Reply To: Tác động của Hồ sơ Panama tới Trung Quốc, Nga và Anh

Home Diễn đàn Thông tin hữu ích Bình luận thời sự Tác động của Hồ sơ Panama tới Trung Quốc, Nga và Anh Reply To: Tác động của Hồ sơ Panama tới Trung Quốc, Nga và Anh

#16217
NCQT
Keymaster

Đảo quốc Anh trong triều cường Panamagate

Ở châu Âu, Anh (cùng với Nga) có số công ty offshore (tức công ty được thiết lập ở các thiên đường thuế) khá lớn, gần 18 ngàn, với Panama và quần đảo Virgin thuộc Anh là những “thiên đường thuế được ưa dùng nhất”. Nhưng Anh quốc đã kiên quyết từ bỏ mối lợi khổng lồ từ “ngành công nghiệp lách thuế toàn cầu’.

Nền kinh tế số 1?

Theo Economist, thông tin có được nhờ điều tra về Hồ sơ Panama (Panama Papers – PP) thành chủ đề quan trọng tại Diễn đàn chống tham nhũng toàn cầu, nhóm họp ở London tháng 5 này. Thủ tướng David Cameron ngay trước vụ PP, bày tỏ quyết tâm chống tham nhũng mãnh liệt, rằng chính phủ Anh đang tiến hành cải cách, để làm cho Vương quốc này trở thành nền kinh tế lớn số 1, rằng sẽ phát hành vào tháng 6 Danh mục đăng ký toàn quốc người được hưởng cổ tức từ các doanh nghiệp (Public register of UK companies’ beneficial owners).

Do Hồ sơ Panama Thủ tướng Anh càng bận rộn hơn, vì phải gánh cả sự giận dữ của công luận do… ông được thừa kế. Thân phụ ông được báo danh trong danh sách sở hữu tài khoản offshore, nên Cameron vừa phải thú nhận đã sở hữu sản phẩm có hưởng lợi về thuế (tax-efficient product), trước cả khi trở thành thủ tướng. Truyền thông phương Tây đang đặt vấn đề liệu các hành động từ 2013 của Cameron có ngầm ngăn cản sự tăng cường tình minh bạch của các “bến đỗ” offshore hay không. Sự dính líu vào Hồ sơ Panama quả là nhạy cảm đối với quyền lợi của Anh quốc, một khi nước này có thể nói là đang được lợi từ ngành công nghiệp né thuế toàn cầu, theo Tập đoàn dự báo chiến lược Stratfor. Người ta chợt nhớ, quần đảo Virgin thuộc Anh – nơi mà cả các đại quan, đại gia ở Liên Xô cũ, chẳng hạn, đang giấu những “tráp đựng vàng”, theo một số nguồn tiếng Nga từ cả trước vụ Hồ sơ Panama, không thuộc dạng “hàng sạch”.

Stratfor nhận định (10/4), trái với những dự định của Cameron, chủ đề Hồ sơ Panama đã tiếp lửa cho bầu không khí nóng hầm hập xung quanh vụ trưng cầu dân ý về việc Anh có nên rời EU hay không (Brexit). Dù chỉ một mình những rò rỉ vừa qua thôi thì chắc khó mà làm Cameron mất ghế Thủ tướng, nhưng những tiết lộ tiếp theo thì có thể. Và mọi hủy hoại xảy ra với uy tín của thủ tướng Anh sẽ giáng vào chiến dịch của ông nhằm giữ Anh ở lại EU, Stratfor nhận định.

Offsore: đỉa hai vòi?

Sự dính líu vào Hồ sơ Panama là nhạy cảm đối với quyền lợi của Anh quốc, một khi nước này có thể nói là đang được lợi từ ngành công nghiệp né thuế toàn cầu, vẫn theo Tập đoàn dự báo chiến lược Stratfor.
Thật vậy, sự chú ý dành cho Panama làm sao lãng một địa chỉ ưu đãi thuế lừng danh khác. Thời báo kinh doanh đối ngoại (International Business Times) của Anh điểm danh Panama và quần đảo Virgin thuộc Anh là “hai thiên đường thuế được ưa dùng nhất” nhờ công ty ‘cò mồi’ Mossack Fonseca, hành động nhân danh “Thượng đế” (khách hàng) của mình.

