Tác giả: Đỗ Thị Thủy*
Mặc dù Trung Quốc là một nền văn minh lâu đời và đã có các mối quan hệ, giao lưu quốc tế từ rất sớm nhưng cho đến nay có thể nói chưa có một trường phái lý thuyết về QHQT nào của riêng Trung Quốc được trình bày một cách bài bản, logic, và có ảnh hưởng như các học thuyết của phương Tây (chủ nghĩa hiện thực, tự do, Mác-xít). Việc nghiên cứu chính sách đối ngoại của Trung Quốc trước đây thường dựa trên nghiên cứu lịch sử và kinh nghiệm hành vi của nước này. Từ khi nước cộng hoà nhân dân Trung Hoa ra đời, nền tảng lý luận cơ bản của CSĐN Trung Quốc được xác định là chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông. Tuy nhiên, nhiều học giả (đặc biệt là các học giả phương Tây) cũng cho rằng việc áp dụng các thuyết phương Tây truyền thống ngoài mô hình Mác-xít như chủ nghĩa hiện thực hay chủ nghĩa tự do cũng làm sáng tỏ nhiều vấn đề trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Và trong khi các học giả Trung Quốc vẫn không ngừng tìm tòi một “lý thuyết QHQT mang màu sắc Trung Quốc”, có thể thấy rằng những lý luận trong giới nghiên cứu chính trị quốc tế về Trung Quốc đã và đang có ảnh hưởng lớn đến CSĐN đương đại của nước này.
Nền tảng lý luận kinh điển của Trung Quốc
Nghiên cứu cơ sở lý luận CSĐN của Trung Quốc không thể bỏ qua việc nghiên cứu những lý luận kinh điển của các học giả cổ đại Trung Quốc mà vẫn ít nhiều ảnh hưởng đến tư duy đối ngoại Trung Quốc hiện nay. Mặc dù các triết lý này ít đề cập đến quan hệ của Trung Quốc với thế giới bên ngoài mà phần nhiều giải thích nền chính trị phong kiến nội bộ của Trung Quốc thời bấy giờ nhưng nếu xét đến diện tích khổng lồ và tình trạng phân tán của Trung Quốc lúc đó, có thể thấy Trung Quốc gần như một hệ thống QHQT thu nhỏ gồm các bang quốc tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau. Nói như Lucian Pye, “Trung Quốc là một nền văn minh dưới lốt của một quốc gia”.[1] Vì vậy, những lý luận triết học nội bộ của các học giả thời kỳ này có thể được hiểu và mở rộng thành lý luận về thế giới của Trung Quốc.
Cũng giống như Hy Lạp cổ đại thời đó, đây cũng là thời kỳ của các triết gia khi mà “hàng trăm trường phái” nở rộ. Triết học thời kỳ này để lại hai di sản tư tưởng quan trọng về khái niệm, thiết kế và vận hành trật tự xã hội trong thế giới của người Trung Quốc. Đặc biệt, quan niệm về bản chất con người bộc lộ tư tưởng đối lập của hai trường phái nổi trội nhất: Nho giáo (Confucianism) và Pháp gia (Legalism). Trong khi các nhà nho giáo, đặc biệt là Khổng Tử và Mạnh Tử xem bản chất con người là tốt đẹp hoặc ít nhất cũng có thể được cải thiện qua giáo dục thì các nhà pháp gia như Hàn Phi Tử cho rằng con người có bản chất tự nhiên là xấu xa và nếu như không bị kiềm chế thì luôn luôn dẫn tới xung đột. Vì thế, đối với những người theo Nho giáo, dùng đức để trị quốc (đức trị) sẽ mang lại hoà bình và hạn chế chiến tranh xung đột bởi vì nó khai thác phần tốt đẹp nhất của con người. Trái lại, các nhà pháp trị lại cho rằng chỉ bằng cách đưa ra những chính sách cứng rắn và kiểm soát chặt chẽ dưới hình thức chính thể chuyên quyền hoặc thậm chí là độc đoán mới có thể ngăn chặn được xung đột. Trong khi các nhà pháp gia sử dụng hệ thống luật chặt chẽ để làm công cụ kiểm soát thì các nhà nho giáo ủng hộ trị quốc bằng những gương sáng về đạo đức. Hai trường phái này vì thế đưa ra những lý giải trái ngược nhau về nguyên nhân chiến tranh, mục đích và chức năng của chính quyền, các thể chế và hệ thống mà có thể phục vụ tốt nhất cho sự cùng tồn tại hoà hợp giữa các nhóm xã hội và cộng đồng chính trị cũng như trật tự xã hội và đạo đức trong và giữa các quốc gia.
Có thể thấy, cuộc tranh luận Khổng giáo – Pháp gia này khá giống với cuộc tranh luận giữa chủ nghĩa hiện thực và tự do kinh điển. Những quan điểm của phái Pháp gia cũng gần tương tự như những tư tưởng của các bậc tiền bối của chủ nghĩa hiện thực như Thucydices, Machiavelli hay Hobbes về bản chất con người, về chiến tranh và quyền lực. Thậm chí, rất nhiều học giả cho rằng, cân bằng quyền lực là yếu tố chủ yếu nhất để duy trì sự tồn tại của hệ thống các vương quốc thời Trung Quốc cổ đại. Trên thực tế rất khó thách thức lập luận cho rằng chính sự sụp đổ của cân bằng quyền lực đã dẫn đến việc nước Tần thành lập đế chế Trung Hoa đầu tiên năm 221 trước công nguyên. Hai thời kỳ kinh điển của Trung Quốc là Xuân Thu và Chiến quốc đã ghi lại sự hưng thịnh và suy vong của các quốc gia và có rất nhiều ví dụ minh hoạ về việc các quốc gia chơi trò cân bằng quyền lực như thế nào để đảm bảo sự tồn tại, bảo vệ, củng cố và mở rộng bờ cõi. Tư tưởng cân bằng quyền lực có thể được thấy trong những từ như Bá, Minh và Hội. Thời Chiến quốc chứng kiến sự cân bằng quyền lực khốc liệt giữa bảy nước. Sáu nước đã đề ra chiến lược “liên hoành” (lienheng) nhằm kiềm chế nước Tần. Để đáp trả, Tần đưa ra chiến lược “hợp tung” (hezeng) nhằm mục đích tìm kiếm đồng minh với một hoặc sáu nước còn lại. Kết hợp với chiến lược “viễn giao cận công” (yuanjiao jingong), nước Tần đã chiến thắng các nước còn lại và trở thành người thống nhất Trung Quốc. “Hợp tung – liên hoành” và “viễn giao cận công” là hai di sản quan trọng trong suy nghĩ chiến lược của Trung Quốc,[2] điển hình là chiến lược “cân bằng quyền lực” và chọn đồng minh của Trung Quốc trong chiến tranh lạnh.
