Tại sao Brazil kỷ niệm cuộc đảo chính quân sự năm 1964?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Why is Jair Bolsonaro commemorating a coup that happened 55 years ago, The Economist, 05/04/2019.

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan

Vào ngày 31 tháng 3 năm 1964, những người lính Brazil đóng quân tại thành phố Juiz de Fora ở phía đông nam đất nước bắt đầu hành quân về phía Rio de Janeiro, đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc đảo chính quân sự. Trong những ngày sau đó, João Goulart, vị tổng thống dân cử dân chủ, đã trốn sang Uruguay. Ông được thay thế bởi một vị tướng. Nhiều người dân Brazil ủng hộ những người lính, tin rằng Goulart, một người theo chủ nghĩa dân túy cánh tả, đang lên kế hoạch thực hiện một cuộc đảo chính của riêng mình để thành lập một chính phủ lấy cảm hứng từ chủ nghĩa Peron của nước láng giềng Argentina.

Phần lớn mọi người đều cho rằng quân đội sẽ chỉ cầm quyền cho đến khi một cuộc bầu cử có thể được tổ chức vào năm 1965. Trên thực tế, chế độ độc tài đã kéo dài 21 năm. Nó đã giải tán quốc hội ba lần, hạn chế nghiêm trọng tự do báo chí, tra tấn hàng ngàn người bất đồng chính kiến ​​và sát hại hàng trăm người. Khi các nhóm du kích Marxist nổi lên để chống lại chế độ vào cuối những năm 1960, sự đàn áp ngày càng gia tăng.

Jair Bolsonaro, vị tổng thống cực hữu của Brazil, gần đây đã ra lệnh cho quân đội kỷ niệm cuộc đảo chính này. Trong chỉ thị gửi cho các chỉ huy, bộ trưởng quốc phòng của ông mô tả chế độ độc tài là một phản ứng chính đáng đối với “sự phản đối của phần lớn dân chúng” trước chủ nghĩa tả khuynh cực đoan. Điều này đã gây nên sự giận dữ cho các nạn nhân của chế độ quân sự, các chính trị gia từng phục vụ trong các chính phủ dân chủ và các nhóm nhân quyền. Họ đã đệ đơn lên các tòa án để ngăn chặn lễ kỷ niệm này. Nhưng sau một loạt các phán quyết, quân đội đã được phép tiến hành. Tiệc trưa và các cuộc diễu hành linh đình đã diễn ra tại các doanh trại trên khắp Brazil vào ngày 31 tháng 03. Ở Rio de Janeiro và São Paulo, bạo lực đã nổ ra giữa những người biểu tình ủng hộ với những người phản đối chế độ độc tài.

Ông Bolsonaro đã không giấu giếm sự ủng hộ đối với chế độ độc tài 1964-1985. Là một cựu chỉ huy quân đội, ông đã được bầu bảy lần vào hạ viện của quốc hội nhờ vào phần lớn phiếu bầu từ các sĩ quan cảnh sát và cựu chiến binh. Ông từng phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh rằng sai lầm duy nhất của chế độ độc tài là đã tra tấn người dân thay vì giết họ. Con trai ông, Eduardo, một nghị sĩ đến từ São Paulo, nhận xét rằng, “một người lính và một chỉ huy” là đủ để đóng cửa tòa án tối cao. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm ngoái, ông Bolsonaro đã coi nhẹ những bình luận đó, gọi chúng là vô hại, và bác bỏ những cáo buộc cho rằng ông là một nguy cơ đối với nền dân chủ Brazil. Sau khi thắng cử, ông đã lấp đầy nội các của mình với các tướng lĩnh. Cho đến nay, họ đã giúp ổn định một chính quyền đầy rẫy những thù hằn và bê bối trong vài tháng đầu.

Sự ngưỡng mộ đối với chế độ độc tài của Bolsonaro một phần xuất phát từ sự ác cảm của ông đối với cánh tả mà ông cho là nguồn gốc của sự vô đạo đức và tham nhũng. Ác cảm của ông mạnh mẽ đến mức ông đã tuyên bố trong một chuyến đi gần đây đến Israel rằng chủ nghĩa phát xít là một hiện tượng cánh tả chứ không phải là một phong trào cực hữu. Còn vị bộ trưởng giáo dục thì mô tả chế độ độc tài là “một chế độ dân chủ thông qua vũ lực”.

Lễ kỷ niệm của Bolsonaro có thể làm suy yếu sự ủng hộ đối với nền dân chủ. Lý do của điều này trở nên rõ ràng trong một video được phát đi bởi văn phòng của ông cho các nhà báo vào ngày kỷ niệm cuộc đảo chính. Chỉ dài hai phút, nó bắt đầu với phim đen trắng. Một người đàn ông với mái tóc bạc và cặp kính học giả giải thích cho những người xem “trẻ tuổi” rằng những năm 1960 là “khoảng thời gian của sự sợ hãi và những mối đe dọa”. Những người cộng sản đã “giết chết những đồng bào của họ” và đe dọa sẽ áp đặt ý thức hệ cánh tả lên tất cả người dân Brazil. Công chúng đã xuống đường, cầu xin một sự can thiệp. Sau đó, ông nói, “Brazil nhớ rằng nó có một quân đội.” Những thước phim đen trắng nhường chỗ cho những thước phim màu và giai điệu ảm đạm được thay thế bằng nhịp điệu nhanh đi kèm những âm thanh sắc nhọn. “Quân đội đã cứu chúng ta,” người đàn ông nói, khi quốc kỳ Brazil xuất hiện phía sau lưng ông. “Không thể nào thay đổi lịch sử”. Nhưng Bolsonaro dường như có một cách diễn giải rất khác lạ về lịch sử đó.