#185 – Tranh chấp biển ở Đông Á: Đánh cá trên vùng biển động

Running from the law: Chinese fishing boats tied themselves together to try and evade capture from South Korea

Nguồn: Alan Dupont & Christopher G. Baker[1] (2014). “East Asia’s Maritime Disputes: Fishing in Troubled Waters”, The Washington Quarterly, Vol. 37, No.1, pp. 79–98.>>PDF

Biên dịch và Hiệu đính: Nguyễn Thị Nhung

Khó ai có thể phủ nhận rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc chính là động lực chính dẫn đến thay đổi chiến lược của kỷ nguyên hiện nay, cũng giống như Hoa Kỳ với uy thế ảnh hưởng tương tự đã định hình cuộc chuyển đổi ở kỷ nguyên trước. Nhưng những lạc quan ban đầu tin rằng Vương quốc Trung tâm sẽ khôi phục vị trí cường quốc lớn của mình trong hòa bình giờ đây đang dần phai nhạt, khi mà ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Bắc Kinh quyết tâm đẩy mạnh những tuyên bố đối với chủ quyền và tài nguyên trên biển của mình tại những khu vực biển có tầm quan trọng sống còn ở Tây Thái Bình Dương. Trên mặt trận địa chính trị, chỉ trong chớp mắt, Trung Quốc đã quay ngoắt từ chính sách “tấn công quyến rũ” (“charm offensive”) từng giúp họ nhận được nhiều lời tán dương sang lối hành xử cưỡng chế bằng vũ lực đúng như dự đoán từ lâu của các nhà phân tích.[1] Trong phạm vi 3.000 dặm trải hình vòng cung từ biển Hoa Đông cho đến Biển Đông (tên quốc tế là biển Nam Trung Hoa), Bắc Kinh đã nảy sinh bất hòa với nhiều nước láng giềng xung quanh các tranh chấp liên quan đến chủ quyền và nguồn tài nguyên, kể cả những “bằng hữu” năm xưa. Nếu không xử lý khéo léo, những tranh chấp này có thể sẽ sớm đẩy nền hòa bình lâu dài của Đông Á đến một kết cục đẫm máu.

Nhu cầu bảo vệ các tuyến thương mại hàng hải huyết mạch và những tài nguyên năng lượng nằm dưới đáy biển Hoa Đông và Biển Đông phần nào là những tác nhân dẫn đến cách cư xử cứng rắn của Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ ngoài khơi, bao gồm cả tuyên bố chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển Đông.[2] Nhưng cách lý giải phổ biến này thường hay bỏ qua những nguồn sinh vật quý giá trong lòng biển – một chất xúc tác quan trọng dẫn đến hàng loạt các xung đột ở nhiều cấp độ nguy hiểm trên vùng biển Tây Thái Bình Dương, cũng như không đề cập đến vai trò của các tàu đánh cá và tàu bán quân sự Trung Quốc (những đội tàu này có trách nhiệm kiểm ngư, hải quan, hải giám, chấp pháp, và biên phòng, trong đó không ít tàu được trang bị vũ khí và có tải trọng đáng kể). Trong mắt người Trung Quốc, những ngư trường dồi dào tại biển Hoa Đông và Biển Đông cũng sẽ quyết định tương lai an ninh lương thực của nước này, giống như tầm quan trọng của dầu mỏ và khí đốt đối với ngành năng lượng trong thời gian tới.[3] Với tình trạng trữ lượng tự nhiên ngày càng suy cạn trong khi lượng cầu đang tăng nhanh, cá đã trở thành một mặt hàng chiến lược cần được bảo vệ, thậm chí bằng vũ lực nếu cần thiết.

Trong bài viết này, chúng tôi cho rằng Bắc Kinh đang tận dụng những tàu đánh bắt cá và bán quân sự của mình cho những mục đích địa chính trị theo chiến lược “đánh bắt, bảo vệ, tranh giành và xâm chiếm” (“fish, protect, contest, and occupy” – FPCO). Chiến lược này được thiết kế nhằm mục tiêu củng cố các tuyên bố chủ quyền và quyền sở hữu nguồn tài nguyên tại các đảo tranh chấp trong khu vực Tây Thái Bình Dương và ép buộc các nước tranh chấp khác phải tuân thủ, rồi sau đó là thừa nhận, lập trường của Trung Quốc. Nếu chính sách này không được đảo chiều hay tiết chế lại (và thực tế cũng không cho thấy dấu hiệu khả quan nào như vậy), nó sẽ dẫn đến những hậu quả đe dọa ổn định khu vực và thậm chí là cả nền an ninh lâu dài của chính Trung Quốc.