Trong khi đó, học thuyết Khổng giáo ít nhiều mang tính tự do, lý tưởng. Bao trùm toàn bộ Trung Quốc thời cổ đại là niềm tin rằng thế giới là hoà bình và hoà hợp, cho rằng có một sự hoà hợp tự nhiên giữa các thế lực của trời và đất và đưa ra hình ảnh toàn bộ thế giới như một cộng đồng. Tuy nhiên, tư tưởng này cho rằng để đạt được sự hoà hợp trong một thế giới đại đồng như thế thì con người phải tuân thủ trật tự đúng mực trong năm mối quan hệ quan trọng: phu phụ (vợ-chồng), phụ tử (cha-con), huynh-đệ (anh em), bằng hữu (bạn bè) và quân-thần (vua-tôi). Tất cả các quan hệ chính trị đều phải tuân theo những chuẩn mực này ở các cấp độ tại gia đình, trong quốc gia và trên thế giới (tề gia, trị quốc, bình thiên hạ). Nhiều học giả Trung Quốc cho rằng Trung Quốc chia xẻ rất nhiều lý luận lý tưởng với các học thuyết khác trên thế giới ở khái niệm này: đối với thuyết tự do của Mỹ là ‘hoà bình dân chủ,’ đối với trường phái Anh là ‘xã hội quốc tế’ và đối với lý thuyết của Trung Quốc là ‘đại đồng’ (sự hoà hợp vĩ đại của thế giới).[3] Đây là một trong những cơ sở quan trọng để chủ tịch Hồ Cẩm Đào xây dựng các khái niệm “xã hội hài hoà” và “thế giới hài hoà” gần đây.
Các trường phái lý luận về CSĐN của Trung Quốc trong Chiến tranh lạnh
Cho đến thập kỷ 60, nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Trung Quốc được chia thành ba trường phái: truyền thống/lịch sử; Mao-ít/Mác-xít, và hiện thực/duy lý. Từ cuối những năm 60 cho đến hết thập kỷ 70 các trường phái tam giác chiến lược và chính trị nội bộ chiếm ưu thế do những phát triển tương ứng trong chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc.[4]
Trường phái lịch sử truyền thống bao gồm phần lớn là các sử gia tìm hiểu chính sách đối ngoại của Trung Quốc mới thành lập dựa trên những di sản quá khứ của nước này (là một nước lớn, lịch sử văn minh lâu đời, 100 năm sỉ nhục quốc gia). Ví dụ như sử gia Mỹ Fairbank cho rằng “tìm hiểu một cường quốc như Trung Quốc mà không xem xét lịch sử, đặc biệt là truyền thống chính sách đối ngoại thì thực là mù quáng” hay như Chih Y Shih rằng “cho dù môi trường đã biến đổi nhanh chóng, hệ thống tín ngưỡng truyền thống như Nho giáo, đạo Lão, và Phật giáo vẫn là cơ sở chủ yếu cho CSĐN của Trung Quốc.”[5] Theo trường phái này, biến số giải thích cơ bản trong hành vi đối ngoại của Trung Quốc là sự tiếp tục của truyền thống lấy Trung Quốc làm trung tâm cũng như dựa trên những kinh nghiệm và khái niệm hoá thế giới bên ngoài, đặc biệt là với phương Tây của Trung Quốc. Theo đó, quan niệm của Nho giáo về một “thiên hạ” thống nhất dưới sự cai trị của “thiên tử” thừa mệnh trời cai trị thần dân trong đó Trung Quốc đóng vai trò là “vương quốc trung tâm” hiểu thế giới theo một trật tự thứ bậc (hierarchy) gồm ba tầng lớp: Trung Quốc ở vị trí cao nhất, ở giữa là các nước láng giềng của Trung Quốc mà đa số chịu ảnh hưởng của nho giáo đóng vai trò là “các nước ngoại vi” trong hệ thống triều cống cho Trung Quốc và ở mức thấp nhất là phương Tây – “những kẻ man di.”[6] Gánh nặng lịch sử (the burden of greatness) này rõ ràng là tạo áp lực rất lớn đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Nhiệm vụ của họ, dù là ở bất kỳ thời kỳ nào là phải khôi phục lại ảnh hưởng của nước này, bảo đảm sự thống nhất của đất nước và ngăn chặn việc lại bị nước ngoài làm nhục như 100 năm bị biến thành nửa thuộc địa của Nhật và phương Tây. Nói như học giả Trung Quốc Tang Shiping “từ Tôn Dật Tiên cho đến Hồ Cẩm Đào, mục tiêu quốc gia này là điều duy nhất không thay đổi.”[7]
Khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra, cách tiếp cận truyền thống bị thách thức bởi trường phái ý thức hệ Mác-xít/ tư tưởng Mao Trạch Đông. Một số học giả cho rằng cơ sở lý luận CSĐN của Trung Quốc là chủ nghĩa Mác-Lênin (chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử), thể hiện rõ nét qua việc Trung Quốc ngả về phía Liên Xô và tham gia vào phong trào cộng sản quốc tế chống lại đế quốc phương Tây (chẳng hạn như tham gia vào chiến tranh Triều Tiên, hỗ trợ Việt Nam chống Mỹ…) trong giai đoạn đầu của chiến tranh lạnh. Trong khi đó, một số khác cho rằng tư tưởng Mao Trạch Đông hay nói cách khác là vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Trung Quốc, mới là nguyên tắc vận hành chủ yếu của CSĐN Trung Quốc. Cách tiếp cận này nhấn mạnh đến tư tưởng và vai trò của cá nhân Mao trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc.[8] Theo trường phái này, các ý tưởng nảy sinh từ cách mạng là một nguồn quan trọng trong CSĐN của Trung Quốc và các nước cộng sản nói chung bao gồm học thuyết đấu tranh giai cấp của Mác, luận điểm về chủ nghĩa đế quốc của Lênin và học thuyết về mặt trận thống nhất, nhất biên đảo hay thuyết ba thế giới của Mao. Tất cả những thuyết này đều bắt đầu từ việc phân chia rạch ròi giữa ‘chúng ta’ và ‘họ’, giữa ‘bạn’ và ‘thù’. Chiến lược nhất quán của Mao là phân biệt được ba loại: ‘chúng ta’, ‘đồng minh’ và ‘kẻ thù’ theo công thức ‘chúng ta nên liên hiệp với đồng minh nhằm chống lại kẻ thù của chúng ta’ (nhất biên đảo, nhất điều tuyến). Ngay cả trong nội bộ, Mao cũng tin tưởng rằng có nhiều giai cấp khác nhau, một số là đồng minh và một số là kẻ thù. Nhiều học giả cho rằng học thuyết của Mao mang tính cấp tiến và cách mạng hơn Liên Xô thể hiện qua tư tưởng ‘không thoả hiệp’với chủ nghĩa đế quốc và “xuất khẩu cách mạng” ra phạm vi thế giới khiến các nước tư bản lo sợ (như ở Bắc Triều Tiên, Việt Nam, Indonesia, Malaysia…). Và cũng chính điều này dẫn đến việc Mao không tán thành tư tưởng “chung sống hoà bình” với phương Tây của Khruschev – mầm mống quan trọng dẫn đến phân liệt và xung đột Xô-Trung sau này.
