Tác giả: Nguyễn Thế Phương
Vào ngày 21 tháng 1, trang tin của Hải quân Hoa Kỳ thông báo rằng Lầu Năm Góc đã từ bỏ việc sử dụng khái niệm “Tác chiến Không – Biển” (Air Sea Battle hay ASB), và đồng thời với đó Văn phòng Tác chiến Không – Biển sẽ được sáp nhập vào Ban Hỗn hợp tác chiến (Joint Force Development hay Joint Staff J7) vốn được thiết lập nhằm theo dõi và phát triển khái niệm JAM-GC. Như vậy, khái niệm JAM-GC (Joint Concept for Access and Maneuver in the Global Commons) sẽ chính thức thay thế ASB như là kế hoạch tác chiến mới của quân đội Hoa Kỳ chống lại chiến lược chống xâm nhập – chống tiếp cận (A2/AD) của Trung Quốc. Khái niệm JAM-GC mới sẽ kết hợp thêm vai trò của Lục quân Hoa Kỳ vào một kế hoạch tác chiến đa binh chủng hỗn hợp, vốn không được coi là quan trọng dưới thời của ASB.
ASB, xuất hiện vào năm 2010, là một khái niệm gây nhiều tranh luận vốn được thiết lập nhằm phản ứng lại các khả năng A2/AD của Trung Quốc (trong trường hợp Đài Loan) hay Iran (tại eo Homuz). Tuy nhiên, theo Bernard D. Cole, giáo sư về lịch sử quốc tế tại Đại học Chiến tranh Quốc gia, ASB trong năm 2013 vẫn chỉ đơn thuần là một khái niệm, vốn thiếu đi các tính chất của một học thuyết, các đặc trưng công nghệ hay chiến thuật về mặt thực tiễn tác chiến. Chuẩn đô đốc James G. Foggo của Hải quân Hoa Kỳ còn nhận xét thẳng thắn: “ASB không thể được coi là một chiến lược đúng nghĩa”.
Trung Quốc đã hạ thuỷ tàu vận tải đổ bộ Type 071 thứ 4 của nước này mang tên Tanggula Shan (Đường Cổ Lạp Sơn) tại Thượng Hải trong ngày 21 tháng 1. Một ngày sau đó, nhà máy đóng tàu Hoàng Phố cũng đã hạ thuỷ tàu khu trục tên lửa Type 054A thứ 21 và tàu trình sát Type 81G thứ 5 cho Hải quân. Type 071 là loại tàu đổ bộ lớn nhất của Trung Quốc hiện nay, với lượng giãn nước từ 20,000 đến 25,000 tấn, chở được 65 xe quân sự hay 800 binh lính. Với dự tính đóng tổng cộng 6 tàu Type 071, năng lực tấn công đổ bộ xa bờ của Trung Quốc tại Châu Á – Thái Bình Dương sẽ chỉ đứng thứ hai sau thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ, đứng đầu so với các quốc gia Châu Á khác. Tốc độ đóng tàu chiến của Trung Quốc được đánh giá là thần tốc trong những năm trở lại đây, biến hải quân nước này thành một lực lượng hùng mạnh và được hiện đại hoá nhanh chóng nhất tại khu vực. Theo Thời báo Hoàn Cầu, trong năm 2015, Trung Quốc cũng sẽ cố gắng đẩy mạnh thay thế các tàu chiến đã lỗi thời của nước này bằng việc hạ thuỷ nhiều hơn nữa các tàu chiến thế hệ thứ ba. Tiêu biểu chính là việc một đơn vị tàu khu trục tại Hạm đội Đông Hải sẽ trở thành đơn vị đầu tiên của hải quân có trong biên chế tất cả các tàu chiến thế hệ ba. Dự kiến, Hạm đội Bắc Hải và Nam Hải cũng sẽ nhận vào trang bị các loại tàu khu trục mới trong năm nay.
Việt Nam trong tuần vừa qua cũng xuất hiện nhiều thông tin quân sự nổi bật và thú vị. Tại Hà Nội chiều 20 tháng 1, Thượng tướng Trương Quang Khánh đã tiếp đại diện Tập đoàn vũ khí Lockheed Martin, Phó chủ tịch điều hành Patrick M. Dewar. Sự kiện này sẽ đánh dấu sự tham gia sâu rộng hơn nữa của Lockheed Martin vào Việt Nam, nhất là trong bổi cảnh Hoa Kỳ vừa dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí. Một sự kiện đáng chú ý khác, vào ngày 24 tháng 1, lần đầu tiên Hội nghị quân chính của Tập đoàn Viettel diễn ra với sự tham dự của đông đảo nhà báo. Phó tổng Giám đốc Viettel Hoàng Sơn cũng đã phải cảm thán rằng: “Tôi cũng giật mình vì trước giờ không mời báo chí rộng rãi với sự kiện này”. Ngoài các báo cáo về số liệu hoạt động kinh doanh, Viettel cho biết sẽ tiếp tục đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu các vũ khí chiến lược, vũ khí công nghệ cao và dự án mang tên Tường lửa quốc gia.
Đối với những ai quan tâm tới Hải quân nhân dân Việt Nam, sự kiện thú vị nhất tuần vừa qua chính là việc Báo Đất Việt công bố thông tin và hình ảnh cho rằng Hải quân đã đặt mua một tàu buồm làm phương tiện huấn luyện cho tân binh. Tàu buồm huấn luyện là điều không mới. Hải quân Hoa Kỳ, hải quân Anh hay hải quân Ấn Độ đều có trong trang bị các loại tàu buồm huấn luyện cho riêng mình, hay thậm chí hải quân Oman còn vinh dự đưa tàu buồm lên làm soái hạm. Đối với những người không nghiên cứu nhiều về hải quân, điều này có vẻ kỳ cục, song tàu buồm lại được coi là một trong những phương tiện huấn luyện hiệu quả nhất cho hải quân. Không quân hay hải quân, khác với bộ binh, là những binh chủng mà kỹ năng gắn liền với thể chất. Các chiến sỹ hải quân không chỉ học lái tàu hay vận hành các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, họ còn phải nắm vững các kiến thức hàng hải, các kỹ năng sống trong môi trường biển, các kỹ năng vận động trong không gian tàu thuyền và các kỹ năng phối hợp vận động… Nói cách khác, chiến sĩ hải quân phải học cách sống sót và tồn tại trong môi trường khắc nghiệt thiếu đi yếu tố hiện đại, rồi sau đó mới có thể vững vàng làm chủ trang thiết bị khí tài hiện đại. Chính vì vậy, cần có cơ sở hạ tầng kỹ thuật mạnh mẽ, và thực tế, để huấn luyện tân binh. Một chi tiết khác, theo Đất Việt, tàu buồm huấn luyện đầu tiên được đóng tại Ba Lan. Đây cũng là một cách để Việt Nam đa dạng hoá nguồn cung và tăng cường hơn nữa các mối quan hệ của mình.