Cá – một mặt hàng chiến lược

Các quốc gia từ lâu đã luôn phải đấu tranh để giành quyền kiểm soát những nguồn tài nguyên trọng yếu. Nhắc đến đây sẽ có nhiều người nghĩ đến vàng, bạc, và trong thời kỳ gần đây là thêm dầu, khí đốt và những kim loại quý khác. Nhưng riêng với Trung Quốc, cá đã bắt đầu chiếm vị trí quan trọng chiến lược không kém những tài nguyên trên do tình trạng khan hiếm của mặt hàng này cũng như vai trò trung tâm của cá đối với nền kinh tế, đời sống và khẩu phần ăn của người dân Trung Quốc.

Tất nhiên nguy cơ suy kiệt nguồn cung thủy hải sản không phải là nỗi lo của riêng mình Trung Quốc mà đã trở thành một vấn đề an ninh toàn cầu nổi bật trong thời kỳ hiện nay. Mối lo ngại này bắt nguồn từ nhu cầu thực phẩm của thế giới ngày càng tăng, cùng lúc với thời điểm ngành công nghiệp đánh bắt thủy hải sản đang phải đối mặt với một loạt những khó khăn từ phía nguồn cung, bao gồm vấn nạn đánh bắt quá đà, hủy hoại môi trường sống của các sinh vật biển, tình trạng gia tăng mạnh mẽ lượng tàu cá trên toàn thế giới, và những khoản trợ cấp sai lầm của chính phủ các nước. Kể từ năm 1950, sản lượng thủy hải sản khai thác trong tự nhiên và từ các trại nuôi trồng hàng năm đã tăng gấp năm lần (đạt 148 triệu tấn với giá trị thị trường là 217,5 tỷ đô-la Mỹ).[4] Đây hoàn toàn không phải là một thành tựu khoa học hay thành công trong kỹ thuật nuôi trồng thời hậu công nghiệp, mà trái lại, tình trạng đánh bắt ở mức độ chưa từng có này đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nguồn cá trong môi trường tự nhiên. Chỉ dưới 15% trong tổng số các loài thủy sản có không gian để sinh trưởng, 85% còn lại đã rơi vào nhóm bị tận diệt, suy kiệt, hoặc đang phải phục hồi sau suy kiệt theo phân loại của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO).[5]

Những xu thế toàn cầu này cũng đang diễn ra tại những vùng biển bao quanh Trung Quốc. Sản lượng cá của biển Hoàng Hải và biển Hoa Đông đã giảm mạnh trong suốt 20 năm qua. Trên Biển Đông, nguồn cung cấp cho 10% lượng thủy sản toàn cầu mỗi năm, tình trạng đánh bắt quá đà đang khiến nguồn cá suy kiệt nghiêm trọng, lượng cá chưa khai thác gần bờ hiện nay đã giảm xuống chỉ còn từ 5 đến 30%.[6] Thực tế này đang khiến Bắc Kinh phải đau đầu bởi Trung Quốc vừa là nguồn cung và cũng là thị trường tiêu thụ cá lớn nhất thế giới. Hơn chín triệu ngư dân – chiếm một phần tư tổng số của thế giới – đến từ Trung Quốc, và theo ước tính Bộ Nông nghiệp nước này, nếu cộng gộp cả thu nhập gia đình cùng khoản giá trị gia tăng từ các nghề liên quan đến ngư nghiệp, ngành đánh bắt thủy sản mỗi năm đóng góp 330 tỷ đô-la Mỹ (1.992 nghìn tỷ Nhân dân tệ) vào nền kinh tế Trung Quốc, tương đương với 3,5% GDP của cả nước.[7] Tuy nhiên, bất chấp sự gia tăng ấn tượng cả tương đối và tuyệt đối trong nguồn cung (mà nhờ đó Trung Quốc kể từ năm 1961đã tăng tỷ trọng của mình từ 7% lên đến 34% trong sản lượng hải sản của thế giới), lượng tiêu thụ cá tính theo đầu người hiện nay của nước này (31,9kg) đã gấp đôi so với của thế giới (15,4%) và đang có nguy cơ cầu vượt quá cung.[8]