Những tư tưởng Mác-xít góp phần quan trọng trong việc định hình cách hiểu của Mao nói riêng và Trung Quốc nói chung về trật tự thế giới và cấu trúc của hệ thống thế giới trong thời gian đầu CHND Trung Hoa thành lập. Tuy nhiên, chúng đã được phát triển và độc lập hơn khi Trung Quốc tách khỏi Liên Xô, nếu không nói là công khai cạnh tranh ảnh hưởng và lý luận với nước này. Điển hình là học thuyết “khối trung gian” bao gồm tất cả các nước Á, Phi, Âu bị kẹt giữa hai siêu cường Mỹ và Liên Xô đã được sửa thành học thuyết “hai khối trung gian” đầu thập kỷ 60. Mao xếp các nước Á, Phi, Âu thành một khối trung lập và các nước tư bản và châu Âu như một vùng trung lập khác trong thế giới hai cực.[9] Hai thuyết này về sau được phát triển thành học thuyết ba thế giới được Mao chính thức đưa ra năm 1974, theo đó thế giới thứ nhất bao gồm 2 siêu cường Mỹ-Xô, thế giới thứ hai bao gồm Châu Âu, Nhật, Úc và Canada trong khi thế giới thứ ba bao gồm các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, các nước kém phát triển nhất và các nước thuộc địa cũ. Trong mô hình này Trung Quốc được xếp là một nước XHCN và một phần của thế giới thứ ba, chống lại bá quyền của Liên Xô và Mỹ.
Có thể thấy, dù có những khác biệt trong cách tiếp cận giữa trường phái truyền thống hay trường phái Mácxít-Mao, cả hai đều chia xẻ lập luận rằng nhân tố cơ bản trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc là chính bản thân Trung Quốc dù là một nước truyền thống hay nước cộng sản. Nói cách khác, Trung Quốc là một trường hợp hoàn toàn khác biệt và phải được hiểu theo cách đặc thù riêng của nó.
Nhưng có lẽ thách thức lớn nhất đối với lập luận một Trung Quốc khác biệt đến từ thuyết hiện thực/hệ thống. Thay vì xem xét Trung Quốc qua lăng kính lịch sử đế chế hay dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông, một số học giả áp dụng các quan điểm của chủ nghĩa hiện thực phương Tây về sức mạnh, lợi ích quốc gia và kiềm chế chiến lược khi nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Trung Quốc nhất là cách hành xử của nước này trong những tình huống khủng hoảng (chiến tranh Triều Tiên, khủng hoảng eo biển Đài Loan, chiến tranh Việt Nam, xung đột biên giới với Ấn Độ, Liên Xô, Việt Nam…). Trường phái này cho rằng các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc cũng giống như những người đồng nhiệm của họ ở phương Tây, phải xem xét đến khía cạnh sức mạnh kinh tế, quân sự của những kẻ thù hay đồng minh siêu cường của họ. Điều này theo họ là khá rõ ràng khi Trung Quốc có những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại, như ngả về Liên Xô trong giai đoạn đầu rồi sau đó là cải thiện quan hệ với Mỹ – những điều chỉnh mà ít ra cho thấy yêu cầu cấp bách chiến lược phải thay đổi do có những thay đổi cơ bản trong môi trường bên ngoài của Trung Quốc.[10] Nhà hiện thực Allen Whiting lập luận rằng cách hành xử của Trung Quốc trong khủng hoảng cũng giống như bất kỳ quốc gia nào khác và rằng nhân tố ý thức hệ hay tham vọng đế chế của nước này không phải là nhân tố quan trọng trong quyết định dùng vũ lực của Trung Quốc. Ngoài ra, trường phái này cũng cho rằng CSĐN của Trung Quốc mang tính duy lý nếu xét đến hệ tư tưởng chủ đạo của Trung Quốc là CN Mác-Lênin mang màu sắc Trung Quốc của Mao. Mặt khác, do chỉ có một số ít lãnh đạo Trung Quốc tham gia vào quá trình hoạch định chính sách đối ngoại, nhiều nhà phân tích kết luận rằng có sự thống nhất và đồng thuận trong giới tinh hoa của Trung Quốc hơn là những gì chúng ta nghĩ. Điều này hoàn toàn phù hợp với lập luận của chủ nghĩa hiện thực rằng chính sách đối ngoại của quốc gia là đơn nhất và duy lý.
