Tác giả: Nguyễn Thế Phương
Tuần qua là một tuần không nhiều những thông tin quân sự nóng bỏng, tuy nhiên vẫn có nhiều những chuyển động đáng chú ý.
Kanwa Defense Review có một bài viết cho rằng, nếu Trung Quốc có thể tiến hành thành công dự án đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên Type 001A của mình, Hải quân Trung Quốc sẽ sở hữu một mẫu tàu sân bay tốt hơn so với Ấn Độ hay Nhật Bản. Lời khẳng định này được trích dẫn từ một viên chức cấp cao tại xưởng đóng tàu Giang Nam tại Thượng Hải, nơi được tin là đã tiến hành lễ khởi đóng tàu sân bay nội địa thứ 2 cho hải quân. Chiếc thứ nhất theo dự đoán đang được đóng tại Đại Liên. Các tướng lĩnh và học giả quốc phòng Trung Quốc thường xuyên nhấn mạnh tới tầm quan trọng của tàu sân bay trong chiến lược hải quân của nước này, và họ cho rằng hải quân cần phải sở hữu ít nhất ba tàu sân bay.
Để có thể chế tạo được một mẫu tàu sân bay vượt trội so với Nhật Bản hay Ấn Độ, các kỹ sư Trung Quốc phải vượt qua nhiều khó khăn kỹ thuật. Đầu tiên là xác định kích thước của con tàu, càng lớn thì càng phức tạp về kỹ thuật và công nghệ. Thứ hai là việc có hay không trang bị động cơ hạt nhân cho Type 001A, vốn đòi hỏi đảm bảo về mặt kỹ thuật và độ an toàn rất lớn. Thứ ba là công nghệ phóng, cốt lõi của một tàu sân bay. Hiện tại có thông tin cho rằng Trung Quốc đã tiếp cận được công nghệ máy phóng như trên các tàu sân bay Hoa Kỳ, vốn tiên tiến hơn nhiều so với bệ phóng máy bay kiểu nhảy cầu (sky jump) trên Liêu Ninh. Thứ tư là quá trình trang bị máy bay trên tàu sân bay, với các máy bay J-15 vẫn đang trong quá trình thử nghiệm vũ khí, hệ thống điện tử và tiếp dầu trên không. Cuối cùng chính là khó khăn trong quá trình thiết lập một “nhóm tác chiến tàu sân bay” gồm các yếu tố đủ sức bảo vệ các tàu sân bay mới của Trung Quốc trong tương lai, vốn đòi hỏi một nền quốc phòng toàn diện và tiên tiến hơn nữa. Rõ ràng, để Type 001A vượt trội so với INS Vikramaditya hay Izumo không phải là chuyện đơn giản, nhưng cũng không phải là vấn đề ngoài tầm tay.
Tàu sân bay dĩ nhiên là một phần đặc biệt quan trọng trong chiến lược hải quân của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh các dự án tàu sân bay mới vẫn còn đang sơ khai, hải quân nước này cần những công cụ khác. Theo một số nguồn tin quân sự Trung Quốc, quân đội nước này đang xây dựng căn cứ tại các hòn đảo nằm gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Tại quần đảo Nam Kỳ tỉnh Triết Giang, cách quần đảo tranh chấp 300 km về phía Tây Bắc, Trung Quốc đã cho lắp đặt các tổ hợp ra-đa tại các điểm cao, cũng như xây dựng đường băng cho máy bay cất hạ cánh. Một số điểm cất hạ cánh cũng sẽ được xây dựng tại các đảo lân cận. Bước đi mang tính chiến lược này tương tự như những gì mà Trung Quốc đang làm tại Trường Sa, giúp cho hải quân có thể kiểm soát tốt hơn nữa vùng nhận dạng phòng không ADIZ tại Hoa Đông. Bên cạnh đó, các đảo tiền tiêu này sẽ là một cứ điểm quân sự quan trọng trong phòng thủ ven bờ cũng như hỗ trợ tác chiến xa bờ, đặc biệt nhắm tới Senkaku/Điếu Ngư. Bước đi này của Trung Quốc mang tính chiến lược vô cùng quan trọng, và sẽ khiến liên minh Mỹ-Nhật khó khăn hơn trong nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của mình tại khu vực biển Hoa Đông.
Cũng trong tuần này, Nhật Bản đã bổ nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng mới, ông Gen Nakatani, một cựu quân nhân và là người đã từng đảm nhiệm chức vụ đứng đầu Cục phòng vệ Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Koizumi. Nakatani là một người ủng hộ việc xây dựng một quân đội Nhật Bản mạnh, và cũng là người ủng hộ quyền tự vệ tập thể của nước này. Nakatani sẽ là mảnh ghép hoàn hảo giúp cho Thủ tướng Shinzo Abe thúc đẩy cải cách luật pháp, nhằm tăng cường vai trò của quân đội Nhật Bản, bảo vệ lợi ích của đất nước trong thể kỷ 21. Và Tân Hoa Xã sau đó đã phải lên tiếng yêu cầu “Abe và ông Bộ trưởng Quốc phòng mới phải thận trọng, và cũng cho rằng “cộng động quốc tế cần phải chú ý đến họ và không để cho người Nhật đi quá xa”.
Trong một động thái tương tự, nhưng với quy mô lớn hơn, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thay thế điều chỉnh gần 40 tướng lĩnh và sĩ quan cấp cao trong quân đội. Theo các nhà quan sát thì bước đi này nhằm quyết liệt chống tham nhũng và đẩy mạnh cải cách trong quân đội nước này. Đáng chú ý nhất là hai cái tên Lưu Nguyên, hiện đang là Chính uỷ Tổng cục Hậu cần, con trai của nguyên Chủ tịch nước Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ, và Trương Hựu Hiệp, Tổng cục trưởng Tổng cục trang bị, con trai của Trương Tông Tốn vốn là một cựu chỉ huy quân đội trong thời kỳ nội chiến và chống Nhật. Cả hai được dự đoán là sẽ được thăng cấp và sẽ tham gia vào cơ cấu của Quân uỷ Trung ương trong tương lai do hai ông có mối quan hệ khăng khít với Tập cũng như đã kinh qua kinh nghiệm chiến trường, điều mà Tập Cận Bình hiện nay luôn đánh giá cao. Theo nhiều nguồn tin, Tổng bí thư Tập Cận Bình đang cố gắng kiểm soát quân đội, qua đó gia tăng quyền lực của mình một cách toàn diện hơn hai năm sau khi ông trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc.