Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (03/02/2016)

Print Friendly, PDF & Email

HQTarantul4-1

Tác giả: Nguyễn Thế Phương

Quyền lực biển được gói gọn trong nỗ lực nhằm kiểm soát hoàn toàn biển cả – hay các tuyến đường liên lạc trên biển (Sea Lanes of Communication – SLOCs) quan trọng như thuật ngữ mà các nhà chiến lược hải dương hay đề cập tới. Xuyên suốt lịch sử thì đó là những cố gắng nhằm kiểm soát các dòng chảy thương mại hàng hải, qua đó tạo ra của cải và thịnh vượng. Các cường quốc xây dựng lực lượng hải quân cũng nhằm phục vụ mục đích này.

Từ người Phoenicia cho tới người La Mã, từ Đế quốc Anh cho tới Hiệp Chúng quốc Hoa Kỳ, các lực lượng hải quân hùng mạnh này xây dựng hạm đội của mình theo một nguyên tắc căn bản và có vẻ hợp lý: tàu càng to và được trang bị càng nhiều hoả lực thì sẽ càng hiệu quả (trong chiến đấu).

Đầu tiên, mục tiêu sẽ là đóng được tàu càng to thì càng tốt. Qua đó có thể mang được nhiều binh lính hơn, rồi sau đó là làm sao cải thiện được tốc độ và khả năng xoay trở của tàu. Kích cỡ to hơn là cần thiết để tàu chiến có thể mang nhiều súng hơn. Cho tới thời kỳ của thép và động cơ hơi nước, một tàu chiến tốt là cân bằng được ba yếu tố vũ khí, giáp trụ và tốc độ. Trong thời đại của các hàng không mẫu hạm, súng ống được thay thế bằng khả năng tấn công đối thủ thông qua các “căn cứ không quân nổi trên mặt biển”. Lịch sử tàu sân bay cũng cho thấy chúng ngày càng to hơn, mang được ngày càng nhiều máy bay hơn. Có thể thấy, bất kể là loại tàu chiến nào, mục tiêu cũng là làm sao để chúng ngày càng to hơn.

Xuyên suốt lịch sử hải quân, kích cỡ là tiêu chí quan trọng cho sức mạnh. Tuy nhiên, kể từ thế kỷ 19, sự tiến bộ của công nghệ quân sự cho phép các lực lượng hải quân nhỏ hơn có khả năng áp dụng các chiến thuật “bất đối xứng” để chống đỡ các lực lượng hải quân lấy lượng và kích cỡ làm trung tâm. Các loại tàu phóng lôi (torpedo boat) và tàu ngầm phát triển vào cuối thế kỷ 19 cho thấy rõ rằng các loại tàu nhỏ hơn có thể gây hư hại đáng kể cho các tàu chiến cỡ lớn. Hãy nhớ xem các tàu ngầm của Đức đã khiến cho nước Anh phải khốn đốn như thế nào trước và trong Thế chiến thứ nhất.

Ngày nay, các lực lượng hải quân như Mỹ hay Anh đã không còn phải lùng sục khắp các đại dương để tìm đối thủ nữa. Mỹ đã trở thành lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới. Các trận chiến vô tiền khoáng hậu trên biển như trong thời kỳ Thế chiến thứ hai nay đã không còn. Nói chính xác hơn thì hiện nay không có lực lượng hải quân nào có thể chiến đấu một đấu một với hải quân Mỹ trên biển cả. Do đó, các lực lượng hải quân lớn hiện nay tập trung vào các hoạt động ở gần bờ hơn, phục vụ cho các nhiệm vụ đổ bộ và viễn dương tại các khu vực bờ biển khác nhau, tức là các nhiệm vụ gần bờ.

