Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (3/2/2015)

navy_1_0

Tác giả: Nguyễn Thế Phương

Hải quân Trung Quốc đang mở rộng hoạt động của mình ra Ấn Độ Dương. Trong một cuộc họp báo vào ngày 29 tháng 1, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tuyên bố rằng nước này sẽ gia tăng triển khai tàu chiến tại Ấn Độ Dương. Đại tá Yang Yujun sau khi được hỏi về các hoạt động tàu ngầm của Trung Quốc tại vùng biển này, đã nhấn mạnh rằng các hoạt động như vậy là bình thường, phục vụ cho các nhiệm vụ quốc tế như bảo đảm an ninh hàng hải và chống cướp biển. Yang cũng nói thêm rằng, trong tương lai, tuỳ vào tình hình nhiệm vụ mà Hải quân Trung Quốc sẽ điều động thêm các loại tàu chiến khác nhau tới Ấn Độ Dương.

Sự xuất hiện của các tàu ngầm hạt nhân và tàu đổ bộ của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương khiến cho Ấn Độ hết sức lo ngại. Các sĩ quan Ấn Độ đã từng tuyên bố rằng việc Trung Quốc triển khai tàu ngầm hạt nhân có nghĩa là giới hạn đỏ đã bị vượt qua và do đó kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang giữa hai nước. Theo một số nhà quan sát của Ấn Độ và phương Tây thì Bắc Kinh đang dần dần thể hiện tham vọng kiểm soát Ấn Độ Dương. Với các tuyên bố mong muốn thiết lập “con đường tơ lụa trên biển” mới đây của Tập Cận Bình, một khái niệm gần tương đương với khái niệm “chuỗi ngọc trai”, lo ngại này ngày càng có cơ sở. “Con đường tơ lụa” trên biển này sẽ giúp Bắc Kinh lập nên các hải cảng lưỡng dụng tại các quốc gia như Myanmar, Bangladesh hay Sri Lanka. Cảng này vừa có thể thúc đẩy giao thương, lại vừa có thể đóng vai trò như các cảng chiến lược về mặt quân sự. Theo một chuyên gia Ấn Độ, về mặt dài hạn, các nước trong khu vực sẽ chấp nhận một sự hiện diện mạnh mẽ hơn của hải quân Trung Quốc, tránh gây ảnh hưởng tới các mối quan hệ thương mại ngày càng gia tăng của mình với Bắc Kinh. Dựa trên các đánh giá thuần quân sự, kể từ năm 2008, Trung Quốc đã mở rộng và hiện đại hoá mạnh mẽ hạm đội Nam Hải và dự định sẽ lập 2 nhóm tác chiến tàu sân bay tại Hải Nam. Mục tiêu chiến lược của hạm đội này rõ ràng không chỉ nằm ở biển Đông, mà còn là toàn bộ Ấn Độ Dương. Khả năng đụng độ giữa hải quân Ấn Độ và Trung Quốc chắc chắn sẽ gia tăng lên gấp nhiều lần.

Trong khi Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng, thì quân đội Hoa Kỳ lại đang chật vật về vấn đề ngân sách. Ngân sách dành cho quân đội năm 2016 được Nhà Trắng và Bộ Quốc phòng đề xuất vào khoảng 585 tỷ USD. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng mức ngân sách này sẽ không được Quốc hội phê chuẩn. Lý do là số tiền này đã vượt quá trần ngân sách quốc phòng 499 tỷ USD mà Quốc hội đã ấn định trong Luật điều chỉnh ngân sách năm 2011. Vượt qua mức trần này, phần ngân sách dôi ra sẽ bị cắt và bị Bộ Tài chính giữ lại. Yêu cầu ngân sách lần này dựa trên chiến lược quốc phòng năm 2012, được bổ sung năm 2014 và là một cố gắng của chính quyền nhằm điều chỉnh lại Luật điều chỉnh ngân sách. Nó cũng đặt nền tảng cho các tranh luận tại Quốc hội về ưu tiên chi tiêu cũng như đảm bảo cho các phiên điều trần của các tướng lĩnh và Bộ trưởng Quốc phòng.

Trong năm 2015, Không quân dự tính ngân sách là 152,9 tỷ USD (vượt 16 tỷ so với năm 2015), Hải quân là 161 tỷ USD (vượt 11,8 tỷ so với 2015) và lục quân là 126,5 tỷ USD (vượt 7 tỷ USD so với 2015). Ngành công nghiệp quốc phòng sẽ là khu vực đầu tiên bị ảnh hưởng, do các dự án tiếp nhận trang bị mới sẽ bị cắt giảm. Tuy nhiên, Quốc hội sẽ là người quyết định xem nên cắt giảm ở hạng mục nào và cắt giảm bao nhiêu. Dù sao đây cũng là một tin không vui cho quân đội Hoa Kỳ, trong bối cảnh mà Trung Quốc đang gia tăng chi phí quốc phòng nhanh chưa từng thấy.

Một số thông tin quốc phòng nổi bật ở Đông Nam Á:

Vào ngày 25 tháng 1, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein đã tuyên bố rằng nước này sẽ trang bị một hệ thống tên lửa phòng không tại căn cứ hải quân Kota Kinabalu gần biển Đông. Đây là căn cứ neo đậu của hai tàu ngầm tấn công lớp Scorpene duy nhất của Hải quân Malaysia. Bước đi này được cho là một phần của kế hoạch mở rộng khả năng phòng thủ của đất nước trước các mối đe doạ an ninh ngày càng gia tăng, bao gồm tranh chấp biển Đông, Nhà nước Hồi giáo IS và các bất ổn tại Sabah. Tuy nhiên, đối với những ai quan tâm đến tình hình chính trị tại Malaysia, thì quá trình hiện đại hoá của quân đội nước này đang gặp phải những rào cản chính trị và kinh tế ngày càng lớn.

Liên quan tới một quốc gia khác ở Đông Nam Á, công ty ThyssenKrupp Marine Systems (TKMS) vừa chào hàng một cặp tàu ngầm Type 209/210 cho Hải quân hoàng gia Thái Lan nhân cuộc gặp gần đây giữa hai bên ở Bangkok. Đây là nỗ lực của Thái Lan nhằm tìm kiếm trang bị 3 tàu ngầm cho hải quân nước này. Ngoài Type 209/210 của Đức, các ứng viên khác bao gồm Kilo của Nga, Type 041 của Trung Quốc và Type 209 lớp Bogo của Hàn Quốc. Type 209/210 của Đức được cho là phù hợp với vùng nước nông ven biển Vịnh Thái Lan. Một lợi thế khác cho TKMS chính là việc trung tâm huấn luyện tàu ngầm của nước này được trang bị các hệ thống của Rheinmetall, cũng như các sĩ quan đã được huấn luyện về tàu ngầm tại Đức và Hàn Quốc trong suốt 2 năm qua. Cuộc đua tàu ngầm tại Đông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung đang nóng lên theo thời gian.