Nguồn: Alonzo L. Hamby, Outline of U.S. History (New York: Nova Publishers, 2007), Ch. 9.
“Một nền dân chủ vĩ đại sẽ không còn là vĩ đại và dân chủ nếu nó không tiến bộ”
– Cựu Tổng thống Theodore Roosevelt, vào khoảng năm 1910.
Khó khăn trong nông nghiệp và sự ra đời của chủ nghĩa dân túy
Mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể, nông dân Mỹ vào cuối thế kỷ XIX đã phải trải qua nhiều thời kỳ đầy gian khó. Các tiến bộ về cơ khí đã làm tăng sản lượng trên mỗi hecta đất trồng. Diện tích canh tác tăng rất nhanh vào nửa sau thế kỷ XIX do các tuyến đường sắt và các cuộc khai phá của người da đỏ ở vùng đồng bằng đã dần tạo ra các miền đất mới cho những người định cư phương Tây. Tương tự, diện tích đất trồng cũng tăng lên ở các quốc gia khác như Canada, Argentina và Australia, làm trầm trọng hơn những khó khăn trên thị trường thế giới, nơi tiêu thụ phần lớn các loại nông sản của Mỹ. Khắp mọi nơi, lượng cung quá lớn đã đẩy giá nông sản xuống thấp.
Nông dân tại vùng Trung Tây ngày càng tỏ ý phản đối mức cước phí vận chuyển bằng đường sắt mà họ cho là quá đắt để chuyên chở hàng hóa của họ đến nơi tiêu thụ. Họ cho rằng các loại thuế bảo hộ, trợ cấp cho các doanh nghiệp lớn đã khiến cho giá cả trang thiết bị dùng cho nông nghiệp ngày càng tăng. Phải chịu áp lực đồng thời do chi phí cao và giá nông phẩm trên thị trường lại quá rẻ, nông dân rất bất bình đối với các gánh nặng nợ nần ngày càng chồng chất và đối với các ngân hàng đang tạm giữ tài sản thế chấp của họ. Ngay cả điều kiện thời tiết cũng rất khắc nghiệt. Trong những năm cuối thế kỷ XIX, hạn hán đã tàn phá vùng Great Plains (Đồng bằng Lớn) ở phía Tây và khiến hàng nghìn nông dân ở đây bị phá sản.
Tại miền Nam, chế độ nô lệ chấm dứt đã đem lại nhiều đổi thay lớn. Nhiều đất nông nghiệp nay được canh tác bởi các lĩnh canh, tức là những người thuê đất để làm ruộng và phải trả cho chủ đất một nửa nông phẩm thu hoạch được thay cho tiền thuê đất, tiền hạt giống và tiền chi trả cho các trang thiết bị cần thiết. Ước tính khoảng 80% nông dân Mỹ da đen và 40% nông dân Mỹ da trắng ở miền Nam đã làm việc theo hệ thống bóc lột này. Đa phần trong số họ đã không thoát khỏi vòng luẩn quẩn của nợ nần, và hy vọng duy nhất của họ là tăng cường canh tác để thoát khỏi vòng luẩn quẩn đó. Điều này đã khiến bông và thuốc lá được sản xuất quá nhiều, khiến cho giá giảm và khiến đất đai tiếp tục bị suy kiệt.
Nỗ lực có tổ chức đầu tiên nhằm giải quyết các vấn đề về nông nghiệp được thực hiện bởi giới chủ vùng Husbandry, một nhóm các nông dân nổi tiếng trong phong trào Grange. Được khởi xướng bởi các viên chức Bộ Nông nghiệp Mỹ năm 1867, ban đầu, phong trào Grange tập trung vào các hoạt động xã hội chống lại sự cô lập đối với phần lớn các gia đình nông dân Mỹ. Sự tham gia của phụ nữ vào phong trào này rất được ủng hộ. Bộc phát từ cuộc khủng hoảng năm 1873, phong trào Grange đã nhanh chóng lớn mạnh, có tới 20.000 tăng hội và 1,5 triệu thành viên.
Những người theo phong trào Grange đã thành lập các hệ thống quảng cáo, bán hàng, các khu vực sản xuất, các nhà máy, các hợp tác xã riêng của họ, nhưng đa phần cuối cùng hầu hết đều đã thất bại. Phong trào này cũng đã đạt được một số thành công về chính trị. Trong những năm 1870, một số bang đã thông qua Đạo luật Grange nhằm hạn chế các mức cước phí chuyên chở bằng xe lửa và các mức phí lưu kho.
Năm 1880, phong trào Grange bước vào giai đoạn suy thoái và được thay thế bằng Liên minh Nông dân. Liên minh này có nhiều hoạt động tương tự như phong trào Grange nhưng công khai hơn về mặt chính trị. Năm 1890, Liên minh này – ban đầu là các tổ chức tự trị của tiểu bang – đã có tới 1,5 triệu thành viên từ New York đến California. Cùng lúc đó, một nhóm người Mỹ gốc Phi – Liên minh Nông dân da màu Quốc gia – cũng đã có tới hơn một triệu thành viên. Là liên minh giữa hai vùng Nam Bắc rộng lớn, các liên minh này đã xây dựng các chương trình kinh tế dành cho nông dân Mỹ nhằm bảo vệ họ chống lại những luật lệ phân biệt tầng lớp và việc xâm phạm vốn tập trung.
Đến năm 1890, mức độ suy kiệt đất đai đã trở nên nghiêm trọng nhất từ trước đến nay sau nhiều năm canh tác quá mức để đối phó với thuế McKinley. Phối hợp với các đảng viên Dân chủ tại miền Nam và các đảng thứ ba nhỏ lẻ ở miền Tây, khối Liên minh Nông dân đã vận động mạnh mẽ để tăng cường quyền lực chính trị. Một Đảng chính trị thứ ba – Đảng Nhân dân (còn gọi là Đảng Dân túy) – đã nổi lên. Trong lịch sử chính trị Hoa Kỳ từ trước tới nay, chưa có cơn sốt chính trị nào tương tự như cơn sốt ủng hộ Đảng Dân túy. Cơn sốt này đã lan truyền khắp các thảo nguyên và các vùng trồng bông. Cuộc tuyển cử năm 1890 đã mang lại quyền lực cho Đảng này tại 12 bang phía Nam và phía Tây, đồng thời đã đưa các nghị sỹ và các đại biểu của đảng Dân túy vào Quốc hội.
