Bản sắc Do Thái

d12Ewf8ddSsbRoKwMumvzucd

Tại Israel, để là một người thực tế, bạn phải tin vào phép lạ”.[1]

-David Ben-Gurion (Thủ tướng đầu tiên của Nhà nước Israel hiện đại)

Từ khi Nhà nước Israel tuyên bố độc lập vào năm 1948, những đánh giá lịch sử về Israel thường chỉ đặt trọng tâm xoay quanh của các cuộc chiến nẩy lửa, các xung đột Ả Rập-Israel không bao giờ hết và các cuộc đàm phán ngoại giao bế tắc. Trọng tâm đó rất gây hiểu lầm. Israel đã trải qua nhiều cuộc chiến; Israel cũng luôn là mục tiêu của các cuộc tấn công khủng bố nhiều hơn bất kỳ một quốc gia nào khác; cũng là một thành viên tích cực trong nỗ lực kiến tạo hòa bình của Trung Đông trong nhiều thập niên. Tuy nhiên, các xung đột và thương lượng, mặc dù thường xuất hiện với tần suất rất cao trên các tiêu đề truyền thông hàng ngày, chỉ là một phần nhỏ của câu chuyện. Cuốn sách này “Câu chuyện Do Thái: từ Do Thái giáo đến Nhà nước Israel hiện đại” cho chúng ta nhìn thấy một bức tranh quan trọng hơn và bao quát hơn: thực tế của đất nước này và con người của nó là gì?

Câu trả lời là Israel hiện đại đã và đang xây dựng một hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa với một ý thức rõ ràng – mặc dù không hoàn hảo và chưa trọn vẹn. Đó là một quốc gia bình thường như mọi quốc gia khác, độc đáo, đặc sắc, và mang nhiều màu sắc khác lạ.

Tuy rằng Israel hiện đại khởi nguồn từ một trong những nền móng xã hội và văn hóa lâu đời nhất trên trái đất, di sản cổ xưa của nó đã không giúp cho công cuộc xây dựng quốc gia Israel hiện đại dễ dàng hơn. Ngược lại, tôn giáo và chủ nghĩa duy vật, ngôn ngữ đa dạng, dân chúng với nhiều trình độ phát triển kinh tế, kinh nghiệm lịch sử khác nhau, trong số các yếu tố khác, đã khiến cho công cuộc xây dựng quốc gia của Israel đặc biệt phức tạp và đầy thử thách. Một mảnh đất nhỏ bé và khô cằn, tài nguyên thiên nhiên ít ỏi, bao quanh bởi các nước láng giềng thù địch, cùng với những câu chuyện thành công ngoạn mục đã làm cho Israel trở nên một đất nước như huyền thoại.

Định nghĩa Israel hiện đại

Ý tưởng cho rằng người Do Thái là “chỉ là” một nhóm tôn giáo là một khái niệm bắt đầu với cuộc Cách mạng Pháp năm 1789, nhưng đã không gây ảnh hưởng ở Tây Âu cho đến giữa thế kỷ 19. Khái niệm này hoàn toàn không đứng vững trong các cộng đồng người Do Thái ở Đông Âu hay Trung Đông. Ở Tây Âu, những người có cảm tình với người Do Thái và những người Do Thái muốn mình hòa đồng với nền văn hóa của đa số, đã tìm cách mô tả người Do Thái như những công dân bình thường về mọi mặt ngoại trừ trong khu vực cá nhân hạn hẹp của tôn giáo. Không tự coi mình là một dân tộc đặc biệt với một nền văn hóa, ngôn ngữ, và bản sắc riêng biệt là một cách làm của người Do Thái trong cố gắng đạt tới bình đẳng và loại bỏ chủ nghĩa bài xích Do Thái. Nhưng cách tiếp cận này đã không phản ánh được thực tế lịch sử và mâu thuẫn với chính hình ảnh bản thân của họ.

Trong Thời Kỳ Thánh Kinh [3000 TCN – 538 TCN][2] và cho đến thời điểm quốc gia Israel cổ đại bị người La Mã hủy diệt vào năm 70 CN, người Do Thái đã sinh hoạt như một quốc gia, được cho là đầu tiên trong lịch sử. Sau đó, suốt trong hơn mười chín thế kỷ, người Do Thái lưu vong, và trên những vùng đất mà họ cư ngụ đã hình thành nên một dân tộc tách biệt với những tổ chức quản lý phi-nhà nước theo cung cách riêng của mình, với ngôn ngữ duy nhất, phong tục độc đáo, những ý tưởng khác lạ, và một nền văn hóa rất khác biệt, chưa kể đến những thứ như trang phục quần áo và nghệ thuật. Những từ như “Hebrew” và “Israeli”, sử dụng phổ biến hơn từ “Jews” – ngay trong thời hiện đại – đã phản ánh rằng bản sắc dân tộc và con người Israel đã tự mở rộng vượt ra ngoài phạm vi của tôn giáo.

