Quan hệ Trung-Nhật 120 năm sau cuộc chiến

chinajapanfaceoff

Tác giả: Liu Jiangyong | Biên dịch: Lê Hoàng Giang

Năm 2014 đánh dấu 120 năm trôi qua kể từ khi Chiến tranh Thanh-Nhật (1894-95) bùng nổ. Nhưng dù hai nước đã trải qua nhiều thập kỷ hòa bình, ở Trung Quốc vẫn tồn tại một cảm giác bất an rằng những diễn biến và việc sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản gần đây đã tạo ra tình cảnh tương tự như thập kỷ trước năm 1894.

Vào thời điểm nói trên, lấy cớ bảo vệ lãnh sự quán và kiều dân của mình, chính phủ Nhật Bản đã đem quân vào bán đảo Triều Tiên và xâm lược Trung Quốc. Bốn năm trước đó, vào tháng 12 năm 1890, Thủ tướng Nhật Bản khi đó và là “cha đẻ” của chủ nghĩa quân phiệt Nhật, Yamagata Aritomo, đã đưa ra bài phát biểu chính sách tuyên bố rằng có hai ranh giới cần phải được bảo vệ nếu Nhật Bản muốn có năng lực tự phòng thủ.

Thứ nhất là “ranh giới chủ quyền”, qua đó xác định đường biên giới lãnh thổ của Nhật Bản. Thứ hai là “ranh giới lợi ích” nhắm đến bất kỳ khu vực nào có liên quan mật thiết đến sự an toàn của ranh giới chủ quyền.

Dĩ nhiên, Nhật Bản coi bán đảo Triều Tiên là nơi đầu tiên nằm trong “ranh giới lợi ích” của họ. Yamagata, người đề xuất mạnh mẽ lý thuyết bành trướng này, đã trở thành tư lệnh của Tập đoàn quân Số 1 của Nhật Bản vào năm 1894, dưới thời chính quyền Itō Hirobumi. Dưới sự lãnh đạo của ông, binh lính Nhật Bản đã xâm lược bán đảo Triều Tiên đến tận Bình Nhưỡng trước khi tiến quân thẳng vào Liêu Đông, Trung Quốc. Sau khi thôn tính bán đảo Triều Tiên cùng với việc nới rộng cái gọi là ranh giới chủ quyền của mình, Nhật Bản mở rộng “ranh giới lợi ích” sang Đông Bắc Trung Quốc. Cũng bằng lý lẽ đó, quân đội Nhật tiếp tục gây ra Sự kiện Mãn Châu vào năm 1931 và Sự kiện Ngày 7 tháng 7 (hay Sự kiện Lư Câu Kiều theo cách gọi của người Nhật Bản, được xem là sự kiện mở đầu chiến tranh Trung-Nhật– NBT) năm 1937, và tiến hành tổng xâm lược Trung Quốc, dẫn đến hàng loạt tội ác chiến tranh sau đó.

Ngày nay, gần 70 năm sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai và sau sự thoái lui của chủ nghĩa đế quốc Nhật, đã xuất hiện nhiều điểm tương đồng giữa quan hệ Trung-Nhật ngày nay và quan hệ hai nước trong thập kỷ trước khi Chiến tranh Thanh-Nhật nổ ra. Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ công chúng Nhật Bản, gần đây nội các Thủ tướng Abe Shinzo đã thông qua các nghị quyết để sửa đổi cách diễn giải Hiến pháp Nhật Bản nhằm dỡ bỏ lệnh cấm phòng thủ tập thể và tiếp tục sửa đổi Luật các Lực lượng Tự vệ. Ngoài ra cũng đã có những cuộc thảo luận với Hoa Kỳ về việc điều chỉnh đường lối hợp tác quốc phòng Nhật-Mỹ và phân công trách nhiệm quân sự. Tất cả những điều này cho thấy Nhật Bản đã từ bỏ chính sách “phòng vệ đặc biệt” của mình và đang mở đường cho các hoạt động chung với các lực lượng quân sự của Mỹ và các đồng minh thân cận khác.