Đại hội đầu tiên của Đảng Dân túy đã diễn ra vào năm 1892. Các đoàn đại biểu của nông dân, người lao động và các tổ chức cải cách đã nhóm họp tại Omaha, bang Nebraska nhằm tác động tới hệ thống chính trị của Hoa Kỳ – một hệ thống mà họ đánh giá là đang bị tham nhũng nghiêm trọng do các tập đoàn độc quyền về tài chính và công nghiệp. Tuyên bố của Đảng nêu rõ:
Chúng ta gặp gỡ nhau khi đất nước đang phải chứng kiến sự suy thoái về đạo đức, chính trị và vật chất. Tham nhũng thống trị các hòm phiếu, các cơ quan lập pháp, Quốc hội, và động chạm tới cả các quan chức tại tòa án… Cùng sản sinh ra từ sự bất công của chính phủ, chúng ta đã chia thành hai giai cấp lớn – giai cấp nghèo khổ và những nhà triệu phú.
Tuyên bố của họ kêu gọi quốc hữu hóa đường sắt, mức thuế quan thấp, các khoản bảo đảm cho vay bằng các nông phẩm không hư hại trong các kho chứa thuộc quyền sở hữu của nhà nước; và quan trọng hơn cả là vấn đề lạm phát tiền tệ thông qua việc mua vào của Kho bạc Nhà nước, và cuối cùng là tỷ lệ đổi tiền xu bạc theo tỷ lệ truyền thống là 16 ounce bạc tương đương với một ounce vàng.
Phái Dân túy đã thể hiện sức mạnh của họ ở miền Tây và miền Nam; ứng cử viên chức tổng thống của họ đã đạt được hơn một triệu phiếu bầu. Nhưng vấn đề tiền tệ đã mau chóng làm lu mờ các vấn đề khác. Các phát ngôn viên nông nghiệp ở miền Tây và miền Nam đã thuyết phục dân chúng bằng lập luận cho rằng mọi khó khăn của họ bắt nguồn từ việc thiếu tiền trong lưu thông, bởi vậy, việc gia tăng lượng cung tiền có thể sẽ gián tiếp làm tăng giá nông phẩm và tăng lương trong các ngành công nghiệp, nhờ đó, các khoản nợ sẽ được trả bằng đồng tiền bị lạm phát. Tuy nhiên, các nhóm bảo thủ và các nhà tài chính đã đáp trả rằng tỷ lệ quy đổi 1:16 đã khiến giá đồng bạc tăng gần gấp đôi so với giá cả thị trường. Một chính sách mua vào không hạn chế có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang mất hết lượng dự trữ bằng vàng, khiến đồng đô-la mất giá nghiêm trọng và tàn phá sức mua của các tầng lớp lao động và trung lưu. Họ cho rằng chỉ có chế độ bản vị vàng mới đem lại sự ổn định.
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1893 đã khiến các cuộc tranh luận này thêm phần căng thẳng. Các ngân hàng vỡ nợ liên tục ở miền Nam và miền Trung Tây. Nạn thất nghiệp tăng vọt và giá nông sản tụt giảm thảm hại. Cuộc khủng hoảng này và việc Tổng thống Grover Cleveland nhất quyết bảo vệ chế độ bản vị vàng đã khiến Đảng Dân chủ bị chia rẽ nghiêm trọng. Các đảng viên Đảng Dân chủ từng ủng hộ đồng bạc đã gia nhập Đảng Dân túy khi cuộc bầu cử tổng thống năm 1896 đang đến gần.
Đại hội Đảng Dân chủ năm đó đã chứng kiến một trong những bài diễn văn nổi tiếng nhất trong lịch sử chính trị Hoa Kỳ. Khẩn thiết yêu cầu đại hội đừng đóng đinh nhân loại vào cây thập ác bằng vàng, William Jennings Bryan, một đảng viên trẻ tuổi quê ở bang Nebraska đã giành được vị trí ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ. Đảng Dân túy cũng ủng hộ Bryan trong cuộc bầu cử này.
Trong các hoạt động tranh cử sau đó, Bryan đã giành được sự ủng hộ ở các bang miền Nam và toàn bộ miền Tây. Nhưng ông đã thất bại ở các khu vực đông dân cư hơn – vùng công nghiệp phía Bắc và phía Đông. Cuối cùng, ông đã thất bại trước ứng cử viên Đảng Cộng hòa là William McKinley.
Vào năm sau đó, nền tài chính Mỹ bắt đầu được cải thiện, một phần là nhờ việc phát hiện ra vàng ở Alaska và vùng Yukon. Điều đó đã tạo cơ sở để quan điểm bảo thủ về cung tiền tăng lên. Năm 1898, cuộc chiến Tây Ban Nha – Mỹ đã thu hút sự chú ý của dân chúng, khiến họ không còn để ý đến các vấn đề của Đảng Dân túy nữa. Chủ nghĩa Dân túy và vấn đề sử dụng đồng bạc đã tiêu vong. Tuy nhiên, nhiều ý tưởng cải cách khác của phong trào này thì vẫn còn sống mãi.
Những cuộc đấu tranh của tầng lớp lao động
Cuộc sống của người công nhân công nghiệp Mỹ thế kỷ XIX rất cực khổ. Thậm chí ngay cả vào những thời kỳ thuận lợi thì đồng lương của họ vẫn thấp, giờ làm việc kéo dài và các điều kiện lao động rất khắc nghiệt. Chỉ có một số rất ít sự thịnh vượng từ sự phát triển của đất nước là đến được với người lao động. Hơn nữa, phụ nữ và trẻ em chiếm tỷ lệ cao trong lực lượng lao động ở một số ngành công nghiệp và họ thường chỉ được trả lương rất thấp, bằng một phần nhỏ so với số tiền nam giới kiếm được. Những cuộc khủng hoảng kinh tế thường xuyên đã tàn phá nước Mỹ, khiến đồng lương trả cho công nhân ngày càng ít đi và làm gia tăng nạn thấp nghiệp.
Bên cạnh đó, những cải tiến công nghệ làm tăng sản lượng quốc gia và tiếp tục làm giảm nhu cầu lao động tay nghề cao. Tuy vậy, lực lượng lao động tay nghề thấp vẫn không ngừng tăng lên vì lượng người nhập cư cao chưa từng thấy trước đây – từ năm 1880 đến năm 1910 đã có tới 18 triệu người tới Mỹ kiếm việc làm.
Trước năm 1874, khi bang Massachussets thông qua đạo luật quốc gia đầu tiên nhằm hạn chế số giờ lao động của phụ nữ và trẻ em ở nhà máy ở mức 10 tiếng một ngày, thì ở nước Mỹ, trước đó, chưa thực sự có một đạo luật lao động nào tồn tại. MÃi đến thập niên 1930, Chính phủ Liên bang mới thực sự vào cuộc. Trước đó, lĩnh vực lao động được giao cho chính quyền các tiểu bang và địa phương, và hầu như không có cơ quan chính quyền nào quan tâm đến nhu cầu của người lao động giống như họ đã quan tâm đến các nhà tư bản công nghiệp giàu có.
Chủ nghĩa tư bản tự do đã thống trị xã hội Mỹ trong nửa sau thế kỷ XIX, khuyến khích tập trung vốn và quyền lực vào tay một số người được bộ máy tư pháp ủng hộ nhằm chống lại những ai dám thách thức hệ thống. Trong hệ thống này, người ta chỉ tuân theo một học thuyết thống trị của thời đại đó. Dựa vào sự hiểu biết đơn giản hóa của học thuyết Darwin, nhiều nhà tư tưởng xã hội cho rằng sự tăng trưởng và công việc kinh doanh rộng lớn của các doanh nghiệp nhỏ cùng với sự thịnh vượng của một số ít người bên cạnh sự nghèo đói của nhiều người chỉ đơn giản là hệ quả sự tồn tại của những kẻ mạnh nhất và là một sản phẩm phụ tất yếu của sự tiến bộ.
Người lao động Mỹ, đặc biệt là giới lao động có tay nghề cao, có vẻ có cuộc sống ít nhất cũng ngang bằng với những người lao động trong khu vực công nghiệp ở châu Âu. Tuy nhiên, chi phí xã hội lại rất cao. Cho đến tận năm 1900, nước Mỹ vẫn có tỷ lệ tử vong liên quan tới việc làm cao nhất trong số các nước công nghiệp trên thế giới. Phần lớn công nhân công nghiệp thường phải làm việc 10 giờ một ngày (12 giờ trong ngành thép), tuy vậy số tiền họ kiếm được còn thấp hơn cả mức lương tối thiểu để duy trì một cuộc sống đạm bạc. Số lượng trẻ em tham gia lực lượng lao động đã tăng gấp đôi từ năm 1870 đến năm 1900.
Nỗ lực quan trọng đầu tiên để tổ chức các nhóm công nhân trên toàn quốc đã xuất hiện với sự ra đời của tổ chức Mệnh lệnh Cao quý của các Hiệp sỹ Lao động năm 1869. Lúc đầu, tổ chức này là một hội kín, không chính thức, do công nhân ngành dệt may ở Philadelphia thành lập và vận động cho các chương trình hợp tác. Sau này, nó đã mở rộng cho mọi người dân lao động tham gia, bao gồm cả những người da đen, phụ nữ và nông dân. Tổ chức này phát triển chậm chạp cho đến khi các công nhân đường sắt đã chiến thắng trong cuộc bãi công chống lại ông chủ đường sắt Jay Gould năm 1885. Chỉ trong vòng một năm, tổ chức này đã có thêm 500.000 người lao động tham gia vào danh sách thành viên. Tuy nhiên, do không thu hút được các tổ chức công đoàn và không duy trì được những thành công của mình, tổ chức này đã sớm rơi vào thoái trào.
Vị trí của tổ chức này trong phong trào lao động đã dần được thay thế bởi Liên đoàn Lao động Hoa Kỳ (AFL). Tổ chức AFL không mở rộng quy chế hội viên cho tất cả mọi người mà chỉ là một nhóm các công đoàn của các công nhân có tay nghề, được lãnh đạo bởi một cựu viên chức công đoàn xì gà – Samuel Gompers. Mục tiêu của tổ chức này là trong sạch, đơn giản, và phi chính trị: đó là các mục tiêu tăng lương, giảm giờ làm và cải thiện các điều kiện lao động. Tổ chức này đã hướng phong trào lao động khỏi những quan điểm xã hội chủ nghĩa của phần lớn các phong trào lao động ở châu Âu.
Tuy vậy, cả trước và sau khi AFL được thành lập, lịch sử lao động Hoa Kỳ vẫn là một lịch sử đầy xung đột. Trong cuộc tổng bãi công của ngành đường sắt năm 1877, các công nhân đường sắt trên khắp nước Mỹ đã tham gia đình công để phản đối việc cắt giảm 10% tiền lương trả cho mỗi ngày lao động. Các nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc đình công đã dẫn đến các cuộc nổi loạn và phá hủy quy mô lớn tại một số thành phố như: Baltimore bang Maryland, Chicago bang Illinois, Pittsburgh bang Pennsylvania, Buffalo bang New York và San Francisco thuộc bang California. Các đơn vị quân đội liên bang đã được đưa đến một số khu vực trước khi cuộc bãi công chấm dứt.
Chín năm sau, trong biến cố xảy ra tại quảng trường Haymarket, Chicago, một số người đã ném bom vào cảnh sát đang sắp sửa can thiệp vào một cuộc tuần hành không được phép của chính phủ để ủng hộ một cuộc bãi công đang diễn ra ở Công ty McCormick Harvester tại Chicago. Trong cơn náo loạn, bảy cảnh sát và ít nhất bốn công nhân đã chết. Khoảng 60 cảnh sát khác đã bị thương.