Một nhánh của chủ nghĩa hiện thực bao gồm các nhà hiện thực mới như William Tow, Robert H. Ross lại tập trung nghiên cứu ảnh hưởng của cấu trúc hệ thống (tam giác chiến lược Mỹ-Xô-Trung) đến chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Nói như nhà hiện thực William Tow, CSĐN của Trung Quốc trong chiến tranh lạnh chịu ảnh hưởng nhiều nhất của tư tưởng cân bằng quyền lực và lấy quốc gia làm trọng trong các vấn đề chính trị và an ninh quốc tế.[11] Trung Quốc đã chống cự lại việc mà họ cho là nỗ lực của 2 siêu cường nhằm kiềm chế Trung Quốc và đã khắc phục sự yếu kém chiến lược tương đối của mình bằng cách i) khai thác tiềm năng dân số khổng lồ, ii) kéo dài và trong một số trường hợp là xuất khẩu tinh thần cách mạng của mình và iii) đối đầu với các siêu cường hay đồng minh của họ trong những tình huống chiến tranh hạn chế (Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam, xung đột ở Campuchia…). Dần dần với thời gian, Trung Quốc đã phát triển các nguồn lực quân sự và kinh tế đủ mạnh để ngăn chặn Mỹ và Liên Xô lôi kéo Trung Quốc trực tiếp vào một cuộc chiến tranh lớn. Trong suốt chiến tranh lạnh, Trung Quốc không chấp nhận sự cạnh tranh sức mạnh toàn cầu chỉ là một trò chơi tổng số bằng không giữa các siêu cường trong đó số phận của Trung Quốc phó mặc cho kết quả của cuộc đấu tranh giành quyền lực Đông-Tây. Trong một số thời kỳ hoà hoãn sau đó, Trung Quốc đã cố tìm kiếm quyền lực và ảnh hưởng từ cả hai siêu cường bằng cách chơi con bài địa chính trị và tạo lập một phạm vi ảnh hưởng độc lập của riêng mình. Điều này tạo nên một tam giác chiến lược Mỹ-Trung-Xô trong những năm cuối chiến tranh lạnh và nhiều khi Trung Quốc đã chiếm vị trí có lợi nhất trong tam giác đó (pivot position) như trong những năm 80. Các học giả phương Tây đều thống nhất rằng từ một vị trí chiến lược khá bất lợi, Trung Quốc đã có thể vươn lên thách thức bá quyền bằng cách gián đoạn ngả về Liên Xô và Mỹ mà không hề cam kết vĩnh viễn với bất kỳ khối nào (một chiến thuật được gọi là “không liên kết ‘lệch’ – tilted nonalignment”).[12] Việc Trung Quốc chọn ngả về bên nào ở thời điểm nào tuỳ thuộc vào việc Trung Quốc xem siêu cường nào là mối đe doạ với họ hơn vào thời điểm đó – logic rất giống với tư tưởng ‘cân bằng mối đe doạ’ của nhà hiện thực mới Stephen Walt đề ra.[13]
Một số phát triển lý luận mới của Trung Quốc sau chiến tranh lạnh
Sau chiến tranh lạnh với những biến động lớn trong tình hình quốc tế (sự sụp đổ của Liên Xô và phe XHCN ở Đông Âu) và tình hình nội bộ của Trung Quốc (sự kiện Thiên An Môn), Trung Quốc đã có những điều chỉnh thận trọng trong CSĐN của mình. Mặc dù vẫn kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông làm nền tảng cơ sở lý luận cho việc hoạch định CSĐN của mình, Trung Quốc cũng tiếp thu và chấp nhận ảnh hưởng của một số lý luận mới trên thế giới. Nửa đầu thập kỷ 90 là thời gian Trung Quốc im lặng tìm hiểu và đánh giá tình hình. Học thuyết “giấu mình chờ thời, quyết không đi đầu” (taoguang yanghui, buyao dangtou) của Đặng Tiểu Bình được đưa ra trong thời gian này bao gồm 3 điểm chính: i) lengjing guancha (xem xét tình hình kỹ lưỡng), ii) wenzhu zhenjiao (củng cố vị thế của Trung Quốc) và iii) chenzhuo yingfu (bình tĩnh đối phó với các thách thức) thể hiện sự thận trọng của Trung Quốc trong giai đoạn giao thời này.[14] Tuy nhiên, từ nửa cuối những năm 90 khi Trung Quốc đã nắm bắt đặc điểm, xu thế và hoà nhập vào thế giới mới, nhiều lý luận mới đã được phát triển để làm cơ sở cho việc triển khai CSĐN của nước này. Tiêu biểu là học thuyết “hoà bình và phát triển” của Đặng Tiểu Bình cho rằng mặc dù xung đột và chiến tranh cục bộ vẫn còn, đặc điểm chính của thế giới sau chiến tranh lạnh vẫn là mặt hợp tác – hoà bình và phát triển. Đây được xem là nền tảng mới cho việc phát triển các khái niệm lý thuyết của Trung Quốc về cấu trúc thế giới mới bao gồm “khái niệm an ninh mới” (1996), “trỗi dậy hoà bình”(2003) và “xã hội hài hoà” (2005).