Trong giai đoạn này, những viễn cảnh cho phép sử dụng lực lượng quân sự mà nội các Abe tạo ra gồm cả những trường hợp các quốc gia có quan hệ thân cận với Nhật Bản bị tấn công và những trường hợp cần bảo vệ cuộc sống và tự do của người dân Nhật. Có một cảm giác bất an ở Trung Quốc rằng việc Nhật Bản mở rộng khái niệm quyền tự vệ đánh dấu sự trở lại của “ranh giới lợi ích” được Yamagata viện dẫn vào năm 1890. Cụ thể hơn, nhiều người e sợ rằng những lý lẽ không chắc chắn và những giả định mơ hồ này có thể đang hướng đến đến bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc.

Nhật Bản sẽ không chỉ tìm cách tiếp tục củng cố liên minh với Hoa Kỳ, mà còn đưa các quốc gia như Philippines và Việt Nam vào danh sách những nước có quan hệ thân cận. Cả hai nước đều có tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Quốc, và bằng cách xếp họ vào nhóm này, Nhật Bản sẽ có thể cung cấp cho họ các tàu tuần tra và các hỗ trợ khác tương tự.

Hơn nữa, Nhật Bản cũng đang củng cố quan hệ với NATO – trong năm nay NATO và Nhật sẽ ký thêm một hiệp định tăng cường hợp tác. Và trong chuyến thăm Australia gần đây nhất, Abe đã tuyên bố rằng hai nước sẽ đẩy mạnh hợp tác quân sự. Những nỗ lực dường như nhằm hình thành một chiến lược rộng hơn để bao vây Trung Quốc đánh dấu lần đầu tiên Nhật Bản có những hành động như vậy trong vòng 70 năm kể từ khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc.

Người dân Nhật Bản đang bắt đầu nhận ra rằng việc sửa đổi Hiến pháp như vậy là vi phạm khái niệm hòa bình được đưa ra trong chính bản Hiến pháp đó. Thay vì bảo vệ người dân Nhật Bản, nó đang tạo ra một thế trận quân sự khu vực có thể gây mạo hiểm cho sinh mạng của nhiều binh sĩ Nhật. Khi đó, gần như chắc chắn rằng những hành động của nội các Abe sẽ không thể tránh khỏi sự phản đối quyết liệt của những người dân Nhật yêu chuộng hòa bình, và khiến nước châu Á láng giềng cảnh giác và kháng cự.

Abe đang chơi một cuộc chơi ngoại giao quốc tế tinh vi. Trong khi bày tỏ sự sẵn lòng gặp gỡ các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Abe cũng đồng thời triển khai một trận chiến ngoại giao chống lại Trung Quốc. Ông không cho thấy dấu hiệu nào của sự ăn năn sau khi đến thăm Đền Yasukuni vào cuối năm ngoái. Dù tuyên bố luôn sẵn sàng đối thoại, ông lại từ chối tổ chức đối thoại với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Nhật Bản tỏ ra mong đợi hội nghị thượng đỉnh Trung-Nhật vào tháng 11 nhưng trên thực tế lại từ chối bất cứ trao đổi nào về những vấn đề cấp bách nhất cần được giải quyết, như tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Phía Nhật Bản hiểu rõ rằng nếu không có các kênh trao đổi chính thức thì hội nghị thượng đỉnh Trung-Nhật gần như sẽ không thể diễn ra.

Một động cơ quan trọng của Nhật Bản khi xử sự như vậy là để tạo ra cảm giác rằng Trung Quốc mới là nước không hành xử theo thông lệ quốc tế, qua đó giành lợi thế từ dư luận. Tuy nhiên, dù kế hoạch của Abe có kỹ lưỡng đến mức nào, chừng nào nó còn đi ngược lại với xu hướng hòa bình thế giới đang ngày càng phát triển và ý nguyện của người dân Nhật Bản, nó vẫn sẽ thất bại hoàn toàn. Một trăm hai mươi năm kể từ khi Chiến tranh Thanh-Nhật bùng nổ, quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang bất ổn hơn bao giờ hết.

Liu Jiangyong (Lưu Giang Vĩnh) là Giáo sư và Phó Viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế Hiện đại tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc.

Biên tập: Nguyễn Huy Hoàng | Bản gốc tiếng Anh: East Asia Forum