Năm 1892, tại các nhà máy thép Carnegie ở Homestead, bang Pennsylvania, một nhóm gồm 300 thám tử của hãng Pinkerton đã được công ty thuê để chấm dứt cuộc bãi công của các công nhân thuộc Tổng Công ty Sắt, Thép và Thiếc. Các thám tử đã dùng súng bắn vào các công nhân bãi công, nhưng cuối cùng họ đã thua cuộc. ội vệ binh quốc gia đã được điều đến nhằm bảo vệ người lao động không thuộc công đoàn và cuộc bãi công đã bị đập tan. Các công đoàn không được phép hoạt động trở lại cho tới tận năm 1937.
Năm 1894, việc cắt giảm lương tại Công ty Ôtô Pullman Palace ở ngoại ô Chicago đã làm bùng lên một cuộc đình công được sự ủng hộ của Công đoàn Đường sắt Mỹ và đã mau chóng làm tê liệt nhiều hệ thống đường sắt trên cả nước. Do tình hình ngày càng trở nên xấu đi, Tổng Chưởng lý Mỹ – Richars Olney – một cựu luật sư ngành đường sắt – đã đứng ra đại diện cho hơn 3000 người trong nỗ lực nhằm khai thông trở lại các tuyến đường sắt. Tiếp theo đó, Tòa án Liên bang đã ra lệnh cấm công đoàn can dự vào ngành đường sắt. Khi cuộc nổi loạn xảy ra, Tổng thống Cleveland đã phái quân đội liên bang tới và cuộc bãi công cuối cùng đã bị dập tắt.
Kiên cường nhất trong số các công đoàn tổ chức bãi công là Hiệp hội Công nhân Công nghiệp Quốc tế (IWW). Được thành lập từ các tổ chức công đoàn đấu tranh đòi cải thiện điều kiện lao động trong ngành công nghiệp khai khoáng ở miền Tây, tổ chức IWW, hay Wobblies như người ta thường gọi, đã trở nên nổi tiếng sau những cuộc đụng độ ở các mỏ khai khoáng tại Colorado năm 1903 và sau khi họ bị đàn áp dã man. Bị ảnh hưởng bởi các quân nhân theo chủ nghĩa vô chính phủ và do công khai kêu gọi đấu tranh, Wobblies đã chiếm được sự ủng hộ mạnh mẽ sau khi họ chiến thắng trong cuộc đình công khó khăn tại các nhà máy dệt ở Lawrence, bang Massachusetts năm 1912. Tuy nhiên, việc họ kêu gọi đình công vào thời điểm giữa cuộc Chiến tranh Thế giới Thứ nhất đã bị Chính phủ đàn áp thẳng tay năm 1917 và đập tan phong trào này.
Sự thôi thúc phải cải cách
Cuộc bầu cử tổng thống năm 1900 đã đem lại cho nhân dân Mỹ cơ hội xét đoán chính quyền Cộng hòa của Tổng thống McKinley, đặc biệt chính sách đối ngoại của chính quyền này. Gặp gỡ nhau ở Philadelphia, các Đảng viên Cộng hòa đã biểu lộ niềm hân hoan về thành công trong cuộc chiến với Tây Ban Nha, về sự phục hồi thịnh vượng và về nỗ lực nhằm giành được các thị trường mới nhờ chính sách mở cửa. McKinley dễ dàng một lần nữa đánh bại đối thủ của mình là William Jennings Bryan. Nhưng vị tổng thống này đã không còn đủ thời gian để tận hưởng thắng lợi của mình. Tháng 9/1901, trong một cuộc triển lãm ở Buffalo, bang New York, ông đã bị ám sát và trở thành vị tổng thống Mỹ thứ ba bị ám sát kể từ thời Nội chiến.
Theodore Roosevelt, Phó Tổng thống của McKinley đã kế nhiệm chức tổng thống. Sự kế nhiệm của Roosevelt trùng hợp với một thời kỳ mới trong đời sống chính trị và quan hệ đối ngoại của nước Mỹ. Lục địa đã đông dân cư và biên giới thì biến mất. Một quốc gia nhỏ bé theo chế độ cộng hòa trước đây nay đã trở thành một cường quốc thế giới. Những nền tảng chính trị của đất nước đã được thiết lập từ các cuộc chiến tranh với bên ngoài và các cuộc Nội chiến, từ sự thịnh vượng và cả từ các cuộc suy thoái. Những bước tiến lớn đã được thực hiện trong nông nghiệp và công nghiệp. Giáo dục công đã được triển khai rộng rãi và miễn phí, tự do báo chí được đảm bảo. Lý tưởng về tự do tôn giáo đã được duy trì. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nền kinh doanh lớn lúc này được củng cố nhiều hơn bất cứ lúc nào khác, chính quyền địa phương và chính quyền thành phố thường nằm trong tay các nhà chính trị tham nhũng.
Để đối phó lại sự suy thoái của chủ nghĩa tư bản thế kỷ XIX và sự suy đồi về chính trị, một phong trào cải cách đã xuất hiện và có tên là phong trào tiến bộ. Phong trào này đã khiến nền chính trị và tư tưởng Mỹ có một vài điểm khác biệt từ khoảng năm 1890 cho tới khi nước Mỹ tham gia vào Chiến tranh Thế giới Thứ nhất năm 1917. Phong trào tiến bộ có các mục tiêu khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung, những người tham gia phong trào này tự coi mình là các đảng viên dân chủ đấu tranh chống lại sự lạm dụng của giới chủ chính trị ở thành thị và của giới chủ cướp bóc tham nhũng tại các công ty lớn. Mục đích của phong trào này là xây dựng một nền dân chủ và công bằng xã hội rộng lớn hơn, duy trì một chính phủ trung thực, điều tiết kinh doanh hiệu quả hơn và cam kết cải thiện các dịch vụ công. Họ tin rằng việc mở rộng phạm vi quản lý của chính phủ sẽ bảo đảm cho sự tiến bộ của xã hội Mỹ và phúc lợi cho mọi công dân Mỹ.