Tôn giáo, như thế, chỉ là một dấu hiệu trong bản sắc người Do Thái, giống như một quốc gia trong tự nhiên. Không có mâu thuẫn nào giữa bản sắc tôn giáo và bản sắc dân tộc. Trong thế giới cổ đại và cũng ở ngay thời hiện đại, ở nhiều nơi, một tôn giáo khác biệt là một trong những điểm nổi bật chính của quốc gia-dân tộc. Điều này đặc biệt đúng tại khu vực Trung Đông thời hiện đại, nơi mà Israel là một điển hình.

Trong suốt lịch sử, hành động đầu tiên đánh dấu rằng người Do Thái có một bản sắc dân tộc đặc biệt mạnh mẽ chính là việc họ đã từ chối các vị thần và các phong tục tôn giáo của ngay cả những dân tộc đã từng thống trị họ như người La Mã và sau đó người Kitô giáo và Hồi giáo. Trong nhiều trường hợp khác, có những dân tộc chấp nhận tôn giáo, ngôn ngữ, và bản sắc của những người cai trị hoặc hàng xóm để rồi cuối cùng biến mất khỏi lịch sử. Điều đó cho thấy rằng một bản năng yếu kém không có chỗ tồn tại trong thế giới của quyền lực. Cái bản sắc tôn giáo-dân tộc kéo dài của người Do Thái đã tỏ ra mạnh hơn so với hầu như bất kỳ một dân tộc nào khác trên trái đất.

Khả năng sinh tồn này đã được định hình không phải chỉ do đặc tính “bướng bỉnh” và “bất chấp” của người Do Thái, cũng không phải do những o ép đối với họ bằng vũ lực. Thay vào đó, người Do Thái đã hành động giống như một quốc gia hiện đại, dù rằng đã mất quyền kiểm soát hoặc hiện diện trong những vùng lãnh thổ đặc biệt. Thật vậy, việc ngăn cấm tôn giáo đối với người Do Thái bằng cách pha loãng tập tục của họ hay tích hợp từ tập tục của những dân tộc khác trong thời cổ đại đã dẫn đến cuộc nổi dậy thành công của người Do Thái vào năm 166 TCN chống lại người Syria dòng Seleucid để lập nên vương quốc Hasmoneans độc lập; và ngược lại là cuộc khởi nghĩa thất bại chống lại người La Mã và dẫn đến sự hủy diệt của Jerusalem vào năm 70, buộc người dân Do Thái sống cuộc đời lưu vong trong gần 2000 năm.

Sau khi dịch chuyển trung tâm sinh hoạt từ Vùng đất Israel đến các cộng đồng Do Thái lưu vong, rời xa khỏi quê hương lịch sử ở Trung Đông, người Do Thái vẫn tiếp tục cố gắng sinh hoạt như một quốc gia, mặc dù buộc phải chấp nhận những thiệt thòi của lối sống tách biệt, đó là sự phân biệt đối xử và thậm chí bách hại dưới bàn tay của các nước láng giềng. Qua nhiều thế kỷ, trong khuôn khổ lãnh đạo của các giáo sĩ Do Thái, người Do Thái vẫn duy trì một hình thức chính phủ cộng đồng của riêng mình, cùng với pháp luật, lịch, ngôn ngữ, các quan điểm triết học, có thể nhìn thấy trong các văn bản lớn của giáo hội và đặc biệt là qua đồ ăn, tập quán, và trang phục quần áo.

Đây không phải là một hoạt động mang tính cục bộ. Các cộng đồng cá nhân của người Do Thái, ngay khi cách xa nhau ngàn vạn cây số và sống trong những điều kiện rất khác biệt, vẫn duy trì kết nối trong suốt thời gian dài thời Trung cổ và tiếp tục trong thời kỳ hiện đại. Thật vậy, đó chính là lý do giải thích tại sao người Do Thái vẫn có thể thành công trong việc duy trì thương mại ở tầm xa, giữ được những tập quán khá đồng nhất.

