Bá quyền khu vực của Trung Quốc: một thước phim quay chậm

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Patrick Cronin, “Chinese Regional Hegemony in slow motion”, War on The Rocks, 18/5/2015

Biên dịch và Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Chúng ta đang ở giữa một cuộc cạnh tranh khốc liệt ở châu Á. Kẻ thúc đẩy cuộc cạnh tranh này chính là một đất nước Trung Quốc đang ngày càng trở nên hùng mạnh, với mục tiêu thiết lập lại các quy tắc ứng xử trên toàn bộ khu vực ngoại vi của mình; trong đó biển Đông chính là trọng tâm đối đầu chính yếu. Thông qua quá trình mở rộng ảnh hưởng của mình tại Đông Nam Á, Trung Quốc có thể chỉ đơn giản nghĩ rằng bản thân đang cố gắng xác lập lại vị thế lịch sử vốn có của mình như là một cường quốc thống trị khu vực. Trung Quốc cũng có thể cho rằng các hành động mà nước này đang thực hiện chỉ mang tính chất phòng thủ, được tạo ra nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, tiếp cận với các nguồn tài nguyên và những tuyến đường hàng hải quan trọng.

Tuy nhiên, Bắc Kinh nhận ra rằng trật tự quốc tế sau Thế chiến thứ hai chủ yếu do Hoa Kỳ xây dựng vẫn là một lực cản cho việc hoàn thành các mục tiêu kể trên. Vì vậy, Trung Quốc hy vọng sẽ thay thế vị trí của Hoa Kỳ và, một cách chậm rãi, thống trị toàn bộ các quốc gia láng giềng theo một cách thức tránh tạo ra những phản ứng dữ dội, đúng thời điểm và mang tính quyết định (từ các quốc gia khác, đặc biệt là Hoa Kỳ – ND).

Thật không may, Hoa Kỳ lại chưa có bất cứ một chính sách nào nhằm đón đầu yếu tố thực tế này. Tại Washington, những việc cấp bách thường được ưu tiên hơn những thứ vốn mang tính quan trọng. Nếu chúng ta chờ đợi những thay đổi quan trọng như hiện tại ở Đông Nam Á diễn ra theo đúng như xu hướng hiện nay, Hoa Kỳ và các đối tác cũng như đồng minh của mình sẽ không những sớm mất đi quyền kiểm soát các quy tắc và quy chuẩn hành vi tại khu vực, mà còn sẽ phải đối mặt với những rủi ro an ninh lớn hơn nữa trong tương lai.

Mặc dù Trung Quốc mong muốn khẳng định quyền lực lớn hơn của mình tại khu vực ngoại vi, nước này không phải là kẻ thù của Hoa Kỳ. Trung Quốc không tìm kiếm chiến tranh, thay vào đó nước này muốn xác lập điều kiện và khẳng định ảnh hưởng trong một nền hoà bình nóng (contested peace). Mục tiêu đầu tiên của Trung Quốc là đảm bảo sự ổn định về mặt kinh tế và chính trị: duy trì tăng trưởng kinh tế và sự thống trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP). Cả hai trụ cột trên của CCP đang bị lung lay dữ dội, khi tăng trưởng kinh tế hiện tại đang giảm tốc, trong khi đó tầng lớp trung lưu trỗi dậy cũng như các nông dân ương bướng ở vùng thôn quê đang tìm cách thay đổi xã hội.

Trong nhiệm kỳ của Chủ tịch Tập Cận Bình, quyền lực và sự tự tin của Trung Quốc đã gia tăng đến mức độ mà mong muốn sở hữu một vùng ảnh hưởng lớn hơn trên thực tế của nước này đã làm xói mòn trật tự khu vực đã tồn tại từ trước tới nay. Được thúc đẩy bởi chủ nghĩa dân tộc và các vấn đề an ninh, Trung Quốc đã gia tăng nỗ lực nhằm thay thế, ngăn chặn và từ chối quyền lực của Hoa Kỳ. Trung Quốc cũng cố gắng vô hiệu hoá khả năng quân sự thông thường đáng nể của Hoa Kỳ thông qua các năng lực chống xâm nhập/chống tiếp cận, trong khi phủ đầu mọi nỗ lực nhằm tập hợp các quốc gia Đông Nam Á trong một liên minh chống lại Trung Quốc.

Trong khi Trung Quốc không phải là kẻ thù, quốc gia này rõ ràng lại là một đối thủ cạnh tranh không thể coi thường – một đối thủ đủ sức vượt trội Hoa Kỳ. Nói về các xu hướng quốc tế hiện nay, Trung Quốc đã có khả năng liên kết với Nga và các nước khác để hình thành nên một lực lượng đa cực, giúp Trung Quốc có thêm khả năng tương tác với các quốc gia láng giềng.