Những năm từ 1902 đến 1908 đã đánh dấu thời kỳ cải cách rộng lớn nhất, khi các nhà văn và các nhà báo đều đấu tranh mạnh mẽ phản đối các nguyên tắc và thực tế vốn được thừa hưởng từ nền cộng hòa nông thôn thế kỷ XVIII hiện đang tỏ ra không phù hợp với các bang đô thị hóa của thế kỷ XX. Nhiều năm trước đó, vào năm 1873, nhà văn lỗi lạc Mark Twain đã chỉ trích và bóc trần xã hội Mỹ trong tác phẩm Thời đại giàu có. Lúc này, các bài báo sắc bén chống lại các công ty độc quyền, giới tài phiệt, các loại thực phẩm không sạch, hoạt động xấu xa của ngành đường sắt đã bắt đầu xuất hiện trên các tờ nhật báo và trong các tạp chí nổi tiếng như McClure’s và Collier’s. Tác giả của những bài báo này – ví dụ như nhà báo Ida May Tarbell, người đã đấu tranh chống lại Công ty độc quyền dầu mỏ Standard – đã nhanh chóng nổi danh là những người phanh phui bê bối.
Trong cuốn tiểu thuyết gây xôn xao dư luận của mình – Rừng rậm – văn hào Upton Sinclair đã mô tả những điều kiện làm việc bẩn thỉu trong các phân xưởng đóng gói thịt ở Chicago và lên án sự kìm kẹp của công ty độc quyền thịt bò đối với nguồn cung cấp thịt của nước Mỹ. Theodore Dreiser trong cuốn tiểu thuyết Nhà tài phiệt và Người khổng lồ đã khiến dân chúng dễ dàng hiểu được những mưu đồ của các công ty lớn. Cuốn Bạch tuộc của Frank Norris đã lên án giới chủ đường sắt vô đạo đức, cuốn Hố bẫy của ông đã bóc trần những thủ đoạn bí mật trên thị trường ngũ cốc ở Chicago. Tác phẩm Sự xấu hổ của các thành phố của Lincoln Steffen đã vạch trần nạn tham nhũng chính trị. Sự bùng nổ của các tác phẩm văn học hiện thực này đã kêu gọi dân chúng hành động.
Ảnh hưởng mạnh mẽ của các nhà văn không hề biết thỏa hiệp và các tầng lớp nhân dân vùng lên ngày càng rộng khắp đã kích động các lãnh tụ chính trị tiến hành một loạt các biện pháp thực tế. Nhiều bang đã ban hành những bộ luật nhằm cải thiện điều kiện sống và làm việc của dân chúng. Đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của những nhà phê bình xã hội xuất chúng như Jane Addams, những bộ luật về lao động trẻ em đã được củng cố và các bộ luật mới đã được thông qua. Nội dung của các bộ luật này là tăng giới hạn về tuổi, giảm bớt giờ làm việc, hạn chế làm việc ban đêm và yêu cầu trẻ em phải đi học.
Những cải cách của Roosevelt
Vào đầu thế kỷ XX, phần lớn các đô thị lớn và hơn một nửa số bang đã thực hiện chế độ làm việc tám giờ một ngày ở các công sở. Một bộ luật khác cũng không kém phần quan trọng là luật bồi thường cho người làm thuê. Các bộ luật này quy định giới chủ lao động phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với những tai nạn lao động của người làm thuê. Những bộ luật mới về thu nhập cũng được ban hành, nhằm đánh thuế vào các tài sản thừa kế, các khoản thu nhập và các tài sản hoặc lợi nhuận của công ty. Các bộ luật này đã chuyển gánh nặng chi phí của chính phủ lên vai những người có thu nhập cao.
Đối với nhiều người – nhất là đối với Tổng thống Theodore Roosevelt và các thủ lĩnh Đảng Tiến bộ ở Quốc hội (nổi tiếng hơn cả là Thượng nghị sỹ Robert LaFollette của bang Wisconsin) – rõ ràng là những vấn đề mà các nhà cải cách quan tâm nhất chỉ có thể được giải quyết nếu chúng được tiến hành trên khắp nước Mỹ. Roosevelt đã tuyên bố về quyết tâm của mình muốn đem lại cho người dân Mỹ một sự đối xử công bằng.
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, ông đã có một sáng kiến – chính sách nhằm tăng cường sự kiểm soát của chính phủ thông qua việc thực thi các đạo luật chống độc quyền. Trước sự vận động của ông, Quốc hội đã thông qua đạo luật Elkins năm 1903, nhằm cấm các công ty đường sắt hạ giá vận chuyển cho một số chủ tàu quen. Đạo luật này đã khiến các mức cước phí vận chuyển được thống nhất theo quy chuẩn của luật pháp và các chủ tàu đều bình đẳng với nhau khi ngành đường sắt hạ giá cước vận chuyển. Bên cạnh đó, Quốc hội đã thành lập một Bộ Thương mại và Lao động mới, trong đó bao gồm cả Văn phòng Doanh nghiệp có chức năng điều tra các vụ làm ăn của các tập đoàn.
Roosevelt đã được ca ngợi là một chiến sỹ chống độc quyền, nhưng thái độ của ông đối với các doanh nghiệp lớn dường như còn phức tạp. Ông tin rằng một nền kinh tế tập trung là không thể tránh khỏi. Một số tập đoàn độc quyền là tốt, một số khác thì lại xấu. Nhiệm vụ của chính phủ là phải có sự phân biệt rõ ràng. Ví dụ, khi Văn phòng Doanh nghiệp phát hiện ra vào năm 1907 rằng Công ty tinh chế đường Hoa Kỳ đã gian lận thuế nhập khẩu, công ty này đã phải nộp phạt 4 triệu đô-la và một số quan chức của công ty bị kết án. Công ty dầu Standard cũng đã bị truy tố về tội nhận tiền chiết khấu bí mật từ Công ty Đường sắt Chicago và Alton. Khoản tiền phạt lên tới 29 triệu đô-la.