Tất cả người Do Thái, ngay cả những người nghèo và ít học nhất sống ở các thôn xóm cô lập nhất, vẫn ý thức được nguồn gốc của họ tại Vùng đất Israel trong Thánh Kinh; nhiều người vẫn duy trì quan hệ với cộng đồng rất nhỏ người Do Thái đang còn sống ở đó và luôn tin rằng số phận sẽ dẫn họ trở về khi Đấng Cứu Thế xuất hiện.

Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái (Zionism – Chủ nghĩa Zion) xuất hiện ở châu Âu vào cuối thế kỷ 19 đã cập nhật tất cả những ý tưởng hiện có trên tinh thần tự giác và chủ nghĩa dân tộc đương đại. Nó đề xuất câu trả lời cho “câu hỏi Do Thái“, rằng làm thế nào để người Do Thái, bao gồm cả những người có cuộc sống không bị bao bọc bởi giới luật tôn giáo, đáp ứng những thách thức và cơ hội của thế giới hiện đại? Câu trả lời là không phải sự đồng hóa, cũng không phải là sự tồn tại thuần túy tôn giáo có thể đáp ứng những thách thức của thế giới hiện đại, mà chính là sự tồn tại của quốc gia: đó là sự cần thiết tạo ra một nhà nước Do Thái ngay trên quê hương lịch sử. Các nhà Zionist cũng lập luận rằng việc thay thế sự kiên nhẫn của lòng tin bằng hành động của con người sẽ bảo tồn cuộc sống của chính những người Do Thái và sự thịnh vượng cho tôn giáo của họ.

Ở Đông Âu, nơi mà đại đa số người Do Thái châu Âu tập trung, trên thực tế một đời sống quốc gia của người Do Thái vẫn tồn tại trong suốt thế kỷ 19 và kéo dài sang thế kỷ 20 ở nhiều nơi. Hầu hết người Do Thái châu Âu nói tiếng Yiddish, một ngôn ngữ có nguồn gốc từ tiếng Do Thái và tiếng Đức. Họ cầu nguyện hàng ngày trong các hội đường, lấy Vùng đất Israel làm trung tâm tôn giáo, và sinh hoạt như một cộng đồng hoàn toàn tách biệt với các láng giềng. Vụ diệt chủng người Do Thái của Đức Quốc Xã, cùng với sự đồng hóa cưỡng chế ở một số quốc gia châu Âu và Liên Xô, đã kết thúc lối sống này.

Trong khi đó ở Trung Đông người Do Thái sống gần như hoàn toàn cô lập trong cộng đồng của họ, tuân theo các lề luật tôn giáo riêng, có trang phục và nghề nghiệp khác biệt, và nói một ngôn ngữ đặc biệt đó là Arabic-Hebrew hoặc Spanish-Hebrew tương tự như tiếng Yiddish.

Với lịch sử như thế, nhận thức chung của nhiều người ngoài cuộc là người Do Thái luôn là những người ngoài lề, không tự nguyện hội nhập hoàn toàn vào những cộng đồng đa số nơi họ sống. Đối với người Do Thái ở châu Âu Kitô giáo hoặc Trung Đông với đa số Hồi giáo, chưa bao giờ – hoặc chỉ rất gần đây – có bất kỳ lời đề nghị hội nhập hoàn toàn. Tuy nhiên, đại đa số người Do Thái không nhìn bản sắc khác biệt của họ với ý nghĩ tiêu cực mà vẫn coi mình đơn thuần là “hướng nội”. Nói cách khác, người Do Thái tự coi họ là một phần của cộng đồng Do Thái rất gắn kết của riêng mình, trong khi vẫn chia sẻ thế giới quan với các thành viên của các cộng đồng khác bất kể vị trí địa lý và hoàn cảnh kinh tế của họ.

Thật vậy, Israel hiện đại không phải là một tác phẩm tùy ý hoặc ngẫu nhiên – nó không chỉ đơn thuần là kết quả của những thảm họa, ví dụ như, Holocaust. Thay vào đó, nó là sự tiếp nối của một quá trình lịch sử lâu dài. Sự ra đời của Nhà nước Israel là không thể tránh khỏi và là một logic hợp lý vì cũng như bất kỳ nhà nước nào trên thế giới hiện nay, nó được tạo ra bởi một cộng đồng của những người có chung một thế giới quan, lịch sử, và ước muốn được chia sẻ số phận của mình.

