Sự tự mãn duy lý của thị trường

financial_market_9

Tác giả: Nouriel Roubini | Biên dịch: Bùi Thu Thảo

Có một nghịch lý đang nổi lên ngày càng rõ rệt tại các thị trường tài chính toàn cầu năm nay. Bất chấp các rủi ro địa chính trị đang nhân lên – như xung đột Nga-Ukraine, sự nổi dậy của Nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS), tình hình rối ren gia tăng tại Trung Đông, tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng tại Trung Quốc và giờ là cuộc biểu tình trên diện rộng tại Hong Kong với nguy cơ xảy ra đàn áp – nhưng các thị trường vẫn đang hết sức sôi động.

Thật vậy, giá dầu đang giảm chứ không tăng. Nhìn chung, thị trường cổ phiếu toàn cầu đã đạt tới đỉnh mới. Chênh lệch lãi suất trên thị trường tín dụng (giữa trái phiếu chính phủ với trái phiếu công ty) thấp trong khi lợi tức trái phiếu dài hạn đang giảm tại hầu hết các nền kinh tế phát triển.

Đúng là thị trường tài chính tại những nước đang vướng phải rắc rối – ví dụ như thị trường tiền tệ, chứng khoán và trái phiếu của Nga – đã chịu tác động tiêu cực. Tuy nhiên, sự lan rộng của khủng hoảng ra các thị trường tài chính toàn cầu như các căng thẳng địa chính trị thường gây nên lại không xảy ra.

Vì sao lại có sự dửng dưng như vậy? Phải chăng các nhà đầu tư quá tự mãn, hay phải chăng sự thờ ơ rõ ràng của họ là có cơ sở lý trí do ảnh hưởng kinh tế và tài chính thực tế của các rủi ro địa chính trị ít nhất đến giờ vẫn còn là khiêm tốn?

Các thị trường toàn cầu không phản ứng lại vì nhiều lý do. Trước hết, các ngân hàng trung ương tại những nền kinh tế phát triển (Mỹ, khối Eurozone, Anh và Nhật Bản) đang giữ tỷ lệ lãi suất ngắn hạn gần như bằng không và tỷ lệ lãi suất dài hạn ở mức thấp. Điều này đã làm tăng giá của các tài sản rủi ro khác như cổ phiếu và tín dụng.

Thứ hai, các thị trường cho rằng xung đột Nga-Ukraine vẫn sẽ được kiềm chế hơn là leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện. Vì vậy, dù các biện pháp trừng phạt và trả đũa giữa phương Tây và Nga đang tăng lên nhưng chúng lại không gây thiệt hại đáng kể về kinh tế và tài chính đối với Liên minh châu Âu hay Mỹ. Quan trọng hơn là Nga không cắt đứt việc cung cấp khí gas cho Tây Âu, điều nếu xảy ra sẽ gây ra một cú sốc lớn đối với các nền kinh tế EU vốn phụ thuộc vào khí gas.

Thứ ba, sự hỗn loạn ở Trung Đông đã không gây ra cú sốc nghiêm trọng đối với giá và nguồn cung dầu thô như đã từng xảy ra trong những năm 1973, 1979, hay 1990. Ngược lại, năng lực sản xuất đang ở mức dư thừa trên các thị trường dầu toàn cầu. Iraq có thể gặp rắc rối, nhưng khoảng 90% lượng dầu của nước này được sản xuất ở miền nam, gần Barsa, nơi hoàn toàn thuộc sự kiểm soát của người Shia, hoặc ở phía bắc, nơi thuộc quyền kiểm soát của người Kurd. Chỉ có khoảng 10% được sản xuất gần Mosul, hiện chịu sự kiểm soát của Nhà nước Hồi giáo.

Cuối cùng, khả năng xảy ra chiến tranh tại Trung Đông giữa Israel và Iran – cuộc xung đột có thể khiến giá dầu tăng cao – hiện đang là một rủi ro được kiềm chế bởi các cuộc đàm phán quốc tế với Iran nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân của nước này.

