NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.
- This topic is empty.
-
AuthorPosts
-
-
25/12/2019 at 09:53 #33096NCQTKeymaster
Thua Pháp ở Bắc Kỳ, nhà Thanh mất quyền ‘thiên triều’ với VN
Nguyễn Giangbbcvietnamese.comChiến tranh Pháp-Thanh (1883-85) giành quyền kiểm soát Bắc Kỳ không phải là một cuộc chiến lớn trong lịch sử châu Á.
Theo Kenneth Fletcher trong Bách khoa toàn thư Anh (Britannica), thì cuộc chiến “làm lộ ra sự yếu kém của Trung Hoa trong quá trình hiện đại hóa, và làm nóng lên làn sóng dân tộc chủ nghĩa ở Nam Trung Hoa”.
Ngoài ra, giới học giả Phương Tây lâu nay coi cuộc chiến này chỉ là một phần của quá trình châu Âu chinh phục thuộc địa tại Đông Á.
Nhưng với người Việt, cuộc chiến Pháp -Thanh đánh dấu một bước ngoặt lớn.
Pháp thắng Trung Hoa khiến Đại Nam phải gia nhập vào quỹ đạo của Phương Tây, dưới lá cờ Cộng hòa ‘thực dân’ Pháp.
Người Pháp đã đảo lộn toàn bộ xã hội truyền thống, bứt rễ tầng lớp Nho sĩ Việt Nam có đặc quyền 900 năm.
Nhưng lúc nguy biến, Đại Nam đã không tự cải cách được như Nhật Bản mà còn hướng về Bắc Triều, cầu viện Thanh đang trên đà tan rã.
Trước khi bị ép phải ký Hoà ước Giáp Tuất (1874), vua Tự Đức đã cử sứ bộ do Phan Sĩ Thuộc, Hà Văn Quang, Nguyễn Tú sang Trung Hoa.
Hai phái bộ nữa (1876, 1880) sang nhờ Thanh giải quyết nạn thổ phỉ từ nước sang tàn phá Việt Nam, và cầu viện chống Pháp.
Từ 1865-68, các nhóm vũ trang Cờ Đen, Cờ Vàng, Cờ Trắng đã trào vào Việt Nam làm cướp hoặc chiếm đất lập lãnh địa riêng.
Nhưng sau thỏa thuận năm 1871, hai mươi đơn vị (doanh quân chính quy) do đề đốc Quảng Tây Phùng Tử Tài chỉ huy đã nhập Việt.
Triều đình Huế cũng “thu phục” được Lưu Vĩnh Phúc, thủ lĩnh Cờ Đen để đánh Pháp.
Trong khi Pháp chưa rõ ràng về Bắc Kỳ, sĩ quan hải quân Francis Garnier đã tự đem quân ra Bắc, và bị giết bởi quân Cờ Đen năm 1873.
Dù không thừa nhận hành động tự ý của Garnier, Pháp vẫn cử Henri Riviere tổ chức cuộc hành quân ra Hà Nội.
Nhà Thanh đem quân vào Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Hưng Hóa.
Giao tranh đã tàn phá nhiều vùng của đồng bằng và trung du Bắc Bộ.
Lính Cờ Đen tác chiến giỏi hơn quân nhà Nguyễn, nhưng cũng cướp bóc, chém giếp dân Việt.
Cúng đã gây ra thảm sát Hương Canh (1884), giết chừng 700 dân làng, gồm nhiều trẻ em.
Một số quan lại Trung Quốc như Tăng Kỷ Trạch, đại sứ nhà Thanh ở Paris, đề xuất chia đôi Bắc Kỳ với Pháp.
Năm 1882, thấy thế thua đã rõ ở Việt Nam, đại thần Lý Hồng Chương của Thanh triều bắt đầu đàm phán với Pháp.
Hai bên thỏa thuận lập chế độ bảo hộ chung – ‘joint protectorate’.
Nhưng khi các quan chức Pháp đem vấn đề này về Paris thì bị chính quyền trung ương Pháp bác bỏ.
Paris cử thêm lực lượng sang Bắc Kỳ, và quân Thanh cũng tăng viện.