Khái niệm an ninh mới
Tại cuộc họp các Bộ trưởng ARF tháng 7/1996, Trung Quốc đã lần đầu tiên kêu gọi các nước từ bỏ ‘tư duy Chiến tranh lạnh’ và đưa ra “Khái niệm An ninh mới” sau này sẽ trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Nguyên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Tiền Kỳ Tham kêu gọi, “các nước trong khu vực nên cùng nhau xây dựng một khái niệm an ninh mới, tập trung vào tăng cường lòng tin thông qua đối thoại và thúc đẩy an ninh thông qua hợp tác”.[15] “Khái niệm An ninh mới” do Trung Quốc đề xướng là sự phát triển của năm nguyên tắc chung sống hoà bình, lấy việc xây dựng ‘tin cậy lẫn nhau, cùng có lợi, bình đẳng, hợp tác’ làm hạt nhân, chủ trương thông qua đối thoại tăng thêm tín nhiệm lẫn nhau, thông qua hợp tác xúc tiến an ninh chung.[16] Khái niệm mới này thể hiện những nhận định của Trung Quốc về môi trường an ninh phức tạp sau Chiến tranh lạnh, và chủ trương sách lược của Trung Quốc để bảo đảm an ninh cho Trung Quốc trong bối cảnh mới. Nhận thức được mối lo ngại của Mỹ và các nước láng giềng khu vực đối với sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc, Trung Quốc đề xướng ‘tin cậy lẫn nhau’ “lấy thành thực làm gốc, lấy tin cậy làm đầu, vứt bỏ tư duy chiến tranh lạnh và chính trị cường quyền, vượt qua sự dị đồng về hình thái ý thức và chế độ xã hội, không nghi ngờ lẫn nhau, không coi nhau là kẻ thù, thường xuyên tiến hành đối thoại về chính sách phòng ngự an ninh của mỗi nước và thông báo cho nhau về những động thái quan trọng của mình, tích cực xây dựng cơ chế hợp tác an ninh và đối thoại khu vực, gia tăng tin cậy lẫn nhau”.[17] Chủ trương này phù hợp với phương châm “náu mình chờ thời, không đi đầu” của Đặng Tiểu Bình, ít đề cập tới khác biệt về chế độ chính trị-xã hội, về ý thức hệ, tránh va chạm tới mức tối đa, nhằm giảm thiểu những phiền phức đối với an ninh Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình cải cách mở cửa và hiện đại hoá của Trung Quốc trong khi thế và lực của Trung Quốc còn có những hạn chế. Đồng thời, Trung Quốc nhấn mạnh tới lợi ích chung và điểm đồng giữa Trung Quốc với các nước, hướng tới khía cạnh “cùng có lợi” khi các nước ưu tiên mục tiêu phát triển, “các nước nên thuận theo xu thế khách quan phát triển toàn cầu hoá, đồng thời với việc bảo vệ lợi ích của mình, tôn trọng lợi ích của mình và của đối phương, xây dựng an ninh toàn cầu trên cơ sở lợi ích chung, thực hiện an ninh chung”. Trung Quốc còn nhấn mạnh tới nguyên tắc “bình đẳng”, theo đó “bất kỳ nước lớn, nhỏ, mạnh, yếu nào đều là một thành viên bình đẳng trong cộng đồng quốc tế nên cùng tôn trọng, đối xử bình đẳng, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”.[18] Điều này xuất phát từ những lo ngại của Trung Quốc đối với chiến lược kiềm chế và diễn biến hoà bình của Mỹ, vì chỉ có Mỹ là siêu cường duy nhất có khả năng đe doạ an ninh của Trung Quốc, và đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong tiến trình hiện đại hoá và vươn lên vị thế cường quốc thế giới của Trung Quốc. Cam kết cùng thúc đẩy dân chủ hoá quan hệ quốc tế cho thấy Trung Quốc muốn vô hiệu hoá con bài “dân chủ, nhân quyền” mà Mỹ và phương Tây sử dụng sau Chiến tranh lạnh và sau sự kiện Thiên An Môn, và tỏ rõ Trung Quốc sẽ tuân thủ những luật chơi trong cục diện hiện thời. Một điểm mới trong khái niệm về an ninh mới của Trung Quốc đó là khía cạnh hợp tác, Trung Quốc chủ trương “các nước nên tiến hành hợp tác sâu rộng trong các vấn đề an ninh cùng quan tâm, nhằm đối phó một cách hiệu quả những thách thức của an ninh toàn cầu, xoá bỏ nguy cơ tiềm tàng, dùng phương thức hoà bình giải quyết xung đột, ngăn chặn xảy ra chiến tranh, xung đột, thực hiện an ninh toàn diện và bền vững”.[19] Chủ trương này thể hiện ngoại giao Trung Quốc đã biết khuếch trương tầm quan trọng của Trung Quốc trong các vấn đề quan trọng của khu vực, nhấn mạnh tới vai trò của nhân tố Trung Quốc trong việc tìm giải pháp cho các vấn đề trên, ngầm nhắc cho Mỹ và các nước trong khu vực về ảnh hưởng của sức mạnh mềm Trung Quốc.
Trỗi dậy hoà bình
Khái niệm trỗi dậy hoà bình là phản ứng chiến lược của Trung Quốc để đáp lại cái gọi là “thuyết mối đe doạ Trung Quốc”, được xem là lập luận nhằm biện minh cho việc kiềm chế và can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc (Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương) của các nước phương Tây. Khái niệm này lần đầu tiên được học giả Zheng Bijian trình bày tại diễn đàn Bác Ngao tháng 11/2003 khi ông diễn thuyết về sự trỗi dậy của Trung Quốc và tác động của nó đối với sự phát triển của châu Á. Theo Zheng, sự trỗi dậy hoà bình của Trung Quốc không nhằm mục đích tranh giành bá quyền hay bành trướng quân sự mà chỉ nhằm tìm ra những chiến lược để đối phó với các thách thực đặt ra từ quá trình hiện đại hoá của Trung Quốc. Nói cách khác, việc Trung Quốc trỗi dậy không phải là mối đe dọa mà là một cơ hội cho hoà bình thế giới. Ngay lập tức, khái niệm này được đưa vào chính sách đối ngoại của Trung Quốc và được các nhà lãnh đạo cao nhất của nước này sử dụng trên các diễn đàn quốc tế để mô tả chính sách đối ngoại của Trung Quốc và sự can dự của nước này vào các vấn đề quốc tế cũng như khẳng định tầm quan trọng của hợp tác và an ninh khu vực trong việc thực hiện các kế hoạch hiện đại hoá trong nước của Trung Quốc.
Về cơ bản, khái niệm trỗi dậy hoà bình chỉ (i) sự phát triển của bản thân, dựa vào thực lực, sức mạnh của bản thân trên cơ sở lợi dụng thời cơ, bối cảnh quốc tế; (ii) là một quá trình phát triển lâu dài, lấy phát triển kinh tế làm cơ bản; (iii) là một quá trình phát triển hoà bình, không xảy ra chiến tranh mang tính hệ thống, khác hẳn với sự trỗi dậy của các cường quốc trước kia thường đi liền với sự thách thức và phá vỡ trật tự, cục diện hiện thời.
