vũ trang hùng mạnh hay phát triển các công nghệ tiên tiến.

Họ lập luận rằng giàu là chưa đủ. Các quốc gia còn phải mạnh, về cả quân sự và công nghệ. Sự nhục nhã của Trung Quốc thời phong kiến dưới tay các cường quốc châu Âu nhỏ hơn đã chứng minh cho điều đó. Thông thường, đó là điều khiến các nguồn Trung Quốc mà chúng tôi phỏng vấn dẫn dắt tới vụ Mạnh Vãn Chu, một giám đốc điều hành cấp cao của Huawei và là con gái của người sáng lập công ty viễn thông khổng lồ này, bị bắt giữ ở Canada. Tiếp theo đó sẽ là lập luận cay nghiệt về sức mạnh tương đối của Trung Quốc, Mỹ và Canada. Ít khi họ nói về các chi tiết pháp lý chống lại bà Mạnh, vốn bị bắt theo yêu cầu của các công tố viên Mỹ dựa trên cáo buộc rằng bà Mạnh đã vi phạm các biện pháp trừng phạt chống Iran. Vụ bắt giữ bà Mạnh được coi là một tín hiệu cho thấy nước Mỹ có thể chấp nhận một nước Trung Quốc giàu hơn nhưng không muốn nước này mạnh hơn. Các cuộc biểu tình ủng hộ Trung Quốc đã diễn ra ở Canada và Hồng Kông (ảnh).

Các cuộc thảo luận về tranh chấp lãnh thổ cũng diễn ra theo các lập luận tương tự. Phiên bản lịch sử công khai của chính phủ Trung Quốc khẳng định chủ quyền của họ đối với các rạn san hô và đảo trên Biển Đông. Nhưng khi nói chuyện riêng, các quan chức phản đối việc Mỹ gửi tàu chiến và máy bay đi qua các vùng biển tranh chấp đó, cho rằng Mỹ đang thể hiện sự thiếu tôn trọng và Trung Quốc sẽ không bao giờ dung thứ cho sự can thiệp vào sân sau của mình. Sau 40 năm phát triển kinh tế, đã đến lúc Trung Quốc phải giải quyết những vấn đề bị lơ là lâu nay, họ nói.

Các quan chức khác thì lập luận rằng không phải Trung Quốc đã thay đổi hành vi của mình; nước này chỉ đơn thuần trở nên lớn hơn và thành công hơn. Nếu Trung Quốc là kẻ lạm dụng trật tự quốc tế như vậy, họ đặt câu hỏi tại sao Mỹ và châu Âu trước đây lại chưa bao giờ phàn nàn về điều đó? Câu hỏi đó của các quan chức Trung Quốc phần nào không thỏa đáng. Trung Quốc đã nhiều lần hứa hẹn sẽ mở cửa thị trường và đối xử bình đẳng hơn với các công ty nước ngoài. Sau 20 năm thất hứa, sự kiên nhẫn của phương Tây tan biến. Nhưng phần nào đó lập luận của họ cũng có cơ sở.

Các doanh nghiệp nước ngoài đã từ lâu đã gửi tới các lãnh đạo Trung Quốc một thông điệp không rõ ràng, theo lời một người Mỹ làm việc tại Bắc Kinh. Trong các cuộc họp với các lãnh đạo chính phủ trung ương, các ông chủ phương Tây thường  tập trung nói về những kinh nghiệm tích cực của họ tại Trung Quốc, phần vì thận trọng, phần vì họ thấy ít có lý do để nêu lên các vấn đề do các quan chức địa phương nhiều quyền lực gây nên, họ biết rằng chính quyền trung ương có thể sẽ yêu cầu các quan chức địa phương tự điều tra, giải quyết. Không dám lên tiếng ở Trung Quốc, các doanh nghiệp Mỹ sẽ về nhà phàn nàn với chính phủ của họ, rồi chính phủ Mỹ lại phản ánh với phía Trung Quốc. Nhưng phía Trung Quốc sẽ không tin, nghĩ rằng họ đã nghe được sự thật trái ngược từ miệng các doanh nghiệp đang làm ăn ở Trung Quốc.

Ông Trump chia rẽ các quan chức và học giả Trung Quốc. Thế hệ lớn tuổi hơn, nhất là những người nằm trong số những người đầu tiên đi du học ở Mỹ, rất đau lòng khi thấy ông Trump nhận được sự ủng hộ của nhiều cử tri. Còn thế hệ các quan chức trung niên thành đạt có xu hướng hả hê hơn. Những ký ức ban đầu của họ về nước Mỹ liên quan đến các thảm họa như cuộc xâm lược Iraq năm 2003 và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Họ mỉa mai rằng ông Trump đã chẩn đoán căn bệnh của Mỹ hoàn toàn chính xác. Ý họ là ông Trump đã đúng khi kéo quân từ Trung Đông và châu Á về để tập trung vào việc chỉnh đốn lại quốc gia từ bên trong. Đồng thời, họ nói thêm, chất lượng thấp của các quan chức được bổ nhiệm trong chính quyền Trump cho thấy sự vượt trội của hệ thống độc đảng mà ở đó quan chức được bổ nhiệm dựa trên năng lực của Trung Quốc.

Những tiếng nói thẳng thắn nhất thì thừa nhận rằng Trung Quốc đã hiểu sai ông Trump, lúc đầu nghĩ rằng Trump là một doanh nhân New York thực dụng tựa như những người khác mà Trung Quốc đã biết. Trung Quốc cũng đánh giá thấp độ bền bỉ của sự ủng hộ dành cho ông. Việc ông Trump leo thang chiến tranh thương mại đã gây sốc cho các lãnh đạo Trung Quốc, những người đã trấn an các lãnh đạo phương Tây đến thăm vào mùa xuân 2018 rằng các đe dọa của ông Trump chỉ là trò diễn và cả hai bên có quá nhiều thứ để mất nên không thể để cho một cuộc chiến tranh thương mại thực sự bắt đầu.