Nếu những con số đó vẫn chưa đủ đáng ngại thì còn ba diễn biến tiêu cực khác đang đe dọa sẽ “góp gió thành bão” (a perfect storm) đối với ngành thủy hải sản vốn đã chồng chất khó khăn của Trung Quốc. Thứ nhất, dân số quốc gia bùng nổ, tầng lớp trung lưu mở rộng nhanh chóng, cùng với công cuộc chuyển đổi kinh tế mau lẹ đã đẩy hàng triệu nông dân và công nhân từ sâu trong lục địa di cư ra các tỉnh thành ven biển, làm gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm về cá cũng như lực lượng ngư dân thời vụ, qua đó góp thêm áp lực đè nặng lên nguồn cung cá tự nhiên. Đồng thời, tính kinh tế của quy mô cũng tạo lợi thế phát triển cho các doanh nghiệp lớn, từ đó làm giảm nguồn thu nhập lẫn khả năng đảm bảo an ninh lương thực cho các cộng đồng ngư nghiệp truyền thống trong một “vòng luẩn quẩn phức tạp và tiêu cực.”[9]

Thứ hai, do ngày càng có nhiều ngư dân tìm cách khai thác trữ lượng cá còn lại, Trung Quốc đã bước lên đứng đầu châu Á về đầu tư mở rộng các đội tàu đánh cá, cả về kích cỡ cũng như sức mạnh. Trong khi các khu vực khác đã ổn định quy mô đội tàu thuyền đánh cá của mình trong những thập niên cuối thế kỷ XX, thì châu Á trong cùng thời gian đó lại tăng gấp đôi quy mô của lực lượng này và đến hiện nay đã chiếm ba phần tư đội tàu đánh bắt có động cơ của thế giới.[10] Đội tàu Trung Quốc cũng đứng đầu thế giới về số lượng và tải trọng nếu tính cả những tàu hoạt động trong nội địa.[11] Việc điều chỉnh và thu nhỏ quy mô của đội tàu xuống mức độ đảm bảo bền vững là một bài toán nan giải và phức tạp, do bên cạnh các áp lực chính trị và kinh tế nội bộ về hỗ trợ cho các cộng đồng ngư nghiệp, giới chức còn tỏ ra không sẵn sàng áp đặt những quy định về giấy phép hoạt động và mức hạn chế đánh bắt.[12]

Chính phủ Trung Quốc cũng không giúp cải thiện tình hình khi cung cấp các khoản trợ cấp cho ngành ngư nghiệp lên đến hơn 4 tỷ đô-la Mỹ hàng năm, tương đương với một phần tư tổng các khoản trợ cấp của toàn châu Á và khoảng 15% của toàn thế giới cộng lại.[13] Các khoản trợ cấp này giữ cho mặt bằng giá của mặt hàng ở mức cao giả tạo và khuyến khích các ngư dân không hiệu quả tiếp tục tham gia vào ngành đánh bắt. Trong khi đó, số tiền ấy lẽ ra nên đầu tư cho việc tái cơ cấu ngành và vào quá trình giảm thiểu từng bước số lượng các tàu thuyền đánh cá. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã nghiêm túc bắt tay vào giải quyết tình trạng mất cân bằng về cung thông qua nỗ lực thu nhỏ quy mô của đoàn tàu cá quốc gia, tăng cường đầu tư vào ngành nuôi trồng thủy hải sản, tổ chức đào tạo lại cho đội ngũ ngư dân thất nghiệp, và áp đặt các lệnh cấm đánh bắt và giới hạn đánh bắt tối đa, tuy nhiên hiệu quả thu về đều rất khiêm tốn.[14] Vẫn còn quá nhiều tàu thuyền đánh cá đang cùng nhau săn đuổi lượng cá quá ít ỏi, và rất khó để thuyết phục những ngư dân lâu năm từ bỏ “cần câu cơm” của họ trong khi đây vẫn là nghề sinh lời tốt, nhất là khi giá cả vẫn tiếp tục xu hướng tăng dần đều.