Do đó, có vẻ như có một vài lý do hợp lý để lý giải cho việc thị trường toàn cầu chỉ phản ứng hờ hững đối với các rủi ro địa chính trị hiện nay. Điều gì có thể thay đổi điều này?

Có vài kịch bản có thể xảy ra. Thứ nhất, tình hình rối ren tại Trung Đông có thể ảnh hưởng tới các thị trường toàn cầu nếu có ít nhất một cuộc tấn công khủng bố xuất hiện tại châu Âu hay Hoa Kỳ – một diễn tiến khả dĩ khi mà hàng trăm phiến quân IS được cho là có hộ chiếu châu Âu hay Hoa Kỳ. Thị trường có xu hướng bất chấp rủi ro của các sự kiện khó đánh giá xác suất xảy ra. Nhưng các sự kiện như vậy lại có ảnh hưởng lớn tới lòng tin của thị trường nếu chúng thành hiện thực. Do đó, một cuộc tấn công khủng bố bất ngờ có thể làm suy yếu thị trường toàn cầu.

Thứ hai, thị trường có thể nhầm lẫn khi đánh giá rằng các cuộc xung đột như giữa Nga và Ukraine hay nội chiến ở Syria sẽ không leo thang hay lan rộng. Các chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể trở nên hiếu chiến hơn khi đáp trả những thách thức đối với quyền lực của ông ở trong nước, trong khi Jordan, Libăng và Thổ Nhĩ Kỳ đều trở nên mất ổn định do sự sụp đổ đang diễn ra của Syria.

Thứ ba, căng thẳng địa chính trị và chính trị có thể sẽ dẫn đến sự lây lan (khủng hoảng) toàn cầu khi có một nhân tố hệ thống hình thành nên nền kinh tế toàn cầu tham gia vào. Ví dụ, một cuộc biến động nhỏ đã khuấy đảo các thị trường mới nổi vào đầu năm nay – thậm chí có lúc còn tràn vào cả các nền kinh tế phát triển – đã xuất hiện khi bất ổn chính trị tại một số nước (Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan và Argentina) xảy ra đồng thời với tin xấu về tình hình tăng trưởng của Trung Quốc. Trung Quốc, với tầm quan trọng mang tính hệ thống của mình, là que diêm bắt lửa vào hộp quẹt của những bất ổn cục bộ cũng như khu vực.

Hiện nay (hoặc trong tương lai gần), tình hình của Hồng Kông cùng với tin tức về việc nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy yếu có thể sẽ gây ra một cuộc tàn phá tài chính toàn cầu. Hoặc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ châm lửa cho sự lây lan khủng hoảng tài chính bằng cách hủy bỏ chế độ lãi suất bằng không sớm hơn và nhanh hơn các thị trường kỳ vọng. Hoặc khối Eurozone có thể lại lâm vào suy thoái và khủng hoảng, làm sống lại nguy cơ phải sử dụng lại các đồng tiền cũ trong trường hợp liên minh tiền tệ bị phá vỡ. Sự tương tác của bất kỳ nhân tố toàn cầu nào trong số này với những nguồn căng thẳng địa chính trị cục bộ và khu vực cũng có thể mang tính kích nổ mạnh.

Do đó, dù các thị trường toàn cầu có thể nói đang tự mãn một cách duy lý thì sự lây lan khủng hoảng tài chính vẫn không thể bị loại bỏ. Một thế kỷ trước, các thị trường tài chính đã đánh giá rất thấp khả năng xảy ra một cuộc xung đột lớn, vội mừng bỏ qua các rủi ro đã dẫn tới Chiến tranh thế giới lần thứ nhất mãi cho tới tận cuối mùa hè năm 1914. Lúc đó, các thị trường đã rất kém trong việc đánh giá các rủi ro có khả năng xảy ra thấp nhưng tác động mạnh. Và giờ vẫn vậy.

Nouriel Roubini là giáo sư tại Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York, chủ tịch của Roubini Global Economics. Ông từng làm việc cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, và Ngân hàng Thế giới.

Biên tập: Nguyễn Huy Hoàng | Bản gốc tiếng Anh: Project Syndicate