Chủ nghĩa dân tộc (Nationalism)

Europe_Flag_map_by_lg_studio-1024x833

Tác giả: Trần Nam Tiến

Chủ nghĩa dân tộc đề cập đến một hệ tư tưởng, một tình cảm, một hình thức văn hóa, hoặc một phong trào tập trung vào quốc gia hay dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc đã trở thành một trong những động lực chính trị và xã hội quan trọng nhất trong lịch sử. Ở một góc độ khác, chủ nghĩa dân tộc là xu hướng tư tưởng tuyệt đối hóa giá trị dân tộc mình, đặt dân tộc mình ở vị trí cao nhất trong toàn bộ hệ thống giá trị, đi đến chỗ khoa trương, bài ngoại, tự phụ, coi dân tộc mình cao hơn tất cả và gây thiệt hại cho dân tộc khác. Nó đã giữ vai trò ảnh hưởng chính hay nguyên nhân của chiến tranh, cụ thể nhất là cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) và Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945). Tất cả đều liên quan đến những tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cực đoan.

Nhà dân tộc học người Mỹ Louis Snyder cho rằng chủ nghĩa dân tộc là trào lưu chính trị bắt nguồn từ Cách mạng tư sản Pháp vào nửa sau thế kỷ 18. Sau cách mạng tư sản Anh, Pháp và cuộc chiến tranh giành độc lập ở 13 bang thuộc địa Bắc Mỹ, các “quốc gia dân tộc” (nation-state) lần lượt ra đời ở khu vực này. Thần quyền của giáo hội và vương quyền phong kiến được thay thế bằng “chủ quyền nhân dân” (theo khuôn khổ của pháp quyền tư sản). Từ đó, sản sinh tư tưởng tôn sùng dân tộc mình và quốc gia dân tộc mình. Vì vậy, nhà dân tộc học George Gooch đã nói rằng “chủ nghĩa dân tộc là con đẻ của Đại cách mạng Pháp”. Chủ nghĩa dân tộc tư sản còn đi đến chỗ bành trướng và xâm lược khắp nơi trên thế giới. Giai cấp tư sản nắm quyền thống trị ở Tây Âu lúc ấy cho rằng họ có quyền mở rộng quyền thống trị của mình để khai hóa các dân tộc khác. Đối mặt với cuộc xâm lược của chủ nghĩa dân tộc tư sản Tây Âu, nhân dân các nước Châu Á, Châu Phi và Mỹ Latinh đã anh dũng đấu tranh chống xâm lược, bảo vệ độc lập dân tộc. Phong trào giải phóng dân tộc vì vậy đã phát triển mạnh mẽ trong thế kỷ 20, điển hình là hai cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Về nguồn gốc khái niệm “dân tộc”, theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, trong tiếng Hán cổ không có từ “dân tộc”. Từ này thực tế được du nhập từ Nhật Bản. Năm 1899, Lương Khải Siêu là người Trung Quốc đầu tiên đã sử dụng từ “dân tộc” trong bài viết của mình. Năm 1905, Tôn Trung Sơn bắt đầu nói về “dân tộc”. Từ đó, người Trung Quốc mới dần dần làm quen với khái niệm này. Theo các tác giả cuốn Tân thư, từ “dân tộc” có thể được các nhà Đông du Việt Nam như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh du nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Tuy có những điểm chú trọng khác nhau, song phần lớn các nhà nghiên cứu theo khuynh hướng dân chủ tư sản đều cho rằng chủ nghĩa dân tộc bắt nguồn từ quá trình thế tục hóa tư tưởng chính trị do thời Phục Hưng và thời Khai Sáng sinh ra, từ quan điểm quân bình của chủ nghĩa tự do và từ khái niệm về chủ nghĩa cộng hòa và quyền công dân phổ biến qua các làn sóng cách mạng ở Mỹ và Pháp trong thế kỷ 18.