Tận dụng vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, Bắc Kinh đã miêu tả quyền lực quân sự của Hoa Kỳ là một nguy cơ đối đầu tiềm năng. Thông qua sử dụng tất cả các công cụ ngoại giao, Trung Quốc có khả năng thúc đẩy nhiều sáng kiến – phần lớn là các khẩu hiệu đưa ra một cách liên tục để kiểm tra mức độ khả thi – nhằm gia tăng quyền lực của mình dựa trên cái giá phải trả của các quốc gia khác. Xuất hiện một cuộc đối đầu bằng ngôn từ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Trong vòng hai năm qua, Trung Quốc đã cố gắng tự đánh bóng bản thân như một cường quốc hàng đầu, không chỉ quan tâm tới chủ nghĩa trọng thương, mà còn tới sự phát triển ở khu vực. Trong khi đó, Trung Quốc lại mô tả Hoa Kỳ như một quốc gia chỉ chăm chăm tìm kiếm các thoả thuận có lợi cho bản thân mình, từ các liên minh đến một khối thương mại chỉ gồm 12 quốc gia (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương), cho tới sự phản đối ban đầu của Washington đối với Ngân hàng Đầu tư và phát triển hạ tầng (AIIB) do Trung Quốc dẫn đầu.

Chiến lược của Trung Quốc không hẳn là “không chiến mà thắng” như Tôn Tử đã nói, mà là đặt bản thân vào một vị thế có lợi để có thể tự kiểm soát số phận của mình và định hình môi trường xung quanh thông qua các chiến dịch thông tin, pháp lý và tâm lý (được gọi là “tam chủng chiến pháp”, hay “ba dạng thức chiến tranh”), kết hợp với một cách tiếp cận gián tiếp khi đề cập tới phòng thủ quân sự.

Các nỗ lực hiện đại hoá quân đội của Trung Quốc được công bố công khai với mục tiêu làm thay đổi nhận thức của các quốc gia láng giềng nhỏ hơn, đặc biệt khi các quốc gia này đang nghi ngờ sức mạnh cũng như ý chí về mặt chính trị của Hoa Kỳ trong tương lai trong việc bảo vệ họ cũng như đóng vai trò như một tác nhân giúp cân bằng quyền lực khu vực. Sự phát triển của Quân đội Giải phóng quân Nhân dân (PLA) là nhanh chóng, hiệu quả và đã có khả năng làm phức tạp hoá khả năng triển khai quân sự của Hoa Kỳ trong tương lai tới Đông Á để bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ và đồng minh.

Tuy nhiên, sự phát triển đó chưa thể đạt tới mức độ khiến cho quân đội Hoa Kỳ gặp phải nhiều khó khăn nếu như chiến tranh xảy ra. Thực sự, Trung Quốc đang bị răn đe rất lớn bởi một liên minh Mỹ-Nhật đang được tiếp thêm sinh khí, trong đó Nhật Bản đóng vai trò dẫn dắt tích cực hơn với quyết tâm phòng thủ chuỗi đảo phía tây nam, kèm theo là một khả năng phối hợp liên minh như đã đề cập trong các định hướng quốc phòng mới. Trong khi đó, thế đứng vững chắc của liên minh tại biển Hoa Đông đã phần nào làm giảm đi sự hung hăng của Trung Quốc tại biển Đông, vùng biển vốn không có một cam kết nào giống như Điều khoản số 5[1] nhưng đồng thời lại xuất hiện nhiều chủ thể và tuyên bố tranh chấp đe doạ gây mất cân bằng khu vực.

Một cách tiếp cận gián tiếp thúc đẩy thứ mà chúng ta gọi là “quyền lực thông minh”. Đối với người Trung Quốc thì điều đó bao gồm xây dựng một hệ thống công cụ chính sách vừa cứng vừa mềm một cách đa dạng, và phối hợp chúng với nhau theo mức độ nông sâu tuỳ trường hợp nhằm đạt được một cán cân cân bằng có lợi, trong cả hiện tại và tương lai. Thậm chí ngay cả những bước đi có thể được coi là ôn hoà, ví dụ như đột nhiên tham gia vào các nỗ lực xây dựng lòng tin hay phát triển cơ sở hạ tầng dưới hình thức sáng kiến “một vành đai, một con đường”, đều có thể làm chệnh hướng những phản ứng tiêu cực nhất thời về chính sách và nếu trở thành hiện thực, sẽ giúp Bắc Kinh ngăn chặn đối thủ đưa ra những bước đi tiếp theo.

Quá trình điều chỉnh và tái điều chỉnh liên tục các công cụ chính sách có thể được tóm gọn trong câu nói “lùi một bước, tiến hai bước”. Trung Quốc đang tìm mọi cách tăng cường quyền lực ở khu vực, thúc đẩy chuyện này ngay khi có cơ hội cũng như dịch chuyển xu hướng cũng như các thông điệp khi cần thiết để thích ứng với những chi phí và rào cản ngày một gia tăng. Đó là còn chưa nói tới việc Trung Quốc đã thực hiện thành công chiến lược cổ điển của mình.