Đổ bộ tức là di chuyển quân từ biển vào đất liền. Cả binh lính và các tàu đổ bộ, phương tiện đổ bộ đều phải được bảo vệ khỏi hoả lực của đối phương. Một số tàu chiến trong đội hình hạm đội sẽ phải hoạt động gần bờ để lãnh nhiệm vụ phòng không chiến thuật cấp khu vực. Các tàu chiến lớn hơn làm nhiệm vụ hỗ trợ hoả lực và phòng không cấp chiến dịch. Các máy bay xuất phát từ tàu sân bay thông thường sẽ đảm nhiệm vai trò phòng không và hỗ trợ trên không. Và để chiến thuật này trở nên hiệu quả hơn, các tàu sân bay sẽ phải hoạt động gần bờ biển để giảm thời gian di chuyển của máy bay, qua đó tiết kiệm nhiên liệu cho nhiệm vụ. Điều cần lưu ý ở đây là các tàu chiến hiện tại của các lực lượng hải quân lớn không được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ ven bờ. Chúng được thiết kế cho các nhiệm vụ ở ngoài đại dương.

Rod Thomton trong cuốn sách Asymmetric Warfare: Threat and Response in the 21st Century đã nêu ra bốn “vũ khí” tác chiến phi đối xứng mà các lực lượng hải quân nhỏ hơn có thể sử dụng. Thứ nhất chính là sử dụng các loại tên lửa bờ và pháo bờ biển. Thứ hai là sử dụng tàu ngầm, loại vũ khí “bất đối xứng” nổi tiếng. Thứ ba là các loại mìn dưới nước. Và thứ tư là các loại tàu tấn công nhanh gần bờ.

Nhiều học giả hiện nay cho rằng Việt Nam đang xây dựng cho mình một chiến lược răn đe “bất đối xứng” nhắm vào Trung Quốc. Hợp đồng mua sáu chiếc tàu ngầm Kilo từ Nga chính là ví dụ minh hoạ rõ ràng nhất. Các đặc tính kỹ thuật của loại tàu ngầm này cho phép chúng có thể di chuyển mà ít gây ra tiếng ồn nhất (khi so sánh với các loại tàu ngầm cũng loại khác) đem lại lợi thế cho hải quân Việt Nam trong một vùng biển nông như Biển Đông. Hơn thế nữa, các tàu ngầm Kilo của Việt Nam có khả năng tấn công mạnh mẽ với ngư lôi hay tên lửa đối đất Club S, một đặc trưng mà các tàu Kilo của Trung Quốc không hề có. Club S có khả năng tấn công các mục tiêu trên mặt đất ở khoảng cách 275 km, phóng từ độ sâu khoảng 35-40m với tốc độ 240 m/s. Độ chính xác cao, tốc độ lớn cũng với khả năng được phóng tại bất cứ địa điểm nào trên Biển Đông khiến cho các căn cứ của Trung Quốc trên Hoàng Sa hay Trường Sà và cả căn cứ hải quân trên đảo Hải Nam trở thành các mục tiêu khả dĩ. Đó là chưa kể, lực lượng hải quân Trung Quốc hiện tại đang bị đánh giá là yếu kém trong khả năng chống ngầm.

Gary Li từ London thì cho rằng đặc điểm địa lý khiến cho vùng bở biển của Việt Nam trở thành một “bệ phóng” hoàn hảo cho pháo binh bờ biển và cả các hệ thống tên lửa bờ. Lực lượng tên lửa bờ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh hàng hải của Việt Nam khi là lực lượng đóng vai trò phòng thủ bờ biển và chống tiếp cận bờ biển. Hải quân Việt Nam đã có thể tự sản xuất tên lửa chống hạm P5 Pyatyorka/Shaddock với tầm bắn lên tới 550 km (sau khi được nâng cấp). Trước đây, Việt Nam là quốc gia duy nhất được Liên Xô chuyển giao loại tên lửa này. Bước hiện đại hoá quan trọng nhất của lực lượng tên lửa bờ là việc đưa vào hoạt động hai hệ thống phòng thủ bờ biển K-300P Bastion-P với tầm bắn 300 km, có thể bảo vệ một vùng bờ biển rộng 600 km. Bên cạnh đó, hải quân Việt Nam cũng được trang bị loại ra-đa CW-100 được thiết kế cho nhiệm vụ giám sát bờ biển của Tập đoàn Thales có khả năng vượt “giới hạn đường chân trời”.