Trong khi đó, những người theo chủ nghĩa xã hội khoa học cho rằng chủ nghĩa dân tộc là hệ tư tưởng tư sản được thể hiện trong quan hệ dân tộc, là xu hướng chính trị tư sản trong việc giải quyết các vấn đề dân tộc. Sau khi giai cấp tư sản thực thi chủ nghĩa thực dân và xâm lược các dân tộc khác, chủ nghĩa dân tộc biểu hiện dưới hai hình thức: chủ nghĩa dân tộc nước lớn hoặc còn gọi là chủ nghĩa sô-vanh nước lớn, và chủ nghĩa dân tộc địa phương. Chủ nghĩa dân tộc của các dân tộc bị áp bức, đấu tranh chống thực dân, giành và bảo vệ độc lập dân tộc mang ý nghĩa tích cực và tiến bộ. Nhưng đáng chú ý, người ta không gọi đó là chủ nghĩa dân tộc, mà gọi là tinh thần dân tộc, ý thức dân tộc. Đó cũng chính là chủ nghĩa yêu nước. Chủ nghĩa yêu nước là đặc trưng cơ bản của cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức chống thực dân đế quốc, giành độc lập dân tộc.

Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945), việc nghiên cứu chủ nghĩa dân tộc nhìn chung bị lu mờ, đặc biệt là ở Châu Âu do liên quan đến sự phát triển của chủ nghĩa Phát xít. Ở các nước Đông Âu, các quốc gia mới thành lập đều chịu ảnh hưởng bởi Liên Xô nên phần lớn đều đi theo khái niệm chủ nghĩa quốc tế vô sản. Ở Tây Âu, dưới sự chi phối của Mỹ, các thể chế được lập ra theo hướng tiến tới một Cộng đồng châu Âu được coi là một siêu quốc gia (super-nation). Vì vậy, mặc dù các phong trào dân tộc chống thực dân đang có bước phát triển mạnh hơn bao giờ hết ở Châu Á và Châu Phi, người ta vẫn coi chúng như là biểu hiện của sự lạc hậu ở các khu vực này và cho rằng chủ nghĩa dân tộc đang trong quá trình bị thay thế về mặt lịch sử ở Châu Âu văn minh.

Từ cuối thập niên 1970, chủ nghĩa dân tộc lại trỗi dậy trên phạm vi toàn cầu. Do đa số các quốc gia là đa sắc tộc hoặc có nhiều nhóm tự nhận vị thế quốc gia, trong nhiều trường hợp, sự theo đuổi quyền tự chủ mang tính dân tộc chủ nghĩa đã gây ra xung đột giữa nhân dân và nhà nước, trong đó có chiến tranh (cả nội chiến và ngoại chiến). Ở nhiều nơi, chủ nghĩa dân tộc đã biến tướng thành chủ nghĩa ly khai, gây ra hàng loạt cuộc xung đột sắc tộc, và trong những trường hợp cực đoan là diệt chủng, như vấn đề người Hutu và người Tutsi ở Rwanda; người Tamil ở Sri Lanka; người Sikh ở Ấn Độ; người Kurd ở Iraq; Iran và Thổ Nhĩ Kỳ; người Moro ở Philippines, hay giữa người Serbia và người Bosnia ở Nam Tư cũ.

Đặc biệt, xung đột sắc tộc trở thành căn bệnh trầm trọng ở nhiều nước Châu Phi. Liên bang Nga hiện nay cũng đang đối mặt với hàng loạt vấn đề mâu thuẫn và xung đột dân tộc, mà điển hình là vấn đề Chesnia. Chủ nghĩa dân tộc ly khai Chesnia đã được thúc đẩy dưới hình thức chủ nghĩa khủng bố. Chủ nghĩa dân tộc ly khai cũng đang dâng cao ở các nước phương Tây, điển hình như vấn đề Bắc Ireland ở Liên hiệp Vương quốc Anh hay xứ Basque ở Tây Ban Nha.

Từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay, hiện tượng chủ nghĩa dân tộc nổi lên gắn liền với xu hướng phục hồi của tôn giáo, tư tưởng bài ngoại, trào lưu chống chủ nghĩa xã hội và âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực phản động phương Tây. Bên cạnh đó, các thế lực chủ nghĩa ly khai dân tộc cũng ngày càng lớn mạnh ở mức độ khác nhau, hình thành nên các thế lực chính trị và lực lượng quân sự, thông qua các cơ chế dân chủ phương Tây hoặc hoạt động khủng bố thông qua bạo lực nhằm mở rộng chủ nghĩa ly khai, thực hiện quyền dân tộctự quyết, thành lập nhà nước độc lập. Tất cả các nhân tố đó kết hợp với nhau đang tạo nên một cục diện phức tạp và không ổn định không chỉ trong nội bộ nhiều nước mà còn đe dọa nghiêm trọng nền an ninh và ổn định thế giới.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).