Sự tồn tại của những cảm tình đối với Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái trong xã hội, tôn giáo và thế giới quan Do Thái có lẽ sẽ không đi tới đâu nếu không có một phong trào có tổ chức. Những nhà tư tưởng tiên phong giữa thế kỷ 19 – Moses Hess [1812-1875], Leon Pinsker [1821-1891], và những người khác – đã cung cấp cái nhìn thoáng qua về ý tưởng lãng mạng của một nhà nước Do Thái, nhưng Theodor Herzl [1860-1904] và Ben-Gurion [1886-1973] mới là những nhà cách mạng đã đưa ý tưởng phục quốc trở thành hiện thực vào những năm 1890 khởi đầu với khái niệm “Vùng đất Israel ” (Land of Israel).

Cuộc di cư rải rác của những người dân Do Thái lưu vong về lại Vùng đất Israel và tham gia với cộng đồng tôn giáo truyền thống đã có ở đó dẫn đến sự ra đời của Yishuv. Đây là tên gọi cộng đồng người Do Thái ở Vùng đất Israel giữa những năm 1880 và 1948, khi Israel tuyên bố trở thành một nhà nước độc lập. Cộng đồng Do Thái Yishuv đóng vai trò quan trọng trong việc đặt nền móng cho một Nhà nước Israel đã được trù liệu. Trong khi truyền thống và lịch sử Do Thái là lớp nền móng đầu tiên trong việc định hình Nhà nước Israel hiện đại, Yishuv là lớp thứ hai.

Những thuộc tính văn hóa và cơ cấu kinh tế-chính trị được tạo ra trong thời kỳ Yishuv đã trở thành những thuộc tính cơ bản của nhà nước và xã hội Israel hiện đại sau này. Các đặc trưng tiền-nhà nước được biết đến nhất bao gồm: sự hồi sinh của ngôn ngữ Hebrew, sự thành lập các tổ chức tự vệ, việc thành lập một nền tảng kinh tế công nghiệp theo cấu trúc xã hội chủ nghĩa, sự phát triển của một hệ thống dịch vụ xã hội toàn diện, sự hòa hợp của một nền văn hóa nẩy sinh chủ yếu từ chất men trí thức của Đông Âu, việc lập ra các làng cộng đồng sáng tạo “Kibbutz” và các hợp tác xã “Moshav”, và việc xây dựng một khuôn khổ quốc gia căn bản là thế tục với các khía cạnh tôn giáo lớn. Nhiều yếu tố khác từ những năm Yishuv trong giai đoạn tiền-nhà nước vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến Israel rất lâu sau khi Nhà nước Israel được thành lập.

Hãy xem xét, ví dụ, vai trò của tôn giáo. Để nói rằng Israel là một nhà nước Do Thái không có nghĩa là chỉ đơn thuần là một bản tuyên bố về bản sắc tôn giáo. Nó trước tiên phải là một tuyên bố về bản sắc dân tộc. Đại đa số các nhà lãnh đạo Yishuv, và sau đó các nhà lãnh đạo Israel, là thế tục (có nghĩa là không ràng buộc vào tôn giáo nào). Họ đồng thời công nhận tầm quan trọng của tôn giáo trong việc gắn kết người Do Thái lại với nhau, tôn trọng tín ngưỡng của các nhóm thiểu số, nhưng cũng muốn đảm bảo rằng tôn giáo không có quá nhiều quyền lực đối với xã hội và văn hóa dân tộc.

Vì vậy, thế hệ lãnh đạo thống trị Yishuv và Nhà nước Israel ban đầu đã sớm đạt được một thỏa hiệp với các lãnh đạo Do Thái giáo Chính Thống (Orthodox) để chỉ chấp nhận quyền lực của tôn giáo ở một số khía cạnh của xã hội. Ngày nay các tổ chức nhà nước vẫn tuân theo luật lệ về chế độ ăn chay (Kosher) của người Do Thái; các cửa hàng thường đóng cửa vào ngày Sabbath (mặc dù thực tế này đã bị xói mòn theo thời gian); nhà nước nghỉ làm việc trong các ngày lễ tôn giáo của người Do Thái; kết hôn, ly hôn, và chôn cất được các giáo sĩ Do Thái điều khiển; sinh viên của các chủng viện Yeshiva[3] được hoãn nghĩa vụ quân sự. Thỏa hiệp này đảm bảo duy trì sự cân bằng quyền lực của cả hai phía thế tục và tôn giáo.