Một trong những thành tố khác của chiến lược “bất đối xứng” chính là các tàu lớp Molniya mà Việt Nam đang sở hữu, hiện đang có trong biên chế chính thức là 10 chiếc (gồm 6 chiếc lớp Molniya và 4 chiếc lớp Tarantul – một biến thể cũ hơn). Molniya có tốc độ cao, trang bị mạnh, thích hợp với chiến thuật bầy sói kiểu “hit and run” tấn công nhanh, bất ngờ từ nhiều hướng khiến đối thủ không kịp trở tay. Chiến thuật này rất hữu dụng với lực lượng hải quân của quốc gia có bờ biển dài, nhiều đảo và cửa sông dễ ẩn nấp, thuận lợi cho việc phục kích ra đòn bất ngờ. Vũ khí trang bị chính của các tàu lớp Molniya là 16 tên lửa chống tàu Kh-35 Ural-E với tầm bắn 130 km mà Việt Nam đã nội địa hoá thành công với mã hiệu trong nước là KCT-15.

Hiện tại, theo như Carl Thayer, chiến thuật bất đối xứng của Việt Nam nhắm vào Trung Quốc là để ngăn chặn không cho Bắc Kinh triển khai các tàu chiến của mình trong trường hợp có xung đột cường độ thấp xảy ra. Ở đây có nghĩa là việc triển khai tàu chiến để bảo vệ các tàu bán vũ trang bao vây các đảo của Việt Nam. Các hệ thống vũ khí “bất đối xứng” khiến cho các hoạt động của hải quân Trung Quốc sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm trong khoảng cách 200-300 hải lý tính từ đường bờ biển dài của Việt Nam.

Các tin vắn quốc phòng đáng chú ý

Tàu buồm huấn luyện Lê Quý Đôn đã cập cảng Cam Ranh vào cuối tháng một, thực hiện chuyến hải trình dài nhất mà một tàu hải quân Việt Nam thực hiện được. Khởi hành từ cảng Gdansk của Ba Lan, tàu Lê Quý Đôn đã từ biển Baltic băng qua Đại Tây Dương, qua kênh đào Panama sang Thái Bình Dương để về Nha Trang. Tàu đã đi tổng cộng 120 ngày và vượt qua 18.000 hải lý. Đây sẽ là chiếc tàu chuyên thực hiện nhiệm vụ huấn luyện cho các thuỷ thủ hải quân Việt Nam và là lần đầu tiên hải quân sở hữu một chiếc tàu dạng này.

Hải quân Thái Lan sẽ khởi đóng tàu tuần tra (OPV) thứ hai lớp River. Trong một thoả thuận ký ngày 29 tháng 1, BAE Systems sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trong suốt quá trình đóng con tàu này tại Bangkok. Chiếc tàu dài 90 mét này có khả năng thực hiện nhiều loại nhiệm vụ khác nhau bao gồm tuần tra vùng EEZ và hỗ trợ giảm nhẹ thiên tai. Chiếc đầu tiên HTMS Krabi đã được tiếp nhận vào năm 2013 và cũng được đóng tại Xưởng tàu Mahidol Adulyadej tại Bangkok.

Nhà chức trách Hàn Quốc vào ngày thứ ba nói rằng hai chiếc máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã đi vào vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc tại biển Hoa Đông. Hiện chưa rõ đây là hành động diễn tập thường kỳ hay một hành vi cố ý nhằm khẳng định vùng ADIZ của chính Trung Quốc.

Trung Quốc đã bác bỏ và lên tiếng chỉ trích việc hải quân Mỹ cho tàu chiến USS Curtis Wilbur đi vào vùng 12 hải lý của đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa. Nhiều nguồn thông tin cho rằng hành động lần này của Mỹ có thể không nhắm trực tiếp vào Trung Quốc mà là gửi thông điệp tới Việt Nam và Philippines. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã không phản đối hành động này của Mỹ, và đây có thể được coi là một chỉ dấu cho thấy các nước ASEAN và Mỹ có thể đồng ý về một số cách giải thích căn bản liên quan đến tuần tra chung hoặc quy chế tự do hàng hải tại Biển Đông trong Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN sắp tới.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]