Tính cách nổi bật của Tổng thống Roosevelt và các hoạt động chống độc quyền của ông đã giành được sự ủng hộ của những người dân bình thường; mọi người dù ở bất kỳ đảng phái nào đều tỏ ý tán thưởng những biện pháp tiến bộ của ông. Thêm vào đó, nền kinh tế thịnh vượng của đất nước trong giai đoạn này đã khiến dân chúng cảm thấy hài lòng với đảng cầm quyền. Roosevelt đã thắng cử một cách dễ dàng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1904.
Được khích lệ bởi thắng lợi tranh cử vang dội, Roosevelt đã kêu gọi cải cách mạnh mẽ ngành đường sắt. Tháng 6/1906, Quốc hội đã thông qua Đạo luật Hepburn. Luật này cho phép ủy ban Thương mại Liên bang được điều chỉnh thuế, mở rộng quyền lực pháp lý của ủy ban và buộc các công ty đường sắt phải từ bỏ quyền lợi của họ trong các công ty đường thủy và các công ty khai thác than.
Những biện pháp khác của Quốc hội tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa nguyên tắc kiểm soát của liên bang. Luật Thực phẩm Sạch ban hành năm 1906 cấm sử dụng bất kỳ một loại thuốc, hóa chất hay chất bảo quản thực phẩm có hại nào trong thuốc men và thực phẩm. Đạo luật Thanh tra Thịt cũng được ban hành vào năm này và cho phép thanh tra liên bang kiểm tra tất cả các cơ sở đóng gói thịt tham gia giao dịch liên bang.
Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, sự phát triển có quản lý của những khu đất công, và khai phá những vùng đất rộng lớn bấy lâu bị bỏ quên là một số những thành tựu quan trọng khác nữa của thời đại Roosevelt. Roosevelt và các phụ tá của ông còn hoạt động nhiều hơn cả những nhà bảo tồn, nhưng với sự khai thác những nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách vô tội vạ trước đó, công tác bảo tồn vẫn là một thách thức lớn trong chương trình hành động của họ. Trong khi những người tiền nhiệm của ông đã giành 18.800.000 hecta cho các khu rừng bảo tồn và công viên thì Roosevelt đã tăng diện tích này lên tới 59.200.000 hecta. Ông cũng bắt đầu một loạt các nỗ lực nhằm ngăn ngừa nạn cháy rừng và tái trồng rừng trên những khu đất trọc.
Taft và Wilson
Uy tín của Roosevelt lên đến đỉnh cao khi chiến dịch tranh cử năm 1908 đang đến gần, nhưng ông không muốn phá vỡ truyền thống vì chưa có tổng thống nào giữ cương vị tổng thống nhiều hơn hai nhiệm kỳ. Ông ủng hộ William Howard Taft, người đã làm việc trong chính quyền của ông với cương vị là Thống đốc Philippines và Bộ trưởng Chiến tranh. Trong cuộc vận động tranh cử, Taft cam kết tiếp tục các chương trình cải cách của Roosevelt. Ông đã đánh bại Bryan – người đã ba lần tranh cử chức tổng thống và đây cũng là lần tranh cử cuối cùng của ông này.
Vị tổng thống mới tiếp tục làm trong sạch các công ty độc quyền, nhưng với thái độ mềm dẻo hơn Roosevelt, ông tiếp tục củng cố quyền lực cho ủy ban Thương mại Liên bang, thành lập một ngân hàng tiết kiệm bưu điện và một hệ thống bưu phẩm, mở rộng các ngành dịch vụ dân sự và bảo trợ việc ban hành hai Điều bổ sung sửa đổi Hiến pháp được thông qua năm 1913.
Điều bổ sung sửa đổi thứ 16 của Hiến pháp – chỉ được phê chuẩn ngay trước khi Tổng thống Taft kết thúc nhiệm kỳ – đã cho phép thực hiện thuế thu nhập liên bang; Điều bổ sung sửa đổi thứ 17 – được thông qua một vài tháng sau đó – đã cho phép dân chúng trực tiếp bầu các Thượng nghị sỹ, thay thế cho hệ thống trước đó khi mà các thượng nghị sỹ được cơ quan lập pháp bang lựa chọn. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu này, Tổng thống Taft đã cho phép duy trì một biểu thuế quan mới có mức độ bảo hộ cao hơn; ông cũng đã chống lại việc bang Arizona gia nhập Liên bang vì Hiến pháp tự do của bang này; và tổng thống ngày càng dựa nhiều hơn vào cánh bảo thủ trong Đảng của mình.
Năm 1910, đảng của Taft đã bị chia rẽ ghê ghớm. Vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, Đảng Dân chủ đã giành quyền kiểm soát Quốc hội. Hai năm sau đó, Woodrow Wilson, Thống đốc tiến bộ thuộc Đảng Dân chủ của bang New Jersey đã tiến hành một chiến dịch tranh cử cạnh tranh với Taft – ứng cử viên Đảng Cộng hòa, và cạnh tranh với Roosevelt – lúc này cũng tham gia tranh cử với tư cách là ứng cử viên của Đảng Tiến bộ mới. Wilson đã đánh bại hai đối thủ này trong một chiến dịch tranh cử rất quyết liệt.
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, Wilson đã đưa ra những chương trình lập pháp nổi tiếng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Nhiệm vụ đầu tiên là sửa đối thuế quan. Wilson đã nói “Các mức thuế quan cần phải được sửa đổi”. Chúng ta phải bãi bỏ tất cả những gì mang tính đặc quyền. Biểu thuế Underwood đã được ký ngày 3/10/1913, nhằm giảm thuế nhập khẩu đối với các loại nguyên liệu thô và thực phẩm quan trọng, đối với các mặt hàng len, vải thô, với sắt và thép; đồng thời, biểu thuế này cũng bãi bỏ các loại thuế đánh vào hơn một trăm mặt hàng khác. Tuy đạo luật này vẫn còn nhiều điểm mang tính bảo hộ, nhưng nó là một nỗ lực thực sự làm giảm chi phí sinh hoạt. Để bù đắp cho các khoản thất thu thuế nhập khẩu đó, đạo luật này đã áp dụng một mức thuế tương đối thấp đánh vào thu nhập.