Tuy nhiên, thực tế thì Israel là một xã hội nghiêng về thế tục. Nói chính xác thì Israel được đặc trưng là một đất nước trong đó các khái niệm, phong tục và lịch sử có nguồn gốc tôn giáo đã được đặt vào trong một khuôn khổ thế tục và quốc gia. Trong một ý nghĩa tương tự, quá trình này cũng đã diễn ra trong nền văn minh phương Tây Kitô giáo.

Trong ba hoặc bốn thập niên đầu tiên của Nhà nước Israel độc lập, người Israel Do Thái tiếp tục tự cho rằng họ được phân chia rõ ràng thành hai nhóm tôn giáo và thế tục. Đến những năm 1990, tuy nhiên, người Israel Do Thái nhận ra sự tồn tại của một chuỗi rộng các quan điểm cũng như trình độ của việc thực hành tôn giáo. Khi xã hội đã trở thành thế tục hơn và ít ý thức hệ hơn, một thành phần khá lớn dân số gọi là “truyền thống” xuất hiện; họ vẫn duy trì các yếu tố của giới luật tôn giáo nhưng lại cam kết cho một lối sống cơ bản thế tục. Cách tiếp cận này đặc biệt mạnh trong nhóm người Do Thái Mizrahi là những người Do Thái đến từ Trung Đông và Bắc Phi.

Mặc dù có rất nhiều thách thức, Israel ngày nay có một hệ thống dân chủ đa nguyên được kiến trúc để có thể dung chứa các cộng đồng và các quan điểm khác nhau, mặc dù không đại diện về địa lý.

Một yếu tố khác đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của Israel là những người nhập cư Do Thái đến từ nhiều quốc gia và các nền văn hóa khác nhau đã hòa nhập thành công trong một xã hội thống nhất. Trước và sau độc lập của Israel vào năm 1948, những người nhập cư đến đầu tiên từ châu Âu, sau đó chủ yếu là từ Trung Đông, sau này từ Liên Xô cũ, và với số lượng nhỏ hơn, từ Ethiopia. Hầu hết những người nhập cư là người tị nạn nghèo, mất hết tài sản, cũng như bị chấn thương tâm lý do điều kiện sống khắc nghiệt và khủng bố ở các quốc gia họ đã bỏ trốn. Họ đã tìm thấy đời sống mới trên Vùng đất Israel. Họ hy vọng.

Mặc dù Israel được định nghĩa là một nhà nước Do Thái, nó lại hoạt động giống như một quốc gia Trung Đông truyền thống đa nguyên – với một tôn giáo nhà nước và các nhóm thiểu số tự trị một phần – hơn là kiểu nhà nước một dân tộc (mono-nationalist) của châu Âu thế kỷ hai mươi vốn đã xóa bỏ tất cả các nhóm thiểu số trong quá trình cưỡng bức đồng hóa . Ở Israel, mỗi cộng đồng tôn giáo có quyền kiểm soát đối với các vấn đề riêng của cộng đồng mình về tình trạng cá nhân, có quyền duy trì văn hóa, tôn giáo, và, ở một mức độ nào đó, tự chủ về tư pháp.

Israel nổi lên từ những năm trước và sau độc lập của mình với một thách thức chính trị, thế giới quan, kinh tế, văn hóa trộn lẫn từ nhiều yếu tố khác nhau. Trong số các ảnh hưởng chính là xã hội Do Thái truyền thống cùng với những cải cách Yishuv và những vay mượn từ các nền văn hóa Đông Âu, Tây Âu và Trung Đông. Bổ sung theo thời gian là các yếu tố văn hóa của Bắc Mỹ, Địa Trung Hải, và Nga hiện đại, cũng như một môi trường văn hóa Ả Rập tự trị. Pha trộn tất cả các yếu tố dân tộc, ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa này với nhau đã tạo nên một môi trường xã hội phong phú, những ý thức hệ chính trị đa dạng và nhiều giai tầng về địa vị xã hội.

Đây là một phần trích từ cuốn sách “Câu Chuyện Do Thái: Từ Do Thái giáo đến Nhà nước Israel Hiện đại” của tác giả Đặng Hoàng Xa (Nhóm nghiên cứu Do Thái & Israel), do Sách Thái Hà dự định xuất bản tháng 1/2015

——————

[1] “In Israel, in order to be a realist, you must believe in miracles.”

[2] Trong cuốn sách này chúng tôi ghi rõ TCN (trước công nguyên) trong những ngày trước năm 0001. Còn những ngày sau đó chúng tôi dùng ký hiệu viết tắt CN (sau công nguyên) hoặc để trống không ghi gì.

[3] Yeshiva: chủng viện Do Thái Chính thống.