Tôi đã có dịp tham gia nhiều hội thảo nơi mà cùng một quan chức hay chuyên gia người Trung Quốc đã đồng thời tuyên bố rằng không một ai có thể ngăn cản bước tiến của Trung Quốc và rằng Trung Quốc đang bị ức hiếp bởi một nước láng giềng. Tâm lý nạn nhân xen kẽ với những tuyên bố hùng hồn khẳng định khu vực ảnh hưởng, vốn thích hợp với tình hình chính trị thế kỷ 19 nơi các nước lớn có thể kiểm soát các nước nhỏ hơn. Thông điệp chung không phải lúc nào cũng được hiểu theo đúng ý nghĩa của nó, cho dù mục tiêu của Trung Quốc cũng không phải là đưa ra một lập luận rõ ràng. Nhiều khi để thuận tiện hơn, họ đưa ra nhiều tầng lập luận, nhưng lại mâu thuẫn nhau.

Chiến lược của Trung Quốc cũng thường đi kèm với yếu tố thời gian của các diễn biến chính trị. Trung Quốc mong muốn tạo ra một sự chắc chắn cho quyền lực của mình trong tương lai, và những hành vi đang xuất hiện ở Trung Quốc trong hiện tại mang lại nhiều hệ luỵ. Trong ngắn hạn, Bắc Kinh đơn giản chỉ khai thác về mặt thời điểm các sự kiện chính trị quan trọng ví dụ như bầu hay luân phiên các chức vụ chủ tịch trong các tổ chức khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Lúc khác, Trung Quốc lại có ý định trì hoãn các hành động mang tính tập thể bằng cách cáo buộc mắt xích yếu nhất trong nền chính trị khu vực gây ra sự bất ổn định. Đó là, nếu như Philippines hay Việt Nam phản ứng thật sự mạnh mẽ trước các hành động gây hấn của Trung Quốc, thì Bắc Kinh lập tức tìm cách thuyết phục các thành viên ASEAN khác rằng một quốc gia nào đó đang cố gắng gây mất ổn định toàn bộ trật tự khu vực.

Trung Quốc củng đã sử dụng con bài lịch sử, hay trong trường hợp tranh chấp biển Đông, là con bài chủ quyền lịch sử. Tạo ra một đảo nhân tạo và giới thiệu nó như là một công cụ thúc đẩy hợp tác khu vực – bản thân một hòn đảo như thế có phải là của Trung Quốc hay không theo luật pháp quốc tế đã là một chuyện khó có thể phân định rõ ràng, chưa kể hòn đảo đó cũng sẽ không tạo ra cho Trung Quốc bất kỳ một hình thức chủ quyền nào nểu bản thân nó trước đây là một bãi cạn nửa chìm nửa nổi – là cách thức giúp cho nước này hiện thực hoá các tuyên bố lập lờ của mình về chủ quyền lịch sử.

Mặc cho những đặc điểm chiến lược của Trung Quốc như đã đề cập ở trên, chúng ta cũng không nên giả định rằng giới lãnh đạo nước này có một bản hướng dẫn đường đi nước bước chi tiết. Nếu điều đó là đúng, thì những cụm từ như “đại trẻ hoá” (great rejuvenation) và “giấc mơ Trung Hoa” đã được đi kèm với những mục tiêu chi tiết hơn nhiều. Thực tế, đã có nhiều nỗ lực quan trọng nhằm nghiên cứu các thách thức mà ông Tập phải đối mặt trong khi điều hành một đất nước Trung Quốc hiện đại, đa dạng, và cực kỳ dễ vỡ. Lưu ý tới những nguồn gốc gây ra mất an ninh ở Trung Quốc hay tính dễ bị tổn thương của quốc gia này sẽ có vai trò quan trọng trong việc đưa ra những bước đi hữu ích nhằm thuyết phục Trung Quốc dựa nhiều hơn vào xu hướng hợp tác đa phương chứ không phải là các hành vi cưỡng ép đơn phương. Như Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã nói với người đồng cấp Trung Quốc, rằng Bắc Kinh nên tập trung xây dựng và thúc đẩy hợp tác khu vực hơn là xây dựng các đảo nhân tạo.

Patrick M. Cronin là Giám đốc cấp cao tại Chương trình An ninh Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Hoa Kỳ mới và là cựu Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược Quốc gia trực thuộc Đại học Quốc phòng Quốc gia Hoa Kỳ.


[1] Điều khoản số 5 (Article V) trong Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương nói rằng các thành viên của NATO phải xem xét hỗ trợ đồng minh của mình khi bị tấn công, nhưng không đảm bảo sự hỗ trợ chắc chắn sẽ xảy ra