Người Anh cảm thấy bối rối khi Hồ sơ Panama phanh phui vai trò “nghịch đời” của quần đảo Virgin.

Theo một chiều, Virgin thuộc Anh là mái nhà chung cho 400 ngàn đến 800 ngàn công ty offshore, mà người sở hữu chúng đến từ mọi miền của thế giới. Đây là một vị “chủ nhà” (cho các khách chơi offshore) to nhất, trên cả Panama, Richard Murphy, một quan chức thuộc Cơ quan Điều tra Thuế Anh quốc đánh giá.

Ở chiều ngược lại, Virgin lại chính là nguồn sở hữu lớn nhất từ ngoại quốc đối với tài sản trên đất Anh. Chẳng hạn, nhiều bất động sản ở London được sở hữu nhờ đã “mượn đường” qua các cơ cấu offshore, chẳng hạn nhờ đầu tư ủy thác (investment trusts), một cơ chế thường gặp ở các thiên đường thuế, vẫn theo Thời báo kinh doanh đối ngoại của Anh.

Nỗ lực tập thể

Ngày 10/4, Bộ trưởng tài chính Anh David Gauke khẳng định: “thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng: sẽ không có bến đỗ an toàn” (cho những người muốn né thuế), theo bài “Anh quốc triển khai nhóm công tác liên chính quyền nhân vụ Hồ sơ Panama”.
Từ nay (2016) những người hoạt động thương trường cảnh ngoại (offshore developers) ở Anh nào xuất khẩu lợi nhuận để tránh thuế sẽ bị trở thành “bia” (targeted) trong tiến trình dựng luật mới về trốn thuế.

Trang điện tử của Chính phủ Anh khẳng định nội các hiện tại đang tiến hành những hành động “cách mạng hóa” (revolutionise) sự minh bạch về thuế, xử lý các hành vi, cả né lẫn trốn thuế (tax avoidance and evasion).

Trong nhiệm kỳ Quốc hội Anh này, chính quyền ở London sẽ tiến hành luật hóa 25 chủ trương, đảm bảo người dân thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế nhằm giúp chính phủ tăng khoản thu thuế thêm 16 tỷ bảng Anh vào năm 2021.

Ngược lại, Richard Murphy, quan chức cơ quan Điều tra Thuế Anh quốc cho hay người dân đang muốn làm rõ ai đang sở hữu những công ty offshore. Hiện có khoảng 94 ngàn doanh nghiệp đứng ngoài Anh (đăng ký pháp nhân ở các nước khác) nhưng đang sở hữu tài sản ở Anh, nay chúng phải được đối xử như doanh nghiệp của Anh, như đang thuộc giới kinh doanh Anh. Các doanh nghiệp “thực dân” này được yêu cầu phải khai danh sách những người chủ sở hữu được hưởng lợi (beneficial ownership), theo như luật Anh. Nếu doanh nghiệp “ngoại” có sở hữu “nội” nào không chịu làm theo yêu cầu trên, thì “đất đai và tài sản mà nó đang sở hữu sẽ thuộc về Nhà vua” (the crown – ý nói Vương quốc Anh), đại diện của cơ quan Điều tra Thuế Anh quốc khẳng định, vẫn theo Murphy.

Liệu ta có thể xem đây là một dạng quốc hữu hóa mới, ở thế kỷ 21?

Ở quy mô rộng hơn, BBC đưa tin ngày 15/4 rằng 5 nền kinh tế hàng đầu châu Âu vừa đạt thỏa thuận về trao đổi thông tin về những người bí mật sở hữu các doanh nghiệp và các quỹ đầu tư, nhằm đấu trang chống lợi dụng các góc khuất tài chính để trốn thuế, rửa tiền hay hưởng lợi từ tham nhũng. Năm nước Anh, Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha còn nhất trí đưa sáng kiến này ra diễn đàn G20.