Pháp có quyền thương mại ở Bắc Kỳ, và nhà Thanh phải rút quân về.
Đổi lại, Thanh không phải trả chiến phí.
Nhưng điều quan trọng nhất của thỏa thuận Fournier là Trung Hoa phải bỏ chủ quyền ở Việt Nam (sovereignty over Vietnam).
Đây là điểm mấu chốt về ‘ý thức hệ’ và uy tín quốc tế của Trung Hoa nên phe diều hâu trong triều đình Thanh không chấp nhận.
Cuộc chiến tăng độ nóng, và Thanh tuy đông quân nhưng kém Pháp về hỏa lực, chiến thuật.
Ở Lạng Sơn, quân Quảng Tây tập trung 25 nghìn quân chống lại 1,5 nghìn quân Pháp mà không xong.
Bảo vệ phòng tuyến Kỳ Lừa, Francois Negrier của Pháp chỉ có 7 lính tử trận, 30 bị thương sau khi giết chết 1200 quân Thanh.
Ngay từ khi đó, Việt Nam đã thành chiến trường cho các thế lực quốc tế gián tiếp can thiệp.
Phổ và Anh đứng về phía nhà Thanh và đã nhiều lần tác động để Thanh tiếp tục chống Pháp.
Nga vẫn là mối đe dọa cho nhà Thanh ở phía Bắc và theo dõi sát chiến sự tại Bắc Kỳ.
Nhật Bản hỗ trợ Pháp trong cách triển khai hải quân vây Đài Loan và vô hiệu hóa hạm đội phía Bắc của Thanh.
Các cuộc nghị hòa của Pháp – Thanh về Bắc Kỳ đều có tác động của -đặc sứ Mỹ John Russell Young, người được Lý Hồng Chương tin cậy.
Vua Tự Đức cũng muốn cầu viện các nước châu Âu khác như Đức, Ý, và Phạm Phú Thứ đã đề xuất lập sứ quán tại Hong Kong để liên kết với Anh.
Nhưng các nỗ lực “đa phương quan hệ” đều bị Pháp chặn.
Dù ngăn cản được quân Pháp trên bộ ở Bắc Kỳ, phải đợi tới thất bại toàn diện về hải quân thì Thanh mới chịu thua.
Pháp đưa tàu vào bao vây quân cảnh Phúc Châu, nã pháo bắn tan hạm đội 11 chiếc tàu chiến hiện đại nhất của Thanh.
Năm 1885, hòa ước Pháp – Thanh được ký tại Paris.
Dư chấn của chiến tranh và tư duy Nho sĩ Đại Nam
Trước khi chiến sự ở Bắc Kỳ kết thúc, tháng 6/1884, khi ký Hoà ước Giáp Thân, Jules Patenotre vào Huế đem ‘Việt Nam Quốc vương chi ấn’ mà vua Gia Long nhận từ Thanh triều thời trước, đem đun chảy.
Thất bại ở Bắc Kỳ và Đài Loan khiến phái bảo thủ (Qingliu dang) ở triều đình Thanh thất thế.
Vốn coi khinh giá trị tinh thần Âu Mỹ, đề cao đạo đức Khổng giáo, họ tin rằng chỉ cần học ‘Tây Dương’ về kỹ thuật là đủ.
Sau khi nhóm cổ hủ bị loại, chỉ còn một đại thần là Trương Chi Động (từng tham gia chiến dịch Bắc Kỳ) chấp nhận học theo Tây Phương.
Ông trở thành nhà vận động cho cải cách quân sự, xây dựng lực lượng Tân quân thời Viên Thế Khải theo mô hình quân Phổ (Prussia).
Ở láng giềng phía Nam, giới sĩ phu Việt còn lạc hậu hơn về tư duy và vẫn muốn chống cự bằng cung kiếm, súng hỏa mai.
Phe chủ chiến có Tôn Thất Thuyết đứng đầu.
Được vua Tự Đức trước lúc mất ủy thác làm Đệ tam phụ chính đại thần giúp vua Dục Đức nhưng Tôn Thất Thuyết đã loại bỏ vị kế nhiệm, giết vua, gây ra nạn ‘tứ nguyệt tam vương’.