Thứ ba, những ràng buộc về luật pháp quốc tế được hệ thống hóa trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) đã thu hẹp phạm vi đánh bắt trên vùng biển mở và đồng thời gắn quyền đánh bắt với các vấn đề chủ quyền. Điều này đã làm phức tạp hóa quá trình xét xử và giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ lẫn quyền khai thác hải sản trên biển Hoa Đông và Biển Đông. Quy định về Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ – vùng biển mở rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở, đảo và các cấu tạo trên biển thuộc chủ quyền của một quốc gia) cũng làm cho vấn đề thêm phần rối rắm khi trao cho các nước quyền sở hữu đối với tất cả các nguồn tài nguyên dưới vùng biển thuộc EEZ, bao gồm nguồn cá, dầu mỏ, khí đốt và những khoáng sản giá trị khác dưới đáy biển. Kết quả là ngư dân từ Trung Quốc và các quốc gia khác phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn: hoặc tuân thủ theo luật định, chấp nhận sản lượng đánh bắt và thu nhập của mình giảm sút trầm trọng, hoặc là liều lĩnh đánh bắt phạm pháp và đối mặt với nguy cơ bị bắt giữ và tịch thu lượng cá khai thác được.

Những căn nguyên của chính sách của Trung Quốc

Dù xác định được thực tế cá là một mặt hàng có giá trị cao và các ngư dân Trung Quốc đang dấn thân vào con đường ngày càng nguy hiểm để thu được những mẻ cá đưa về bờ, thì điều đó thực chất không hé lộ nhiều cho chúng ta về những động cơ đằng sau chính sách ngư nghiệp và rộng hơn là chiến lược biển của Trung Quốc. Đây vẫn còn là một ẩn số, và quá trình xây dựng chính sách hết sức thiếu minh bạch của Bắc Kinh bên cạnh một mạng lưới đông đảo và chồng chéo các cơ quan hữu quan của ngành lại càng khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn nữa. Ví dụ như không phải lúc nào cũng có thể xác định rõ mức độ độc lập trong quyết định của một thuyền trưởng tàu cá khi chọn nơi đánh bắt, hay đến mức nào thì họ phải thông báo cho các cơ quan hàng hải Trung Quốc về vị trí thuyền của mình. Thông tin về những chỉ thị chính sách kiểm soát các hoạt động của tàu cá Trung Quốc và những cơ quan đảm trách an ninh biên giới lãnh hải và kiểm ngư, ngư chính và chấp pháp cũng rất hạn chế. Một trở ngại lớn hơn chính là thái độ thiếu hợp tác của Bắc Kinh khi họ luôn từ chối chỉ rõ phạm vi tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông của mình và ngược lại cũng  không muốn thảo luận về bản chất cụ thể trong những phản đối của họ đối với các tuyên bố đối địch.

Dù là một sự pha trộn giữa những khẳng định yêu sách thiếu căn cứ và các luận điệu công kích gay gắt, nhưng các chính sách được công bố của Trung Quốc thực tế lại giúp hé mở đôi điều về chiến lược biển của nước này. Kể từ năm 2010, các tuyên bố chính thức cũng như bình luận báo chí của Trung Quốc ngày càng thể hiện giọng điệu cứng rắn rõ rệt nhằm hậu thuẫn cho các tuyên bố chủ quyền và quyền đánh bắt của nước này ở những vùng đảo tranh chấp trên Biển Đông và Hoa Đông, và Bắc Kinh cũng đã biểu lộ quan điểm quyết liệt hơn về các vấn đề tranh chấp biển nói chung.[15] Các tuyên bố chính thức của các bộ trưởng, cũng như những bài xã luận và bình luận trên các trang báo phổ biến của Trung Quốc, thường không ngần ngại sử dụng những cụm từ như “chủ quyền không thể tranh cãi” và “lãnh thổ cố hữu”, cho thấy thái độ không nhân nhượng trong vấn đề này.[16] Thậm chí các bài bình luận trên báo chí dường như có chủ định kích động, đặc biệt thường hay dẫn lời của các đại diện từ quân đội Trung Quốc.

Trong suốt thời kỳ đóng băng quan hệ với Philippines năm 2012 do tranh chấp Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, Tướng Xu Yan từ Học viện Quốc phòng Trung Quốc (trực thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân – QĐGPND) đã phát biểu trên tờ China Daily rằng nếu Philippines “dám nâng cấp hoạt động của cảnh sát biển thành các chiến dịch quân sự thì họ sẽ phải hứng chịu một tai họa khủng khiếp khi Trung Quốc giáng đòn đáp trả hành vi tấn công của họ”.[17] Trước đó một bài viết trên PLA Daily, tờ báo chính thức của QĐGPND, đã cảnh báo rằng “phía Philippines sẽ phải gánh chịu thiệt hại cay đắng do chính mình gây ra” nếu nước này cố tình bắt giữ ngư dân Trung Quốc.[18] Khi tổng kết lại các bài đưa tin đến công chúng về quan hệ ngoại giao Trung Quốc-Philippines trong tranh chấp lãnh thổ và đánh bắt cá, một học giả kỳ cựu về Đông Nam Á đã không thể tìm được bất cứ ví dụ nào cho thấy Trung Quốc nghiêm túc xem xét những phản đối từ Philippines hay thậm chí còn không buồn nghiên cứu vấn đề này. Trong tất cả các trường hợp, Trung Quốc đều lập tức bác bỏ mọi lời lẽ hay phản biện từ phía đối phương.[19]