Nội dung của chiến lược này (i) phản ánh sự lựa chọn chiến lược của Trung Quốc trên cơ sở đánh giá tổng thể về tình hình và xu thế phát triển của quốc tế, (ii) bao quát toàn bộ quan điểm, nhận thức của Trung Quốc đối với thế giới, cụ thể là một loạt quan niệm chiến lược mới từ quan niệm phát triển mới toàn diện, nhịp nhàng, liên tục, lấy con người làm gốc tới quan niệm mở cửa mới kết hợp với toàn cầu hoá kinh tế, quan niệm an ninh mới lấy tin tưởng lẫn nhau, cùng có lợi và bình đẳng làm hạt nhân, quan niệm mới về lợi ích quốc gia; (iii) thể hiện các mục tiêu giải pháp của Trung Quốc để xây dựng một nước Trung Hoa hùng mạnh trên mọi phương diện; (iv) hoàn chỉnh chiến lược phát triển hiện đại hoá, kiên trì chính sách mở cửa đối ngoại và chiến lược quốc tế giữ gìn hoà bình, nhấn mạnh đến nhu cầu phát triển thực lực quốc phòng để bảo vệ hoặc kiến tạo hoà bình.[20]
Mục tiêu của chiến lược này là (i) nhằm đối trọng lại với thuyết về mối đe doạ Trung Quốc; (ii) thể hiện sự lựa chọn tư duy, chiến lược phát triển mới của thế hệ lãnh đạo thứ tư do Hồ Cẩm Đào lãnh đạo; (iii) tìm ngọn cờ để tập hợp lực lượng, tạo dựng hình ảnh nước lớn trong khu vực và thế giới. Hiện nay, khái niệm “trỗi dậy hoà bình” được triển khai thành 3 hướng chính: Trung Quốc sẽ thực thi CSĐN hoà bình, thúc đẩy sự hài hoà trong phát triển trong nước và tìm kiếm sự hoà giải trong vấn đề Đài Loan (duiwai moujiu heping, duinei moujiu hexie, Taiwan moujiu hejie)[21]
“Xã hội hài hoà” và “thế giới hài hoà”
Ý tưởng “xã hội hài hoà” lần đầu tiên được nhắc đến tại Đại hội 16 Đảng cộng sản Trung Quốc năm 2002, tuy nhiên những cuộc tranh luận về nội dung của ý tưởng này vẫn tiếp tục cho đến năm 2005 khi Trung Quốc đưa ra kế hoạch 5 năm lần thứ 11 tập trung vào việc phát triển bền vững và các biện pháp nhằm giải quyết những vấn đề kinh tế – xã hội do quá trình hiện đại hoá đặt ra. Nội dung chính của khái niệm này dựa trên phát biểu của chủ tịch Hồ Cẩm Đào về xã hội hài hoà XHCN bao gồm các khía cạnh “dân chủ, cai trị bằng luật pháp, bình đẳng, công lý và sự hoà hợp giữa xã hội con người và thiên nhiên.”[22] Khái niệm này được gắn với khái niệm mở rộng “thế giới hài hoà” mà Hồ Cẩm Đào đề cập tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Liên hợp quốc vào tháng 9/2005 vốn được xem là phiên bản cải tiến của “5 nguyên tắc chung sống hoà bình” và bài phát biểu về “một thế giới tốt hơn” của Giang Trạch Dân tại Liên Hợp Quốc năm 1995 trong đó nhấn mạnh Trung Quốc sẽ trở thành một cường quốc có trách nhiệm (fuzheren de daguo) cùng với các nước khác trên thế giới xây dựng một thế giới nơi mà các cuộc xung đột và tranh chấp quốc tế sẽ được giải quyết bằng các biện pháp hoà bình và kêu gọi sự đối thoại và hợp tác giữa các nền văn hoá, văn minh khác nhau để cùng mang lại ổn định và thịnh vượng cho toàn nhân loại. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin tưởng rằng xây dựng một xã hội hài hoà Trung Quốc sẽ đóng góp lớn cho việc mang lại một thế giới hài hoà.
Luận điểm này trên thực tế đã phản bác lại các quan điểm của chủ nghĩa hiện thực về tương lai u ám của QHQT với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng tình trạng vô chính phủ không phản ảnh thực tế chính trị hiện nay. Họ giải thích rằng trật tự đơn cực và khuynh hướng bá quyền đang thống trị hệ thống nhưng có thể đạt được một trật tự thế giới hoà bình và ổn định trong tương lai nếu đó là trật tự đa cực. Ý tưởng “xã hội hài hoà” vạch ra những chuẩn mực hành vi cho các mối tương tác toàn cầu trong tương lai và một lần nữa nhấn mạnh khía cạnh hợp tác. “Xã hội hài hoà” và “thế giới hài hoà” được xem là đóng góp của Trung Quốc cho việc phát triển lý luận QHQT sau chiến tranh lạnh, nhất là để phản bác lại lập luận của thuyết mối đe doạ Trung Quốc và “sự xung đột giữa các nền văn minh” của Samuel Hutington.
Nhìn dưới góc độ các lý thuyết QHQT truyền thống, việc thay đổi tư duy này của Trung Quốc đã được các lý thuyết giải thích là tính toán chiến lược (hiện thực), hành xử theo thể chế (tự do) và thay đổi bản sắc (kiến tạo).
Đối với các nhà hiện thực, những điều chỉnh về lý luận, tư duy chiến lược cũng như CSĐN thực tế của Trung Quốc được xem là những tính toán chiến lược trong điều kiện thực lực chưa cho phép Trung Quốc thách thức hệ thống hiện tại. Họ cho rằng các lý luận mà Trung Quốc đưa ra sau CTL như “quan niệm an ninh mới”, “trỗi dậy hoà bình” hay “thế giới hài hoà” chỉ là những lời nói văn hoa nhằm che đậy các ý đồ thực sự của nước này. Các chiến lược này một mặt thể hiện sự đánh giá tự tin của Trung Quốc về thế và lực của mình cũng như dự đoán của giới lãnh đạo Trung Quốc về thời kỳ cơ hội chiến lược, một mặt phản ánh sự không hài lòng của Trung Quốc với nguyên trạng hiện nay, muốn vươn lên tìm kiếm vị thế mới trên thế giới. Trung Quốc cho rằng cục diện quốc tế do Mỹ lãnh đạo hiện nay hạn chế dư địa của Trung Quốc, không còn phù hợp với một Trung Quốc đang phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng thừa khôn ngoan để không đối đầu quân sự với Mỹ và phương Tây, thay vào đó, Trung Quốc lựa chọn phương thức mới, trong đó đáng chú ý là quan niệm mới về an ninh. Trung Quốc tập trung khai thác mọi thế mạnh của mình để thực hiện “đấu tranh mềm” với Mỹ và phương Tây, tranh thủ lôi kéo các nước có thể lôi kéo được vào tập hợp lực lượng của mình, giành lấy thời cơ khi hội đủ các điều kiện về thế và lực, thực hiện mục tiêu trở thành cường quốc thế giới, trở thành một cực quyền lực chi phối cục diện thế giới.[23] Những “ý đồ” của Trung Quốc có thể thấy qua một số sự kiện như: cách hành xử của Trung Quốc ở biển Đông, trong vấn đề lịch sử với Nhật Bản….