Công việc thứ hai trong chương trình của Đảng Dân chủ là việc tổ chức lại hệ thống ngân hàng và tiền tệ. Wilson nói, “Việc kiểm soát phải là của nhà nước chứ không phải là của một cá nhân. Chính phủ phải có nhiệm vụ kiểm soát để ngân hàng trở thành công cụ, chứ không trở thành ông chủ của các hoạt động kinh doanh và của các doanh nghiệp và sáng kiến cá nhân.
Bộ luật Dự trữ Liên bang ban hành ngày 23/12/1913 là một trong những thành công về lập pháp của Wilson. Các đảng viên Bảo thủ đã ra sức ủng hộ việc thành lập một ngân hàng trung ương. Nhưng bộ luật mới của Wilson – được ban hành theo chủ trương của đại biểu Đảng Dân chủ Jeffersonian – lại chia đất nước thành 12 quận, mỗi quận có một Ngân hàng Dự trữ Liên bang, tất cả các ngân hàng này đều do ủy ban Dự trữ Liên bang giám sát và chỉ có quyền hạn nhất định trong việc đưa ra các mức lãi suất khác nhau. Đạo luật này đảm bảo cho hoạt động cung tiền được linh hoạt hơn và giúp cho khoản dự trữ tiền tệ của các ngân hàng dự trữ liên bang đáp ứng được nhu cầu kinh doanh. Hệ thống này được tập trung hóa ở mức độ cao hơn vào những năm 1930.
Nhiệm vụ quan trọng kế tiếp là điều tiết các công ty độc quyền và điều tra các vụ vi phạm pháp luật trong các công ty. Quốc hội đã cho phép ủy ban Thương mại Liên bang ban hành các lệnh cấm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong các giao dịch buôn bán liên bang. Bộ luật Chống độc quyền Clayton đã cấm nhiều hoạt động của các tập đoàn đang vi phạm luật pháp như việc các ban giám đốc cấu kết với nhau, phân biệt đối xử về giá đối với các khách hàng, sử dụng mệnh lệnh trong những cuộc tranh chấp với người lao động và việc một công ty sở hữu cổ phần trong nhiều doanh nghiệp tương tự nhau.
Nông dân và những người lao động khác cũng không bị quên lãng. Bộ luật Smith-Lever năm 1914 đã thành lập một hệ thống mở của các cơ quan nhà nước nhằm hỗ trợ nông dân trên khắp quốc gia. Các Bộ luật tiếp theo đã cho phép nông dân vay tiền với lãi suất thấp. Bộ luật Seamen ban hành năm 1915 cũng đã cải thiện các điều kiện sống và làm việc trên các tàu biển. Bộ luật Bồi thường cho người lao động Liên bang năm 1916 đã đảm bảo cấp tiền trợ cấp cho người lao động bị tàn phế khi đang làm việc trong các ngành dịch vụ dân sự, và xây dựng một hình mẫu trợ cấp tương tự áp dụng trong các doanh nghiệp tư nhân. Bộ luật Adamson ban hành cùng năm đó đã thiết lập chế độ làm việc tám giờ một ngày cho lao động ngành đường sắt.
Những thành tựu này đã khiến Wilson chiếm được một vị trí vững chắc trong lịch sử nước Mỹ với tư cách là một trong những nhà cải cách chính trị tiên tiến nhất của dân tộc. Tuy nhiên, uy tín đối nội của ông đã nhanh chóng bị lu mờ trước những thành tích trong công việc đối ngoại với tư cách là một vị tổng thống thời chiến tranh, người đã dẫn đất nước tới chiến thắng, nhưng sau đó lại không thể duy trì được sự ủng hộ của dân chúng đối với nền hòa bình.
Một dân tộc của nhiều dân tộc
Không có một quốc gia nào trên thế giới lại có lịch sử gắn bó chặt chẽ với những dòng người nhập cư nhiều như Hoa Kỳ. Trong 15 năm đầu tiên của thế kỷ XX, hơn 13 triệu người đã đến Hoa Kỳ. Nhiều người trong số họ nhập cư vào nước Mỹ thông qua đảo Ellis – trung tâm nhập cư của Liên bang, được mở cửa năm 1892 tại cảng New York (Mặc dù không còn hoạt động nữa, song đảo này đã được mở cửa lại năm 1992 để làm đài tưởng niệm hàng triệu người đã từng bước qua ngưỡng cửa của nước Mỹ tại đây).
Cuộc thống kê dân số đầu tiên năm 1790 đã ước tính dân số Mỹ là 3.929.214 người. Gần một nửa dân số của 13 bang đầu tiên có nguồn gốc từ nước Anh; phần còn lại là người Scotlen, Ai-len, người Đức, người Hà Lan, người Pháp, người Thụy Điển, người xứ Wales và người Phần Lan. Những người châu Âu da trắng này phần lớn đều theo đạo Tin Lành. Một phần năm dân số Mỹ là những nô lệ châu Phi.
Từ rất sớm, người Mỹ đã coi những người nhập cư như một nguồn lực cần thiết để mở rộng biên giới. Kết quả là chỉ có rất ít quy định hạn chế dòng người nhập cư vào Mỹ cho tới tận thập niên 1920. Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều dân nhập cư tới nước Mỹ thì một số người Mỹ lại lo ngại rằng nền văn hóa của họ đang bị đe dọa.
Những người lập quốc, đặc biệt là Thomas Jefferson, đã tỏ ra mâu thuẫn trong quan điểm về việc nước Mỹ có nên chào đón dòng người nhập cư từ mọi nơi trên trái đất hay không. Tổng thống Jefferson đặt câu hỏi liệu nền dân chủ có được an toàn trong bàn tay của những con người mới tới nước Mỹ từ những xứ sở vốn vẫn duy trì chế độ quân chủ hoặc luật lệ hoàng gia hay không. Tuy vậy, ít người ủng hộ việc đóng cửa hoàn toàn đối với lực lượng lao động nhập cư từ nước ngoài.