Tuy nhiên, rõ ràng có những rủi ro trong chính sách kết hợp các lời lẽ với hành động như vậy. Kể cả khi dùng đến giọng lưỡi đanh thép, Bắc Kinh cũng không phải là bên duy nhất áp dụng ngôn từ quyết liệt để đẩy mạnh những lợi ích địa chính trị của mình, biểu lộ sự cương quyết và kiên định để khiến các nước khác tin rằng phản đối là vô hiệu. Người ta hoàn toàn có thể suy luận ra chiến lược thực sự của Trung Quốc dựa trên những hành động trên biển của nước này sau một khoảng thời gian dài nhất định. Do các tranh chấp chủ quyền quanh bờ biển Tây Thái Bình Dương đột ngột tăng cao, hiện nay đã có đủ các nghiên cứu điển hình để chứng minh vai trò của các đội tàu đánh cá và bán quân sự của Trung Quốc trong chiến lược biển tổng quát của nước này. Một “mẫu” hành xử chung đang dần hiện rõ, cho thấy các tàu cá và bán quân sự của Trung Quốc đã phối hợp ở mức độ cao hơn so với suy đoán trước đây, và thậm chí ở một số trường hợp còn có cả sự can dự của lực lượng QĐGPND. Thực tế chứng minh xu thế này không chỉ diễn ra trên vùng Biển Đông đang tranh chấp nóng bỏng, mà còn trên biển Hoa Đông trong các đụng độ liên tiếp giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Hàn Quốc về quyền đánh bắt cá.

Những tương đồng với quá khứ

Chiến lược hiện nay của Trung Quốc có nhiều tiền lệ chính sách bắt nguồn từ cuộc xung đột năm 1974, khi Trung Quốc giành quần đảo Hoàng Sa từ tay chính quyền Nam Việt Nam, và giờ đây Bắc Kinh đang tái áp dụng những chiến thuật tương tự trong các tranh chấp gần đây. (Quần đảo Hoàng Sa, theo cách gọi của Việt Nam và Trung Quốc gọi là Xisha Qundao hay Tây Sa quần đảo, nằm cách lãnh thổ hai nước khoảng cách gần như bằng nhau. Phía bắc của quần đảo – nhóm đảo An Vĩnh [Amphitrite Group hay Tuyên Đức theo cách gọi của Trung Quốc] do Trung Quốc chiếm cứ năm 1956, và phần phía nam là Nhóm Lưỡi Liềm [Crescent Group hay Lạc quần đảo trong cách gọi của Trung Quốc] nằm dưới quyền quản lý hành chính của chính quyền Nam Việt Nam cho đến năm 1974). Ban đầu Bắc Kinh tuyên bố họ chỉ quan tâm đến việc đảm bảo các tàu cá của mình có quyền tiếp cận những ngư trường truyền thống của Trung Quốc quanh Hoàng Sa do họ đã chiếm được vùng phía bắc của quần đảo từ năm 1956. Những dấu hiệu đầu tiên cho thấy việc Trung Quốc ấp ủ kế hoạch chiến lược hơn bắt đầu bộc lộ khi số lượng các tàu đánh bắt cá tiến vào vùng biển quanh nhóm đảo này đột ngột tăng vọt trong nửa cuối năm 1973. Do Nam Việt Nam có duy trì một đơn bị đồn trú nhỏ trên một trong các đảo phía nam cùng với các chuyến tuần tra hải quân thông thường, hiện tượng nhiều tàu cá bỗng dưng ra vào tấp nập như vậy không thể là điều ngẫu nhiên, do các thuyền trưởng chắc hẳn sẽ không muốn mạo hiểm tàu mình cùng thành quả đánh bắt, trừ khi họ biết chắc sẽ có chính phủ hậu thuẫn từ phía sau.