Hiệp Hòa, Kiến Phúc và Hàm Nghi nối nhau bị đặt lên ngôi chỉ trong một thời gian ngắn.
Chênh lệch lực lượng quá lớn
Trong khi đó, đối thủ của Đại Nam là Cộng hòa Pháp là nước đứng hàng tam cường (cùng Anh, Đức) ở châu Âu.
Napoleon III, người chủ trương đem quân sang chinh phục Đông Dương, không phải là ông vua phong kiến lạc hậu.
Ông ta bước vào chính trị bằng lá phiếu cử tri vì Pháp đã có bầu cử nghị viện.
Napoleon III đưa ra nhiều cải cách, từ quỹ hỗ trương (bảo hiểm xã hội) đến vệ sinh công cộng, và phát triển kinh tế.
-
- Về công nghệ, năm 1837, Pháp đã xây tuyến hỏa xa đầu tiên.
- Đến lúc đánh Đại Nam, Pháp đã có hơn 100 năm xây dựng hải quân (Académie royale de Marine thành lập ở Brest năm 1752), kinh nghiệm các cuộc chiến ở Canada, Mỹ, Địa Trung Hải.
- Năm 1859, tàu chiến bọc thép Gloire được hạ thuỷ.
- Các loại súng hiện đại như Paixhan đã tăng khả năng tác chiến trên biển của Pháp. Tàu ngầm Prolonguer hạ thuỷ năm 1863.
- Hạm đội Pháp, theo học thuyết Jeune Ecole, vươn ra xa, tham chiến ở châu Phi, Trung Đông, Triều Tiên, Trung Hoa.
Giả sử trận đánh úp quân Pháp ở Huế (1885) của Tôn Thất Thuyết nếu có thắng lợi thì cũng không xoay chuyển được xu thế.
Lời hiệu triệu chống Pháp mà ông soạn thay mặt vua Hàm Nghi dễ làm ta thất vọng vì không tìm thấy một chữ nào về Việt Nam.
Trái lại, văn bản này chỉ đầy các điển tích cổ Trung Hoa:
“Đang lúc thế sự muôn khó vạn khăn như vậy, bất đắc dĩ phải dụng quyền. Thái Vương dời sang đất Kỳ, Huyền Tông thăm chơi nẻo Thục, người đời xưa cũng đều có làm cả…
…Gối gươm, đánh chèo, cướp giáo, lăn chum, chẳng lẽ không có ai sao ? Vả thần tử đứng ở triều chỉ có theo nghĩa thôi, nghĩa ở đâu thì sự chết sống ở đấy. Hồ Yển, Triệu Thôi nước Tấn, Quách Tử Nghi, Lý Quang Bật nhà Đường là người thế nào đời cổ vậy?”
Khác hẳn Hịch Tướng Sĩ của Hưng Đạo Đại Vương thời Trần, chiếu Cần Vương trách móc, lên án và ra lệnh, dựa trên các giá trị rất cũ.
“Nhược bằng lòng sợ chết nặng hơn lòng yêu vua, nghĩ lo cho nhà hơn nghĩ lo cho nước, làm quan thì mượn cớ tránh xa, đi lính thì đào ngũ trốn tránh, dân không biết hiếu nghĩa cứu gấp việc công, sĩ cam bỏ chỗ sáng đi vào nơi tối, ví không phải sống thừa ở đời thì áo mũ mà hóa ra cầm thú ngựa trâu, ai nỡ làm thế? Thưởng cũng hậu mà phạt cũng nặng, triều đình tự có phép tắc, chớ để hối hận sau này! Phải nghiêm sợ tuân hành.”
Năm 1886, Tôn Thất Thuyết để vua trong rừng đi cầu viện mà không biết Thanh, như các chính phủ Trung Hoa sau này, đều đặt quan hệ với các đại cường lên trên nhu cầu chính trị của người Việt Nam.
Ông bị họ quản thúc theo yêu cầu của Pháp và chết ở xứ người năm 1913.
Trong nước, với khởi nghĩa Hương Khê thất bại đầu 1896, phong trào Cần Vương coi như chấm dứt.