Giải thích của các nhà tự do lại nhấn mạnh đến vai trò của các thể chế và quá trình dân chủ hoá ở Trung Quốc. Theo họ, công cuộc đổi mới do Đặng Tiểu Bình khởi xướng không chỉ đem lại những hiệu quả về mặt kinh tế cho Trung Quốc mà do mối liên kết ngày càng tăng đối với thế giới bên ngoài cũng đã dẫn đến những thay đổi về mặt thể chế. Qúa trình học hỏi thông qua việc tham gia các tổ chức, thể chế quốc tế là rõ ràng. Tính đến năm 2004 Trung Quốc đã tham gia 266 công ước đa phương quốc tế và hầu hết các tổ chức liên chính phủ trên thế giới.[24] Trung Quốc cũng vận dụng tích cực vai trò thành viên thường trực của mình ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ở khu vực châu Á, Trung Quốc đã đóng góp cho việc giảm căng thẳng và xung đột khu vực thông qua việc thành lập và tham gia các tổ chức, cơ chế, diễn đàn khu vực như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Diễn đàn Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Cấp cao Đông Á (EAS), ASEAN+3, đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân… Khi Trung Quốc tham gia vào các tổ chức quốc tế thì ít nhiều nước này sẽ phải tuân thủ các chuẩn mực hành vi do các tổ chức này đề ra. Hơn nữa, quá trình toàn cầu hoá và hội nhập sâu rộng hiện nay làm cho tính tuỳ thuộc lẫn nhau giữa Trung Quốc và thế giới ngày càng tăng, hạn chế khả năng để cho bất đồng leo thang thành xung đột gây ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ, nhất là về mặt kinh tế. Do quá trình hội nhập càng tăng với khu vực và thế giới, Trung Quốc cũng đã có những điều chỉnh lớn nhằm thích ứng các thể chế trong nước cho phù hợp với các thể chế, chuẩn mực và quy tắc quốc tế.
Trong khi đó các nhà kiến tạo lại quan tâm đến các khía cạnh xã hội như là sự thay đổi bản sắc quốc gia của Trung Quốc. Họ cho rằng, Trung Quốc đã trải qua việc định nghĩa lại bản sắc quốc gia: chuyển đổi từ một quốc gia cách mạng (revolutionary/revisionist state) sang một nước nguyên trạng (status quo power), từ một kẻ đứng ngoài (outsider) thành một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế (responsible stakeholder).[25] Trung Quốc càng hoà nhập nhiều vào hệ thống quốc tế và các thể chế thì càng cảm thấy mình là một thành viên trong hệ thống đó. Thay đổi lớn nhất trong quá trình xã hội hoá này là Trung Quốc dù là người đến sau trong các tổ chức quốc tế đã dần trở nên tích cực hơn trong việc tạo lập “luật chơi” phù hợp với lợi ích của mình chứ không còn đơn giản chấp nhận những luật chơi do các nước đi trước đặt ra. Điều này, theo các nhà kiến tạo, không hẳn có nghĩa là Trung Quốc muốn lật đổ nguyên trạng mà đúng hơn là phản ánh sự tự tin ngày càng tăng của Trung Quốc trong việc đóng góp vào quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống QHQT đương đại.
Hiện nay, lý luận tự do/ kiến tạo rằng CSĐN của Trung Quốc đang trong quá trình chuyển từ mô hình “cân bằng quyền lực” truyền thống như trong chiến tranh lạnh sang một CSĐN ít nhiều mang màu sắc tự do/ lý tưởng được nhiều học giả Trung Quốc tán đồng mặc dù họ không hoàn toàn thống nhất với tất cả các quan điểm của hai trường phái này về sự phát triển của Trung Quốc. Chẳng hạn như học giả Tang Shiping cho rằng các khái niệm “cường quốc có trách nhiệm” (fuzeren de daguo), “ngoại giao nước lớn” (daguo waijiao), “láng giềng hữu nghị, ổn định xung quanh” (mulin youhao, wending zhoubian) và “giấu mình chờ thời” (taoguang yanghui) là bốn ý tưởng chủ đạo mà Trung Quốc đã học được từ quá khứ và hiện đang là cơ sở cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc hiện nay.[26] Hay Qin Yajing khi định nghĩa Trung Quốc và vai trò vị thế của nước này trên trường quốc tế cho rằng “Trung Quốc là một nước XHCN đang trỗi dậy, chuyển đổi từ một nước nằm ngoài hệ thống thế giới thành một thành viên của nó.” Khi được hỏi vậy thì nước XHCN đang trỗi dậy này làm thế nào để hoà nhập vào cấu trúc hệ thống quốc tế đang tồn tại, Qin lập luận rằng không có một lý thuyết QHQT nào giải thích được hoàn toàn ý tưởng ‘trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc vì nếu theo học thuyết chuyển giao quyền lực của chủ nghĩa hiện thực sẽ xảy ra chiến tranh. Mặc dù lý thuyết tự do và kiến tạo dự đoán một giải pháp phi bạo lực, Qin cho rằng các lý thuyết này dựa trên lịch sử QHQT của phương Tây do đó không thể dự đoán sự phát triển và quá trình hoà nhập trong tương lai của Trung Quốc.[27]
Thay lời kết
Rõ ràng là bất kỳ lý thuyết nào cũng mang tính vị chủng (ethnocentrism) về bản chất ngay từ đầu và khó có thể giải thích được tất cả các khía cạnh của thực tiễn khách quan. Nói như chủ nghĩa Mác “lý thuyết chỉ là màu xám còn cây đời mãi mãi xanh tươi” hay theo nhà lý luận phê phán Cox “Lý thuyết luôn luôn để phục vụ lợi ích của ai đó và vì một mục đích nào đó.”[28] Cách tiếp cận lý thuyết cho chúng ta bức tranh nhiều mặt về chính sách đối ngoại của Trung Quốc qua nhiều thời kỳ nhưng nó cũng bỏ qua một số đặc thù (lịch sử, văn hóa, chính trị nội bộ…) của Trung Quốc như không tính đến bối cảnh thời gian và nội dung cụ thể của những quyết định chủ yếu trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc và cũng không xem xét đến mối liên hệ giữa chính sách đối ngoại với những biến số trong nước (đại nhảy vọt, cách mạng văn hoá…) ví dụ như các lý thuyết khó mà giải thích tại sao một nước Trung Quốc yếu thế hơn rất nhiều có thể đưa ra một chính sách chống cả hai siêu cường cùng một lúc trong thập kỷ 60… Tuy nhiên, có thể thấy rằng trong khi vẫn khẳng định kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam cho chính sách đối ngoại của mình, các nhà lý luận Trung Quốc vẫn đang tiếp thu những tinh hoa lý luận quốc tế (bao gồm cả các học thuyết phương Tây) trong việc tìm tòi một mô hình lý thuyết QHQT mang màu sắc Trung Quốc. Do đó, một trường phái Trung Quốc về QHQT một ngày nào đó nếu có hình thành thì cũng sẽ chia sẻ rất nhiều điểm chung với các lý thuyết QHQT hiện nay.