Vào ngày 16/01/1974, một nhóm lính thủy đánh bộ Nam Việt Nam phát hiện hai tàu đánh cá Trung Quốc và một đội lính QĐGPND đang có mặt trên một trong các đảo thuộc tuyên bố chủ quyền của Sài Gòn, và một đội lính thứ hai trên đảo cạnh đó cũng thuộc quyền quản lý của miền Nam Việt Nam. Đội lính của Trung Quốc chiếm đảo từ một tàu đổ bộ với sự yểm trợ của hai tàu tuần tra Kronstadt có tên lửa dẫn đường. Tiếp sau đó một cuộc đụng độ hải quân nghiêm trọng đã nổ ra, Bắc Kinh gửi các tàu hải quân cỡ lớn cùng lực lượng vũ trang đến vùng biển này, đánh chìm một tàu hộ tống nhỏ của Nam Việt Nam, trục xuất các lực lượng phòng vệ của đối phương, và cuối cùng giành quyền kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.[20]

Hai thập niên sau, Trung Quốc lại áp dụng chiến thuật với nhiều điểm tương đồng cơ bản trong tranh chấp với Philippines tại nhóm đảo Trường Sa/Kalayaan. (Quần đảo Trường Sa phía Philippines đôi khi gọi là Nhóm đảo Kalayaan). Vào năm 1995, các tàu hải quân Philippines đã phát hiện và phá hủy một hệ thống mà Trung Quốc gọi là “các cấu trúc xây dựng cho ngư dân” trên một dải san hô ngầm nằm ở phía đông quần đảo Trường Sa.[21] Dải đá ngầm này được biết đến với tên dải Vành Khăn (Mischief Reef) và trước đó chưa từng nằm trong tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Dải Vành Khăn nằm trong khu vực EEZ của Philippines và cách bờ biển gần nhất của Trung Quốc đến hơn 1.000km. Trung Quốc đã phản ứng quyết liệt bằng cách điều các tàu hải quân đến dải đá, nổ súng và áp đảo Hải quân Philippines. Hành động này khiến cả khu vực rúng động và bất ngờ gây ra rạn nứt nghiêm trọng trong quan hệ với Manila. Sau khi hai bên đi đến thống nhất là chỉ có các đối tượng dân sự được sử dụng những cấu trúc này, Trung Quốc vẫn tiếp tục cho nâng cấp công trình này thành những nền bê tông kiên cố làm điểm đồn trú cho binh lính và trực thăng.[22] Đây rõ ràng không phải là nơi trú ẩn cho các ngư dân như lời Trung Quốc phát biểu.[23]

Đáp lại thái độ bất mãn và những phản đối từ phía Việt Nam và Philippines, Bắc Kinh còn đơn phương áp đặt một lệnh cấm đánh bắt hàng năm quanh quần đảo Hoàng Sa và một số khu vực quanh Trường Sa trong vòng ba tháng từ tháng Năm đến tháng Tám kể từ năm 1999, dưới vỏ bọc là bảo vệ nguồn cá. Thời gian áp dụng lệnh cấm rơi vào đúng giai đoạn đỉnh điểm của mùa đánh bắt của Việt Nam và phạm vi triển khai cũng lấn vào vùng EEZ của nước này và Philippines. Các biện pháp thi hành lệnh cấm bao gồm phạt tiền, tống giam, tịch thu phương tiện, đâm va tàu, cố ý đánh chìm, nổ súng, và giam giữ tàu thuyền.[24] Một quan chức Việt Nam đã từng phát biểu: “đôi khi khó có thể phân biệt giữa được những gì mà chính quyền Trung Quốc đang làm đối với ngư dân của chúng tôi so với hành động của hải tặc và cướp có vũ khí trên biển”.[25]