Người viết bài này đã từng ra thăm đền thờ Nguyễn Trung Trực ở Phú Quốc, và bùi ngùi cảm khái trước số phận vị lãnh binh Nam Bộ anh hùng.
Đốt được tàu L’Esperance và đánh úp đồn Hà Tiên nhưng ông và nghĩa binh dần bị thua.
Chạy ra nơi ‘cùng trời cuối đất’ là Phú Quốc, Nguyễn Trung Trực bị Pháp bắt đem về Rạch Giá xử bắn năm 1868.
Cuộc kháng chiến ở Nam Kỳ khi đó còn khác rõ ràng về ‘ta-địch’ vì người Việt đương đầu với quân viễn chinh Pháp – Tây Ban Nha.
Nhưng từ 1885, phong trào của văn thân chủ yếu đánh vào bộ máy triều đình và giáo dân Việt, không giết được bao nhiêu người Pháp.
Có thể nói, cùng lời hiệu triệu của Tôn Thất Thuyết, một cuộc nội chiến đã nổ ra trên cả nước.
Phan Khoang viết trong ‘Việt Nam Pháp thuộc sử’ rằng trừ Thừa Thiên có Nguyễn Văn Tường giữ yên, các tỉnh đều bùng nổ:
-
- Ở Hà Tĩnh, dân chiếm tỉnh thành, giết bố chánh Lê Đại.
- Ở Phú Yên, thân hào chiếm tỉnh, bắt bố chánh Phạm Như Xương.
- Ở Quảng Bình, thân hào phất cờ Cử Nghĩa, giết bố chạnh Nguyễn Đình Dương.
- Ở Bình Định, Bình Thuận, thân hào phá phủ thành, các quan đều bỏ trốn.
- Ở Bắc Kỳ, Trung châu, quân nghĩa dũng đánh phá phủ huyện, chiếm thành, bắt quan.
“Các tỉnh từ Bình Thuận trở ra đâu cũng có loạn, bình dân và giáo dân giết hại lẫn nhau, những kẻ nghĩa khí đi từng làng chiêu mộ dân đánh Pháp, (nhưng) bọn a tòng gian xảo cũng thừa cơ cướp bóc, quan lại thì hoặc bị bắt, bị đuổi, hoặc theo nghĩa quân…”
“Cuộc kháng Pháp của văn thân kèm theo một cuộc cốt nhục tương tàn, phảng phất tính cách tôn giáo, rất thảm khốc và đáng tiếc.”
Chính sự hỗn loạn đó đã khiến người Pháp lại có cớ đem quân đánh dẹp, phục hồi trật tự.
Ở nhiều nơi, lính Pháp xông vào cướp lại thành, cứu các quan Việt Nam.
Cùng thời gian, ở Trung Quốc, trận thua Nhật Bản (1895) đã hạ bệ toàn bộ uy tín của Thanh triều, loạn Nghĩa Hoà Đoàn bùng nổ (1900).
Nạn sứ quân cát cứ lan ra trên toàn Trung Hoa cho đến khi vua cuối cùng của nhà Thanh thoái vị năm 1911.
Tóm lại, cuộc chiến ở Bắc Kỳ là cuộc phiêu lưu cuối cùng ở bên ngoài biên giới truyền thống mà Thanh thực hiện trước khi sụp đổ.
Pháp có xấu xa như từng mô tả?
Chế độ thực dân đã phá nát nhiều nền văn minh cổ xưa ở Nam Mỹ, châu Phi, châu Á.
Nhưng ngày nay nhìn lại có lẽ cần phải coi đây là một trào lưu không tránh khỏi của nhân loại.
Ở Đông Á, chỉ có Nhật Bản không rơi vào cảnh mất nước nhờ canh tân để tự biến mình thành thực dân, cướp bóc Triều Tiên, Trung Hoa.
Với các nước còn lại, tùy cách đối phó với làn sóng xâm lăng mà có số phận khác nhau.
Pháp vào Việt Nam vì nhu cầu xâm chiếm thuộc địa nhưng cũng bị thúc đẩy bởi tinh thần khai hóa, đem vinh quang cho nền cộng hòa mà họ tin rằng có tính tự do, phổ quát cho cả nhân loại.