Sau khi ông Trump đe dọa trút “bão lửa và cuồng nộ” lên Triều Tiên vào năm 2017, điều thực sự khiến Trung Quốc lo lắng, chính phủ ở Bắc Kinh thích chính sách Triều Tiên hiện tại của Trump. Cho đến bây giờ, chính sách đó kết hợp giữa sự thờ ơ với các hành vi vi phạm nhân quyền của Triều Tiên với sự sẵn sàng đình chỉ các cuộc tập trận của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc, miễn là Triều Tiên tạm dừng các vụ thử hạt nhân hoặc tên lửa đe dọa nước Mỹ. Đó thực chất là chính sách hai bên cùng kiềm chế mà các lãnh đạo Trung Quốc đã kêu gọi các chính quyền Mỹ trước đây thực hiện. Các chính quyền đó đã từ chối, coi đó như một sự phản bội các đồng minh an ninh châu Á.

Những người tự do yêu Trump

Trong suốt năm 2018, các chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài đến thăm Bắc Kinh đều ngạc nhiên trước một hiện tượng bất ngờ có thể được gọi là “những người tự do ủng hộ Trump”. Trong số này có các học giả Trung Quốc mang tư tưởng cải cách kín đáo hoan nghênh phong cách hung hăng của ông Trump. Họ coi áp lực bên ngoài là cách tốt nhất để thúc đẩy các thay đổi cần thiết bên trong Trung Quốc, từ việc dỡ bỏ các độc quyền của doanh nghiệp nhà nước đến mở cửa thị trường. Những người theo tư tưởng tự do này hiện thận trong hơn khi Trung Quốc đang cảm thấy bị tấn công, còn ông Trump dường như ít quan tâm đến các cải cách cơ cấu.

Các nhà cải cách Trung Quốc không bao giờ thực sự ngưỡng mộ Trump. Đúng hơn là họ chỉ hi vọng rằng vị tổng thống Mỹ sẽ là “kẻ bắt nạt” lớn hơn ông Tập. Mặc dù ông Tập trở nên chuyên chế hơn, nhưng ông Tập cũng bị chỉ trích rất nhiều trong giới tinh hoa Bắc Kinh. Một số người gọi ông ta là một người theo chủ nghĩa nhà nước không hiểu kinh tế. Những người khác đổ lỗi luận điệu hùng hổ của ông Tập về sự trỗi dậy của Trung Quốc là nguyên nhân dẫn tới các phản ứng dữ dội ở nước ngoài, và nói rằng ông Tập đã khơi nguồn cho cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ. Cái khó là không thể biết được những người chỉ trích đó có tác động ít hay nhiều hơn so với các quan chức dòng chính ở Mỹ, những người chê bai chỉ trích Trump trong các bữa tiệc tối ở Washington, DC. Những người khác thì tức giận với ông Tập nhưng cũng không hề thân thiện với phương Tây. Bonnie Glaser, một chuyên gia có nhiều mối quan hệ với Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một viện nghiên cứu chính sách tại Washington, gần đây đã nói rằng các lãnh đạo cấp cao của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đang lo sợ, trong bối cảnh cuộc chiến chống tham nhũng của ông Tập đã đi quá xa.

Ông Tập đã nói với các vị khách nước ngoài rằng ông thất vọng với sự trước sau bất nhất của người Mỹ. Theo một bức điện ngoại giao bị rò rỉ, ông Tập đã phàn nàn với các lãnh đạo EU tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 7 năm ngoái rằng Mỹ đã quay lưng lại với Tổ chức Thương mại Thế giới ngay khi Trung Quốc vừa tham gia. Ông Tập cũng chỉ ra rằng Tổng thống Obama đã thuyết phục ông tham gia hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, để rồi cuối cùng ông Trump lại rút Mỹ ra.

Sự thiếu kiên nhẫn giữa hai cường quốc không có gì mới. Tuy nhiên, vấn đề là niềm tin của Trung Quốc vào tương lai của Mỹ đang hao mòn dần. Các quan chức Trung Quốc thường muốn nhận được sự tôn trọng của Mỹ, hỏi rằng tại sao Mỹ không thể chấp nhận rằng hệ thống chính trị của họ phù hợp với Trung Quốc hơn. Các quan chức Trung Quốc vẫn ghi nhận rằng Mỹ là một quốc gia giàu có và mạnh mẽ hơn, và Trung Quốc không muốn thù địch với Mỹ. Nhưng việc Mỹ có quan điểm tích cực về Trung Quốc hay không giờ ít quan trọng đối với họ.

Sẽ rất tồi tệ nếu các tầng lớp cầm quyền của Trung Quốc bắt đầu tin vào cáo buộc mà họ đã cố gắng không tin trong nhiều năm: rằng nước Mỹ đang cố gắng kiềm chế Trung Quốc. Nếu một nước Mỹ đầy thù hận muốn làm tổn thương Trung Quốc, sẽ khó có lý do để các quan chức Trung Quốc đề xuất các nhượng bộ hoặc thúc giục các cải cách có thể giúp cải thiện quan hệ với Mỹ. Trong địa chính trị cũng như trong hôn nhân, sự khinh miệt là một cảm xúc thường dẫn đến những kết quả tồi tệ.

(Còn tiếp 4 phần. Xem tiếp Phần 4)