Vào tháng 4/2012, tàu cá Trung Quốc lại một lần nữa là nhân tố xúc tác làm bùng phát một cuộc đối đầu với Philippines, lần này là trên Bãi cạn Scarborough, cách tỉnh Zambales 220km về phía tây và cũng nằm trong vùng EEZ của Philippines. (Bãi cạn Scarborough còn được Philippines gọi là Bãi cạn Panatag và Bajo de Masinloc, và Trung Quốc gọi là Đảo Hoàng Nham). Một máy bay hải giám của Philippines phát hiện tám tàu cá của Trung Quốc đang thả neo trong khu vực bãi cạn vào ngày 8/4. Tàu hải quân Gregorio del Pilar đã được cử đến hiện trường để kiểm tra các tàu cá này của Trung Quốc và tìm thấy trong khoang cá của các tàu một lượng lớn san hô, sò tai tượng, và cá mập mà phía Philippines kết luận là đánh bắt trái phép.[26] Trung Quốc sau đó đã lên án ngược lại rằng các tàu cá của họ đang trú ẩn tránh bão thì bị hải quân Philippines sách nhiễu. Do tàu Gregorio del Pilar chủ định bắt giữ các ngư dân, hai tàu hải giámTrung Quốc đã can thiệp và chen vào đậu giữa các tàu cá và tàu hải quân của Philippines nhằm cản trở việc bắt giữ.[27] Để xoa dịu tình hình, một tàu tìm kiếm cứu nạn của lực lượng tuần duyên Philippines đã được điều ra thay thế cho Gregorio del Pilar. Nhưng đáp lại thiện chí này, Trung Quốc đã cử một trong các tàu tuần ngư và ngư chính vũ trang thế hệ mới là tàu Ngư chính-310 (Yuzheng 310) tải trọng 2.589 tấn.[28] Phía Philippines sau đó đã cho rút các tàu của mình ra khỏi bãi cạn, nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng cường các hoạt động tuần tra tại đây, từ đó gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng nước này sẽ không rút tuyên bố chủ quyền của họ với bãi cạn này và các ngư trường xung quanh.[29]

Các tàu cá của Trung Quốc cũng xuất hiện với số lượng lớn chưa từng có quanh nhóm đảo Natuna của Indonesia. Đây là một nhóm gồm 272 đảo nằm ở cực nam Biển Đông, thuộc tỉnh Riau, cách lãnh thổ Trung Quốc gần 2.000km. Điều này cho thấy tầm hoạt động ngày càng xa về phía nam của các tàu cá Trung Quốc và phạm vi tuyên bố chủ quyền và quyền đánh bắt rộng lớn của nước này. Vào tháng 6/2009, Hải quân Indonesia đã bắt giữ 75 ngư dân Trung Quốc trên 8 chiếc thuyền vì đánh bắt trái phép trong vùng EEZ của nhóm đảo Natuna. Đáp lại, Bắc Kinh như thường lệ nổi giận và thẳng thừng yêu cầu trả tự do cho các ngư dân của mình ngay lập tức.[30] Phản ứng này đã làm dấy lến lo ngại từ Jakarta rằng tuyên bố chủ quyền rộng lớn trên Biển Đông của Trung Quốc có thể sẽ cắt qua rìa phía bắc vùng EEZ của quần đảo Natuna, ngay cả khi Indonesia không có tuyên bố chủ quyền trên bất cứ thực thể tranh chấp nào của nhóm đảo Trường Sa ở phía bắc nước này và chưa bao giờ nhìn nhận Trung Quốc là một nước láng giềng trên biển.[31]

Vụ việc nghiêm trọng hơn xảy ra một năm sau đó đã khẳng định điều Jakarta lo sợ nhất. Tàu hải quân Indonesia bắt giữ mười tàu đánh cá của Trung Quốc ở phía bắc Natuna, một vùng biển nằm hoàn toàn trong khu vực EEZ hai trăm hải lý của nước này. Theo xác nhận của quan chức Indonesia, các tàu cá đã xâm phạm (vùng biển của Indonesia) một “cách có chủ ý và có phối hợp nhịp nhàng”. Trong vòng vài giờ đồng hồ ngư dân bị bắt giữ, hai tàu Trung Quốc quy mô chiến hạm “có trang bị súng hạng nặng” đã đến hiện trường và một cuộc đụng độ căng thẳng đã nổ ra trước khi các tàu đánh cá được thả.[32] Lo ngại bị vướng vào xung đột với Trung Quốc hoặc nhằm tránh củng cố các yêu sách của Bắc Kinh đối với quần đảo Natuna, chính phủ Indonesia đã chọn cách giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của vụ việc này với dư luận, dù các quan chức vẫn kín đáo bày tỏ mối nghi ngại của họ với những ý đồ của Trung Quốc cũng như dấu hiệu phối hợp rõ ràng giữa các tàu cá xâm phạm và các lực lượng trên biển của nước này.[33]