Dư luận Pháp cũng không hẳn muốn cuộc viễn chinh.
Trong một cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội, phe chủ chương tham chiến ở Bắc Kỳ chỉ thắng nhờ bốn phiếu.
Trong khi đó, Đại Nam càng đánh càng thua, bế tắc và phải ký các hòa ước bất đình đẳng, càng ký càng thiệt thòi.
Người Pháp, khi ký Hòa ước Giáp Tuất (1874), chỉ muốn vua chúa Nguyễn cho họ và các nước khác vào buôn bán tự do, có đóng thuế.
Pháp để cho người Nam được các quyền tương tự như tự do sang Pháp và các thuộc địa khác của Pháp làm ăn, buôn bán, mở đại diện.
Phía Pháp cũng không bắt ai phải theo đạo Công giáo mà chỉ yêu cầu không giết giáo dân sau các vụ ‘bình Tây sát tả’ đẫm máu.
Ban đầu Pháp chỉ đòi Đại Nam tách ra khỏi Trung Hoa và mở các cảng để thông thương chứ không can thiệp vào nội trị.
Các lãnh đạo cao nhất của Pháp, như thủ tướng Jules Ferry, cũng chú ý để Đại Nam toàn vẹn lãnh thổ, trừ Nam Kỳ đã bị Pháp cắt ra.
Trên 200 lính Pháp đã hạ bốn tỉnh Bắc Kỳ trong ba tháng – trận Hà Nội thắng 7000 quân nhà Nguyễn – nhưng không có ý phá hoại.
Người Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh nay sẽ thấy điều thú vị là Thủ tướng Ferry trả lại ba tỉnh này cho vua Nguyễn.
Ông lập luận trước Quốc hội Pháp rằng:
“Muốn giúp cho công cuộc kinh doanh của Pháp ở Đông Dương có kết quả, thì phần đất còn lại của nước Nam phải trở thành một nước riêng, có đủ của cải để khỏi phiền lụy đến người Pháp, lo cai trị lấy mình, dưới sự chỉ huy của Pháp, vì thế, ba tỉnh Thanh, Nghệ, Tĩnh nên trao lại cho nước Nam..”
Pháp cũng tặng cho triều đình Huế một đội tàu chiến hiện đại, gồm bốn chiếc mang tên Pháp, Scorpion, d’Estaing, Mayenne, d’Entrecasteaux, và một chiếc mang tên Việt là tàu Biên Hòa.
Năm sĩ quan Pháp được cử tới để giúp người Nam học điều khiển tàu chiến và xây dựng hạm đội, nhưng “bị đỗi đãi lạt lẽo, không cho phương tiện làm việc, sau một thời gian, các sĩ quan đó cáo lui” (trích theo Phan Khoang).
Vua quan Đại Nam “ký hòa ước xong thì cho vào tủ”, không thực hiện hoặc loanh quanh, cù nhầy, khiến phái diều hâu ở Pháp càng thấy có lý do gây hấn, và qua các hòa ước về sau thì họ càng lấn tới.
Sau gần 30 năm giao tranh, ký kết, đến 1887 tổng thống Pháp đặt chức toàn quyền coi cả ba kỳ ở Việt Nam và Cao Miên.
Từ 1890 Liên bang Đông Dương có thêm Lào và Quảng Châu Loan (bên Trung Quốc).
Thực dân Pháp bắt đầu công cuộc khai thác và khai hóa thuộc địa hoàn toàn theo ý Paris.
Đông Dương đã thay đổi diện mạo rất nhiều, nhất là các vùng đô thị được Âu hóa triệt để.
Nhưng nông thôn Việt Nam vẫn chìm đắm trong lạc hậu, thậm chí ở vựa lúa Nam Bộ người dân còn thiếu ăn hơn trước, theo Britannica.
Sang thế kỷ 20, những vấn đề chưa giải quyết xong từ cuộc chiến Pháp – Thanh, nhất là về tư tưởng, lại bùng nổ bằng các cuộc cách mạng và chiến tranh còn thảm khốc hơn.
Nguồn: BBC
-
-
-
AuthorPosts
- You must be logged in to reply to this topic.