Việt Nam khôi phục cân bằng vùng miền trong cơ cấu lãnh đạo cấp cao?

Tác giả: Lê Hồng Hiệp

Vì lý do lịch sử, chính trị Việt Nam rất nhạy cảm với khía cạnh vùng miền. Quả thật, chia rẽ vùng miền là một trong những chủ đề quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam trong bốn thế kỷ qua.

Đối mặt với áp lực của các chúa Trịnh ở phía Bắc vào thế kỷ 17, các chúa Nguyễn đã dẫn một đội quân Nam tiến, cuối cùng giúp Việt Nam thiết lập chủ quyền tại hầu hết các lãnh thổ phía nam đất nước hiện nay. Nhưng một cuộc nội chiến kéo dài giữa hai dòng họ sau đó đã khiến đất nước bị chia cắt trong hơn 150 năm.

Việt Nam được thống nhất dưới thời Tây Sơn vào năm 1778 và sau đó là nhà Nguyễn vào năm 1802, nhưng lại tiếp tục bị chia cắt bởi người Pháp, khi Nam Kỳ trở thành thuộc địa của Pháp vào năm 1862, trong khi Trung Kỳ và Bắc Kỳ sau đó lần lượt trở thành các xứ bảo hộ của Pháp.

Sau khi những người cộng sản tuyên bố độc lập cho Việt Nam vào năm 1945, thì không lâu sau Hiệp định Genève 1954 đã góp phần đưa hai miền Nam – Bắc tiến vào một cuộc chiến kéo dài và tàn khốc.

Được thống nhất một lần nữa vào năm 1975 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), và kể từ cuối những năm 1980, khi chính trị kế vị trong đảng dần được thể chế hóa, các lãnh đạo cao nhất của Việt Nam thường được phân bổ cân đối một cách thận trọng giữa miền Bắc, miền Nam và miền Trung.

Đảng đã đạt được điều này bằng cách phân bổ ít nhất một trong bốn vị trí chính trị cao nhất của đất nước – gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội – cho mỗi miền. Điều này là nhằm để duy trì sự đoàn kết quốc gia và ngăn chặn những tình cảm vùng miền không lành mạnh bắt nguồn từ ký ức lịch sử ảnh hưởng đến đoàn kết nội bộ đảng.

Tuy nhiên, quá trình chuyển giao lãnh đạo gần đây của đảng đã không duy trì được thông lệ quan trọng này.

Tại Đại hội Đảng lần thứ 13 vừa mới kết thúc vào đầu tháng 2, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tái đắc cử nhiệm kỳ ba, một điều chưa từng có tiền lệ. Sau đó, vào ngày 31/3, trên cơ sở các quyết định nhân sự được thông qua tại Đại hội, Quốc hội đã bầu nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ làm Chủ tịch Quốc hội.

Tuần trước, Quốc  hội cũng đã bầu nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm tân Chủ tịch nước và nguyên Trưởng ban tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính lần thủ tướng mới. Ông Trọng là người miền Bắc, còn ông Phúc, ông Chính và ông Huệ xuất thân từ miền Trung.

Đây không phải là lần đầu tiên trong lịch sử gần đây Đảng phá vỡ thông lệ này. Ví dụ, tại Đại hội 8 vào năm 2006, không có chính trị gia miền Trung nào được bầu vào “tứ trụ”. Tuy nhiên, việc không có chính trị gia miền Nam nào lọt vào “tứ trụ” lần này đáng chú ý hơn nhiều vì miền Nam, với tư cách là động lực kinh tế quan trọng nhất của cả nước, trong đó chỉ riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã chiếm khoảng 1/4 GDP quốc gia, thường được cho là quá quan trọng nên không thể không có đại diện trong cơ cấu lãnh đạo cao nhất của quốc gia.

Hơn nữa, các ký ức lịch sử chủ yếu được định hình dọc theo sự chia rẽ Bắc – Nam, khiến người miền Nam dường như nhạy cảm hơn với một sự thiếu đại diện như vậy.

Dường như để giải quyết sự bất bình ngấm ngầm của các chính trị gia miền Nam, Đảng đang thực hiện các bước đi để từng bước khôi phục lại sự cân bằng vùng miền trong cơ cấu lãnh đạo cấp cao của mình.

Ngay sau Đại hội 13, Đảng đã bổ nhiệm ông Võ Văn Thưởng, một chính trị gia quê ở tỉnh Vĩnh Long, làm Thường trực Ban bí thư, vị trí số 5 trong hệ thống thứ bậc của đảng. Tuần trước, Quốc hội cũng đã bầu ba người miền Nam vào các vị trí cấp cao trong bộ máy nhà nước và chính phủ, gồm bà Võ Thị Ánh Xuân quê An Giang làm Phó Chủ tịch nước, ông Trần Thanh Mẫn quê Cần Thơ làm Phó Chủ tịch Quốc hội, và ông Lê Minh Khái quê Bạc Liêu làm một trong các phó thủ tướng.

Có một số đồn đoán cho rằng do tuổi cao, sức yếu và việc đã quá giới hạn nhiệm kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể nghỉ giữa nhiệm kỳ thứ ba và trao lại vị trí của mình cho ông Vương Đình Huệ hoặc ông Phạm Minh Chính.

Tiền lệ lịch sử và những cân nhắc thực tế cho thấy nếu điều này thực sự xảy ra, ông Huệ sẽ có cơ hội lớn hơn được chọn vào vị trí cao nhất. Bản thân ông Trọng từng là Chủ tịch Quốc hội trước khi đảm nhận cương vị hiện nay. Hơn nữa, do Thủ tướng là người giám sát nền kinh tế, việc thay đổi vị trí Chủ tịch Quốc hội sẽ ít gây xáo trộn hơn cho việc điều hành nền kinh tế đất nước.

Trong trường hợp ông Huệ được chọn kế nhiệm ông Trọng, ông Thưởng và ông Mẫn – cả hai đều là ủy viên Bộ Chính trị – có thể là những ứng viên hàng đầu cho vị trí Chủ tịch Quốc hội mà ông Huệ bỏ trống. Một ứng cử viên tiềm năng khác có thể là ông Nguyễn Văn Nên, quê Tây Ninh, hiện là Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Gốc gác Nam bộ sẽ mang lại cho họ một lợi thế quan trọng so với các đối thủ cạnh tranh, vì việc bầu bất kỳ ai trong số họ vào vị trí này sẽ giúp Đảng khôi phục lại sự cân bằng vùng miền trong nhóm tứ trụ. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng là khi nào ông Trọng sẽ bàn giao lại vị trí của mình cho ông Huệ, và ai trong số ông Thưởng, ông Mẫn hay ông Nên sẽ được cất nhắc để kế nhiệm vị trí chủ tịch quốc hội.

Nếu sự cân bằng vùng miền ở cấp cao được khôi phục, đây sẽ là một quyết định có ý nghĩa đối với Đảng. Để biện minh cho các bố trí nhân sự khác thông lệ được thực hiện tại Đại hội 13, một số quan chức đã tuyên bố cân bằng vùng miền không phải là yếu tố quan trọng trong các quyết định nhân sự cấp cao của đảng, thay vào đó chất lượng ứng viên mới là tiêu chí hàng đầu.

Tuy nhiên, nếu xét bối cảnh và kinh nghiệm lịch sử đặc biệt của Việt Nam, việc khôi phục lại thông lệ cân bằng vùng miền sẽ tốt cho lợi ích của cả đảng lẫn quốc gia, và vì vậy nên được thực hiện càng sớm càng tốt.

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên Nikkei Asia.