Nếu cách hành xử như vậy chỉ được áp dụng gói gọn trong một vùng biển hoặc với một nước cá biệt thì ta có thể suy luận rằng sự quyết liệt của Trung Quốc đơn thuần là do họ quá nhạy cảm đối với một vùng biển nhất định hoặc trong một mối quan hệ song phương đặc biệt căng thẳng. Tuy nhiên, thực tế lại chứng minh điều ngược lại, khi mà Trung Quốc cũng triển khai lập trường không nhượng bộ tương tự trong vấn đề chủ quyền trên biển Hoa Đông và kết hợp sử dụng các tàu đánh cá và bán quân sự để kích động các tranh chấp với nhiều quốc gia trên toàn bộ vùng Tây Thái Bình Dương, mà không quan tâm tình trạng quan hệ bang giao của nước đó với Trung Quốc từ trước tới nay tốt hay không. Lấy trường hợp của Hàn Quốc làm ví dụ: vào năm 2011, Seoul đã bắt giữ gần 500 tàu thuyền đánh cá của Trung Quốc, tăng 20% so với năm trước đó, đặc biệt các vụ xâm phạm từ phía Trung Quốc tăng vọt vào mùa đánh bắt cua biển.[34] Giới chức Hàn Quốc tuyên bố số lượng đông đảo các tàu Trung Quốc đánh bắt trái phép (với những chiến thuật đáp trả ngày càng hung hăng) có nguy cơ sẽ áp đảo cả lực lượng thi hành pháp luật trên biển của họ. Trong những năm gần đây đã xảy ra một số vụ xô xát dẫn đến thương vong trên biển, trong đó nổi bật là vụ một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc dùng dao tấn công các cảnh sát biển Hàn Quốc, khiến một cảnh sát nước này tử vong.[35] Đáng chú ý trong một diễn biến khác, các tàu cá Trung Quốc đã tập hợp thành các đội lên đến mười hai tàu và dàn trận đối đầu với lực lượng cảnh sát biển Hàn Quốc, dùng sào móc thuyền, thanh kim loại và xẻng làm vũ khí chống lại đạn cao su của các nhân viên cảnh sát Hàn Quốc.[36]

Một tàu lưới Trung Quốc cũng từng góp phần đẩy tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản vốn đã nóng bỏng lên đến đỉnh điểm. Vào tháng 9/2010, tàu tuần duyên Nhật đã bị một tàu cá Trung Quốc đâm thủng khi đang cố gắng bắt giữ tàu này vì tội đánh bắt trái phép trên vùng biển bao quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Dù đây không phải là lần đầu tiên các vụ va chạm liên quan đến tàu cá Trung Quốc là tác nhân thổi bùng những tranh cãi ngoại giao gay gắt giữa hai nước,[37] nhưng vụ việc đáng chú ý bởi hai lý do. Thái độ tự tin của thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc cùng với phản ứng gay gắt và thẳng thừng của Bắc Kinh về vụ bắt giữ đối lập hoàn toàn với giọng điệu chừng mực và thận trọng từ các nước khác khi Trung Quốc bắt giữ tàu cá của họ.[38]

Tân Hoa Xã, hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc cáo buộc Nhật Bản đã dựng lên màn kịch đụng độ trong khi “vi phạm nghiêm trọng và thách thức trắng trợn chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc” và “bày trò lừa gạt thế giới và dư luận quốc tế”.[39] Cuộc tranh chấp giữa hai quốc gia này vẫn tiếp tục là điểm nóng nhức nhối và nguy hiểm nhất khu vực theo đánh giá của nhiều người vì có sự tham gia của hai cường quốc lớn nhất Đông Á, đồng thời có nguy cơ lôi kéo Mỹ vào cục diện với tư cách là đồng minh và nước bảo hộ an ninh tối hậu của Nhật Bản.

Nước cờ cuối của Trung Quốc 

Những giải pháp các bên cùng thực sự có lợi

Chú thích

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Tranh chap bien o Dong A_Danh ca tren vung bien dong.pdf

———————

[1] Alan Dupont là Giáo sư giảng dạy An ninh Quốc tế tại trường University of New South Wales ở Sydney, độc giả có thể liên lạc qua địa chỉa [email protected]. Christopher G. Baker là Nghiên cứu sinh PhD tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Quốc tế (Centre for International Security Studies) của trường University of Sydney, và địa chỉ liên hệ qua [email protected]. Tác giả muốn được gửi lời cảm ơn đến Quỹ MacArthur Foundation đã hỗ trợ cho nghiên cứu này.