——–
Nguồn: Nghiên cứu quốc tế, số 83 (12-2010).
* Thạc sỹ, Giảng viên Khoa CTQT và Ngoại giao, Học viện Ngoại giao
[1] Lucian Pye, “China: eratic state, frustrated society,” Foreign Affairs (Fall 1990), tr.58.
[2] Zhang Yongjin, “System, empire and state in Chinese international relations”, Review of International Studies, 2001, 27, tr.49 – 50.
[3] Qin Yaqing, “Why is there no Chinese IR theory?” International Relations of the Asia-Pacific, (August 2007).
[4] Bin Yu, The study of Chinese foreign policy: problems and prospects”, World Politics 46 (January 1994), tr. 236.
[5] Nt, tr. 236-37.
[6] Nt, tr. 237. Xem thêm Zhang Yongjin, Sđd.
[7] Tang Shiping, “Projecting Chinese Foreign Policy: Determining Factors and Scenarios” trong Chung Jae Ho (chủ biên), Charting China’s future: political, social and international dimensions (INC: Rowman & Littlefield Publishers, 2006), tr. 130.
[8] Bin Yu, Sđd, tr. 238.
[9] Ye Zicheng, Xin Zhonguo waijiao sixiang: cong Mao Zedong dao Deng Xiaoping (Tư tưởng ngoại giao mới của Trung Quốc: từ Mao Trạch Đông đến Đặng Tiểu Bình), (Bắc Kinh: Nxb Đại học Bắc Kinh, 2001)
[10] Điển hình trong trường phái này là tác phẩm “TQ vượt sông Yalu: quyết định tham chiến vào chiến tranh Triều Tiên” của Allen Whiting cho rằng quyết định tham gia vào chiến tranh Triều Tiên của TQ là do những quan ngại về an ninh quốc gia từ phía Mỹ chứ không đơn thuần chỉ là ý thức hệ cộng sản cách mạng hay khuynh hướng truyền thống bảo vệ khu vực ngoại vi của TQ. Xem Bin Yu, Sđd, tr. 238.
[11] William T. Tow, “China and the International Strategic System” trong Thomas W.Robinson và David Shambaugh (chủ biên), Chinese Foreign Policy: Theory and Practice (Oxford: Clarendon Press, 1994), tr.120.
[12] Nt, tr. 121.
[13] Luận điểm cân bằng mối đe doạ (balance of threat) của Walt cho rằng “các quốc gia không cân bằng lại cường quốc mạnh nhất trong hệ thống hay cường quốc đang trỗi dậy mà cân bằng với nước mà họ xem là mối đe doạ lớn nhất của mình”. Xem Stephen M. Walt, “Alliance Formation and the Balance of World Power” International Security (1985).
[14] Xem Jia Qingguo, “Learning to live with the hegemon: evolution of China’s policy toward the US since the end of the Cold War,” Journal of Contemporary China (August, 2005), 14 (44), 395-407.
[15] China’s Position Paper on the New Security Concept (06/08/2002) tại địa chỉ http://www.china-un.ch/eng/cjjk/cjjblc/cjlc/t85397.htm
[16] Giang Tây Nguyên và Hạ Lập Bình, Trỗi dậy Hoà bình, (NXB Khoa học Xã hội Trung Quốc, 2004), Bản dịch của Dương Danh Dy, Hà nội, tháng 7-2005, trang 35.
[17] Nt.
[18] Nt
[19] Xem thêm Hiền Lương và Đỗ Thủy, “Những điều chỉnh trong chiến lược an ninh Đông Á của Trung Quốc sau chiến tranh lạnh” Nghiên cứu quốc tế, (3/2006).
[20] Nt
[21] Wang Hongying, “Multilateralism in Chinese Foreign Policy: the Limits of Socialization” Asian Survey (2000) Vol. 40, No. 3 (May/June)
[22] Trích bài phát biểu của Hồ Cẩm Đào, Tân Hoa Xã, 20-05-2005.
[23] Xem thêm Hiền Lương & Đỗ Thủy, Sđd, và Jia Jingguo, Sđd.
[24] Chẳng hạn như cho đến năm 1966 Trung Quốc không tham gia vào tổ chức quốc tế nào mà đến nay đã là thành viên của hơn 50 tổ chức khu vực và quốc tế. Xem Alastair Ian Johnston, “Is China a status quo power?” International Security, Vol. 27, No. 4 (Spring 2003).
[25] Nt.
[26] Zhang Yunling và Tang Shiping, “China’s Regional Strategy” trích trong David Shambaugh, Power Shift: China and Asia’s New Dynamics (Berkeley, Los Angeles, London: University of California Press, 2005).
[27] Qin Yajing, Sđd.
[28] R. W. Cox, “Social Forces, States and World Orders: Beyond International Relations Theory” trích trong R. O. Keohane, Neorealism and its Critics (New York: Columbia University Press, 1986)