Trong trường hợp thuận lợi, việc trao đổi các dữ liệu như thế trong một nhóm các nước có thể mở rộng thêm cho Mỹ, Ả-rập Saudi, và Trung Quốc…. vẫn theo BBC.

Ngày 6/5, nhân vật “John Doe” (tên giả của người tiết lộ Hồ sơ Panama – NBT) đã “biểu dương” Anh như sau: “Anh quốc có thể tự hào về sự chủ động của dân cư từ đó (vụ rỏ rỉ Hồ sơ Panama) đến nay, nhưng nước này vẫn còn phải đóng một vai trò sống động trong việc chấm dứt những bí mật tài chính trên các đảo khác nhau của nước này, những lãnh thổ (thuộc Anh) đang vẫn là những viên đá tảng cho sự tham nhũng ‘hợp luật’ (institutional corruption – than nhũng được thể chế hóa, “luật hóa”), một dạng tham nhũng có quy mô toàn cầu…

Ngày 9/5, BBC đưa tin 300 nhà kinh tế hàng đầu gửi thư cho các nhà lãnh đạo thế giới kêu gọi những nỗ lực chung nhằm dẹp bỏ tệ trốn thuế. Bức thư được chờ đợi sẽ có những chính khách và các học giả tên tuổi ký tên vào. Bức thư cho rằng các nước nghèo bị mất mát nhiều nhất bởi những thiên đường thuế.

Bức thư được gửi đi trước thềm Hội nghị thượng đỉnh chống tham nhũng, họp vào thứ Năm (12/5) tại London, với sự tham gia của đại diện 40 nước và của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

“Các chính phủ phải dàn xếp với nghị viện của mình để đảm bảo rằng tại tất cả các lãnh thổ mà các chính phủ đang chịu trách nhiệm, các thông tin có giá trị phải được công bố về những người chủ được hưởng lợi thực sự từ các công ty và các (thương vụ) ủy nhiệm”.

Bức thư cũng yêu cầu nước Anh phải đi đầu trong việc minh bạch thuế. Các nhà kinh tế ký tên trong thư, mà nhiều người đến từ khổi đại học nước Anh, nghĩ rằng nước này vừa là chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh lần này, vừa là nước có chủ quyền trùm lên cái gọi là thiên đường đứng thứ ba về ưu đãi thuế, có một vị trí độc đáo (unique) để dẫn đầu (trong trào lưu minh bạch về thuế trên toàn cầu).

Một đại diện của nhóm các nhà bác học nói trên khẳng định với BBC rằng các thiên đường thuế “không nhằm mục đích hữu ích”, chúng cho phép một số công ty và cá nhân kiếm lợi trên đầu phần còn lại của nhân loại (free-ride on the rest of humanity).

Theo tin phương tây 12/5 về Hội nghị thượng đỉnh chống tham nhũng, các nước Mỹ, Thụy Sĩ, Canada, Australia, New Zealand cùng với Interpol thành lập, lần đầu tiên, Trung tâm chống tham nhũng quốc tế, đặt trụ sở tại London.

Các nước Anh, Pháp, Hà Lan, Nigeria và Afganistan quyết định lập ra danh sách công khai những người chủ thực của các doanh nghiệp nước mình. Australia, New Zealand, Jordan, Indonesia, Ireland và Gruzia cũng bày tỏ sẽ thực hiện biện pháp này.

Hàng chục chủ thế hành chính thuộc Anh (như quần đảo Virgin), có các trung tâm tài chính lớn, sẽ công bố thông tin về những người chủ các tài sản đang được hưởng lợi nhuận. Đồng thời, các Cty nước ngoài sở hữu tài sản ở Anh sẽ phải công bố danh tính chủ thực của mình.
Lê Đỗ Huy (thuật)