Phong trào nhập cư có xu hướng chậm lại vào cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX vì các cuộc chiến tranh đã ngăn cản giao thông xuyên Đại Tây Dương và các chính phủ châu Âu đã ngăn cấm di cư để giữ lại thanh niên trong độ tuổi tòng quân. Sau đó, dân số châu Âu tăng lên. Việc có nhiều người hơn trên một vùng đất cũ đã khiến nông dân phải thu hẹp các khoảnh đất canh tác, đến nỗi gia đình họ chỉ đủ để tồn tại. Hơn nữa, các ngành công nghiệp nông thôn đang trở thành nạn nhân của cuộc Cách mạng Công nghiệp mà thực chất chính là việc hoạt động sản xuất được cơ khí hóa. Ở châu Âu, hàng ngàn thợ thủ công đã bị thất nghiệp vì họ không muốn hoặc không thể tìm được việc làm trong các nhà máy.
Giữa thập niên 1840, hàng triệu người nhập cư đã tìm đường tới Mỹ vì ở Ai-len, khoai tây bị phá hại do côn trùng và ở Đức, các cuộc cách mạng cứ xảy ra liên miên. Đồng thời, một số người nhập cư từ miền Đông Nam Trung Quốc nghèo khổ cũng đến các bang ở bờ Tây nước Mỹ.
Vào những năm từ 1890 đến 1921, gần 19 triệu người nhập cư đã đến Mỹ. Đây cũng chính là năm mà Quốc hội Mỹ lần đầu tiên thông qua các quy định hạn chế số lượng người nhập cư. Phần đông những người nhập cư này tới từ Italia, Nga, Ba Lan, Hy Lạp và các nước vùng Ban-căng. Những người không phải từ châu Âu cũng đến nước Mỹ: người Nhật đến nước Mỹ từ phía đông, người Canada từ phía nam và người Mexico từ phía bắc.
Cho tới đầu thập niên 1920, một liên minh đã được hình thành giữa những người làm công ăn lương có tổ chức và những người ủng hộ nhập cư hạn chế vì lý do chủng tộc hay tôn giáo – đó là Liên đoàn Ku Klux Klan và Hạn chế Nhập cư. Bộ luật Nhập cư Johnson – Reed năm 1924 đã khiến lượng người nhập cư bị cắt giảm vĩnh viễn bằng các hạn ngạch nhập cư căn cứ trên quốc tịch gốc của họ.
Cuộc Đại suy thoái những năm 1930 đã khiến dòng người nhập cư ngày càng giảm. Nói chung, công chúng phản đối các dòng người nhập cư, thậm chí đối với cả những người thiểu số đến từ châu Âu. Do đó, chỉ có ít người tị nạn tìm được nơi trú ẩn ở nước Mỹ sau khi Adolf Hitler lên cầm quyền năm 1933.
Trong suốt nhiều thập niên sau chiến tranh, Hoa Kỳ tiếp tục duy trì hạn ngạch dựa vào quốc tịch gốc của những người nhập cư. Những người ủng hộ Đạo luật Mc Carran – Walter năm 1952 cho rằng sự nới lỏng hạn ngạch có thể khiến nước Mỹ chịu nguy hiểm khi quá nhiều người theo tư tưởng Mác-xít đến Mỹ từ Đông Âu.
Năm 1965, Quốc hội đã thay thế hạn ngạch dựa trên nguồn gốc nhập cư bằng các hạn ngạch dựa trên việc người đó đến từ bán cầu Nam hay bán cầu Bắc. Họ hàng của các công dân Mỹ sẽ được ưu tiên, cũng như những người nhập cư có trình độ tay nghề cao – lực lượng mà nước Mỹ đang thiếu. Năm 1978, hạn ngạch theo bán cầu đã được thay thế bằng mức trần áp dụng cho toàn thế giới là 290.000 người nhập cư mỗi năm. Sau khi Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Tị nạn năm 1980 thì con số này đã giảm xuống 270.000 người mỗi năm.
Từ giữa thập niên 1970, nước Mỹ đã phải đối mặt với một làn sóng nhập cư mới từ châu Á, châu Phi và châu Mỹ La-tinh. Những cộng đồng dân cư này đã làm biến đổi đáng kể các cộng đồng dân cư khác trên khắp nước Mỹ. Ước tính hiện nay dự báo rằng tổng số người nhập cư vào Mỹ một cách hợp pháp hằng năm chừng 600.000 người.
Tuy nhiên, hạn ngạch về người nhập cư và người di tản đã khiến cho nhu cầu về lao động không được đáp ứng đầy đủ. Do đó, nạn nhập cư bất hợp pháp vẫn là một vấn đề nghiêm trọng. Hàng ngày, người Mexico và người châu Mỹ La-tinh vẫn vượt qua biên giới tây nam nước Mỹ để tìm kiếm việc làm với mức lương cao hơn và được hưởng một nền giáo dục cùng chăm sóc y tế tốt hơn cho gia đình họ. Tương tự, dòng người di cư bất hợp pháp vẫn đến Mỹ từ Trung Quốc và các nước châu Á khác. Các ước tính là khác nhau, nhưng nhiều ước tính cho rằng có tới 600.000 người nhập cư bất hợp pháp đến Hoa Kỳ hàng năm.
Làn sóng nhập cư khổng lồ này gây ra những căng thẳng về xã hội cùng với những lợi ích về kinh tế và văn hóa. Tuy nhiên, một điều đã ăn sâu trong tiềm thức của người Mỹ là niềm tin vào Tượng Nữ thần Tự do đang đứng sừng sững như một biểu tượng cho nước Mỹ khi bà giương cao ngọn đuốc trước chiếc cổng vàng chào đón những con người đang nóng lòng được hít thở bầu không khí tự do. Niềm tin ấy, và sự hiểu biết chắc chắn rằng, tổ tiên của người Mỹ đã từng là những người nhập cư, đã khiến cho nước Mỹ vẫn là một dân tộc của nhiều dân tộc.
Nguồn: ĐSQ Hoa Kỳ tại Việt Nam